Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Nghệ thuật tán nhảm



Một em gái gởi cho một cái mes : “ Anh HG vik hay ghia cưa. Em thik wá dưng mà em hok vik được thía. Bùn ghia”. Chắc phe ta hiểu được em nói gì mà không cần tôi phải phiên dịch chứ hả? Tôi bèn sử dụng ngay thứ ngôn ngữ …hậu hiện đại ấy để trả lời em rằng :”Jễ lém em ui.. Em tém thía nèo thì cứ thía mà vik. Anh ghé gesbuk en thấy em tém khíp lém mờ”. Tội nghiệp cái thằng “guestbook” bị lạc vào trong câu này thành ra nó mới biến thành như thế đấy. Ai biểu! Nhập gia phải tuỳ tục thôi con ơi.
Hôm nay trời nắng, chả có thằng nào ghé rủ nhậu, bèn ngồi viết một bài minh hoạ cho em nó thấy “ tém thía nèo vik thía í” là thế nào. Quả thật một số lớn blogger tán vung vít, dằng dặc, lê thê trong guestbook nhưng lại không viết nên một entry đọc nghe được. Hiện tượng này cũng bình thường thôi. Nhớ hồi tôi đi lính, khi tập diễu hành nghe hô “Bước đều…Bước!” là có vài anh đi đánh tay như rô bốt. Quí vị cứ đứng dậy đi thử rồi mới thấy nó khó: Cứ chân nào bước tới thì tay đó đánh lên. Không quen đi té dập mặt chứ giỡn. Bình thường thì mấy cậu cũng đi đứng bình thường như mọi người : Chân bước tới thì tay bên đó đánh ra sau để giữ thăng bằng. Vậy mà cứ hô lên là như thế. Có anh sửa hàng mấy tuần mới được. Hiện tượng này cũng giống như người nói ngọng, càng căng thẳng càng ngọng.
Nói chuyện ngọng mới nhớ. Hồi chúng tôi đi thực tập, tổ chúng tôi có một thằng cứ quýnh lên là ngọng. Hôm đó đến phiên thằng con dạy, chúng tôi ngồi cuối lớp dự giờ. Đầu giờ thì thầy phải “chào gút mó ninh cờ lát” rồi mới bắt đầy dạy. Lần đầu tiên đứng trước lớp mà, thằng con bèn…ngọng. Mãi không bật ra được chữ “gút”. Vậy là thằng con đứng trước lớp, mặt đỏ phừng phừng cứ “gừ…gừ…”, như con chó thấy ăn mày vào nhà vậy. Chúng tôi ngồi dưới cũng lo thay cho nó. May mà sau một hồi gầm gừ thằng con cũng bật ra được cái câu cần phải nói. Đấy! Cái yếu tố tâm lý nó chi phối ghê lắm mỗi khi ta muốn nói hay viết gì đó. Vậy thì lới khuyên đầu tiên của tôi là : Hãy thư giãn, đừng nghĩ mình sắp sửa viết một điều gì ghê gớm cả. Cứ viết như mình đang tán chuyện í mà. Nền điện ảnh chúng ta sở dĩ giờ này vẫn cứ lẹt đẹt là vì lúc nào cũng muốn “gởi đến một thông điệp…”. Thông điệp cái con khỉ! Nói gì thì nói mẹ nó ra cho được việc. Lúc nào cũng lăm lăm ráng rặn ra một cái thông điệp thành ra phim làm ra chỉ để cúng các cụ. Các cụ vốn thích đọc thông điệp mà.
Những thông điệp dược nói ra là những thông điệp chết yểu. Chỉ những thông điệp mà người xem , người đọc nhận ra được giữa những khuôn hình, những giòng chữ mới sống lâu. Tôi thích xem phim Hàn quốc là vì thế. Có thông điệp cả đấy. Đằng sau những chuyện tình lắc léo, những ung thư, máu trắng, những yêu ghét giận hờn tôi đều thấy bàng bạc một thông điệp : Hãy sống cho tốt lên. Nhưng nó đến một cách tự nhiên, không khiên cưỡng, không nhét vào mồm diễn viên, vào tai người xem. Cũng chả trách được. Học sinh đi học , thầy giáo lên lớp đều lom lom cái yêu cầu tư tưởng. Bài này phải truyền đạt tư tưởng gì, tức là phải “nói lên cái thông điệp” gì đấy. Chả trách cái môn tôi dạy, học sinh được nhồi nhét những từ nghe phát khiếp. Nghe thử nhé: “ revolution, stagnant economy, substantial achievements, economic depression…”, toàn những chữ học xong rồi cả đời biết có bao giờ dùng đến không. Tôi đã từng yêu cầu nhiều em học sinh lớp 12 dùng một câu tiếng Anh để hỏi mượn ít đồng thì đa số …ngọng, hoặc nói ra một câu nghe hổng muốn cho mượn tiền mà còn muốn xách gậy rượt. Thế đấy. Chỉ đơn giản là “ Can you lend me some money? “ thôi. Vậy mà học tiếng Anh được 7 năm rồi đấy. Ngán!
Ngoài việc thả lỏng người ra khi viết thì một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là óc liên tưởng. Yếu tố này càng quan trọng hơn khi làm thơ. Chẳng hạn như có anh viết “Trông cây thì tôi lại nhớ người, rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi thương người bấy nhiêu”. Thấy chưa? Phải liên tưởng như thế. Hay như bác thi nô tố hữu, thấy con bập bẹ cái gì đó chả hiểu bèn viết ngay “Vui biết mấy nghe con tập nói. Tiếng đầu lòng con gọi …stalin”. Đó mới đúng là đỉnh cao của nghệ thuật liên tưởng. Tôi nghề giáo, và óc liên tưởng không đạt đến mức viễn tưởng như thế nhưng cũng đủ dùng. Tuy nhiên thỉnh thoảng nó cũng gây rắc rối cho tôi không ít. Khi giảng cho học sinh chữ uncle, sau khi cho học sinh các nghĩa của từ này như chú, bác, cậu, dượng,…tôi bèn cho ví dụ. Uncle hồ thì mấy em dịch là bác hồ, nhưng Uncle Thoòng thì mấy em phải dịch là chú Thoòng nghe chưa. Chuyện chỉ có thế mà cũng đến tai ban giám hiệu, tôi bèn bị kiểm điểm vì dám so sánh chú Thoòng với bác nhà ta. Óc liên tưởng của mấy vị này còn cao hơn tôi một bậc. May mà hôm đó tôi không cho thêm ví dụ. Trước 75 có cuốn tiểu thuyết Cậu Chó của nhà văn Trần đức Lai . Tôi mà cho thêm cái ví dụ nữa về Uncle Chó thì chắc không phải kiểm điểm mà phải đi cải tạo không biết chừng.
Mà xem ra người cách mạng bẩm sinh phải là người có óc liên tưởng cao siêu. Nhà văn Hoàng Cát viết “Cây táo ông Lành” bị khốn đốn một đời chỉ vì tố hữu còn được gọi là anh Lành. Chú mày tính móc méo gì lãnh tụ đây? Quang Dũng chỉ vì “đêm mơ Hà nội dáng Kiều thơm” mà cũng tan hoang cả một đời thơ. Không lo đánh giặc còn mơ gái gú hả? Ôi liên tưởng! Có lần tôi dạy chữ “party”. Chữ này thì ai cũng biết là tiệc tùng rồi, thế nhưng nó còn một nghĩa khác là…đảng. Học sinh lấy làm lạ sao hai nghĩa chẳng có liên hệ gì với nhau cả mà sao là nghĩa của cùng một từ. Tôi bèn sử dụng nghệ thuật liên tưởng để giải thích “ đảng thì hay họp, họp xong thì phải liên hoan, nhậu nhẹt cho nó lại sức”. Học sinh có có vẻ thú vị với lối giải thích này. Không biết trong số các em sau này được mấy cô cậu vào đảng để được …nhậu nhẹt ?

Tính tán nhảm nữa nhưng có nạn nhân gọi điện yêu cầu tôi đến nhậu. Ngưng thôi. Nhưng qua những giòng vừa rồi hy vọng giúp em gái viết được những entry …nhảm nhí như tôi đang viết nè. Dzễ ợt! Phải không em ?






Photobucket

Không có nhận xét nào: