Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Nhìn lại 2008

Năm 2008 có quá nhiều sự kiện. Thậm chí, cho đến tận những giờ phút cuối cùng của năm vẫn có sự kiện: vụ tàn phá hội hoa ở thủ đô văn vật thanh lịch nghìn năm. Cho nên chỉ 1 cá nhân như tui thì không có tham vọng tổng kết năm, liệt kê được tất cả các sự kiện quan trọng được nhiều người quan tâm. Công việc đó phải dành cho người khác, có điều kiện hơn, có năng lực hơn, có uy tín hơn.

Tui chỉ nhìn lại năm qua và lẩy ra vài vấn đề mà theo suy nghĩ phiến diện cá nhân, nó có thể gợi lên được đôi điều. Thứ nhất là vấn đề “thể diện”, thứ nhì là vấn đề “thông tin”. Entry này trước tiên bàn về thể diện.

***

Năm 2008, các phương tiện truyền thông quốc doanh đã túm lấy 1 đoạn trong phát biểu của ngài giám mục Ngô Quang Kiệt mà đả kích: “thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu VN ra nước ngoài”. Câu nói của vị giám mục được diễn giải theo nghĩa nhục nhã khi là người VN, chối bỏ dân tộc v.v. nên nó đã làm không ít người nổi giận. Nhưng những sự kiện dồn dập trong tháng 11, từ Qatar xử rắn với lao động Việt, Czech ngừng cấp visa cho người Việt, Nhật cắt ODA cho Việt Nam, Nam Phi ghi hình quan chức sứ quán VN có liên hệ đến bọn buôn lậu sừng tê giác, rồi đến vụ ăn cắp hàng ở Nhật tháng 12 tiếp theo… chắc đã khiến 1 bộ phận những người nổi giận vài tháng trước phải suy nghĩ thêm, suy nghĩ lại.

Ông Ngô Quang Kiệt không xấu hổ vì ông là người Việt khi đối diện với những người Việt khác trên đất VN. Ông xấu hổ, ông nhục nhã khi cầm visa đi ra nước ngoài. Như vậy là sự nhục nhã của ông nó liên quan đến hình ảnh người VN, nước VN trong mắt người nước ngoài. Và rõ ràng với những sự kiện tháng 11, hình ảnh ấy không chỉ một màu sáng tươi rực rỡ.


Năm 2008 VN-nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ có một thời gian được phân công đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội đồng. Thời gian là bao lâu thì em không nhớ (muốn viết cho đúng cần phải check lại), nhưng đại khái là sau khi VN kết thúc nhiệm kỳ, báo chí có đưa tin VN hoàn thành xuất sắc vai trò này, được quốc tế khen ngợi lắm. Chẳng biết có thật là quốc tế khen ngợi không, vì trước VN có hàng chục nước giữ cương vị này nhưng báo chí VN chẳng mấy khi khen nước nào đó “ngồi tốt” trên cái ghế chủ tịch HĐBA. Cho nên câu chuyện VN-Chủ tịch HĐBA LHQ có thể chẳng là cái gì đặc biệt vinh dự, đặc biệt tự hào. Nhưng việc VN giữ ghế chủ tịch HĐBA LHQ một thời gian vẫn cần ghi nhận 1 nét tích cực: VN đã hòa nhập vào quốc tế, đã tham gia vào các công việc quốc tế, và đã chơi theo luật chơi quốc tế khi xử lý các công việc quốc tế được giao. Trở lại chuyện thể diện, thể diện của VN sẽ được nâng cao khi và chỉ khi VN ứng xử trước bè bạn năm châu theo đúng những nguyên tắc được cả thế giới tôn trọng, hành xử theo đúng những quy tắc được cả thế giới coi là văn minh.


Ta có thể thích thú thưởng thức món thịt chó quốc hồn quốc túy trong 1 nhà sàn bờ đê Hà Nội hay chế biến các món ăn từ chim bồ câu trong ngôi nhà ngói của ta, nhưng ta không thể lái xe trên đường phố Paris chẹt chết chó để lôi về ăn thịt, hay bóp cổ những con chim bồ câu trên đường phố Moskva. Vì những hành động như thế, theo quy tắc chung của toàn thế giới, là không văn minh. 1 lễ hội đậm màu dân gian nào đó có thể cho phép người dự hội cướp lễ sau tan cuộc, nhưng 1 lễ hội mang màu hội nhập như hội hoa sakura hay hội hoa cuối năm tây lịch ở thủ đô có đông khách nước ngoài thì hành vi cướp hoa mang về nhà là hành vi mọi rợ theo chuẩn của quốc tế. Ta có thể bảo tồn và phát triển môn võ Bình Định của ta, nhưng bóng đá thì từ luật chơi trong 1 trận đấu đến hoạt động tổ chức 1 giải đấu nhất thiết phải theo luật FIFA.

Khi ta có những ứng xử lệch chuẩn, người nước ngoài sẽ nhìn ta bằng con mắt nghi ngại, thậm chí coi thường và nếu ta tinh ý nhận ra điều ấy, không thể không có cảm giác nhục nhã.

Để không còn nhục nhã nữa, trong thời đại hội nhập này, dù không hòa tan gì gì, thì có những nguyên tắc chung cho toàn thế giới, nhất định ta phải tuân thủ.


Nếu hiểu như vậy thì việc hãng hàng không VN Airlines đuổi ông ngoại trưởng Bỉ từ ghế thương gia xuống ghế hạng thường chỉ để nhường chỗ cho mấy ông lãnh đạo VN vào Nam viếng 1 ông Võ Văn Kiệt đằng nào cũng đã chết (nghĩa là chẳng có cái gì liên quan đến an ninh quốc phòng chủ quyền lãnh thổ cả) thì không phải là hãng hàng không Việt “oai” vì dám đuổi ngoại trưởng Bỉ mà là hãng hàng không Việt đã chơi không đẹp, không văn minh, và người Việt Nam không thấy vinh dự vì “VN dở được uy đại ca ra trước Bỉ” mà nên thấy thẹn.


Nếu hiểu như vậy thì việc ngài thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nghiêm khắc chỉ bảo báo chí Nhật Bản phải đi đúng lề đường bên phải khi nói về vụ PCI không làm người VN cảm thấy oai vì người Việt-hóa ra chỉ nhũn nhặn, khép nép trước TQ thôi (ứng xử trước các sự kiện liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải-bỏ tù Điếu Cày…)-còn thì chẳng sợ ai, mắng được báo chí Nhật mà cảm thấy thẹn, vì 1 quan chức đến hàm thứ trưởng như ông Xuân Sơn sao lại có thể phát ngôn hồ đồ đến thế, lố bịch đến thế, làm trò hề cho ngoại nhân. Cái cách ông phó thị trưởng Sài Gòn Thành Tài tỏ vẻ với người Nhật “chúng mày nhờ vả cho đúng kiểu thì bọn ông điều tra vụ PCI-Huỳnh Ngọc Sỹ giùm bọn mày” cũng gợi những cảm giác tương tự.


Nhật Bản cắt ODA cho VN chắc chắn không phải vì ở VN có 1 viên chức cấp tỉnh ăn hối lộ. Không chỉ VN mà rất nhiều nước-kể cả Nhật- cũng có quan chức ăn hối lộ. Nhưng sự khác biệt là cách hành xử của chính quyền khi thông tin về vụ ăn hối lộ được lộ ra. Quan chức Nhật chắc chắn phải bật bãi để bị điều tra, còn ô.Huỳnh Ngọc Sỹ (ảnh) thì, sau tuyên bố của ông thứ trưởng Sơn và trước ngày Nhật cắt ODA, chẳng bị sao cả. Cái khác biệt giữa VN với những xứ sở văn minh không phải ở chỗ: nơi này có tiêu cực-nơi kia không có mà ở cách xã hội xử lý những tiêu cực. Chừng nào sự khác biệt này chưa được rút ngắn thì chừng đó thể diện VN còn chưa được tôn trọng ở nước ngoài.


Tương tự như vậy, nhiều nước khác cũng có nhân viên ngoại giao buôn lậu, nhưng những nước xử lý nghiêm khắc nhân viên ngoại giao của mình vẫn giành được sự tôn trọng của quốc tế như thường. Trước vụ bê bối Nam Phi, VN đã xử lý ai nghiêm khắc hay chưa?


Hình ảnh nhếch nhác của người VN ở Czech (và Đông Âu, và Liên Xô cũ nói chung), người lao động VN ở Qatar hay người Hà Nội ở 2 lễ hội hoa liên quan đến người dân nhiều hơn là chính phủ. Có vấn đề của giáo dục-rất là dài hạn. Có vấn đề của tâm lý đám đông-khi bị kích động, phần tham lam, phần ác độc trong con người ta có thể bùng phát, lấn át phần thiện trong từng người. Nhưng chính quyền, thông qua luật pháp và sự hiện diện/không hiện diện ở những chỗ cần/không cần hiện diện hoàn toàn có thể hạn chế được những hậu quả tai hại do những người dân chưa văn minh gây ra.


Chẳng hạn vụ Czech nghe nói là cuối năm đã có 1 kết cục tốt đẹp, rất có thể sứ quán VN tại Czech đã đóng 1 vai trò tích cực để dẫn tới kết cục đó-nghĩa là rất đáng khen. Nhưng nếu ta để ý thấy Tổng thống Czech rồi Giáo hội đều không tán thành những hành động phân biệt đối xử với người VN của chính phủ, thì ta tiếc, giá như sứ quán quan tâm đến tình hình người VN nhiều hơn, có sự hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương để có thể xử lý kịp thời các sự cố thì rất có thể, không có cái quyết định ngừng cấp visa cho mọi người VN.

Và cuối cùng, thể diện 1 đất nước, 1 dân tộc phụ thuộc vào việc đất nước ấy, dân tộc ấy bảo vệ chủ quyền của mình thế nào. Những chuyện này nhiều người đã lên tiếng rồi, nên tạm thời Cavenui không nhắc đến nữa.

Không có nhận xét nào: