Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Giải Tán IDS



Đọc kỹ các văn kiện liên quan đến việc giải thể của viện IDS mới thấy, đó là một quyết định của những người có lòng tự trọng và dũng cảm. Nhìn vào danh sách những người ký tên vào bản tuyên bố, thấy, hầu hết trong số họ là những nhân vật từ lâu đã nhận được sự kính trọng của xã hội. Danh lợi không phải là điều họ hướng tới, vậy thì một khi những ý kiến phản biện tâm huyết của họ không còn được lắng nghe nữa, họ giữ cái viện ấy làm gì. Trước IDS, từ đầu năm 2009, các học giả Harvard và Chương trình Fulbright cũng đã thôi cống hiến cho Chính phủ những bản báo cáo hàng quý hết sức giá trị về tình hình kinh tế.

Những người có quyền lực có thể sẽ thở phào nhẹ nhõm; các bậc trưởng thượng như GS Hoàng Tuỵ, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, Việt Phương… có thể sẽ có nhiều thời gian hoàn thành những công việc dở dang. Vấn đề là người dân. Cũng là ruộng đồng Việt Nam, cũng cái cày con trâu, chỉ vì chính sách đúng hay sai mà người dân có khi đói tới mức phải đi ăn xin; có khi làm ra hàng chục triệu tấn gạo xuất đi các nước. Hiện tại cũng như trong quá khứ, những sai lầm đau đớn nhất về mặt chính sách thường do trước khi ban hành, chúng không được đưa ra thảo luận và công khai phản biện.

Những chính sách dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội không chỉ là chuyện lịch sử. Năm 2007, từ quý II, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những dấu hiệu bất ổn vĩ mô. Một vài thành viên trong Ban Nghiên Cứu của Thủ tướng cũ (bị giải thể ngày 28-7-2006 theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) khuyến cáo: “Nếu tiếp tục chạy theo mục tiêu tăng trưởng GDP thì sẽ không tránh khỏi lạm phát”. Ngay lập tức, họ nhận được sự than phiền: “Sao tình hình đang tốt mà có người cứ phá”. Báo chí tạm thời im lặng. Các nhà nghiên cứu chọn con đường phản biện trong “hệ thống”. Không rõ các cảnh báo sớm ấy đã được xem xét thế nào mà nửa cuối 2007, đầu tư vẫn ồ ạt, tăng trưởng tín dụng từ 21,4% trong năm 2006 vọt lên 38,7%. Những chỉ số GDP của 2007 đương nhiên là lấp lánh…

Ngay từ tháng 1-2008, lạm phát đã bộc lộ, “tình hình không tốt” như một số người từng nghĩ nhưng “khối u” chưa phải là “ác tính”. Tuy nhiên, liều thuốc chống lạm phát “bốc” ngay đã gây ra cho nền kinh tế một cú “shock”: dự trữ bắt buộc tăng, trong tháng 1-2008, các ngân hàng thương mại phải thu về hơn 20.000 tỷ đồng; ngày 13-2, các ngân hàng lại phải mua một lượng tín phiếu bắt buộc trị giá 20.300 tỷ đồng… lãi suất qua đêm ở thị trường liên ngân hàng tăng từ 6,52% vọt lên 27%, có lúc lên tới 40%; thanh khoản đột ngột thiếu hụt. Thị trường địa ốc ngay lập tức đóng băng. Chỉ số chứng khoán rơi tự do, VN-index đang trên 1000, tới ngày 26-3-2008 tụt xuống còn 500. Nhưng, những ảnh hưởng gián tiếp mới thực sự làm kiệt quệ nền kinh tế: trong năm 2008, phần lớn các doanh nghiệp cần vốn sản xuất kinh doanh phải vay với lãi suất lên tới 25%, xuất nhập khẩu thì thiếu ngoại tệ, sản xuất thì thiếu vốn…

Cho dù hậu quả không được thảo luận công khai thì người dân cũng biết nền kinh tế Việt Nam “xuống tận đáy” năm 2008 chẳng phải vì các “nguyên nhân quốc tế”. Mãi tới tháng 9-2008, khủng hoảng kinh tế thế giới mới bộc lộ và phải đến cuối quý IV-2008, xuất khẩu mới giảm nhẹ, dấu hiệu cho thấy Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu. Đến lúc ấy thì nền kinh tế Việt Nam đã kiệt quệ do phản ứng phụ của “thuốc” chống lạm phát. Ngày 24-2-2009, chứng khoán rơi tự do xuống tới con số xấu kỷ lục: VN-index chỉ còn 235.

Sau những biến cố ấy, lẽ ra “phản biện” công khai phải trở thành quy trình bắt buộc khi ban hành chính sách thì Quyết định 97 lại ra đời. Quyết định 97 không những giới hạn “lĩnh vực” các viện nghiên cứu tư nhân được hoạt động mà “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách” thì phải “gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền”; cấm “công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức”. Trong một bài phỏng vấn trên Vietnamnet, Thứ trưởng Bộ Khoa học Nguyễn Quân giải thích: “Trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách… nên công bố các kết quả nghiên cứu phản biện… phải hết sức thận trọng”.

Hiểu về đồng thuận như ông thứ trưởng Nguyễn Quân rõ ràng là phi khoa học. Một chính sách không thể nào tìm được sự đồng thuận nếu những khác biệt không được đưa ra tranh luận công khai. Kể cả việc tranh luận có thể chỉ ra những sai lầm của Chính phủ. Người dân không bao giờ hy vọng có một chính phủ không phạm sai lầm; nhưng người dân có quyền đòi hỏi chính phủ của họ phải biết lắng nghe để khắc phục những sai lầm ấy. công khai bàn luận còn để đảm bảo một chính sách khi được đưa ra là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia thay vì chỉ phục vụ những nhóm đặc quyền, đặc lợi (tôi không dùng “nhóm lợi ích” vì ở Việt Nam, lobby không giống như các nước). Chưa kể, Quyết định 97 nếu tồn tại sẽ để lại hậu quả lâu dài thay vì chỉ nhắm tới IDS hay chỉ phục vụ cho “bối cảnh xã hội” mà hiện thời ông thứ trưởng cho là “phức tạp”.

Quyết định 97 là một ví dụ đắt giá cho thấy, một khi quy trình ban hành không được phản biện công khai thì chính sách đưa ra không những bất ổn về mặt pháp lý mà còn chứa đựng không ít rủi ro. Có thể nói là những người tham mưu Quyết định này đã không tiên liệu được những tổn thất về uy tín chính trị có thể xảy ra cho người ký.
Trí thức là một tầng lớp có tiếng nói độc lập trong xã hội thay vì là những người giúp việc có bằng cao học hay tiến sỹ. Khoa học và chính trị là hai lĩnh vực khác nhau. Một chính khách tự tin sẽ nhận thấy, không phải những lời xưng tụng mà chính là các chỉ trích mới làm cho mình đúng hơn và lớn lên. Thực ra, những đóng góp của IDS và những bản báo cáo của nhóm học giả Harvard và Chương trình Fulbright chỉ là những công việc khởi đầu, đem lại cho dân chúng hy vọng, phản biện xã hội có thể có vai trò và trí tuệ có thể tiếp cận được các nhà ban hành chính sách.

Tuyên bố tự giải tán IDS là một việc làm mới mẻ của những người trí thức. Từ nay sẽ không còn tiếng nói nhân danh IDS; nhưng, đôi khi, im lặng tưởng “đóng” thực ra lại là sự bắt đầu. Nhất là khi, “lên tiếng” trở thành nỗi khát khao của người dân, của những người không thờ ơ với nội tình đất nước.

Huy Đứ




c



nguhanhsonn wrote on Sep 18, edited on Sep 18
tintinmilou wrote on Sep 18
theo em nen giai tan la ok.... heeeeeeee
lienhoa2009 wrote on Sep 18
Uh.

Không có nhận xét nào: