Cuối tuần rảnh rỗi mới có dịp đọc lại báo trong tuần những mục ngày thường không đủ thời gian để theo dõi và phát hiện các báo khen đề thi đại học môn Văn năm nay là hay và khơi gợi sự sáng tạo ở thí sinh. Tôi lại thấy đề thi môn Văn khối C đã triệt tiêu tính sáng tạo ở những sinh viên tương lai.
Đề thi này có một phần như sau:
Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.
Có thể viết được gì từ đề thi này? Quanh đi quẩn lại cũng là những ý như đáp án (được chia nhỏ ra rất chi ly như phần trong “trong khi thi”, phần “trong cuộc sống”, phần “bài học nhận thức và hành động”): Trung thực trong khi thi dù bị rớt vẫn vinh dự hơn đỗ đạt nhờ gian lận; Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người và là đức tính cần thiết cho cuộc sống, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội…
Toàn là những lập luận có thể dự đoán trước – làm gì có chỗ cho sự sáng tạo ở đây. Giả thử một thí sinh mạnh dạn nêu suy nghĩ thật của mình rằng xã hội ngày nay khó sống cho trung thực, rằng các quan chức đang tiến thân nhờ vào bằng giả, học vị giả, nên em đang hoang mang không biết lời nói của Lincoln có ứng nghiệm ở Việt Nam, liệu em này có được điểm cao chăng? Một em khác đặt vấn đề trung thực và môi trường nuôi dưỡng lòng trung thực, liệu em này có lạc đề không?
Tôi nghĩ đề thi ở dạng như trên chỉ đáng dành cho các em thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Đề thi đại học, lại là khối C, cần phải “mở” hẳn, ít nhất là như thế này:
Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Anh/chị suy nghĩ gì về phát biểu này (viết không quá 600 từ).
Nếu đề thi ở dạng này, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để sáng tạo thật sự, có thể viết ở nhiều góc cạnh:
- một tuyên bố về sứ mệnh giáo dục;
- một kỳ vọng không chỉ của phụ huynh mà còn là của người đứng đầu chính phủ, tức là một cam kết về việc thực hiện sứ mệnh giáo dục và chắc chắc đi kèm là các cam kết lớn hơn để nền giáo dục như thế được phát huy;
- sự đánh đổi giữa việc tiến thân bằng mọi giá và lòng danh dự;
- cách hiểu những thông điệp ngầm gián tiếp trong vỏ bọc phát ngôn xoáy vào chuyện cụ thể; lối văn “biền ngẫu”…
Trở lại khả năng một thí sinh “sáng tạo” thật sự và viết ra ngoài các ý nêu trong đáp án nên không được điểm cao, chỉ xin nhắc các giảm khảo một chi tiết: đoạn tiếp theo trong thư của Lincoln ngay sau câu được trích là: “Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…”
Cập nhật: Nếu đề có một chút nào đó tạm gọi là “mở” thì đáp án do Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra đã “đóng” hẳn mọi góc cạnh sáng tạo. Đáp án đã phân nhỏ câu hỏi 3 điểm này thành từng ý, mỗi ý 0,5 điểm, rất chi ly và giám khảo chắc sẽ dựa vào những gợi ý này để chấm.
Thiệt tình không thể hiểu nỗi tư duy chấm bài văn như thế. Tại sao lại chấm ý tưởng trong khi lẽ ra phải chấm các yếu tố khác liên quan đến môn Văn mà các em được học 12 năm ở trường. Lẽ ra Bộ chỉ cần đưa ra hướng dẫn chấm, ví dụ, 1 điểm cho ngữ pháp, chính tả, cách diễn đạt; 1 điểm cho tính lô-gích, cách lập luận, cách dẫn dắt và 1 điểm cho tính lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục.
Lấy ví dụ hướng dẫn chấm phần viết luận trong bài thi SAT (một dạng tương tự bài thi tuyển sinh đại học ở Mỹ), không bao giờ người ta chấm ý tưởng (đồng tình hay phản đối một luận đề đưa ra không phải là điều bắt buộc). Người ta chỉ xem thí sinh phát triển một quan điểm có hiệu quả không, có dùng ví dụ minh họa sống động không, cách tổ chức bài viết có chặt chẽ không, bài văn có mạch lạc, ý tưởng có được kết nối thông suốt không, cách dùng từ có sáng tạo không, vốn từ có phong phú không, bài có lỗi ngữ pháp hay chính tả nào không…
NVL
ngocyen054 wrote on Jul 20 Học sinh chạy theo văn mẫu, bài mẫu đã đuối lắm rồi, thời gian đâu mà sáng tạo hở anh Hoàng? Mà lỡ sáng tạo chệch với "ý đồ" của đáp án thì cầm chắc điểm liệt! |
laodochanh wrote on Jul 20 Xin hởi các thày cô: Không có mẫu lấy gì dạy? Rồi khâu quản lý giáo dục nó quan trọng biết nhường nào. Để nó tự do phát triển... lỡ nó đi trệch lề thì sao?... Hê hê, nói chung là cứ phải mẫu, phải lề cho nó... chắc ăn. |
phuong2124 wrote on Jul 21 Làm sao mà mở được, mở như anh đề nghị thì các thầy cô... đâu có biết chấm điểm (theo tiêu chuẩn của Bộ) :)) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét