Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Câu chuyện giáo dục ( 2 )




Lại tiếp tục câu chuyện giáo dục, câu chuyện vừa gây sóng gió trong nhà mình. Hôm nay thì êm rồi. Hôm nay ta thử bàn về một chuyện khác : Cái giáo án.

Sau 75 chúng tôi được làm quen với một số khái niệm mới, sủ dụng những công cụ mới. Một trong những cái  đó giáo án. Giáo viên luôn phải tâm niệm rằng giáo án là pháp lệnh. Cái từ nghe đã thấy lạnh rồi. Đã pháp mà lại còn lệnh nữa thì anh chị nào mà không chấp hành thì liệu cái thần hồn. Trước 75 chúng tôi cũng có một sổ soạn bài. Người mới ra trường, chuyên môn còn chưa vững thì sẽ ghi một số nội dung chính để thỉnh thoảng liếc qua mà nhớ trình tự bài giảng, còn đa số chỉ ghi ngày đó tháng đó dạy bài đó. Thế thôi, và cũng chẳng ai kiểm tra xem chúng tôi ghi gì trong sổ ấy. Tự giác thôi.

Nhìn cảnh thầy cô bây giờ tay phấn tay giáo án chợt nhớ lại hồi đó, những thầy cô được hâm mộ nhất lại là những người lên lớp như đi dạo, trong tay không tấc sắt, à quên , không một cuốn sách. Tôi còn nhớ thầy Phan đình Tần dạy môn Địa, một giáo viên tốt nghiệp Sorbone về. Thầy thọc hai tay vào túi lên lớp, cầm viên phấn và chỉ trong năm phút vẽ xong cái bản đồ của vùng đất sắp được học. Sau đó thầy dẫn dắt chúng tôi đi từ nơi này đến nơi khác của một đất nước nào đó. Một giờ học địa lý mà cứ như một giờ học du lịch. Một thầy khác, luật sư, nhà văn Dương Kiền dạy môn công dân giáo dục, một môn khó nuốt , vậy mà thầy truyền đạt cho chúng tôi những khái niệm về lòng tự trọng, về sự tuân thủ luật pháp bằng những câu chuyện đông tây kim cổ, và lũ chúng tôi cứ há hốc ra nghe. Có khi bài giảng của thầy chả dính dáng gì đến bài học, nhưng ý thức công dân dã được thầy truyền thụ cho chúng tôi như thế, không phải qua những lý thuyết khô cứng mà qua những câu chuyện sinh động và cảm động. Thử hỏi dạy về sự biết ơn thầy cô thì có cách giảng nào hay hơn là kể câu chuyện về ông Carnot về thăm thầy ? Lũ chúng tôi có đứa rơm rớm nước mắt sau giờ học. Dạy về lòng yêu nước thì câu chuyện về "Chú bé đánh trống", "Em bé trinh sát" hoặc "Lòng yêu nước của cậu bé thành Padova" của Amicis. Các cậu chẳng giết ai, chẳng đặt bom, đốt khó xăng hay ám sát một kẻ địch nào, nhưng lòng yêu nước thì cứ vằng vặc như sao Khuê. Chúng tôi thấm được điều đó qua những tấm gương chứ không phải qua những câu khẩu hiệu, những điều “phải” làm.Một thầy khác, thầy Dự dạy Văn. Có khi gặp một bài thơ hay thầy bình đến ba buổi học liền, có bài thầy chỉ bảo về nhà đọc. Và nhiều thầy cô khác nữa. Tất cả những thầy cô đó mà lên lớp bây giờ thì chắc chắn sẽ bị xếp loại từ yếu đến…rất yếu. Cá gì tôi cũng cá hết á.

Thế là hồi đó chúng tôi phải soạn giáo án. Lúc đầu căng nhất là phải xác định cái yêu cầu tư tưởng cho bài giảng. Có những bài, nhất là bài văn thì cái yêu cầu tư tưởng nó cứ lồ lộ ra đó. Nhưng có những bài khác, toán, vật lý, hay anh văn chẳng hạn, moi ra cho được cái yêu cầu tư tưởng quả thật muốn đứt hơi. Rồi lại còn cái bước giới thiệu bài cũng nan giải. Có câu chuyện buồn cười thế này : Các em học bài “Hôm qua em mơ…”. Cô giáo bèn hỏi : “Hôm qua các em mơ thấy gì?”. Trăm phần trăm các em giơ tay, và chắc chắn là muôn người như một đều có một câu trả lời thống nhất :”Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Bố khỉ! Mới tí tuổi đầu mà đã mơ với mộng, mà lại mơ giống nhau. Đúng là giấc mơ của những con rô bốt được lập trình. Sự giả dối được hình thành một cách nhẹ nhàng  và khéo léo từ những câu hỏi và trả lời như thế đấy.

Đã có giáo án thì phải tuân theo giáo án. Có một lần tôi xem một giáo án mẫu. Cô giáo ngoài việc ghi chép những gì sẽ giảng còn cẩn thận ghi chú những động tác sẽ làm như : viết bảng, đi xuống giữa lớp, ngồi xuống, gọi hai em phát biểu…Một kịch bản sân khấu cũng không thể tỉ mỉ hơn. Mà đúng là một sân khấu. Cô giáo không phải dạy mà đang diễn. Thành ra mỗi khi thao giảng là phải diễn tập trước là thế. Chứ không giả dụ tính kêu hai em trả lời mà nó ấp úng  cả thì cháy giáo án như không. Và do đó, cách dạy theo lối này triệt tiêu hoàn toàn những thắc mắc của học sinh, đơn giản chỉ vì nó …không có trong giáo án. Còn nếu học sinh có thắc mắc thì thắc mắc này cũng đã được bố trí sẵn trong giáo án. Thầy cô và học trò cùng diễn. Lòng tôn kính thầy cô cứ giảm dần qua những vở kịch mà cả hai bên cùng diễn như thế.

Một điều thậm vô lý nữa là một giờ dạy dù hay đến mấy mà nếu kéo dài quá thời gian của một giờ học vài phút sẽ bị coi là cháy giáo án. Giáo án mà cháy là coi như vứt đi. Bi thảm thế đấy. Một giáo án dù mẫu mực đến mấy cũng không thể đem dạy cho tất cả các lớp được. Có lớp giỏi lớp yếu. chúng ta đang dạy cho những con người với những mức độ tiếp thu khác nhau, làm sao có thể có một khuôn mẫu chung được?

Gần đây lại có giáo án điện tử. Lại thêm một mối lo cho các thầy cô nữa đây. Chả hiểu một bài giảng điện tử nó có thổi được hồn của một bài thơ hay vào trong tâm hồn các em không, nhưng vất vả cho thầy cô thì thấy được ngay trước mắt.Sân khấu vẫn như xưa, có khác chăng là bây giờ nó được thêm cái máy tính.

Tôi bây giờ vẫn còn dạy, nhưng không phải kè kè giáo án. Lên lớp hỏi học sinh:”Hôm trước thầy dạy đến đâu mấy em?” Rồi cứ thế mà tiếp tục. Chỉ nhiêu đó thôi tôi cũng thấy tôi đang hạnh phúc hơn các đồng nghiệp của tôi đang ngày ngày vật lộn cùng giáo án. Hay hôm nào thử đề nghi với ông Nguyễn thiện Nhân phát động phong trào “Nói không với giáo án “ nhỉ ? Biết đâu nhân một lúc lơ đãng vì đang lo nói không với nhiều thứ quá ngài lại gật đầu thì giáo viên nhà ta sẽ được cởi trói khỏi những cái lằng nhằng vô bổ để tập trung vào việc dạy cho tốt. Thiện tai !



36 Comments
chieuhan wrote on Aug 2
Bữa nay mới rảnh vô đọc anh H, anh viết hay wá.
minhphuc01 wrote on Aug 2
Câu chuyện về một sự thật khá ... phũ phàng ^-^
ngocyen054 wrote on Aug 2
Hồi ấy mình lên lớp thường xuyên không có giáo án. Vì thiếu gv nên đứng luôn 2 lớp. Vậy mà hs vẫn không bị rớt kiến thức hoặc thua kém lớp khác. Mỗi lần đến đợt kiểm tra hoặc thanh tra, mình thức trắng mấy đêm liền để viết lại. Bơ phờ, hốc hác, nhưng bù lại, được trình làng là...giáo án trình bày gọn gàng, đẹp, và ...
Mình nghĩ lại vẫn còn thấy sợ những lần như vậy.

Bây giờ chắc khác rồi.
gioheomay wrote on Aug 2
Anh có tin có phần giới thiệu bài như vầy không :
1/ Trong nông nghiệp chúng ta có rất nhiều loại phân :phân lân , phân Kali , phân xanh , phân bắc , phân chuồng...trong toán học chúng ta có 1 loại phân đó là phân số . Hôm nay chúng ta học Khái niệm về phân số !!!!

@/Trong nhà , đôi đũa cả là đôi đũa như thế nào mấy em? (sau khi HS trả lời đó là đôi đũa lớn hơn các đôi đũa khác ) Cô bèn tiếp : Vậy một vùng nước bao la rộng lớn người ta gọi là Biển cả ...hôm nay chúng ta học Từ ngữ về chủ đề Biển cả .

Em có hàng lô hàng lốc những mẫu giơi thiệu bài như thế khi được đi dự giờ . Nhiều lúc muốn xỉu ngay lúc ấy .
Thế đấy , đó là nỗi đau lòng . Giáo dục ta thất bại ngay trong công tác đào tạo đã thế lại trọng hình thức ...từ đó Giáo án chỉ là cái cớ để lừa nhau , chỉ là cái bông hoa giả để "dán áo" cho qua thôi .

Anh cũng làm em nhớ những người thầy mình ..Thật nhớ !
hoangguitar wrote on Aug 2
Anh có tin có phần giới thiệu bài như vầy không :
1/ Trong nông nghiệp chúng ta có rất nhiều loại phân :phân lân , phân Kali , phân xanh , phân bắc , phân chuồng...trong toán học chúng ta có 1 loại phân đó là phân số . Hôm nay chúng ta học Khái niệm về phân số !!!!

@/Trong nhà , đôi đũa cả là đôi đũa như thế nào mấy em? (sau khi HS trả lời đó là đôi đũa lớn hơn các đôi đũa khác ) Cô bèn tiếp : Vậy một vùng nước bao la rộng lớn người ta gọi là Biển cả ...hôm nay chúng ta học Từ ngữ về chủ đề Biển cả .

Em có hàng lô hàng lốc những mẫu giơi thiệu bài như thế khi được đi dự giờ . Nhiều lúc muốn xỉu ngay lúc ấy .
Thế đấy , đó là nỗi đau lòng . Giáo dục ta thất bại ngay trong công tác đào tạo đã thế lại trọng hình thức ...từ đó Giáo án chỉ là cái cớ để lừa nhau , chỉ là cái bông hoa giả để "dán áo" cho qua thôi .

Anh cũng làm em nhớ những người thầy mình ..Thật nhớ !
Có lẽ sưu tầm những đoạn giới thiệu bài như thế ta lại có một tuyển tập chuyện cười mà Azit Nexin đọc cũng ngã mũ chào
vphu0ng wrote on Aug 2
@/Trong nhà , đôi đũa cả là đôi đũa như thế nào mấy em? (sau khi HS trả lời đó là đôi đũa lớn hơn các đôi đũa khác ) Cô bèn tiếp : Vậy một vùng nước bao la rộng lớn người ta gọi là Biển cả ...hôm nay chúng ta học Từ ngữ về chủ đề Biển cả
May cho em , 5 năm trước em tìm sách học văn và ngữ pháp tiếng Việt , không gặp phải bài giảng này . Nếu gặp , chắc em khỏi học . Có nhiều tiếng địa phương không gọi đôi đũa Cả , mà gọi đũa Cái . Vậy chắc vùng đó phải dạy từ Biển cái , không dạy từ Biển cả được .
tocmai wrote on Aug 2
Vào nghe để học hỏi và nhớ lại các thầy cô đã dạy em cấp 1 , 2 , 3 thật là tội nghiệp!
Sao em không thấy Câu Chuyện Giáo Dục (1) hở anh Hoàng ?, chắc là bị kiểm duyệt không cho đăng ?
gioheomay wrote on Aug 2
vphu0ng said
@/Trong nhà , đôi đũa cả là đôi đũa như thế nào mấy em? (sau khi HS trả lời đó là đôi đũa lớn hơn các đôi đũa khác ) Cô bèn tiếp : Vậy một vùng nước bao la rộng lớn người ta gọi là Biển cả ...hôm nay chúng ta học Từ ngữ về chủ đề Biển cả
May cho em , 5 năm trước em tìm sách học văn và ngữ pháp tiếng Việt , không gặp phải bài giảng này . Nếu gặp , chắc em khỏi học . Có nhiều tiếng địa phương không gọi đôi đũa Cả , mà gọi đũa Cái . Vậy chắc vùng đó phải dạy từ Biển cái , không dạy từ Biển cả được .
hà hà ...vậy thì anh cả, chị cả ,vợ cả còn được gọi là : anh cái , chị cái , vợ cái ..!
vphu0ng wrote on Aug 2
Hoàng thái tử Cảnh con của Đức Gia Long , trong miền Nam kỵ húy nên gọi trại ra là Hoàng Tử Cả . Sau này tất cả chử Cảnh được đổi thành chử Kiểng . ( Cây cảnh = cây kiểng , cảnh vật = kiểng vật ) . Nếu vậy khi học về Hoàng tử Cả , chắc phải học hoàng tử Cái theo tiếng địa phương đôi đũa Cái , biển cái quá .
nguyenyenson wrote on Aug 2
Anh Hoàng viết bài này thiệt hay và chính xác!
May cho tôi là chỉ học dưới trào "cách mạng" chỉ có 4 năm, nên đa phần thầy cô dạy thuộc chế độ củ được trưng dụng lại, cách dạy cũng không phụ thuộc vào giáo án lắm. Đến lớp đàn em của tôi thì...ôi thôi...!
@một góp ý nhỏ, anh Hoàng chịu khó edit lại lỗi type (như thiếu dấu), kẻo bà con vô coi sẻ nói: "Ông thầy này giỏi nhưng...hơi ẩu :)" đó nha.
thelastsamurais wrote on Aug 2
giáo án chắc là công cụ để quản lý nhà giáo anh Hoàng nhỉ...
hoangguitar wrote on Aug 2
Anh Hoàng viết bài này thiệt hay và chính xác!
May cho tôi là chỉ học dưới trào "cách mạng" chỉ có 4 năm, nên đa phần thầy cô dạy thuộc chế độ củ được trưng dụng lại, cách dạy cũng không phụ thuộc vào giáo án lắm. Đến lớp đàn em của tôi thì...ôi thôi...!
@một góp ý nhỏ, anh Hoàng chịu khó edit lại lỗi type (như thiếu dấu), kẻo bà con vô coi sẻ nói: "Ông thầy này giỏi nhưng...hơi ẩu :)" đó nha.
Cảm ơn anh, sẽ cẩn thận hơn. Nhưng "ẩu" là dấu hiệu của thiên tài đó nhen. hà hà
trangluong wrote on Aug 2
Thêm cho anh mẩu chuyện hoàn toàn có thật về phương cách Giới thiệu bài giảng .

Em dạy Sinh Hoá lớp 8 và 9 , có lần đi dự giờ Hoá nghe đuợc thầy hỏi lớp :
1./ Hôm nay trời mưa hay nắng các em? ( nghe như Nguyên Sa hỏi mưa nhiều hay rất nắng) Mưa hay nắng cũng cần được che đầu bằng 1 thứ gọi là dù hay Ô , hôm nay chúng ta học về Ô -xy !
Hic !

2./ Giờ Sinh Vật lớp 9 Cơ thể học :
Thầy : Huế kinh đô cũ cúa nước ta còn gọi là đất thần kinh , hôm nay chúng ta sẽ học về Hệ Thống Thần Kinh của cơ thể ! (???!!)
.....

3./ Năm đó trường đi thi Hội Giảng Giáo viên dạy giỏi , em lò mò vào lớp Văn 9 cúa cô bạn khối văn để ủng hộ gà nhà , cô dạy bài Tắt Đèn cúa NTT, khi kết thúc bài cũng là lúc cô xong tiết giảng , em thật thích thú nghe nàng nói " tiếng trống ngày xưa khi nghe thì nông dân lo sợ vì là tiếng trống thúc thuế nhưng hôm nay nghe tiếng trống thì cô rất vui mà tuyên bố là tiết hoc hôm nay kết thúc "
hihì , và đó là kỷ niệm cái thời cầm phấn mà em nhớ hoài !

--------------------------
@ anh Hoang : Thầy Dương Kiền của anh hiện đang sống ở Na Uy , các con đều thành đạt , D Kim khá giỏi về văn chương VN và dịch 1 số sách truyện tiếng Na Uy sang Việt ngữ !
hoangguitar wrote on Aug 2
giáo án chắc là công cụ để quản lý nhà giáo anh Hoàng nhỉ...
Giáo án là cái ...án treo mà thầy giáo phải mang cho đến ngày giải nghệ
hoangguitar wrote on Aug 2
@trangluong : đọc mấy cái ví dụ của em mà anh cười muốn té ghế luôn. Nghề ta có nhiều chuyện vui như thế bảo sao ta không yêu nghề được nhỉ. há há
trangluong wrote on Aug 2
Phương cách sư phạm Giới thiệu Bài Giảng bắt buộc đi từng bước của Giáo Án tụi em hoc trong Sư Phạm đó anh , và chuyện hoàn toàn có thật bên khối Tự Nhiên của trường á ! hic
professionalrat wrote on Aug 2
hé hé, như cháu đêy bác ạ, cô giáo dạy văn vào chả giảng gì, nói chiện hay chửi cho hết tiết rồi...zọt !
hum đi thi, hỏi cái câu cổ k dạy, cả lớp điêu đứng :((
GV dạy gì mà tối ngày mắt k nhìn bảng, k nhìn hs mà nhin...đồng hồ. Cháy giáo áo là...tuột hạng :((
bachduong761 wrote on Aug 2
Em thì nhớ hồi nhỏ học bài anh trỗi đặt bom ở cầu Công Lý sách giáo khoa vẽ cái cầu Công Lý y hết cái Cầu Long Biên. Khi vào SG đi qua cầu Công Lý mới phát hiện ra rằng hồi nhỏ mình bị lừa haha cái gì chứ cái này nhớ dai dễ sợ.
huynhsuhuynh wrote on Aug 2
Hiện nay vẫn còn có những thầy giáo dạy không cần giáo án,
như KTS Nguyễn Tài My - Giảng viên trường ĐH Bách Khoa Tp.CM,
như thầy Phan An dạy môn văn trường PTTH Gò Vấp - thầy mà đã hòan tất các thủ tục phấn đầu vào đảng, đến khi chi bộ quyết định kết nạp thì thầy quyết định không vào vì đảng không còn xứng đáng với thầy nữa (thầy đã nghỉ hưu)............
thelastsamurais wrote on Aug 2, edited on Aug 2
Hiện nay vẫn còn có những thầy giáo dạy không cần giáo án,
như KTS Nguyễn Tài My - Giảng viên trường ĐH Bách Khoa Tp.CM,
như thầy Phan An dạy môn văn trường PTTH Gò Vấp - thầy mà đã hòan tất các thủ tục phấn đầu vào đảng, đến khi chi bộ quyết định kết nạp thì thầy quyết định không vào vì đảng không còn xứng đáng với thầy nữa (thầy đã nghỉ hưu)............
em thích câu:

"đến khi chi bộ quyết định kết nạp thì thầy quyết định không vào vì đảng không còn xứng đáng với thầy nữa"
huynhsuhuynh wrote on Aug 2
Blog Tacke khỏang từ đầu năm đến nay post rất nhiều bài viết ngắn của Phan An, không biết có phải là thầy Phan An nói trên không?
thelastsamurais wrote on Aug 2
ồ, hóa ra là có khả năng liên quan đến thầy Phan An đây ạ? Anh thử hỏi tacke xem sao đi ^^
huynhsuhuynh wrote on Aug 2
Có hỏi rồi nhưng Tacke im lặng ....
hoangguitar wrote on Aug 2
Tacke đang lột da...
thelastsamurais wrote on Aug 2
em hỏi thử xem sao ^^
thelastsamurais wrote on Aug 2
không phải sư huynh ạ. ^^

hơi tiếc :D
hongdwc wrote on Aug 2
Có soạn giáo án nhưng không dự trù các tình huống
Sự cố giáo án:
Lớp Mầm.
Tựa bài: Cái chăn bông.
Mục đích yêu cầu: Giới thiệu tên gọi và công dụng các loại chăn, đồng thời khuyến khích giữ gìn vệ sinh chăn màn (không phải răng miệng)
Phương pháp: vấn đáp gợi mở
Tình huống xảy ra trên lớp (tình cờ bị dự giờ đột xuất):
Cô (nhập đề): Cô hỏi Cún nha. Tối hôm qua khi đi ngủ con thấy trên mình má con là cái gì?
Cún: Thưa cô, trên mình má con là... ba con.
Cô (đỏ mặt nhưng ráng giữ bình tĩnh, vớt vát, hy vọng): ờ thế... trên mình ba con là cái gì?
Cún: Thưa cô, trên mình ba con là... hai cái chân của má con.
Cô (điên tiết): Thế... cái chăn nó đâu rồi.
Cún: (tỉnh bơ) Thưa cô, cái chăn rớt dưới đất ạ.

(Bố mẹ thằng Cún này điên thật, nó lớn rồi mà cứ cho ngủ chung phòng.)

Nếu bị kiểm duyệt, tớ sẽ đăng bên bác Giáo Già
hoangguitar wrote on Aug 2
Hà hà! Cười rớt răng luôn á.
vphu0ng wrote on Aug 2
Hôm nay Cô dạy các con vẽ trái tim nhé . Trái tim vẽ như vầy nè .... như vầy nè ... . Cô giáo vẽ trái tim thật xinh xắn lên bảng đen .
Bé Na giơ tay hỏi Cô giáo
Thưa cô , trái tim của Cô sao thiếu hai cái chân
Cô giáo ngạc nhiên
Sao trái tim lại có hai chân ? Bé Na nhìn thấy ở đâu ?
_Dạ thưa Cô , đêm qua em nghe ba em nói với má em Trái tim ngọt ngào của anh ơi , em hãy dang hai chân ra nào . ( Sweat heart >> mình ơi )
Nếu bị kiểm duyệt , em sẽ đăng bên nhà anh Đông A .
nguyenyenson wrote on Aug 2
hongdwc said
Có soạn giáo án nhưng không dự trù các tình huống
Sự cố giáo án:
Lớp Mầm.
Tựa bài: Cái chăn bông.
Mục đích yêu cầu: Giới thiệu tên gọi và công dụng các loại chăn, đồng thời khuyến khích giữ gìn vệ sinh chăn màn (không phải răng miệng)
Phương pháp: vấn đáp gợi mở
Tình huống xảy ra trên lớp (tình cờ bị dự giờ đột xuất):
Cô (nhập đề): Cô hỏi Cún nha. Tối hôm qua khi đi ngủ con thấy trên mình má con là cái gì?
Cún: Thưa cô, trên mình má con là... ba con.
Cô (đỏ mặt nhưng ráng giữ bình tĩnh, vớt vát, hy vọng): ờ thế... trên mình ba con là cái gì?
Cún: Thưa cô, trên mình ba con là... hai cái chân của má con.
Cô (điên tiết): Thế... cái chăn nó đâu rồi.
Cún: (tỉnh bơ) Thưa cô, cái chăn rớt dưới đất ạ.

(Bố mẹ thằng Cún này điên thật, nó lớn rồi mà cứ cho ngủ chung phòng.)

Nếu bị kiểm duyệt, tớ sẽ đăng bên bác Giáo Già
Cô giáo này cần send ngay cho cặp vợ chồng này đường link đến bài: "Ông ngoại ơi! ông ra chưa...?" của nguyenyenson để học thêm kinh nghiệm...chiến trường.
huynhsuhuynh wrote on Aug 2
vphu0ng said
Hôm nay Cô dạy các con vẽ trái tim nhé . Trái tim vẽ như vầy nè .... như vầy nè ... . Cô giáo vẽ trái tim thật xinh xắn lên bảng đen .
Bé Na giơ tay hỏi Cô giáo
Thưa cô , trái tim của Cô sao thiếu hai cái chân
Cô giáo ngạc nhiên
Sao trái tim lại có hai chân ? Bé Na nhìn thấy ở đâu ?
_Dạ thưa Cô , đêm qua em nghe ba em nói với má em Trái tim ngọt ngào của anh ơi , em hãy dang hai chân ra nào . ( Sweat heart >> mình ơi )
Nếu bị kiểm duyệt , em sẽ đăng bên nhà anh Đông A .
Chuyện này nghe nói là Ông trời có chân mà! "Trời ơi dang chân ra!"
hongdwc wrote on Aug 3
DDocj laij entry thaays ddungs ys minhf quas. Camr own HG.
Xin looix vi khoong cachs naof baatj ddwowcj Vietkey.
mlan58 wrote on Aug 3
Em xin bổ xung thêm câu chuyện vui.Một hôm em dự giờ một bạn đồng nghiệp để minh họa cho tiết dạy của mình,bạn ấy treo hình con ngựa lên bảng nhưng vì lúng túng mất tinh thần khi có người khác dự giờ bạn ấy đã treo lộn ngược ,cả lớp nhao nhao:"ngược thầy ,ngược thầy ơi",thế mà thầy lại phán luôn một câu :"đúng rồi con ngựa cũng có nhiều ở miền ngược"he he...
thugiangl wrote on Aug 6
Trước đây em thường xuyên phải bò ra mà viết, mà chép giáo án. Nhưng chẳng bao giờ mở ra coi làm gì. Mang tới lớp chỉ để họ kiểm tra. Không có thì toi. Giờ may quá cái máy tính nó làm giúp nên nhẹ cả người. Có điều tận cuối năm thì cuốn giáo án vẫn mới nguyên. hì hì. Khổ thế đấy.
lienhoa2009 wrote on Aug 6, edited on Aug 7
Thiện tai, thiện tai. Hic hic. Mới hồi chiều đi học chính trị bị tra tấn cái lỗ tai, tiếp đến là bị đau tim bởi cái tin năm nay mỗi GV phải thao giảng 4 tiết, mỗi HK 2 tiết mà phải là giáo án điện tử, sử dụng Công nghệ thông tin. Và phải dự giờ 18 tiết, chưa kể các loại sổ sách làm khổ GV , hao tốn nhiều công sức mà chẳng bao giờ GV ngó tới nhưng cứ phải làm, giá mà đứng có các loại HSSS thì GV có nhiều thời gian mà nghiên cứu bài dạy. Có người bảo đi bệnh viện cấp cứu sớm. Còn cái vụ giáo án thì ớn đến tận cổ. Năm nào cũng cứ bắt soạn giáo án mới. Giáo viên cứ làm cho có hình thức. giờ có máy tính nên cứ copy và đổi tewen thay ngày tháng là xong, đem đi nộp để chấm điểm thi đua. Chán.
hle09 wrote on Aug 8
Nghe qua câu chuyện giãng dạy sao mà truân chuyên rắc rối đủ điều cho giới nhà giáo sau năm 75. Thật ngưỡng mộ các thầy cô quá đi.

3 nhận xét:

Unknown nói...

Giáo án = Tập bài soạn dành cho các sếp

Nặc danh nói...

Nền Giáo Dục Xã Hội Chủ Nghĩa Là Một Nền Giáo Dục là Nền Giáo Dục Ưu Việt nhất hành tinh này! Hehehe. Nền Giáo Dục Xã Hội chủ Nghĩa nói rằng con chó Xã Hội Chủ Nghĩa ăn cơm, chỉ có con chó Tư Bản Chủ Nghĩa mới ăn cức! Nhưng giờ đây các anh lớn lại thích chơi với những ông chủ có con chó ăn cức nhỉ?

Nặc danh nói...

Hôm nay, vô tình em đọc được những bài viết rất hay trên blog của thầy, thầy viết rất hay rất xác thực về thực tại giáo dục việt nam, hãy viết nhiều nữa thầy nhé. Em là một học sinh cũ của thầy, gặp lại thầy qua blog em thấy thầy vẫn khỏe mạnh và yêu đời em mừng lắm. Một ngày nào đó khi công việc thuận lợi và có thời gian rảnh em sẽ ra thăm thầy. Thầy là người thầy đầu tiên mà em thấy xứng đáng với những câu từ cao quý của xã hội đã, đang và luôn luôn dành cho "ngành giáo dục". Chúc thầy luôn mạnh khỏe và giữ vững nhiệt huyết với nghề giáo