Một số bài viết liên quan tới đề án xây 2 nhà máy điện hạt nhân với 4 tổ máy để đưa vào hoạt động đồng thời năm 2020.
Bài của GS Phạm Duy Hiển trên Diễn Đàn.
Bài của GS Phạm Duy Hiển trên Tuổi Trẻ
Bài trả lời phỏng vấn ông Lê Tuấn Phong, Bộ Công thương
Bài trả lời phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Vang, Quốc hội
Bài tường thuật Hội thảo về Đề án trên Tiền phong
Bài tường thuật hội thảo trên VNEconomy.
Đọc một số bài viết liên quan tới dự định xây đồng thời 2 nhà máy điện hạt nhân với 4 tổ máy vào năm 2020, ấn tượng lớn nhất của tôi là sự thiếu tôn trọng ý kiến của các khoa học gia của những người lập chính sách.
Trong số những người phản đối dự định xây đồng thời 4 tổ máy, đáng chú ý nhất và cũng có ý kiến mạnh mẽ nhất là ý kiến của Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và là người có kinh nghiệm trong việc xây dựng và quản lý Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ông Hiển cho rằng nên bắt đầu bằng một tổ máy do Việt Nam thiếu quá nhiều điều kiện để có thể vận hành thành công 4 tổ máy: từ hành lang pháp lý hạt nhân cho tới trình độ nhân lực, từ trình độ tổ chức, kỷ luật an toàn cho tới vấn đề an ninh quốc gia và phòng ngừa thảm họa. Ông Hiển nhận xét trong lịch sử phát triển điện hạt nhân thế giới, chưa có nước nào bắt đầu cùng một lúc với 4 tổ máy với 4000 MW, cung cấp 15% tổng sản lượng điện như kế hoạch của Việt Nam. Bên cạnh ý kiến đóng góp trực tiếp tại một cuộc Hội thảo dành cho các nhà khoa học, Giáo sư Hiển còn viết một loạt các bài báo trên các tờ báo trong cả nước, từ Tuổi Trẻ, Tiền Phong tới Tia Sáng...nêu rõ quan điểm phản đối của mình.
Ý kiến của Giáo sư Hiển là tiếng nói rất có thẩm quyền do chuyên môn cũng như kinh nghiệm của ông. Bên cạnh ý kiến Giáo sư Hiển, nhiều nhà khoa học khác như TS. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hay GS TS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, cũng tỏ ra dè dặt và lo ngại với đề án.
Nhưng về phía các cơ quan soạn thảo kế hoạch, cụ thể ở đây là Bộ Công Thương, người ta không được nghe thấy các phản biện có tính thuyết phục. Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng Lê Tuấn Phong của Bộ Công thương trả lời rất thiếu thuyết phục khi chỉ hoàn toàn đề cập tới khía cạnh kinh tế của dự án mà không nhắc tới các khía cạnh khác như về môi trường và an toàn. Lý lẽ chính để xây một dự án của ông Phong là tính lợi thế nhờ quy mô: đằng nào cũng phải xây dựng bộ máy quản lý, ra văn bản pháp luật, đào tạo nhân lực... thì xây nhiều tổ máy cho nó rẻ. Ông Phong quên một điều rằng khía cạnh an toàn là cực kỳ quan trọng trong việc quản lý điện hạt nhân. Nhưng ngay cả việc ông Phong đề cập tới khía cạnh kinh tế của dự án điện hạt nhân cũng sơ sài. Ví dụ, ông không chứng minh được rằng việc xây 4 tổ máy là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết nhu cầu năng lượng vào năm 2020 và những năm sau đó. Và tuy làm Vụ phó Vụ Năng lượng nhưng kiến thức xác suất thống kê của ông Phong rất kém khi ông nói "Hơn nữa, xác suất xảy ra sự cố ở một lò hay nhiều lò là như nhau. Vậy tại sao lại xây một chứ không phải nhiều lò?"
Làm gì có chuyện xác suất xảy ra sự cố ở một tổ máy và nhiều tổ máy là như nhau? Với việc xây 4 tổ máy thì nhân lực sẽ rải mỏng, các quy trình kiểm tra, giám sát có thể sẽ không được theo dõi nghiêm ngặt so với việc dồn sức vào một tổ máy, nên chắc chắn rủi ro sẽ nhiều hơn.
Một quan chức khác trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này là ông Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN& MT của Quốc hội. Vai trò của Ủy ban này rất quan trọng vì Ủy ban này có trách nhiệm tư vấn cho Quốc hội trong việc có thông qua xây dựng 4 tổ máy hay không. Với trách nhiệm như thế, ông Vang hoàn toàn ủng hộ đề án của Bộ Công thương và tin tưởng rằng chỉ cần 32 tháng là có thể đào tạo được nguồn nhân lực. Vâng, đúng là để đào tạo người vận hành thì rất dễ và 32 tháng là hoàn toàn đủ đối với những công việc có tính chất sự vụ, dựa trên một quy trình rõ ràng, được tuân thủ nghiêm ngặt. Nhưng để đào tạo những chuyên gia quản lý ngành thì 32 tháng chắc chắn không đủ. Theo GS Trần Đình Long, một chuyên gia hàng đầu ngành điện thì thời gian đào tạo nguồn nhân lực cần ít nhất là 15 năm. Ý kiến của ông Vang (nghe đâu là tiến sĩ ngành chăn nuôi) cũng trái với phát biểu của GS Hiển, người có nhiều năm tham gia quản lý ngành điện hạt nhân Việt Nam nói chung và lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nói riêng. Ông Hiển cho rằng đào tạo chuyên gia rất khó và hiện nay nhân lực Việt Nam chưa đủ đáp ứng việc này, và chẳng nhẽ lại giao an toàn quốc gia vào tay người nước ngoài? Và tuy ở trong Ủy ban KH& CN của Quốc hội nhưng ông Vang không nêu ra được những cứ liệu khoa học hay các phát biểu của các chuyên gia hạt nhân ủng hộ đề án của Bộ Công thương. Rõ ràng với tư cách của Ủy ban KH&CN thì việc lấy ý kiến của các chuyên gia trước khi trình Quốc hội là rất quan trọng. Và nếu như quả thực có nhiều ý kiến ủng hộ đề án này từ phía các chuyên gia, tại sao Ủy ban KH&CN cũng như Bộ Công thương không nêu chúng ra? Ví dụ trong vấn đề này, tôi rất muốn nghe ý kiến của Viện Năng lượng, Viện Năng lượng Nguyên tử, Viện Vật lý...nhưng đều không thấy tiếng nói của họ.
Ví dụ, trong thời gian gần đây, không thấy ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng đương thời Viện Năng lượng Nguyên tử lên tiếng bảo vệ đề án này như thế nào, trình bày quan điểm của Viện ông ra sao, các cứ liệu để chứng minh rằng việc xây dựng 4 tổ máy là khả thi và đảm bảo các tiêu chuẩn cần thiết? Việc này làm người ta nghi ngờ tới tính trung thực khoa học trong việc xây dựng đề án 4 tổ máy này.
Trong phát biểu của ông Vang, người lẽ ra chịu trách nhiệm thay mặt ủy ban thẩm định chuyên môn Quốc hội để phản biện dự án, người ta thấy ông không có bất cứ ý gì khác với đề án của Bộ Công thương cả. Trong trường hợp này, với ý kiến phát biểu của ông Vang như thế thì có thể thấy nhiều khả năng Quốc hội sẽ thông qua đề án này bất chấp những phản đối của giáo sư Hiển và các nhà khoa học khác- bởi lẽ các đại biểu Quốc hội, với tuyệt đại đa số không có chuyên môn về ngành này, hẳn sẽ nghe ý kiến của Ủy ban KHCN& MT của Quốc hội, hơn là ý kiến của mấy ông giáo sư về vườn như ông Hiển, ông Hảo.
Trong chuyện này, có một vấn đề nổi cộm mà gần đây chúng ta thấy. Đó là chủ nghĩa mackenoism (mặc kệ nó) của các quan chức khi đưa ra chính sách cũng như khi gặp phản ứng của dư luận, của các nhà khoa học. Bộ Y tế đưa ra quy định cấm người gầy đi xe máy mà không dựa trên bất kỳ nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu xã hội nào được công bố. Và khi các nhà khoa học cũng như dư luận lên tiếng phản đối thì bộ này bảo tại trước kia có ai phản đối đâu, rồi nếu ban hành mà không phù hợp thì sửa đổi... Ơ hay, thế nhân dân là chuột để cho các vị thí nghiệm trực tiếp à, nếu thấy ngắc ngoải thì rút bớt liều, còn nếu vẫn chịu được thì cứ để cho thử thuốc? Chỉ tới khi Bộ Tư Pháp- tức là cũng một cơ quan nhà nước khác-lên tiếng cho rằng văn bản của Bộ Y tế vi phạm quy trình luật pháp và có dấu hiệu phân biệt đối xử với người dân thì Bộ này mới nằn nì, mặc cả, rút bớt tiêu chuẩn xuống. Tư duy quản lý như thế có khác nào một thứ tư duy con buôn?
Cũng trên góc độ đó, dự thảo đưa vào hoạt động vào năm 20020 hai nhà máy, bốn tổ máy hạt nhân do Bộ Công thương đưa ra là một ví dụ tiêu biểu của chủ nghĩa Mackenoism. Chúng ta không thấy các luận cứ khoa học được đưa ra, các phương án về an toàn, về môi trường được công bố. Chỉ duy nhất có một lập luận lặp đi lặp lại: đó là Việt Nam sẽ thiếu điện và xây nhà máy điện hạt nhân thì rẻ (?) hơn các nguồn năng lượng khác. Lập luận đó có thể rất đúng, nhưng hoàn toàn chưa đủ, và không thể thay thế cho các cân nhắc khác về môi trường, an ninh, về khả năng, trình độ....Nhập khẩu thiết bị cho hai nhà máy điện hạt nhân không phải đơn giản như việc bầu Đức nhập khẩu một chiếc phi cơ, đóng thuế nhập khẩu xong mời người lái. Cũng không thấy những trả lời thỏa đáng của các quan chức với những nghi ngại từ những nhà khoa học.
Cái này nếu lấy trong sách tư tưởng Hồ Chí Minh thì gọi là gì: chủ quan duy ý chí hay tính kiêu ngạo cộng sản?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét