Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009

TÂM HỒN CAO THƯỢNG (4)

14.- Ân nhân của bạn Nelli

Thứ tư, ngày 22


Hôm qua, Neli đi xem diễu binh. Cậu bé gù lưng này nhìn lính diễu qua bằng cặp mắt buồn rầu và than rằng :
_ Như thân tôi, thì không bao giờ được ra lính.
Cậu bé khốn nạn ấy chăm học lắm ; người còm và xanh, động học là hơi thở tai. Mẹ cậu là một bà tóc đỏ, áo thâm, cứ tan học là đến đón cậu để khỏi bị anh em xô đẩy. Ta hãy trông mẹ cậu vuốt ve và yêu dấu cậu biết là dường nào ! Mấy ngày đầu, học trò cứ chế giễu cậu và lấy cặp thích vào lưng cậu nhưng không bao giờ cậu kháng cự và mách mẹ cả, vì cậu giấu không cho mẹ biết mình hay bị bắt nạt để mẹ lo buồn. Họ chọc ghẹo quá, lắm lúc cậu phải gục đầu xuống bàn khóc thầm.
Một hôm, thấy thế, anh Garônê can thiệp và bảo bọn học trò :
_ Ai còn động đến Nelli nữa sẽ biết tay ta. Ta sẽ đá cho một trận để nhớ đời !
Phơranti chẳng coi lời doạ ấy vào đâu, cứ chế giễu hoài, liền bị Garônê đá cho một cái lộn ba vòng. Từ đó không ai dám động đến Nelli nữa. Thầy giáo cho Garônê ngồi cạnh Nelli, hai cậu thành đôi bạn thân.
Việc này, chắc anh Nelli về thuật lại với mẹ, nên mới có câu chuyện sáng nay .
Còn độ nửa giờ nữa thì tan học, thầy giáo sai tôi mang bản khoá trình lên bàn giấy ông hiệu trưởng. Tôi vừa vào phòng thì gặp mẹ anh Nelli đến hỏi ông hiệu trưởng :
_ Thưa ngài, ở đây có cậu nào tên gọi là Garônê không ?
_ Thưa bà có.
_ Xin ngài làm ơn cho gọi cậu ấy lên đây để tôi hỏi chút việc, có được không ?
Ông hiệu trưởng bấm chuông gọi người gác cổng bảo đi gọi cậu Garônê. Một phút sau thì cậu tới, có vẻ ngạc nhiên vì không hiểu bị gọi về việc gì.
Vừa trông thấy cậu, bà Nelli chạy luôn lại cầm tay và xoa đầu cậu một cách rất quí hoá.
_ Cậu Garônê đây à ? Cậu là bạn của Nelli và vẫn bênh vực cho em phải không ?
Nói xong, bà tháo chuỗi dây "Thánh giá" bằng vàng đeo vào cổ anh Garônê và nói :
_ Cậu em yêu quí của ta ! Em hãy nhận chút kỷ niệm này, kỷ niệm của một người mẹ vẫn cầu nguyện cho em và hết lòng cảm ơn em.

15.- Em bé trinh sát

( Truyện đọc hàng tháng )
Thứ bảy, ngày 28


Năm 1859, trong cuộc chiến tranh để giải phóng cho xứ Lômbacđi, quân Pháp và quân Italia đã đại thắng quân Áo ở trận Xolphêrinô và trận Xan Mactinô. Sau những trận này được mấy hôm, vào khoảng cuối tháng sáu, một đội kỵ mã nhỏ đi nhẩn nha trong con đường hẻm về phía địch để dò xét hai bên cánh đồng. Đội kỵ mã này có một sĩ quan và một viên đội chỉ huy ; hai người đều yên lặng, cố nhìn những tên lính xung phong bên địch vận đồ trắng thấp thoáng ở đằng xa.
Đội kỵ mã cứ thế đi tới một cái nhà tranh, chung quanh giồng những cây tần bì cao lớn. Trước nhà có một đứa con trai độ 12 tuổi đang cầm dao róc vỏ một cành tần bì để làm gậy. Trên cửa sổ nhà này có treo một lá cờ tam tài lớn, bên trong chẳng có ai cả. Khi thấy quân kỵ mã đến, đứa bé vứt que và cất mũ chào. Đó là một cậu bé tóc đỏ, mắt xanh, vẻ mặt quả quyết. Cậu vận áo sơ mi, hở ngực.
Sĩ quan dừng ngựa hỏi :
_ Em làm gì ở đây ? Sao không đi lánh nạn với gia quyến ?
Cậu bé trả lời :
_ Cháu không có gia quyến. Cháu là một đứa trẻ bơ vơ. Cháu chỉ làm việc cho những người muốn tìm cách sinh sống cho cháu. Cháu ở đây để xem đánh trận.
_ Em có thấy quân Áo qua đây không ?
_ Không, đã ba hôm nay cháu không nom thấy.
Sĩ quan suy nghĩ một lúc rồi xuống ngựa, trèo lên mái nhà tranh nhìn xét nhưng chỉ trông thấy một khu đồng hẹp vì nhà này thấp quá.
Sĩ quan vừa tụt xuống vừa nói :
_ Phải leo lên cậy mới nhìn được.
Ngay trước nhà có một cây tần bì cao lắm, ngọn mềm phe phẩy trong đám mây xanh. Sĩ quan đứng ngẫm nghĩ, nhìn cây rồi lại nhìn lính rồi lại nhìn cây, sau đột nhiên hỏi cậu bé :
_ Em trông co tinh không ?
_ Cháu à ? Mắt cháu có thể nhìn rõ một con chim cách xa nghìn thước.
_ Em có thể trèo lên cây này không ?
_ Lên ngọn cây này ? Chỉ là công việc trong nháy mắt.
_ Em thử nhìn xem ở đằng xa, về phía địch có quân lính, cát bụi bay, ngựa hay súng ống gì không ?
_ Vâng.
_ Em cố giúp ta và em có muốn gì không ?
Cậu bé cười nhạt đáp :
_ Không, cháu chả muốn gì cả. Nếu làm việc cho quân Áo thì các vàng cháu cũng không giúp. Nhưng cho quân ta... cháu là người Lômbacđi...
_ Thế thì tốt lắm. Trèo đi !
_ Khoan để cháu cởi giày đã.
Cậu tháo giày, thắt chặt lại dây lưng, vứt mũ xuống cỏ rồi bám cây, leo thoăn thoắt như một con mèo.
Một lát sau, cậu bé đã lên tít ngọn cay, lá che kín chân, chỉ trông thấy ngực. Ánh nắng chiếu vào tóc cậu lóng lánh như nhuộm vàng để nhìn cho rõ :
_ Nhìn thẳng đằng trước mặt và đằng xa em !
Cậu víu một tay, còn một tay giơ lên ngang trán để nhìn cho rõ.
Sĩ quan nói :
_ Có thấy gì không ?
Cậu cúi xuống lấy tay làm loa và trả lời :
_ Có hai người cưỡi ngựa trên đường.
_ Gần hay xa ?
_ Độ nghìn hay hơn nghìn thước.
_ Họ tiến về phía này ?
_ Không, họ đứng.
Im lặng một lúc, sĩ quan lại hỏi :
Em còn trông thấy gì nữa không ? Thử quay sang bên phải xem.
Cậu bé nhìn về bên phải rồi đáp :
_ Có trông thấy người không ?
_ Không. Họ nấp cả trong ruộng lúa.
Ngay lúc ấy, một viên đạn bay vút trong không và rơi xuống sau nhà.
Sĩ quan kêu :
_ Em ơi xuống đi ! Họ nhìn thấy em rồi. Ta không muốn dò thêm gì nữa. Xuống ngay đi !
Cậu đáp :
_ Cháu không sợ.
_ Xuống ! Ta bảo xuống kia mà !
_ Thong thã đã... Đằng kia, ở bên trái cháu trông thấy... Một viên đạn nữa vụt qua tai làm ngắt lời cậu. Cậu rùng mình kêu :
_ Lũ quái định "truy" mình đây.
Sĩ quan phát tức, thét :
_ Xuống lập tức !
Cậu đáp :
_ Vâng, cháu xuống. Xin chú yên tâm, đã có cây che cho cháu. Nhưng chú có muốn biết bên trái có gì nữa không ?
_ Không. Không. Xuống đi!
Cậu nghiêng mình về bên trái vừa nhìn vừa nói to :
_ Bên trái, gần nhà thờ, hình như có ...
Viên đạn thứ ba trúng ngọn cây, người ta thấy cậu lộn nhào, trước còn bám vào cây, vào cành, sau buông tay và rơi lộn đầu xuống đất.
Sĩ quan vừa nguyền rủa quân thù vừa chạy lại .
Cậu bé nằm sõng sượt trên đất, hai tay dang ra. Một dòng máu đỏ ở ngực chảy ra. Người đội và hai người lính xuống ngựa chạy lại. Sĩ quan mở áo sơ mi cậu xem thì viên đạn thấu phổi bên trái. Sĩ quan kêu :
_ Tội nghiệp ! Thằng bé chết rồi !
Viên đội nói tiếp :
_ Không, nó còn sống.
Sĩ quan gọi cậu bé :
_ Em ơi ! Đứa em khốn khổ và can đảm của ta ơi ! Tỉnh lên ! Tỉnh lên !
Sĩ quan vừa nói vừa cầm khăn mùi soa lau vết thương cho cậu, cậu mở bừng mắt rồi ngả đầu ra chết.
Sĩ quan tái lợt, nhìn cậu bé hồi lâu, đứng dậy rồi lại nhìn hình như không nỡ dứt...
Sĩ quan buồn rầu nhắc lại :
_ Thương thay ! Đứa trẻ can đảm !
Nói xong, sĩ quan với lá cờ treo ở trước cửa nhà kia phủ lên mình cậu bé như một tấm vải liệm chỉ để hở đầu. Viên đội nhặt giày , mũ, dao và gậy gọt dở để bên mình cậu.
Sĩ quan đứng im lặng một lát rồi quay lại bảo viên đội :
_ Ta sẽ cho xe hồng thập tự lại rước em. Cái chết này có ý nghĩa quân nhân. Nhà binh sẽ phải chôn cất cho tử tế.
Nói xong, sĩ quan giơ tay chào cậu bé lần cuối cùng.
Rồi, mọi người lên ngựa thẳng tiến.
Vài giờ sau, thi hài cậu bé được táng theo tang lễ nhà binh.
Khi đạo quân kỵ đi khỏi một lúc thì có một đại đội pháo binh đi đến. Chính đội này, mấy hôm trước đây đã đổ máu một cách rất dũng cảm trong trận Xan Mactinô.
Tin cậu bé can đảm kia đã bay tới các hàng quân một cách rất nhanh chóng. Vì thế, khi qua chỗ thi hài cậu bé nằm dưới gốc cây tần bì, các sĩ quan đều giơ gươm chào, một viên cúi xuống bờ suối gần đó rứt nắm hoa, ném trên mình cậu bé. Thế rồi theo gương ấy, tất cả đội pháo binh ai cũng nhặt hoa ném vào. Trong vài phút đồng hồ, hoa phủ đầy thi thể cậu bé.
Quan, lính lúc diễn qua, ai cũng nói :
_ Can đảm thay cậu bé xứ Lômbacđi !
_ Vĩnh biệt em !
_ Em thực là người dũng cảm !
_ Vinh dự thay cho em !
_ Chúc em yên giấc nghìn năm !
Một sĩ quan tháo tấm Quận công bội tinh của mình đặt nơi ngực cậu. Tức thì, lại một trận mưa hoa phơi phới rơi xuống ngực máu đào, đầu tóc đỏ của cậu bé yên nghỉ dưới lá cờ tam tài đắp ngang. Nét mặt cậu bé như tươi cười ! Phải chăng lòng cậu sung sướng và tự hào vì đã bỏ mình cho quê hương của cậu ?

16.- Kẻ khó

Thứ ba, ngày 29


" Hy sinh cho tổ quốc như cậu bé Lômbacđi, là một đức tính siêu việt đã đành, nhưng cũng còn nhiều nết hay khác mà con không nên sao nhãng con ơi ! "
Như sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi !
Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con ; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.
Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc tụng ấy nghe êm ái biết là dường nào ! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.
Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ :
_ Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ !
Enricô ơi ! Con hãy nghe mẹ : thỉnh thoảng nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường thường có nhiều kẻ ăn xin không ? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phú mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra.
Con ơi ! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám có bao nhiêu là nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới ! Thực đáng buồn thay !
Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì".
Mẹ con

17.- Tính khoe khoang

Thứ hai, ngày mồng 5


Hôm qua, tôi đi chơi với anh Vôtini và cha anh. Khi qua phố Đôra, chúng tôi thấy anh Xtađia đang quay lại đá vung mấy người bạn đã vô ý dẫm phải chân anh trong khi anh mải nhìn một bản địa đồ treo trong hiệu sách ( vì anh học cả ở ngoài trường ). Chúng tôi gọi, anh chỉ hơi chào trả, thực là thiếu lịch sự !
Chúng tôi mặc anh và thẳng đường đi. Tôi để ý nhìn anh Vôtini thì bao giờ anh cũng ăn mặc xa hoa quá thể, đối với một đứa trẻ con như anh. Giày da dê, áo nẹp thêu, mũ phớt trắng, đồng hồ vàng. Anh ra bộ giương giương tự đắc lắm, nhưng lần này thì bị nhụt !
Cha anh thủng thỉnh đi sau, còn anh và tôi thì chạy trước. Chúng tôi đến một cái ghế đá, đã thấy có một cậu bé cúi đầu ngồi nghỉ, vẻ mệt nhọc. Một người đàn ông nữa, có lẽ là cha cậu, đi tản bộ dưới bóng cây, xem báo. Hai chúng tôi cùng ngồi ghế. Anh Vôtini len ngồi giữa tôi và cậu bé và tìm cách làm cho cậu chú ý đến mình.
Anh giơ một chân lên hỏi tôi :
_ Anh đã xem đôi giày bốt tin kiểu "sĩ quan" của tôi rồi chứ ?
Anh nói thế cốt để cậu bé kia nhìn đôi giày mới của anh nhưng cậu bé không hề liếc mắt.
Thấy vô hiệu, anh bỏ chân xuống rồi vừa trỏ vào những cái "lon" kim tuyến ở tay áo, vừa liếc sang cậu bé mà bảo tôi rằng :
_ Này anh ! Lối viền này coi rợn quá ! Tôi định thay bằng bộ cúc bạc !
Nhưng cũng phí lời, vì cậu bé ngồi yên như thường.
Anh Vôtini liền đặt mũ lên ngón tay trỏ quay tít. Cậu bé nhất định không nhìn.
Tức mình, anh rút luôn đồng hồ , mở nắp cho tôi xem các bánh xe. Nhưng cậu hàng xóm vẫn không nhúc nhích.
Tôi hỏi :
_ Đồng hồ anh mạ vàng ?
Anh đáp :
_ Không. Bằng vàng cả.
_ Nhưng bao giờ người ta cũng pha ít bạc vào.
_ Không. Tôi cam đoan với anh rằng đồng hồ tôi toàn vàng.
Rồi cố ý bắt cậu bé kia phải trả lời, anh giơ đồng hồ ngang mặt cậu và nói :
_ Này anh coi, có phải bằng vàng cả không ?
Cậu kia trả lời cụt ngủn.
_ Tôi không biết.
Như bị trêu chọc, Vôtini kêu :
_ A ! A ! Làm bộ nhỉ !
Anh vừa kêu thì cha anh lại. Ông nhìn cậu bé rồi vội bảo anh :
_ Im !
Xong ông ghé vào tai anh nói nhỏ :
_ Đứa bé khốn nạn này mù, con ạ !
Vôtini nhìn kỹ cậu bé thì thấy hai con ngươi trơ như cùi nhãn.
Anh kinh ngạc, cứng người, mắt nhìn xuống đất, lẩm bẩm :
_ Chết chửa ! Mình không biết...
Cậu bé mù, hiểu cả, nở một nụ cười tử tế thoảng qua nét buồn nói :
_ Không hề gì...
Xét ra, Vôtini là một kẻ hợm mình thực, nhưng lòng anh không độc vì từ lúc ấy, anh kém vui và có vẻ nghĩ ngợi.

ĐỜI CẬU HOÀNG (1). Tuổi thơ làng nhàng

Không biết làm thế quái nào mà ký ức của tôi bị đứt phim hết khoảng 5 năm. Không biết có ai như tôi không? Chẳng nhớ gì về những năm tháng oe oe, Mà đó hình như lại chính là quảng đời phẻ re nhất của một con người. Thôi, bỏ đi. Vậy là ký ức của tôi bắt đầu từ một buổi sáng , cái buổi sớm mai “đầy sương thu và gío lạnh “ấy. Cũng chẳng nhớ là mẹ tôi có “âu yếm nắm lấy tay tôi” không hay lại lôi xềnh xệch trên đường. Chỉ nhớ là sau khi mẹ tôi vừa bàn giao tôi cho bà sơ để về là tôi bắt đầu gào lên, thảm thiết đến nỗi sơ phải bắt mẹ tôi đứng ngoài cửa cho tôi thấy kẻo tôi lại gào thét nữa
 Tôi bắt đầu khác người từ lúc ấy. Mấy thằng nhóc khác thì hí hửng được đến trường, cười nói ì xèo, tôi thì ngồi bí xị , lâu lâu lại ngó ra cửa xem mẹ tôi còn đó không để mà la. Xem ra tôi đã có cái gen dị ứng với trường học, vậy mà hỡi ôi, đời sau này lại run rủi, đẩy tôi vào cái nghề ngày ngày phải đến trường.
 Trở lại chuyện đi học. Chừng vài hôm rồi cũng đâu vào đấy. Thế nhưng cái mặc cảm mình khác người làm tôi cứ xù lông nhím, gầm gừ với đám nhóc cùng lớp. Hậu quả các bạn biết rồi : Tôi trở thành người hùng cô đơn. Sau này khi chơi vltk tôi lấy nick là Franco Nero, anh chàng đóng vai người hùng cô đơn trong một bộ phim tôi coi hồi nhỏ
 Tôi là chuyên gia học trường dòng. Mẫu giáo thì học trường Thánh tâm của các bà sơ dòng Mến thánh giá, tiểu và trung học thì học dòng Lasan của các “phe”, lên đại học thì học đại học Đà lạt, một trường đại học công giáo. Tôi có thể làm dấu và đọc kinh Lạy Cha và Kính mừng bằng ba thứ tiếng đấy : Anh, Pháp, La tinh. Tính cả tiếng Việt nữa là bốn. Ainsi soit il !
 Tôi chẳng có được một “tuổi thơ dữ dội”. Nó cứ làng nhàng. Chẳng bao giờ leo được cái top ten, mà hình như chưa bao gìơ phải đội sổ. Ơn Chúa ! Được cái là những cuộc thi có tầm quan trọng thì tôi chưa bao giờ rớt. Hồi ấy bọn tôi thi cả tiểu học cơ đấy. Nhớ hồi tôi thi tiểu học có môn thi hát, thầy giáo ở trường cho mỗi đứa ba bài hát rồi cứ thế mà luyện. Môn thi hát tôi được điểm tối đa cơ đấy, thế mà sau này đi hát Karaoke thì chẳng bao giờ được điểm cao
 Không hiểu sao hồi học tiểu học chân tôi bị ghẻ đầy, hết bôi thuốc xanh rồi lại thuốc đỏ. Mà đồng phục của nhà trường là quần soóc nhé. Phải lên đến lớp Đệ Lục, tức là hai năm sau khi từ giã cái quần soóc, cái nick Hoàng ghẻ mới rời bỏ tôi. Mà hay lắm nhé, hết ghẻ xong là chân tôi lại phẳng lì, không có sẹo sọ gì đâu nhé. Lúc ấy một trong những cái hobbies , xin lỗi, thú vui của tôi là gỡ ghẻ. Này đừng có xì xịt đấy. Không phải ai cũng có thể một lần trong đời thưởng thức được cái sung sướng của việc gỡ ghẻ đâu. Này nhé : Lấy móng tay khếu nhè nhẹ cho nó tróc cái vỏ ghẻ đi, mà phải lựa cái chín muồi nhé, tức là gần khô đấy, nó mà chưa muồi gở ra đau thấu trời xanh luôn. Mà tôi thì khối , tha hồ lựa. Xong rồi lim dim kéo lên , từ từ, từ từ thôi. Lâu lâu ngừng lại để cái sướng nó ngấm vào từng tế bào, xong lại kéo tiếp. Cứ thế cho kỳ hết. Chưa đã thì làm tiếp phát nữa ( tức là gở thêm một cái ghẻ nữa đấy ). Ôi, sướng rên mé đìu hiu luôn.
 Xin nói thêm tôi là con một nhé. Ôi, ai đã từng là con một mới thấy được cái sung sướng cũng như cái bất hạnh của nó. Lộc thì hưởng trọn mà đòn roi thì chẳng chia cho ai. Mà ba tôi thì Hitler phải gọi bằng cụ nhé. Ông có một số nguyên tắc chết người. Một trong những cái làm tôi đau khổ nhất là không bao giờ cho tiền tiêu vặt. Sáng trước khi đi học má tôi đi mua đồ ăn sáng , làm thêm một ly sữa cực to. Sao mà tôi ghét sữa thế. Ăn uống no căng xong là biến. Báo hại giờ chơi tôi phải nhịn thèm nhìn bạn bè mua kem, mua kẹo. Mà tôi là một trong những đứa thuộc hạng con nhà khá giả nhất lớp đấy.
 Thôi hôm nay cứ thế đả. Gõ mỏi cả tay rồi. Phải coi mấy con võ lâm đang cho chạy tự động nảy giờ có bị thằng nào đồ sát không chứ.

( Này, đặt tên là Đời cậu Hoàng nghe dễ liên tưởng đến Đời cô Lựu. Cũng mong moi được của đời đôi ba giọt nước mắt)

SÁCH MỚI, SÁCH MỚI ĐÊ !!!

Như đã hứa trong một cái entry trước, lấy cảm hứng từ cuốn “ Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” của tác giả Trần dân Tiên- Hồ chí minh, trong đó bác chúng ta xuất hồn, nhìn vào mình và viết về mình như một người lạ.
Sau khi làm đủ cách, từ Yoga, Thiền, đến Pháp luân công, rồi khí công…mà vẫn không làm thế nào xuất hồn được, mà nhu cầu phải viết về mình nó cao trào lắm rồi, không nhịn được nữa, tôi bèn phải tự viết về mình. Chẳng ở ngoài nhìn vào thì ở trong nhìn ra cũng thấy khối chuyện.
 Không dược đào tạo ở trường Nguyễn Du nên cứ viết tràn thôi, chẳng theo thứ tự gì. Nói cho nó văn vẻ một chút : Tôi như con chim bay trên vườn hoa ký ức của mình, thấy hoa nào đẹp bèn sà xuống, liếm láp chút chơi, chán rồi lại bay đi tìm bông hoa khác. Cũng có khi bay lạc qua vườn lạ. Thì đã nói là dạo chơi mà, cũng có khi đi lạc chứ.
 Vườn khá rộng, bay mỏi thì nghỉ rồi lại bay tiếp. Chỉ mong dạo được khắp vườn trước khi Chúa gọi về hầu Người (hay gọi về để thiêu đốt đời đời kiếp kiếp thì chưa biết)
 Không hoành tráng như đời hoạt động của bác, nhưng chắc một điều là lãng mạn hơn, làm ít người đau khổ hơn. 
 Trong quá trình dạo chơi, tôi cố gắng giữ lại tên thật để câu chuyện nó thật với tôi. Với những người có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của tôi thì tôi sẽ dấu tên, cả với những ai mà sự liên quan đến tôi có thể làm gia đình tan nát, còn với những kẻ mà “ không nói thì ai cũng biết là ai “ thì việc quái gì phải dấu nhỉ
 Vài lời phi lộ, mong các bằng hữu ủng hộ và lựong thứ

TÂM HỒN CAO THƯỢNG ( 3 )

10.- Em bé quét mồ hóng

Ngày mồng một tháng mười một


Chiều qua tôi sang trường Nữ Học để đưa cho cô giáo em Xynvya bản tiểu truyện "Cậu bé thành Pađôva" mà cô muốn xem. Trong trường có tới 700 nữ sinh. Khi tôi đến học trò đang ra về, ai nấy đều hớn hở vì được nghỉ mấy ngày nhân dịp lễ "Chư Thánh".
Đối cửa trường, bên kia đường cái, có một đứa bé quét mồ hóng, chân tay quần áo đen thủi, đứng quay vào tường, gục đầu vào cánh tay khóc nức nở.
Hai ba cô học trò lớp hai lại gần hỏi tại sao, nhưng nó cứ khóc và không trả lời.
Bọn học trò lại hỏi :
_ Anh có việc gì? Sao lại đứng đây mà khóc?
Nó bèn nhấc cánh tay để lộ một gương mặt hiền lành và nói đi quét mồ hóng từ sáng đến lúc ấy được 3 hào, vô ý bỏ vào túi thủng, tiền rơi mất cả. Nó không dám về sợ chủ đánh.
Nói xong lại tru lên khóc và gục mặt vào cánh tay như một kẻ chán đời.
Lũ học trò bé quay lại nhìn nhau, cho là quan trọng lắm. Một bọn khác cũng xúm lại : bé có ,lớn có, con nhà nghèo, con nhà giàu có, thẩy đều cắp cặp trong tay. Một cô trong bọn, người đã lớn và trên mũ có gài chiếc lông xanh, móc trong túi ra hai xu, bảo chị em :
_ Tôi còn có hai xu. Chúng ta quyên vậy.
Cô áo đỏ nói :
_ Tôi cũng có hai xu. Trong bọn ta, làm gì lại chả thu được ba hào.
Nói xong, hai cô hô hào :
_ Chị Amêlya, chị Lighya, chị Anna ơi ! Mỗi chị một xu! Chị nào có xu nữa không?
Mấy cô đem tiền định mua vở và mua hoa, thấy thế cũng vui lòng bới ra cho. Vài em bé cho cả tiền kẽm. Cô mũ gài lông xanh nhặt tiền và đếm to :
_ Tám , mười, mười lăm ! Còn thiếu nhiều !
Một thiếu nữ nghiêm trang có lẽ là cô trợ giáo đi qua thấy thế, cho một hào. Cả bọn đều vỗ tay. Còn thiếu năm xu nữa.
Một em bé reo :
_ Kìa các chị lớp bốn đã đến, các chị ấy có nhiều xu !
Quả nhiên, bọn học trò lớp bốn đến và bỏ nhiều tiền. Bấy giờ, có tới trăm cô nữ sinh đứng xúm xít vòng trong vòng ngoài, vây chặt đứa bé, bày ra một cảnh đẹp mắt vô cùng : Một cậu bé lọ lem điểm giữa các cô gái xinh tươi, làn tóc phất phơ , áo mầu rực rỡ. 
Ba hào đã đủ, nhưng tiền vẫn ném vào. Mấy em bé không tiền cũng cố len vào cho vài chùm hoa vì các em cũng muốn dự vào việc phúc.
Chợt người gác trường kêu to :
_ Bà Đốc !
Các cô chạy tán toạn như một đàn chim sẻ bay vù.
Còn trơ lại thằng bé quét mồ hóng đứng lau nước mắt. Hai tay nó không những đầy xu mà ở khuy áo, miệng túi và trên mũ còn giắt bao nhiêu là hoa ! Tiền nhiều, hoa đẹp, cậu bé bây giờ thấy mình sung sướng như một ông Hoàng, vừa đi vừa hát !...

11. Người bán than và ông quý phái

Thứ hai, ngày mồng 7


Carlô Nôbix lúc nào cũng kiêu hãnh vì sinh ra ở nơi quyền quý và giàu có. Cha anh vẻ người phong nhã, đứng đắn, trán rộng, râu đen, thường đưa anh đến trường.
Sáng qua, Carlô cãi nhau với Betty là con một người bán than. Cũng lý, anh chẳng tìm được lời gì, phát cáu nói :
_ Bố mày là đồ bần tiện !
Betty đỏ mặt, không nói được nữa, nước mắt chạy quanh.
Trưa về, Betty kể lại cho cha hay. Buổi chiều, ông bố lập tức ra trường phàn nàn với thầy giáo. Ông ta đang phân trần thì theo lệ thường, ông Nôbix cũng vừa đến cổng và cởi áo khoác cho con. Nghe thấy có người nói đến tên mình, ông tiến vào xem có việc gì. 
Ông Perbôni nói :
_ Kìa ông Nôbix đã đến ! Vừa khéo ! Ông này đang đến phàn nàn vì Carlô đã mắng con ông ấy bằng câu "Bố mày là đồ bần tiện!"
Ông Carlô cau mày và hơi đổi sắc mặt, quay lại hỏi con :
_ Có thực con đã nói thế ?
Carlô đứng ngây như gỗ, cúi đầu im lặng.
Ông Carlô xin phép dắt con đến chỗ Betty và bảo :
_ Con xin lỗi anh Betty đi !
_ Thưa ngài xin thôi !
Người hàng than nói thế và toan chạy vào ngăn lại, nhưng ông quý phái không nghe, cứ bắt con xin lỗi :
_ Con nhắc lại câu này : Anh Betty ơi ! Tôi xin lỗi anh về lời bất nhã và vô ý thức mà tôi đã chót nói phạm đến cha anh, người mà cha tôi rất lấy làm hân hạnh được bắt tay.
Không dám ngẩng mặt, Carlô cứ nguyên văn nhắc lại những câu cha vừa dạy bằng giọng thấp.
Rồi ông Nôbix đưa tay cho người bán than bắt một cách rất nồng nàn.
Bắt tay xong "Bá tước" quay lại nói với thầy giáo.
_ Thưa ngài, xin ngài làm ơn cho hai đứa trẻ này ngồi liền nhau.
Ông Perbôni đặt luôn Betty ngồi cạnh Carlô. Khi chúng đã yên chỗ, ông Carlô chào và trở ra.
Ông hàng than đứng lại một lúc, bâng khuâng, do dự. Ông ngắm hai trẻ ngồi sánh vai nhau, rồi chẳng nói chẳng rằng, ông chạy lại toan ôm lấy Carlô, song đến nơi ông bỗng dừng lại, đành lấy bàn tay chuối hột sẻ vuốt tóc anh Carlô rồi ra thẳng.
Thầy giáo bảo chúng tôi :
_ Các con hãy nhớ lấy tấn kịch mà các con vừa xem. Đó là một bài học hay nhất trong năm.

12. Mẹ tôi

Thứ năm, ngày mồng 10


Sáng nay cô giáo Đencati lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế cha tôi răn tôi bằng lá thơ sau này, đọc rất cảm động.
" Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. Enricô ơi ! Lần sau không được thế nữa ! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải "bỏ" con thì lại sụt sùi. Con ơi ! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không nên tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống ! Con ơi ! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất mẹ con.
Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, ví dù lớn đến mực nào, khoẻ đến mực nào, con vẫn thấy là một đứa trẻ chơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào giày xéo lên chữ hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm ; con người dù sang trọng tuyệt vời, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.
Enricô ơi ! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xoá sách vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi ! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quý báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ !" 
Cha con.

13.- Học trò nghèo

Chủ nhật, ngày 13


Cha tôi đã thứ lỗi cho tôi rồi, nhưng lòng tôi vẫn buồn nên chiều nay mẹ tôi cho tôi đi chơi với người gác cổng.
Khi chúng tôi đi qua một cái xe bò đỗ trước một cửa hàng kia, tôi thấy có tiếng người gọi tôi. Quay lại thì ra anh Côretti bạn học tôi. Anh mặc cái áo dài da rái cá và đội cái mũ nồi da mèo. Mồ hôi ướt đầm nhưng nét vui tươi vẫn lộ trên khuôn mặt, anh đang vác trên vai một bó củi nặng. Một người đàn ông đứng trên xe chuyển củi cho anh mang vào hàng. Anh xếp đống rồi lại ra xe. Tôi hỏi :
_ Anh làm gì thế ?
Anh vỗ vào bó củi trên vai, đáp :
_ Anh coi đây thì rõ. Tôi vừa làm vừa học bài anh ạ.
Rồi anh vai vừa vác củi, miệng vừa lẩm bẩm :
_ Người ta gọi sự biến hoá của tiếng động từ là những sự thay đổi của tiếng ấy về số, và về các ngôi...
Anh vừa ném cùi vào đống vừa đọc :
_ Tuỳ theo thì của việc làm...
Rồi lộn ra xe lấy củi, anh đọc tiếp :
_ Và tuỳ theo cách của việc làm ...
Đó, anh học bài văn phạm để đọc hôm sau. 
Anh hỏi tôi :
_ Anh xem tôi lợi dụng thời giờ như thế có được không? Cha tôi và người ở thì đi giao hàng, mẹ tôi thì ốm, tất đến việc tôi phải dở xe củi. Tuy nhiên, việc làm vẫn không ngăn trở việc học bài. Hôm nay chúng ta phải bài khó quá ! Tôi nhai mãi không thuộc.
Anh quay lại nói với người kéo xe bò :
_ 7 giờ cha tôi về bác sẽ đến lấy tiền.
Người đánh xe đi. Anh rủ tôi :
_ Anh vào chơi với tôi một tí.
Tôi vào trong một gian rộng xếp đầy củi thanh và củi bó, cạnh cửa có một cái cân.
Anh nói tiếp :
_ Hôm nay nhà tôi bận rộn quá. Tôi phải làm bài từng câu vụn, từng đoạn con. Lúc nãy, đang viết thì có người gọi mua hàng... Bán xong, vào vừa cầm bút thì người xe củi đến. Từ sáng đến giờ tôi đã ra chợ củi ở bãi Vênêzya hai lần rồi. Chân mỏi quá mà tay thì phồng lên. Bây giờ mà phải vẽ thì đến chịu.
Anh vừa nói vừa quét những lá khô rải rác trên thềm.
Tôi hỏi :
_ Anh làm bài ở chỗ nào ?
_ Ở trong này. Anh vào coi.
Anh đưa tôi vào gian sau cửa hàng là chỗ vừa làm buồng ăn vừa làm bếp. Trong một góc có cái bàn trên bày mấy quyển sách và vở bài đang làm dở. Anh nói :
_ Câu hỏi thứ hai hiện còn bỏ trống : Người ta dùng da thuộc để làm giày dép, cương ngựa...
Bây giờ tôi viết thêm : làm vali.
Rồi anh cầm bút viết chữ rất tốt.
Chợt có tiếng hỏi ở ngoài hàng :
_ Có ai bán hàng không ?
Đó là một người đàn bà đến mua củi.
_ Có ! Tôi đây.
Anh vội thưa, chạy ra cân củi, nhận tiền, biên sổ rồi vừa trở vào vừa nói một mình :
_ Không biết họ có để yên cho mình làm hết bài không ?
Xong anh ngồi viết nối : làm hòm, làm túi đạn.
Viết đến đây anh hốt hoảng kêu :
_ Chết ! Hỏng cả ấm cà phê !
Rồi anh chạy lại lò, nhắc ấm ra, nói :
_ Đây là cà phê của mẹ tôi, anh ạ. Hai ta cùng mang vào đi ! Thấy anh chắc mẹ tôi sẽ vui lòng... A ! Tôi còn phải biên thêm gì nữa ở dưới chữ : túi đạn không ? Kể thì còn nhiều thứ nữa, nhưng tôi chưa kịp nghĩ ra... Mời anh vào đây...
Bạn tôi mở cửa, chúng tôi vào chỗ mẹ anh nằm. Bà nằm trên một cái giường rộng đầu bịt khăn vuông trắng.
_ Thưa mẹ, cà phê đây ạ.
Nói xong, anh đưa mắt chỉ tôi và nói :
_ Đây là bạn học của con.
Bà nói :
_ Quí hoá quá ! Đến thăm kẻ ốm là một điều hay cậu ạ.
Anh Côretti nắn lại gối, kéo lại chăn cho mẹ, thêm lửa trong lò và đuổi con mèo ngồi chồm hổm trên mặt tủ. Mẹ uống xong, anh đỡ chén và hỏi :
_ Mẹ không cần gì nữa chứ ? Mẹ đã uống hai thìa thuốc ho chưa ? Dùng hết, con sẽ ra hiệu lấy. Củi đã xếp đầu vào đấy cả rồi. Đến bốn giờ con sẽ nướng thịt như lời mẹ dặn và khi nào người hàng mỡ đi qua, con sẽ trả 8 xu. Thưa mẹ, mẹ cứ yên tâm. Mọi việc con sẽ làm chu đáo cả.
Bà hàng than nói :
_ Ngoan lắm ! Con tôi chẳng sót việc gì. Tội nghiệp !...
Nhân tiện anh Côretti lại chỉ cho tôi xem bức ảnh cha anh treo ở tường, ông vận nhung phục, ngực dính Quận công bội tinh, khuôn mặt giống anh như đúc, mắt sáng, miệng tươi.
Chúng tôi lộn ra phòng ăn. Côretti bỗng reo to :
_ Tôi tìm thấy rồi !
Rồi anh chạy lại biên thêm vào vở bài : người ta cũng làm yên ngựa bằng da nữa.
Anh nói tiếp :
_ Thôi, còn mấy câu hỏi nữa để đến khuya sẽ làm... Anh Enricô ơi ! Anh sung sướng quá, anh có đủ thời giờ học, viết và thời giờ đi chơi.
Luôn luôn vui vẻ và lanh lẹ, anh đưa tôi ra ngoài hàng. Anh lấy những thanh củi đặt lên bàn, cưa mỗi thanh hai nhát đứt đôi. Rồi anh bảo tôi :
_ Đây là ngón võ khoẻ gấp vạn món thể thao "co và duỗi cánh tay" ! Tôi muốn cắt hết đống củi này trước khi cha tôi về, tất cha tôi sẽ hài lòng lắm ; nhưng khốn thay sau buổi kéo cưa như thế những chữ t và l tôi sẽ viết ra hình rắn cả, đúng như lời thầy giáo thường kêu. Nhưng tôi biết làm thế nào? Tôi sẽ thú thực với thầy : "Con vận động cánh tay nhiều quá, ngón tay thành ra tê cả!" Điều đó không ngại. Bây giờ tôi chỉ mong sao cho mẹ tôi chóng khỏi. Nhờ giời ! Hôm nay mẹ tôi đã khá nhiều ! Còn bài văn phạm, đến mai tôi sẽ dậy sớm học cũng kịp. A ! Kìa xe than đã về, tôi phải ra.
Một xe bò chất đầy bao đen đỗ trước cửa hàng. Anh chạy ra nói chuyện với người đánh xe xong, lộn vào bảo tôi :
_ Bây giờ tôi không thể giữ anh được nữa. Đến mai nhá ! Cảm ơn anh đã tạt vào thăm tôi. Tôi chúc anh đi chơi được vui vẻ, anh Enricô sung sướng của tôi !
Bắt tay tôi xong, anh chạy ra cõng từng bì than một, từ xe vào hàng, rồi lại từ hàng đi ra, nét mặt tươi tỉnh dưới chiếc mũ da mèo, ai trông thấy cũng phải chú ý.
" Enricô sung sướng"! - Lời bạn đã tặng tôi. - Nhưng không, anh Côretti bạn quí của tôi ơi ! Không ! Chính anh mới là người sung sướng vì anh vừa làm vừa hoc, và anh có ích cho cha mẹ hơn tôi, vì anh đảm đang và giỏi gấp trăm tôi !

Chừng nào con cháu chúng ta mới được học sự thật

Thằng cháu tôi hỏi : “Sao người ta không nói lại sự thật về Lê văn Tám? “ Tôi ậm ừ “À, chắc chưa phải lúc” Thằng nhỏ phang một câu “ Nói láo thì lúc nào cũng được, còn nói thật thì phải có lúc hả chú? “. Hôm nay post bài này lên coi như tạ lỗi vời thằng cháu.

Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu để tuyên truyền như một thiếu niên anh hùng có thật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam với chiến tích nổi bật là tự đốt mình để lao vào phá hủy một kho xăng của quân địch. Thông qua tuyên truyền của Việt Minh, nó được lưu truyền rộng rãi. Sau chiến tranh, câu chuyện được công nhận một cách chính thức cho đến tận ngày nay trong sách giáo khoa để các em thiếu nhi học tập tấm gương của một thiếu niên anh hùng, đã xả thân vì nghiệp lớn giải phóng dân tộc như một biểu tượng anh hùng cách mạng. Tên Lê Văn Tám được đặt tên cho nhiều trường học, công viên tại Việt Nam.

Câu chuyện về Lê Văn Tám thường kể rằng có một cậu bé làm nghề bán đậu phộng rang, tuy nhỏ tuổi nhưng đã tham gia lực lượng kháng chiến chống Pháp. Vào đêm 1 tháng 1 năm 1946, cậu bé tìm cách lọt vào được kho xăng của Pháp ở Thị Nghè. Cậu đã tẩm dầu lên mình và đốt, rồi nhảy vào một thùng xăng gần nhất. Cả kho xăng đã bị phá hủy và cậu bé cũng hy sinh theo. 

Câu chuyện này đã được tuyên truyền rộng rãi tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, với biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám", nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân... Câu chuyện này cũng được đưa vào sách giáo khoa tiểu học ở Việt Nam. Tên của Lê Văn Tám đã được đặt cho một số trường tiểu học, quỹ học bổng, tượng đài, công viên, rạp chiếu phim, đường phố hay các địa danh khác ở Việt Nam. 


Theo giáo sư sử học Phan Huy Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì nhân vật Lê Văn Tám là không có thật, và được Trần Huy Liệu, lúc đó là bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dựng lên.[ Theo một nguồn khác thì nhân vật Lê Văn Tám vốn được đạo diễn phim Phan Vũ sáng tác cho một phim truyện nhưng sau đó được dùng cho mục đích tuyên truyền.


Theo ông Phan Vũ kể, ông không hề viết rằng Lê Văn Tám là nhân vật có thực lập nên kỳ công "cây đuốc sống", mà chỉ viết một phim truyện. Nhưng do các nhà tuyên truyền thời ấy thấy cần xây dựng một tấm gương dũng cảm hy sinh cứu nước, bèn chộp luôn sáng tác của ông, hiện thực hóa như một nhân vật có thật. Lỡ phóng lao đành theo lao luôn. Tại sao nhân vật được đặt tên là Lê Văn Tám? Vẫn theo tác giả Phan Vũ, khi ấy nhân Cách mạng tháng Tám, ông đặt luôn nhân vật của mình tên Tám, vừa có ý nghĩa, vừa dễ nhớ, vừa dân dã lại rất Nam Bộ gần gũi.Thời chiến, có thể dùng mọi biện pháp, miễn hữu ích. Nay cũng cần trả lại sự thật cho các các sự kiện lịch sử.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê “nhớ lại”: “Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Ðó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền (sau cách mạng tháng Tám 1945, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền và cổ động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”. 

Giáo sư Phan Huy Lê nói thêm về lời nhắn gửi của ông Trần Huy Liệu: “Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.” 

Trần Huy Liệu được xem là một trong những nhà sử học hàng đầu và nhiều quyền lực tại miền Bắc VN những năm sau 1945, ngang hàng với Tố Hữu. Ông Liệu giữ chức Viện Trưởng Viện Sử Học Việt Nam và mất năm 1969. 

Tạp chí Xưa & Nay số 154 (202) - XII - 2003, bài "Đọc hồi ký Dương Quang Đông trọn đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân" của Nguyễn Quế Lâm, trang 9, có đoạn viết: 

Vụ đốt kho đạn Thi Nghè ngày 1.1.1946 bao nhiêu năm nay quy về một huyền thoại Lê Văn Tám. Nhưng về phương diện khoa học, huyền thoại này không đứng vững được. Và chúng ta cứ chấp nhận như thế mà lưu truyền như là một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nay bác Năm Đông đưa ra một tư liệu khác. Tổ đánh mìn kho đạn Thị Nghè là công nhân nhà máy đèn Chợ Quán gồm có Ka Kim, Kỷ và Nỉ. Ka Kim là chỉ huy. Kỷ và Nỉ dùng thuyền nhỏ chở mìn chờ lúc con nước ròng đưa thuyền chở mìn và hai người chui qua ống cống thoát nước. Vì lính gác chặt chẽ nên hai anh tiến hành công việc đặt mìn rất chậm. Khi đặt xong đến giờ điểm hỏa thì con nước đã lớn, ống cống ngập lút không ra được. Giờ điểm hỏa phá tung kho đạn Thị Nghè cũng là giờ phút hy sinh của hai công nhân nhà máy điện Chợ Quán. 

Hiện nay các thông tin này chưa được chính thức công nhận hay bác bỏ ở Việt Nam

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

TÂM HỒN CAO THƯỢNG ( 2 )

4.- Cậu bé miền Nam

Thứ bảy, ngày 22


Chiều qua, trong khi thầy giáo đang cho chúng tôi biết tin tức anh Rôbetti và nói anh sẽ phải chống nạng trong ít lâu thì ông hiệu trưởng đưa một người học trò mới vào lớp. Cậu bé, da nâu, tóc đen, mắt to, mày giao, mặc quần áo màu sẫm, ngoài nịt dây. Sau khi nói nhỏ với thầy Perbôni mấy câu, ông hiệu trưởng để cậu bé ở lại rồi ra. Anh học trò mới trố mắt nhìn chúng tôi, có vẻ sợ sệt. Thầy giáo liền dắt anh lại trước mặt chúng tôi và bảo rằng :
_ Các con ơi ! Các con hẳn được vui lòng vì hôm nay mới vào trường ta một người học trò quê ở xứ Calabria cách đây xa lắm, ở mãi tận miền cực nam nước ta. Các con hãy niềm nở tiếp người bạn mới này. Anh là dân một địa phương có tiếng, địa phương ấy đã sinh ra những bậc danh nhân, những tay thợ khéo và những quân nhân dũng cảm. Xứ của anh lại là một xứ đẹp vào bậc nhất nước, có bao nhiêu là núi lớn rừng xanh, dân cư rất thông minh và can đảm. Các con ơi ! Các con hãy yêu quý bạn con cho bạn con khuây nổi nhớ quê. Các con hãy tỏ cho bạn con biết rằng một đứa trẻ nước Ý đi đến trường nào trong nước là cũng gặp được bè bạn, gặp được anh em ở trường ấy.
Nói xong, ông Perbôni lại chỗ treo bản đồ Italia, trỏ vị trí xứ Calabria cho chúng tôi coi. Xong thầy dõng dạc gọi.
_ Đêrôtxi !
Đêrôtxi anh học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất này đứng dậy.
_ Con lên đây.
Đêrôtxi ra ghế, lên bàn giấy, đứng cách anh học trò mới, độ hai bước.
_ Con là người đầu lớp, lấy tư cách ấy, thay mặt anh em, con hãy đem dấu thân ái của một người dân xứ Bắc tỏ cùng một người dân xứ Nam.
Đêrôtxi lại gần anh học trò miền Nam nói rất êm ái và rõ ràng :
_ Chúng tôi mừng anh !...
Rồi Đêrôtxi hôn hai má người bạn mới một cách rất nồng nàn. Chúng tôi vỗ tay rầm rập.
Thầy quát : "Im ! Không được reo cười trong lớp!!!" Tuy nhiên, thầy tỏ ý rất bằng lòng về mối nhiệt tình của chúng tôi. Cậu bé miền Nam cũng ra dáng vui sướng. Ông Perbôni đưa cậu bé đến chỗ ngồi và nói thêm :
_ Cho được cái kết quả nói trên, nghĩa là làm cho một đứa trẻ xứ Nam ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình và đứa trẻ xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta đã phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã được quyền tự do ấy. Vậy các con phải coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy sẽ không đáng ngẩng mặt nhìn ngọn cờ ba sắc (1) đi qua.
Cậu học trò miền Nam vừa ngồi vào chỗ thì các bạn chung quanh tíu tít, kẻ đưa ngòi bút, người cho bút chì và tranh ảnh, một bạn ngồi ghế sau gửi lên cho cậu một cái tem Thuỵ Sĩ để tỏ tình thân ái.
---------------------------------------
(1) Cờ nước Ý gồm ba sắc : đỏ, trắng và xanh lá cây

5.- Bạn tôi

Thứ năm, ngày 28


Người đã cho cậu bé miền Nam cái tem thơ hôm trước là người bạn mà tôi thích hơn hết. Anh lớn nhất lớp, đầu to vai rộng, năm nay gần 14 tuổi, tên gọi Garônê. Anh rất tử tế, coi miệng cười thì biết. Ngoài anh Garônê tôi còn quen nhiều bạn nữa.
Anh Côretti là một bạn mau mắn và vui vẻ, tôi rất ưa mến. Anh thường mặc cái áo nịt bằng da rái cá và đội cái mũ nồi bằng da mèo. Anh là con một người hàng củi. Cha anh đã từng đầu quân trong cuộc chiến tranh năm 1866 và nhập vào đội quân của Hoàng thân Umbertô. Người ta nói cha anh đã được ba tấm huy chương. Cạnh anh Côretti là anh Nenli, lưng gù, người coi yếu đuối mảnh dẻ và anh Vôtini một người học trò phục sức rất sang và có tính hay làm dáng.
Đầu bàn nhì, có một cậu bé mặt tròn, mũi dẹp mà anh em thường gọi đùa là "chú phó nề" vì cha cậu làm nghề ấy. Cậu có cái biệt tài là "nhăn mõm thỏ" làm cho ai nấy phải bật cười, vì thế anh em hay bắt cậu làm trò để đùa nghịch với nhau. Cậu lại có cái mũ rất mềm thường vo viên bỏ túi như chiếc mùi xoa.
Cạnh "chú phó nề" là anh Garôphi, người gầy gò mũi khoằm, mắt bé. Lúc nào anh cũng bán chác nào bút, diêm, nào tranh, ảnh cho bạn. Anh lại hay chép bài học vào móng tay để đọc, anh khôn khéo đến nỗi không bao giờ thầy bắt gặp.
Gần đấy lại còn một cậu bé coi bộ khinh khỉnh là cậu Carlô Nobitxi. Cậu ngồi giữa hai người bạn đối với tôi rất tử tế : một người là con người thợ khoá, ăn mặc vụng về, xanh xao như người ốm, coi bộ nhút nhát và buồn thiu ; người kia, tóc vàng da xanh, một cánh tay bị liệt phải đeo trước ngực. Cha cậu sang Mỹ, mẹ cậu ở nhà bán hoa quả rong.
Người ngồi bên trái tôi lại đáng chú ý hơn nữa, tức là anh Xtarđi, thân lùn cổ rụt, ít nói và hay cáu. Anh không thông minh mấy nhưng rất chú ý đến lời thầy giảng, anh nghe không dám cựa, mắt thẳng, trán cau, miệng mím. Ai hỏi anh trong lúc thầy đang cắt nghĩa, nhất định anh không trả lời, vô phúc hỏi đến lần thứ hai là bị anh đạp luôn cho mấy cái ...Và anh vẫn không hé răng.
Cạnh anh là Phranti, một tên rắn mặt và gớm guốc, hình như đã bị đuổi ở trường làng.
Lại còn hai em nhà nọ, ăn mặc như nhau và cùng đội mũ gài lông trĩ, trông giống nhau như đúc.
Người tử tế hơn hết, thông minh hơn hết, người chắc chắn sẽ được phần thưởng thứ nhất, ai cũng biết được là anh Đêrôtxi.
Anh Prêcôtxi con người thợ khoá nói trên, thực là một người học trò đáng thương hại. Theo lời người ta nói thì anh thường bị cha đánh đập luôn, đến nỗi anh thành ra người dút dát, mỗi khi hỏi ai hay lỡ chạm phải ai là anh "xin lỗi" luôn miệng và nhìn người ta bằng đôi mắt hiền lành và buồn bã.
Trong ngần ấy người bạn, theo ý tôi, thì anh Garônê là người tốt nhất

6.- Lòng hào hiệp

Thứ tư, ngày 26


Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.
Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn - tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. - Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.
Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.
Thầy giáo lên bục cau mày hỏi :
_ Ai ném lọ mực ?
Chẳng ai hé răng.
Thầy gắt :
_ Ai ? Ai ném ?
Lúc ấy bị kích thích vì lòng thương bạn, anh Garônê đứng dậy nói quả quyết :
_ Thưa thầy, con.
Thấy mọi người sửng sốt về câu trả lời ấy, thầy hiểu ngay và ôn tồn nói :
_ Không. Không phải con.
Xong thầy lại nói :
_ Ai trót dại đứng lên thú nhận, ta sẽ tha.
Crôtxi đứng lên nói :
_ Thưa thầy, các anh ấy chọc con, đánh và chửi con... Con mất trí... Con trót ném...
_ Thầy nói tiếp :
_ Cho ngồi xuống. Bây giờ đến lượt những kẻ sinh sự đứng lên.
Bốn anh trong bọn khiêu khích đứng dậy, cúi đầu.
_ Thầy mắng :
_ Các anh đã vô cớ lăng mạ một người bạn không trêu chọc các anh. Các anh đã chế giễu một người tàn tật. Các anh đã xúc phạm một đứa trẻ yếu đuối không tự vệ được. Các anh đã làm một điều hèn hạ đáng xấu hổ, một điều có thể làm nhơ nhuốc đến phẩm giá của con người, các anh là những đồ đê tiện !
Nói xong thầy xuống giữa lớp, lại chỗ anh Garônê ngồi. Thấy thầy đến, anh cúi đầu. Ông Perbôni để tay xuống dưới cằm nâng mặt anh lên, nhìn thẳng vào hai mắt anh và nói :
_ Con có một trái tim cao thượng đáng khen !
Anh Garônê nhân dịp ấy cúi vào tai thầy nói nhỏ mấy câu. Lập tức thầy quay lại chỗ 4 kẻ tội nhân và đột nhiên bảo :
_ Thôi ! Tha cho các anh.

7.- Trên rầm thượng. (1)

Thứ sáu, ngày 28


Chiều hôm tôi và em Xinvya cùng đi với mẹ tôi đem quần áo cho một người đàn bà nghèo mà người ta đã mách trong một tờ báo. Tôi mang gói, em tôi đã ghi sẵn tên tắt và địa chỉ người đàn bà ấy ra mảnh giấy cầm tay. Chúng tôi leo lên gác thượng một toà nhà cao lắm. Tới nơi, chúng tôi thấy một hành lang dài, hai bên có những căn phòng liên tiếp nhau. Mẹ tôi gõ cửa buồng cuối cùng. Một người đàn bà còn trẻ mặt bủn vóc vầy ra mở cửa. Trông cái khăn vuông trùm trên đầu, tôi nhớ hình như đã gặp bà này ở đâu thì phải.
Mẹ tôi hỏi :
_ Có phải bà là người mà người ta đã mách trên báo?
_ Thưa bà vâng, chính chúng tôi.
_ Đây, tôi mang lại cho bà ít quần áo.
Người đàn bà nghèo khó kia cám ơn chúng tôi mãi không thôi.
Lúc ấy, tôi trông thấy trong một góc nhà không đồ đạc và tối mò, có một cậu bé quay lưng ra phía chúng tôi. Cậu quì trước một cái ghế hình như đang mãi viết. Giấy để trên mặt ghế mà lọ mực thì dưới sàn. Không biết cậu ta làm thế nào mà viết được trong xó tối như vậy.
Tôi đang tự hỏi thế, chợt trông thấy mớ tóc vàng hoe và cái áo dài lụng thụng, tôi nhận ra ngay anh Crôtxi, con bà bán hoa quả, tức là cậu bé liệt tay. Tôi bảo sẻ mẹ tôi, trong lúc mẹ anh đang gỡ gói quần áo.
Mẹ tôi bấm :
_ Im, đừng gọi, cậu ấy sẽ ngượng chăng.
Nhưng, ngay lúc ấy Crôtxi quay ra ; tôi bối rối, anh mỉm cười với tôi. Mẹ tôi liền đẩy tôi lại. Anh giơ hai tay chạy ra. Tôi liền ôm lấy anh hôn.
Mẹ anh nói :
_ Thưa bà, bà đã rõ, nhà chỉ có mình cháu với tôi. Cha cháu đi sang Mỹ đã sáu năm nay, không may vừa rồi tôi lại bị ốm không đi hàng được, phải bán dần đồ đạc để ăn. Cả đến cái bàn viết của cháu cũng không còn. Đèn đuốc cũng thiếu, cháu phải học mò trong bóng tối rất hại mắt. Nhưng cũng may là tôi còn có thể cho cháu ra trường và cháu được sách vở phát không. Thương hại cho cháu! Cháu chịu khó lắm! Có khi nhịn đói đi học. Thưa bà, tình cảnh chúng tôi thật là khổ sở quá !...
Mẹ tôi lấy tất cả tiền trong ví bỏ vào tay người đàn bà khốn khổ, hôn anh Crôtxi rồi dân dấn nước mắt trở ra.
Về nhà, mẹ tôi khuyên tôi rằng :
Con ơi! Con hãy trông gương đứa trẻ nghèo khổ ấy đã phải học hành trong cảnh thiếu thốn và khó khăn. Về phần con, con có đủ mọi thứ cần dùng mà đôi khi con còn kêu sự học vất vả. Này ! Enricô ơi ! Một ngày làm việc của Crôtxi còn đáng công hơn cả một năm học của con. Chính những hạng học trò ấy phải cho phần thưởng danh dự mới phải.
Cha tôi đã nghe được những lời mẹ tôi khuyên bảo tôi, vì thế ngay chiều hôm ấy, tôi thấy để trên bàn viết của tôi lá thư sau này :
----------------------------------
(1) Ở bên Âu, những dân nghèo thường phải thuê nhà ở trên rầm thượng, tức là tầng gác sát mái nhà, cho được rẻ tiền.

8.- Học đường

Thứ sáu, ngày 28


" Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.
Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẽm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng : chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi "xe trượt" trên những bãi băng giá lanh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.
Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.
Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.
Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia ! Cố lên ! Con ơi ! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cứu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát. "

9.- Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva (1)

(Truyện đọc hàng tháng)
Thứ bảy, ngày 29.


Không, không bao giờ tôi chịu làm tên lính hèn nhát. Nếu ngày nào thầy giáo cũng kể cho tôi nghe như câu chuyện sáng nay thì có lẽ không bao giờ tôi muốn nghỉ học. Theo lời thầy thì mỗi tháng sẽ có một truyện mà truyện nào cũng nói về những thủ đoạn phi thường của một đứa trẻ con.
"LÒNG YÊU NƯỚC CỦA CẬU BÉ THÀNH PAĐÔVA" đó là đầu đề câu chuyện sáng nay.
Năm trước, một chiếc tàu Tây Ban Nha dời bến Bardêlôna (2) để đi Giênôva (3). Trên tàu, trừ người Tây Ban Nha, còn có một ố người Pháp, người Italia, người Thuỵ Sĩ, và nhiều người khác nữa. Trong bọn hành khách người ta nhậnthấy một đứa trẻ độ 11 tuổi, ăn mặc nhơm nhếch, đứng riêng một chỗ và nhìn những người kia bằng đôi mắt hầm hầm. Nó nhìn như thế cũng không phải hẳn là không có cớ. Cha mẹ nó là nông dân ở gần Pađôva, cố nhiên là nghèo túng, hai năm trước vì tham tiền đã cho nó đi ở với một người chủ xiếc rong. Người này dạy nó một vài món nhảy, lộn rồi bắt nó theo sang Pháp và Tây Ban Nha. Nó bị hành hạ luôn tay và ăn uống không đủ.
Đến thành Bardêlôna, không thể chịu được cái đời sống khổ ải ấy nữa, đứa trẻ khốn nạn liền trốn chủ đến cầu cứu viên lãnh sự Italia. Động mối thương tâm, viên lãnh sự xin cho nó một chỗ trong tàu nói trên và cho nó một lá thư giới thiệu cùng ông thị trưởng thành Giênôva nhờ ông trả về cho cha mẹ nó, là người đã bán nó như một con vật. Thằng bé còm gầy yếu đuối và mặc bộ quần áo rách. Người ta cho nó ngồi phòng hạng nhì. Hành khách ai cũng nhìn nó, có người hỏi nó song nó không trả lời. Nó có vẻ căm ghét mọi người vì những sự khắc khổ và hành phạt đã làm cho nó oán hận và không có cảm tình. Tuy nhiên, có ba người hành khách đã khéo làm cho nó hé răng. Nó kể chuyện nó bằng tiếng Italia pha giọng Tây Ban Nha. Ba người khách kia không phải là dân Italia nhưng cũng thương nó, cho tiền để nó nói chuyện, nghe cho đỡ buồn. Đồng thời, có mấy thiếu phụ đi qua, ba ông quí khách hãnh diện ném thêm tiền xuống bàn loảng xoảng và nói : "Cầm lấy ! Cầm lấy nữa này !"
Đứa bé sung sướng, vơ tiền bỏ túi, cảm ơn rồi vào phòng. Nó buông màn cửa xuống ngồi yên lặng và nghĩ đến những việc nó sẽ phải làm.
Nó nghĩ : với số tiền ấy, nó sẽ được ăn no, không phải thèm nhạt như trước. Khi tới Giênôva, nó sẽ sắm một bộ cánh mới để thay bộ quần áo nó đeo hai năm trời nay, rách như tổ đỉa. Nó lại định để ra một ít tiền đem về cho cha mẹ, chắc là được săn đón và quí hoá hơn là về tay không. Số tiền ấy đối với nó là một món tiền to. Ngồi sau rèm cửa, nó trừ đi tính lại và trong lòng thấy khoan khái nhẹ nhàng.
Lúc ấy, ba người khách nói trên đang ngồi ở buồng ăn, quây quần uống rượu và nói chuyện về những cuộc du lịch của mình cùng phong tục những nước đã đi qua. Tình cờ, câu chuyện nhằm vào nước Italia. Một người bắt đầu phàn nàn về khách sạn, người chê về xe lửa. Cuối cùng, rượu say, họ thi nhau nói xấu tất cả những gì thuộc về nước Italia. Người thứ nhất nói biết thế, họ sẽ di du lịch xứ Lappôn (4) (ở cực bắc châu Âu) còn hơn sang nước Italia. Người thứ nhì nói quả quyết rằng ở Italia hắn gặp toàn thị những phường quỷ quyệt và những quân cường đạo. Người thứ ba nói thêm rằng :
_ Những người tùng sự nước Italia không biết chữ.
Người thứ nhất nói :
_ Đó là một dân tộc ngu dốt !
Người thứ nhì tiếp :
_ Bẩn thỉu !
_ Và ăn ...
Người thứ ba định nói câu "ăn cắp" nhưng chưa dứt lời thì một trận mưa toàn tiền vàng và bạc hắt vào mặt những người ấy rơi tung toé xuống bàn và trên sân. Ba người hầm hầm đứng dậy xem trận mưa dữ ấy ở đâu ra thì lại bị ném thêm.
Cậu bé thành Pađôva vén rèm thò đầu ra thét bằng giọng khinh bỉ :
_ Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những người kẻ đã lăng mạ nước ta.

Phỏng vấn dịch giả Dương Tường

Không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy xúc động hơn với một người bị đàn áp về tư tưởng, mặc dù bị hành hạ về thể xác bề ngoài trông cũng khủng khiếp lắm. Có lẽ là người đọc sách, và cũng mạo muội tự nhận mình là người trí thức nên tôi hiểu hơn cái cảnh bị đày đọa về tinh thần, tôi nhạy cảm hơn với những bức xúc của những người biết lẻ phải mà không dám nói hay phải nói những điều ngược lại.
Với ý đó, và cũng với niềm xúc động như khi đọc bài phỏng vấn BNT, tôi post tiếp bài phỏng vấn dich giả Dương Tường , một nạn nhân văn hoá khác




Dương Tường - Người chưa mãn hạn 


Lý lịch trích ngang:
Dương Tường- Nhà báo- Nhà thơ- Nhà phê bình nghệ thuật.
Tên thật: Trần Dương Tường
Sinh năm 1932
Cao
Nặng: 53kg
Cận 20 độ
“Thành tích” thời niên thiếu:
13 tuổi tham gia Tổng khởi nghĩa ở Me, 18 tuổi vào bộ đội.
Ba lần thi bị trượt, chưa tốt nhiệp lớp 7
40 năm sau:
Là dịch giả gần 60 đầu sách tiếng Anh, trong đó có nhiều bộ tiểu thuyết quan trọng như:
Anna Karenina (Lev Tolstoi, Nga)
Alexis Zorba (Nikos Kazantzaki, Hy Lạp),
Đất Dữ (Jorge Amado, Barazil),
Cuốn theo chiều gió, (Magarret Michel, Mỹ),
Đồi gió hú (Emily Bronte, Anh)
Cội rễ (Alex Haley, Mỹ)
Người dưng (Albert Camus, Pháp)
Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig, Ao)
Con đường xứ Flandres (Claude Simon, Pháp)
Cái trống thiếc (Gunter Grass, Đức, Nobel văn chương 1999)
Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami, Nhật)…
Người tạo dựng nhiều “sân chơi”, đặt nền tảng cho nhiều cuộc giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước: Triển lãm Nhìn Từ Hai Phía, Cách Nhau Một Đại Dương...
Nhận Bắc đầu bội tinh Văn học Nghệ thuật (Officier des Arts et des Lettres) do chính phủ Pháp trao tặng.


Phạm Tường Vân: Trong cuốn “Rừng xưa xanh lá”ông Bùi Ngọc Tấn “tố giác” ông là người đầu têu rủ bạn bè văn nghệ sĩ trí thức đi bán máu?Thực hư thế nào?
Dương Tường: Tôi chỉ rủ Mạc Lân và Châu Diên thôi.
Hồi đó tôi được ưu ái cấp cho một cái thẻ cho máu (viết tắt là TCM) tức là được công nhận là cộng tác viên cho máu thường xuyên của bệnh viện . Những người có thẻ được một “đặc quyền”, khi bệnh viện có ca nào cấp cứu, cần lấy máu gấp, nửa đêm cho xe đến đón. Mỗi lần bán máu, ngoài tiền (50 đồng 100cc), còn được cấp các phiếu đường, thịt, đậu……….. Phần đông “lính me” – tiếng lóng chỉ dân bán máu – bán luôn cả phiếu cho đám phe phiếu lúc nào cũng đứng đầy ở cổng bệnh viện. Tôi thì mang tất về nộp vợ. Bảo là của anh Hạnh cho (Ngô Quốc Hạnh, bạn tôi, hồi ấy là phó chủ tịch Hà Nội kiêm giám đốc Sở Công Thương, sau này là Thứ trưởng Bộ Nội Thương).Thỉnh thoảng bí quá, Trinh lại giục, anh qua anh Hạnh xin phiếu đi. Tôi lại đem thẻ TCM, đến năn nỉ người ta cho lấy sớm.

Phạm Tường Vân:Ông đã bán bao nhiêu lít máu tất thảy?
Dương Tường: Không thể tính được. Hơn một năm, cứ hai tuần 1 lần, trung bình 250 cc. Lúc cấp bách thì tuần/lần,
lần đạt “kỷ lục” nhờ Lê Phát giới thiệu với trưởng phòng huyết bệnh viện Việt Đức thì được ưu tiên bán 300 cc.

Phạm Tường Vân: Hồi đó ông nặng bao nhiêu ký lô?
Dương Tường: Hơn 40 kg
(PTV: lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, ra phố Hàng Bài, tôi bảo ông cân thử , kết quả: hiện tại, trông ông không lấy gì mập mạp cho lắm, cân cả giày và cái áo bông kếch xù đựơc cả thảy 53 kg, thế mà vẫn cái hơn cái thời bán máu hẳn 12 kg!)

Phạm Tường Vân:Ngoài bán máu ra, ông còn có những cách nào khác để qua cơn bĩ cực?
Dương Tường: Cũng có một số cách khác tuy không đàng hoàng lắm nhưng lương thiện: Vợ Mạc Lân là nhân viên mậu dịch bán ở quầy thuốc. Tôi đi khám bệnh, xin đơn, đưa ra vợ Lân ghi hóa đơn từng ấy thứ thuốc rồi đem về cơ quan thanh toán, cộng cả tiền bồi dưỡng ốm. Bệnh thật, chỉ có chữa là giả. Mà với những cơ thể suy dinh dưỡng trầm trọng của chúng tôi hồi đó, chẳng lúc nào thiếu bệnh. Một cách nữa là bán thuốc lá cho căng-tin, công đoàn chia mỗi người được 3-4 bao theo giá cung cấp, mỗi tuần cố nhịn dành đựơc 2 bao đem ra bà hàng nước. Bán cũng không dễ, phải phục cho đến khuya, vắng vẻ mới dám thò thuốc ra. Một bao cũng mua được vài ký gạo. Tôi nghiện nặng nhưng chỉ dám hút thuốc lá cuộn, trong gạt tàn chẳng có cái đầu mẩu nào vì tất cả đều được gom gop tích laị, lúc bí đem xé ra vấn đi vấn lại. Cách nữa là tranh thủ nhịn cơm tiêu chuẩn, bớt được bữa nào thì bớt, dư ra phiếu nào bán lại cho nhà bếp lấy tiền đưa vợ đong gạo. Đến nhà người thân tình cứ nhè vào bữa cơm. Chuyện văn chương, triết học cứ đến bữa lại nở như ngô rang, bà chủ bưng cơm lên, mời rơi mình một tiếng. Lấy cớ nói nốt câu chuyện, vừa ăn vừa “làm khách” để giữ sĩ diện nên chỉ dám làm một bát. Thôi thì cầm hơi cho qua ngày, vợ con cũng đỡ được một suất. Nhưng xong rồi thì ngượng lắm!

Phạm Tường Vân: Ông bị xử tệ vì mắc tội gì?
Dương Tường: Xét lại, không đồng ý với nghị quyết 9

Phạm Tường Vân: Bằng cách nào?
Dương Tường: Bảo lưu.

Phạm Tường Vân:Nghe nói hồi đầu những năm 96, có vụ đám tang ông Dương Bạch Mai khá chấn động.Ông có tham gia?
Dương Tường:Vụ vòng hoa phúng Dương Bạch Mai trong cuốn ĐÊM GIỮA BAN NGÀY của Vũ Thư Hiên có chỗ không chính xác. Vòng hoa đó do tôi đứng ra quyên góp và đi đặt ở kios hoa Bờ Hồ góc Đinh Tiên Hoàng- Hàng Khay. Vòng hoa rất lớn không thể một mình vác chạy bộ gần một cây số đến trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc là nơi cử hành tang lễ được. May sao đến phút cuoi, tôi vớ được một chiếc xích lô nhảy đại lên. Tới nơi thì vừa bắt đầu. Ra đón là Bửu Tiến,Trần Trung Tín, Albert, hàng binh Pháp làm việc tại đài phát thanh. Albert bảo: “ Dépêche-toi! (Nhanh lên!)” Bốn người khệ nệ khiêng vào. Lát sau, dải băng tren vòng hoa với dòng chữ: “Tinh thần người cộng sản chân chính Dương Bạch Mai bất diệt!” do Vũ Thư Hiên ghi, bị bóc vứt đi. Sau này, tôi bị gọi lên nhiều lần và tôi nhận: “vòng hoa đó của riêng tôi, mua băng nhuận bút dịch Anna Karenina.”

Phạm Tường Vân:Đó là năm nào?
Dương Tường:1962.

Phạm Tường Vân:Sao ông không bị bắt giam?
Dương Tường: Nếu ở Hải Phòng hay một tỉnh nhỏ nào khác, chắc tôi có kết cục giống Bùi Ngọc Tấn. Thấy Vũ Thư Hiên, Kiến Giang, Vũ Huy Cương “đi”, tôi, Mac Lân, Xuân Khánh cũng khăn gói chuẩn bị đón khả năng xấu nhất. Nhưng chờ mãi không thấy bắt. Có lẽ họ bắt mấy ngừơi tiêu biểu. Mà bắt thế đã là quá nhiều rồi!

Phạm Tường Vân:Ông chuẩn bị những gì?
Dương Tường:Ba lô, vài bộ quần áo, dăm quyển sách, nếu lọt thì có cái giải khuây.

Phạm Tường Vân:Có người ác miệng nói ông là “đặc tình” của Bộ Công an vì “dính” bao nhiêu vụ mà không phải vào tù. Lại có kẻ bảo ông làm cho CIA vì hay thân với Mỹ! Ông có bận tâm?
Dương Tường:(Cười lặng lẽ. Một lúc sau:) Có người còn bảo tôi « tuần chay nào cũng có nước mắt. »

Phạm Tường Vân:Một điều hơi lạ là ông đọc sách rất nhiều, đọc “Phía tây không có gì lạ” lấy từ tay lính Pháp từ rất sớm. Điều đó không hề làm ông chán ghét chiến tranh ?
Dương Tường:Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ – và vẫn khẳng định -- Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ hoàng kim của cách mạng Việt Nam. Nếu được sống laị thời đó một lần nữa, tôi vẫn hành động như cũ nghĩa la bỏ nhà đi bộ đội. Suốt những năm đi lính, tuyệt nhiên không hề có ý định rời quân ngũ. Có lần ốm trên đường hành quân vào chiến dịch, tụt laị sau cả tuần, đã quyết đuổi theo đơn vị bằng được. Đi bộ hơn 300 cây số từ Đô Lương (Nghệ An) đến Hoà Bình để tìm đơn vị mà không mảy may có ý định rẽ về thăm nhà. Mỗi ngày chạy bộ gần 30 cây đuổi theo đơn vị, bị máy bay rượt suýt chết.

Phạm Tường Vân:Đến khi nào thì ông nhận ra mình sai, nhận ra chiến tranh là vô nghĩa?
Dương Tường:Đến chiến tranh chống Mỹ. Cho đến giờ tôi vẫn thấy chiến tranh chống Pháp là một thời kỳ tuyệt đẹp, thoải mái cực kỳ. Người ta sống với nhau đầy tình người. Không có húy kỵ như về sau này. Chả thế mà Phạm Duy viết trong Tình kỹ nữ:

Đêm nay đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước
……………..
Ta ôm người đẹp bâng khuâng
Bên nhau mà lòng xa vắng
Ta nương theo làn hương xưa của khách năm xưa yêu nàng...
Mà vẫn phổ biến rộng rãi, vẫn hát công khai khăp nơi khắp chốn, không bị bắt bẻ hoặc phê phán gì cho tới khi có chỉnh huấn, chỉnh quân.
Phạm Tường Vân:Nhân Văn là chuyến tàu chở sự vỡ mộng lớn nhất của văn nghe sĩ- trí thức sau hoà bình lập lại. Nhóm Xét Lại: Ông, Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh………, Mạc Lân là chuyến tàu thứ hai. Có phải vì các ông đi theo kháng chiến nhanh quá, đi vì mỹ cảm chứ ông phải……………..
Dương Tường: Rất thành thật, hoàn toàn vì lý tưởng! Các thế hệ sau khó mà hiểu được cái không khí hồi đó. Say lắm. Không bao giờ có lại thời kỳ dám bỏ tất cả, dám đốt cả Hà Nội mà đi chiến đấu như thế.

Phạm Tường Vân:Ông có yêu Bác Hồ không?
Dương Tường:Yêu chứ! Đến thời kỳ Xét Lại có bớt yêu đi nhưng vẫn còn kính trọng, kính trọng cho đến bây giờ!

Phạm Tường Vân:Nếu cháu gái 5 tuổi của ông hỏi: “Bác Hồ là ai? Tại sao phải yêu Bác Hồ?”, ông sẽ trả lời ra sao?
Dương Tường:Nó không bao giờ đặt câu hỏi như thế. Nó coi đó là đương nhiên. Cũng như nó không hề thắc mắc tại sao bông hoa lại tên là bông hoa, tại sao nó laị đẹp và thơm. Tôi cũng chưa gặp đưá trẻ nào đặt câu hỏi như vậy.
Có lẽ nó đã học được sự thản nhiên đó từ trong bụng mẹ?
Có lẽ nó và những đứa trẻ cùng lứa sinh ra khi mọi giá trị đã được xác định và chúng mặc nhiên công nhận.

Phạm Tường Vân: Thời kỳ ông tự đặt ra với mình nhiều câu hỏi nhất là baogiờ?
Dương Tường:Những năm 60, khi Đảng đàn áp Nhân Văn, đàn áp Xét Lại

Phạm Tường Vân:Câu trả lời chung là gì?
Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại. Và mọi thứ chủ nghĩa đều là không tưởng, con người bịa ra thứ đó để mà dối lừa nhau mà thôi.

Phạm Tường Vân:Phản ứng của ông?
Dương Tường:Tôi gần như bị tâm thần. Tôi phải tự chữa trị bằng nghe nhạc, chủ yếu là nhạc cổ điển. Tôi goị đó là nhạc liệu pháp (musicotherapy)

Phạm Tường Vân:Và hội hoạ nữa. Dường như ông trốn vào những lĩnh vực ít phải bày tỏ chính kiến, những lĩnh vực khá sang trọng đối với các nhà chức trách để ít bị bắt bẻ. Và lựa chọn khôn ngoan này khiến ông còn “lành lặn” đến bây giờ?
Dương Tường:Đúng. Tôi tự bảo mình: kiềm chế đi một tí, và ráng làm mỗi thứ một tí, cố gắng kiễng chân, cố gắng nhích lên. Mỗi người ráng ghé vai đẩy từng milimét, từng phần của milimét, làm sao để thế giới phải khác đi.

Phạm Tường Vân:Với hàng chục đầu sách dịch, những cuốn “đóng đinh” vào nhận thức của nhiều thế hệ nhà văn VN, hàng trăm bài phê bình mỹ thuật, hàng chục lần làm cầu nối cho văn nghệ trong nước với nước ngoài. Nói như nhà văn Bùi Ngọc Tấn: ông Dương Tường là “vụ văn hóa đối ngoại nghiệp dư”, người nhiều bạn bè, người giàu có nhất và người đi qua tất cả mà “mất” ít nhất, ông nghĩ sao?
Dương Tường:(Im lặng, ngồi như tượng)

Phạm Tường Vân:Ông trả lời với chính quyền như thế nào về những người bạn “khả nghi” của mình?
Dương Tường:Câu trả lời luôn là: “Đó là những người bạn tốt nhất của tôi, thương tôi nhất. Có chặt đầu tôi đi thì tôi cũng không tin họ là người xấu!”

Phạm Tường Vân:Một điều khó hiểu là ông có thể chơi với những người rất “khắc” nhau. Ví dụ như Trần Dần với Văn Cao chẳng hạn, hai người từng chung nhóm Nhân Văn, ở chung một góc phố, vậy mà chẳng bao giờ giáp mặt?
Dương Tường:Họ không chơi nhưng rất trọng nhau. Tôi rất thân với cả hai , tôi biết. Lần nào tôi đến chơi, Văn Cao cũng nhắc đến Trần Dần Và ngược lại. Dần bảo: “Thằng Văn nó chưa đẻ nhưng nó là voi, đẻ rất to!”. Hôm đám tang Văn Cao, Trần Dần chống gậy đến ngồi như pho tượng. Giữa họ có những vướng mắc do thời cuộc chứ hoàn toàn không phải vấn đề tư tưởng hay quan điểm

Phạm Tường Vân:Giới “quan chức” trong Hội Nhà Văn, ông chơi với ai?
Dương Tường:Nguyễn Khải, Hữu Mai, quen biết từ trong chiến tranh. Hai ông này bảo tôi vào Hôị Nhà Văn, tôi bảo: “thôi, hai anh cho em được trọn vẹn cái thân phận ngoài rìa của em”

Phạm Tường Vân:Tôi nói điều này, xin ông đừng giận: có cảm giác: ông chưa vào tù nhưng ông chưa bao giờ được ra tù! Chẳng thà hồi đó người ta bắt ông, nhốt vài năm rồi thả, ông còn được hưởng niềm vui mãn hạn. Đằng này, lúc nào ông cũng sống trong cảm giác của những ngày chờ đợi..
Dương Tường:Đúng!

Phạm Tường Vân:Và lúc nào cũng “giật mình một cái vỗ vai”*?
Dương Tường:Dù là những lúc vui nhất, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy yên ổn. Tôi vẫn chưa thoát khỏi cái tâm thái bất an mà tôi gọi là angoisse khi nói chuyện với một nhà báo nước ngoài hồi đầu những năm 1980. Một thứ ám ảnh hồ như pre-apocalyptic, tiền-khải huyền, nơm nớp lo sợ một bất hạnh thình lình ụp xuống. Thấy cháu gái mình thông minh, 5 tuổi nói tiếng Anh như gió, ngữ điệu rất hay, hạnh phúc lắm nhưng ngay lập tức cái angoisse ấy lại ập đến. Xã hội đầy bất trắc, cái gì chờ nó ngay mai?
Tôi còn có một thói quen xấu: tích trữ giấy một mặt. Xưa kia toàn viết giấy xám xịt, có được tờ giấy trắng (như giấy A 4 bây giờ) hoặc pơ-luya là quý như vàng, bình thường không dám viết, chỉ dành cho dịp nào thật đặc biệt, chẳng hạn khi làm được bài thơ nào thật ưng ý mới dám trịnh trọng chép lên. Tôi giữ lại tất cả giấy loại, cái nào còn trắng một mặt là giữ lại, mặc dầu rất hiếm khi dùng đến. Dù bây giờ viết bằng máy tính nhưng cứ phòng sẵn 5- 6 cái bút mới yên tâm. Và tăm nữa. Trong túi lúc nào cũng thủ sẵn một cây (ông móc túi lấy ra cây tăm tre!). Hoàn toàn vớ vẩn, những cái đó! Giấy bây giờ đầy, tăm thì đâu chẳng có. Chẳng qua sống trong cùng quẫn quá lâu nên thành một tâm lý lúc nào cũng lo thiếu thốn, sợ khi hữu sự, không có cái mà dùng!

Phạm Tường Vân:Ở nhà, ông là người thế nào?
Dương Tường:Ở nhà tôi luôn bị mắng vì tội ăn dè làm vợ con phát bực. Cả đĩa thịt, tôi chỉ chọn mấy miếng nhỏ. Lúc nào cũng cảm thấy mình có lỗi. Mình nuôi con không bằng người. Chỉ được về mặt văn hóa, còn những cái khác thua kém hết. Đôi lúc thấy cháu mình được nuôi nấng đầy đủ, thấy vui lắm nhưng chỉ một lúc cái angoisse lại đến. Điều này chẳng đứa con nào của tôi hiểu được.

Phạm Tường Vân:Nhà ông là nơi tụ tập của giới họa sĩ trẻ bất kể ngày đêm. Ông thích chơi với họ hay họ thích chơi với ông?
Dương Tường:Cả hai. Có lẽ phần tôi còn nặng hơn. Càng ngày tôi càng thèm được chơi với họ.

Phạm Tường Vân:Ông có yêu nhiều không? Mối tình nào sâu nặng hơn cả?
Dương Tường:Tôi yêu một người từ năm 1964 đến nay. Gần 40 năm rồi. Yêu trong tâm tưởng, chưa bao giờ “gần” nhau.

Phạm Tường Vân:Sao ông không đến với bà ấy để sống nốt những ngày cuối đời?
Dương Tường:Không thể được. Tôi và bà Trinh có quá nặng tình. Giá như tôi chưa từng gặp hoạn nạn, giá như vợ con chưa bao giờ phải long đong vì tôi.

Phạm Tường Vân:Có khi nào ông ước mình là công dân nước khác?
Dương Tường:Khi sang Mỹ, tôi thấy đây quả là một đất nước của tự do và có cảm giác là nếu ở đó, mình sẽ làm được nhiều hơn. Nhưng chưa bao giờ tôi ước mình là công dân một nước khác. Tôi không thể sống được ở một nơi nào ngoài Việt Nam.

Phạm Tường Vân:Đã bao giờ ông có ý định tự sát?
Dương Tường:Không bao giờ.

Phạm Tường Vân:Khi tranh luận, ông có bao giờ nổi giận đến nỗi muốn bóp chết một ai đó?
Dương Tường:Tôi không bao giờ tranh luận (dù biết chắc là mình đúng) nên chẳng bao giờ to tiếng với ai.

Phạm Tường Vân:Khi căm ghét một ai, ông xử sự thế nào?
Dương Tường:Không chơi nữa. Có những người ngay từ khi mới gặp đã thấy không thể chơi được.

Phạm Tường Vân:Cảm giác đỉnh cao của sự “không chơi được”?
Dương Tường:Buồn nôn.

Phạm Tường Vân:Ông đã gặp ai như thế chưa?
Dương Tường:Có. Nhiều. Xin đừng bắt tôi phải nêu tên.

TÂM HỒN CAO THƯỢNG ( 1 )

Kể từ hôm nay, mỗi ngày mình post một vài truyện trong tiểu thuyết “ Những tâm hồn cao thượng”, cuối sách gối đầu giường của mình và phần lớn bạn bè mình thời thơ ấu. Có thể nói không ngoa rằng chính cuốn sách này đã góp phần hình thành tính cách mình ngày hôm nay, chí ít thì nó cũng kềm mình lại mỗi khi mình sắp làm điều gì đó không đúng. Thời đó bọn mình cũng sống trong chiến tranh, nhưng bọn mình không “bị” dạy căm thù, mà trái lại, được dạy phải biết trân trọng, yêu thương những gì tưởng như rất bình thường : trường lớp, bạn bè, thầy cô, gia đình, tổ quốc…

Thôi, không rườm lời nữa, mời các bạn cùng xem


THÁNG MƯỜI

1.- Ngày khai trường

Tại thành Torino (1), thứ hai, ngày 17


Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào.
Vừa bước qua cổng trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thầy giáo lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, thầy bảo tôi :
_ Enricô ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?
Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng. Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đầy tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ, một tay cắp gói, đứng chặt phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất là náo nhiệt.
Hôm nay, lại được trông thấy 7 phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng!
Trên thềm, các cô giáo đi lại tới tấp. Cô giáo lớp một đứng ở cửa lớp, thầy tôi liền bảo :
_ Enricô ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại !
Mẹ tôi đỡ lời:
_ Thưa cô, cháu sẽ đến thăm cô luôn.
Chúng tôi chào cô rồi đi.
Ông Hiệu trưởng, râu tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà, một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc chia lớp đã xong. Mấy trò em mới đến trường là lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất kham ; người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có em thấy cha mẹ thì tru lên khóc.
Em trai tôi vào lớp cô Đencatri, còn tôi thì học thầy Perbôni ở trên gác.
Đúng 10 giờ thì học trò lớp tôi đều vào cả ; 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn lớp cũ. Trông thấy tôi, anh Đêrôtxi, người học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ.
So với rừng rậm và non xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ và buồn tênh !
Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ thầy cũ tôi ở lớp hai, một ông thầy khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc không được thấy thầy ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù.
Thầy giáo chúng tôi bây giờ, người to lớn, không có râu, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao, thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu tâm tình chúng tôi. Thầy nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười.
Tôi nghĩ bụng : "Hôm nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới đến nghỉ hè. Trong mười tháng ấy sẽ có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài làm và bao nhiêu là sự khó nhọc đang chờ ta !" , nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng :
_ Enricô ơi ! Hãy can đảm lên, con ạ !
Mẹ sẽ cùng học bài với con ...
Tôi yên tâm theo mẹ tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông thầy vui tính và hiền từ, vẫn thấy trường học kém vui, không bằng năm ngoái.
--------------------------------------
(1) Tôrinô : một thành phố ở khu tây bắc nước Italia, trên sông Pô

2.- Thầy giáo mới

Thứ ba, ngày 18


Tưởng thế, chứ thầy giáo mới chúng tôi dã khéo làm xứng ý mọi người ngay sáng hôm nay.
Giờ vào học, sau khi thầy đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ cũng quyến luyến thầy biết dường nào và như muốn còn được ở gần thầy. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thầy không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thầy thoả ý nhưng trái lại đã khiến thầy mủi lòng.
Đến bài chính tả, thầy xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mắt lấm tấm mụn đỏ, thầy ngừng đọc, lại gần tay sờ trán và hỏi : "Con làm sao?" Thừa lúc thầy quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế dun dẩy như người trượt băng. Bất đồ, thầy ngoảnh lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Nhưng ông Perbôni sẽ đập vào vai anh học trò dại dột kia, bảo rằng : "Không được làm thế nữa". Có thế thôi. Rồi thầy bình tĩnh về chỗ đọc nốt bài chính tả.
Khi viết xong, thầy yên lặng nhìn chúng tôi một lúc rồi ôn tồn nói :
_ Các con ơi ! Hãy nghe ta ! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa ; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng "vâng lời", nên ta có lời cảm ơn các con.
Thầy nói dứt lời thì người coi trường vào báo hết giờ học (1). Chúng tôi yên lặng xuống sân. Anh học trò vô lễ ban nãy rón rén lại gần thầy giáo, nói run run :
_ Thưa thầy, xin thầy tha lỗi cho con.
Thầy gật đầu, hôn trán anh và bảo :
_ Tốt lắm ! Cho con về.
---------------------------------------
(1): Trong các trường ở thành phố nước Italia, hết giờ học, người gác trường đến từng lớp báo hết giờ chứ không đánh trống hay kẻng.

3.- Một tai nạn

Thứ sáu, ngày 21


Niên học này đã mở đầu bằng một tai hoạ. Sáng nay, cha tôi đưa tôi đi học. Tôi mải nhắc lại những lời tâm huyết của ông Perbôni đã nói với học trò hôm trước cho cha tôi nghe, nên tới trường lúc nào không biết. Tôi giật mình thấy một đám túm đông túm đỏ ở trước cửa.
Cha tôi bảo : "Chắc lại có sự chẳng lành gì đây." Chúng tôi khó nhọc mới len vào được. Phòng khách đầy những phụ huynh và những học trò mà lúc ấy các thầy giáo không tài nào xua vào lớp được. Mọi con mắt đều nhìn vào cửa buồng ông hiệu trưởng. Một ông đội mũ cao vừa đến, người ta thì thào : "Bác sĩ đấy".
Cha tôi hỏi một giáo sư thì ông trả lời :
_ Bánh xe đè phải chân nó.
Ông khác nói tiếp :
_ Và nghiền nát bàn chân.
Nạn nhân là một trò em lớp hai, đi học qua phố Đôra Grôtxa, thấy một em bé tuột tay mẹ dắt, ngã lăn trước một cái ôtô hàng đang vùn vụt chạy tới. Lập tức, cậu chạy ra lôi đứa bé kia dậy và ôm được nó lên rồi, nhưng không may, bánh xe lướt phải chân cậu. Cậu là con một viên Quan Ba pháo binh.
Trong khi chúng tôi đang nghe người ta kể lại như thế, thì ở ngoài có một người đàn bà xô đẩy mọi người và hốt hoảng chạy vào như một người điên. Đó là mẹ cậu Rôbetti, người học trò bị nạn. Một người đàn bà khác là mẹ cậu bé được cứu chạy ra ôm lấy bà, thổn thức khóc và đưa bà vào phòng ông hiệu trưởng. Ở ngoài, người ta nghe tiếng kêu đau đớn của bà Rôbetti.
_ Ôi Guiliô con ơi !...
Lát sau, một chiếc xe ngựa đỗ trước giậu, ông hiệu trưởng bế cậu Rôbetti ra. Cậu bé, sắc da nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, gục đầu vào vai ông hiệu trưởng. Phút ấy, trong phòng im lặng như tờ, người ta chỉ nghe thấy tiếng nức nở của bà mẹ thôi. Ông hiệu trưởng dừng bước giữa phòng, nâng cao cậu bé lên như để mọi người trông rõ. Tức thì các thầy giáo, các cô giáo, các phụ huynh và học trò, ai nấy đều phàn nàn thương cho cậu và khen cậu là người can đảm ít có. Mấy cô giáo đứng gần đấy liền hôn hai bàn tay xanh rớt của cậu. Cậu Rôbetti bỗng bừng mắt và hỏi sẽ :
_ Cặp sách tôi đâu ?
Mẹ em bé sống sót giơ cặp, vừa nói vừa khóc :
_ Em ơi! Cặp đây rồi, ta sẽ đem lại nhà cho em.
Thấy con nói được, bà Rôbetti mới lại hồn. Mọi người đều giải tán. Cậu bé bị thương được đưa lên xe rất cẩn thận. Xe bắt đầu chuyển bánh, chúng tôi vào lớp ai nấy đều cảm động và lặng thinh.

Phen này nhất định tớ sẽ viết hồi ký

Phen này nhất định tớ sẽ viết hồi ký : “ Những mẫu chuyện v ề đời hoạt động của Hoàng Guitar

Nhưng viết như thế nào mới thật ấn tượng đây. Tớ vào mạng , lục tung hồi ký của các danh nhân thế giới lên. Chẳng anh chị nào gây được ấn tượng với tớ cả. Đang lúc cực kỳ thất vọng thì tớ vớ ngay được cái con chuồn chuồn. Tớ hét lên “Eureka” ( vẫn còn mặc quần áo đấy nhé)
Nguyên mẫu của tớ là một vĩ nhân vô cùng thân thương với tất cả chúng ta : Trần dân Tiên - Hồ chí Minh

Chiêu này nhà văn Kim Dung gọi là “kim thiền thoát xác” đây. Nghĩa là tui s ẽ thoát ra khỏi… chính tui rồi đứng ngoài nghía và ca tui hết volume. Một chiêu th ức độc thế mà sao trong hai năm vận động làm theo gương Bác không thấy cháu nào kể lại ta? Thi ếu sót vô cùng



Nhà văn giáo sư Hà Minh Đức trong cuốn Những tác phẩm văn của chủ tịch Hồ Chí Minh, nxb Khoa Học Xã Hội – Hà Nội 1985, trang 132 ghi: 

"Đáp lại tình cảm của đồng bào và bè bạn trên thế giới, Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ chí Minh".

Xin trích vài chiêu ( nhớ có ai sử dụng xin gởi tui ít đồng bản quyền nha )


Sau đây là nguyên văn ông Hồ viết, ở trang 113:
"Khi Chủ tịch bắt đầu đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập giọng sang sảng của Chủ tịch còn nhắc lại rừng núi xa xăm, chiến tranh du kích. Đọc một đoạn ở giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt. Chủ tịch nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Câu hỏi đơn giản này làm tiêu tan tất cả những gì còn xa cách giữa Chủ tịch và nhân dân, và làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng. Với câu hỏi lạ lùng này, không ai ngờ Chủ tịch Hồ chí Minh đã trừ bỏ tất cả lễ tiết, tất cả hình thức, Chủ tịch trở thành _CHA GIÀ_ của dân tộc Việt Nam".


Cũng trong sách này, ông Hồ viết: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không, tất cả quần chúng cảm thấy sâu sắc lòng thương yêu của một người_CHA_, của chủ tịch Hồ chí Minh đối với quần chúng, với nhân dân".


Xin nói thêmvào cái thời điểm 1945, Hồ chí Minh mới vào khoảng 55 tuổi, có thể giỏi giang hơn những người trong nhóm lãnh đạo đảng cộng sản. Nhưng nhiều lắm thì ông Hồ chỉ có thể bắt mấy ông Giáp, Duẫn, Chinh, Đồng gọi ông là Bác hay là cha già, chứ làm sao lại bắt hết cả dân chúng Việt Nam gọi ông là Cha.

Bây giờ đến trang 138, Hồ chí Minh lại viết như thế này: "Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị _CHA GIÀ_ Hồ chí Minh".

Cũng trang 138, ông Hồ viết, "Đối với nhi đồng, tên Bác Hồ là như một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn".


Bác đảm đang tè. Vừa làm cha vừa làm mẹ. Đúng la 2 IN 1

Cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên không dùng hình thức tự truyện, mà thuật chuyện bằng lời một người khác. Ông đóng vai trò một nhà báo xin gặp Hồ Chí Minh để ghi lại tiểu sử của Chủ tịch nhưng không đạt yêu cầu. Trần Dân Tiên phải đi tìm gặp gỡ những người đã từng quen biết với Hồ Chí Minh để hỏi chuyện, thu thập tài liệu rồi viết ra tác phẩm này. Trong tác phẩm có đoạn viết như sau:

“...Nhiều nhà văn, nhà báo Việt nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình. Ngày 2-9-45, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.”

Sao? Anh chị em đồng ý với tui là hàng độc chứ hả? Mà hình như Bác bắt chước tác giả cuốn “ Mein Kampf” “ . (Tui hổng rành tiếng Đức à nha. Có viết sai xin chỉ giáo chớ đừng có mắng mỏ tội nghiệp em )

Bức thư của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln

Một lá thư mình được học hồi nhỏ, đồng thời với Ngày khai trường của Thanh Tịnh. Hôm nay tình cờ đọc lại, so với những tuyên bố ồn ào và rỗng tuếch của các nhà lãnh đạo chúng ta bỗng thấy nó cực hay, bèn post lên cho pà con thưởng lảm

Kính gửi thầy… Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết: cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó, sẽ có một con người chính trực; bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm. 

  Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với những đồng đô la nhặt được trên hè phố… 

  Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất… 

  Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh. 


  Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi đi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là ngược ngạo…  

  Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.  

  Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới Chân Lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.  

  Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.  

  Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.  

  Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ lẽ phải. Xin hãy đối xử với cháu dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm.  

  Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.  

  Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… con trai tôi là một cậu bé tuyệt vời. 

( Xin mạn phép tô đậm những ý mình tâm đắc )

ĐHY qua đời và sự câm lặng của các cái loa tuyên truyền

Việc chính quyền và hệ thống tuyên truyền hoàn toàn im lặng , không hề hó hé gì về việc Đức Hồng Y Phạm đình Tụng qua đời không khỏi khiến những người hiểu chuyện nhếch mép cười ( buồn, khinh bỉ ). Lý do thật sự ở đây là gì? Dù bằng mặt chứ không bằng lòng thì không lý gì không đăng đôi giòng tin, tin thôi, chả cần phải chia buồn. Đó là ứng xử tối thiểu của người có học. Xem ra đã quen hành động theo kiểu núp lén hạ lưu nên nhà cầm quyền VN quên mất thế nào là cách ứng xử của 1 con người có học rồi.
Điều đáng buồn hơn là đa số chúng ta dù khinh bỉ thái độ đó cũng chỉ nhún vai, nhếch mép cười “ Bọn chúng thế đấy “. Và thôi.
Qua chuyện này cũng thấy họ sợ, ngay cả khi Ngài đã qua đời rồi. Cái sợ của một kẻ chuyên làm những việc xấu xa lén lút. Và cả chúng ta, chúng ta cũng sợ. Một nỗi sợ vô hình

Cuộc Đời “Huyền Thoại” Của Vô Thượng Sư

So với cái tầm cở hoang tưởng của các bác Lê văn Ninh. Cao văn Mác, Mao xếnh xáng , Minh râu …thì họa may thời buổi hiện đại chỉ có 1 nhân vật có thể theo nổi. Xin giới thệu một bài viết về vị này. Có điều cái hoang tưởng của vị này chẳng gây hiệu quả nghiêm trọng, thằng nào con nào ngu nghe theo mất tiền ráng chịu; không như cái hoang tưởng của các vị trên gây ra bao nhiêu là chết chóc tang thương cho hàng bao nhiêu triệu người

Theo tiểu sử do các đệ tử xuất bản, Thanh Hải Vô Thượng Sư sinh ra tại Âu Lạc (Âu Lạc chứ không phải Việt Nam!) trong một gia đình ngoan đạo, cha mẹ là giáo dân Cơ Đốc, còn bà nội là Phật tử thuần thành. Do “ảnh hưởng hỗn hợp” từ thuở ấu thơ nên Thượng Sư hình thành một thói quen khác thường là… “sáng…đến nhà thờ cầu nguyện, buổi chiều đi chùa và tối đến thì đi nghe giảng kinh.” (2), chỉ còn thiếu điều nửa đêm thức giấc hướng về Mecca lạy Allah. (Có lẽ Thượng Sư cho rằng cầu nguyện cả Chúa lẫn Phật thì sẽ được phù hộ nhiều gấp đôi chăng?) 
Thanh Hải Vô Thượng Sư 

Khi còn bé, có lần Thượng Sư gặp gỡ một chiêm tinh gia. Vị này cho biết nếu xuất gia, Thượng Sư sẽ trở thành một cao tăng đắc đạo, nhưng nếu lập gia đình thì sẽ kiếm được một đấng lang quân thành đạt và quý phái. Mẫu thân của Thượng Sư cũng có lần chiêm bao được báo mộng rằng con của bà tới thế giới này là để “cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát…cứu độ chúng sinh.” (3) 

Vô Thượng Sư bắt đầu “cứu độ” cho cõi ta bà bằng…nghề phiên dịch viên cho Hội Hồng Thập Tự tại châu Âu, sau đó gặp và kết hôn với một bác sỹ người Đức. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, cuộc hôn nhân ấy tan vỡ, do Thượng Sư quyết định bỏ chồng để đi tu. Được chiêm tinh đoán số, rồi lại hy sinh hạnh phúc gia đình để tìm “chân lý”, thật quả cuộc đời của Thượng Sư là một “sao y bản chánh” của Đức Thích Ca Mâu Ni. Có điều, hành trình tầm đạo của Đức Thích Ca không “ly kỳ” như của Thượng Sư, bởi trong khi Đức Thích Ca chỉ chu du trong cõi Ấn thì Thượng Sư lại bay từ châu Âu qua đến tận…Hy Mã Lạp Sơn để tu, và rốt cuộc đã “đắc đạo” tại đấy. 

Sau khi giác ngộ tại Hy Mã Lạp Sơn, Thanh Hải Thượng Sư đến Formosa (Formosa chứ không phải Taiwan!), nhưng chỉ ở ẩn mà chưa truyền đạo để “cứu nhân độ thế”. Được Quán Âm Bồ Tát báo mộng, thiện nam tín nữ ùn ùn kéo đến theo học Thượng Sư, song do bản tính “e thẹn”, nên hễ thấy ai đến cầu là Thượng Sư lại lảng tránh đi nơi khác. Mãi đến lần thứ ba “bị tìm thấy”, Thượng Sư mới ý thức được số phận của mình là phải làm…Thượng Sư, và “bất đắc dĩ” phải đứng ra giảng đạo. 

Từ đó đến nay, Thượng Sư “thường đi hoằng pháp khắp Á Châu, Hoa Kỳ, Châu Mỹ La Tinh, Úc, Gia Nã Đại, Mễ Tây Cơ, và Châu Âu… các buổi thuyết giảng và truyền Tâm Ấn của Ngài đều miễn phí.” (4) 

Thượng Sư Dạy Những Gì? 

Trích dẫn cả kinh Phật lẫn Thánh Kinh Cơ Đốc trong những lời thuyết pháp, song Thanh Hải Vô Thượng Sư tuyên bố mình không thuộc về bất kỳ một tôn giáo nào. Những đệ tử của Thượng Sư có quyền giữ nguyên tôn giáo cũ đang theo, nhưng đồng thời được nhắc nhở “niệm tên sư phụ (Thượng Sư luôn xưng là sư phụ, bất kể khi nói chuyện với môn đồ hay người ngoài) nếu muốn”. (Có điều, dường như chỉ khi niệm tên Thượng Sư thì mới nhận được sự cứu độ đầy đủ, vì theo như lời một đệ tử người Panama của Thượng Sư kể lại: có lần anh ta gặp bão tố giữa biển khơi, lúc niệm tên 5 vị Phật thì bão chỉ ngớt, mãi đến lúc niệm tên “sư phụ”, bão mới chịu tan. (5) ) Ngoài ra, Thượng Sư cũng tỏ ra khá…dễ tính, khi bảo rằng đệ tử muốn thờ tổ tiên thì cứ thờ, nhưng nếu đã giác ngộ thì không nên, bởi vì “tổ tiên của quý vị đã được sư phụ dắt đi rồi, giải thoát rồi, không còn ai ở đó đâu! Lạy cái bài vị cũng thấy kỳ!” (6) 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Hàn Quốc, Vô Thượng Sư bảo rằng mọi người đều có “Thượng Đế Bên Trong”, và bí quyết để câu thông cùng Thượng Đế ấy, qua đó đạt giác ngộ, là vô cùng đơn giản: Giữ ngũ giới, và hàng ngày tọa thiền 2 tiếng rưỡi. Giữ giới và thiền như thế tức là tu tập Pháp Môn Quán Âm, tập cho đến khi nghe và thấy được…Âm Thanh Thiên Đàng và Ánh Sáng Thiên Đàng là đắc đạo. 

Ngũ giới mà Thượng Sư đề cập đến là: 

“1/ Tránh giết hại sự sống của các chúng sanh. (Giữ giới luật này bao gồm việc đòi hỏi phải ăn chay, kể cả việc không được dùng trứng) 

2/ Tránh nói những điều không thật. 

3/ Tránh lấy những gì không phải của mình. 

4/ Tránh điều tà dâm. 

5/ Tránh dùng những chất kích thích như rượu, ma túy.” (7) 

Tuy nhiên, cả ăn chay, ngũ giới, lẫn tọa thiền đều không phải những phát hiện gì mới mẻ, mà đã được các tôn giáo lớn đề cập đến hàng ngàn năm trước Thanh Hải Vô Thượng Sư, sở dĩ bản thân và đạo của Thượng Sư “nổi tiếng” là nhờ hàng loạt những đặc điểm “độc nhất vô nhị” khác. 

Những Điểm “Độc Nhất Vô Nhị” Trong Đạo Thanh Hải 

1/ Trò=1, Thầy= 999999 

Một mặt dạy rằng mỗi người đều có “Thượng Đế Bên Trong”, và để giác ngộ chỉ cần hướng về nội tâm, mặt khác Thanh Hải Vô Thượng Sư lại bảo “Tuy chúng ta có thể tự mình tu hành, nhưng cơ hội thành công chỉ có một phần triệu thôi, lại rất nguy hiểm, và phải mạo hiểm mà kết quả cũng không được chắc chắn….” (8), cho nên để an toàn hơn thì nhất thiết phải có “sự hướng dẫn của Minh Sư” (9). Như vậy, có thể thấy khi nhắc đến “bí quyết đắc đạo” ở trên, Thượng Sư đã “khiêm tốn và tế nhị” khi không đề cập bí quyết quan trọng nhất: được chính Thượng Sư truyền Tâm Ấn. 

Thật vậy, khi thọ giáo cùng Thượng Sư, các môn đồ sẽ được sư phụ truyền Tâm Ấn (chắc giống như truyền… nội lực, một lần xài suốt đời). “Lúc thọ Tâm Ấn, tất cả những nghiệp chướng trong quá khứ của đệ tử đều được tiêu trừ.” (10). Chỉ riêng điểm này thôi cũng đủ để Đạo Thanh Hải “vượt xa” các đạo khác, vì trong những tôn giáo trước Thanh Hải, tôn giáo nào cũng dạy người phải nỗ lực tinh tấn mới hòng được giải thoát, chứ làm gì có chuyện “cao siêu” giải thoát ngay tắp lự như thế! Giải thoát dễ như vậy thì ai mà chẳng muốn theo! Vạn sự khởi đầu nan, nên một khi cái sự khó nhất là tiêu trừ nghiệp chướng Thượng Sư đã làm hộ cho rồi, thì đệ tử chỉ còn việc trì ngũ giới và mỗi ngày thiền 2 tiếng rưỡi để giữ cho cái Tâm Ấn khỏi…bay mất là đủ, còn nếu như không có Thượng Sư thì, dù mỗi ngày thiền 24 tiếng, cơ hội thành công cũng chỉ là một phần triệu, mà lại có nguy cơ “tẩu hoả nhập ma”. 

Thượng Sư Thanh Hải lại còn tài ba hơn các vị giáo chủ khác ở chỗ “Trong Pháp Môn của sư phụ, nếu giữ giới không rõ ràng, không có đạo đức, sư phụ sẽ thâu về một phần lực lượng. Pháp Môn của sư phụ khác với các pháp môn khác là sư phụ có thể điều khiển được lực lượng này”. (11) Điều ấy có nghĩa là nếu học trò không vâng lời thì Thượng Sư sẽ lấy lại Tâm Ấn, giống như trong truyện Kim Dung đã truyền nội lực rồi lại thâu trở về, khiến cho bao nhiêu nghiệp chướng lại… bay về với đệ tử. 

2/ Thượng Sư Cao Hơn Phật 

Trong Tức Khắc Khai Ngộ-Khai Thị II, Thanh Hải Vô Thượng Sư đã khẳng định “Phật không phải là bậc chánh đẳng chánh giác”, do theo như Thượng Sư thì trên thế giới của loài người còn nhiều thế giới khác cao hơn, và Phật chỉ ở vào thế giới thứ 2, trong khi những bậc Minh Sư chân chính như bản thân Thượng Sư thì ở tận…thế giới thứ 5.  

Từ trước đến nay, chúng ta biết rằng ngoài cảnh giới con người ra, còn có cả thảy 5 cảnh giới khác. Thứ tự của 6 cảnh giới từ thấp đến cao là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, nhân, và thiên. Song le, Thanh Hải Vô Thượng Sư lại đưa ra một “phát minh” mới lạ khi cho biết thế giới thứ nhất ở trên nhân gian là thế giới của loài a tu la, tức a tu la cao hơn người một bậc, và thua Phật có…mỗi một bậc. Thượng Sư viết “Khi quý vị đạt đến đẳng cấp “Bồ Đề” là quý vị thành Phật…Nhiều người gọi những người khai ngộ là “Phật”. Nếu người này chưa vượt qua thế giới thứ hai, có thể họ rất hãnh diện, tự nhận mình là Phật sống, đệ tử của họ cũng rất hãnh diện gọi họ là Phật. Nhưng sự thật, họ chỉ đạt đến cảnh giới thứ hai.” (12). Thành Phật tuy đã khá nhưng hãy còn kém, vì “Thế giới thứ năm mới là quê hương của các vị minh sư, tất cả minh sư đều đến từ đây.” (13) Chả thế mà khi gặp Thượng Sư, một vị “đạo gia kiêm khoa học gia” ở Nhật (đáng tiếc không thấy Thượng Sư nêu rõ là ai!) đã nhận định rằng “Sư phụ có được phẩm chất của các vị Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, và Quán Thế Âm Bồ Tát” (14). (Đúng là sư phụ…3 trong 1!) 

Chính bởi có đẳng cấp “cao hơn cả Phật” nên Thượng Sư đã tự cho mình cái quyền “đổi trắng thay đen, biến mèo thành chó”. Khá nhiều những kiến thức và luận điểm cơ bản đã được Thượng Sư biến đổi một cách “đầy sáng tạo”, đơn cử như việc Thượng Sư giảng rằng “Hán Trang Tử” là “một minh sư vĩ đại của Thiền tông Trung Hoa”, còn Khổng Tử là “đạo gia” (15). Trời hỡi, trong lịch sử Trung Hoa chỉ có mỗi một triết gia Trang Tử (Nam Hoa Chân Nhân), nhưng ông là đạo gia chứ không phải thiền sư, còn Khổng Phu Tử thì là nho gia chứ liên quan gì đến đạo giáo! Vả lại, vì Trang Tử vốn họ...Trang nên chữ Hán ở đây chỉ có thể hiểu là thời đại ông đang sống (như Hạ Kiệt là vua Kiệt nhà Hạ, Ngu Thuấn là đế Thuấn nhà Ngu), mà trong thực tế thì Trang Tử lại sinh vào đời Đông Chu Chiến Quốc (475BC-221BC), chứ nào phải đời Hán (206BC-220). Tương tự như thế, Ngôi Lời (The Word) trong Thánh Kinh Cơ Đốc vốn được dùng để chỉ về Jesus Christ, song Thượng Sư lại bảo Ngôi Lời này là…Âm Nhạc Thiên Đường, và dạy rằng Pháp Môn Quán Âm chính là để “quán” cái “âm” ấy! 

Tiếp tục dùng cái quyền “cao hơn Phật” của mình, Thượng Sư khuyên mọi người ăn chay bằng cách dẫn lời của Jehovah trong Thánh Kinh: “Thí dụ trong chương Một của Cựu Ước, Thượng Đế nói: ‘Ta tạo ra tất cả các loài vật để làm bạn với các ngươi, giúp đỡ các ngươi. Các ngươi nên coi sóc chúng.’ Sau đó Ngài nói, Ngài tạo ra các loài thức ăn cho các loài vật, mỗi loài vật có thức ăn khác nhau. Nhưng Ngài không bảo chúng ta ăn loài vật, Ngài không nói như vậy. Ngài nói ‘Ta tạo các loại thực vật, những rau cải trong ruộng, những hoa quả trên cây mùi vị vừa ngọt ngào vừa đẹp mắt, đó là thực phẩm của các ngươi.’”. (16) Tuy nhiên, dẫn lời Jehovah để khuyên mọi người ăn chay thì cũng chẳng khác dẫn lời đồ tể khuyên đừng giết lợn, vì đúng là trong thiên Genesis của Thánh Kinh có những lời tương tự vậy, nhưng không hiểu do vô tình hay cố ý mà Thượng Sư lại quên mất rằng, ngay sau đó, cũng chính trong Genesis, Jehovah đã cho phép con người ăn thịt, chỉ cấm húp máu, và hơn thế nữa, còn đòi hỏi con người phải hằng ngày hiến tế cho mình biết bao nhiều là bò, là cừu, là dê, trong những ngày cao điểm lên đến hàng ngàn con một lúc! 

3/ Tính “Khôi Hài” 

Càng ở thế giới cao thì càng khôi hài, ấy thế nên đọc kinh của Thanh Hải Vô Thượng Sư nhiều khi còn thấy “hài” hơn cả xem phim Charlie Chaplin hay Rowan Atkinson. Chúng ta thử xét các đoạn sau: 

“Nghe nói gần đây ở Mỹ mới phát minh được một loại máy có thể giúp người nhập định…hiện đang được bán với giá rẻ…từ bốn trăm đến bảy trăm đồng….loại máy này được chế tạo cho những người lười biếng tọa thiền, nhưng lại muốn được nhập định ngay... Muốn nhập định chỉ cần đeo máy nghe và bịt mắt là đủ, như vậy cũng được lắm! Bốn trăm Mỹ kim thôi, rất rẻ. Nhưng cách nhập định của chúng tôi càng rẻ hơn, vừa hoàn toàn miễn phí lại vừa vĩnh cửu, không cần dùng điện, cũng không cần dùng pin, không lo ngại máy móc bị trở ngại, hoặc phải sửa chữa.” (17) 

”Cũng giống như định luật vật lý, muốn phóng hoả tiễn vượt khởi sức hút của trái đất cần phải có một sức đẩy rất lớn ở đằng sau, khi hỏa tiễn bay nhanh, cũng phát ra những tia sáng. Cho nên sư phụ đoán rằng khi chúng ta bay nhanh vào siêu thế giới, chúng ta cũng phóng ra những tia sáng, cũng nghe thấy được âm thanh.” (18) 

“Bên trong chúng ta có một công cụ bay nhanh hơn cả UFO, đó là linh hồn của chúng ta, còn gọi là linh thể. Dùng linh thể bay khỏi tốn nhiên liệu, không sợ cảnh sát, không sợ bị cản trở lưu thông, và cũng không cần lo lắng có một ngày nước Á Rập không bán dầu cho chúng ta.”, nhưng “trong vũ trụ có những pháp luật mà chúng ta cần phải tuân theo, cũng như lúc lái xe cần phải tuân theo luật giao thông vậy: đèn đỏ thì ngừng, đèn xanh thì chạy, lái xe bên tay phải, tay trái, tốc độ giới hạn là bao nhiêu” (19) 

“Bây giờ việc truyền bá dễ dàng, cho nên chúng ta mới biết có nhiều vị đại sư, quý vị rất may mắn, có thể lựa chọn vị Minh Sư mình thích như đi mua sắm vậy. Quý vị có thể so sánh, dùng trí huệ của quý vị phán đoán “Ồ, người này tương đối khá” hoặc “Tôi có vẻ thích người này hơn”, “Người này trông dễ sợ quá”, “Người kia xấu quá””. (20) 

“Nếu đã lỡ có tình nhân rồi thì đừng nói cho chồng mình nghe, nói ra chỉ làm ông thêm đau lòng mà thôi…làm như vậy là bậy, là không tốt. Quý vị đã phạm lỗi rồi, tại sao còn đem rơm rác về nhà bắt người khác phải chia sẻ?” (21) 

(Khi được hỏi về biện pháp giải quyết nạn gia tăng dân số) “Người đông một chút cũng tốt, có gì là không tốt? Càng đông, càng ồn ào thì càng vui phải không?.” (22) 

“Sư phụ đã từng nói Colorado là nơi có rất nhiều linh khí, Mỗi lần Sư Phụ đến giảng kinh đều có một nguồn cảm hứng cao, nên buổi giảng kinh nào cũng nói ra những lời sâu sắc” (23) 

Những đoạn trích trên không những cho thấy tính khôi hài mà còn thể hiện rõ bản chất “độc nhất vô nhị” của Thanh Hải Vô Thượng Sư. Có lẽ chỉ có đạo của Thượng Sư là khuyến khích vợ lừa dối chồng (chắc Thượng Sư có nhiều kinh nghiệm về chuyện này!), và có lẽ cũng chỉ có Thượng Sư là vị giáo chủ duy nhất “đắc đạo tùy hứng”, có “hứng” lên thì mới nói những lời sâu sắc được. Hơn thế nữa, với ngôn ngữ đầy tính…tiếp thị, Thượng Sư còn cho chúng ta thấy rõ một thực trạng rất đáng mừng hiện nay là: chọn Minh Sư dễ chẳng khác nào đi chợ chọn…gà. 

Thầy nào trò nấy. Thượng Sư đã vậy, còn các học trò khi nói và viết bài về thầy cũng khôi hài không kém. Chẳng hạn như khi Thượng Sư dạo chơi trong một khu vườn ở Thái Lan, bỗng nhiên có 2 quả xoài rơi xuống, thế là một đệ tử hô ngay lên rằng “Xoài tự động rớt xuống cúng dường sư phụ” (24) (Vậy mai kia có ai đi vào vườn sầu riêng bị sầu riêng rơi trúng đầu thì cũng đừng lấy làm phiền, vì mình có đắc đạo thì sầu riêng mới xuống cúng dường đó!). Một lần khác Thượng Sư tới Mỹ, nhân trời nắng đẹp, một đệ tử nữa tấm tắc “Tuy đài khí tượng dự đoán ngày hoằng pháp sẽ có mưa to gió lớn, nhưng dường như long thần hộ pháp đã âm thầm giúp đỡ, nên ngày hôm ấy không có mưa mà mọi người còn hưởng được khung trời nắng ấm” (25). Không biết có phải chính đệ tử này không sau đó lại “ca” tiếp ở Mã Lai trong một buổi mưa dầm dề “một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hai ngày sau buổi giảng kinh, nửa đêm trời mưa to gió lớn…Dường như sư phụ dùng nước cam lồ để rửa sạch cho cả nước, dùng cách nhẹ nhàng nhất để dọn sạch quốc gia này.” (26) (Aesop quả chí lý, cái lưỡi đúng là lợi hại, mưa thì “lý” thế này, mà nắng thì “luận” thế khác.) 

Tuy thế, những câu chuyện ấy còn chưa “hài” mấy, mà hài nhất là chuyện một anh chàng đệ tử đã có “diễm phước” mua được chai…xì dầu maggi trong một buổi bán đấu giá đồ lạc xoong do Thượng Sư tổ chức. Tậu được chai xì dầu mà “Sư Phụ” từng dùng qua, anh hí hửng ôm ngay về nhà và “âm thầm không nói. Điều thần kỳ là những người trong gia đình anh (chưa Tâm Ấn) đã cảm nhận được có gì khác lạ, mỗi đêm đều thấy sư phụ đến gia trì. Nhịn không nổi nên hởi nguyên nhân, đồng tu của chúng ta mới đem chai xì dầu maggi ra. Lúc đó mọi người mới hốt nhiên đại ngộ. Nhân tiện anh chia cho mỗi người 2 giọt. Những giọt xì dầu maggi này tưởng chừng như nước tịnh thủy của Quán Âm Bồ Tát.” (27) 

Kết 

Ở trên là những trình bày sơ lược về “Thanh Hải Vô Thượng Sư và Giáo Lý Của “Ngài” qua một vài tác phẩm của chính Thượng Sư, còn đánh giá ra sao về Thượng Sư xin được giành quyền cho các thức giả. Có lẽ do hiểu biết nông cạn nên chưa hiểu hết được “tư tưởng uyên áo” của Thượng Sư; nhưng dù sao, nếu được nêu ý kiến của riêng mình, chúng tôi xin được bái phục Thượng Sư về tài khôi hài của “Ngài”, mà khôi hài nhất là việc “Ngài” nghĩ rằng mình là…Vô Thượng Sư!