Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Một câu chuyện cảm động

Một số các bạn tôi trong thế giới blog này là những nhà giáo. Tôi cũng vậy, và khi đọc xong câu chuyện này tôi chợt giật mình. Liệu trong quãng đời dạy học mình đã bao giờ đối xử phân biệt với các em học sinh hay không ? Và câu trả lời là có. Chúng ta thường đánh giá các em qua những biểu hiện bên ngoài mà có khi nào ta chịu khó đi sâu tìm hiểu xem đàng sau những bểu hiện đó là gì.
Một nguyên tắc sư phạm :” Con người ta sẽ trở thành cái mà người khác kỳ vọng ở họ”. Nếu chúng ta nhìn một em học sinh như một kẻ vứt đi : Em ấy rồi sẽ dần biến thành một kẻ vứt đi. Và ngược lại.

Xin giới thiệu câu chuyện sau :



MỘT CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG: "BA LÁ THƯ CỦA TEDDY"
Chuyển ngữ: Đào Trường Phúc


Nguyên tác: "Three Letters from Teddy" (Elizabeth Silance Ballard, Home Life magazine 1976. www.snopes.com.) * Đây là câu chuyện về một cô giáo tên Jean Thompson. Chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước, lúc cô đang dạy ở trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ của Hoa Kỳ.


Đầu mùa Thu, ngày khai giảng niên học mới, cô Thompson đứng trước các em học sinh lớp Năm. Cô nhìn cả lớp và nói một câu mà các giáo viên vẫn thường nói, là "cô ta yêu thương tất cả các em như nhau". Nhưng tự thâm tâm cô biết mình sẽ không làm được điều đó, bởi vì cô vừa trông thấy chú bé Teddy Stallard ngồi lù lù ngay ở hàng ghế thứ ba. Hồi năm ngoái, cô đã từng gặp Teddy trong trường và nhận thấy chú bé này không chơi đùa vui vẻ với các bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, người ngợm thì hôi hám bẩn thỉu.

"Chú bé này thật là khó ưa", cô Thompson nghĩ thầm. Có lẽ vì thế mà mấy tháng sau đó, khi chấm bài tập của các học sinh, đã mấy lần cô không ngần ngại dùng bút đỏ gạch những nét đậm vào bài tập của Teddy và ghi chữ "F" đỏ chói ngay trên đầu, nghĩa là Teddy bị cô xếp hạng kém nhất. Vì bạn bè cùng lớp chẳng mấy ai ưa Teddy nên cũng chẳng có ai tỏ vẻ ái ngại cho chú bé.

Theo quy lệ ở trường này, cứ vào đầu niên học mỗi thầy giáo cô giáo đều phải coi lại học bạ của từng học sinh trong lớp mình. Cô Thompson nhét học bạ của Teddy xuống dưới chót, và đến khi cô mở ra coi, những lời ghi trong đó đã khiến cô sửng sốt.

Cô giáo lớp Một nhận xét như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh, dễ mến, hay cười đùa. Học giỏi, chăm chỉ, ngoan ngoãn. Em là nguồn vui cho mọi người chung quanh".

Cô giáo lớp Hai ghi: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu mến, nhưng có chút khó khăn vì mẹ em bịnh nặng và cuộc sống của gia đình em chắc là rất vất vả".

Đến lượt cô giáo lớp Ba ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em có cố gắng học, nhưng cha em khôn g mấy quan tâm lo cho con cái, và cuộc sống gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến em nếu không ai giúp đỡ em".
Và thầy giáo lớp Bốn nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không thích thú trong việc học. Em không có nhiều bạn, em hay đi học trễ và lâu lâu ngủ gục trong lớp".

Đọc tới đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy áy náy ngượng ngùng. Nhưng mùa Lễ Giáng Sinh đã tới và cô lu bu bận rộn với các sinh hoạt trong trường.

Một ngày trước khi nghỉ Lễ Giáng Sinh, tất cả học sinh lớp Năm đều đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em mang tặng cô một món quà gói vụng về bằng loại giấy dày màu nâu xỉn, loại túi giấy gói hàng của chợ thực phẩm. Cô Thompson cảm thấy ái ngại khi phải mở gói quà của Teddy trước mặt cả lớp. Một vài em học sinh cười khúc khích khi thấy cô lấy ra một chiếc vòng đeo tay bằng hột xoàn giả, đã sút mất vài hột, và một chai nước hoa chỉ còn lại chút ít. Nhưng cô lập tức dập tắt những tiếng cười chế nhạo khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay mình và xịt ít nước hoa trong chai lên cổ tay.

Hôm đó Teddy đã nán lại đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi các học sinh ra về, cô Thompson ngồi khóc cả giờ đồng hồ.

Và kể từ hôm đó, cô đã thay đổi hẳn cách dạy học. Không phải cô chỉ chú trọng đến việc dạy các em tập đọc, tập viết và làm toán, mà cô lưu ý chăm sóc cho các em nhiều hơn trước và đặc biệt quan tâm đến việc học hành của Teddy. Mỗi khi cô tới bàn em để chỉ dẫn thêm, tinh thần Teddy có vẻ phấn chấn hẳn lên. Cô càng khuyến khích thì em càng tiến bộ nhanh hơn. Đến cuối năm học thì Teddy đã trở thành một trong vài học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với câu nói của mình hồi đầu năm, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.

oOo

Một năm sau, cô Jean Thompson thấy có một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất của em".
Sáu năm sau, cô lại nhận được một lá thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp Trung học, đứng hạng 3, và "Cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em".
Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh có lúc rất khó khăn đến độ gần như bế tắc, cậu vẫn quyết tâm học và tốt nghiệp Đại học với hạng xuất sắc, nhưng "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em".
Rồi bốn năm sau nữa, cô nhận được lá thư trong đó Teddy báo tin cậu đã tốt nghiệp Tiến sĩ và quyết định học thêm lên nữa. "Cô vẫn luôn luôn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em", nhưng bây giờ tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên: Tiến sĩ Y khoa Theodore F. Stallard.

oOo

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây. Mùa Xuân năm ấy, một lá thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy cho biết đã quen một cô gái và sẽ làm đám cưới với cô ta. Teddy giải thích, vì cha của Teddy đã mất cách đây vài năm nên Teddy mời cô giáo Thompson dự lễ cưới và mong cô sẽ ngồi ở vị trí vốn thường dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán coi chuyện gì xảy ra?
Ngày hôm đó, khi tới dự lễ cưới, cô Thompson đeo chiếc vòng hột xoàn giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức loại nước hoa mà Teddy nói là mẹ của Teddy đã dùng vào dịp Lễ Giáng Sinh cuối cùng trước khi bà qua đời.
Họ ôm nhau mừng rỡ và Tiến sĩ Theodore Stallard thì thầm vào tai cô giáo Jean Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì cô đã làm em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin là em có thể tạo ra những thay đổi".
Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ: "Teddy ơi, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể tạo ra những thay đổi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp được em".



Không có nhận xét nào: