Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Bác Nhân Và Những Bí Mật Không Nên Tiết Lộ

Câu chuyện con chó được một phụ huynh ở Bắc Giang mang đến nộp thầy, khi nhà trường yêu cầu đóng học phí, đã được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa vào lá thư, viết một cách gay gắt, yêu cầu “xử lý” phóng viên của báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP). Sau khi chấm xuống dòng đoạn nói về “con chó” này, ông Nhân cảm thán: “Nghèo đến vậy đó, đau lòng vậy đó!” 


Ông Nhân kể câu chuyện đó, để khẳng định, một người thấu hiểu nỗi đau của nhân dân như ông, không thể phát biểu cái câu mà báo SGGP trích dẫn: “Học phí chắc chắn sẽ phải tăng, có thể chấp nhận cả việc số người đi học sẽ giảm vì tăng học phí”. Ông Nhân cho rằng, báo SGGP đã “Gán cho tôi phát biểu một quan điểm, một câu nói mà tôi không hề nói”. Rồi ông yêu cầu người viết bài cung cấp “tư liệu thật”! 


Báo SGGP, may thay, vẫn giữ được tư liệu thật. Ngay sau khi bức thư của ông được đăng trên Vietnamnet. Phóng viên Đinh Lan của báo SGGP tại Hà Nội đã cho ông Nguyễn Thiện Nhân nghe lại đoạn băng ghi âm lời phát biểu của ông, nguyên văn: “Giải pháp (mà) để giúp các trường bớt áp lực về tài chính lúc này là vấn đề tăng học phí. Tôi nói rồi, nếu học phí mà tăng nhiều hơn thì mình có thể phải chấp nhận làm giảm số lượng người đi học để đảm bảo chấp lượng”.


Cũng cần phải nói lại cho rõ, “học phí” mà ông Nguyễn Thiện Nhân nói ở đây có thể không phải là học phí phổ thông, vì ông đề cập tới nó sau khi ông nói về giáo dục đại học. Bài viết của chị Mai Lan, một trong những nhà báo viết về giáo dục có uy tín nhất, trên SGGP, cũng chủ yếu nói về giáo dục đại học. Tuy nhiên có thể chia sẻ với ông Nhân rằng, tuyên bố đó có thể khiến dư luận nghĩ, ông đang định tăng học phí đối với cả học sinh phổ thông nữa.


Thực ra, chuyện tăng học phí, kể cả bậc phổ thông đang được rục rịch chuẩn bị. Những nhà báo quan sát mảng giáo dục đều thấy rõ điều này. Nếu như, nhận thấy tuyên bố của mình là không đúng thời điểm hoặc bị “gõ đầu” như nhận định của Gã Thợ Cày, ông Nhân có thể bình tĩnh yêu cầu các báo tạo cho ông một cơ hội để nói rõ hơn quan điểm của mình về học phí.


Nhưng ông Nhân là người có quyền. Ông Nhân không cư xử như vậy. Bức thư gửi báo SGGP nhắc ta nhớ lại hình ảnh của một ông Bộ trưởng chưa có thói quen ứng xử độ lượng trong lá thư nói về vụ hacker Bùi Minh Trí ở Vĩnh Long. Cũng có thể, nếu không phải là Phó Thủ tướng phụ trách báo chí, ông Nguyễn Thiện Nhân đã không quá tự tin khi mắng phủ đầu báo SGGP như thế. 


Nhưng, ông Dương Trọng Dật đã bước sang tuổi 61, chắc ông Dật không thể làm Tổng Biên Tập cho đến khi (biết đâu) ông Nhân trở lại Sài Gòn! Nếu sợ uy quyền Phó Thủ tướng, để đính chính một điều mà phóng viên không sai, thì những ngày hưu trí của ông Dật đâu còn ai tới thăm. Rồi, mai mốt, khi “nắm” khoa báo chí đại học Văn Lang, ông Dật biết dạy ra sao với lớp trẻ! Ông Dật cũng có thể cho công bố băng ghi âm, “xử trảm” uy tín Nguyễn Thiện Nhân. Tất nhiên, chúng ta không thể hy vọng vào điều đó. Theo tin mà chúng tôi nhận được, SGGP vẫn đang mềm mỏng dành cho ông Nhân cả weekend để chuẩn bị một bài phỏng vấn. Nhưng, có rất ít hy vọng, trong bài phỏng vấn này, ông Nhân sẽ ứng xử với SGGP như là với một cơ quan báo chí, chứ không phải như là một thuộc cấp!


Thực ra khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nhân đã nhận được sự ủng hộ rất thật lòng từ báo chí. Đâu phải lúc nào cũng kiếm được một ông Bộ trưởng, có bằng tiến sỹ thật và biết nói tiếng Anh. Tuy nhiên, thời gian qua, những gì ông Nhân làm chỉ là công việc của một Chánh Thanh tra Bộ. Ông đánh rớt nhiều học trò hơn trong một kỳ thi, ông không cho các em quay cóp. Những công việc ấy suy cho kỹ, cũng như một cuộc thi nhảy cao. Đợt thi đầu ông để sào nhích lên, chỉ có 67% vượt được; đợt thi sau, sào mềm mỏng; số học sinh tốt nghiệp tổng cộng, cũng lên tới 80%. Tuy nhiên, cái mà nền giáo dục cần là làm sao sào vẫn được giữ ở độ cao ổn định mà số học sinh có khả năng vượt được đông hơn, thì ông vẫn chưa làm được.


Sau hơn một năm làm Bộ trưởng, những tuyên bố của ông Nhân ấn tượng hơn rất nhiều so với việc ông làm. Có lẽ, bản thân ông cũng không nhớ hết những điều ông đã nói, nên khi công chúng phản ứng với chuyện tăng học phí, ông lập tức đồng cảm với nhân dân. Không nhớ, ý tưởng đó phát ra từ Nguyễn Thiện Nhân chứ không phải từ ai đó! Ông Nhân cũng thích viết. Có lẽ, ông vẫn tự tay viết lấy các lá thư của mình. Nếu ông chịu tham khảo và biết lắng nghe, dù chỉ là một người bình thường, chắc chắn, những lá thư như vừa qua đã không thể lọt ra công luận.


Có lẽ ông Nhân biết, nhà báo viết bài trên báo SGGP là Mai Lan, người không có mặt trong cuộc họp báo ở Hà Nội. Nên ông nghĩ, Mai Lan không thể có băng ghi âm. Có thể ông Nhân không biết, “bọn nhà báo” bây giờ còn chơi blog, chúng nó lập tức cung cấp cho Mai Lan những “tư liệu thật” để làm bằng. Chưa kể, Bố Cu Hưng còn đưa hẳn đoạn băng ghi lời ông lên blog. 


Tuyên bố của ông: “Tôi, Nguyễn Thiện Nhân, không thể là người thiếu lý trí và lương tâm tới mức phát biểu như báo (SGGP) đã trích dẫn”, giờ đây cũng giống như một lời tự thú. Ông, đương nhiên, con đường phát triển còn dài. Để giữ uy tín làm việc, “lý trí và lương tâm” của ông, đáng lẽ phải được coi là quốc gia bí mật. Vietnamnet và anh Đức Hiển thật mất cảnh giác, khi cho đăng bức thư rồi lại công bố đoạn ghi âm này.

Không có nhận xét nào: