Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Không Chỉ Học Sinh “Ngồi Nhầm Chỗ”

Số học sinh bỏ học đã tăng tới mức báo động. Ngay “đất học” Nghệ An mà cũng có tới 11.000 học sinh bỏ học trong năm nay. Ngày 14-11-2007, bên hành lang Quốc hội, khi được hỏi về mối liên hệ giữa vấn đề này với phong trào “hai không”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói với phóng viên báo Tiền Phong: “Việc này không nằm ngoài dự kiến”. Nhưng, có lẽ, chính ông cũng khó có thể giữ nguyên thái độ thản nhiên ấy khi xảy ra “vụ Thạch Thành”.


Chỉ vì sốt sắng thực hiện “hai không” (nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc học sinh ngồi sai lớp), ông Chủ tịch huyện Thạch Thành, Thanh Hoá đã tổ chức một kỳ thi “sát hạch” đầu năm cho khoảng 22 ngàn học sinh, trong đó có cả những học sinh được xếp học lực trung bình trở lên. Sau kỳ thi, Huyện đã cho 3.246 em lưu ban, trong đó có 918 em học bạ đã ghi là được lên lớp, sau kỳ thi, phải quay lại lớp cũ ngồi. Kết quả, gần như ngay lập tức, có 388 em bỏ học. 


Trưởng phòng Giáo dục huyện phân trần, việc làm trên tuy có sai, nhưng vẫn là “một chủ trương tích cực”. Ông Giám đốc sở Giáo dục Thanh Hoá cũng đề nghị “nhìn vấn đề” ở “mặt tích cực” của nó. Ông nói: Nhất là khi cuộc vận động “hai không” vừa mới được nhân lên “bốn không”.


Về mặt lý lẽ, những học sinh không đủ chuẩn, cho lưu ban là bình thường. Tuy nhiên, nếu một nền giáo dục mà “cứ 3 em thi, một em rớt”, như cách nói của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, thì phản ứng cần thiết nhất của những người có trách nhiệm là xem lại một cách toàn diện nền giáo dục ấy chứ không chỉ là trút hậu quả lên đầu học sinh: đẩy các em vào tình huống phải lưu ban rồi bỏ học. Theo ghi nhận tại chỗ của các nhà báo thì nhiều học sinh ở Thạch Thành bỏ học chỉ vì xấu hổ.


Việc 900 em học sinh đã được lên lớp, nhưng chỉ sau một kỳ nghỉ hè “sát hạch” lại thì thấy không đủ chuẩn, không phải là một điều có thể làm ta ngạc nhiên. Ngay cả học sinh “khá, giỏi”, nếu được kiểm tra lại, cũng sẽ có nhiều em rơi vào hoàn cảnh này. Xem lại những gì mà các em được dạy, mới thấy, không thể nào quy lỗi hết cho các em. Cuộc sống có nhiều kiến thức rất thiết thực mà các em phải tự “phổ thông” thay vì chỉ “thuộc lòng” những gì được nhà trường “dạy bảo”.


Theo một khảo sát sơ trực tiếp của chúng tôi, nhiều học sinh phổ thông, thậm chí có cả những sinh viên đại học rất hay nhầm lẫn các kiến thức về địa lý, lịch sử và rất nhiều em không thể phân biệt được sự khác nhau giữa các thể chế kinh tế, chính trị. Ngay cả thể chế mà các em đang được giáo dục, nếu yêu cầu các em chỉ ra những dấu hiệu đặc trưng, có thể so sánh với các thể chế khác, phần lớn các em bó tay. Cho dù, chính trị là môn được dạy tràn ngập trong các cấp nhà trường.


Học sinh phổ thông như tờ giấy trắng, tại sao các thế hệ học sinh cũ, cho đến khi “đầu bạc”, vẫn không quên được những điều học từ thuở thiếu thời, trong khi, học sinh ngày nay lại có thể “chữ trả lại thầy” kể từ khi khép bài thi lại? Ngay từ bậc phổ thông, học sinh ở nhiều hệ thống giáo dục khác đã có thói quen tra cứu. Các em được khuyến khích tìm tòi để có thể đưa ra ý kiến riêng của mình về một vấn đề, một nhân vật, thay vì chỉ lên lớp ghi chép lia lịa những điều thầy giáo đã tìm, đã nghĩ thay cho mình. Không phải thứ kiến thức nào bị áp đặt cũng có thể “tiêu hóa” được, đó là lý do có những học sinh trước kỳ thi học rất “gạo” để đỗ cao, nhưng sau đó, không giữ lại được gì trong đầu. Và đó là lý do tại sao học sinh nước ngoài, thời gian lên lớp chỉ bằng từ một nửa tới hai phần ba học sinh ta, mà kiến thức phổ thông vẫn hơn hẳn ta, trừ môn toán lý thuyết.


Muốn trong lớp có những học sinh không “ngồi nhầm chỗ” phải thay đổi tư duy giáo dục; muốn “tư duy mới” ảnh hưởng được tới hệ thống, phải đi từng bước và phải có thời gian. Thầy cô giáo phải là một trong những điểm bắt đầu ấy. Ngày xưa, chỉ những học sinh ưu tú mới học tiếp để làm thầy. Trong khi, rất nhiều thầy cô giáo đang đứng lớp hiện nay chọn “nghề” ở một thời điểm mà “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Phần lớn thầy cô giáo, cho dù là người ưu tú, suốt mấy thập kỷ, đã quen với phương thức giáo dục thụ động, muốn “cải cách” chẳng phải dễ dàng gì.


Với một thực tế như vậy, ngành Giáo dục cần có một nhà lãnh đạo không được chậm trễ nhưng không thể vội vã. Trước khi “ra tay”, người lãnh đạo ấy phải biết rõ đất nước cần những sản phẩm giáo dục như thế nào. Những sản phẩm ấy phải được tạo ra không phải bằng “phong trào” mà là chính sách. Không ông bộ trưởng nào, cho dù trăm tay nghìn mắt, lại có thể nghĩ thay, làm thay cho hàng triệu thầy cô giáo. Thay vì đợi Bộ trưởng đến tận trường mình “thăm”, học trò, thầy cô giáo chỉ muốn “tầm nhìn” của ông “đến” được với họ thông qua những chính sách thiết thực.


Đây là năm học thứ hai dưới nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Một năm rưỡi không phải là thời gian có thể làm thay đổi được mọi thứ. Cũng không nên quy lỗi học sinh bỏ học hoàn toàn cho phong trào “hai không” rồi “bốn không”. Nếu những phong trào ấy, được khởi xướng từ các bí thư Đoàn của Ngành, chúng cũng có những ý nghĩa nhất định. Ông Bộ trưởng đã đúng khi chỉ ra những điểm cần phải khắc phục của nền giáo dục, nhưng những yếu kém ấy cần được khắc phục bằng các chính sách, và những chính sách ấy có thể được các đoàn thể hưởng ứng thông qua các phong trào. 


Hàng loạt các vấn đề như: để hành chính can thiệp quá nhiều vào công việc của người thầy; độc quyền biên soạn, in ấn sách giáo khoa, một mặt, đưa lại nhiều đặc quyền cho Bộ, đặt gánh nặng lên vai phụ huynh; mặt khác, sâu xa ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo trong dạy và học của cả một hệ thống. Những vấn đề ấy cần Bộ trưởng tập trung thời gian, sức lực để xử lý và chỉ có Bộ trưởng mới có thể xử lý. 


Tất nhiên, làm phong trào thì dễ dàng tạo ra “thành tích” hơn và đồng thời cũng dễ dàng gây được sự chú ý. Nhưng “bốn không” đang đòi hỏi cơ sở phải tốn rất nhiều thời gian để làm các báo cáo thành tích và tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết. Hiện nay, theo GS Nguyễn Xuân Hãn: “Cứ 3 ngày lại có một cuộc họp cấp quốc gia hoặc cấp vùng, có cuộc họp 500 người, thậm chí 800 người mà vẫn không biết giáo dục yếu kém ở đâu”. 


Sự việc ở huyện Thạch Thành đang làm chúng ta lo ngại, nhưng đáng lo ngại hơn là tình trạng đó không chỉ xảy ra ở huyện Thạch Thành. Trên website của Bộ Giáo dục Đào tạo gần đây có đăng bức thư của một giáo viên “có 20 năm trong nghề”, rất tâm huyết, gửi Bộ trưởng: “Ngay tại trường tôi, khi tuyển đầu vào lớp 10, có hơn 400 học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở dự thi, nhưng chỉ có 7 em đạt điểm 5 cả hai môn văn và toán nhưng trường vẫn phải tuyển 300 em vào lớp 10. Vậy nếu chống học sinh “ngồi nhầm lớp” thì phải bắt tất cả các em học lại phổ thông cơ sở”. Bức thư đựơc viết tiếp: “Tôi nghĩ, thưa Bộ trưởng, điều mà chúng ta phải tập trung hiện nay là chống cán bộ quản lý, lãnh đạo ngành ngồi nhầm chỗ”, chứ không chỉ có “chống” học sinh.

Không có nhận xét nào: