Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Biết xấu hổ


Cuộc sống quả là “khó khăn” như ông Roh Moo-hyun trăng trối. Từ một công nhân, tự học để trở thành luật sư, trở thành một chính trị gia lên tới đỉnh cao: đắc cử tổng thống của một quốc gia dân chủ. Để rồi, sáng 23-5-2009, phải kết thúc cuộc đời bằng cách gieo mình xuống một vách đá sâu. “Tôi cảm thấy xấu hổ trước người dân của mình”, trước đó, ông Roh Moo-hyun thừa nhận khi phải đến Seoul theo triệu tập của tòa.

Ông Roh thành công nhờ xây dựng được niềm tin của công chúng vào ông như là một chính trị gia trong sạch. Cái chết của ông được mô tả là gây sốc cho cả nước, từ hôm 23-5, người dân ở vùng quê ông đã xếp hàng dài, đã khóc khi quan tài ông đi qua. Ông nói, ông chỉ biết đến khoản tiền 6 triệu USD mà người thân ông cầm ấy khi không còn là Tổng thống. Rõ ràng đã có những động cơ chính trị. Nhưng, rõ ràng cũng đã có những khoản tiền lọt vào nhà, qua những người thân nhất, là vợ, là con trai, là cháu rể, là trợ lý. Thật là chua xót nếu ông thực sự vẫn còn trong sạch mà phải kết thúc sự nghiệp lẫy lừng trong xấu hổ bởi vợ con.

Cũng sáng nay, 25-5, trong một diễn tiến có thể liên hệ, cảnh sát Úc xác nhận với báo chí là sẽ điều tra một vụ “môi giới” liên quan đến con trai của ông Lê Đức Thúy, cựu thống đốc Ngân hàng Việt Nam. Cảnh sát vào cuộc sau khi tờ báo The Age, có bài cáo buộc những môi giới viên cho hãng Securency đã “trả hàng triệu đôla tiền hoa hồng cho công ty CFTD”.

CFTD được tờ báo này xác định là công ty mẹ của Banktech, công ty thuộc quyền quản lý của ông Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy, liên quan đến việc in tiền polymer hồi năm 2002. Chưa rõ kết quả điều tra từ Úc sẽ đi tới đâu, nhưng nếu thực sự có một khoản hoa hồng lên tới hàng triệu USD đã được chi ra thì “cánh cửa vợ con” quả thực là ở đâu cũng vô cùng lợi hại.

Sau những Siemens, những CPI- Huỳnh Ngọc Sỹ… vụ Securency cho thấy lợi ích của Việt Nam khi hội nhập không chỉ là thương mại mà còn là khả năng phát hiện ra tham nhũng do làm ăn với những quốc gia lấy tính minh bạch làm đầu.

Theo nguồn tin của chúng tôi, ông Lê Đức Minh được điều về Banktech bởi một ngành không liên quan đến vai trò Thống đốc của ông Lê Đức Thúy. Tuy nhiên, như kết luận trước đây của Thanh tra Chính phủ, việc ông Minh “nắm” Banktech “tuy không trái quy định của pháp luật, nhưng đã gây nghi ngờ về sự khách quan, minh bạch”.

Banktech là một trường hợp rất hiếm được đưa ra công luận, nhưng, những mối liên hệ kiểu “Lê Đức Minh” trên thực tế không phải hiếm hoi. Vấn đề không chỉ là trái hay không trái những “quy định” hiện hành vốn đang có nhiều khoảng trống. Một nhà lãnh đạo nghiêm minh không nên để vợ con làm những việc mà dư luận có thể “nghi” về tính khách quan. Đừng đợi đến khi nhân dân đưa ra chứng cứ, phải biết xấu hổ từ những “dự án” đầu tiên mà anh em, vợ con, dâu rể… tham gia.

Cho dù ở trong thể chế nào, ở đâu có quyền lực là ở đó có tham nhũng. Vấn đề là ở đâu, những người giàu có nhất là nhân dân; ở đâu những người giàu có nhất là “con ông cháu cha”; ở đâu, tham nhũng vẫn cứ “vinh thân phì gia”; ở đâu tham nhũng không có nơi để an toàn hạ cánh. Quốc gia nào thì tham nhũng cũng cần phải được coi là “thế lực thù địch” nguy hiểm nhất. Nguy hiểm vì nó không rõ ràng phân tuyến; nguy hiểm vì, đôi khi nó nhởn nhơ bên cạnh, và đôi khi là cánh tay đắc lực của những bậc có quyền.

Chỉ ở những quốc gia biết xấu hổ, kết cục của một kẻ dính tới tham nhũng mới có thể là tù tội như cựu tổng thống Trần Thủy Biển (Đài Loan); có thể phải lưu vong như Thaksin, Thailand; có thể phải cắn rứt lương tâm như tổng thống Roh Moo-hyun, Hàn Quốc. Ở những quốc gia không biết xấu hổ thì kết cục cũng có nhiều bi thảm; nhưng, người gánh chịu lại rất tiếc là thường ở phía nhân dân.

Huy Đức

Phụ lục

Một tin chỉ có thể đọc trên blog

Được biết rằng báo chí VN bị cấm và sẽ không bao giờ được đưa tin này!!! Quái lạ và Buồn

Nhớ lại năm 2007, bà Đại biểu QH Nguyễn Thị Việt Nhân đã làm to chuyện vụ này, nhưng rồi cũng phải chìm xuồng. Hệ lụy, một số nhà báo bị giải nhiệm, một vài tờ báo bị khiển trách và sự vụ đi vào quên lãng. Bà Việt Nhân thì bị “mắng vốn” và nhiệm kỳ sau không được cơ cấu vào quốc hội nữa.

Đây là tin tóm lược từ hai tờ báo Úc , thực ra là một, The Age là tờ con của Sydney Morning Herald)

Một công ty in tiền của Úc đã trả hàng triệu đô la Úc tiền huê hồng không thuế cho một công ty môi giới do con trai của ông Lê Đức Thúy (Thống đốc Ngân hàng Việt Nam thời ông đương nhiệm) làm giám đốc, để giành được hợp đồng in tiền polymer cho Việt Nam

Theo đề nghị của ông Chủ tịch Công ty Surcurency (một công ty in tiền giấy đóng ở Melbourne, Úc) kiêm Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Trữ kim Liên bang Úc (Reserver Bank of Australia, RBA, viết tắt NHTKLB), ngày 26/05/2009, Cảnh sát Liên bang Úc chính thức vào cuộc điều tra sự việc, sau khi có cáo buộc rằng công ty này đã trả huê hồng không khai thuế cho các công ty môi giới, trong việc thắng các hợp đồng in tiền polymer cho các nước sở tại- các nước được xếp vào hạng có vấn nạn tham nhũng và hối lộ nghiêm trọng.

Vào cuối tuần qua, 23/05/2009, báo nhánh The Age của tờ Sydney Morning Herald đã đăng tải một phóng sự điều tra cho thấy công ty in tiền Surcurrency của Úc đã trả huê hồng cho các công ty môi giới của 26 nước để thắng các hợp đồng in tiền polymer cho các quốc gia này. Số tiền này lên đến nhiều triệu đô la. Một số công ty môi giới này ở châu Phi và châu Á cũng vừa bị dính vào các vụ điều tra vì tệ nạn tham nhũng và ít nhất có một công ty đã bị kết án vi phạm hình sự.

Hiện NHTKLB Úc đang nắm giữ 50% cổ phần của Công ty in tiền Surcurrency, và việc trả tiền huê hồng cho các công ty môi giới là đã vi phạm chính sách và thể lệ của NHTKLB.

Điều quan trọng hơn, một trong số các công ty môi giới đã được Surcurrency trả huê hồng đó là Cty CFTD (Company For Development and Technology) của Việt Nam, có công ty con là BankTech do con trai của ông Lê Đức Thúy (Thống đốc Ngân hàng Việt Nam thời đương nhiệm) làm giám đốc. Quan trọng hơn, theo nguồn tin từ người bên trong của Surcurrency cho tờ báo The Age biết rằng, số tiền huê hồng đó lên đến hàng triệu đô la, được chi trả vào một tài khoản không bình thường ở một ngân hàng Thụy sĩ.

Vào thời điểm 2002, ông Lê Đức Thúy là người đóng vai trò chính trong việc đề đạt chuyển sang in tiền polymer và chịu trách nhiệm trong vụ hợp đồng in tiền mới này cho Ngân hàng Việt Nam.

Năm 2007, chính một vị đại biểu Quốc Hội của Việt Nam đã cho thấy có một sự không rõ ràng và không bình thường trong tính “khách quan và minh bạch của dự án tiền polymer” của ông Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy. Dư luận cũng đã đề cập đến công ty CFTD, có chi nhánh là con trai của ông Lê Đức Thúy làm giám đốc, có dính líu đến tham nhũng. Tuy nhiên, sự việc đã “chìm xuồng” sau khi Bộ Văn hóa Thông tin đã báo cáo và có lệnh trừng phạt những nhà báo đã công khai phê bình chính phủ và còn dám nêu lên vấn đề hối lộ, tham nhũng trong đó để làm giảm uy tín của ông Thống đốc Ngân hàng Việt Nam. Kết cụ, hai phó tổng biên tập báo bị giải nhiệm và một loạt tờ báo bị cảnh cáo về vụ này, và vì thế câu chuyện đi vào quên lãng.

Mãi đến hôm nay, phóng viên điều tra của tờ The Age đã làm sống lại câu chuyện tưởng chừng như không ai còn nhớ đến nó nữa. Tiền polymer “sạch, đẹp, sáng bóng”. Tuy nhiên, câu chuyện không phải ở Việt Nam mà công luận đang chỉa mũi dùi vào công ty Surcurrency của Úc, đã thắng các hợp đồng in tiền thông qua các công ty môi giới này.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng đối với Úc, một nước có uy tín và nổi tiếng minh bạch và không tham nhũng, thì một công ty có một nửa cổ phần là của nhà nước lại đi móc nối với nhiều công ty môi giới của các quốc gia được xếp vào hạng tham nhũng và hối lộ nặng nề để thắng các hợp đồng kinh doanh. Công luận cũng bắt đầu đặt câu hỏi đối với ông Thủ tướng Úc, Kevin Rudd.

Tóm lược tin từ các bài đăng trên hai tờ báo The Age và Sydney Morning Herald số ra ngày 23/5 và 25/05/09






Không có nhận xét nào: