Nikita Sergeyevich Khrushchev (1894 - 1971), tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (1953 - 1964), chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô (1958 - 1964), người nổi tiếng với bản báo cáo vạch trần tội ác của Stalin tại đại hội XX đảng cộng sản Liên Xô (1956), mở ra thời kỳ "hửng ấm" trong xã hội xô viết thời đó. Cuốn hồi ký của Khrushchev được ông kể miệng vào máy ghi âm từ 1967 đến 1971, sau đó được chuyển ra nước ngoài gỡ băng, dịch ra tiếng Anh, xuất bản. Ở Liên Xô không có bản gốc ghi âm tiếng Nga của Khrushchev, phải dịch lại từ tiếng Anh. Đoạn trích này đăng ở tạp chí Time (Mỹ) ngày 1/10/1990 với đầu đề như trên và được báo Za rubezhom (Nga) dịch đăng lại. Tôi đã dịch từ tiếng Nga và đăng tạp chí Cửa Việt số 7 năm 1991. Để tưởng nhớ văn hào Nga Alexander Solzhenitsyn vừa qua đời, tôi post lên để mọi người đọc và hiểu thêm một thời đại.
Năm 1958 ở Moskva nổi lên vụ ầm ĩ lớn liên quan đến cuốn tiểu thuyết "Bác sĩ Zivago" của Boris Pasternak. Suslov, lúc ấy phụ trách ban tuyên huấn của Ban chấp hành trung ương, đã tuyên bố trong Bộ chính trị rằng cuốn sách đó kém về chất lượng và không có tính chất xô viết về giọng điệu, vì thế nếu cho phép xuất bản nó thì sẽ có hại. Tôi không nghĩ là đã có ai [trong Bộ chính trị - N. X.] đọc tác phẩm đó, có lẽ cả Suslov cũng chưa đọc nó, mà chỉ đọc bản báo cáo nội dung cuốn sách do người trợ lý trình bày trong vài ba trang mà thôi.
Tôi lấy làm tiếc là đã nhúng tay vào việc cấm cuốn sách đó. Lẽ ra chúng tôi nên để cho người đọc tự quyền phán xét. Bằng cách cấm "Bác sĩ Zivago" chúng tôi đã gây tác hại lớn cho Liên Bang Xô Viết. Giới trí thức ở nước ngoài, kể cả những người không chống chủ nghĩa xã hội, đã lên tiếng phản đối chúng tôi.
Hôm nay có thể nghe thấy nói rằng ở nước ta không có kiểm duyệt. Đó là điều nhảm nhí. Đó là chuyện chỉ để nói cho trẻ con. Ở nước ta có một chế độ kiểm duyệt thực sự và phải nói là rất nghiệt ngã. Chúng ta không nên biến sự phê bình thành kiểm duyệt, bởi vì khi đó các nhà phê bình và các nhà tư tưởng sẽ biến thành những viên đạo tặc cảnh sát.
Theo ý tôi muốn thì trong vụ Pasternak tôi cũng sẽ hành động như khi nảy ra vấn đề về cuốn sách "Một ngày trong đời Ivan Denisovich" của Solzhenitsyn (xuất bản năm 1962)! Khi đó bản thân tôi đã đọc cuốn sách. Nó rất nặng nề, nhưng viết tốt. Qua đó người đọc phẫn nộ biết được Ivan Denisovich và bạn bè của anh ta đã phải bị ngồi tù trong hoàn cảnh nào.
Chỉ có Suslov là kêu toáng lên. Ông ta muốn kiểm soát tất cả mọi thứ.
- Không thể làm như thế được! - Ông ta tuyên bố, - Đâu phải vào đấy. Nhân dân sẽ hiểu điều đó như thế nào?
Câu trả lời của tôi cả khi đó và bây giờ là nhân dân bao giờ cũng biết phân biệt cái tốt ra khỏi cái xấu.
Khi chấp nhận quyết định không cản trở cuốn sách của Solzhenitsyn, tôi xuất phát từ chỗ cần phải lên án cái ác gây ra cho đảng cộng sản và nhân dân xô viết; chúng ta cần phải mổ cái ung nhọt ra, phải phỉ nhổ vào những việc đã xảy ra, sao cho điều đó không bao giờ lặp lại nữa. Chúng ta cần phải quả quyết đưa sự thật vào văn học.
Người đọc quả nhiên đã vồ lấy cuốn sách của Solzhenitsyn. Họ cố công tìm hiểu vì sao một con người trung thực sống trong thời đại xã hội chủ nghĩa của chúng ta lại có thể bị lâm vào một hoàn cảnh như vậy.
Tội này là của Stalin. Tội ác của ông ta là ở đó, mà những kẻ gây tội ác thì cần phải bị kết án. Và cần phải kết án chúng không chỉ ở trong phòng xử án, dưới sự giám sát của quan tòa. Mà bản thân xã hội phải kết án chúng. Và tòa án nghiêm khắc nhất phải là phỉ nhổ Stalin như một kẻ tội phạm trong văn học.
Bây giờ tôi đã ở vào cái tuổi lấy làm hối tiếc về những sai lầm riêng của mình khi phán xét những cái đáng được ủng hộ. Thông thường chúng ta hay dùng đến những biện pháp hành chính thay cho việc để các sự kiện có khả năng phát triển theo hướng tích cực. Chúng ta quá lo lắng đến việc phải ngăn cấm, hạn chế một cái gì đó. Tôi chia sẻ trách nhiệm về kiểu quản lý như thế, nhưng bây giờ tôi chống lại việc đó. Chúng ta cần có thái độ rộng rãi với những sự thay đổi. Chẳng lẽ quả thật những sự thay đổi đó gây tác hại cho hệ tư tưởng cộng sản ư? Tôi cho rằng không phải thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét