Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009

Chừng nào con cháu chúng ta mới được học sự thật

Thằng cháu tôi hỏi : “Sao người ta không nói lại sự thật về Lê văn Tám? “ Tôi ậm ừ “À, chắc chưa phải lúc” Thằng nhỏ phang một câu “ Nói láo thì lúc nào cũng được, còn nói thật thì phải có lúc hả chú? “. Hôm nay post bài này lên coi như tạ lỗi vời thằng cháu.

Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu để tuyên truyền như một thiếu niên anh hùng có thật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam với chiến tích nổi bật là tự đốt mình để lao vào phá hủy một kho xăng của quân địch. Thông qua tuyên truyền của Việt Minh, nó được lưu truyền rộng rãi. Sau chiến tranh, câu chuyện được công nhận một cách chính thức cho đến tận ngày nay trong sách giáo khoa để các em thiếu nhi học tập tấm gương của một thiếu niên anh hùng, đã xả thân vì nghiệp lớn giải phóng dân tộc như một biểu tượng anh hùng cách mạng. Tên Lê Văn Tám được đặt tên cho nhiều trường học, công viên tại Việt Nam.

Câu chuyện về Lê Văn Tám thường kể rằng có một cậu bé làm nghề bán đậu phộng rang, tuy nhỏ tuổi nhưng đã tham gia lực lượng kháng chiến chống Pháp. Vào đêm 1 tháng 1 năm 1946, cậu bé tìm cách lọt vào được kho xăng của Pháp ở Thị Nghè. Cậu đã tẩm dầu lên mình và đốt, rồi nhảy vào một thùng xăng gần nhất. Cả kho xăng đã bị phá hủy và cậu bé cũng hy sinh theo. 

Câu chuyện này đã được tuyên truyền rộng rãi tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, với biểu tượng "ngọn đuốc sống Lê Văn Tám", nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân... Câu chuyện này cũng được đưa vào sách giáo khoa tiểu học ở Việt Nam. Tên của Lê Văn Tám đã được đặt cho một số trường tiểu học, quỹ học bổng, tượng đài, công viên, rạp chiếu phim, đường phố hay các địa danh khác ở Việt Nam. 


Theo giáo sư sử học Phan Huy Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì nhân vật Lê Văn Tám là không có thật, và được Trần Huy Liệu, lúc đó là bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, dựng lên.[ Theo một nguồn khác thì nhân vật Lê Văn Tám vốn được đạo diễn phim Phan Vũ sáng tác cho một phim truyện nhưng sau đó được dùng cho mục đích tuyên truyền.


Theo ông Phan Vũ kể, ông không hề viết rằng Lê Văn Tám là nhân vật có thực lập nên kỳ công "cây đuốc sống", mà chỉ viết một phim truyện. Nhưng do các nhà tuyên truyền thời ấy thấy cần xây dựng một tấm gương dũng cảm hy sinh cứu nước, bèn chộp luôn sáng tác của ông, hiện thực hóa như một nhân vật có thật. Lỡ phóng lao đành theo lao luôn. Tại sao nhân vật được đặt tên là Lê Văn Tám? Vẫn theo tác giả Phan Vũ, khi ấy nhân Cách mạng tháng Tám, ông đặt luôn nhân vật của mình tên Tám, vừa có ý nghĩa, vừa dễ nhớ, vừa dân dã lại rất Nam Bộ gần gũi.Thời chiến, có thể dùng mọi biện pháp, miễn hữu ích. Nay cũng cần trả lại sự thật cho các các sự kiện lịch sử.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê “nhớ lại”: “Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Ðó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền (sau cách mạng tháng Tám 1945, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền và cổ động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”. 

Giáo sư Phan Huy Lê nói thêm về lời nhắn gửi của ông Trần Huy Liệu: “Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.” 

Trần Huy Liệu được xem là một trong những nhà sử học hàng đầu và nhiều quyền lực tại miền Bắc VN những năm sau 1945, ngang hàng với Tố Hữu. Ông Liệu giữ chức Viện Trưởng Viện Sử Học Việt Nam và mất năm 1969. 

Tạp chí Xưa & Nay số 154 (202) - XII - 2003, bài "Đọc hồi ký Dương Quang Đông trọn đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân" của Nguyễn Quế Lâm, trang 9, có đoạn viết: 

Vụ đốt kho đạn Thi Nghè ngày 1.1.1946 bao nhiêu năm nay quy về một huyền thoại Lê Văn Tám. Nhưng về phương diện khoa học, huyền thoại này không đứng vững được. Và chúng ta cứ chấp nhận như thế mà lưu truyền như là một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nay bác Năm Đông đưa ra một tư liệu khác. Tổ đánh mìn kho đạn Thị Nghè là công nhân nhà máy đèn Chợ Quán gồm có Ka Kim, Kỷ và Nỉ. Ka Kim là chỉ huy. Kỷ và Nỉ dùng thuyền nhỏ chở mìn chờ lúc con nước ròng đưa thuyền chở mìn và hai người chui qua ống cống thoát nước. Vì lính gác chặt chẽ nên hai anh tiến hành công việc đặt mìn rất chậm. Khi đặt xong đến giờ điểm hỏa thì con nước đã lớn, ống cống ngập lút không ra được. Giờ điểm hỏa phá tung kho đạn Thị Nghè cũng là giờ phút hy sinh của hai công nhân nhà máy điện Chợ Quán. 

Hiện nay các thông tin này chưa được chính thức công nhận hay bác bỏ ở Việt Nam

Không có nhận xét nào: