Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Huỳnh Ngọc Sĩ và Tham Nhũng

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị bắt vì “cho thuê nhà” thay vì “nhận hối lộ 820 nghìn đô la của PCI” chắc chắn sẽ trở thành một đề tài. Nhưng, chưa thể đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải khởi tố một tội danh mà, có thể, họ chưa có nhiều chứng cứ. Có lẽ, chính các cơ quan tố tụng cũng biết, dân chúng không đòi hỏi phải bỏ tù ai đó, dân chúng quan tâm đến quyết tâm và khả năng phát hiện tham nhũng của chính quyền. Bắt ông Sĩ mà bản chất của vụ án, đưa và nhận hối lộ, không được chứng minh thì vụ PCI coi như vẫn chưa tới hồi kết thúc. 


Vì vụ PCI, cuối năm ngoái (12-2008), Nhật phải tuyên bố tạm ngưng cấp vốn ODA cho Việt Nam. Gần như không có sự kiện ngoại giao nào gần đây giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật, các nhà lãnh đạo không phải nhắc đi nhắc lại: “không để cho PCI ảnh hưởng tới quan hệ hai nước”. Không chỉ ở Việt Nam, chống tham nhũng với một quốc gia là vô cùng hệ trọng.


Một ngày trước đó, 10-2, ở Đài Loan, vợ của cựu tổng thống Trần Thủy Biển, bà Ngô Thục Trân, đã thừa nhận những cáo buộc về rửa tiền và tham nhũng. Trần Thủy Biển lẽ ra đã có thể vinh quang đi vào lịch sử khi trở thành thần tượng của giới trẻ, đắc cử tổng thống 2 nhiệm kỳ liền, chấm dứt 51 năm độc quyền của Quốc dân đảng, nếu như, ông không để cho vợ, con, dâu, rể, anh em… tham nhũng. Ngay từ năm 2006, khi còn tại chức và khi chưa chịu thừa nhận dính líu vào các hành vi tham nhũng của gia đình, Trần Thủy Biển vẫn phải xin lỗi dân chúng về việc đã để cho Đài Loan dính vào những rối ren chính trị.


Một “người hùng” khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự là ông Thaksin, cựu thủ tướng Thái Lan. Trong những năm cầm quyền của mình Thaksin đã làm được rất nhiều việc cho đất nước. Ông cũng tưởng như có thể chấm dứt được tình trạng chính phủ bị lật đổ liên tục ở Thái Lan. Nhưng, tham nhũng không chỉ đã hạ bệ ông mà còn đẩy Thái Lan vào một thời kỳ khủng hoảng với mức độ còn nghiêm trọng hơn trước đó. Vợ con Thaksin đã dính líu vào không ít thương vụ lợi dụng ảnh hưởng của ông, điển hình là vụ vợ ông đã mua một lô đất của một cơ quan chính phủ với giá 772 triệu baht, trong khi trước đó, lô đất này đã được định giá là 2,1 tỷ baht.


Cả Thaksin và Trần Thủy Biển đều cho rằng “động cơ chính trị” của các đảng đối lập đã “hình sự hóa” các thành viên trong gia đình các ông. Nhưng, hành vi của họ cuối cùng đều được chứng minh là có thật. “Đối lập” và “động cơ chính trị” chỉ giúp cho tham nhũng sớm được phanh phui. Chính hành vi tham nhũng của họ và các thân hữu, không những đã nhấn chìm sự nghiệp chính trị của hai gia đình một thời sáng chói ở châu Á này mà còn khiến cho cả hai quốc gia rơi vào những tháng ngày khủng hoảng.


Không ai phê phán động cơ làm giàu của con người. Nhưng, ở một quốc gia mà thăng quan tiến chức cũng là động cơ và cũng là một con đường làm giàu thì tương lai của quốc gia đó sẽ không thể nào sáng sủa. Nếu như một nhà lãnh đạo nhìn thấy chiếc nhẫn hột xoàn tự nhiên xuất hiện trên tay vợ, chiếc xe hơi đắt tiền được con đưa về đặt trong gara, một cái “sổ đỏ” xuất hiện trên bàn… mà không nhận ra đấy là tham nhũng thì nhà lãnh đạo ấy rõ ràng là đang tham gia vào một tiến trình tha hóa. Tất nhiên, ở những thể chế mà những hành vi tham nhũng được vạch mặt thì những quan chức như vậy mới có thể bị đưa ra tòa và bị làm cho “thân bại, danh liệt”; ở những thể chế mà những hành vi như vậy vẫn tồn tại ngang nhiên, và “quan lộ” của những “gia đình” như thế vẫn cứ đi lên, thì khi họ “vinh thân”, quốc gia sẽ dần dần lụn bại.


Các nhà lãnh đạo Việt Nam chắc chắn cũng ý thức rất rõ nguy cơ này. Bắt Huỳnh Ngọc Sĩ dù rất muộn cũng phần nào thể hiện quyết tâm đương đầu với tham nhũng. Có lẽ chưa có vụ án nào được dư luận dõi theo bền bỉ như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ. Vụ án đang tiếp tục và mức độ xử lý tới đâu sẽ là câu trả lời của không chỉ các cơ quan tố tụng.

Không có nhận xét nào: