- Ngày 1/1/2009, 2 Tổng biên tập hai tờ báo có lượng độc giả lớn nhất nước bị buộc thôi việc. Theo một thông tin không chính thức thì hai tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên chiếm khoảng 70% lượng độc giả trong cả nước và 50% doanh thu ngành báo chí. Như vậy chỉ cần "nắm được" hai tờ này là người ta gần như có thể quyết định được việc báo viết Việt Nam viết gì cho 84 triệu người dân cả nước.
- Trên Tuổi Trẻ đăng rõ ràng về việc ông Lê Hoàng và ông Nguyễn Công Khế bị thôi chức, nhưng không nêu lý do. Thêm nữa, còn có ông Nam Đồng, TBT tờ Pháp luật TP HCM và bà Nguyễn Minh Hiền, TBT Doanh nhân Sài Gòn nghỉ hưu (không rõ nội tình có sự vụ gì không). Trên Thanh Niên chỉ có một thông báo ngắn về việc "ông Nguyễn Công Khế - Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội LHTN VN tập trung thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông Thanh Niên và Giám đốc Hãng phim Thanh Niên". Đáng ngạc nhiên là trong bài này không nêu việc ông Nguyễn Công Khế bị thôi chức TBT mà chỉ là ông tập trung làm việc khác? Tuy vậy, trong danh sách BBT báo Thanh Niên đã không còn tên TBT mà chỉ còn tên hai Phó TBT. Kết quả tìm kiếm "Nguyễn Công Khế" trên Thanh Niên Online mang lại 512 kết quả về vị TBT 20 năm này nhưng có vẻ như những tin bài viết về ông trên tờ báo của ông đã khá thưa thớt trong thời gian gần đây.
- Trên blog, đáng chú ý nhất có bài của Osin về Tuổi Trẻ (vì một lý do nào đấy, Osin không đưa ra nhận định của mình về Nguyễn Công Khế và báo Thanh Niên). Bài viết này nêu ra một số nội tình trong báo Tuổi Trẻ, kể cả những xung khắc trong nội bộ BBT báo này. Cụ thể, theo Osin thì cựu TBT Lê Văn Nuôi "tọa sơn quan... Vĩnh Phước" (hai cựu phó TBT báo TT là Quang Vĩnh và Sơn Phước cũng mới bị rời khỏi tờ này trong năm 2008), còn cựu TBT Lê Hoàng là người "đưa" Quang Vĩnh ra khỏi báo Tuổi Trẻ. Bài viết của Osin, một nhà báo và blogger rất có uy tín đồng thời cũng là cựu phóng viên Tuổi Trẻ không rõ có gây ra sóng gió nào đấy trong làng báo Việt Nam không? Nhưng ít nhất, nó cũng hé lộ ra cho người đọc bình thường chút gì đấy trong nội tình báo chí Việt Nam.
- Trên blog của phóng viên TT, tin này không gây xáo động và bức xúc như hồi xảy ra vụ Nguyễn Văn Hải, có lẽ vì đó là tin được biết trước và đã có một sự chuyển đổi tâm lý nhằm thích ứng với tình thế, chấp nhận sự việc chứ không như trước đây. Blog Thủy Cúc, một trong số ít những nhà báo thường thể hiện sự bức xúc một cách thẳng thắn trên blog mình, viết entry có nhan đề "Ngoan cũng bị đánh" không rõ có phải ám chỉ tới vị cựu TBT Lê Hoàng không? Hai nhà báo nổi tiếng và cũng bị thanh trừng trong năm 2008 bằng cách cách chức, tước thẻ là Bùi Thanh, cựu phó TBT Tuổi Trẻ và Hoàng Hải Vân, cựu Tổng Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên cũng có bài viết chia sẻ với các vị cựu sếp của mình. (Không rõ Bùi Thanh có phải là người thay thế vị trí của Quang Vĩnh không?).
Hoàng Hải Vân viết "cả Hội trường báo Thanh Niên chiều nay đẫm nước mắt". Nghe ra thì thật bi kịch nhưng cũng không kém phần trớ trêu. Xem ra năm 2008, các nhà báo phải khóc hơi nhiều. Tôi nhớ là khi xảy ra vụ Hải- Chiến, không rõ báo Thanh Niên hay báo Tuổi Trẻ cũng viết là văn phòng đại diện của họ ở Hà Nội đẫm nước mắt. Chẳng nhẽ các nhà báo mau nước mắt thế? Nhưng cũng dễ hiểu bởi khi có sự việc xảy ra như thế, thì có lẽ "nước mắt" là thứ duy nhất còn sót lại của một "quyền lực thứ tư"? Nhưng ngay cả quyền khóc của họ cũng bị cấm. Bùi Thanh, Hoàng Hải Vân vài tháng trước và Lê Hoàng, Công Khế lúc này đều bị bay chức một phần vì tội "dám khóc to" khi người của họ bị bắt. Trong xã hội chúng ta ngày nay, hình như mỗi công dân chỉ được phép khóc thầm, còn muốn khóc to thì phải có giấy phép (hữu hình hay/và vô hình) và phải đúng định hướng "khóc". Ví dụ khóc như đạo diễn Minh Chuyên, tác giả "Linh hồn Việt Cộng" là khóc đúng định hướng (nên nếu có sai sót, bịa đặt hay xuyên tạc đi chăng nữa thì cũng cần thông cảm và chia sẻ). Còn khóc như báo Tuổi Trẻ "khóc" Văn Hải khi trước là chệch hướng, cần phải nghiêm khắc xử lý.
Đối với các công dân-nhà báo thì yêu cầu "khóc theo định hướng" càng cần phải quán triệt, vì các công dân này ngoài sự điều chỉnh của pháp luật XHCN, còn chịu sự chỉ đạo của Bộ 4T là Bộ chuyên lo cấp phép khóc cười và Ban Tuyên giáo TW. Nghe nói, trong quy định quản lý blog sắp được ban hành, sẽ có những quy định riêng về việc khóc và cười của các nhà báo trên blog cá nhân của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét