Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Thư ngỏ của TS Nguyễn Quang A gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp



Hà nội ngày 27 tháng 9 năm 2009

Kính gửi Tiến sỹ luật Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Thưa Bộ trưởng,

Tôi, Nguyễn Quang A, công dân Việt Nam, có hộ khẩu tại 19 Đoàn Nhữ Hài, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, xin gửi Bộ trưởng lời chào trân trọng.

Ngày 8-9-2009 Bộ trưởng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký công văn số 3182/2009/BTP-PLDSKT (sau đây gọi tắt là công văn 3182) trả lời Kiến nghị ngày 6-8-2009 của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS gửi Thủ tướng Chính phủ. Công văn 3182 đã được đưa lên trang tin điện tử của Chính phủ ngày 19-9-2009 và sau đó đã được nhiều báo trong nước đăng lại. Kiến nghị ngày 6-8-2009 cùng với Tuyên bố ngày 14-9-2009 của Viện IDS đã phân tích những điểm sai cả về nội dung và thủ tục của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là QĐ 97).

Trong thư này, tôi chỉ trình bày với Bộ trưởng về thủ tục, trình tự xây dựng QĐ97 dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong thời gian xây dựng, soạn thảo, thẩm định và ban hành QĐ97, tức là trong năm 2008 và 2009.

- Ngày 29-11-2006, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 71/2006/QH11 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Nghị định thư đã được Chủ tịch nước công bố ngày 19-12-2006, có hiệu lực thi hành từ 11-1-2007. Nghị định thư có kèm theo Phụ lục các cam kết của Việt Nam phải áp dụng trực tiếp mà điều liên quan đang bàn tới ở đây được nêu rõ tại Điểm 4 của Nghị Quyết số 71:

“Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải đăng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trên Trang tin điện tử của Chính phủ và dành thời gian không ít hơn 60 ngày, kể từ ngày đăng dự thảo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo”.

….

“Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm”.

Như thế, kể từ ngày 11-1-2007 các thủ tục trên là bắt buộc (thay cho các thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nếu các thủ tục ấy trái với Nghị định thư).

- Ngày 11 tháng 6 năm 2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kí công văn số 732/TTg-TCCB yêu cầu các Bộ và các cơ quan thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 71 của Quốc hội.

- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 6-6-2008, có hiệu lực từ 1-1-2009 (sau đây gọi tắt là Luật số 17/2008) quy định tại điều 67:

“Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm đăng tải toàn văn dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến….

Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm định, ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chỉnh lý dự thảo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Theo các quy định nêu tại Nghị quyết 71 của Quốc hội, Nghị định thư gia nhập WTO và Luật số 17/2008, việc soạn thảo, thẩm định và ban hành QĐ97 đã không thực hiện hai điều có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng của văn bản:

·         tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản;

·         công bố dự thảo ít nhất 60 ngày trước khi trình lên Thủ tướng.

Như vậy, về thủ tục, QĐ 97 không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn trái với cam kết quốc tế.

Thế mà, trong công văn 3182 Bộ trưởng lại khẳng định:

Quyết định 97 đã “được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng từ đầu năm 2008. Toàn bộ các bước soạn thảo; lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân; lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định đã được hoàn tất trong năm 2008 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002. … Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Quyết định số 97 là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, đúng thủ tục, không vi phạm Điều 67 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008” .

Nói cách khác, ông Bộ Trưởng đã viện dẫn đến các điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002. Ông đã không lưu ý rằng nếu các điều ấy trái với Nghị quyết 71 và Nghị định thư gia nhập WTO, thì phải áp dụng Nghị quyết 71 và Nghị định thư.

Tại công văn 3182, Bộ trưởng cho rằng vì việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định và trình Thủ tướng đã hoàn tất trong năm 2008 (nghĩa là trước ngày Luật số 17/2008 có hiệu lực thi hành) nên việc không công bố dự thảo 60 ngày trước khi trình Thủ tướng không vi phạm thủ tục (vì điều này không được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đến hết năm 2008). Lập luận như vậy đã bỏ qua, không đếm xỉa tới Nghị quyết 71 của Quốc hội và văn bản 732/TTg-TCCB của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn 3182 còn lập luận rằng Những việc được thực hiện trong năm 2009 (nghĩa là từ khi Luật số 17/2008 có hiệu lực) chỉ là nghiên cứu ý kiến tham gia, cân nhắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quyết định để ký ban hành. Ở giai đoạn này, ngay Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 cũng không quy định cơ quan soạn thảo phải đăng tải dự thảo Quyết định trên trang thông tin điện tử”.  Sự biện bạch này rất khiên cưỡng vì người dân không thể biết quy trình soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định được tiến hành vào thời gian nào, chỉ thấy một sự thật hiển nhiên là QĐ 97 được ban hành sau hơn 200 ngày luật số 17/2008 có hiệu lực (gấp hơn ba lần thời gian cần công bố để lấy ý kiến rộng rãi) mà không thực hiện một quy định của Luật rất quan trọng và thiết thực đối với quyền làm chủ của dân. Như vậy, không  thể coi QĐ 97 là “đúng trình tự, thủ tục, không vi phạm điều 67 Luật số 17/2008” như biện bạch của Bộ trưởng trong công văn 3182.

Điều kiện bắt buộc để bảo đảm tính hợp pháp của một văn bản pháp quy là việc xây dựng, soạn thảo, thẩm định phải chấp hành đúng các thủ tục quy định. Chỉ xét riêng về mặt vi phạm thủ tục, chưa nói tới những sai phạm về nội dung (như Viện IDS đã phân tích trong kiến nghị ngày 6-8-2009 và trong tuyên bố ngày 14-9-2009), QĐ 97 đã không thể được coi là hợp pháp.

Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Bộ trưởng, với tư cách là Thủ trưởng cơ quan có chức năng và trách nhiệm xây dựng và nắm vững pháp chế về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra việc thực hiện pháp chế đó, thừa nhận rằng QĐ 97 vi phạm thủ tục quy định trong Nghị quyết 71 của Quốc hội, công văn chỉ đạo số 732 của Thủ tướng, Nghị định thư gia nhập WTO và Luật số 17/2008; trên cơ sở đó, kiến nghị với Thủ tướng hủy bỏ QĐ 97, giao cho các cơ quan hữu trách thu thập ý kiến rộng rãi và nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng văn bản phù hợp với luật pháp, thấu suốt tinh thần Nghị quyết về trí thức đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X thông qua tháng 7 năm 2008. Cách làm này sẽ góp phần củng cố lòng tin của dân đối với Chính phủ và Thủ tướng, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, cải thiện hình ảnh của nước ta và tránh được rắc rối quốc tế có thể xảy ra; tránh được việc các trí thức hay công dân có thể dùng các công cụ pháp lí hợp pháp để kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tuyên QĐ97 là vô hiệu. 

Tôi viết thư ngỏ vì công văn thể hiện quan điểm của Bộ Tư pháp về vấn đề này đã được đưa công khai trên mạng và mong rằng thư trả lời của Bộ trưởng cũng dưới hình thức công khai để những người quan tâm đến vấn đề này có thể bày tỏ ý kiến, giúp cho việc đánh giá và giải quyết vấn đề được thấu đáo.

Xin gửi Bộ trưởng lời chào trân trọng.

 

Nguyễn Quang A

Không có nhận xét nào: