Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009

TÂM HỒN CAO THƯỢNG (4)

14.- Ân nhân của bạn Nelli

Thứ tư, ngày 22


Hôm qua, Neli đi xem diễu binh. Cậu bé gù lưng này nhìn lính diễu qua bằng cặp mắt buồn rầu và than rằng :
_ Như thân tôi, thì không bao giờ được ra lính.
Cậu bé khốn nạn ấy chăm học lắm ; người còm và xanh, động học là hơi thở tai. Mẹ cậu là một bà tóc đỏ, áo thâm, cứ tan học là đến đón cậu để khỏi bị anh em xô đẩy. Ta hãy trông mẹ cậu vuốt ve và yêu dấu cậu biết là dường nào ! Mấy ngày đầu, học trò cứ chế giễu cậu và lấy cặp thích vào lưng cậu nhưng không bao giờ cậu kháng cự và mách mẹ cả, vì cậu giấu không cho mẹ biết mình hay bị bắt nạt để mẹ lo buồn. Họ chọc ghẹo quá, lắm lúc cậu phải gục đầu xuống bàn khóc thầm.
Một hôm, thấy thế, anh Garônê can thiệp và bảo bọn học trò :
_ Ai còn động đến Nelli nữa sẽ biết tay ta. Ta sẽ đá cho một trận để nhớ đời !
Phơranti chẳng coi lời doạ ấy vào đâu, cứ chế giễu hoài, liền bị Garônê đá cho một cái lộn ba vòng. Từ đó không ai dám động đến Nelli nữa. Thầy giáo cho Garônê ngồi cạnh Nelli, hai cậu thành đôi bạn thân.
Việc này, chắc anh Nelli về thuật lại với mẹ, nên mới có câu chuyện sáng nay .
Còn độ nửa giờ nữa thì tan học, thầy giáo sai tôi mang bản khoá trình lên bàn giấy ông hiệu trưởng. Tôi vừa vào phòng thì gặp mẹ anh Nelli đến hỏi ông hiệu trưởng :
_ Thưa ngài, ở đây có cậu nào tên gọi là Garônê không ?
_ Thưa bà có.
_ Xin ngài làm ơn cho gọi cậu ấy lên đây để tôi hỏi chút việc, có được không ?
Ông hiệu trưởng bấm chuông gọi người gác cổng bảo đi gọi cậu Garônê. Một phút sau thì cậu tới, có vẻ ngạc nhiên vì không hiểu bị gọi về việc gì.
Vừa trông thấy cậu, bà Nelli chạy luôn lại cầm tay và xoa đầu cậu một cách rất quí hoá.
_ Cậu Garônê đây à ? Cậu là bạn của Nelli và vẫn bênh vực cho em phải không ?
Nói xong, bà tháo chuỗi dây "Thánh giá" bằng vàng đeo vào cổ anh Garônê và nói :
_ Cậu em yêu quí của ta ! Em hãy nhận chút kỷ niệm này, kỷ niệm của một người mẹ vẫn cầu nguyện cho em và hết lòng cảm ơn em.

15.- Em bé trinh sát

( Truyện đọc hàng tháng )
Thứ bảy, ngày 28


Năm 1859, trong cuộc chiến tranh để giải phóng cho xứ Lômbacđi, quân Pháp và quân Italia đã đại thắng quân Áo ở trận Xolphêrinô và trận Xan Mactinô. Sau những trận này được mấy hôm, vào khoảng cuối tháng sáu, một đội kỵ mã nhỏ đi nhẩn nha trong con đường hẻm về phía địch để dò xét hai bên cánh đồng. Đội kỵ mã này có một sĩ quan và một viên đội chỉ huy ; hai người đều yên lặng, cố nhìn những tên lính xung phong bên địch vận đồ trắng thấp thoáng ở đằng xa.
Đội kỵ mã cứ thế đi tới một cái nhà tranh, chung quanh giồng những cây tần bì cao lớn. Trước nhà có một đứa con trai độ 12 tuổi đang cầm dao róc vỏ một cành tần bì để làm gậy. Trên cửa sổ nhà này có treo một lá cờ tam tài lớn, bên trong chẳng có ai cả. Khi thấy quân kỵ mã đến, đứa bé vứt que và cất mũ chào. Đó là một cậu bé tóc đỏ, mắt xanh, vẻ mặt quả quyết. Cậu vận áo sơ mi, hở ngực.
Sĩ quan dừng ngựa hỏi :
_ Em làm gì ở đây ? Sao không đi lánh nạn với gia quyến ?
Cậu bé trả lời :
_ Cháu không có gia quyến. Cháu là một đứa trẻ bơ vơ. Cháu chỉ làm việc cho những người muốn tìm cách sinh sống cho cháu. Cháu ở đây để xem đánh trận.
_ Em có thấy quân Áo qua đây không ?
_ Không, đã ba hôm nay cháu không nom thấy.
Sĩ quan suy nghĩ một lúc rồi xuống ngựa, trèo lên mái nhà tranh nhìn xét nhưng chỉ trông thấy một khu đồng hẹp vì nhà này thấp quá.
Sĩ quan vừa tụt xuống vừa nói :
_ Phải leo lên cậy mới nhìn được.
Ngay trước nhà có một cây tần bì cao lắm, ngọn mềm phe phẩy trong đám mây xanh. Sĩ quan đứng ngẫm nghĩ, nhìn cây rồi lại nhìn lính rồi lại nhìn cây, sau đột nhiên hỏi cậu bé :
_ Em trông co tinh không ?
_ Cháu à ? Mắt cháu có thể nhìn rõ một con chim cách xa nghìn thước.
_ Em có thể trèo lên cây này không ?
_ Lên ngọn cây này ? Chỉ là công việc trong nháy mắt.
_ Em thử nhìn xem ở đằng xa, về phía địch có quân lính, cát bụi bay, ngựa hay súng ống gì không ?
_ Vâng.
_ Em cố giúp ta và em có muốn gì không ?
Cậu bé cười nhạt đáp :
_ Không, cháu chả muốn gì cả. Nếu làm việc cho quân Áo thì các vàng cháu cũng không giúp. Nhưng cho quân ta... cháu là người Lômbacđi...
_ Thế thì tốt lắm. Trèo đi !
_ Khoan để cháu cởi giày đã.
Cậu tháo giày, thắt chặt lại dây lưng, vứt mũ xuống cỏ rồi bám cây, leo thoăn thoắt như một con mèo.
Một lát sau, cậu bé đã lên tít ngọn cay, lá che kín chân, chỉ trông thấy ngực. Ánh nắng chiếu vào tóc cậu lóng lánh như nhuộm vàng để nhìn cho rõ :
_ Nhìn thẳng đằng trước mặt và đằng xa em !
Cậu víu một tay, còn một tay giơ lên ngang trán để nhìn cho rõ.
Sĩ quan nói :
_ Có thấy gì không ?
Cậu cúi xuống lấy tay làm loa và trả lời :
_ Có hai người cưỡi ngựa trên đường.
_ Gần hay xa ?
_ Độ nghìn hay hơn nghìn thước.
_ Họ tiến về phía này ?
_ Không, họ đứng.
Im lặng một lúc, sĩ quan lại hỏi :
Em còn trông thấy gì nữa không ? Thử quay sang bên phải xem.
Cậu bé nhìn về bên phải rồi đáp :
_ Có trông thấy người không ?
_ Không. Họ nấp cả trong ruộng lúa.
Ngay lúc ấy, một viên đạn bay vút trong không và rơi xuống sau nhà.
Sĩ quan kêu :
_ Em ơi xuống đi ! Họ nhìn thấy em rồi. Ta không muốn dò thêm gì nữa. Xuống ngay đi !
Cậu đáp :
_ Cháu không sợ.
_ Xuống ! Ta bảo xuống kia mà !
_ Thong thã đã... Đằng kia, ở bên trái cháu trông thấy... Một viên đạn nữa vụt qua tai làm ngắt lời cậu. Cậu rùng mình kêu :
_ Lũ quái định "truy" mình đây.
Sĩ quan phát tức, thét :
_ Xuống lập tức !
Cậu đáp :
_ Vâng, cháu xuống. Xin chú yên tâm, đã có cây che cho cháu. Nhưng chú có muốn biết bên trái có gì nữa không ?
_ Không. Không. Xuống đi!
Cậu nghiêng mình về bên trái vừa nhìn vừa nói to :
_ Bên trái, gần nhà thờ, hình như có ...
Viên đạn thứ ba trúng ngọn cây, người ta thấy cậu lộn nhào, trước còn bám vào cây, vào cành, sau buông tay và rơi lộn đầu xuống đất.
Sĩ quan vừa nguyền rủa quân thù vừa chạy lại .
Cậu bé nằm sõng sượt trên đất, hai tay dang ra. Một dòng máu đỏ ở ngực chảy ra. Người đội và hai người lính xuống ngựa chạy lại. Sĩ quan mở áo sơ mi cậu xem thì viên đạn thấu phổi bên trái. Sĩ quan kêu :
_ Tội nghiệp ! Thằng bé chết rồi !
Viên đội nói tiếp :
_ Không, nó còn sống.
Sĩ quan gọi cậu bé :
_ Em ơi ! Đứa em khốn khổ và can đảm của ta ơi ! Tỉnh lên ! Tỉnh lên !
Sĩ quan vừa nói vừa cầm khăn mùi soa lau vết thương cho cậu, cậu mở bừng mắt rồi ngả đầu ra chết.
Sĩ quan tái lợt, nhìn cậu bé hồi lâu, đứng dậy rồi lại nhìn hình như không nỡ dứt...
Sĩ quan buồn rầu nhắc lại :
_ Thương thay ! Đứa trẻ can đảm !
Nói xong, sĩ quan với lá cờ treo ở trước cửa nhà kia phủ lên mình cậu bé như một tấm vải liệm chỉ để hở đầu. Viên đội nhặt giày , mũ, dao và gậy gọt dở để bên mình cậu.
Sĩ quan đứng im lặng một lát rồi quay lại bảo viên đội :
_ Ta sẽ cho xe hồng thập tự lại rước em. Cái chết này có ý nghĩa quân nhân. Nhà binh sẽ phải chôn cất cho tử tế.
Nói xong, sĩ quan giơ tay chào cậu bé lần cuối cùng.
Rồi, mọi người lên ngựa thẳng tiến.
Vài giờ sau, thi hài cậu bé được táng theo tang lễ nhà binh.
Khi đạo quân kỵ đi khỏi một lúc thì có một đại đội pháo binh đi đến. Chính đội này, mấy hôm trước đây đã đổ máu một cách rất dũng cảm trong trận Xan Mactinô.
Tin cậu bé can đảm kia đã bay tới các hàng quân một cách rất nhanh chóng. Vì thế, khi qua chỗ thi hài cậu bé nằm dưới gốc cây tần bì, các sĩ quan đều giơ gươm chào, một viên cúi xuống bờ suối gần đó rứt nắm hoa, ném trên mình cậu bé. Thế rồi theo gương ấy, tất cả đội pháo binh ai cũng nhặt hoa ném vào. Trong vài phút đồng hồ, hoa phủ đầy thi thể cậu bé.
Quan, lính lúc diễn qua, ai cũng nói :
_ Can đảm thay cậu bé xứ Lômbacđi !
_ Vĩnh biệt em !
_ Em thực là người dũng cảm !
_ Vinh dự thay cho em !
_ Chúc em yên giấc nghìn năm !
Một sĩ quan tháo tấm Quận công bội tinh của mình đặt nơi ngực cậu. Tức thì, lại một trận mưa hoa phơi phới rơi xuống ngực máu đào, đầu tóc đỏ của cậu bé yên nghỉ dưới lá cờ tam tài đắp ngang. Nét mặt cậu bé như tươi cười ! Phải chăng lòng cậu sung sướng và tự hào vì đã bỏ mình cho quê hương của cậu ?

16.- Kẻ khó

Thứ ba, ngày 29


" Hy sinh cho tổ quốc như cậu bé Lômbacđi, là một đức tính siêu việt đã đành, nhưng cũng còn nhiều nết hay khác mà con không nên sao nhãng con ơi ! "
Như sáng nay, lúc đi học về, con đi trước mẹ, con đã gặp một người đàn bà nghèo bế một đứa con nhỏ xanh xao yếu đuối và chìa tay xin con. Con nhìn người ta bằng cặp mắt lạnh lùng, con chẳng cho gì cả mà chính lúc ấy túi con có tiền. Nghe mẹ, con ơi !
Con đừng tập thói làm ngơ trước cái nghèo khó nó ngửa tay xin con ; hơn nữa con lại càng không nên bước qua một người mẹ xin ăn cho con. Con hãy nghĩ đến bụng đói của đứa trẻ thơ, nghĩ đến sự đau khổ của người mẹ.
Mỗi khi mẹ bố thí cho kẻ nghèo thì bao giờ họ cũng cảm ơn và chúc cho mẹ, cho cả nhà ta được mọi sự lành. Những lời chúc tụng ấy nghe êm ái biết là dường nào ! Và lòng tạ ơn họ không biết bao nhiêu.
Những lời cầu nguyện ấy sẽ thấu đến đấng Thượng đế để ngài phù hộ cho tất cả những người thân yêu của ta. Vì thế, mẹ trở về rất hài lòng và tự nhủ :
_ Người ấy đã cho ta nhiều hơn là ta đãi họ !
Enricô ơi ! Con hãy nghe mẹ : thỉnh thoảng nên bớt một vài xu trong túi tiền của con để cho người già không chốn nương thân, người mẹ không gạo, đứa trẻ không mẹ không cha. Những kẻ khó thích xin trẻ con vì như thế họ không nhục, vì trẻ con cũng như họ phải cần đến mọi người. Con có nhận thấy ở quanh trường thường có nhiều kẻ ăn xin không ? Sự bố thí của người lớn là một việc làm phúc, nhưng sự bố thí của trẻ con không những là một việc làm phú mà còn là một sự vỗ về nữa, vì mỗi lần đứa trẻ đem cho thì hình như đồng tiền kèm với bông hoa ở trong tay nó rơi ra.
Con ơi ! Con phải biết con có đủ cả, chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một đám có bao nhiêu là nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới ! Thực đáng buồn thay !
Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì".
Mẹ con

17.- Tính khoe khoang

Thứ hai, ngày mồng 5


Hôm qua, tôi đi chơi với anh Vôtini và cha anh. Khi qua phố Đôra, chúng tôi thấy anh Xtađia đang quay lại đá vung mấy người bạn đã vô ý dẫm phải chân anh trong khi anh mải nhìn một bản địa đồ treo trong hiệu sách ( vì anh học cả ở ngoài trường ). Chúng tôi gọi, anh chỉ hơi chào trả, thực là thiếu lịch sự !
Chúng tôi mặc anh và thẳng đường đi. Tôi để ý nhìn anh Vôtini thì bao giờ anh cũng ăn mặc xa hoa quá thể, đối với một đứa trẻ con như anh. Giày da dê, áo nẹp thêu, mũ phớt trắng, đồng hồ vàng. Anh ra bộ giương giương tự đắc lắm, nhưng lần này thì bị nhụt !
Cha anh thủng thỉnh đi sau, còn anh và tôi thì chạy trước. Chúng tôi đến một cái ghế đá, đã thấy có một cậu bé cúi đầu ngồi nghỉ, vẻ mệt nhọc. Một người đàn ông nữa, có lẽ là cha cậu, đi tản bộ dưới bóng cây, xem báo. Hai chúng tôi cùng ngồi ghế. Anh Vôtini len ngồi giữa tôi và cậu bé và tìm cách làm cho cậu chú ý đến mình.
Anh giơ một chân lên hỏi tôi :
_ Anh đã xem đôi giày bốt tin kiểu "sĩ quan" của tôi rồi chứ ?
Anh nói thế cốt để cậu bé kia nhìn đôi giày mới của anh nhưng cậu bé không hề liếc mắt.
Thấy vô hiệu, anh bỏ chân xuống rồi vừa trỏ vào những cái "lon" kim tuyến ở tay áo, vừa liếc sang cậu bé mà bảo tôi rằng :
_ Này anh ! Lối viền này coi rợn quá ! Tôi định thay bằng bộ cúc bạc !
Nhưng cũng phí lời, vì cậu bé ngồi yên như thường.
Anh Vôtini liền đặt mũ lên ngón tay trỏ quay tít. Cậu bé nhất định không nhìn.
Tức mình, anh rút luôn đồng hồ , mở nắp cho tôi xem các bánh xe. Nhưng cậu hàng xóm vẫn không nhúc nhích.
Tôi hỏi :
_ Đồng hồ anh mạ vàng ?
Anh đáp :
_ Không. Bằng vàng cả.
_ Nhưng bao giờ người ta cũng pha ít bạc vào.
_ Không. Tôi cam đoan với anh rằng đồng hồ tôi toàn vàng.
Rồi cố ý bắt cậu bé kia phải trả lời, anh giơ đồng hồ ngang mặt cậu và nói :
_ Này anh coi, có phải bằng vàng cả không ?
Cậu kia trả lời cụt ngủn.
_ Tôi không biết.
Như bị trêu chọc, Vôtini kêu :
_ A ! A ! Làm bộ nhỉ !
Anh vừa kêu thì cha anh lại. Ông nhìn cậu bé rồi vội bảo anh :
_ Im !
Xong ông ghé vào tai anh nói nhỏ :
_ Đứa bé khốn nạn này mù, con ạ !
Vôtini nhìn kỹ cậu bé thì thấy hai con ngươi trơ như cùi nhãn.
Anh kinh ngạc, cứng người, mắt nhìn xuống đất, lẩm bẩm :
_ Chết chửa ! Mình không biết...
Cậu bé mù, hiểu cả, nở một nụ cười tử tế thoảng qua nét buồn nói :
_ Không hề gì...
Xét ra, Vôtini là một kẻ hợm mình thực, nhưng lòng anh không độc vì từ lúc ấy, anh kém vui và có vẻ nghĩ ngợi.

Không có nhận xét nào: