Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Lá cải hóa báo chí



Trước hiện tượng báo chí ta đông về số lượng nhưng bết bát về chất lượng, toàn ăn theo, nói leo, hùa nhau chửi bới và rủ nhau câm lặng. Trước bao nhiêu cảnh đời bị tan nát khi bị báo chí, đóng vai những quan tòa, buộc cho những tội ác ghê gớm ngay khi vụ việc còn trong vòng điều tra. Một cái nhìn toàn cảnh cho thấy nền báo chí ta thật đa dạng trong phong cách lá cải, nhưng cũng thật nhất trí trong tư thế những văn nô.

Đăng lại một bài đã lâu của nhà báo Huy Đức ( blogger Osin) để thấy rõ hơn đàng sau những trang báo là gì, và cũng để tự răn mình khi lên giọng phê phán mắng mỏ ai đó.

Từ Century Đến New Century

Vừa mới chứng kiến cuộc tấn công rầm rộ của lực lượng cảnh sát hình sự vào vũ trường New Century, Hà Nội, ít lâu sau các nhà báo lại được mục kích một “trận đánh lớn” khác, cũng của Tổng cục cảnh sát, trong các khách sạn ở Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Được tác nghiệp giữa trung tâm của những sự kiện hấp dẫn và nóng bỏng như vậy kể cũng vinh dự; nhưng, làm sao để không bị những sự kiện “hoành tráng” ấy làm mất đi sự tỉnh táo nghề nghiệp?


“Chuyên Án” New Century


Tin “đánh” vũ trường New Century tràn ngập trang nhất các tờ báo sáng thứ Bảy, 28-4-2007. Một tờ báo tường thuật: “Khoảng 1 giờ sáng 28-4, gần 500 cảnh sát được trang bị vũ khí, dùi cui, áo giáp… thuộc nhiều lực lượng của Bộ Công an đã bất ngờ bao vây và ập vào New Century, vũ trường lớn nhất miền Bắc”. Bài báo bình luận: “Cuộc tập kích bất ngờ khiến các đối tượng trong vũ trường không kịp trở tay. Công an Hà Nội đã không hay biết gì về cuộc tập kích này”.


Nhưng không phải có một âm mưu khủng bố lớn vừa bị đập tan, những gì xảy ra ở New Century đêm đó chỉ là cảnh vẫn diễn ra hàng đêm ở các vũ trường: “Khi lực lượng công an ập vào, cả vũ trường đang chìm đắm trong rượu bia, tiếng nhạc chát chúa, kích động”. Kết quả phá án cho thấy: “Kiểm tra bước đầu tại văn phòng của chủ vũ trường và các quản lý chưa phát hiện có dấu hiệu của việc tàng trữ ma tuý. Trong số các dân chơi bị bắt, có ít nhất một nữ thanh niên bị phát hiện tàng trữ ma tuý tổng hợp trong người. Ngoài ta một số đối tượng khác đã ném thuốc xuống sàn nhằm tiêu huỷ tang chứng”. 


Một chuyên án lớn, đặt “dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, được Tổng cục Cảnh sát xác lập, triển khai rất thận trọng từ khâu trinh sát ban đầu, đến việc lên kế hoạch, chọn thời điểm phá án”; nhưng chỉ phát hiện ra một nữ thanh niên, là khách, “tàng trữ ma tuý tổng hợp trong người” sau khi: “áp tải lên xe 1.163 người (trong đó có cả các diễn viên, ca sỹ) đưa về các điểm tập kết để tiến hành lấy lời khai và kiểm tra tình trạng sử dụng ma tuý”! 


Chuyện “khách chơi” vũ trường mang chất kích thích vào sử dụng không phải là một phát hiện mới mẻ. Bảo vệ New Century đã từng “lập công” ngoạn mục hơn, được chính quyền khen thưởng, do bắt quả tang người mang thuốc lắc vào vũ trường. Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Anh Tuấn tuyên bố: “Bắt quả tang một số người mang ma tuý để báo cho cơ quan công an thì cũng không loại trừ khả năng chính số người bảo vệ này lại để cho những người thân quen với họ vô tư mang thuốc lắc vào vũ trường”. Sau một chuyên án công phu như thế, lẽ ra các nhà báo phải yêu cầu ông Tuấn cung cấp bằng chứng chứ không phải đưa ra các suy đoán. Và câu hỏi lớn ở đây là: Có thực sự cần thiết phải huy động tới “500 cảnh sát trang bị dùi cui”; cứ “5-7 phút lại có một chuyến xe hú còi lao đi” vào lúc nửa đêm giữa Thủ đô của một đất nước đang được coi là thanh bình chỉ để bắt giữ vài người có dấu hiệu sử dụng thuốc lắc?


Vụ Án Century


Từ “thác loạn” xuất hiện trong vụ vũ trường New Century đã được dùng 15 năm trước trong vụ án vũ trường Century hay còn gọi là vụ án “Pierre Tân”. Pierre Tân vốn là một Việt Kiều, học hành đỗ đạt tại Pháp. Tân vẫn về Việt Nam làm ăn và tụ tập trong những năm mà người dân Việt Nam vừa mới thoát ra khỏi những cơn đói.


Tiệc sinh nhật lần thứ 27 của Tân trở thành “vụ án” có lẽ xuất phát từ tờ thiệp mời gửi các thân hữu được trình bày trên vi tính, với một biểu tượng tình dục cách điệu và những lời lẽ gây chú ý bất thường. Cảnh sát hình sự đã không bỏ qua những chi tiết đó.


Đêm 12-12-1992, khi bạn bè của Tân đang có mặt tại vũ trường Century dự tiệc thì “các chiến sỹ công an cùng các nhà báo ập vào”. 24 người bị tạm giữ, trong đó có 18 người cùng với Tân bị đưa về đồn công an để rồi sáng hôm sau họ được thả. Nhưng, tiệc sinh nhật của Pierre Tân, ngay sau đó, trở thành phóng sự trang nhất của nhiều tờ báo và nó được giật tít: “Đêm thác loạn của giới thượng lưu trẻ”. Một tờ báo mô tả: “Họ bắt đầu quay cuồng trên sàn nhảy, vừa nhảy vừa la hét … Khi công an ập vào, hiện trường còn vương vãi những bao cao su đã bóc…” Câu chuyện càng được đặc biệt chú ý khi các báo đưa tên hai người nổi tiếng có mặt trong cuộc “thác loạn” này: ca sỹ Ngọc Sơn và diễn viên điện ảnh Mộng Vân.


Các báo đăng tiếp: “Nhiều bạn đọc đã điện thoại, viết thư hoặc trực tiếp đến toà soạn bày tỏ sự căm phẫn tột cùng đối với những trò đồi truỵ của nhóm Pierre Tân”. Quốc hội lúc ấy cũng đang họp ở Hà Nội, một số chính khách đã có thêm ý kiến vào. Một tuần sau, 5 người đã bị bắt. Họ gồm:Pierre Tân và hai người đã giúp Pierre Tân thảo lá thư; ca sỹ Ngọc Sơn vì một lỗi mà anh phạm từ lâu trước đó (hát nhạc Lính Cộng Hoà); diễn viên Mộng Vân, “chống người thi hành công vụ”. 


Vị thẩm phán xét xử vụ Pierre Tân sau này cho biết, sự thật không như báo chí nói. Những “bao cao su” mà Pierre Tân bảo bạn của anh mang tới đêm sinh nhật chỉ để được dùng như một biểu tượng cổ động cho tình dục an toàn. Trên thực tế, những bao cao su ấy được treo trên những cây bon sai chứ không phải là “vương vãi trên sàn” một cách thác loạn như đã được mô tả. Hành động “chống người thi hành công vụ” của Mộng Vân thực chất chỉ là: Cô đến tiệc sinh nhật muộn, không thực sự hiểu điều gì đã xảy ra nên khi một nhà báo đưa máy hình lên chụp cô, cô đã đưa tay gạt rơi chiếc máy ảnh đó. Mộng Vân là bạn học em gái Pierre Tân, Á hậu Lý Mỹ Dung, Mỹ Dung gọi Vân đến dự sinh nhật mà không gửi giấy mời. Mộng Vân đã ở trong Chí Hoà nhiều tháng trước khi được tuyên vô tội. 


Trong bài báo “Đêm thác loạn”, Ngọc Sơn được mô tả: Anh không thiếu thứ gì trừ những trò Pierre Tân! Mười mấy năm sau, Ngọc Sơn vẫn không lý giải nổi vì sao, một đêm sinh nhật như vậy lại được coi là thác loạn? Anh nhớ lại: “Pierre Tân đang đảm nhiệm việc trang trí nội thất cho nhà tôi. Nhân ngày sinh nhật, tôi đến tặng anh cây đàn, vừa vào được 15 phút, đang ngồi uống nước thì công an ập tới”!


Chức Năng Đặt Câu Hỏi Của Nhà Báo

Câu chuyện vũ trường Century- vụ án Pierre Tân có lẽ đã bị hoàn toàn lãng quên nên khi vụ New Century xảy ra, nhiều nhà báo đã chỉ đóng vai trò những “thư ký của công an”, như Đức Hiển, Tổng Thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật, nhận xét. New Century đã tồn tại như thế, đã hoạt động như thế hàng chục năm, các nhà báo đã đi qua đó, có nhiều nhà báo đã vào đó, thấy nó “ăn chơi” thật, nhưng cũng thấy đó chỉ là chuyện thường tình của vũ trường. Để rồi, cũng giống như vụ Century, chỉ sau khi “công an ập vào”, nó lập tức trở thành thác loạn! Để rồi, không ai đặt câu hỏi với cảnh sát khi chứng kiến 1.163 người khách bị dồn một cách tức tưởi lên xe, đưa về đồn, bị tạm giữ tới tận chiều hôm sau, trong khi đa số họ đã đến đó như đến một trung tâm giải trí hoạt động công khai, hợp pháp. Không phải ai đến vũ trường cũng ăn chơi trác táng. Cảnh sát chỉ tìm thấy dấu hiệu sử dụng chất kích thích ở 15% khách trong số 1.163 người bị đưa về đồn! 


“Chuyên án” đánh vào các sòng bạc trong các khách sạn tại Vũng Tàu và TP HCM đêm 27-5-2007 cũng là một ví dụ nữa về sự “phối hợp” giữa công an và báo chí. Đọc hàng tít, “Đánh sập 5 Casino quốc tế, thu giữ hàng triệu USD”, tưởng đâu cảnh sát vừa lập một chiến công hiển hách. Té ra, đó chỉ là một cuộc bắt bớ tại các điểm kinh doanh trò chơi đánh bài hợp pháp bằng máy ở một số khách sạn dành cho người nước ngoài. Quản lý các điểm đánh bài này đã để cho nhiều người Việt Nam vào chơi. Hành vi ấy là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, với sự vi phạm pháp luật ấy, chỉ cần vài cảnh sát khu vực tới kiểm tra, ai ở trong sòng bài mà không có hộ chiếu nước ngoài là có thể lập biên bản phạm pháp quả tang, và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật như vậy, cần chi phải dùng tới hàng trăm cảnh sát bố ráp, cần chi phải nổ súng trong khách sạn và cần chi phải gom hàng triệu đô la về cơ quan điều tra! 


Nhà báo có một vai trò quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng và chống các tệ nạn xã hội. Sử dụng thông tin từ cơ quan điều tra là cần thiết, nhưng cũng chỉ có thể coi đó là một nguồn. Không phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều vụ án, có hàng trăm tờ báo đã đăng cùng những thông tin giống nhau; cùng rộ lên, rồi cùng im lặng! Nhiều nhà báo đã chỉ dựa vào một nguồn tin duy nhất, nguồn tin này lại luôn được “rò rỉ” có mục đích, có lúc, có người. Có rất nhiều bị can ngay sau khi bị công an bắt, được báo chí mô tả như là một kẻ giết người để rồi nhiều năm sau mới nhận ra họ vô tội. Có nhiều người vừa bị công an điều tra đã được báo chí mô tả như là tội phạm để rồi về sau, khi cơ hội thăng tiến đề bạt của họ qua đi, sự nghịêp và danh dự của họ đã bị huỷ hoại, mới thấy họ không phải là người như những thông tin mà báo chí được “bơm, mớm”.


Báo chí bị sử dụng với những mục đích không ngay thẳng không chỉ là vấn đề của riêng một thể chế nào. Câu chuyện về Judith Miller, nữ phóng viên New York Times, là một bài học. Miller đã từng giật giải Pulitzer năm 2002 cùng với các đồng nghiệp trong loạt bài về mạng lưới Al Qaeda. Chị được coi như một người hùng khi chấp nhận ở tù 85 ngày chứ không chịu khai trước toà nguồn đã cung cấp thông tin trong vụ “tiết lộ điệp viên CIA”. Cho đến khi người ta biết rằng, nguồn tin của chị chính là Libby, Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ, Dick Cheny. 


Libby tiết lộ tin cho báo chí với mục đích mà người ta tin là để trả đũa J. Wilson, một cựu nhân viên Nhà Trắng. Wilson đã chỉ trích Nhà Trắng khai thác không khách quan tin của CIA về “vũ khí huỷ diệt lớn”, nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến Iraq. Lập tức thông tin được rò ra cho biết, vợ của Wilson chính là một nhân viên CIA có trách nhiệm thu thập những thông tin này. 


Ngay lập tức, những bài báo điều tra của Miller hồi trước chiến tranh được xem xét lại và có cơ sở để tin, chị đã được “mớm” những thông tin mà từ đó, cùng với nhiều đồng nghiệp khác, viết những bài báo khiến cho có lúc đa số dân chúng Mỹ hiểu về tính cần thiết của cuộc chiến tranh Iraq theo hướng có lợi cho những người chủ chiến. Miller, ngay lập tức phải từ chức. Đã từng là một nhà báo lừng danh, chỉ vì “ăn theo, nói leo”, Judith Miller đã mất cả tiếng tăm lẫn sự nghiệp.


Huy Đức

Không có nhận xét nào: