Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Linh tinh luận



 

Dạo này lẩn thẩn bỏ mẹ. Tự dưng cứ hay ngồi cãi nhau …với mình. Chắc tại mình có máu phản biện gia truyền, lúc nào cũng phải cãi nhau với ai đó thì ăn cơm mới ngon. Dưng mà mình cãi nhau cũng tốt tính lắm nhá, nhắm cãi nhau không ăn thua mẹ gì là mình bỏ cuộc. Thì cãi nhau là để làm rõ đúng sai, thế mà gặp phải một thằng giá nào cũng cho rằng nó đúng mà ngồi cãi nhau với nó thì có mà khùng luôn. Loại đó thì mình một là chịu thua non cho nó lành, hai là đập cho nó một phát chết luôn, khỏi cãi vả nhau rách việc. Là mình ước thế thôi.

 

Hôm nay mình lại cãi nhau với mình đây. Vốn liếng chữ Hán của mình cũng lổ mổ thôi, nhưng lại hay đem ra vận dụng, mà mình lại hay có những thắc mắc linh tinh lắm cơ. Có lúc mình ngồi loay hoay đi tìm sự khác nhau giữa hai chữ “tri” và “trí”. Cứ nôm na thì những gì mình học biết được là “tri”, còn “trí” ở một tầm cao hơn, nó bao gồm cả biết và khả năng vận dụng những điều mình biết. Thừờng những chứ có dấu sắc là y như rằng nó bay cao, bay xa, chẳng hạn như “thoát”, “biến”, “cút”, “chết”, “mất”, “đá”, “vất”, “dớt”, “nướng”, “tốn”. Những chữ dấu ngã là y như rằng nó lả lơi, mong manh thế nào ấy. Như “đã”, vỡ”, “quỡn”, “đĩ”, “giỡn”, “vãi”…. Còn dấu nặng là hình như cứ phải chìm xuống , làm mình mỏi mệt như “lặn”, “đụng”, “bịnh”, “mệt”, “vợ”, “tội nghiệp”, “lận đận”…Không dấu thì nó rất là “vu vơ”, “lan man”, “lăng quăng”, “vô tư”, “linh tinh”, “phây phây”, “lôm côm”…, nói chung là chả ra sao cả.

 

Trở lại với cái “tri” và “trí”. Ta có người “trí thức”, chứ không có người “tri thức”. Người trí thức sẽ biết cách vận dụng cái tri thức mình có được. Do đó ta có những người ôm đầy một đống bằng cấp, cái thể hiện tri thức , nhưng lại rất…bờm. Thì đầy ra đấy còn gì. Cái vị lãnh đạo phòng giáo dục Ninh thuận ấy chẳng phải là người có tri thức sao ? Nhưng tôi đoan chắc rằng vị này đếch phải là người trí thức. Trí thức cái con tườu gì mà cho giáo viên đeo bảng  “giáo viên chưa chuẩn” lên lớp ? Cái thằng ấy phải quàng vào cổ nó cái bảng “lãnh đạo phòng không chuẩn”, mà phải to vào, để cách xa một cây số người ta biết mà né. Cái loại không chuẩn này nó hay làm những điều không chuẩn lắm. Liệu mà né là vừa. Hay cái ông hiệu trưởng trường đại học Hồng Bàng cũng thế. Mấy em sinh viên trường này năm nay hẵn sẽ phải ngượng lắm khi đeo cái cặp “chuẩn quốc tế” mà ổng thiết kế. Trông không khác gì một cháu học sinh mẫu giáo nhớn. Nên dán sau mông ông này cái bảng “hiệu trưởng không chuẩn”.Photobucket

cặp sinh viên do ông Hùng thiết kế

Một trong những thuộc tính cơ bản của người trí thức là biết ngượng. Giờ thì chán ối nhiều vị trí thức mặt dầy, chả biết ngượng là cái đinh gì, chứ đừng nói đến nhục. Tự nhiên thấy thương cái anh Sầm văn Xương, con yêu râu xanh vùng cao chuyên hái rau non. Khi bị bắt ông ta đã nói “ Tôi thấy nhục như con chó”. Biết nhục thì còn có cơ thành người tốt được. Tội lỗi thì ai chả có lúc yếu lòng phạm phải. Thiên hạ bây giờ cứ nhâu nhâu lên mắng chửi những người xấu. Thường thì đó là cách phản ứng để chứng minh là mình không có tật xấu đó. Xưa rồi. Xã hội ta bây giờ mà cứ nghe nói không thì chết. Miệng thì hô hào liêm chính mà tay thì quơ quào cướp bóc là chuyện không còn là cá biệt nữa rồi.

Nhớ lại câu chuyện xưa trong Kinh Thánh. Khi dân chúng điệu một người phụ nữ làm điếm lại cho Chúa để hỏi Người có nên ném đá cô ta theo luật Do thái không. Tính gài độ mà. Nói không thì vi hiến, nói có thì hóa ra cũng ác độc như mọi người. Chúa bảo : “ Ai trong các ngươi cảm thấy mình vô tội thì cứ ném đá người phụ nữ này đi”. Thế là lần lượt già trước trẻ sau bọn họ cút hết. Khi ngẩng lên không thấy ai Chúa bảo: “Không ai ném đá ngươi sao? Hãy về tu tỉnh làm ăn đi”. Cái thế kỷ thứ nhất này thiên hạ còn tràn trề liêm sĩ đấy, gặp phải bây giờ là cô nhỏ này chết ngắt rồi, mà những kẻ ném đá đầu tiên tôi tin sẽ là những tên tội lỗi đầy mình.

Lan man quá nhỉ ? Trở lại với chữ tri, tức là biết. Có người bảo “ Khôn chết, dại chết, biết sống”. Tôi chả tin. Dương Tu há chẳng vì biết nhiều quá mà chết sớm đó sao. Tôi thì khoái câu này “ “ Không biết mà bảo là mình biết là cái đồ láu cá chó, biết mà bảo là mình biết thì cũng tạm gọi là biết, biết mà cứ vờ như không biết ấy mới là biết vậy”.Biết Ngài nào nói câu đó không ? Tui đó. Nói vậy chứ đạt đến cái trình độ này quả là cực khó, ai lại chẳng muốn khoe khoang là mình uyên bác, biết nhiều hiểu rộng chứ.

Sống đến từng này tuổi tôi chợt nhận ra mình chả biết gì. Không phải tôi giả vờ cao đạo đâu. Không biết thật đấy. Có những cái mình không biết vì mình …không biết. Cũng có những cái mình ngỡ rằng mình biết rõ hóa ra thời gian qua nó lại hóa thành sai lè lè ra. Khổng Tử, vị vạn thế sư biểu có lần thấy học trò mình là Nhan Hồi xúc cơm ăn trước, trong bụng đã có ý khinh. Đến khi dọn cơm lên Nhan Hồi xin được không ăn và xin thầy đừng dùng cơm ấy để cúng vì gió đã thổi bay tro vào nên Nhan Hồi đã hớt lớp cơm phía trên ăn trước rồi. Khổng Tử đã phải than “ Ôi! Những điều ta thấy tận mắt mà còn không đúng thì những gì ta nghe nói chính xác đến đâu ?”

Xin được lấy một câu của Ngài để kết cho cái bài linh tinh luận này “ Vi nhân nan, vi nhân nan”. Làn Người khó thay !

 
ly7777 wrote on Sep 28
anh, vậy chữ mà gắn với dấu huyền thì sao, ex: Hoàng???
hoangguitar wrote on Sep 28
ly7777 said
anh, vậy chữ mà gắn với dấu huyền thì sao, ex: Hoàng???
Ngừ ta đã né ra còn hỏi nữa
kimhoan55 wrote on Sep 28
Chữ gắn với dấu huyền thì rất nhẹ nhàng lãng mạn như thơ nè ! " đàn ", " nàng' , " chàng ", " mềm", " mùi ", " hiền"," sầu", " đời đời ", " bời bời "," ngời ngời "...Có gì đâu mà né. Cái anh này quên dấu huyền mà giả vờ thế đấy ! Đúng là ...lắm chuyện...Hì...Hì...
gioheomay wrote on Sep 28
Chữ gắn với dấu huyền thì rất nhẹ nhàng lãng mạn như thơ nè ! " đàn ", " nàng' , " chàng ", " mềm", " mùi ", " hiền"," sầu", " đời đời ", " bời bời "," ngời ngời "...Có gì đâu mà né. Cái anh này quên dấu huyền mà giả vờ thế đấy ! Đúng là ...lắm chuyện...Hì...Hì...
Bạn mình kể vẫn thiếu nheng ví dụ xời xời, vờ ,dật dờ, đờ , xoàng ,làng nhàng, Hoàng, Hoàn hàhà
gioheomay wrote on Sep 28
"Thừờng những chứ có dấu sắc là y như rằng nó bay cao, bay xa, chẳng hạn như “thoát”, “biến”, “cút”, “chết”, “mất”, “đá”, “vất”, “dớt”, “nướng”, “tốn” "

Còn GIÓ nữa chi !!! Vậy mà quên !

Không có nhận xét nào: