Nói đến anh Nguyễn Tử Quảng, giới tin học Việt Nam và thế giới đều biết, đó là tác giả của phần mềm nổi tiếng BKAV chống virus trên máy tính, học trò giỏi của thầy Quách Tuấn Ngọc, Đại học Bách Khoa Hà nội. Công ty quản trị mạng BKIS do anh thành lập nổi đình đám, tìm ra nhiều tội phạm tin học, kẻ phát tán virus. Người ta cho anh là khắc tinh của hacker. Dạo này anh Quảng húi trọc đầu, trông rất giống các nhân viên FBI (Cục Điều tra Liên Bang) của Mỹ.
Em Bùi Minh Trí thì ít người biết hơn. Còn nhớ ngày 27-11-2006, cậu học sinh 17 tuổi, lớp 12 ở Vĩnh Long khi đó, đã dám thay ảnh Bộ trưởng Bộ Giáo Dục trên trang web của chính Bộ này. Báo chí rùm beng, dư luận khen chê đủ kiểu. “Thiên tài” IT này đã báo cho VDC và cả chủ trang mạng www.moet.gov.vn (Bộ GD ĐT), biết là trang web có lỗ hổng, nếu không “vá lỗi” thì dễ bị tấn công.
Tuy nhiên, chả ai để ý đến “lời nói gió thoảng bay”, Minh Trí tự tiện thay ảnh bác Nguyễn Thiện Nhân bằng một thanh niên cởi trần để chứng tỏ mình là “thần đồng” tin học. Em bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng và kể cũng xứng đáng. Ở nước khác có khi bị vào tù vì dám tấn công cả máy chủ của một Bộ quan trọng như Bộ Giáo dục.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục cũng không vô can, dậy học sinh không đến nơi đến chốn, để chúng quay lại “đâm” vào lưng mình.
Anh Tử Quảng viết trên báo Dân Trí sau đó “Với tư cách là những người trực tiếp tham gia điều tra, sau khi đã trao đổi, thống nhất với Phòng Đấu tranh và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C15 – Bộ Công an), chúng tôi thấy cần phải cung cấp một số thông tin của quá trình điều tra”. Và hùng hồn kết luận “Chúng tôi đề nghị cần phải xử lý nghiêm trường hợp của Bùi Minh Trí để làm gương, điều này sẽ tốt cho chính cậu ta cũng như cho xã hội nói chung”.
Mấy tuần nay, giới tin học lại nóng lên sau ngày 12/7/2009 khi BKIS thông báo trên trang web của mình, rằng BKIS đã tìm ra “thủ phạm” (hai máy chủ đặt tại Anh) tấn công vào mạng máy tính Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu từ ngày quốc khánh Mỹ 4-7-2009. Báo chí thế giới và trong nước đồng loạt đưa tin về “thành tích” này.
Tuy nhiên, ngày16/7/2009, CERT(Trung tâm ứng cứu khẩn cấp) của Việt Nam đã có công văn gửi Đại học Bách Khoa Hà Nội rằng CERT của Hàn Quốc yêu cầu BKIS cải chính thông báo của mình. Công văn của CERT Việt Nam có đoạn: “Việc BKIS thừa nhận tấn công và chiếm quyền điều khiển hai server (máy chủ) để tiến hành phân tích là vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam và quốc tế. Cách BKIS công bố thông tin khiến công chúng hiểu rằng BKIS thực hiện các hành vi tấn công trái pháp luật và đồng thời gây nhầm lẫn là CERT Hàn Quốc và CERT Châu Á Thái Bình Dương cũng tham gia vào các hành vi phạm pháp này”. Và CERT Việt Nam đã yêu cầu Đại học Bách khoa báo cáo.
Việc BKIS tìm ra server nào tấn công vào Mỹ và Hàn Quốc thì nhiều người tin hoàn toàn có thật. Cũng như người ta tin em Minh Trí đã “rất tài” khi hạ ảnh của Bộ Trưởng xuống. Người Việt Nam rất khá đoạn mầy mò tìm hiểu. Về soi từng byte bit rất tỉ mỷ thì nhất thế giới. Nhiều người đang làm lại Silicon Valley về IT, hưởng lương triệu phú, cũng từ gốc Việt mà ra. Chỉ có điều, dân Việt Nam hay vô kỷ luật, pháp luật hay bị xem thường từ trên xuống.
Anh Tử Quảng từng dậy đàn em Minh Trí về cách hành xử trên mạng thế nào cho đúng. Nhưng hôm nay, dường như anh lại mắc phải chính lỗi này. Dù bên Hàn Quốc hay Mỹ kêu gọi khẩn thiết giúp đỡ, nhưng không có nghĩa là họ yêu cầu BKIS đột nhập vào một server nào cụ thể. Làm như thế là phạm luật. Có quốc gia cứ lặng lẽ theo dõi, đợi người BKIS sang chơi là họ bắt vô trại giam vì đã vi phạm luật mấy năm trước, ai mà biết được.
Minh Trí còn biết cảnh báo trước cho VDC hay để lại dấu vết trên MOET là “tôi tấn công đó, nếu không khóa cửa”. Anh Tử Quảng thì không báo trước cho phía bạn mà “tiền trảm hậu tấu”, nổi tiếng cái đã.
Nếu ở địa vị BKIS thì kẻ khôn ranh khác có thể kiếm bộn tiền một cách nhanh chóng. Chỉ cần một luật sư, vài trao đổi email và ra giá cho bên bị tấn công, rằng BKIS biết cái gót chân Asin vụ này ở đâu, nếu tìm ra thì được bao nhiêu. Người ta đang bí thì chuyện kiếm tiền bằng trí tuệ rất dễ. Toàn cầu hóa đừng nghĩ chuyện nhân nghĩa hay hiệp sỹ nếu không có tiền.
Đằng này BKIS lại bô bô trên mạng để rồi kẻ tấn công chuồn mất, người bị hack lên án BKIS. Tiền mất tật mang. Rồi đây còn nhiều bài báo giải phẫu vụ này.
Viết vui thế thôi, mong anh Tử Quảng hãy bình tĩnh trong những vụ sau. Nhóm anh rất giỏi và nổi tiếng, anh từng được phong là hiệp sỹ công nghệ thông tin, thỉnh thoảng lên báo hay xuất hiện trên tivi, rất được bạn trẻ mến mộ. Khi đã thuộc vào người của công chúng thì cuộc sống trở nên khó khăn hơn, đành phải kiềm chế, nhất là khi phát biểu với báo giới hay dậy dỗ lớp đàn em.
Anh Tử Quảng từng đe nẹt lớp trẻ như Minh Trí thì chính mình cũng nên làm gương cho chúng. Không hiểu khi đọc tin này về BKIS thì Minh Trí – bây giờ là một thanh niên 20 tuổi – nghĩ gì đây. Nhưng anh Tử Quảng và nhóm BKIS cũng đừng vì thế mà buồn, các em xinh đẹp con nhà gia giáo sợ anh xuống tóc nữa thì hỏng .
Nói một đằng làm một nẻo ở nơi khác còn kinh khủng hơn. Vừa đứng trên bục hội trường giảng giải về đạo đức hay lối sống thời đại vừa cầm phong bì tiền hối lội ghê sợ hơn nhiều so với việc dọa trẻ vị thành niên hay đám trẻ tìm cách tự đánh bóng mình.
Có lẽ ai cũng mong, lớp tin học tài năng trẻ như anh Tử Quảng, nhóm BKIS và cả Minh Trí hy vọng nay đã “hối cải” sau khi “chót dại” cởi trần đòi làm Bộ trưởng trên trang web, tiếp tục mang trí tuệ ra phục vụ, đóng góp lớn cho nền tin học nước nhà, giúp dân ta thoát nghèo. Nếu tìm hiểu thêm về thế giới bên ngoài và hành xử cho đúng chuẩn mực quốc tế, đó là điều may mắn hơn nữa cho dân tộc này.
Quẩn quanh cái ao làng Tin học Việt Nam, dù tài giỏi đến đâu và tìm mọi cách nổi tiếng hay dọa nạt người yếu sau lũy tre mà không hiểu về thế giới phẳng thì khó mà được thừa nhận, đôi khi bị vạ lây hoặc bị bạn bè quốc tế nhìn bằng nửa con mắt. Đó mới thực sự là uổng phí chất xám và nguyên khí quốc gia.
dangtiendungnauy wrote on Jul 26 Tôi chỉ tiếc là những người có khả năng sao không đi vào con đường bạch đạo để cứu nhân độ thế. Thí dụ như viết ra những bài thật dễ hiểu để giúp bà con dùng mạng không bị đám hacker mắc dịch làm việc cho an ninh mạng đột nhập máy, thí dụ như viết những bài giúp cho người dùng máy hủy những dữ kiện ghi trên CPU (mà đám an ninh mạng hay lấy để điều tra...)... |
1 nhận xét:
baiviet qua hay xin anh quang dung no nua
Đăng nhận xét