Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Mày bảo tao quên sao?

Chiến tranh đã qua đi trên 30 năm nhưng vẫn có những điều không thể nào quên cho cả hai phía. Có những người hưởng lợi vì chiến tranh thì cũng có những kẻ gánh chịu những đau thương mất mát. Bài thơ này của một bạn đồng khoá như một phút lặng, nhớ lại những kẻ còn người mất của cả hai phía vì tôi nghĩ khác như người ta vẫn nghĩ : Không ai chiến thắng trong cuộc chiến này cả, tất cả đều bại trận. Xương máu cả hai bên đã được đem ra thí nghiệm cho một trò vô bổ. Để bây giờ chúng ta phải loay hoay làm lại từ đầu

 

Mày bảo tao quên sao?

Cứ đến Tháng Tư, lại nghe tiếng thét gào

Tiếng phẫn nộ của muôn ngàn dũng sĩ

Ðã tuẫn tiết cho quê hương kỳ vỹ

 

Dòng máu tuôn trên khắp nẻo quê hương

Thân một nơi, đầu một nẻo, đoạn trường

Súng gẫy, gươm cong, ngựa da còn bọc

Lá cờ kia một thời ngang dọc

 

Ðã lắt lay trên trận địa mênh mông

Giờ nơi đâu, hồn đang hiện trên không?

Hay ở lại chốn rau chôn, rốn cắt?

Làm những ngọn lửa không bao giờ tắt

 

Bảo vệ đất đai Tiên Tổ truyền đời

Mày bảo tao quên sao?

Cả trăm ngàn anh em giờ vất vưởng chợ đời

Thân dị dạng, tay què, chân gẫy

 

Thằng Trương gàn, chuyên viên súng máy

Vẫn cười vang bên lằn đạn oang oang

Giờ lắt lay, khàn giọng với cây đàn

Hát phố chợ: Xuân này con không về nghe, mẹ!

 

Thằng Tùng đen, một thời oai vệ

Súng bên hông, lựu đạn quanh người

Nay âm thầm với cặp mắt không ngươi

Tay rờ rẫm, cây gậy còng, chậm chạp

 

Mày còn nhớ thằng Vân nói lắp?

Nhưng hiên ngang, sinh tử nhẹ tênh

Bao lần xung phong, nó vẫn phóng một mình

Trước thượng cấp, Ðại Bàng ngơ ngác

 

Nay nó run run, đan rổ rá cho người

Một tay, một chân, nó để lại trận địa rồi

Thân còm cõi, khô như cành củi mục

Nếu mày gặp, nhất định mày bật khóc

 

Vì bạn hiền, nay lơ láo, lao đao..

Còn bao thằng học khóa mình, ra sao?

Tên cụt, thằng què, bụng vài vết đạn

Có thằng, tháng Tư Ðen, chân vừa cụt tới háng

 

Bị đuổi ra khỏi bệnh viện, lặc lè

Máu tuôn trào, ngã sấp, bên hè

Giờ ngơ ngác trong nhà thương tâm trí

Mày bảo tao quên sao?

 

Khi anh em ta sống trong đời kỳ thị

Vẫn có bao thằng áo gấm xênh xang

Hãnh diện comlê, cra vát về làng

Khoe nhà cửa, khoe xe, khoe bằng cấp

 

Chúng cứ lờ đi, không dám cúi người thấp

Nhìn bạn ta, nằm dưới đất, tan hoang

Thôi, mày ơi, nói nữa, lệ hai hàng

Lại tuôn chảy nghẹn ngào như suối

 

Tao chỉ mong mày, dù một gói cơm dấm dúi

Gửi anh em, xin lỗi, chúng tao hèn

Ðã chạy thật nhanh, khi tắt lửa, tối đèn

Bạn què bỏ lại, bạn sang thì níu áo

 

Thôi, tao lại nghẹn,

Lại buồn ngây, lảo đảo

Tao ngừng đây,

Cho tao tạ lỗi các bạn hiền

Cho tao giơ tay chào ngày tưởng niệm Tháng Tư Ðen

Chào tất cả, với trái tim tan nát...

 

Chu Tất Tiến

mlan58 wrote on Apr 23, edited on Apr 23
Đọc bài thơ trên đau xót cả tim,em đã đọc bài "Gởi về tao cây súng",đúng như anh CTT đã viết biết bao kẻ xêng xang áo gấm về làng,quên đi quá khứ một cách dể dàng ,và cũng rất tự hào với những người còn ở lại quê hương đã chịu nhiều gian khổ.
minht wrote on Apr 23
Làm sao quên được nhỉ? Tháng Tư vẫn đen!
yetkieu wrote on Apr 23
tháng tư là tháng mà cả dân tộc VN 3 miền đều nhớ ,nếu không vì thế giới cs đại đồng hay lày tay sai cho cs quốc tế thì đất nước VN mìnbh không bị chủ thyết CS đưa vào để gây chiến tranh thì ngày 30.4 không thể xảy ra.
thuyvy260 wrote on Apr 23
Chiến tranh : 2 từ khủng khiếp nhất
thuyvy260 wrote on Apr 23
anh bảo tháng tư Sài Gòn ... đen
vậy Hà Nội thủ đô em .... chắc đỏ ?
lớp đàn em , ngu ngơ chẳng rõ
đen , đỏ chò chơi sấp ngửa ... của chiến tranh

anh than rằng tháng tư Sài Gòn hết mầu xanh
thì Hà Nội của em cũng toàn mầu xám xịt
cây cối chỏng trơ , nhà cửa điêu tàn hết
là hậu quả hãi hùng của những trận bom đêm ...

Khi có chiến tranh , quân lính cứ xông lên
cả hai phía , giằng co " lý tưởng "
không biết trước con cháu Lạc Hồng ngã xuống
quẩn quanh đánh nhau toàn anh - em một nhà ....

... và thế là
kẻ chiến thắng viết bài ca
xuất bản ra những trang sách giáo khoa
cho trẻ em ... ê ... a đọc
những chiến thắng vang dội khe sanh , nam lộc...

Ôi thịt nát , sương rơi
vẫn toàn anh em giết nhau cả thôi

chiến tranh ơi ... ta căm thù ngươi !!!

zigzagvn wrote on Apr 23
chắc chắn đến một lúc nào đó, lịch sử sẽ phải nhìn lại!
laothayboigia wrote on Apr 23
34 năm rồi! Suy nghĩ về cuộc chiến này khác lắm!
Mối quan tâm của em lại thiên về số phận của từng con người trong chiến tranh và khi bước ra khỏi chiến tranh (bất kể phe nào).
Bài thơ xúc động!
linsythu wrote on Apr 23
Xúc động quá. Lòng mẹ đau.
songthu wrote on Apr 23
Lịch sử sẽ phải được nhìn nhận lại khi đã có đủ độ lùi nhất định và có sự minh bạch hóa thông tin.
"Thiên hạ thường hay nói dại-khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn?
Những kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn...."
Lịch sử sẽ phán xét công bằng.Phải có những người chịu trách nhiệm với dân tộc trước ánh sáng của mặt trời chân lý...
phuongphat wrote on Apr 23
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
ngocyen054 wrote on Apr 24
Tháng tư, nhiều hồi ức, vỡ vụn, cảm khái ...
atucoi wrote on Apr 24
Căm ghét chiến tranh!
giaogia wrote on Apr 24
Cảm ơn Hoàng Guitar, Thuy Vi260, các bác đã nói lên được nỗi đau khổ của nhân dân hai miền Nam Bắc VN trong cuộc chiến tranh phi nghĩa trước 1975...
Comment deleted at the request of the author.
vongoctu1987 wrote on May 28
Em là thế hệ sau nên không được chứng kiến những ngày tháng tư lịch sử ấy nhưng em nghĩ thân phận người lính sau chiến tranh dù ở phe nào cũng thế, dù thắng hay thua, dù sung sướng hay bất hạnh cũng không nên phán xét quá khứ với con mắt cay nghiệt như vậy. Chiến tranh đã đi qua 34 năm nhưng những vết thương chiến tranh còn ở lại, nhưng từng ấy thời gian cũng đủ cho ta nhìn lại thật khách quan và công bằng về cả hai phía. Mọi người nên đọc những tác phẩm như " người sót lại của rừng cười","họ đã trở thành đàn ông","ba lẻ một" , "nỗi buồn chiến tranh"," người ở bến sông Châu"... để thấy rằng những đau thương và mất mát không chỉ đến từ một phía! người cộng sản họ cũng những con người có lý tưởng cao cả và sẵn sàng hi sinh vì nó! không ai muốn chiến tranh xảy ra cả, nhưng vì tiếng gọi của đất nước họ phải cầm súng.. Và khi hoà bình lập lại, những vết sẹo của chiến tranh vẫn còn in đậm trên thể xác và cả trái tim của họ! nhưng họ vẫn cố gắng để sống có ý nghĩa hơn kể cả hi sinh hạnh phúc của mình cho người khác.


Không có nhận xét nào: