Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Tuổi Trẻ & Báo Chí Công Cụ

Khi tôi viết entry “Có lẽ cụ Chủ tịch không biết”, một phó giám đốc sở Văn Hóa Thông tin nói tại giao ban báo chí rằng: “Tác giả bài viết này chắc là một người bất hiếu vì dám phê bình cha mẹ”. Theo như cách nói của vị phó giám đốc sở ấy thì, trong một quốc gia, Chủ tịch nước cũng phải được coi là “phụ mẫu”. Tôi đã không kiện vị phó giám đốc sở kia về tội “mạ lị”. Vấn đề cá nhân bị xúc phạm chỉ là một phần, nhận thức của các quan chức về “chính quyền” mới là một lỗ hổng khó có thể lấp đầy ngay được.


Tôi nhắc lại câu chuyện này, chỉ để nói rằng, đi tìm nguyên nhân các nhà báo bị rút thẻ trong tình hình hiện nay, thực ra, là một việc làm không cần thiết. “Cha mẹ”, rõ ràng, đã hết kiên nhẫn khi nhìn đám “con cháu” đi ra khỏi tầm “gọi dạ, bảo vâng”. Sự trừng phạt, nhân một vài câu nói được cho là hỗn hào, cũng là điều dễ hiểu.


Ở các quốc gia tiến bộ, các cơ quan đã nắm trong tay các nhánh quyền lực nhà nước thì thôi không nắm truyền thông. Thậm chí các đảng phái cũng tránh công khai ra báo. Cho dù vẫn có những cơ quan truyền thông trực thuộc chính phủ, chính phủ ở những quốc gia ấy, cũng không thể cư xử với các cơ quan báo chí đó theo kiểu “con cháu trong nhà”. Hãng BBC được lập ra bởi nhà nước Anh, hàng năm BBC nhận từ Chính phủ một khoản ngân sách hơn 4 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, BBC vẫn có quyền chỉ trích cả Nữ Hoàng và Thủ tướng. Vì, 4 tỷ đó không phải của Nữ Hoàng mà là tiền của nhân dân Anh đóng góp, Chính phủ chi để thực hiện quyền của nhân dân về ngôn luận tự do. 


Ở ta, theo con số mà Bộ Tài chánh công khai, chỉ riêng phát thanh và truyền hình, một năm, ngân sách phải chi hơn 1.300 tỷ (không có con số ngân sách chi cho báo Nhân Dân và hệ thống báo địa phương). Rất nhiều quan chức nghĩ rằng, 1.300 tỷ ấy là tiền của mình, những cơ quan báo chí đã nhận “tiền của mình” mà đi “phê mình” thì thật là “không đạo lý”. Phương pháp tư duy ấy, được các quan chức áp dụng ngay cả với những tờ báo không hề nhận từ ngân sách một đồng xu nào. Chúng ta không thể tranh cãi điều này mà phải sống chung với nó. Nếu như ở một quốc gia nghèo đói, vực dậy dân trí khó khăn ra sao thì ở một quốc gia chưa có dân chủ, cải thiện quan trí lại là một việc muôn phần nan giải. 


Nhiều người, rất dị ứng với vai trò “công cụ” mà báo chí Việt Nam đang gánh trên vai. Nhiều người khác lại cho rằng, xét cho cùng, báo chí ở trong thể chế nào cũng đều là công cụ. Vấn đề là khi dùng báo chí, chính quyền phải ý thức là họ đang sử dụng một công cụ truyền thông. Uốn nắn báo chí tới mức làm cho nó méo mó, không còn gánh vác được trách nhiệm của một phương tiện truyền thông thì không những uy tín của báo chí cũng hết mà sự tôn trọng vào chính quyền, cho dù vẫn được tung hô, cũng hết. 


Quan sát Tuổi Trẻ, với tư cách là một bạn đọc, nhiều người nhận thấy, Tuổi Trẻ chính là một trong những thành trì cuối cùng của Chủ nghĩa xã hội. Chỉ lấy ví dụ: avatar ưa thích của Bùi Thanh (nhà báo vừa bị rút thẻ tuần qua) không phải là Bush hay Clinton mà chính là Che, một thần tượng của những người cộng sản. Ai đã từng đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm sẽ thấy trong đó bi kịch của một người con gái đã chôn vùi tuổi xuân của mình với không ít đắng cay. Nhưng, Tuổi Trẻ đã biến Đặng Thuỳ Trâm thành ngọn lửa rực ngời lý tưởng.


Xét về mọi phương diện, Tuổi Trẻ đã công cụ đắc lực hơn hẳn nhưng gì thuộc về công cụ của chế độ này. Thành Đoàn, một cơ quan từ lâu đã bị hành chánh hoá, tự thân không có nhiều hoạt động thu hút thanh niên. Trong khi, chất “lửa” mà tờ Tuổi Trẻ tạo nên, đã tập hợp được đông đảo giới trẻ xung quanh những lý tưởng mà tờ báo này khởi xướng. Đọc tờ Tuổi Trẻ, đọc Bùi Thanh, và quan sát cách cư xử với Bùi Thanh và tờ báo này, nếu có nghi ngờ gì về chất cộng sản thì chỉ có thể nghi ngờ ở chính tổ chức vẫn tự nhận là của thanh niên chứ không phải ở Bùi Thanh hay tờ Tuổi Trẻ. 


Nếu Thành Đoàn thực sự cần sự ủng hộ của thanh niên thay vì sự vừa lòng của “các chú, các anh” thì tổ chức này sẽ không tìm được ở đâu một chỗ dựa tốt như Tuổi Trẻ. Tương tự, chính quyền sẽ không bao giờ có được những công cụ đích thực, giám sát các cấp đi đúng quỹ đạo của mình, hạn chế tham nhũng và những việc làm mất uy tín với nhân dân, nếu mất đi “lửa” của những tờ như Tuổi Trẻ.


Cái thời, sử dụng ban tuyên giáo để nhắc nhở báo chí hình như đã qua, các tổng biên tập gần đây thỉnh thoảng lại bị triệu tập bởi những cơ quan chính quyền không hề có chức năng trông coi báo chí. Có nhiều sự việc báo chí phải lên xuống giải trình chỉ vì thắc mắc của một “đại gia”. Tin nổi bật trên trang nhất của tờ Tuổi Trẻ gần đây thường là “điểm thi” rồi “thủ khoa”. Tin các nhà thầu Nhật khai đã hối lộ 820 nghìn USD cho một quan chức ta thì nhân dân phải đọc trên BBC, một cơ quan được coi là “đài địch”. Lời khai của các nhà thầu Nhật chưa hẳn là chính xác và cho dù chính xác thì cũng chưa chắc đã còn chứng cứ để có cơ sở buộc tội quan chức nói trên. Nhưng, “lời khai” đó đã trở thành tin, nếu “tin” không được truyền thông thì dân chúng sẽ rất hoang mang, và lòng tin vào những quyết tâm chống tham nhũng khó lòng mà củng cố. 


Ngay cả ở những quốc gia mà chính quyền được lập không bằng lá phiếu của nhân dân thì uy tín với nhân dân vẫn là một điều hữu ích. Tuổi Trẻ, cũng giống như nhiều tờ báo khác, trong những phút giây “nhiệt tình cách mạng”, đã có những bài báo mà những người viết tin là họ đang góp phần đấu tranh với tham nhũng. Các quan chức chính quyền có thể không thích điều này nhưng cũng đừng nên quá lo. Những phóng sự do phóng viên độc lập điều tra gần như càng ngày càng trở nên thiếu vắng. Chất liệu điều tra vẫn chủ yếu đựơc “xì ra” từ các cơ quan nằm trong tầm kiểm soát. Khả năng “chống tham nhũng” của “báo chí công cụ” hiện thời, rất khó có thể chạm tay được vào tham nhũng thật. Sự năng nổ của báo chí, cũng giống như các thanh niên xung phong đứng ở ngã tư, chủ yếu chỉ nhắc nhở được những người ngay và khiến cho những kẻ gian không lộng hành lộ quá.


Đa số những tờ báo mà chính quyền hiện thời đang ra tay chấn chỉnh, đều tự hạch toán kinh doanh, có những tờ báo đã nộp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước. Những tờ báo ấy từ lâu đã sống và phát triển bằng tiền bạc của nhân dân, nhưng trên thực tế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân không nhiều lắm. Những tiếng nói thẳng thắn trên báo chí, chủ yếu, làm cho người dân tin tưởng nhiều hơn ở chính quyền và Đảng (về quyết tâm chống tham nhũng và dân chủ tự do). Niềm tin mà báo chí tạo ra ấy đôi khi đã giúp “xả” những ức chế trong dân và “tháo” được rất nhiều “ngòi nổ”. Những niềm tin như vậy, liệu có còn không khi mà sau đợt xử lý báo chí hiện nay, chỉ còn lại những tờ báo chỉ biết cúi đầu ngoan ngoãn.


Nhiều bạn đọc ở trong nước, những bạn đọc đang sống ở bên ngoài có thể sẽ coi bài viết này của tôi là bồi bút. Đúng là tôi đã chỉ ra đây những tổn thất của chính quyền thay vì những tổn thất của đồng nghiệp và nhân dân. Tôi sẽ không giải thích, tôi viết bài này khi biết tin Bùi Thanh, người sau khi bị cách chức Phó Tổng biên tập Tuổi Trẻ, bị rút thẻ, vừa nhận được quyết định phân công về phòng quảng cáo làm nhân viên phát triển thị trường. Bùi Thanh, một nhà báo vào hàng giỏi nhất Việt Nam, một nhà báo luôn hát khúc tráng ca “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/Bàn tay son sắt dâng cao ngọn cờ…”, giờ đây, được phân công đi làm quảng cáo.

Không có nhận xét nào: