Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

Phỏng vấn dịch giả Dương Tường

Không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy xúc động hơn với một người bị đàn áp về tư tưởng, mặc dù bị hành hạ về thể xác bề ngoài trông cũng khủng khiếp lắm. Có lẽ là người đọc sách, và cũng mạo muội tự nhận mình là người trí thức nên tôi hiểu hơn cái cảnh bị đày đọa về tinh thần, tôi nhạy cảm hơn với những bức xúc của những người biết lẻ phải mà không dám nói hay phải nói những điều ngược lại.
Với ý đó, và cũng với niềm xúc động như khi đọc bài phỏng vấn BNT, tôi post tiếp bài phỏng vấn dich giả Dương Tường , một nạn nhân văn hoá khác




Dương Tường - Người chưa mãn hạn 


Lý lịch trích ngang:
Dương Tường- Nhà báo- Nhà thơ- Nhà phê bình nghệ thuật.
Tên thật: Trần Dương Tường
Sinh năm 1932
Cao
Nặng: 53kg
Cận 20 độ
“Thành tích” thời niên thiếu:
13 tuổi tham gia Tổng khởi nghĩa ở Me, 18 tuổi vào bộ đội.
Ba lần thi bị trượt, chưa tốt nhiệp lớp 7
40 năm sau:
Là dịch giả gần 60 đầu sách tiếng Anh, trong đó có nhiều bộ tiểu thuyết quan trọng như:
Anna Karenina (Lev Tolstoi, Nga)
Alexis Zorba (Nikos Kazantzaki, Hy Lạp),
Đất Dữ (Jorge Amado, Barazil),
Cuốn theo chiều gió, (Magarret Michel, Mỹ),
Đồi gió hú (Emily Bronte, Anh)
Cội rễ (Alex Haley, Mỹ)
Người dưng (Albert Camus, Pháp)
Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig, Ao)
Con đường xứ Flandres (Claude Simon, Pháp)
Cái trống thiếc (Gunter Grass, Đức, Nobel văn chương 1999)
Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami, Nhật)…
Người tạo dựng nhiều “sân chơi”, đặt nền tảng cho nhiều cuộc giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước: Triển lãm Nhìn Từ Hai Phía, Cách Nhau Một Đại Dương...
Nhận Bắc đầu bội tinh Văn học Nghệ thuật (Officier des Arts et des Lettres) do chính phủ Pháp trao tặng.


Phạm Tường Vân: Trong cuốn “Rừng xưa xanh lá”ông Bùi Ngọc Tấn “tố giác” ông là người đầu têu rủ bạn bè văn nghệ sĩ trí thức đi bán máu?Thực hư thế nào?
Dương Tường: Tôi chỉ rủ Mạc Lân và Châu Diên thôi.
Hồi đó tôi được ưu ái cấp cho một cái thẻ cho máu (viết tắt là TCM) tức là được công nhận là cộng tác viên cho máu thường xuyên của bệnh viện . Những người có thẻ được một “đặc quyền”, khi bệnh viện có ca nào cấp cứu, cần lấy máu gấp, nửa đêm cho xe đến đón. Mỗi lần bán máu, ngoài tiền (50 đồng 100cc), còn được cấp các phiếu đường, thịt, đậu……….. Phần đông “lính me” – tiếng lóng chỉ dân bán máu – bán luôn cả phiếu cho đám phe phiếu lúc nào cũng đứng đầy ở cổng bệnh viện. Tôi thì mang tất về nộp vợ. Bảo là của anh Hạnh cho (Ngô Quốc Hạnh, bạn tôi, hồi ấy là phó chủ tịch Hà Nội kiêm giám đốc Sở Công Thương, sau này là Thứ trưởng Bộ Nội Thương).Thỉnh thoảng bí quá, Trinh lại giục, anh qua anh Hạnh xin phiếu đi. Tôi lại đem thẻ TCM, đến năn nỉ người ta cho lấy sớm.

Phạm Tường Vân:Ông đã bán bao nhiêu lít máu tất thảy?
Dương Tường: Không thể tính được. Hơn một năm, cứ hai tuần 1 lần, trung bình 250 cc. Lúc cấp bách thì tuần/lần,
lần đạt “kỷ lục” nhờ Lê Phát giới thiệu với trưởng phòng huyết bệnh viện Việt Đức thì được ưu tiên bán 300 cc.

Phạm Tường Vân: Hồi đó ông nặng bao nhiêu ký lô?
Dương Tường: Hơn 40 kg
(PTV: lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, ra phố Hàng Bài, tôi bảo ông cân thử , kết quả: hiện tại, trông ông không lấy gì mập mạp cho lắm, cân cả giày và cái áo bông kếch xù đựơc cả thảy 53 kg, thế mà vẫn cái hơn cái thời bán máu hẳn 12 kg!)

Phạm Tường Vân:Ngoài bán máu ra, ông còn có những cách nào khác để qua cơn bĩ cực?
Dương Tường: Cũng có một số cách khác tuy không đàng hoàng lắm nhưng lương thiện: Vợ Mạc Lân là nhân viên mậu dịch bán ở quầy thuốc. Tôi đi khám bệnh, xin đơn, đưa ra vợ Lân ghi hóa đơn từng ấy thứ thuốc rồi đem về cơ quan thanh toán, cộng cả tiền bồi dưỡng ốm. Bệnh thật, chỉ có chữa là giả. Mà với những cơ thể suy dinh dưỡng trầm trọng của chúng tôi hồi đó, chẳng lúc nào thiếu bệnh. Một cách nữa là bán thuốc lá cho căng-tin, công đoàn chia mỗi người được 3-4 bao theo giá cung cấp, mỗi tuần cố nhịn dành đựơc 2 bao đem ra bà hàng nước. Bán cũng không dễ, phải phục cho đến khuya, vắng vẻ mới dám thò thuốc ra. Một bao cũng mua được vài ký gạo. Tôi nghiện nặng nhưng chỉ dám hút thuốc lá cuộn, trong gạt tàn chẳng có cái đầu mẩu nào vì tất cả đều được gom gop tích laị, lúc bí đem xé ra vấn đi vấn lại. Cách nữa là tranh thủ nhịn cơm tiêu chuẩn, bớt được bữa nào thì bớt, dư ra phiếu nào bán lại cho nhà bếp lấy tiền đưa vợ đong gạo. Đến nhà người thân tình cứ nhè vào bữa cơm. Chuyện văn chương, triết học cứ đến bữa lại nở như ngô rang, bà chủ bưng cơm lên, mời rơi mình một tiếng. Lấy cớ nói nốt câu chuyện, vừa ăn vừa “làm khách” để giữ sĩ diện nên chỉ dám làm một bát. Thôi thì cầm hơi cho qua ngày, vợ con cũng đỡ được một suất. Nhưng xong rồi thì ngượng lắm!

Phạm Tường Vân: Ông bị xử tệ vì mắc tội gì?
Dương Tường: Xét lại, không đồng ý với nghị quyết 9

Phạm Tường Vân: Bằng cách nào?
Dương Tường: Bảo lưu.

Phạm Tường Vân:Nghe nói hồi đầu những năm 96, có vụ đám tang ông Dương Bạch Mai khá chấn động.Ông có tham gia?
Dương Tường:Vụ vòng hoa phúng Dương Bạch Mai trong cuốn ĐÊM GIỮA BAN NGÀY của Vũ Thư Hiên có chỗ không chính xác. Vòng hoa đó do tôi đứng ra quyên góp và đi đặt ở kios hoa Bờ Hồ góc Đinh Tiên Hoàng- Hàng Khay. Vòng hoa rất lớn không thể một mình vác chạy bộ gần một cây số đến trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc là nơi cử hành tang lễ được. May sao đến phút cuoi, tôi vớ được một chiếc xích lô nhảy đại lên. Tới nơi thì vừa bắt đầu. Ra đón là Bửu Tiến,Trần Trung Tín, Albert, hàng binh Pháp làm việc tại đài phát thanh. Albert bảo: “ Dépêche-toi! (Nhanh lên!)” Bốn người khệ nệ khiêng vào. Lát sau, dải băng tren vòng hoa với dòng chữ: “Tinh thần người cộng sản chân chính Dương Bạch Mai bất diệt!” do Vũ Thư Hiên ghi, bị bóc vứt đi. Sau này, tôi bị gọi lên nhiều lần và tôi nhận: “vòng hoa đó của riêng tôi, mua băng nhuận bút dịch Anna Karenina.”

Phạm Tường Vân:Đó là năm nào?
Dương Tường:1962.

Phạm Tường Vân:Sao ông không bị bắt giam?
Dương Tường: Nếu ở Hải Phòng hay một tỉnh nhỏ nào khác, chắc tôi có kết cục giống Bùi Ngọc Tấn. Thấy Vũ Thư Hiên, Kiến Giang, Vũ Huy Cương “đi”, tôi, Mac Lân, Xuân Khánh cũng khăn gói chuẩn bị đón khả năng xấu nhất. Nhưng chờ mãi không thấy bắt. Có lẽ họ bắt mấy ngừơi tiêu biểu. Mà bắt thế đã là quá nhiều rồi!

Phạm Tường Vân:Ông chuẩn bị những gì?
Dương Tường:Ba lô, vài bộ quần áo, dăm quyển sách, nếu lọt thì có cái giải khuây.

Phạm Tường Vân:Có người ác miệng nói ông là “đặc tình” của Bộ Công an vì “dính” bao nhiêu vụ mà không phải vào tù. Lại có kẻ bảo ông làm cho CIA vì hay thân với Mỹ! Ông có bận tâm?
Dương Tường:(Cười lặng lẽ. Một lúc sau:) Có người còn bảo tôi « tuần chay nào cũng có nước mắt. »

Phạm Tường Vân:Một điều hơi lạ là ông đọc sách rất nhiều, đọc “Phía tây không có gì lạ” lấy từ tay lính Pháp từ rất sớm. Điều đó không hề làm ông chán ghét chiến tranh ?
Dương Tường:Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ – và vẫn khẳng định -- Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ hoàng kim của cách mạng Việt Nam. Nếu được sống laị thời đó một lần nữa, tôi vẫn hành động như cũ nghĩa la bỏ nhà đi bộ đội. Suốt những năm đi lính, tuyệt nhiên không hề có ý định rời quân ngũ. Có lần ốm trên đường hành quân vào chiến dịch, tụt laị sau cả tuần, đã quyết đuổi theo đơn vị bằng được. Đi bộ hơn 300 cây số từ Đô Lương (Nghệ An) đến Hoà Bình để tìm đơn vị mà không mảy may có ý định rẽ về thăm nhà. Mỗi ngày chạy bộ gần 30 cây đuổi theo đơn vị, bị máy bay rượt suýt chết.

Phạm Tường Vân:Đến khi nào thì ông nhận ra mình sai, nhận ra chiến tranh là vô nghĩa?
Dương Tường:Đến chiến tranh chống Mỹ. Cho đến giờ tôi vẫn thấy chiến tranh chống Pháp là một thời kỳ tuyệt đẹp, thoải mái cực kỳ. Người ta sống với nhau đầy tình người. Không có húy kỵ như về sau này. Chả thế mà Phạm Duy viết trong Tình kỹ nữ:

Đêm nay đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước
……………..
Ta ôm người đẹp bâng khuâng
Bên nhau mà lòng xa vắng
Ta nương theo làn hương xưa của khách năm xưa yêu nàng...
Mà vẫn phổ biến rộng rãi, vẫn hát công khai khăp nơi khắp chốn, không bị bắt bẻ hoặc phê phán gì cho tới khi có chỉnh huấn, chỉnh quân.
Phạm Tường Vân:Nhân Văn là chuyến tàu chở sự vỡ mộng lớn nhất của văn nghe sĩ- trí thức sau hoà bình lập lại. Nhóm Xét Lại: Ông, Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh………, Mạc Lân là chuyến tàu thứ hai. Có phải vì các ông đi theo kháng chiến nhanh quá, đi vì mỹ cảm chứ ông phải……………..
Dương Tường: Rất thành thật, hoàn toàn vì lý tưởng! Các thế hệ sau khó mà hiểu được cái không khí hồi đó. Say lắm. Không bao giờ có lại thời kỳ dám bỏ tất cả, dám đốt cả Hà Nội mà đi chiến đấu như thế.

Phạm Tường Vân:Ông có yêu Bác Hồ không?
Dương Tường:Yêu chứ! Đến thời kỳ Xét Lại có bớt yêu đi nhưng vẫn còn kính trọng, kính trọng cho đến bây giờ!

Phạm Tường Vân:Nếu cháu gái 5 tuổi của ông hỏi: “Bác Hồ là ai? Tại sao phải yêu Bác Hồ?”, ông sẽ trả lời ra sao?
Dương Tường:Nó không bao giờ đặt câu hỏi như thế. Nó coi đó là đương nhiên. Cũng như nó không hề thắc mắc tại sao bông hoa lại tên là bông hoa, tại sao nó laị đẹp và thơm. Tôi cũng chưa gặp đưá trẻ nào đặt câu hỏi như vậy.
Có lẽ nó đã học được sự thản nhiên đó từ trong bụng mẹ?
Có lẽ nó và những đứa trẻ cùng lứa sinh ra khi mọi giá trị đã được xác định và chúng mặc nhiên công nhận.

Phạm Tường Vân: Thời kỳ ông tự đặt ra với mình nhiều câu hỏi nhất là baogiờ?
Dương Tường:Những năm 60, khi Đảng đàn áp Nhân Văn, đàn áp Xét Lại

Phạm Tường Vân:Câu trả lời chung là gì?
Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại. Và mọi thứ chủ nghĩa đều là không tưởng, con người bịa ra thứ đó để mà dối lừa nhau mà thôi.

Phạm Tường Vân:Phản ứng của ông?
Dương Tường:Tôi gần như bị tâm thần. Tôi phải tự chữa trị bằng nghe nhạc, chủ yếu là nhạc cổ điển. Tôi goị đó là nhạc liệu pháp (musicotherapy)

Phạm Tường Vân:Và hội hoạ nữa. Dường như ông trốn vào những lĩnh vực ít phải bày tỏ chính kiến, những lĩnh vực khá sang trọng đối với các nhà chức trách để ít bị bắt bẻ. Và lựa chọn khôn ngoan này khiến ông còn “lành lặn” đến bây giờ?
Dương Tường:Đúng. Tôi tự bảo mình: kiềm chế đi một tí, và ráng làm mỗi thứ một tí, cố gắng kiễng chân, cố gắng nhích lên. Mỗi người ráng ghé vai đẩy từng milimét, từng phần của milimét, làm sao để thế giới phải khác đi.

Phạm Tường Vân:Với hàng chục đầu sách dịch, những cuốn “đóng đinh” vào nhận thức của nhiều thế hệ nhà văn VN, hàng trăm bài phê bình mỹ thuật, hàng chục lần làm cầu nối cho văn nghệ trong nước với nước ngoài. Nói như nhà văn Bùi Ngọc Tấn: ông Dương Tường là “vụ văn hóa đối ngoại nghiệp dư”, người nhiều bạn bè, người giàu có nhất và người đi qua tất cả mà “mất” ít nhất, ông nghĩ sao?
Dương Tường:(Im lặng, ngồi như tượng)

Phạm Tường Vân:Ông trả lời với chính quyền như thế nào về những người bạn “khả nghi” của mình?
Dương Tường:Câu trả lời luôn là: “Đó là những người bạn tốt nhất của tôi, thương tôi nhất. Có chặt đầu tôi đi thì tôi cũng không tin họ là người xấu!”

Phạm Tường Vân:Một điều khó hiểu là ông có thể chơi với những người rất “khắc” nhau. Ví dụ như Trần Dần với Văn Cao chẳng hạn, hai người từng chung nhóm Nhân Văn, ở chung một góc phố, vậy mà chẳng bao giờ giáp mặt?
Dương Tường:Họ không chơi nhưng rất trọng nhau. Tôi rất thân với cả hai , tôi biết. Lần nào tôi đến chơi, Văn Cao cũng nhắc đến Trần Dần Và ngược lại. Dần bảo: “Thằng Văn nó chưa đẻ nhưng nó là voi, đẻ rất to!”. Hôm đám tang Văn Cao, Trần Dần chống gậy đến ngồi như pho tượng. Giữa họ có những vướng mắc do thời cuộc chứ hoàn toàn không phải vấn đề tư tưởng hay quan điểm

Phạm Tường Vân:Giới “quan chức” trong Hội Nhà Văn, ông chơi với ai?
Dương Tường:Nguyễn Khải, Hữu Mai, quen biết từ trong chiến tranh. Hai ông này bảo tôi vào Hôị Nhà Văn, tôi bảo: “thôi, hai anh cho em được trọn vẹn cái thân phận ngoài rìa của em”

Phạm Tường Vân:Tôi nói điều này, xin ông đừng giận: có cảm giác: ông chưa vào tù nhưng ông chưa bao giờ được ra tù! Chẳng thà hồi đó người ta bắt ông, nhốt vài năm rồi thả, ông còn được hưởng niềm vui mãn hạn. Đằng này, lúc nào ông cũng sống trong cảm giác của những ngày chờ đợi..
Dương Tường:Đúng!

Phạm Tường Vân:Và lúc nào cũng “giật mình một cái vỗ vai”*?
Dương Tường:Dù là những lúc vui nhất, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy yên ổn. Tôi vẫn chưa thoát khỏi cái tâm thái bất an mà tôi gọi là angoisse khi nói chuyện với một nhà báo nước ngoài hồi đầu những năm 1980. Một thứ ám ảnh hồ như pre-apocalyptic, tiền-khải huyền, nơm nớp lo sợ một bất hạnh thình lình ụp xuống. Thấy cháu gái mình thông minh, 5 tuổi nói tiếng Anh như gió, ngữ điệu rất hay, hạnh phúc lắm nhưng ngay lập tức cái angoisse ấy lại ập đến. Xã hội đầy bất trắc, cái gì chờ nó ngay mai?
Tôi còn có một thói quen xấu: tích trữ giấy một mặt. Xưa kia toàn viết giấy xám xịt, có được tờ giấy trắng (như giấy A 4 bây giờ) hoặc pơ-luya là quý như vàng, bình thường không dám viết, chỉ dành cho dịp nào thật đặc biệt, chẳng hạn khi làm được bài thơ nào thật ưng ý mới dám trịnh trọng chép lên. Tôi giữ lại tất cả giấy loại, cái nào còn trắng một mặt là giữ lại, mặc dầu rất hiếm khi dùng đến. Dù bây giờ viết bằng máy tính nhưng cứ phòng sẵn 5- 6 cái bút mới yên tâm. Và tăm nữa. Trong túi lúc nào cũng thủ sẵn một cây (ông móc túi lấy ra cây tăm tre!). Hoàn toàn vớ vẩn, những cái đó! Giấy bây giờ đầy, tăm thì đâu chẳng có. Chẳng qua sống trong cùng quẫn quá lâu nên thành một tâm lý lúc nào cũng lo thiếu thốn, sợ khi hữu sự, không có cái mà dùng!

Phạm Tường Vân:Ở nhà, ông là người thế nào?
Dương Tường:Ở nhà tôi luôn bị mắng vì tội ăn dè làm vợ con phát bực. Cả đĩa thịt, tôi chỉ chọn mấy miếng nhỏ. Lúc nào cũng cảm thấy mình có lỗi. Mình nuôi con không bằng người. Chỉ được về mặt văn hóa, còn những cái khác thua kém hết. Đôi lúc thấy cháu mình được nuôi nấng đầy đủ, thấy vui lắm nhưng chỉ một lúc cái angoisse lại đến. Điều này chẳng đứa con nào của tôi hiểu được.

Phạm Tường Vân:Nhà ông là nơi tụ tập của giới họa sĩ trẻ bất kể ngày đêm. Ông thích chơi với họ hay họ thích chơi với ông?
Dương Tường:Cả hai. Có lẽ phần tôi còn nặng hơn. Càng ngày tôi càng thèm được chơi với họ.

Phạm Tường Vân:Ông có yêu nhiều không? Mối tình nào sâu nặng hơn cả?
Dương Tường:Tôi yêu một người từ năm 1964 đến nay. Gần 40 năm rồi. Yêu trong tâm tưởng, chưa bao giờ “gần” nhau.

Phạm Tường Vân:Sao ông không đến với bà ấy để sống nốt những ngày cuối đời?
Dương Tường:Không thể được. Tôi và bà Trinh có quá nặng tình. Giá như tôi chưa từng gặp hoạn nạn, giá như vợ con chưa bao giờ phải long đong vì tôi.

Phạm Tường Vân:Có khi nào ông ước mình là công dân nước khác?
Dương Tường:Khi sang Mỹ, tôi thấy đây quả là một đất nước của tự do và có cảm giác là nếu ở đó, mình sẽ làm được nhiều hơn. Nhưng chưa bao giờ tôi ước mình là công dân một nước khác. Tôi không thể sống được ở một nơi nào ngoài Việt Nam.

Phạm Tường Vân:Đã bao giờ ông có ý định tự sát?
Dương Tường:Không bao giờ.

Phạm Tường Vân:Khi tranh luận, ông có bao giờ nổi giận đến nỗi muốn bóp chết một ai đó?
Dương Tường:Tôi không bao giờ tranh luận (dù biết chắc là mình đúng) nên chẳng bao giờ to tiếng với ai.

Phạm Tường Vân:Khi căm ghét một ai, ông xử sự thế nào?
Dương Tường:Không chơi nữa. Có những người ngay từ khi mới gặp đã thấy không thể chơi được.

Phạm Tường Vân:Cảm giác đỉnh cao của sự “không chơi được”?
Dương Tường:Buồn nôn.

Phạm Tường Vân:Ông đã gặp ai như thế chưa?
Dương Tường:Có. Nhiều. Xin đừng bắt tôi phải nêu tên.

Không có nhận xét nào: