Đã nói đến văn hóa lễ hội đền chùa, tất phải nói tới nghi thức tâm linh. Nhưng nghi thức tâm linh tại các đền chùa Việt như thế nào? - "Rặt một sự hổ lốn, ấm ớ, nhếch nhác và bi hài..." - đó là nhận xét của nhà báo Hoàng Hưng - một người vốn để nhiều tâm căn nghiên cứu về văn hóa đền chùa.
"Phật tử" ...tham tiền!
Lễ hội đền chùa và những cuộc hành hương đầu xuân dường như mỗi ngày một mất dần sự tao nhã vốn là bản chất nguyên thủy của truyền thống. Thay vào đó là sự "vón cục" của vô số các nghi thức "tầm phơ" được đẻ ra từ tâm thế của số đông các "Phật tử tham tiền"!
Vãng cảnh đền chùa đầu xuân giờ đây như không phải là tìm về với thế giới thiên nhiên thuần khiết cùng các giá trị tâm linh vốn được xem là nền tảng thiêng liêng nhất của đạo đức cộng đồng, ngược lại, đó như một cuộc chen chúc cầu an, tìm kiếm quyền lực, tiền tài. Và trong cuộc chạy đua này, con người bỗng trở nên kệch cỡm, bé mọn và nhem nhuốc.
Ngay từ cổng đền, các "ông đồ" đã "làm lẩu" cả Hán văn phồn thể, giản thể lẫn chữ quốc ngữ vào những lá sớ một cách vô tội vạ. Việc xin ấn tại một số ngôi đền càng "mông lung" hơn. Ấn trấn trạch: 50 nghìn đồng/nhát. Quan ấn nhiêu khê gấp bội. Các đấng bậc cỡ "công khanh" đến quan đầu tỉnh hoặc xuống thấp hơn cấp xã phường xếp nốt thành dây, nhiều người phải chầu chực thâu đêm nơi cửa thánh. Đầu xuân không kiếm được tấm ấn "âm phù", cả năm lo mất chức hoặc không an vị.
Thôn Bảo Lộc (Nam Định) nơi có một ngôi đền thiêng , các vị mày râu xếp hàng hàng năm chờ đến phiên nhậm chức "thủ từ" mà thời hạn mỗi phiên kéo dài không quá một năm. Các ngôi chùa hiện nay cũng mù mịt cảnh bon chen. Gà luộc, lợn quay, bia rượu bày ngay chính điện. Tiền lẻ nhét cả vào đũng quần Bồ Tát. Ngày đầu năm, sư chùa Phúc Khánh Hà Nội trỏ mặt chúng sinh quát tháo như mắng tà.
Chưa bao giờ đền chùa được khôi phục và xây cất một cách cấp tập như những năm gần đây. Các công trình nhìn chung đều rất đàng hoàng. Nhưng nghi thức vô cùng tạp loạn. Sự tạp loạn do chính tâm thế xuất phát của người cho phép xây dựng cộng thêm óc vụ lợi của một số đông "phật tử tham tiền" cùng các chúng sinh "đi trong đạo mà không hiểu đạo".
"Hôm qua em đi chùa Hương"
Cô V.K.V - một doanh nhân rất thành đạt ở Sài Gòn không đầu xuân năm nào không tới dâng hương tại đền Cửa Ông (Quảng Ninh) và sau đó bay tiếp qua Bangkok (Thái Lan) để chiêm bái Chùa Vàng. "Đối với tôi, đền Đức Ông linh thiêng như một bổn phận. Còn Chùa Vàng Bangkok là niềm yêu mến về không gian thanh tịnh cũng như các nghi thức thờ phượng hết sức giản dị và trang nhã" – cô nói.
Ở đây, mua 20 bath, sẽ nhận được 3 thẻ hương mỗi thẻ dài đúng một gang tay cùng 3 vuông giấy vàng nhũ mỏng tang chỉ dùng để dán nhẹ lên tượng Phật. Hương cháy đủ cho một tuần cầu nguyện; vàng nhũ không đốt nên không bao giờ có cảnh lửa khói bốc, tro bay. Trong chính điện, người ta hành lễ cầu phước bằng một khay xếp những bông sen xanh đặt bên cạnh âu nước tượng trưng cho nước cam lồ. Mỗi chúng sinh cầm một cành sen nhúng vào âu nước và rảy nhẹ lên tóc hoặc lên áo của mình. Xong, đặt cành sen lại vị trí cũ cho người sau và lặng lẽ lui ra.
Một phép cầu nguyện khác là có thể xúc một âu tiền đồng chứa sẵn trong chiếc hòm vuông đặt trước bệ thờ và thiền hành chậm rãi dọc 108 âu đồng nhỏ đặt dưới chân pho tượng Phật nằm, mỗi bước lại thả xuống chiếc âu phía dưới một đồng tiền kèm theo lời khấn nguyện. Kết thúc nghi thức này, việc công quả cho chùa có thể bỏ tiền vào một chiếc hòm đặt khiêm nhã nơi góc điện, tùy tâm thí chủ.
Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Sri Lanka - những quốc gia có hệ thống đền chùa dày đặc, các nghi thức văn hóa lễ hội càng nghiêm cẩn, linh thiêng. Ngay lễ hội cưới trái cây cho trẻ em ở lứa tuổi đồng ấu ở Nepal vào dịp đầu xuân hàng năm vô cùng rực rỡ, ồn ào nhưng không hề hỗn tạp.
Không phải đền chùa Việt thiếu không gian thiên nhiên và các nghi lễ văn hóa thanh tịnh nghìn năm rất đáng tự hào. "Hôm qua em đi chùa Hương..." Câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp chính là hình ảnh tao nhã, chân xác của một quá khứ không xa. Tiếc thay, những gì đẹp đẽ nhất của một nền văn hóa lễ hội giàu bản sắc Việt đang có nguy cơ mai một. Sự mai một bắt nguồn từ chính tâm thế mê lầm của chúng sinh đương đại.
NGÔ MAI PHONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét