Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2009

Cuộc Đời “Huyền Thoại” Của Vô Thượng Sư

So với cái tầm cở hoang tưởng của các bác Lê văn Ninh. Cao văn Mác, Mao xếnh xáng , Minh râu …thì họa may thời buổi hiện đại chỉ có 1 nhân vật có thể theo nổi. Xin giới thệu một bài viết về vị này. Có điều cái hoang tưởng của vị này chẳng gây hiệu quả nghiêm trọng, thằng nào con nào ngu nghe theo mất tiền ráng chịu; không như cái hoang tưởng của các vị trên gây ra bao nhiêu là chết chóc tang thương cho hàng bao nhiêu triệu người

Theo tiểu sử do các đệ tử xuất bản, Thanh Hải Vô Thượng Sư sinh ra tại Âu Lạc (Âu Lạc chứ không phải Việt Nam!) trong một gia đình ngoan đạo, cha mẹ là giáo dân Cơ Đốc, còn bà nội là Phật tử thuần thành. Do “ảnh hưởng hỗn hợp” từ thuở ấu thơ nên Thượng Sư hình thành một thói quen khác thường là… “sáng…đến nhà thờ cầu nguyện, buổi chiều đi chùa và tối đến thì đi nghe giảng kinh.” (2), chỉ còn thiếu điều nửa đêm thức giấc hướng về Mecca lạy Allah. (Có lẽ Thượng Sư cho rằng cầu nguyện cả Chúa lẫn Phật thì sẽ được phù hộ nhiều gấp đôi chăng?) 
Thanh Hải Vô Thượng Sư 

Khi còn bé, có lần Thượng Sư gặp gỡ một chiêm tinh gia. Vị này cho biết nếu xuất gia, Thượng Sư sẽ trở thành một cao tăng đắc đạo, nhưng nếu lập gia đình thì sẽ kiếm được một đấng lang quân thành đạt và quý phái. Mẫu thân của Thượng Sư cũng có lần chiêm bao được báo mộng rằng con của bà tới thế giới này là để “cùng với Quán Thế Âm Bồ Tát…cứu độ chúng sinh.” (3) 

Vô Thượng Sư bắt đầu “cứu độ” cho cõi ta bà bằng…nghề phiên dịch viên cho Hội Hồng Thập Tự tại châu Âu, sau đó gặp và kết hôn với một bác sỹ người Đức. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, cuộc hôn nhân ấy tan vỡ, do Thượng Sư quyết định bỏ chồng để đi tu. Được chiêm tinh đoán số, rồi lại hy sinh hạnh phúc gia đình để tìm “chân lý”, thật quả cuộc đời của Thượng Sư là một “sao y bản chánh” của Đức Thích Ca Mâu Ni. Có điều, hành trình tầm đạo của Đức Thích Ca không “ly kỳ” như của Thượng Sư, bởi trong khi Đức Thích Ca chỉ chu du trong cõi Ấn thì Thượng Sư lại bay từ châu Âu qua đến tận…Hy Mã Lạp Sơn để tu, và rốt cuộc đã “đắc đạo” tại đấy. 

Sau khi giác ngộ tại Hy Mã Lạp Sơn, Thanh Hải Thượng Sư đến Formosa (Formosa chứ không phải Taiwan!), nhưng chỉ ở ẩn mà chưa truyền đạo để “cứu nhân độ thế”. Được Quán Âm Bồ Tát báo mộng, thiện nam tín nữ ùn ùn kéo đến theo học Thượng Sư, song do bản tính “e thẹn”, nên hễ thấy ai đến cầu là Thượng Sư lại lảng tránh đi nơi khác. Mãi đến lần thứ ba “bị tìm thấy”, Thượng Sư mới ý thức được số phận của mình là phải làm…Thượng Sư, và “bất đắc dĩ” phải đứng ra giảng đạo. 

Từ đó đến nay, Thượng Sư “thường đi hoằng pháp khắp Á Châu, Hoa Kỳ, Châu Mỹ La Tinh, Úc, Gia Nã Đại, Mễ Tây Cơ, và Châu Âu… các buổi thuyết giảng và truyền Tâm Ấn của Ngài đều miễn phí.” (4) 

Thượng Sư Dạy Những Gì? 

Trích dẫn cả kinh Phật lẫn Thánh Kinh Cơ Đốc trong những lời thuyết pháp, song Thanh Hải Vô Thượng Sư tuyên bố mình không thuộc về bất kỳ một tôn giáo nào. Những đệ tử của Thượng Sư có quyền giữ nguyên tôn giáo cũ đang theo, nhưng đồng thời được nhắc nhở “niệm tên sư phụ (Thượng Sư luôn xưng là sư phụ, bất kể khi nói chuyện với môn đồ hay người ngoài) nếu muốn”. (Có điều, dường như chỉ khi niệm tên Thượng Sư thì mới nhận được sự cứu độ đầy đủ, vì theo như lời một đệ tử người Panama của Thượng Sư kể lại: có lần anh ta gặp bão tố giữa biển khơi, lúc niệm tên 5 vị Phật thì bão chỉ ngớt, mãi đến lúc niệm tên “sư phụ”, bão mới chịu tan. (5) ) Ngoài ra, Thượng Sư cũng tỏ ra khá…dễ tính, khi bảo rằng đệ tử muốn thờ tổ tiên thì cứ thờ, nhưng nếu đã giác ngộ thì không nên, bởi vì “tổ tiên của quý vị đã được sư phụ dắt đi rồi, giải thoát rồi, không còn ai ở đó đâu! Lạy cái bài vị cũng thấy kỳ!” (6) 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Hàn Quốc, Vô Thượng Sư bảo rằng mọi người đều có “Thượng Đế Bên Trong”, và bí quyết để câu thông cùng Thượng Đế ấy, qua đó đạt giác ngộ, là vô cùng đơn giản: Giữ ngũ giới, và hàng ngày tọa thiền 2 tiếng rưỡi. Giữ giới và thiền như thế tức là tu tập Pháp Môn Quán Âm, tập cho đến khi nghe và thấy được…Âm Thanh Thiên Đàng và Ánh Sáng Thiên Đàng là đắc đạo. 

Ngũ giới mà Thượng Sư đề cập đến là: 

“1/ Tránh giết hại sự sống của các chúng sanh. (Giữ giới luật này bao gồm việc đòi hỏi phải ăn chay, kể cả việc không được dùng trứng) 

2/ Tránh nói những điều không thật. 

3/ Tránh lấy những gì không phải của mình. 

4/ Tránh điều tà dâm. 

5/ Tránh dùng những chất kích thích như rượu, ma túy.” (7) 

Tuy nhiên, cả ăn chay, ngũ giới, lẫn tọa thiền đều không phải những phát hiện gì mới mẻ, mà đã được các tôn giáo lớn đề cập đến hàng ngàn năm trước Thanh Hải Vô Thượng Sư, sở dĩ bản thân và đạo của Thượng Sư “nổi tiếng” là nhờ hàng loạt những đặc điểm “độc nhất vô nhị” khác. 

Những Điểm “Độc Nhất Vô Nhị” Trong Đạo Thanh Hải 

1/ Trò=1, Thầy= 999999 

Một mặt dạy rằng mỗi người đều có “Thượng Đế Bên Trong”, và để giác ngộ chỉ cần hướng về nội tâm, mặt khác Thanh Hải Vô Thượng Sư lại bảo “Tuy chúng ta có thể tự mình tu hành, nhưng cơ hội thành công chỉ có một phần triệu thôi, lại rất nguy hiểm, và phải mạo hiểm mà kết quả cũng không được chắc chắn….” (8), cho nên để an toàn hơn thì nhất thiết phải có “sự hướng dẫn của Minh Sư” (9). Như vậy, có thể thấy khi nhắc đến “bí quyết đắc đạo” ở trên, Thượng Sư đã “khiêm tốn và tế nhị” khi không đề cập bí quyết quan trọng nhất: được chính Thượng Sư truyền Tâm Ấn. 

Thật vậy, khi thọ giáo cùng Thượng Sư, các môn đồ sẽ được sư phụ truyền Tâm Ấn (chắc giống như truyền… nội lực, một lần xài suốt đời). “Lúc thọ Tâm Ấn, tất cả những nghiệp chướng trong quá khứ của đệ tử đều được tiêu trừ.” (10). Chỉ riêng điểm này thôi cũng đủ để Đạo Thanh Hải “vượt xa” các đạo khác, vì trong những tôn giáo trước Thanh Hải, tôn giáo nào cũng dạy người phải nỗ lực tinh tấn mới hòng được giải thoát, chứ làm gì có chuyện “cao siêu” giải thoát ngay tắp lự như thế! Giải thoát dễ như vậy thì ai mà chẳng muốn theo! Vạn sự khởi đầu nan, nên một khi cái sự khó nhất là tiêu trừ nghiệp chướng Thượng Sư đã làm hộ cho rồi, thì đệ tử chỉ còn việc trì ngũ giới và mỗi ngày thiền 2 tiếng rưỡi để giữ cho cái Tâm Ấn khỏi…bay mất là đủ, còn nếu như không có Thượng Sư thì, dù mỗi ngày thiền 24 tiếng, cơ hội thành công cũng chỉ là một phần triệu, mà lại có nguy cơ “tẩu hoả nhập ma”. 

Thượng Sư Thanh Hải lại còn tài ba hơn các vị giáo chủ khác ở chỗ “Trong Pháp Môn của sư phụ, nếu giữ giới không rõ ràng, không có đạo đức, sư phụ sẽ thâu về một phần lực lượng. Pháp Môn của sư phụ khác với các pháp môn khác là sư phụ có thể điều khiển được lực lượng này”. (11) Điều ấy có nghĩa là nếu học trò không vâng lời thì Thượng Sư sẽ lấy lại Tâm Ấn, giống như trong truyện Kim Dung đã truyền nội lực rồi lại thâu trở về, khiến cho bao nhiêu nghiệp chướng lại… bay về với đệ tử. 

2/ Thượng Sư Cao Hơn Phật 

Trong Tức Khắc Khai Ngộ-Khai Thị II, Thanh Hải Vô Thượng Sư đã khẳng định “Phật không phải là bậc chánh đẳng chánh giác”, do theo như Thượng Sư thì trên thế giới của loài người còn nhiều thế giới khác cao hơn, và Phật chỉ ở vào thế giới thứ 2, trong khi những bậc Minh Sư chân chính như bản thân Thượng Sư thì ở tận…thế giới thứ 5.  

Từ trước đến nay, chúng ta biết rằng ngoài cảnh giới con người ra, còn có cả thảy 5 cảnh giới khác. Thứ tự của 6 cảnh giới từ thấp đến cao là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, nhân, và thiên. Song le, Thanh Hải Vô Thượng Sư lại đưa ra một “phát minh” mới lạ khi cho biết thế giới thứ nhất ở trên nhân gian là thế giới của loài a tu la, tức a tu la cao hơn người một bậc, và thua Phật có…mỗi một bậc. Thượng Sư viết “Khi quý vị đạt đến đẳng cấp “Bồ Đề” là quý vị thành Phật…Nhiều người gọi những người khai ngộ là “Phật”. Nếu người này chưa vượt qua thế giới thứ hai, có thể họ rất hãnh diện, tự nhận mình là Phật sống, đệ tử của họ cũng rất hãnh diện gọi họ là Phật. Nhưng sự thật, họ chỉ đạt đến cảnh giới thứ hai.” (12). Thành Phật tuy đã khá nhưng hãy còn kém, vì “Thế giới thứ năm mới là quê hương của các vị minh sư, tất cả minh sư đều đến từ đây.” (13) Chả thế mà khi gặp Thượng Sư, một vị “đạo gia kiêm khoa học gia” ở Nhật (đáng tiếc không thấy Thượng Sư nêu rõ là ai!) đã nhận định rằng “Sư phụ có được phẩm chất của các vị Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, và Quán Thế Âm Bồ Tát” (14). (Đúng là sư phụ…3 trong 1!) 

Chính bởi có đẳng cấp “cao hơn cả Phật” nên Thượng Sư đã tự cho mình cái quyền “đổi trắng thay đen, biến mèo thành chó”. Khá nhiều những kiến thức và luận điểm cơ bản đã được Thượng Sư biến đổi một cách “đầy sáng tạo”, đơn cử như việc Thượng Sư giảng rằng “Hán Trang Tử” là “một minh sư vĩ đại của Thiền tông Trung Hoa”, còn Khổng Tử là “đạo gia” (15). Trời hỡi, trong lịch sử Trung Hoa chỉ có mỗi một triết gia Trang Tử (Nam Hoa Chân Nhân), nhưng ông là đạo gia chứ không phải thiền sư, còn Khổng Phu Tử thì là nho gia chứ liên quan gì đến đạo giáo! Vả lại, vì Trang Tử vốn họ...Trang nên chữ Hán ở đây chỉ có thể hiểu là thời đại ông đang sống (như Hạ Kiệt là vua Kiệt nhà Hạ, Ngu Thuấn là đế Thuấn nhà Ngu), mà trong thực tế thì Trang Tử lại sinh vào đời Đông Chu Chiến Quốc (475BC-221BC), chứ nào phải đời Hán (206BC-220). Tương tự như thế, Ngôi Lời (The Word) trong Thánh Kinh Cơ Đốc vốn được dùng để chỉ về Jesus Christ, song Thượng Sư lại bảo Ngôi Lời này là…Âm Nhạc Thiên Đường, và dạy rằng Pháp Môn Quán Âm chính là để “quán” cái “âm” ấy! 

Tiếp tục dùng cái quyền “cao hơn Phật” của mình, Thượng Sư khuyên mọi người ăn chay bằng cách dẫn lời của Jehovah trong Thánh Kinh: “Thí dụ trong chương Một của Cựu Ước, Thượng Đế nói: ‘Ta tạo ra tất cả các loài vật để làm bạn với các ngươi, giúp đỡ các ngươi. Các ngươi nên coi sóc chúng.’ Sau đó Ngài nói, Ngài tạo ra các loài thức ăn cho các loài vật, mỗi loài vật có thức ăn khác nhau. Nhưng Ngài không bảo chúng ta ăn loài vật, Ngài không nói như vậy. Ngài nói ‘Ta tạo các loại thực vật, những rau cải trong ruộng, những hoa quả trên cây mùi vị vừa ngọt ngào vừa đẹp mắt, đó là thực phẩm của các ngươi.’”. (16) Tuy nhiên, dẫn lời Jehovah để khuyên mọi người ăn chay thì cũng chẳng khác dẫn lời đồ tể khuyên đừng giết lợn, vì đúng là trong thiên Genesis của Thánh Kinh có những lời tương tự vậy, nhưng không hiểu do vô tình hay cố ý mà Thượng Sư lại quên mất rằng, ngay sau đó, cũng chính trong Genesis, Jehovah đã cho phép con người ăn thịt, chỉ cấm húp máu, và hơn thế nữa, còn đòi hỏi con người phải hằng ngày hiến tế cho mình biết bao nhiều là bò, là cừu, là dê, trong những ngày cao điểm lên đến hàng ngàn con một lúc! 

3/ Tính “Khôi Hài” 

Càng ở thế giới cao thì càng khôi hài, ấy thế nên đọc kinh của Thanh Hải Vô Thượng Sư nhiều khi còn thấy “hài” hơn cả xem phim Charlie Chaplin hay Rowan Atkinson. Chúng ta thử xét các đoạn sau: 

“Nghe nói gần đây ở Mỹ mới phát minh được một loại máy có thể giúp người nhập định…hiện đang được bán với giá rẻ…từ bốn trăm đến bảy trăm đồng….loại máy này được chế tạo cho những người lười biếng tọa thiền, nhưng lại muốn được nhập định ngay... Muốn nhập định chỉ cần đeo máy nghe và bịt mắt là đủ, như vậy cũng được lắm! Bốn trăm Mỹ kim thôi, rất rẻ. Nhưng cách nhập định của chúng tôi càng rẻ hơn, vừa hoàn toàn miễn phí lại vừa vĩnh cửu, không cần dùng điện, cũng không cần dùng pin, không lo ngại máy móc bị trở ngại, hoặc phải sửa chữa.” (17) 

”Cũng giống như định luật vật lý, muốn phóng hoả tiễn vượt khởi sức hút của trái đất cần phải có một sức đẩy rất lớn ở đằng sau, khi hỏa tiễn bay nhanh, cũng phát ra những tia sáng. Cho nên sư phụ đoán rằng khi chúng ta bay nhanh vào siêu thế giới, chúng ta cũng phóng ra những tia sáng, cũng nghe thấy được âm thanh.” (18) 

“Bên trong chúng ta có một công cụ bay nhanh hơn cả UFO, đó là linh hồn của chúng ta, còn gọi là linh thể. Dùng linh thể bay khỏi tốn nhiên liệu, không sợ cảnh sát, không sợ bị cản trở lưu thông, và cũng không cần lo lắng có một ngày nước Á Rập không bán dầu cho chúng ta.”, nhưng “trong vũ trụ có những pháp luật mà chúng ta cần phải tuân theo, cũng như lúc lái xe cần phải tuân theo luật giao thông vậy: đèn đỏ thì ngừng, đèn xanh thì chạy, lái xe bên tay phải, tay trái, tốc độ giới hạn là bao nhiêu” (19) 

“Bây giờ việc truyền bá dễ dàng, cho nên chúng ta mới biết có nhiều vị đại sư, quý vị rất may mắn, có thể lựa chọn vị Minh Sư mình thích như đi mua sắm vậy. Quý vị có thể so sánh, dùng trí huệ của quý vị phán đoán “Ồ, người này tương đối khá” hoặc “Tôi có vẻ thích người này hơn”, “Người này trông dễ sợ quá”, “Người kia xấu quá””. (20) 

“Nếu đã lỡ có tình nhân rồi thì đừng nói cho chồng mình nghe, nói ra chỉ làm ông thêm đau lòng mà thôi…làm như vậy là bậy, là không tốt. Quý vị đã phạm lỗi rồi, tại sao còn đem rơm rác về nhà bắt người khác phải chia sẻ?” (21) 

(Khi được hỏi về biện pháp giải quyết nạn gia tăng dân số) “Người đông một chút cũng tốt, có gì là không tốt? Càng đông, càng ồn ào thì càng vui phải không?.” (22) 

“Sư phụ đã từng nói Colorado là nơi có rất nhiều linh khí, Mỗi lần Sư Phụ đến giảng kinh đều có một nguồn cảm hứng cao, nên buổi giảng kinh nào cũng nói ra những lời sâu sắc” (23) 

Những đoạn trích trên không những cho thấy tính khôi hài mà còn thể hiện rõ bản chất “độc nhất vô nhị” của Thanh Hải Vô Thượng Sư. Có lẽ chỉ có đạo của Thượng Sư là khuyến khích vợ lừa dối chồng (chắc Thượng Sư có nhiều kinh nghiệm về chuyện này!), và có lẽ cũng chỉ có Thượng Sư là vị giáo chủ duy nhất “đắc đạo tùy hứng”, có “hứng” lên thì mới nói những lời sâu sắc được. Hơn thế nữa, với ngôn ngữ đầy tính…tiếp thị, Thượng Sư còn cho chúng ta thấy rõ một thực trạng rất đáng mừng hiện nay là: chọn Minh Sư dễ chẳng khác nào đi chợ chọn…gà. 

Thầy nào trò nấy. Thượng Sư đã vậy, còn các học trò khi nói và viết bài về thầy cũng khôi hài không kém. Chẳng hạn như khi Thượng Sư dạo chơi trong một khu vườn ở Thái Lan, bỗng nhiên có 2 quả xoài rơi xuống, thế là một đệ tử hô ngay lên rằng “Xoài tự động rớt xuống cúng dường sư phụ” (24) (Vậy mai kia có ai đi vào vườn sầu riêng bị sầu riêng rơi trúng đầu thì cũng đừng lấy làm phiền, vì mình có đắc đạo thì sầu riêng mới xuống cúng dường đó!). Một lần khác Thượng Sư tới Mỹ, nhân trời nắng đẹp, một đệ tử nữa tấm tắc “Tuy đài khí tượng dự đoán ngày hoằng pháp sẽ có mưa to gió lớn, nhưng dường như long thần hộ pháp đã âm thầm giúp đỡ, nên ngày hôm ấy không có mưa mà mọi người còn hưởng được khung trời nắng ấm” (25). Không biết có phải chính đệ tử này không sau đó lại “ca” tiếp ở Mã Lai trong một buổi mưa dầm dề “một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hai ngày sau buổi giảng kinh, nửa đêm trời mưa to gió lớn…Dường như sư phụ dùng nước cam lồ để rửa sạch cho cả nước, dùng cách nhẹ nhàng nhất để dọn sạch quốc gia này.” (26) (Aesop quả chí lý, cái lưỡi đúng là lợi hại, mưa thì “lý” thế này, mà nắng thì “luận” thế khác.) 

Tuy thế, những câu chuyện ấy còn chưa “hài” mấy, mà hài nhất là chuyện một anh chàng đệ tử đã có “diễm phước” mua được chai…xì dầu maggi trong một buổi bán đấu giá đồ lạc xoong do Thượng Sư tổ chức. Tậu được chai xì dầu mà “Sư Phụ” từng dùng qua, anh hí hửng ôm ngay về nhà và “âm thầm không nói. Điều thần kỳ là những người trong gia đình anh (chưa Tâm Ấn) đã cảm nhận được có gì khác lạ, mỗi đêm đều thấy sư phụ đến gia trì. Nhịn không nổi nên hởi nguyên nhân, đồng tu của chúng ta mới đem chai xì dầu maggi ra. Lúc đó mọi người mới hốt nhiên đại ngộ. Nhân tiện anh chia cho mỗi người 2 giọt. Những giọt xì dầu maggi này tưởng chừng như nước tịnh thủy của Quán Âm Bồ Tát.” (27) 

Kết 

Ở trên là những trình bày sơ lược về “Thanh Hải Vô Thượng Sư và Giáo Lý Của “Ngài” qua một vài tác phẩm của chính Thượng Sư, còn đánh giá ra sao về Thượng Sư xin được giành quyền cho các thức giả. Có lẽ do hiểu biết nông cạn nên chưa hiểu hết được “tư tưởng uyên áo” của Thượng Sư; nhưng dù sao, nếu được nêu ý kiến của riêng mình, chúng tôi xin được bái phục Thượng Sư về tài khôi hài của “Ngài”, mà khôi hài nhất là việc “Ngài” nghĩ rằng mình là…Vô Thượng Sư!

Không có nhận xét nào: