Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Thằng bạn trời đánh của tôi (2)

Hắn là một thằng ham vui. Cái ấy thi chẳng có gì quá đáng. Chúng ta ai lại không thích vui vẻ, nhưng ham như hắn thì kể cũng có hạng. Có lần thằng học trò hắn nhờ hắn làm cho công ty của nó một buổi để phiên dịch và biên dịch các tài liệu tư vấn du học. Công việc cũng nhàn, làm xong là hắn đi phòng này phòng kia tán dóc. Thấy mấy đứa chơi võ lâm hắn cũng đứng coi một hồi rồi phán :”Tưởng gì chứ thế này thì hay ho mẹ gì đâu mà tụi mày chúi mũi cả ngày vô đó thế nhỉ”. Thằng học trò bèn tạo cho hắn một con Võ đang. Nhìn con của mình sao ốm yếu, lại toàn đi bộ trong khi con mấy đứa kia thì cỡi ngựa, áo mũ xênh xang, đao kiếm sáng quắc tung chưởng xoẹt xoẹt hắn càu nhàu :” Mấy đứa tính chơi thầy hay sao mà làm cho thầy cái con xi cà que dữ dậy”. tụi kia bảo :”Thì lúc đầu nó phải thế. Thầy mới cấp một trong khi tụi em cấp 60, 70 mà sao thầy phân bì”. Hắn đâm ức. Mấy thằng này láo, trong lúc tao nghiền truyện Kim Dung đến tan nát ra, suốt ngày đánh bạn cùng Tiêu Phong, Trương vô Kỵ, Dương Qua, Hồng thất công…thì bọn chúng mày còn chưa đẻ thế mà bây giờ lên mặt hả. Vậy là hắn bắt đầu cặm cụi luyện, không chỉ một mà 5 con . Cứ mỗi môn phái là hắn sắm một con : Thiếu lâm, Võ đang, Nga mi, Côn lôn. Toàn là chính phái. Hắn cũng sắm một con Thiên nhẫn để xem cho biết cái bọn tà phái nó làm ăn ra sao. Hắn không thèm chơi Ngũ độc, Đường môn. Đồ tà phái bẩn thỉu.
Thế là hắn luyện ngày luyện đêm. Cái máy tính của hắn bị bóc lột tối đa. Đêm hắn cài máy chạy tự động. Ban đầu chưa rành nên các con của hắn chỉ tự động một tí là dính vào trong bụi gỡ không ra, cả đêm như công cốc. Hắn nghiên cứu những khu vực nào dễ luyện, khó bị đồ sát, điểm kinh nghiệm cao mà lại không bị về thành dưỡng sức…Những lúc ấy mà đi uống cà phê với là chỉ toàn nghe chuyện võ lâm truyền kỳ thôi. Vất vả thế mà hắn cũng theo được hơn một năm trời, các con của hắn có con cũng lên cấp gần 150, nghĩa là cũng thuộc loại có số má trong chốn giang hồ đấy. Thế rồi bỗng dưng hắn chán. Rao bán không ai mua hắn bèn cho mấy đứa học trò. Hắn lựa những trang bị chiến nhất, bao nhiêu ngân lượng dồn hết cho một con còn bao nhiêu hắn delete hết. Lâu lâu hắn cũng mở trang võ lâm ra , cho con của hắn chạy lòng vòng đánh thằng này vài phát, chém thằng khác vài nhát …rồi về thành. Coi như hắn rửa tay gát kiếm. Hôm rồi tôi bảo hắn mở cho tôi coi hắn mò mãi mới ra mật khẩu. Hắn mà không đam mê cái gì đó là hắn chịu không nổi. Sống mà không có cái gì để đam mê theo hắn thì chỉ là sống thực vật. Bây giờ thì hắn đang mê blog. Blog dạng nào cũng có mặt hắn. Thôi thì Blogpost, Opera, Yahoo 360. Yahoo Plus, Yume, Wordpress, Multiply…Hắn dụ tôi làm một cái để viết comment cho hắn. Thế là lại phải đem cái thân già này theo hắn trên mọi nẻo đường blog.
Cà phê nhậu nhẹt thường xuyên với hắn tôi nghiệm ra cách hay nhất để hắn ngưng ba hoa xích thố là hỏi thăm vợ con hắn. Hắn đang thao thao mà chợt nghe hỏi :”Con mày dạo này thế nào rồi” là hắn im bặt , mặt đần ra như ngỗng đực. Có lần tôi hỏi hắn thương con thế thì sao lại bỏ vợ con ra đi chi vậy. Hắn chầm chậm trả lời : “Tại tao thương tụi nó”. Nói thế có chó nó nghe được. Lúc đầu tôi cũng nghĩ thế, nhưng rồi ráp nối qua những lần tâm sự của hắn tôi nghĩ không chừng hắn có lý. Hắn chấp nhận bỏ chạy xích lô để về làm nội trợ, chăm con cho vợ đi dạy. Ngoài giờ nội trợ hắn làm rẫy, trông cũng giống một anh nông dân thứ thiệt. Trông thế thôi chứ hắn mà nông dân cái gì. Hắn trồng hai sào đậu xanh, thu được5 ký , kỳ sau hắn trồng 2 sào đạu phộng thu được khoản 20 ký, đủ để lâu lâu hắn rang lên uống rượu. Những thất bại đó không làm hắn nản, hắn lại cặm cụi làm thứ khác. Một tuần hắn đạp xe xuống Nha trang kiếm bạn bè nhậu một trận rồi đạp về.
Ông già vợ cũng lo kiếm việc làm cho thằng rể. Ổng bảo nó chuẩn bị để nhiệm kỳ này ổng đưa nó vào ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp rồi sau đó làm chủ nhiệm. Chuyện nhỏ mà. Ông bí thư phán một câu là đâu vào đó. Hắn dãy nãy, viện cớ không phân biệt lúa với cỏ mà làm chủ nhiệm xã viên người ta cười cho. Ổng nạt:” Cái thằng chủ nhiệm bây giờ chưa hết cấp 1 , mày hết đại học rồi thì mắc gì làm không được, Huống chi dân xã này ai cũng gọi mày là thầy, thằng nào không phục”. À, người ta gọi thế là cơ cấu đấy. Hắn cứ nhất định không là không, ông già vợ cũng phải chịu thua. Lại đến bà chị vợ, bí thư một xã ngoại thành ( lại bí thư ) bảo hắn xuống Nha trang chị đưa vào làm phó ban quản lý thị trường nhà ga thay cho cái thằng phó ban cũ mới bị cách chức vì ăn hối lộ và lấy hàng tịch thu đem ra chợ trời bán. Trời đất! Bao nhiêu lần hắn dậy nữa đêm mở cửa cho bà già trở về sau khi bị bọn cướp ngày này chận thu hết hàng. Mà hàng lúc ấy là gì? Chỉ là chục ký cà phê hạt bó trong mình. Thế mà bảo hắn đi làm cái nghề này ư? Bảo hắn đi ăn cướp của những người như mẹ hắn ư? Hắn lại từ chối, bảo hắn không quen cái món cướp bóc mồ hôi nước mắt của người khác. Bà chị vợ giận, không thèm dòm mặt hắn nữa. Có lẽ còn nhiều chuyện khác nữa mà hắn không kể nhưng xem ra phía vợ bắt đầu không ưa cái thằng rể chỉ thích giặt đồ nấu cơm với lại vác cuốc ra rẫy mà không thích làm cán bộ. 
Vợ hắn lại được thăng chức làm hiệu trưởng. Cái thằng hiệu phó là đảng viên, vậy mà vợ hắn cảm tình đảng lâu rồi mà vẫn chưa được kết nạp. Cả nhà chẳng ai nói gì nhưng ai cũng biết tại sao. Vào những năm ấy mà làm vợ một thằng nguyên là sĩ quan nguỵ rồi lại còn thiên chúa giáo nữa thì làm ơn quên chuyện tiến thân bằng con đường vào đảng đi. Mà đúng thế, hắn đi chưa đến 3 năm thì vợ hắn được kết nạp. Ba lần toà gởi giấy mời tham dự phiên xử ly hôn hắn đều không đi, thế là trách nhiệm nuôi con đặt vào tay vợ hắn, lúc ấy cũng còn không được khá giả lắm. Hắn gọi thế là hy sinh đời bố, củng cố đời con. Bây giờ thỉnh thoảng tôi có dịp đi lên xã ấy chơi, nơi ấy vừa khai trương một khu resort, thấy nhà vợ hắn bây giờ khang trang bề thế, vợ hắn nay đã chuyển sang chính quyền, làm bí thư kiêm chủ tịch xã, thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện trên truyền hình tuyên bố này nọ. Kể cho hắn nghe hắn cười hớn hở : “Mày thấy tao tính đúng chưa? Tao mà còn ở đấy thì còn khuya nhé” Hắn cười nhưng sao tiếng cười thấy trơ khấc.
Thằng con lớn của hắn nay đã ra trường, làm bác sĩ quân y. Vài ba năm có ghé thăm hắn, xem ra cũng chẳng mặn mòi gì lắm. Đứa con gái hắn thì nhất định không chịu gặp mặt hắn, dù mẹ nó sau này cũng cho phép. Hắn bảo:” Phải thế thôi. Trúng tao tao còn chửi vào mặt nữa ấy chứ. Bố cái chó gì mà con còn đang nằm trong bụng mẹ đã bỏ đi biền biệt. Có mà …bố láo”.
Có kỳ hắn dạy tháng mấy triệu có bà dụ hắn chơi huê. Hắn chơi hẳn hai cái. Thằng Đức thấy hắn làm ra nhiều tiền thế hỏi hắn sao cứ đi mãi cái xe đạp. Hắn bảo :” Ừ nhỉ, tao quên”. Thế là thằng Đức dụ hắn mua lại chiếc xe Suzuki, cái xe mà người ta gọi là Su trăm năm ấy, la thì to nhưng chạy thì chậm. Hắn hốt hết hai cái huê mua cái xe xong còn bao nhiêu hắn năn nỉ thằng Đức mượn dùm mua xe mới. Thế là thằng Đức tống khứ được cái của nợ mà lại có tiền mua cái Wave mới cứng. Thì cũng lâu lâu có thằng lột được hắn chứ. Mà cái khoản mua sắm đồ thì hắn đúng là thằng đại ngáo. Sau này chán cái xe hắn bèn cho 1 thằng em đem về chạy ba gác máy. Hắn bảo : “Mày qua Hà lan coi, bên đó người ta toàn đi xe đạp. Văn minh đúng điệu là phải như thế chứ”. Vậy là hắn làm người văn minh mãi cho đến bây giờ, chỉ khổ cho những thằng thiếu văn minh như tôi phải đưa rước hắn mỗi khi rủ hắn đi nhậu.

 ( Còn tiếp…)

Thằng bạn trời đánh của tôi (1)

  Thú thật chơi với hắn kể cũng khá lâu nhưng tôi cũng chưa thật hiểu rõ con người hắn. Thường thì hắn tạo ra cho người mới gặp hắn một ấn tượng rằng hắn là con người thành thật, thẳng thắn. Nhưng coi chừng, đám bạn hắn có thằng nào chưa bị hắn chơi cho một cú choáng váng đâu, mặc dầu hôm ấy chẳng phải là ngày 1/4. Với hắn hình như ngày nào cũng có thể là ngày Cá Tháng Tư cả. Hắn có một niềm vui gần như bệnh hoạn trong việc lừa được ai một vố. Nhìn hắn tít mắt cười hả hê khi lừa được ai vào tròng tôi chỉ muốn đấm cho hắn một quả. Hồi còn đi học hắn rất khoái cái trò dấu cái chụp bugi của bạn bè. Hắn có cả một bộ sưu tập cái thứ này. Khi ấy tôi đi học bằng chiếc xe hơi con cóc. Không tháo được chụp bugi của tôi, hắn rủ vài thằng đẩy xe tôi, hắn ngồi cầm lái ra dấu tít đằng sau viện làm tôi xém tí nữa đi báo cảnh sát. Tuổi tác xem ra chỉ càng làm tay nghề của hắn cao siêu hơn thôi chứ chẳng làm hắn đứng đắn ra chút mào.
  Có lúc hắn rất thương người. Đang nhậu hắn chợt móc túi chạy ra cho một người ăn xin ngoài đường. Cũng có lúc hắn đóng mặt lạnh thản nhiên cười nói khi một chị cái bang rách tả tơi ẳm một em nhỏ khóc ằng ặc đứng kế bên van xin, có khi hắn còn nạt người ta. Hỏi thì hắn bảo “Tao không thích bị ép làm từ thiện”. Bình thường hắn ăn nói cũng ra người đàng hoàng, hắn là thầy giáo mà. Cũng có lúc hắn thô tục phát khiếp, cứ như một thằng đầu gấu thực sự, nhất là cái đận hắn chạy xích lô. Hắn bảo “Đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giáp mà mầy”. Mà cái đám xích lô thấy hắn cũng thô tục tào lao như mình lại càng khoái hắn.
  Sáng nay tôi nhận được tin nhắn của hắn. Mẫu tin chỉ vỏn vẹn có mỗi cái dấu hỏi. Biết rồi. Hắn hỏi tôi sáng nay có rảnh không lại dẫn hắn đi uống cà phê đấy mà. Mẫu tin này mà đến vào buổi chiều thì cũng có ý nghĩa tương tự, chỉ thay cà phê bằng rượu thôi. Cứ như là bố tôi vậy. Không biết kiếp trước tôi mắc nợ hắn cái gì. Có điều cũng đỡ là hắn không thích vào những nơi sang trọng, cứ ngồi vỉa hè. Càphê hay nhậu nhẹt cũng thế. Hắn bảo thằng nào mời đi nhậu là thằng ấy trả tiền. Đừng thấy hắn gửi tin nhắn “Nhậu?” mà tưởng hắn mời là sai lầm chết đó. Theo ngôn ngữ của hắn thì như thế có nghĩa là “ Rảnh không lại mời tao đi nhậu” đấy. Bóc lột bạn bè được vài đồng là hắn vui ra mặt
  Hắn chỉ có mỗi cái xe đạp thành ra ai muốn mời hắn đi nhậu làm ơn lại rước hắn. Từ lúc có qui định đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm lại phải mang cho hắn cái mũ, không thì hắn không chịu đi. Hắn vốn tôn trọng pháp luật mà. Riết rồi tôi phải sắm cho hắn một cái. Hôm nhận mũ hắn săm soi, gõ gõ vài cái xem mũ có chắc không rồi phán “Được đấy!”, rồi bảo tôi dẫn hắn đi nhậu “rửa mũ”, tiền nhậu tôi trả. Hắn lý sự rằng thì là thằng cho bao giờ cũng vui hơn thằng nhận. Đã vậy gần đây hắn còn bảo tôi “ Mày coi có cái nào nhẹ hơn, thời trang hơn đổi cho tao đi. Cái này nặng bỏ mẹ, tao có đi đâu xa đâu, mang cho có thôi mà”. Mẹ! Bố tôi cũng không được như nó.
  Hắn lại chỉ toàn thích uống rượu. “ Bia uống chỉ tổ no bụng với đi đái liên tục. Lích kích lắm!”. Hắn nói thế. Một hôm có thằng chạy đi mua rượu cho hắn, một chai ông già chống gậy đàng hoàng. Hắn bảo “ Phí thế. Rượu đế được rồi.” . Nhưng hắn cũng hăm hở khui chai rượu. Mình hắn làm sao uống hết, thế là hắn xách về. Cả năm sau thấy chai rượu vẫn còn nguyên, ai đến cũng mang ra mời.
  Hắn đối xử với bạn bè tàn bạo như thế nhưng nhiều thằng cứ khoái rủ hắn đi chơi. Chả là hắn có giọng cười khá là ồn ào. Bàn nhậu đang trầm lắng nhưng có mặt hắn là có chuyện để nói, để cãi. Hắn lấy ở đâu ra nhiều đề tài thế không biết. Người chưa quen biết bảo hắn có giọng cười khả ố. Thỉnh thoảng tôi phải nhìn quanh xem thử có ai bất bình vì giọng cười của hắn không , sợ bọn say nó nóng mặt qua gây sự thì khốn. Cũng may tụi tôi thuộc loại cây cao bóng cả nên lũ choai choai cũng chả thèm chấp.
  Hắn được cái trọng lễ nghĩa, bạn bè có hỉ sự gì là hắn nhắn tin chúc mừng ngay : tân gia, thôi nôi, đám cưới, sinh nhật…nhưng điệu hắn tới được mấy chổ đó e rằng hơi khó. Hắn bảo: “Cái mặt tao không hạp với những dịp ấy. Tới những nơi ấy mà tao cười hô hố thì còn ra cái thể thống gì nữa” . Học trò đến mời hắn đi ăn cưới hắn xua tay bảo: “Thôi, liệu về mà sống với nhau cho nó êm đẹp đi. Khoảng nữa năm mà vẫn còn êm thì hai đứa lại dẫn thầy đi nhậu một bữa là được”. Hôm rồi hắn có một thằng bạn thân lấy vợ. Thằng này già rồi, vợ mất đã lâu, nuôi hai đứa con lớn hết rồi nên bây giờ tính rước một chị về để hú hí lúc tuổi già. Lại rủ hắn đi đám cưới và làm phụ rể hắn bảo:” Già mà còn rửng mỡ hả con. Ít hôm nó hành mày tả tơi đừng có chạy xuống tao mà khóc lóc đấy nhé. Còn cái vụ đi đám cưới mày tha dùm tao đi”. Thằng bạn năn nỉ sùi bọt mép hắn mới lừng khừng bảo: “Thế thì về kiếm tao đôi giày. Giày tao lâu nay không mang để dưới gầm giường bọn chuột nó cắn tan nát hết rồi. Tao chỉ đi ăn cưới thôi. Phụ rể dứt khoát là không” . Vậy mà thằng kia hí hửng chạy về đánh bóng đôi giày đem xuống cho hắn. Hắn còn bảo: “ Tao đi không thôi đấy, tiền bạc quên đi nhé”. Thằng bạn tội nghiệp kia còn hỏi hắn có ai đưa đi không, và giao nhiệm vụ cho thằng con trai hôm đó phải canh me đón cho được ông chú quí hoá. Phải công nhận kiếp trước hắn tu thế nào mà kiếp này hắn có nhiều bạn tốt thật, chứ không thì hắn ra ma từ cái đời nào rồi.
Nhớ cái hồi hắn cuốn gói biến khỏi nhà vợ không một đồng trong túi, thuê cái xe xích lô của thằng Đức để vừa làm cần câu cơm, vừa làm nhà,tôi chọc hắn: “Cốt mày sinh ra là để đạp xích lô mà. Tưởng bỏ xích lô đi làm vương làm tướng gì hoá ra bây giờ lại quay lại xô xích le”. Hắn cười dụ tôi dẫn đi nhậu. Qua những câu tâm sự đứt quãng bởi những chuyện tầm phào tôi lờ mờ đoán được hắn không chịu nổi màu đỏ của gia đình vợ, lại không muốn đóng vai ông nội trợ , ở nhà giữ con cho một bà vợ quan chức nên đành đoạn bỏ lại một đứa đang đi chập chững, một đứa đang tượng hình mà ra đi. Lại tự ái với gia đình vì đã không nghe lời can gián của ông già mà nhào vô ổ kiến lửa nên cũng không về nhà. Rồi thằng Trung thấy hắn tội cho ở trọ. Từ đó hắn bắt đầu kiếp ở trọ. Hắn hát bài “ Con chim ở trọ cành tre, con suối ở trọ trong khe nước nguồn…” tâm tư gớm lắm là vì thế đấy.
  Cái thằng Đức cũng như tôi, không biết kiếp trước mắc nợ gì hắn mà kiếp này cứ phải gắn bó với hắn. Đợt trước, thấy nghề xích lô kiếm ăn cũng khá, hắn rủ thằng Đức bỏ dạy về sắm xe đạp với hắn cho vui. Hai thằng chiều nào cũng hẹn nhau ở quán thịt cầy, say ngất ngưỡng mới về. Rồi hắn bỏ xe, lấy vợ, lên ở nhà vợ làm nội trợ. Quay trở lại hắn dụ thằng Đức đi học nghề sửa đồng hồ cho nó nhàn, chạy xe nắng nôi khổ lắm, đưa xe hắn chạy cho. Vậy là thằng kia giao xe cho hắn, không lấy tiền thuê xe, chỉ ngày hai buổi về chở đi ăn cơm thôi. Thì cũng thế cả mà. Hắn thực hiện hợp đồng được nghiêm chỉnh vài hôm là bắt đầu dở chứng. Đang chạy xe gặp thằng nào kêu nhậu là hắn tấp vào, quên thằng bạn đang đói meo râu ở nhà. Có lần hắn bỏ thằng Đức nhịn đói suốt một ngày.Sau trận đó thằng Đức phải bắt hắn đóng tiền thuê xe. Cho chắc ăn.
  Căn nhà hắn ở trọ lâu nhất là nhà thằng Khánh. Hắn cũng tài. Một đại gia đình của hai cô con gái, hai chàng rể vài ba ngày lại cãi nhau, mỗi cặp có một lũ con như quỷ sứ. Vậy mà hắn ở được gần ba năm không hề hấn gì. Đôi khi còn phải đóng vai phụ huynh can gián hai ông rể quí khỏi choảng nhau nữa. Lúc này hắn lại thất nghiệp. Một thằng bạn khác thấy tội kêu hắn về dạy kèm cho con . Tiền học cũng khoảng hai trăm ngàn bây giờ. Với tổng thu nhập nhiêu đó hắn đói là cái chắc. Cũng đỡ là nhà thằng Khánh, nơi hắn trọ lại là quán nhậu. Thế là ngày nào hắn cũng được bạn bè mời nhậu. Say rồi thì khỏi ăn cơm, đỡ tốn gạo. Thành ra nhờ thế mà cũng tạm đủ.
  Một hôm có cô bạn cũ đi ngang thấy hắn tội quá bèn bảo xuống trung tâm cô đang dạy xin một lớp. Gì chứ xin là hắn không quen, thế là hắn ừ ào cho qua chuyện rồi lơ luôn mặc dầu thèm đứng lại trên bục giảng muốn chết luôn. Ông giám đốc trung tâm hóa ra lại là thầy cũ hồi hắn học đại học chờ hoài không thấy hắn đến bèn cho người kêu hắn lại hỏi sao không đến dạy. Hắn lại vờ như đang bận rộn ghê lắm, hẹn thầy để hắn “sắp xếp công việc” xong rồi sẽ đến. Oai gớm chưa ! Mà kể ra hắn cũng có khối thứ để sắp xếp thiệt. Lâu nay hắn có bộ đồ nào cho lành lặn đâu mà bảo lên lớp ngay được. Thế là hắn mở một cuộc lạc quyên và bạn bè hăng hái đóng góp. Thế! Tôi đã nói hắn mà không có bạn thì chỉ có chết. Vậy là thằng này cái quần, đứa kia đôi giày, cái áo…đưa hắn quay lại bục giảng. Nhà thờ tin lành không biết ăn phải cái bả gì cũng qua tặng hắn chiếc xe đạp
  Hắn dạy kể cũng được. Gì chứ dạy thoải mái, chẳng lệ thuộc giáo án, muốn dạy gì thì dạy thì hắn là trùm. Với lại đi học ở trung tâm ban đêm học viên cần được tạo cái tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng. Gì chứ làm cho thiên hạ cười là nghề của hắn mà. Thế là chỉ sau một tháng dạy thử một lớp, hắn được giao ngay bốn lớp.Tháng đầu lãnh lương gần triệu bạc hắn không về ngay nhà. Hắn ghé một quán sinh tố, cái món đã lâu hắn chưa được thưởng thức, ngồi nhậu …ba ly sinh tố, lâu lâu lại thò tay vào túi nắn nắn cái phong bì đựng lương, trầm ngâm. Kể ra thì hắn chẳng thèm sinh tố đến mức ấy đâu, nhưng hắn cần một chổ ngồi để suy tư thôi.
  Đố biết sáng hôm sau hắn đi đâu ? Chẳng ai đoán nổi đâu. Hắn đi cân. Xem thử những tháng năm lăn lộn ấy lấy mất của hắn bao nhiêu ký rồi. Hắn còn 38 ký. Vậy là mất đứt gần 20 ký. Kinh ! Vậy là hắn lên kế hoạch lấy lại những kí lô đã mất. Buổi sáng hắn xuống trường Tàu làm một tô bún bò giò heo, lội một vòng biển. Buổi trưa hắn làm vài lạng thịt bò nhúng tái. Tối dạy về làm một chai bia. Chỉ một tháng mà hắn lên gần chục ký.
  Hắn dễ tính, hay chọc ghẹo thiên hạ và sẵn sàng nghe thiên hạ ghẹo lại. Hắn lấy sự lật tẩy thiên hạ và bị thiên hạ lật tẩy làm vui. Hắn dễ nổi nóng nhưng mau quên. Nhưng hắn mà ghét ai thì cũng khiếp lắm. Đang nhậu ngon lành mà có 1 tên hắn ghét ngồi vào bàn là hắn đứng lên liền. Hắn mà đã ghét ai là hắn không mắng chửi thằng đó nữa, chỉ không ngồi chung bàn. Thế thôi. Cũng may số này không nhiều, nói chính xác thì chỉ có hai thằng. Nghệ sĩ cả đấy. Có lần tôi hỏi hắn sao nhậu với đám xích lô thô tục thì được mà một nhà thơ như thế lại không được. Hắn bảo: “ Tự nhiên không chịu nổi cái bản mặt nó. Tởm lắm!”. Thế thì chịu
  Trừ vài trường hợp cá biệt không giải thích được như thế thôi còn thì hắn hòa hợp rất nhanh với môi trường mà hắn buộc phải tiếp xúc. Có lần hắn thuê nhà của một tay thiếu tá bộ đội không quân trên đường Lê hồng Phong , chung quanh nhà hắn toàn là sĩ quan phòng không không quân cả. Một lần đến chơi tôi thấy hắn ngồi nhậu với một đám tá, uý không quân đang say sưa nghe hắn kể chuyện đánh nhau với việt cộng. Hắn nổ cả đấy. Có vẻ mấy tay bộ đội này thích hắn lắm. Lát sau có một chú năn nỉ: “ Bác hát tụi em nghe bài Câu hò bên bờ Hiền lương đi bác”. Thế là hắn ôm đàn hát say sưa, xúc động. Đám kia nghe hắn hát xong một chú bảo:” Bác hát còn hay hơn cả nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền”. Hắn cười khà khà :”Chuyện! Còn phải nói”. Cái thằng khoác lác đến thế là cùng.
Đám bộ đội khi nhậu hay có màn ”Một hai ba …dô”. Hắn cấm tiệt. Hắn bảo: “ Dân Bắc mấy chú uống tục bỏ mẹ. Uống ừng ực như thằng Chí Phèo. Cái sự uống là cái sự sướng. Thằng nào sướng cái miệng thằng ấy chứ. Uống mà cũng hô khẩu hiệu. Mấy chú làm hỏng cả buổi rượu”. Thế là mấy chú kia không hô la nữa. Giỗ chạp gì mấy chú bộ đội cũng nằng nặc đòi hắn phải đến dự cho được, có lần còn đòi dẫn hắn vào doanh trại nhậu. Hắn bèn lên lớp cho mấy chú một bài về kỷ luật quân đội. 
  Vậy mà có lần tôi thấy hắn khóc đấy. Ấy là cái hồi hắn còn thất nghiệp cơ.Hắn đang ngồi nhậu thì thằng Đức lại báo tin ông già hắn mất gần một tháng rồi. Bà già thì không biết hắn ở đâu mà tìm. Hắn sững người vài giây rồi lại bưng ly uống. Một thằng bảo hắn về nhà liền bị hắn nạt lại : “Ổng chết cả tháng nay rồi, bây giờ lật đật chạy về làm gì mày”. Thiệt tình ! Đang nhậu chợt hắn bỏ đi đâu đó, quay về thấy hắn mua một miếng vải, cây bút lông và một bình mực. Hắn nhờ thằng Vĩnh Hiền viết cho hắn hai câu thơ lên tấm vải theo kiểu thư pháp : “ Thuở bố sinh tiền không đủ áo cơm phụng dưỡng – Lúc cha qui tiên chưa tròn hiếu nghĩa cư tang “. Hắn cầm tấm vải ngắm nghía rồi đột nhiên oà khóc. Hắn khóc như mưa như gió, khóc như bao nhiêu nước mắt hắn dồn lại lâu nay để khóc một lần cho đã. Bọn tôi chẳng thằng nào biết nói gì. 
  Hắn ngưng khóc cũng đột ngột như khi hắn khóc. Đang hu hu như thế bỗng hắn thắng lại cái kít, quẹt nước mắt bưng ly rượu lên làm một hơi cạn sạch :”Uống đi. Già thì phải chết. Có tao ổng cũng chết. Thôi uống đi”. Và hắn lại nhậu, lại nói đùa, lại mắng mỏ như không có chuyện gì xảy ra. Đến chịu cái thằng. Tôi nghĩ có lẽ khi bạn bè về hết, còn một mình hắn sẽ lại khóc. Hắn chỉ không muốn làm bữa nhậu của anh em mất vui thôi mà.
  ( còn tiếp…)

Lại chuyện bực mình

  Đang mò mẫm viết một entry hướng dẫn những mẹo cơ bản cho người mới vài Multiply, liếc qua vài tờ báo tí lại gặp chuyện bực mình. Lâu nay báo trong nước chỉ còn đọc mỗi hai trang Vietnamnet và VnExpress, các báo khác mình xoá hẳn khỏi Bookmark rồi. Nhà báo Trương duy Nhất nói đúng : “Bây giờ tờ báo nào cũng là báo Nhân dân”. Mà báo Nhân dân thì ai cũng biết là độc giả đông thế nào rồi.
  Cái tin trên báo làm mình cáu sườn là như thế này đây :
  - “Hoan nghênh Thủ tướng đã có quyết định sáng suốt, hợp lòng dân...". Rất nhiều bạn đọc VietNamNet bày tỏ sự vui mừng trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dừng xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất.
  Và sau đó là một lô những comment của nhân dân bày tỏ lòng biết ơn trước quyết định “sáng suốt” của Thủ tướng chính phủ, một quyết định “hợp lòng dân”. Trời đất, quả là để làm được thủ tướng của cái đất nước này không dễ chút nào. Phải lo từ chuyện trên trời ( vĩ mô ) đến những chuyện dưới biển ( vi mô ). Cứ chuyện gì nhùng nhằng mãi giải quyết không xong là lại đến tay thủ tướng. Mà có phải đến được thủ tướng là xong đâu. Thủ tướng đếch có quyền cách chức, chỉ có quyền chỉ thị và yêu cầu báo cáo trước ngày xyz gì đó. Đến ngày đó mà không báo cáo thì … thôi, chẳng ai làm gì nhau cả. Cầm quyền ở Việt nam ta vui tè, còn nhộn hơn cả trong rạp xiếc nữa, Thật đấy.
  Thế là thủ tướng luôn luôn sáng suốt, chỉ có mấy thằng ở dưới làm bậy thôi. Đoàn xiếc trung ương đã thế thì các đoàn xiếc địa phương cũng tha hồ diễn trò khỉ. Cũng “kiên quyết”, “dứt khoát”, “nhất định”, “bất kể ở cấp nào”….Bùi Giáng có đội mồ sống lại cũng phải nghiêng mình trước khả năng vặnvẹo, biến thể ngôn ngữ của các quan nhà ta. Thôi, bỏ cái đám quan lại đó ra. Cái bọn ăn tàn phá hại đó nói cũng thế thôi, chúng có còn dây thần kinh xấu hổ đâu mà nghe. Cái làm tôi bức xúc nhất chính là thái độ của nhân dân. Dân ta còn có cái não trạng “hoàng thượng anh minh” đến bao giờ nữa đây? Bỏ tiền ra đóng thuế cho một đám lính làm việc, làm không được việc phải làm lại tốn công tốn của lẽ ra phải mắng cho mất mặt ra cho chừa, không chừng còn cho vài cái bợp tai để nhớ đời. Hà cớ gì lại phải “biết ơn”, “vui mừng”.
  Cứ thử tưởng tượng đi. Ta thuê một nhà thầu dẫn một đám thợ đến làm việc. Bọn này làm bố láo hư cả đống. Thằng nhà thầu chạy tới bảo thợ phải làm lại, ta phải chi tiền cho việc sửa lại những hư hỏng này. Thế là ta vui mừng khom lưng rót trà mời thằng nhà thầu “ May có chú sáng suốt không thì chết anh rồi”. Rõ nực cười!
  Bây giờ ngừng lại, đền cho nhà thầu 14,5 triệu đô la. Chắc lấy từ tủ của bà thủ tướng. Ngài cứ sáng suốt vài bận thế này thì dân chúng ta chuẩn bị tay gậy tay bị gia nhập cái bang chắc luôn.
  Còn có mỗi một hai tờ báo đọc đỡ mà điệu này chắc phải xoá cả cái thằng Vietnamnet này luôn quá. Kể cũng tội, mới có một năm mà thay mấy đời tổng biên tập thì thằng quái nào chả rét. Nhưng cứ để đấy thì lâu lâu lại bực mình, dang dở cả cái sự nghiệp bờ lốc của mình. Chán thế đấy.

Tôi tập viết hồi ký

  Cuộc vận động “Sống và làm việc…” kéo dài được cũng mấy năm rồi ấy nhỉ. Thế mà các bác cán bộ ta vẫn cứ chưa thuộc bài, vẫn cứ vào nhà đá nằm đếm lịch với muỗi. Xem ra bài ấy khó học quá. Trong không khí hồ hởi của toàn dân, tôi cũng muốn tham gia một tay nhưng điểm qua cuộc đời của bác thấy khó có điểm nào bắt chước được, chỉ trừ mỗi điểm hút thuốc phì phèo. Mà cái này vào quán cà phê thấy đầy. Phải bắt chước cái gì độc đáo cơ. Khó nhẩy!
  Hôm nay tình cờ vớ được cuốn “ Những tác phẩm văn…” của giáo sư Hà minh Đức do nxb Khoa Học Xã Hội Hà nội in năm 1985. Tôi đọc một mạch và chợt kêu lên “Eureka!”. Đây, có chuyện này mình làm được đây :
  Trang 182 sách đã dẫn ghi : “"Đáp lại tình cảm của đồng bào và bè bạn trên thế giới, Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ chí Minh".
  Nào để xem bác ta viết thế nào nhé. Ở trang 113:
  "Khi Chủ tịch bắt đầu đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập giọng sang sảng của Chủ tịch còn nhắc lại rừng núi xa xăm, chiến tranh du kích. Đọc một đoạn ở giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt. Chủ tịch nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Câu hỏi đơn giản này làm tiêu tan tất cả những gì còn xa cách giữa Chủ tịch và nhân dân, và làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng. Với câu hỏi lạ lùng này, không ai ngờ Chủ tịch Hồ chí Minh đã trừ bỏ tất cả lễ tiết, tất cả hình thức, Chủ tịch trở thành _CHA GIÀ_ của dân tộc Việt Nam".
  Quả là một khuôn mẫu tuyệt vời của thể loại “eulogy”
  Cũng trong sách này, bác viết: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không, tất cả quần chúng cảm thấy sâu sắc lòng thương yêu của một người_CHA_, của chủ tịch Hồ chí Minh đối với quần chúng, với nhân dân".
  Bây giờ đến trang 138, bác lại viết như thế này: "Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị _CHA GIÀ_ Hồ chí Minh".
  Cũng trang 138, bác viết, "Đối với nhi đồng, tên Bác Hồ là như một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn".
  Bác đảm đang tè. Vừa làm cha vừa làm mẹ. Đúng la 2 trong 1
  Trong tác phẩm có đoạn viết như sau:
  “...Nhiều nhà văn, nhà báo Việt nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình. Ngày 2-9-45, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.”
  Văn mẫu đã có rồi nhé. Thế thi tôi bắt tay vào việc đây . Tác phẩm sẽ có tựa đề : “ Những mẫu chuyện về đời họat động của Hoàng guitar” Tác giả là Hoàng Guitar, à quên đâu được, tác giả phải là, là ai nhỉ ? Thôi thì sẽ là Trần dân Điên ( cháu gọi Trần dân Tiên bằng chú ). Tôi vốn kém sáng tạo, chỉ mong bám sát văn bản và đi đúng lề là an toàn.
  Bắt đầu. Xin trỗi nhạc lên cho nó hoành tráng.
 
  Đêm nay thầy không ngủ được dù đã khá mỏi mệt. Ngày mai là buổi đầu tiên thầy lên lớp. Cái gì đầu tiên cũng là cái thiêng liêng nhất ( hèn gì tụi nhỏ hay dành nhau póc tem dữ ). Thầy nhẩm đi nhẩm lại bài giảng đến thuộc lòng. Thầy bỗng tự nhủ : Mình có chọn đúng nghề không nhỉ ? Cứ suy nghĩ vẩn vơ rồi thầy thiếp đi lúc nào không biết. 
  Chuông đồng hồ reo. Thầy đã cẩn thận để chuông báo lúc 4g rưỡi. Thầy đứng dậy, bước ra khỏi căn nhà sàn vươn vai, đi bài Thái cực quyền. Khi tinh thần đã minh mẫn thầy vào nhà. Con bé ôsin đã pha sẵn cà phê. Thầy châm một điếu thuốc, nhâm nhi cà phê và lướt net. Những tin tức về đoàn học sinh Việt nam đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế tổ chức tại Somalie , những thông tin về tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 115%, những hình ảnh hoành tráng về buổi lễ phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân cho các lãnh đạo ngành giáo dục…làm thầy phấn chấn hẳn ra. Mình chính là một bộ phận trong cái guồng máy khổng lồ tạo ra những thành tích đó. Thầy gật gù tự thưởng cho mình một điếu 3 con 5 nữa.
  Với tinh thần sảng khoái đó thầy chén bay đĩa ốp la 3 hột gà và một ly cối sữa tươi. Sau đó thầy thay đồ đến trường. Chuông báo vào lớp vang lên, thầy xách cặp tiến về phía lớp học hùng dũng như một viên tướng ra trận. Mà chẳng phải thầy là một chiến sĩ đang trên đường ra mặt trận tiêu diệt giặc dốt sao. Đứng trên bục giảng nhìn xuống hàng trăm cặp mắt ngây thơ của học sinh thầy chợt thấy lòng trào lên một nỗi xúc động khôn tả. Ôi! Những mầm non, những cột trụ của tương lai của đất nước đây rồi. Thầy giảng bài với một giọng truyền cảm, đầm ấm như của một người cha đang giáo huấn những đứa con thân yêu của mình. Thỉnh thoảng thầy ngưng lại hổi “ Thầy giảng các em nghe rõ không ?”. Khi nghe giọng các em đồng thanh “Rõ ạ!” thầy như choáng ngợp trước hình ảnh một đàn rô bốt sản xuất cùng một đợt đang hùng dũng tiến vào cõi mênh mông của tri thức.
  Tôi biết thầy rất ngại nói về mình nên chỉ tranh thủ xin thầy phát biểu một câu tóm tắt những gì thầy muốn làm cho thế hệ học sinh hiện nay. Vẫn với giọng trầm ấm và nụ cười dịu hiền thầy nói : “Tôi chỉ có một ước ao là mọi trẻ em đều được học hành miễn phí cho hết bậc trung học. Còn tôi chỉ mong được chết trên bục giảng hay trên trang giáo án, như một người lính là phải chết ngoài mặt trận” . Tôi nhìn theo dáng thầy đi mà thấy lòng trào lên một niềm ngưỡng mộ vô bờ.
  Đêm đó ngồi trước cuốn giáo án thầy cứ thấy lởn vởn trước mắt hình ảnh những nhà bác học đoạt giải Nobel quốc tịch Việt nam, những hàng hành khách bước xuống máy bay mà hải quan sân bay khi nhìn thấy tấm hộ chiếu Việt nam là kính cẩn cúi đầu mời đi qua không dám khám xét….Với những giấc mơ đẹp đó thầy thiếp đi trên trang giáo án…
  Xong một đoạn rồi. Đọc lại xem sao. Ủa! Tui đó hả ? Ôi ngượng chết đi được. Xấu hổ quá đi à. Chịu thôi. Thôi đi. Ai muốn viết về tôi thế nào thì kệ, bảo tôi nâng bi tôi thế thì thà giết tôi đi còn hơn. Xem ra học cái bác này khó thật nhỉ. Thôi, chỉ xin học cái món hút thuốc thôi, các món khác ai ngon thì học đi. Hèn gì học hoài mà chả ai thuộc cũng phải.
 

Thư gởi một bạn blogger
Trước tiên xin cảm ơn bạn cái đã vì đã lo lắng cho sự “an nguy” của tôi. Tấm lòng của bạn tôi xin nhận. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy cần phải nói thêm ít nhiều về những điều bạn vừa góp ý.
Bạn khuyên tôi không nên nhắc lại quá khứ. Tôi đã nhảy sang blog của bạn và tôi thấy bạn cũng đang viết rất nhiều về quá khứ. Thế thì yêu cầu của bạn có lẽ hơi quá đáng. Không có hiện tại nếu không có quá khứ. Quá khứ có thể có sai lầm, tội lỗi hay thậm chí nhơ nhuốc đi nữa thì cũng không nên quên đi. Nó là bài học cho hiện tại. Nếu quá khứ của tôi có điều gì làm bạn thấy khó chịu thì cũng đành vậy. Tôi đâu có đẻ ra quá khứ. Có điều theo tôi nghĩ, không biết có đúng không,bạn không trách móc gì quá khứ của tôi, chỉ có điều bạn khuyên tôi đừng nói đến những vấn đề …nhạy cảm. Bạn dùng một từ mà tôi cực ghét. Không phải vì bản thân nó đáng ghét mà vì bây giờ người ta đang lạm dụng nó để che đậy, bưng bít những cái xấu xa. Bản thân tôi cũng là một người khá … nhạy cảm ( theo cái nghĩa trong sáng nhất của nó ). Tôi dễ cười, dễ khóc, dễ nổi giận. Và đọc mess. của bạn tôi đã giận, không phải giận bạn đâu. Đừng giật mình.
Nói mông lung quá chắc hơi khó hiểu. Xin nói cụ thể đến những điều bạn đề cập. Bạn bảo blog là nơi chơi đùa vui vẻ thôi. Dù bạn mích lòng tôi cũng xin nói thẳng là bạn sai hoàn toàn. Bạn cứ chơi đùa vui vẻ nếu bạn thích. Nhưng nếu có ai đó khóc lóc kể lể thì đó là quyền của người ta, người ta khóc trong “nhà” của người ta. Bạn có thể vào an ủi, nhưng bạn không thể nhảy vào bảo người ta “Chổ này chỉ cười, không được khóc”. Bạn cứ ngẫm đi rồi thấy tôi nói có đúng không. Tôi cũng chủ trương vui cười là chính, nhưng đôi khi tôi cũng khóc ra trò đấy. Tại sao tôi lại phải vờ cười khi tôi chỉ muốn khóc. Bao nhiêu năm con người ta được dạy phải sống dối trá đến mức mà bây giờ tiếng cười tiếng khóc cũng phải …theo lề bên phải ư. Xin lỗi bạn, chắc bạn cũng thấy nó vo lý rồi.
Bạn khuyên tôi đừng phát biểu quan điểm chính trị. Bạn làm tôi giật mình đấy. Tại sao tôi lại không thể phát biểu quan điểm chính trị được chứ ? Mà nếu bạn đọc tôi kỹ một chút bạn sẽ thấy chẳng có chính trị gì ở đây cả. Và thậm chí nếu tôi có tuyên bố rằng tôi không thích chế độ này ( giả dụ có lúc tôi nói thế ) thì có sao nào. Chẳng lẽ tôi không có cái quyền được thích hay không thích, yêu hay không yêu một cái gì đó sao. Tôi vẫn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Còn việc thích hay không thích của tôi chẳng ai xía vào được
Bạn phong cho tôi là một “dissident”. Cảm ơn bạn đánh giá quá cao. Tôi không xứng đáng được đứng ngang hàng với những vị đó dù rất ngưỡng mộ họ. Tôi là một blogger, không phải là một politician. Tôi trình bày quan điểm, tôi không kêu gọi ai. Tôi tâm sự chứ tôi không kích động. Tôi chê bai chứ tôi không thoá mạ. Xin bạn đọc kỹ lại cho.
Bạn nói với tôi về công an mạng. Tôi không nghĩ bạn hù tôi, mà là bạn thật sự lo lắng cho tôi. Tôi cũng thừa biết là để truy ra IP và địa chỉ nhà ở của tôi là chuyện dễ như trò trẻ con. Nhưng công an chúng ta rảnh rỗi thế sao ? Những tên tuổi như TacKe, honvienxu, breakprison…đáng cho họ quan tâm hơn. Ai lại thèm đi để ý đế những blogger cắc ké như tôi chứ, và tôi nghĩ nếu có đọc tôi họ còn thấy thích nữa. Biết đâu ít hôm nữa tôi lại được tặng huy chương vì sự nghiệp blog nữa ấy chứ.
Tóm lại một phát thế này : Bao nhiêu xương máu đổ ra để ngày hôm nay chúng ta có thể tự do cười khóc, khen chê trên những trang blog này. Thế thì đừng vì một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó mà hoãn cái sự sung sướng ấy lại cả.
À quên , bạn còn khuyên tôi không nên đưa lên những hình ảnh về lính tráng hồi xưa vì nó … phản cảm. May mà chưa gọi là phản động. Ơ hay! Sao lại không ? Người ta tha hồ đưa lên những hình ảnh hồi còn bé, hồi còn đi học, hồi còn tung tăng ghẹo gái để hồi tưởng lại kỷ niệm của một thời. Thế thì tại sao tôi lại không đưa được những hình ảnh của một thời máu lửa của tôi ? Tại sao tôi lại phải quên nó đi khi nó là cái phần đời mà tôi nhớ nhất ? Điều này bạn không giải thích. Phản cảm là gì tôi cũng chưa hiểu hết nghĩa. Chịu !
Tóm lại thế này : Cửa nhà tôi luôn rộng mở. Bạncứ thoải mái vào đọc , nghe nhạc, viết comment. Tôi rất vui mừng chào đón. Còn những điều tôi viết bạn cứ góp ý. Tôi có thể nghe ra ( tôi cũng là thằng biết phục thiện lắm ). Mà tôi cũng có thể không đồng ý, tôi có thể tranh luận. Xã hội dân chủ nó phải thế. Nhưng tôi không thể uốn lưỡi nói những điều mớm sẵn từ miệng người khác. Muốn đọc những cái đó, mời bạn mua báo, bất cứ tờ báo nào hiện nay. Bạn ghé tới trang Blog của nhà báo Trương duy Nhất đi. Ông ta tuyên bố : Bây giờ báo nào cũng như báo Nhân dân cả. Mà báo Nhân dân là một tờ báo không nhân dân nào thèm đọc. Nguồn : http://truongduynhat.vnweblogs.com/
Tôi không muốn viết những lời dối trá để rồi sau này phải rên rỉ như nhà thơ Chế Lan Viên. Xin tặng bạn vài bài di cảo của ông để bạn tham khảo.

Trừ đi

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay...trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
Ðã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!

Bánh vẽ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...

Tháng 8 năm 1991



Ai? Tôi?


Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?
Tôi!
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười!...

1987

Vậy đó. Tôi muốn nói với bạn rằng : Sau này bạn đọc thơ tôi nên nhớ : Chính tôi viết đấy. Vẫn mong bạn ghé blog tôi chơi và có những nhận định … xác đáng hơn. Một lần nữa, cảm ơn bạn vì tấm lòng .







Ký ức 34 năm trước

  Những ngày này cách đây 34 năm mình và các bạn mình đang làm gì nhỉ ? Tụi thằng Long thằng Khôi thi đang nghiến răng trụ ở Phan rang, thằng Trung mấy hôm trước còn nằm trên đèo Phượng hoàng với lính dù của tướng Tất giờ này chạy đâu mất tiêu không biết sống chết ra sao, thằng Hải, thằng Dương đã về Nha trang trình diện uỷ ban quân quản rồi, đang chuẩn bị đi học tập. Còn tụi thằng Dư, Quân, Lương ngoài vùng I nghe nói được bốc vô Sài gòn để tử thủ. Hừ! Tử thủ. Nghe sướng cái lổ tai nhỉ. Đa số mấy ông mang sao mang mai bạc gói ghém chuẩn bị con bài chuồn, chỉ mấy thằng mai vàng tụi mình với mấy thằng lính lo tử thủ!
  Ông già thì đang lênh đênh trên biển rượt theo con tàu chở tiền của Ngân hàng Việt nam thương tín vào Sàigòn để đòi lại tiền. Mấy triệu bạc trong đó chứ ít sao. Mình cũng đã lên trường cũ trình diện, dẫn học sinh đào hầm trú ẩn, đề phòng Mỹ quay trở lại ( cán bộ nói thế ). Tối tối về nghe lén đài BBC coi tình hình chiến sự tới đâu rồi. Cũng le lói chút tia hy vọng mong manh. Thằng Sơn rủ mình vào Sài gòn bằng đường biển. Nó có ông anh ở Bộ Tổng tham mưu, định nhờ ổng lo cho lên máy bay ra hạm đọi 7. Mình nhìn lại gia đình, chỉ có ba mạng, ông già thì đang lênh đênh trên biển, còn có mỗi bà già. Mình đương nhiên thành chủ gia đình, đi sao được. Thôi , mày đi đi.
  Vân cũng chạy lại rủ đi theo gia đình. Nhà Vân đi cũng phải rồi, ông già là trung tá lực lượng đặc biệt, ở lại chắc hổng yên. Cũng đành từ chối. Bây giờ nghĩ lại cái thằng lãng tử như mình, sau này có lúc đi một hồi mấy năm không về nhà mà sao lúc ấy lại quyến luyến gia đình đến thế. Chả hiểu! Tự nhiên tinh thần trách nhiệm lên cao bất tử.
 Mình với mấy thằng bạn lại thăm thầy Cung giũ Nguyên, sẵn hỏi ý thầy chuyện đi hay ở. Thầy vốn tinh thông lý số mà. Thầy phán chắc nịch : “ Không sao đâu, rồi sẽ có giải pháp chia đất lại thôi, chẳng cần phải đi đâu”. Cũng mong thầy nói đúng. 
  Lang thang xuống chợ trời xem những người giải phóng sắm đồ. Đa số bị dân chợ trời gạt trắng mắt ra. Nhìn mấy em hí hửng đeo cái đài lủng lẳng mở oang oang đi ngoài phố như một trạm thông tin di động vừa thấy bực vừa thấy tội. Những em khác thì săm soi cái đồng hồ Seiko “ không người lái, hai cửa sổ” ra cái điều đắc ý như vừa thu được một món chiến lợi phẩm. Vài chú khác thì loay hoay với chiếc xe đạp mới tậu. Cậu nào sắm đủ cả ba món trên coi như tha hồ được anh em ngưỡng mộ. Tiêu chuẩn để được làm người lúc ấy là phải có 3Đ : đài, đổng , đạp mà. Đừng nói chủ nghĩa gì cho cao xa, hoá ra xương máu đổ ra dưới những mỹ từ cao cả chỉ cốt có thế thôi. Bi kịch!
  Cái Timex của mình cũng được vài chú quan tâm hỏi mua. Mình cũng hét chơi một cái giá kha khá. Các chú lảng ngay. Chỉ tiêu lúc này là Seiko thôi. Mẹ khỉ, cái Timex dẹp lép của anh đáng mấy lần cái Seiko của mấy chú đấy. Tò mò đứng nghe họ nói chuyện. Cũng nói tiếng Việt nhưng sao như ở từ một thế giới xa lạ nào đến. Đi lang thang ra sau chợ thấy có một xác chết, nghe nói bị xử bắn vì tội bán đồ dỏm cho bộ đội. Kinh!
  Những ngày đó tâm trạng khó tả. Chẳng còn là nỗi sợ hãi nữa. Là một cái gì lơ mơ, hoang mang trước một tương lai không biết sẽ ra thế nào. Thôi kệ. Que sera sera!

Tôi làm thơ như thế nào

  Dạo một vòng qua các blog thấy thơ ơi là thơ. Các bài thơ post lên cũng là nơi tập trung nhiều comment nhất. Tôi cũng chẳng là ngoại lệ. Thỉnh thoảng cũng có người khen bài này hay, câu kia đắt, tứ nọ tuyệt hay…Thế là tôi tự coi mình là một nhà thơ, tệ nhất cũng được là một … lều thơ hay chòi thơ. Hôm nay bèn tạm quên đi quá khứ, xếp lại những hồi ức buồn, nhìn về tương lai, và viết về những chuyện bếp núc của một nhà thơ.
  Xin nói trước là tôi hoàn toàn không dám chỉ ai cách làm thơ, tôi chỉ kể cho các bạn nghe tôi làm thơ như thế nào thôi. Nếu nó giúp gì được cho các bạn thì hay quá, còn không thì cũng giúp bạn tham quan căn bếp của một nhà thơ, xem anh ta xào nấu như thế nào mà đẻ ra được những bài thơ “hay” đến như vậy. 
  Tôi làm những câu thơ đầu tiên năm lên lớp 6 cơ. Cũng chả phải thần đồng như anh Trần đăng Khoa đâu. Chẳng qua hồi ấy chương trình quốc văn có bài về luật thơ lục bát và thất ngôn bát cú. Đầu tiên chúng tôi phải học luật cái đã. Thế là trước giờ vào lớp môn văn hôm sau, chúng tôi đứa nào cũng lầm bầm : “Bằng bằng trắc trắc bằng bằng, bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng”. Nghe cứ như bắn nhau í. Sau khi dò thử vài chú xem chừng thấy chúng tôi đã thuộc luật rồi, thầy mới bổ sung thêm một số kiến thức về cước vận và yêu vận, kèm thêm câu thần chú “nhất tam ngũ bất luận nhị tứ lục phân minh”. Hôm đó thầy ra bài tập là mỗi chú phải làm cho hai câu thơ hôm sau đọc cho cả lớp nghe.
  Hai câu thì nhằm nhò gì, tôi làm hẵn luôn hai ba chục câu. Mà làm thơ đọc lên nghe nó hay hay làm sao í. Một chuyện rất bình thường mà mô tả bằng thơ nghe lãng mạn hẳn ra. Ví dụ nhé
  “Nhà em có một con heo”
  “Hôm qua nó đói nó trèo ra sân”
  Rõ ràng hai câu đó mà nói bằng văn xuôi thì nghe chẳng là gì cả, nhưng cứ nhét vào thơ là tự dưng hình ảnh chú heo lãng mạn hẳn ra. Thành ra tôi bắt đầu khoái làm thơ từ dạo ấy.
  Hôm trước, khi giảng thầy có đưa một câu ca dao làm ví dụ
  “Trúc xinh trúc mọc đầu đình”
  “Em xinh em đứng một mình cũng xinh”
  Thế là nhiều bố chẳng có óc sáng tạo gì, cứ y kinh mà làm, cho trúc đứng lung tung cả. Xin đưa vài ví dụ “mọc bờ rào…chổ nào cũng xinh” , “ mọc ngoài hè…lè phè cũng xinh” … Mà cũng phải thôi, em đã xinh thì đứng đâu, đứng kiểu gì lại chả xinh. Vậy đó, tôi đã rón rén đi vào thơ như thế.
  Thuở nhỏ chúng tôi hầu như đứa nào cũng thuộc dăm ba câu thơ lãng mạn, còn tôi thì không bỏ sót tập thơ nào của các nhà thơ nổi tiếng. Mà hồi đó chúng tôi mê thơ ai? Thì Xuân Diệu, Huy Cận, Chế lan Viên, Hàn mặc Tử, Nguyễn Bính…Tôi có hẳn cả một tủ thơ, Nào “Gởi hương cho gió”, “Thơ thơ” , “Điêu tàn”… đủ cả.Viết lưu bút cho bạn bè cuối cùng thế nào cũng ráng nặn ra vài câu thơ. Đầu tập lưu bút là vài câu thơ củachủ nhân hoặc của ai đó, cũng giống như ta treo một cái “blast” bây giờ ấy.
  Nếu bạn hỏi điều gì cần nhất để làm thơ hay thì tôi cũng chịu. Có người nói là cảm xúc. Cũng cần đó, nhưng không nhất thiết phải có. Xin được minh hoạ. Khi T.H. viết : “Vui biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Stalin” mà ai bảo rằng đó là cảm xúc thật thì tôi đến chịu. Nhưng phải công nhận thơ ông hay. Ông không có cảm xúc nhưng ông truyền được những cảm xúc tự tạo đến được người đọc thơ. Tôi thì vẫn chỉ coi ông là một thợ thơ có tay nghề cao, những bài thơ của ông là những bài vè công nghệ cao. Thế thôi. Đọc những bài thơ cuối đời của ông mới thấy con người thật của ông, băn khoăn, lạc lõng…không còn thấy thép đâu cả.
  Vậy thì cảm xúc cần đấy, nhưng không phải là cái cốt tử. Một yếu tố khác là nhà thơ phải có những giác quan khác người và óc liên tưởng mạnh mẽ. Họ phải thấy những điều không ai thấy, và từ những cái thấy họ liên tưởng, hoặc suy tưởng ra những điều khác với thực tế. Hãy đọc Trần đăng Khoa mới thấy sự liên tưởng của một nhà thơ nó mạnh mẽ cỡ nào. Chỉ với một góc sân và khoảng trời nhỏ bé anh nhìn những cái bình thường dưới con mắt một nhà thơ. TĐK đúng là một nhà thơ ( hồi nhỏ cơ, sau này người ta làm thơ anh hư rồi ). Chỉ cần hai câu thế này đã làm tôi ngưỡng mộ anh : “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Không còn gì để bàn. Lần đầu đọc câu này tôi đã phải… nghiêng đầu để mường tượng ra chiếc lá của TĐK rơi đấy. 
  Hồi nhỏ đọc Xuân Diệu chúng tôi cũng mường tượng nhà thơ là cái gì cao siêu lắm. Hãy nghe: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/Để tâm hồn treo ngược với cỏ cây…”. Thế là vài ông thơ thẩn thì chưa ra sao nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ như đang ru với gió và mơ theo trăng ấy. Thấy chỉ muốn đưa vào Biên Hoà nhốt. Xin nói ngay với các bạn rằng chẳng cần phải như thế, cho dù anh là nhà thơ chuyên nghiệp. Với đa số chúng ta, đặc biệt là với tôi, thơ là nơi ta trang trãi được những xúc cảm mà văn không chuyển tải được. Cấu trúc của văn đòi hỏi sự liền lạc, logic, trong khi cảm xúc thì mơ hồ, mông lung, như sương như khói, hư hư thực thực. Thế thì thơ là tiện nhất. Với thơ ta có thể đang dưới trần gian bay lên cung Hàn , ghé thăm Tây thiên rồi sau đó đàm đạo cùng …Obama.
  Muốn làm thơ hay, theo tôi, phải biết thưởng thức thơ hay. Gần đèn thì sáng mà. Cái này thì không ép uổng được. Hồi mới học lớp 9 tôi đã khoái bài Tràng giang của Huy cận, trong khi đa số các bạn tôi lại không. Tôi cũng chẳng hiểu sao, chỉ biết đọc nó lên thấy nó …hay. Thơ đừng đọc thầm. Thơ Việt ăn thơ nước ngoài ở cái âm điệu trầm bổng, nó nâng cái lời thơ trên một cái nền âm thanh rất… thơ. Tôi cũng đã đọc Byron, Verlaine, Akhmatova, Êxênhin…Hay đấy, hay ở cái ý tứ, nhưng ngâm lên thì thua đứt thơ ta.
  Bây giờ mới nhìn lại cái tít bài. Vẫn chưa nói với các bạn tôi làm thơ thế nào hả. À, tôi làm thơ … như thế đấy. Đầu tiên phải có tí ti cảm xúc, cảm xúc tự thân hay do đọc được một cái gì đó. Đã nói là người làm thơ cần có sự liên tưởng mạnh. Thế cái ta đọc đó nó vận vào ta và biến thành cảm xúc của riêng ta. Thứ đến là số vốn từ ngữ phải cho phong phú, để đối phó những khi ý hay nhưng để vào thì lại không đúng với luật thơ. Muốn vậy phải đọc sách nhiều. Lớp trẻ bây giờ xin nói thẳng ít chịu đọc sách lắm, cũng có khi phải bị bắt đọc nhiều thứ quá nên thấy sách là ngán 
  Cái nữa là đừng có bịa đặt, khiên cưỡng quá. Đừng để như CLV đến cuối đời thơ đã phải viết :”Sau này ai đọc thơ tôi nên nhớ/Có phải tôi viết đâu…/Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi…” Ôi , thương thay cho cả một đời thơ.Mà nhắc đến ông mới nhớ. Sau 75 nhà thơ LTL vào Nha trang nói chuyện cùng giáo viên trong tỉnh. Chúng tôi chen nhau đi, dành nhau ngồi ở hàng đầu để nhìn được thần tượng thời thơ ấu của mình. Khi nghe yêu cầu đọc bài “Tiếng thu”, ông tránh né, đọc “tiếng thu2”. Nhớ loáng thoáng có câu.”Con nai vàng không còn ngơ ngác nữa em ơi…”. Đến lúc đó chúng tôi bắt đầu … ngơ ngác, bỏ về. Thất vọng tràn trề!
  Rồi! Cảm xúc có rồi, ngôn từ có rồi. Xào nấu thành một bài thơ hay là chuyện của mỗi nhà thơ. Chúc các bạn thành công … như tôi. Hè hè

Lan man mùa Phục sinh

 Sao dạo này tôi khoái cái thể loại “ lan man “ này thế không biết. Có lẽ nó hợp với tạng người của tôi nhất, nói cho oai một chút là nó hợp với cái nghệ sĩ tính của tôi . Nhưng cứ thấy vui đâu chầu đó như thế này thì cho đến già tôi cũng không thành một ngừời nghiêm chỉnh được. Mà việc gì phải thành một người nghiêm chỉnh nhỉ? Sống là thơ mộng mà chơi. Thế thôi. Ai muốn chết để lại sự nghiệp, tiếng tăm, tài sản gì gì đó thì kệ. Tôi xin để lại tiếng cười. Và tôi tự phong mình là “People’s Comedian”. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.
 Trên mạng này không thiếu những blogmate của tôi là người Công giáo, do đó phải xin nói trước là tôi chẳng cao đàm khoát luận gì ở đây cả. Tôi chỉ xin trình bày những kinh nghiệm của bản thân tôi về tôn giáo. Có thể nó chẳng hay ho gì, có thể nó đầy dẫy những lỗi lầm. Nhưng chẳng phải là người ta có thể học được nhiều điều từ những sai lầm của người khác đó sao? Tôi xin nguyện làm con chiên tế lễ để quí đồng đạo qua tôi mà thêm tin yêu Chúa hơn. Người ta có thể yêu cái đẹp vì chính bản thân cái đẹp. Nhưng người ta cũng có thể yêu cái đẹp khi đem đặt nó bên cạnh cái xấu xí. Hy vọng những kinh nghiệm của một con chiên … hay đi lạc như tôi có thể giúp quí đồng đạo sống tốt đời đẹp đạo hơn. Chà! Cụm từ này nghe quen thế nhỉ.
 Xin trân trọng giới thiệu : Tôi là con nhà nòi, đạo dòng ô ri gin trăm phần trăm. Tôi là kết quả của một mối tình – không biết có đẹp hay không vì lúc đó đã có tôi đâu- giữa một thầy tu xuất và một bà sơ, dĩ nhiên cũng xuất. Đang mặc áo dòng mà yêu nhau rồi sinh ra tôi thì có mà loạn. Thế là vài ngày sau khi sinh, tôi được bố mẹ ẵm đến nhà thờ để rửa tội.Tôi thì đã làm gì nên tội đâu, tội này là do hai vị Adam và Eva truyền lại. Thế là đời xa lắc làm mà đời tôi phải chịu. Thôi cũng được, rửa cho chắc ăn. Vậy là khi được ẳm ra khỏi nhà thờ tôi hoàn toàn trong trắng. Nói dại lúc đó có thằng Taliban nào chơi một quả đùng là tôi bay cái vèo lên Thiên đàng ngay tức khắc. Hai ông bà già tôi thì còn phải kiểm điểm xem thử có đủ tư cách pháp nhân không rồi mới được vào. Mà chưa chắc đã được đâu nhé.Sống lâu thế thì chắc là khối tội. Thường thì các vị sẽ không bị xuống hoả ngục đời đời mà sẽ bị giam có thời hạn ở Luyện ngục, cũng khổ không kém hỏa ngục, nhưng còn có thời hạn phóng thích, sau đó mới được lên Thiên đàng đoàn tụ với tôi.
 Thời thơ ấu của tôi trôi qua rât thánh thiện ( ngày hai lần ). Sáng thức dậy việc đầu tiên phải làm là làm dấu, cảm ơn Chúa đã cho mình sống thêm một ngày nữa.Sau đ ó là đi lễ Trước mỗi bửa ăn phải làm dấu , đọc kinh cảm ơn Chúa đã ban cho bữa ăn. Ngon dở gì không biết, cứ có cái ăn là cảm ơn cái đã. Trước khi đi ngủ phải họp lại đọc kinh, tạ ơn Chúa đã cho một ngày trôi qua, xin Chúa phù hộ cho ngủ yên giấc.
 Nói tóm lại thì nếp sống của tôi cũng như mọi người Công giáo khác, có điều tôi đi nhà thờ nhiều hơn tí. Luật đạo chỉ buộc phải đi lể ngày chúa nhật thôi, còn tôi là đi suốt. Mọi chuyện cứ thế trôi qua êm ả. Thế rồi lớn lên một chút tôi bắt đầu có những thắc mắc. Tôi bèn đem hỏi bố tôi, chẳng hạn đọc Dumas tôi thấy có những triều đại Giáo Hoàng rất bê bết, cũng vợ này con kia, cũng tranh dành quyên lực, cũng âm mưu chém giết. Bố tôi nạt ngay, bảo đó là chuyện phản đạo, do kẻ xấu tung ra để phá đạo. Cũng như bây giờ ai bảo ông Hồ có vợ có con hay bảo chuyện anh Lê văn Tám đốt kho xăng là chuyện tào lao, bịa đặt thì sẽ bị gọi là phản động, là diễn biến hoà bình …mặc dù bâ y giờ hầu như ai cũng biết cái tổ con chuồn chuồn rồi. Lúc đó tôi tin bố tôi. Thế nhưng sau này đọc thêm nhiều nữa tôi mới biết cái ông Dumas đó không phản động chút nào, những điều ông viết là những sự thật lịch sử được tiểu thuyết hoá. Vậy thì tín điều về sự “bất khả ngộ” của Giáo Hoàng phải giải thích thế nào? Bố tôi phải lùi một bước, giải thích rằng GH chỉ bất khả ngộ ( không thể sai lầm ) khi tuyên bố về những tín điều trong đạo thôi, còn với tư cách là một con người thì Ngài vẫn “ngộ”, vẫn có thể sai lầm nhưng mọi người. Tôi vẫn cứ nghĩ : Chúa lựa trong hàng tỉ người để có một người đại diện cho mình sao không lựa một người cho tử tế nhỉ? Hay Chúa cố tình làm ra thế để cho thiên hạ thấy ai cũng “khả ngộ” cả? Tôi chả hiểu được. Ngộ nhỉ.
 Xem ra tôi thấy để thành một tín đồ tốt là phải chịu khó bớt suy nghĩ lan man dùm, cũng như để thà nh một công dân tốt thì đừng có mà tơ tưởng đến dân chủ , nhân quyền…Càng nghĩ càng rối thêm. Tôi càng lớn lên thì tôn giáo càng có những đổi mới. Đây đúng là những đổi mới để phát triển. Cũng như ta mà không đổi mới thì bây giờ toàn dân có nước tay bị tay gậy đi ăn mày ráo. Nói dến đổi mới tôi chợt thấy buồn cười. Có chuyện một thằng ngốc kia làm mãi một công việc không xong. Đã bảo là ngốc mà. Trong khi các bạn nó làm xong đi chơi cả. Cuối cùng nó quyết định thôi thì cứ làm theo mấy thằng bạn, và công việc bắt đầu tiến triển. Thế là ai lại chơi nó cũng khoe : “ Mày thấy tao khôn chưa? Tao mà không đổi mới cách làm thì bây giờ còn lâu mới được thế này nhé”. Và nó tự sướng, gặp ai cũng khoe um về cái sự “ưu việt” của mình, quên béng mất cái thời ngu si mò mẫm cái cách làm tầm bậy. Đến là chán mấy thằng bờm.
 Đổi mới của tôn giáo không phải là cái đổi mới để tồn tại như đổi mới của nhà nước. Đây là một sự đổi mới để hoà nhập cùng thế giới hơn. Những luật lệ cũng bớt khe khắt hơn. Hôn nhân khác đạo bấy giờ cũng trở nên phổ biến, người công giáo được phép thắp nhang, thờ cúng ông bà cha mẹ…Những cái đó chưa ảnh hưởng đến tôi mấy, chỉ có một cái là trong nhà thờ khi dự lễ không còn những câu đối đáp bằng tiếng La tinh vô nghĩa nữa. Bà già tôi một tiếng ngoại ngữ không biết nhưng vô nhà thờ nghe cha phán “Đô mi num vô bít cum” là cứ việc đáp lại như máy “Ê cum sì pi ri tu tu ô” mà chẳng hiểu quái gì. Bây giờ thì nó thành ra là” Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng Cha”. Thế nghe có phải tình cảm hơn không nào.
 Lớn lên tôi lại có những suy nghĩ “phạm thượng” hơn –Có Chúa không nhỉ? Có Thiên đàng hỏa ngục không nhỉ? Hỏi vậy thôi chứ bố ai mà trả lời được. Thế nhưng khi bị công kích thì tôi sẵn sàng liều mình để bảo vệ cho đạo của mình. Nhớ lại lúc nhỏ chơi với mấy nhỏ bạn trong xóm. Lúc thanh bình thì không sao nhưng khi xảy ra chiến sự thì tụi nó chọc tôi “Đức Chúa Giêsu đánh đu gãy cẳng” . Tôi cũng phang lại “Nam mô a di đà Phật cọp vật thầy chùa”. Đấu khẩu đã rồi nhào vô đánh nhau. Thì cũng như các hiệp sĩ thánh chiến hồi xưa lên đường chinh chiến để bảo vệ cho Giáo Hoàng đó mà. Sau 75, vị hiệu trưởng trường tôi trong một đêm ngồi tâm sự có giáo huấn cho tôi thế này “ Hồi xưa con người còn dốt nát, thấy các hiện tượng thiên nhiên không giải thích được bèn đổ cho thánh thần thượng đế. Bây giờ chúng ta có học, có kiến thức rồi sao anh vẫn tin Chúa?”. Ôi giời ạ. Cái bài tôn giáo vận sơ dẳng này mà đem hù tôi hả. Tôi bèn nhẹ nhàng hỏi” Thưa anh, kiến thức phải đạt đến mức nào mới khỏi tin ở thượng đế ạ. Anh biết Newton chớ, khi người ta hỏi ông ta một câu tương tự như anh vừa hỏi tôi, ông ta bèn chỉ lên trời và nói” Cứ nhìn đi rồi khắc tin”. Thế thì kiến thức chắc phải hơn Newton nữa kia à. Khó nhỉ!” Anh ta im ngay. Và tôi bèn hù anh ta “ Ngay Engels cũng đã từng nói : Kiến thức lơ mơ làm người ta xa thượng đế nhưng kiến thức sâu sắc đem người ta lại gần Ngài”. Gì chứ trích Engels là thằng em nín khe. Đúng là câu này của Newton nói, nhưng tôi gán nó cho Engels cho nó…chất lượng cao. Nghệ thuật hùng biện đấy!
 Mà phải nói tôi dám chắc tôi đọc nhiều hơn các vị ấy về Marx, Engels, Lenin, mà tôi còn được đọc cả Heidegger, Sartre, Alexis Zorba Solzhenitsin… nữa kia, những thứ mà lúc ấy các vị chắc chưa bao giờ được nghe nói đến. Cho nên tôi nhìn rộng hơn cái giếng kiến thức bé tí mà các vị mới chui lên. Bày đặt tuyên truyền hả. Bỏ đi tám. Sau 75 nghe nói các văn nghệ sĩ ngoài Bắc vào lùng kiếm những tác phẩm mà chúng tôi đã đọc đến nát cả ra. Lúc đó các vị mới thấy ngoài cái miệng giếng đó còn có một khung trời rất rộng với muôn ngàn kỳ hoa dị thảo mà lâu nay họ không được phép thưởng thức. Thế hệ bây giờ thì đọc nhiều rồi nhưng lại không dám phát biểu những gì mình nhận thức. Làm con vẹt bao nhiêu năm quen rồi, muốn thành đại bàng cũng khó.
 Ờ mà nói đên đây tôi chợt nhớ đến một câu chuyện cười ra nước mắt. Một hôm tôi cùng với vị hiệu phó ở “A vào” đi thăm phụ huynh học sinh. Vào nhà thấy hình Quan Âm anh ta bèn hỏi tôi: “Thế cái con kia là Thị Mầu hay Thị Kính thế nhỉ?”. Kiến thức về tôn giáo đến thế thì thôi. Chỉ học vẹt dăm ba câu như tôn giáo là thuốc phiện…là tưởng có thể đánh sập tôn giáo tới nơi rồi vậy. Cái anh này lại có lần giảng cho tôi biết rằng thì là tôn giáo nó dựa trên sự ngu dốt của con người. Khi con người ta có đầy đủ kiến thức rồi thì chẳng cần phải ai chống tôn giáo cũng sẽ tự tiêu vong, vì cái nền tảng của nó: sự ngu dốt, không còn nữa. Lần này thì tôi chẳng thèm rỗi hơi để giáo hóa nữa. Cho ngu luôn cho biết. Làm thầy mấy thằng dại ngán lắm. Đấy, bây giờ thì trắng mắt ra đấy. Ai sập đổ rầm rầm thế nhỉ?
Ơ! Tôi lại lan man đi đâu thế này? Trở lại chủ đề tôn giáo thôi. Voltaire, một triết gia vô thần nổi tiếng đã nói ( Voltaire thiệt à nhen ) : “Nếu không có tôn giáo, con người cũng phải tạo ra tôn giáo”. Tôi hiểu câu nói này theo cái nghĩa tôn giáo là một cái thành phần đối trọng giữ cho con người ta khỏi sa đọa quá mức, giúp con người ta không chạy theo vật chất quá đáng. Và như thế chỉ có hay thôi. Chuyện kiếp sau thế nào xin không bàn tới, nhưng rõ ràng là tôn giáo chỉ giúp cho con người sống tốt lên . Tôi thấy những người ở ngoài chợ hung hăng ra phết nhưng vào nhà thờ thì vòng tay đi đứng rón rén thấy thương. Thế thì mặt tích cực của tôn giáo là khỏi phải nói rồi.
 Một khía cạnh tiêu cực của tôn giáo cũng như của các chủ thuyết là sự cuồng tín. Nó áp đặt những tín điều mà người đi theo chỉ có tin chứ không bàn cãi. Tôn giáo gọi là những tín điều, những mặc khải ( cũng giống như máy tính cài chế độ mặc định ấy mà, cứ thế mà chạy, chạy kiểu khác là lỗi). Đúng là có những điều không thể giải thích cho mọi người đều hiểu cả, nhưng cứ thế dần dà người ta quen với sự sự tin tưởng máy móc đó, và thế là người ta sẵn sàng làm những việc tàn ác, miễn là những điều đó được chúc phúc. Những vụ đánh bom liều chết là một minh chứng rõ rệt cho sự cuồng tín ấy. Con người Việt nam ta vốn thờ cha kính mẹ, thế nhưng trong một cơn say cuồng tín người ta sẵn sàng sỉ vả đấu tố cha mẹ mình, gọi họ bằng thằng này con nọ cũng là một ví dụ khác gần gũi hơn của cái sự tin tưởng một cách cuồng tín này.
 Phải thừa nhận rằng tôn giáo đưa ra những lối sống đẹp quá, đẹp hơn mơ nữa. Chúa dạy : At tát con vào má phải, hãy chìa má trái cho họ”. Dĩ nhiên không nên hiểu câu này theo nghĩa đen, có mà điên, nhưng tha thứ đến cỡ ấy thì xin lỗi Chúa, con không lột da nó là may lắm rồi. Thế nhưng cũng nên hiểu lý thuyết là một chuyện, áp dụng vào thực tế lại là chuyện khác. Chủ thuyết , tôn giáo nào cũng thế. Tuy nhiên đời tôi không dưới một lần, trong những lúc cùng khốn, tôi đã vào nhà thờ quì một mình tâm sự với Chúa, xin Người chỉ cách thoát ra. Dù Người chẳng chỉ vẽ gì nhung khi bước ra khỏi nhà thờ tôi vẫn thấy tâm hồn mình nhẹ hẵn ra. Gánh nặng đã được trút bớt.
 Một triết gia khác quên tên đã nói : Người giàu tin ở Chúa vì họ có tất cả, còn người nghèo thì vì họ không có gì”. Vậy là đề huề. Ai cũng có chổ trông cậy ở Chúa cả. Tôi đã nói rồi, tin ở những ước mơ đẹp, tin vào những câu chuyện thần thoại, tin vào cổ tích chỉ có làm con người tốt ra thôi. Vì thế tôi vẫn là người có đạo dù đã lâu tôi không đi nhà thờ. Xưng tội rồi bước ra khỏi nhà thờ lại phạm tội là điều tôi không thích làm. Lúc trước lâu lâu tôi vẫn đi lễ dù chưa kịp xưng tội. Đến khi rước lễ tôi đọc câu kinh mà người có đạo nào cũng thuộc: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào lòng con nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”. Đố các bạn biết Chúa có phán không? Tôi thì tin là có, và thế là tôi hùng dũng lên rước lễ, dù với nhiều người đây là một việc làm phạm thánh. Xí! Chúa đâu có nhỏ mọn như mấy người nghĩ. Chúa mà cũng như mấy người thì làm sao gánh tội cho cả trần gian. Đấy, cứ xem cái thằng ăn cướp bị treo cùng Chúa trên đồi Golgotha đó. Chỉ cần một câu “Tôi tin Ngài là con Thiên chúa” vậy là Chúa cho lên Thiên đàng ngồi bên cạnh Đức chúa cha ngay. Oai phết. Chúa phải như thế chứ.
 Nhân ngày Phục sinh , xin chúc các đồng đạo một mùa Phục sinh an lành, tràn đầy hồng ân Thiên chúa. Có dư xin chia cho tôi một chút. Tôi vẫn là một con chiên lạc đàn. Nhưng một ngày tôi sẽ quay về. Các vị có nhớ dụ ngôn về đứa con hoang đàng chứ. Thành ra khi thấy tôi quay về mà Chúa mừng rỡ tổ chức tiệc linh đình thì đừng có mà ghen tị nhé. Máu của Chúa đổ ra chính là vì những kẻ như tôi đấy. Một lần nữa Happy Easter. May God bless all of you!. Amen

Giáo Hoàng phiêu lưu ký (hồi 4)

4.- Tôi dạy bổ túc 

  Đúng nguyên tắc “một hội đồng hai nhiệm vụ, ngoài giờ giảng dạy trên lớp ban đêm chúng tôi còn phải đi dạy bổ túc văn hoá. Thế là cơm nước xong khoảng 7 giờ là thầy cô cứ từng cặp hai người đến một điểm dạy bổ túc. Địa điểm học thường là đình làng . Ban đêm ở thôn quê mà, trời tối, thầy cô phải xách theo cái đèn dầu, ngoài có chụp một chai thuỷ tinh để tránh gió, lội đến trường. Các cặp thường được phân chia một thầy một cô, vì các cô thường sợ ma. Thế là trên đường tôi tranh thủ kể chuyện ma. Đến chổ nào có vẻ um tùm tôi bỗng thắng lại cái kít, thì thào hỏi :”Cái gì trăng trắng đằng kia thế nhỉ”. Bảo đảm mười lần như chục, các cô cứ ôm chầm lấy tôi, gỡ ra mệt muốn chết. Đấy! Ngay trong lúc vất vả tôi cũng có thể tranh thủ kiếm được xí đỉnh niềm vui. Dĩ nhiên hôm nào đi với các đàn chị thì chả dại giở trò đó ra. 
  Học viên bổ túc thì đủ loại, từ thằng nhóc thò lò mũi đến bà cố nội của nó. Thì cứ chưa biết chữ là phải đi học thôi. Chẳng phải hiếu học mẹ gì. Ban ngày lăn lộn ngoài ruộng mệt muốn chết tối còn phải đi học nữa ai mà muốn. Nhưng nếu không đi hả? A lê , trừ công điểm.Thế là cứ răm rắp. Phàm làm cái việc gì mà thấy nó chẳng ích lợi gì là tôi không muốn làm, nên cứ giao cho các cô. Tôi thì cứ lớn tớn ngắm trăng hút thuốc, chờ tới giờ thì đưa nàng về dinh. Trên đường về nếu thấy buồn thì lại nhát ma thêm phát nữa.  
  Bổ túc đi bổ túc lại thế nào mà bây giờ tỉ lệ người mù chữ ở Hà nội nghe nói vào loại cao nhất nước. Mèo lại hoàn mèo. Đến một năm nọ, tôi được cử đi coi thi phổ cập cấp một ở xã X. ( xin không nêu tên vì những lý do đặc biệt ). Không nêu tên nhưng nếu ai quan tâm đến tình hình bổ túc có thể biết. Đây là một trong 2 xã đầu tiên của miền Nam xoá mù thành công năm 76, được thư khen của ông Đồng. Thế là thừa thắng xông lên, bây giờ ta lại là xã đâu tiên phổ cập cấp 1. Làm thủ tục xong tôi lên phòng thi, và tôi choáng. Thí sinh ngồi dưới toàn là học sinh cấp 2,3. Lác đác có vài em học trò của tôi. Thấy tôi các em cười cười, ra cái điều “ Vui thầy nhỉ? Thầy trò ta cùng nhau lừa gạt đảng nhà nước một phát chơi.” Tôi thì không cười nổi. Tôi đã nói tôi có tật hay xấu hổ. Thế là tôi lên văn phòng , đề nghi chủ tịch hội đồng thi xuống lập biên bản. Anh chàng này không dám giải quyết, chạy lên xã mời bí thư xã xuống. Bố già phân trần rằng thì là xã đã lỡ là lá cờ đầu xoá mù rồi, thành ra nay cũng phải poc tem một cái lá cờ đầu phổ cập, vả lại đây là chủ trương ở trên. Tôi hỏi chủ trương ở trên thì văn bản đâu cho tôi xem. Bố già ấp úng chỉ đâu trên trời, nói rằng hiểu ngầm thế thôi chứ làm chó gì có văn bản. Nhì nhằng hơn nữa tiếng mà chưa thi được, lại thấy làm căng cũng chẳng tới đâu, bọn xã này cũng là bọn đầu sai thôi, tôi quyết định đàm phán. “ Thôi được, các vị cứ tiến hành thi với 2 điều kiện. Một là tôi không coi thi nữa. Hai là nhắn với ông nào trên đó rằng từ giờ trở đi ai muốn một hội đồng hai nhiệm vụ xin mời tự nhiên. Còn với tui thì làm ơn quên đi dùm. Không thì tôi quậy lên tới Bộ à”. Đàm phán thành công. Tôi bảo anh chủ tịch cho tôi mượn cái võng treo dưới gốc mít ngủ, cũng dặn nhỏ : “Trưa ăn uống tử tế nhen mầy”. Mà tử tế thiệt. Trưa đó gà vịt ê hề. Phổ cập thành công. Tỉ lệ đậu trăm phần trăm.  
  Thật ra tính tôi không thích gây gỗ chi cho rắc rối. Nó ghét nó đì cho tới số ấy chứ. Nhưng cứ tưởng tượng thử xem : Tôi đàng hoàng vào lớp, điểm danh. Một ông học trò của tôi tên A. bây giờ hoá ra tên B., tuổi thì bằng tuổi bố tôi. Tôi mời “bố” ấy lên đưa cho một bài đọc lớp năm mời bố đọc. Bố đọc ro ro ( mẹ khỉ, học trò phổ thông mà không đọc ro ro thì đem về câu sấu cho xong). Tôi khen giỏi, cho 10 điểm, mời “bố” về, mời tiếp “mẹ” khác. Kịch bản đó kể ra tôi cũng đóng được chứ có khó gì, nếu không tính đến chuyện là ngày mai các bố các mẹ ấy lại hiện nguyên hình là các em học trò của tôi, và tôi tiếp tục dạy các em “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Bà mẹ nó chứ! Ai dạy được chứ tôi thì không. Nhất định là không.Thế là từ ấy chẳng có văn bản qui định gì nhưng hể bàn đến bổ túc là các vị chừa tôi ra. Khoẻ! 
  Sau đận ấy cácngài ở trên ghét tôi rõ, nhưng không dám ra mặt. Tôi mà không dạy ngoại ngữ là đời tôi khốn nạn rồi. Cứ vài hôm lên dự giờ rồi phê rồi phán là chết thằng nhỏ. Khổ cái ngoại ngữ mặc dù được ghép chung với tổ xã hội nhưng vẫn cứ một mình một cõi, chẳng ai kiểm soát. Đến một lúc thấy cứ để thằng này tự do thế không biết nó giảng dạy cái gì, các ngài bèn tổ chức một đoàn, trong đó mời một giáo viên ngoại ngữ, chắc để làm cố vấn. Thế là đoàn kiểm tra sáu người, ngồi hết hai bàn cuối lớp, dự giờ tôi. Mới dạy khoảng 10 phút tôi đã thấy nóng mặt. Các vị cứ chụm đầu rì rầm cái gì đó. Mãi đến lúc một vị bàn dưới chồm hẳn người lên bàn trên để hỏi gì cái ông cố vấn thì cơn giận tôi bùng lên. Tôi tuyên bố :” Hết giờ. Mấy em đứng dậy vỗ tay tiễn đoàn thanh tra ra về”. Các em chẳng hiểu gì nhưng thầy bảo thế thì biết thế. Các vị càng chẳng hiểu gì hơn, nhưng chúng tôi vỗ tay hăng quá thành ra các vị đành lục tục đi ra. Những ánh mắt nhìn tôi xem ra chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp cả. Các vị vừa ra, tôi bảo học sinh ngồi xuống, học tiếp. 
  Hết giờ, biết ngay là các vị đang mai phục chờ tập kích , tôi chơi bài tiên hạ thủ vi cường. Tôi đập bàn ( nhẹ thôi, nhưng cũng là đập ) hỏi ngay: “Các anh có dự giờ thì cũng phải trật tự cho tôi dạy chứ. Tôi có sai chổ nào xuống đây các anh phê bình mấy tôi cũng nghe hết, nhưng trên lớp phải để tôi dạy chứ”. Bị đòn phủ đầu choáng váng, anh trưởng đoàn lúng búng: “Chúng tôi có ồn ào gì lắm đâu, chỉ là trao đổi chút đỉnh mà”. À, xuống nước rồi hả. Thế thì tôi lấn tới luôn “ Lớp tôi mà xì xào một tiếng , chồm tới chồm lui là tôi bắt ra cửa đứng ngay. Nếu mấy anh thích, mời dự tiết sau, có điều trật tự dùm tôi”. Có cho vàng các vị cũng chẳng thèm dự nữa. Thế là yên giặc. Phải nói thêm là lúc đó tôi đã manh nha muốn nghỉ việc rồi, thành ra mới hào hùng thế. Hì hì. Mà nói thế cho oai thôi chứ lớp tôi mà một tiết học thầy trò không phá ra cười như cái chợ vài ba lần là tôi coi như thất bại. Phải vui mới học được chứ. 
  Bao nhiêu năm sau nhìn lại, thấy những bệnh cũ vẫn còn nguyên, chỉ biến tướng thôi. Buồn

Giáo Hoàng phiêu lưu ký (hồi 3)

3. Tôi lao động … phi sản xuất 
  
  Xin có đôi lời phân trần cho cái sự đổi tên của tập bút ký này. Ban đầu tính chỉ nói chuyện nghề giáo, nhưng ngồi hồi tưởng lại thì đủ thứ chuyện tranh nhau phát biểu, cả những chuyện chẳng dính gì đến nghề giáo. Mà các bạn biết rồi đấy, tính tôi lại ưa lan man, động đâu nói đấy, nhớ gì nói nấy, thành ra đặt cái tít như thế nó không chính danh. Mà danh không chính thì tất là ngôn không thuận. Thứ đến là thiên bút ký này chẳng có tí tẹo nào động chạm đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ Nhị kính yêu cả. Anh chị em giáo dân yên chí. Hay đùa thật nhưng tôi biết cái gì không nên đùa. Chắc anh chị em biết cả rồi, nhưng cũng phải trân trọng giới thiệu: Giáo Hoàng là chính tôi đấy ạ. Thì cũng như Giáo Thứ của Nam Cao. Thế thôi. Nhưng tôi vốn thích cái gì gây ấn tượng mạnh. 
  Sau 75, chúng tôi, và toàn dân đều phải lao động, hoặc phải … giả vờ lao động. Cứ làm như lâu nay chúng tôi ở không vậy. Xã hội không còn sự phân chia công việc, anh nào cũng phải cày, phải cuốc. Có là giáo sư tiến sĩ gì gì đi nữa mà không biết cầm cái cày cái cuốc thì cũng vất. Thì Mao xếnh xáng đã chẳng dạy rằng : “Trí thức là cục phân” sao? Cũng may cho chúng ta là bắt chước chưa được triệt để lắm, nên còn tay viết tay cuốc. Chứ cứ như Trung quốc, tống hết bọn trí thức về thôn quê cho lao động hết thỉ bỏ mẹ cả lũ rồi. Hay như bọn Pôn Pốt , lùa hết về quê rồi phát cho mỗi cô chú trí thức một quả cuốc vào ót thì tha hồ mà tư duy. Sao những điều ngu xuẩn cực kỳ thế mà có thời triệu triệu người răm rắp nghe theo nhỉ? Đến bây giờ tôi nghĩ cũng chưa thông. 
  Thế là mọi người bắt tay vào lao động. Khẩu hiệu “ Lao động là vinh quang” được cải biên thành “Lao động là quính quáng”. Lúc ấy chỉ bở cho mấy anh lò rèn. Thì số cầu bỗng tăng đột biến mà lị. Làm nhiều thì sinh ra làm ẩu, tra vội tra vàng cho có mà bán. Thành ra có khi vung cuốc lên, bổ xuống một phát chỉ thấy còn mỗi cái cán cuốc , còn cái thằng lưỡi cuốc thì choang vào đầu một thằng nào ở đó xa lắc. Nhà tôi cũng đi sắm một cái cuốc. Bố tôi hì hục đào phần đường trước nhà lên trồng rau lang. Mà nhà nào cũng thế, để ra cái điều :” Này, tôi cũng có lao động đấy nhé.” Có nhà còn làm ăn qui mô hơn, chơi cả một giàn bầu, bí, khổ qua…Đường xá hồi ấy rợp bóng cây xanh trông thật lãng mạn. Không gian hồi ấy đúng là không gian xanh. Singapore bây giờ chắc cũng học tập chúng ta cái dạo ấy đấy.  
  Thôi cũng được , vừa rèn luyện thể lực lại vừa có thêm rau củ tươi bồi dưỡng. Trông bố già lao động tôi buồn cười chết được. Cuốc quấy quá cho có thôi, còn thì đứng chống cuốc cho hàng xóm thấy mình đang lao động. Phần tôi đi dạy cũng không chạy dâu cho khỏi cái phong trào lao động đang trổi lên như một cơn điên của toàn dân. Tai hại hơn , tôi còn phải hướng dẫn học sinh lao động. Tôi còn nhớ lần đầu dẫn các em đi, sau khi nghe cán bộ hợp tác xã phổ biến , tôi về hướng dẫn lại cho học sinh. Công việc hôm ấy là làm cỏ lúa. Dễ thôi! (ấy là tôi nghĩ thế). Nào! Xếp hàng ngang tiến tới. Làm được một lúc, em học sinh làm bên tôi la lên : “Ơ! Sao thầy nhổ toàn là lúa không dậy?” Bỏ mẹ! Thế là phải tổ chức ngay một cái mà các bác nông dân ngày nay gọi là “hội thảo đầu bờ” để học sinh…phổ biến cho thầy cách phân biệt lúa và cỏ. Dần dà rồi tôi cũng học được một số kỹ năng của nhà nông. Cũng hay. 
  Lâu lâu ngành giáo dục lại tổ chức một đợt tập trung lao động. Có lần toàn thể giáo viên đi trồng mì sau khi học xong khoá bồi dưỡng. Cơm đùm cơm nắm đi lên thấu Diên thọ, cách Nha trang gần 20 cây số để trồng vài quả mì. Đất mùa hè khô cứng như đá. Tội nghiệp cho những đôi tay chỉ quen cầm phấn, cuốc mẻ cả cuốc, rộp cả tay. Tôi kiếm một chổ gần một bóng cây, ngồi moi một lổ, mỗi bề 4 tấc, moi chậm thôi. Chứ moi xong thì biết làm gì nữa. Khi moi đã hơi kha khá, tôi chợt khám phá ra moi đất cũng có cái thú vị của nó. Tôi đã luôn nói rằng nếu biết cách, bạn luôn có thể nhìn ra mặt tích cực của một vấn đề. Thế là tôi bắt đầu moi làm sao cho cái lỗ vuông bây giờ thật tròn. Làm sao mà biết tròn nếu không có compa? Đấy, cái thử thách là chổ ấy. Kết thúc buổi sáng, tôi đã hoàn thành cái lổ có vẻ tròn, sâu độ nữa thước, kêu một thằng bạn dạy toán lại nghiệm thu. Nó bảo: “Tròn đấy!” Thế là trưa đấy tôi ăn cơm rất ngon. 
  Buổi chiều tôi đổi chổ, qua phiá bên kia của cái cây. Nắng đổi hướng rồi mà lị. Và tôi lại đào. Đố các bạn tôi đào gì nào. Đa số sẽ bảo: Dào ơi! Lại một lỗ tròn nữa chứ gì”. Nếu thế thì bạn chưa hiểu được Hoàng Guitar này rồi. Óc thẩm mỹ của các bạn có vấn đề. Và cái chính là bạn không biết làm mới mình, bạn đã trở nên một công chức chính hiệu. Buổi chiều tôi lại đào, một cái lổ, tất nhiên rồi, nhưng là hình một… quả đầu lâu, cái hình ta thấy trên mấy cột điện, ở dưới có chữ DANGER ấy. Đào bằng tay đấy ạ. Được cái phía dưới đất cũng mềm. Đào xong tôi dựa gốc cây thiu thỉu ngủ. Chiều, đánh kẻng thu quân. Một số chị em báo cáo còn một số hom mì chưa trồng hết. Tôi chỉ hai cái lổ cho họ bỏ vào. Vừa khít nhé. Thế là tôi đã qua một ngày lao động có ích. 
  Chắc có bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lè phè như thế mà lại không bị ai kiểm điểm trách mắng gì cả. Có nguyên nhân cả đấy. Và nguyên nhân đó nó nằm ở một hồi khác, có lẽ là hồi tiếp theo. 
  Từ lúc đứng lên thành người, con người ta đã phải lao động, lúc đầu là bằng tay chân, sau rồi chế ra máy móc để khỏi phải động đến chân tay. Xã hội càng phát triển con người ta càng sử dụng đến cái đầu nhiều hơn, cũng chỉ để giải phóng cho đôi tay. Đôi tay được giải phóng sẽ vẽ, viết nhạc, chơi ghita, vuốt ve nhau hay … viết blog. Bắt người ta bỏ công việc đòi hỏi tri thức để cầm lấy cái cày cái cuốc là một việc làm ngu xuẩn, là một bước thụt lùi, nếu cứ tiếp tục đến lúc nào đó con người ta sẽ lại bò bằng bốn chân, và đuôi lại mọc ra. Mà ở thấp thoáng sau đít quần của một vài người khi họ bước lên bục giảng dạy chúng tôi trong những đợt bồi dưỡng hè tôi thấy hình như đang lủng lẳng một cái đuôi, chắc không phải mới mọc đâu. Nó chưa rụng đấy. Họ vẫn còn là người vượn, hay là vượn người nhỉ ? Tôi đếch biết, mà cũng đếch cần biết.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Lan man chuyện nghe nhạc

 Lâu nay chuyển nhà sangMultiply. Quả là một mảnh đất tuyệt vời cho những người thích nghe nhạc. Vốn cũng hay quậy, tôi lang thang qua các blog khac xem có gì hay không, thấy lạ thì hỏi. Đúng là tha hương ngộ cố tri, cùng tâm trạng là những người bỏ nước ra đi nay gặp nhau nơi đất khách, ai cũng sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ. Làm mình cũng đỡ cực thân hơn trong những ngày đầu tha phương cầu thực. Đến nay thi cũng tạm ổn rồi, nhưng vẫn còn thường trú bên Yahoo. Thì bạn bè đa số vẫn còn bên này mà.
  M. hầu như cho phép copy nhạc vào bất kỳ chổ nào. Mấy ngày đầu cũng lạ. Bây giờ cũng quen dần với việc tìm ra code của bản nhạc để copy rồi. Ngồi nhìn blog mình nhấp nháy, rung rinh ( bên này có rất nhiều hình động, chữ di chuyển) và rung đùi nghe nhạc. Quả thật là thống khoái. Thế là mình nổi máu khoe khoang ( không phải ai cũng làm được đâu nhen) mang nhạc đi tặng tùm lum. Được vài hôm bỗng giật mình. Ừ, bản nhạc đó mình thích nhung biết người khác có thích không. Blogger đa số là các bạn trẻ, gu nhạc chắc phải khác mình chứ. Thế là khi tặng nhạc mình lại phải chua thêm là cứ việc delete nếu không thích, sợ có người cả nể, không muốn nghe nhưng lại sợ mình buồn nên cứ ráng chịu trận.
  Lại tiếp tục mò mẫm, và mới phát hiện một chiêu mới: Tặng nhạc có kèm theo 1 cái… chẳng biết gọi là gì, nhưng nó có thể gọi là cái công tắc. Không muốn nghe chỉ việc bấm stop là yên giặc. Khoẻ. Nghe nhạc, tặng nhạc và được tặng nhạc cũng nhiều nên hôm nay mình tự dưng muốn bàn về chuyện nghe nhạc, xưa và nay. Lấy từ những chuyện của bản thân ra thôi, chứ không hề có ý định hướng gì cho ai đâu. Nghệ thuật mà! Thích hay không mà thôi, còn chuyện tại sao nói cho cùng là cái râu ria nói thêm để biện bạch thôi.
  Tôi được nghe nhạc nhiều từ nhỏ. Bố tôi là dân tu xuất nên khá rành về nhạc nhưng chưa bao giờ thấy ông nghe một loại nhạc nào khác hơn thánh ca. Ông lại là tay chơi đàn cho dàn đồng ca của nhà thờ mỗi chúa nhật. Cây đàn của nhà thờ núi Nha trang nằm ở tít trên cao, gần gác chuông cơ, thế là ông dắt tôi lên ngồi dự lễ cùng ông, sợ bỏ thằng nhỏ ở dưới một mình nó quậy.Nghe nhạc thường xuyên thế nên tự nhiên tôi có một cái lổ tai thẩm âm khá tốt mặc dù lúc ấy chưa biết gì về nhạc lý. Nhà có cây đàn organ, cái loại đạp chân chứ không phải là loại điện tử như bây giờ đâu. Bố tôi lại cấm tôi sờ đến cây đờn ấy. Cứ khoảng thứ bảy là ông lại ngồi vào vài tiếng tập dợt để chuẩn bị cho thánh lễ ngày chúa nhật.
  Nhà cũng có cái máy hát AKAI, để ở phòng khách cho vui chứ chẳng mấy khi tôi nghe. Vậy là tuổi thơ ấu của tôi trôi lênh đênh giữa những bản thánh ca, nhiều bản hay lắm nhen. Khi tôi học khoảng đệ Tứ hay sao ấy ba tôi mới mua về một cái casette, loại thường thôi nhưng nhờ nó mà tôi đã bắt đầu chủ động hơn trong việc nghe nhạc. Những năm ấy có hai loại băng phổ biến: Anna và Sélection. Tôi sắm gần như không sót băng nào. Tôi lại thích nghe selection hơn, chả là lúc ấy tôi đang học sinh ngữ chính là Pháp. Vả lại ngay cả bây giờ tôi cũng vẫn nghĩ rằng nhạc Pháp nghe nó sang hơn. Nghe chưa đã, tôi tìm cho ra bản nhạc để tập hát theo.
  Vậy là cái nhu cầu chơi một thứ nhạc cụ gì đó nó đến một cách tự nhiên thôi. Chẳng nhớ nổi tại sao lúc đầu cái tôi chọn lại là sáo. Phì phò thổi mấy tuần mà sao nghe chẳng nghe ra tiếng sáo, tôi đổ thừa cho cây sáo …hư, và mua cây khác. Tình trạng cũng chẳng cải thiện hơn, vậy là tôi nản chí, bỏ cuộc. Tôi chuyển sang harmonica. Chà cái món này thật là dễ, kê miệng vào thổi là ra nhạc ngay thôi. Tôi say sưa thổi, nước miếng tràn ngập cây kèn, chảy ròng ròng ra tay, tui chùi tay vô quần, thổi tiếp. Chỉ trong một ngày tôi đã thổi xong bài “Ò e cây me đánh đu tặc giăng nhảy dù ….”. Vậy là từ đó chương trình văn nghệ nào của lớp tôi cũng có tiết mục độc tấu khẩu cầm của Hoàng …harmonica.
  Trong một buổi văn nghệ bỗng có tiết mục độc tấu ghi ta. Chà chà, cái dáng người nghệ sĩ ôm cây đàn trông sao mà lãng mạn thế, chả bù với tiết mục của tôi, trông cứ như thằng đang gặm bánh mì ấy. Tôi đâm ra lạnh nhạt với cây kèn từ ấy dù lâu lâu cũng mang ra thổi, trong lòng cứ mơ đến cây đàn ghita. Các bạn chắc sẽ bảo “thích thì mua đàn về mà chơi chứ lăn tăn cái gì”. Đừng đùa. Bố tôi thương con nhưng đòi hỏi quá đáng là ngài lắc ngay. Mới sáo đó, rồi lại kèn, bây giờ lại đờn nữa hả? Còn khuya. Phải chi có tháng nào đó bà nhập tự nhiên tôi đứng nhất lớp một phát thì bảo mua cho một cây piano ổng cũng duyệt chứ đừng nói gì đến ghita. Nhưng hỡi ơi, đó đúng là điều không tưởng. Những năm đó tôi chưa bao giờ vươn lên được giữa bảng xếp hạng. Nói theo ngôn ngữ bóng đá là lúc nào tôi cũng phải vật lộn để trụ hạng. Cũng may năm nào tôi cũng trụ hạng thành công.
  Thế rồi thời cơ tới: Tôi đậu Tú tài một. Bố tôi hỏi : “ Sao muốn gì? Đi chơi Sài gòn hay Qui nhơn?”. Tôi liền phát biểu ngay là tôi chỉ muốn một cây đàn ghita. Ông già tôi duyệt ngay: Đi chơi Qui nhơn nữa tháng rồi về mua đờn. Tôi tự tập theo sách thôi, chẳng có thầy nào chỉ vẻ cả, thành ra sau này đờn có hơi lung tung. Nhưng có hề gì. Ghi ta là một nhạc cụ rất phổ biến. Hồi ấy chúng tôi đi Hướng đạo, tôi lại tham gia Thanh sinh công thành ra gần như tuần nào cũng cắm trại, văn nghệ. Mà những cái món đó thì cây đàn ghita là hữu dụng nhất. Cái biệt danh Hoàng ghita là tôi nghĩ ra rồi bắt bạn bè gọi đấy. Không gọi là tôi dỗi, đếch đàn , xem thử mày hát với ai nào. Gọi riết thành danh làm ai cũng tưởng tôi chơi ghi ta ghê gớm lắm.
  Sau đó anh Châu đình Quang thành lập đoàn du ca Thuỳ dương, tôi tham gia ngay. Lại có dịp ôm đàn hát rong. Và lẽ tất nhiên loại nhạc thường được chúng tôi trình diễn hồi đó là của Trịnh công Sơn, Tôn thất Lập, Miên đức Thắng, Nguyễn phú Yên….Lên đại học chúng tôi lại tham gia biểu tình phản chiến, những “Đêm không ngủ”, “Hát cho dân tôi nghe”…Tuổi trẻ chúng tôi hăng hái, nhiệt tình, ngây thơ và nông nỗi như thế đó.
  Lan man gớm. Định bàn về chuyện nghe nhạc mà lại đi những đâu thế. Rồi. Trở lại ngay đây. Hồi đó gu nghe nhạc của tôi cũng linh tinh lắm. Đàu tiên tôi khoái cái anh chàng quái kiệt Trần văn Trạch với những bài tấu hài dí dỏm và điệu nghệ. Sau đó là ban nhạc AVT. Có lẽ bây giờ tính tôi hay khôi hài là do từ những bản nhạc đó ra chăng, hay là vì có máu hài hước nên tôi thích những bản nhạc đó. Chả biết. Mà bản nào tôi thích là nhất định tôi phải học cho thuộc. Đến bây giờ mà còn nhớ được vài bài của AVT đấy. Sau đó đến cặp Hùng Cường – Mai lệ Huyền, nữ hoàng kích động nhạc. Nó có âm điệu nhộn nhip, tươi trẻ. Nghe cứ phải nhịp chân hay lúc lắc cái đầu mới được. Sau đó đến Duy Khánh, Chế Linh, loại nhạc mà bây giờ người ta gọi là nhạc sến đấy. Sến đâu không biết, cứ thấy người nó rung động là nghe tất. Rồi những Khánh Ly,Thái Thanh,Lệ Thu, Thanh Thuý, Sĩ Phú. Nói chung là gu nhạc tôi hồi đó cứ xoay như chong chóng ấy.
  Lên đại học, cái không khí lãng mạn của Đà lạt làm gu nhạc của tôi dần định hình. Những cái sên sến nhộn nhộn cũng bớt dần đi. Những quán cà phê của sinh viên hồi đó cũng chỉ chơi nhạc Trịnh công Sơn, Ngô thuỳ Miên, Vũ thành An, Đoàn Chuẩn Từ Linh. Đó là thể loại nhạc, còn ca sĩ thì tôi chưa có sự chọn lựa. Mà muốn chọn có được đâu. Ca sĩ hồi đó ít, nên mỗi người có loại nhạc riêng của mình, không ai lấn sân của người khác. Hồi đó ca sĩ trình diễn cũng nhàn, đứng một chổ hát, đưa tay đưa chân chút, đi qua đi lại chút. Thế là xong. Khánh Ly thì có màn đi chân trần hát trong hội quán.Cũng thế thôi, chẳng mệt mỏi gì. Hoạt động trên sân khấu nhiều nhất có lẽ là cặp Hùng Cường – Mai Lệ Huyền. Thì kích động nhạc mà. Thế nhưng so với các ca sĩ bây giờ thì chẳng là gì. Hát xong một bài còn mệt hơn là múa một bài quyền.
  Sau 75, loại nhạc chúng tôi thường nghe bị xếp vào loại nhạc vàng. Mà lúc đó có chó gì để giải trí đâu. Thế là chỉ có nước về nhà mở casette nghe lén, mà nghe nhỏ thôi. Hàng xóm nghe được là bỏ mẹ. Kể ra cũng chưa thấy ai tố cáo ai tội gì nhưng cứ thủ sẵn thế cho chắc ăn. Cái chế độ mới này có cái cực hay làm cho những người trước nay là hàng xóm , bằng hữu bây giờ trở nên nghi ngờ nhau. Có lẽ nhờ thế mà xã hội tiến bộ hơn chăng? Tôi cũng thấy là lạ. Xã hội mới hay nhỉ. Âm nhạc văn thơ chỉ ca ngợi lao động chiến đấu thôi. Yêu đương cấm. Tôi cũng ráng hoà mình theo mấy giòng thác cách mạng để tập nghe nhạc đỏ. Rồi cũng ổn cả. Cũng như con mèo của chúa ấy mà. Trạng Quỳnh bắt ăn toàn cơm thừa canh cặn, toàn những thứ vất đi, đến hồi bày cao lương mỹ vị nhà chúa ra mèo ta đâu có ăn. Nói chính xác hơn là mèo không dám ăn. Quỳnh thử biến đi xem, nó mà không xơi sạch thì cứ chặt đầu tôi.
  Thế là tạm quên văn nghệ để lao động. Đùng một cái khoảng năm 87,88 gì đó, đang đi trên đường tôi chợt nghe nhũng bài ca lạ, những bài ca gợi nhớ đến một thời của âm nhạc : Tiếng hát Bảo Yến. “ Em hát đi ru mây hạ về hạ trắng lang thang mênh mông tình buồn…”. Chà chà, quá đã. Cuối cùng cũng có cái để nghe rồi. Và sau đó dần dà những bài hát cũ lần lượt quay về, ban đầu chỉ nghe chùng nghe lén trong các quán cà phê, sau đó đàng hoàng bước lên sân khấu. Âm nhạc hải ngoại cũng tràn về. 
  Đến lúc này thì lại có tình trạng nhiều ca sĩ hát cùng một bài, người nghe có thêm nhiều lựa chọn.Tôi là thằng thủ cựu nhất trong cái khoản đổi mới này. Trịnh công Sơn thì phải là Khánh Ly, Cô láng giềng thì phải là Sĩ Phú, Bà mẹ Gio Linh phải là Thái Thanh…Mãi đến bây giờ, dù phải thừa nhận rằng Tuấn Ngọc hát có nghề hơn, trong khi Sĩ Phú chỉ là một anh chàng amateur, nhưng tôi vẫn cứ thích nghe Sĩ Phú. Dần dà tôi cũng dễ chịu hơn, không nhăn mặt nhíu mày nữa khi nghe các ca sĩ hát “lấn sân”, nhưng tôi cư nghĩ ?”Giá như bài này mà…”. Thế đấy
  Nói riêng chút về hai ca sĩ mà tôi thích. Người thứ nhất là Khánh Ly. Nhiều bạn sẽ bảo “Dào! KL thì ai chả thích, cứ gì cái nhà ông”. Vâng, đúng thế. Nhưng hỏi tại sao thì nhiều người trả lời nghe không chịu nổi. Nào là giọng ca Liêu Trai, ma quái. Ma mị gì ở đây chứ. Nhạc Trịnh công Sơn là những lới tự sự về nhân thế. Nhạc này mà trình diễn là hỏng. Khánh Ly chỉ đơn giản là đang tự sự, đang hoà mình , trải lòng mình ra bằng tiếng hát. Sau này nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh , có một số cũng thành công như Hồng Nhung. Tôi cũng bớt bảo thủ rồi nên cũng gật gù, nghe tạm. Nhưng cứ Thanh Lam hát là tôi tắt. Cô này hát nhạc nhẹ thì hay, có thể nói là cực hay, nhưng cô ta đem nhạc Trịnh ra diễn là tôi vẫn không chịu được. Này nói trước để đừng có ai nhào vô tranh cãi đấy nhé. Ai thích cứ thích. Tôi không thích là chịu.
  Giọng thứ hai là Thái Thanh. Một giọng ca làm bạn mềm người. Nghe Thái Thanh thường chỉ nên nghe vài bài. Nghe nhiều qúa chịu không nổi. Cái giọng ca có thể làm ruột gan người ta lộn lên như thế không nên dùng quá liều. Rất tiếc hiện nay chưa có ai có khả năng “nhái” Thái Thanh. Ý Lan cũng ráng nhưng không qua mặt được mẹ cô. Tiếc.
Bây giờ thì loạn ca sĩ, nhạc sĩ. Nghe chẳng biết ai với ai. Hay có lẽ tại mình không nghe thường xuyên chăng. Cách nghe nhạc bây giờ là cũng phải giơ hai tay lên đầu, lắc qua lắc lại. Dân ta đúng là cái gì cũng bắt chước được. Xem các chương trình thấy các em học sinh đến tội, phải giơ tay lên lắc qua lắc lại…để thu hình. Thưởng thức âm nhạc cũng phải …ngay hàng thẳng lối. Thế thì ra chợ nghe mấy bà bán cá cãi nhau còn hào hứng hơn. Xem cái chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” thấy các anh bộ đội vỗ tay là đều nhất nhé, nhìn cảnh quay đến là hoành tráng, cứ là trăm người như một. Có lẽ đề nghị đổi tên chương trình là “Chúng tôi là rôbốt” thôi. Mình thì hết thời để bắt chước những cái mới ấy rồi. Thôi ngồi nhà vào blog nghe nhạc. Tự tạo cho mình một album những bài mình thích. Rồi đàng hoàng nghe, chẳng phải múa tay múa chân gì sất. Sướng !
  Bây giờ gịong ca vàng một thời của tôi cũng hụt hơi rồi. Nhưng cứ thử quăng cho tôi một cây ghi ta xem. Sẽ biết ngay í mà.

Gọi là thơ cũng được

Tôi đã mất gì và được gì sau từng ấy năm nhỉ ? 
 Tôi mất tuổi hoa niên để được là một người đàn ông luống tuổi 
 Một người đàn ông với tâm hồn thơ trẻ 
 Bồng bột như thời còn cắp sách tung tăng 
 Hèn chi bạn bè vẫn gọi tôi là Lão Ngoan đồng 
 Tôi mất dăm ba mối tình và thu được nhiều kỷ niệm 
 Tôi không phải dành thời gian để vun quén tình yêu 
 Nên thừa thãi thời gian để vuốt ve kỷ niệm 
 Mà kỷ niệm cũng có gai đấy 
 Nên đôi khi làm tôi chảy máu 
 Máu rỉ ra từ kỷ niệm lại làm hoa nở trong tim 
 Chẳng đi đâu mà thiệt 
 Tôi đã mất những giọt mồ hôi trên thao trường nắng cháy, 
 Trên đường đời rong ruổi và cả trong những cuộc tình 
 Cái tôi thu được là một hòm ký ức 
 Cái tròn cái méo cái vuông vức cái vô định hình 
 Cái trơn tru mượt mà cái xù xì góc cạnh 
 Tôi lắc hòm ký ức như cậu bé lắc con heo đất của mình 
 Và cười một mình khi thấy mình tích cóp được cũng hòm hòm 
 Tôi chưa nghĩ đến chuyện dùng nó để đầu tư 
 Mà đôi khi lại rút ra vài mảnh tặng thiên hạ 
 Rồi áp tai vào hòm nghe ngóng xem đã hụt bao nhiêu 
 Có vẻ như nó còn đầy đặn thêm 
 Vậy là nó như sầu đông hay sầu đong gì đó 
 Cái món mà càng lắc càng đầy đấy 
 Thế thì tôi sẽ thường xuyên lắc lư hòm ký ức 
 Nếu sống lâu tôi sẽ thành tỉ phú ký ức 
 Đêm nào đó tôi mơ dùng nó mua được tương lai  
 Nhưng rồi tôi lại đổi ý 
 Tương lai là cái bất khả tư nghị 
 Còn ký ức tôi lại là cái reality (chêm tiếng ngoại cho sang) 
 The unknown is always terrifying 
 Oh God! 
 Thôi không làm sang nữa 
 Trông nó cứ như thế nào ấy 
 Tôi đánh mất bông hoa và thâu được mùi hương 
 Rồi một ngày tôi đánh mất tôi 
 Chẳng sợ! 
 Tôi lại đi tìm cái tôi đã mất 
Oh! Le moi est haisable ( Lại chơi sang nữa)
You run away again ! ( càng sang bạo, chơi 3 thứ tiếng luôn)
 Chẳng phải cuộc đời luôn là một chuỗi những kiếm tìm sao 
 Tôi chẳng màng tôi có tìm được tôi không 
 Bởi vì tôi hy vọng sẽ tìm ra được  
 Chẳng phải cái ego, càng không phải cái libido 
 Mà là cái superego 
 Chẳng biết nó tròn méo thế nào  
 Nhưng nghe super là tôi thích 
 Đã nói tôi là Lão Ngoan đồng mà 
 Dân gian ta gọi là Thằng Bờm đấy 

 X OXOXOXOXOXOXOXOXOXOXO 

 Tôi ngồi so sánh thiệt hơn 
 Cái được cái mất đem lên bàn cần (bàn cân đấy) 
 Bàn cần nói được nhiều hơn 
 Tôi cười chuếnh choáng: Ta hơn thiên hà (thiên hạ ) 
 Thiên hà bảo rõ thật là 
 Thằng Bờm ấy đúng là cha thằng Đầu (thằng Đậu) 
 Cả cười vung kiếm chém sầu 
 Sầu rơi lả tả ngập đầu ta rôi (rồi) 
 Ta buông kiếm, trở về thôi 
 Hồi đầu thị ngạn , đời trôi mặcđời

Giáo nghệ bi hài ký (2)

 2. Tôi làm live show
  Cái tít nghe hấp dẫn ghê. Live show nữa cơ đấy. Thật ra nghe ghê thế chứ cứ ra đứng ông ổng hát cho người ta nghe là live show chứ còn gì nữa. Thế thì đời tôi hơi bị nhiều live show đấy nhé. Vốn cũng có tí tài vặt, nên đi đâu tôi cũng là trưởng ban văn nghệ. Thế cái chuyện văn nghệ của tôi thì dính gì đến cái nghề giáo này. Dính quá đi chứ. Hồi ấy, mà cả bây giờ cũng thế, tiếng là nghỉ hè chứ chúng tôi có được nghỉ hè đâu. Hai năm đầu chúng tôi phải bị tra tấn 2 tháng với cái món gọi là “Bồi dưỡng hè”. Bồi dưỡng gì mà béo đâu không thấy, chỉ gầy rạc đi, cả đầu óc lẫn tinh thần. Chúng tôi được chia làm nhiều tổ, mỗi tổ khoảng 30 giáo viên. Cứ lên hội trường nghe báo cáo vài buổi, rồi lại về tổ thảo luận, thực chất là lập lại nhũng gì đã nghe. Mấy ngày đầu còn thấy là lạ, được vài buổi là nản. Có cái mớ giẻ rách đó cứ nhai đi nhai lại hoài bố thằng nào chẳng nản. Về đến tổ thì tôi thường là thằng xung phong phát biểu đầu tiên, coi như trả nợ quỉ thần cho xong, còn làm chuyện khác. Chúng tôi bắt đầu tập nói láo từ đấy, nói công khai, nói sùi bọt mép, hùng hồn những điều mình đếch tin dù chỉ một tí ti. Lúc đầu còn thấy ngượng mồm, riết rồi thành quen, cứ thế mà sủa, đếch cần biết đúng sai, đếch phải nghĩ ngợi gì. Chúng tôi đã bị “thú hoá” như thế đấy.
  Học hai tháng chúng tôi phải ra hai tờ báo tường. Thế là những ai có tí ti tài văn nghệ được mời ra làm việc. Chưa đến lượt tôi. Lúc đó tôi đang nằm im thở khẻ, cho nó đỡ rách việc. Mà chủ yếu là các giáo viên văn thôi. Tổ tôi may có cô hoạ sĩ Thanh Trí , thế là mọi công việc vẽ vời cho tờ báo tường khỏi lo rồi. Bàn bạc cho cái tên tờ báo cũng ồn ào như mổ bò, cuối cùng nhất trí chọn cái tên Ngày Mới ( thì chả mới quá là gì) . Chúng tôi ngắm tờ báo , thấy cũng hay hay. Phần trang trí thì khỏi nói rồi, cực đẹp. Đến hôm nạp báo cho lãnh đạo chấm chúng tôi mới choáng thêm phát nữa: Cô Thanh Trí bị kiểm điểm vì vẽ hình Hồ chí Minh quay ra ngoài , không quay vào bên trong, thế nghĩa là cho bác nhà ta quay lưng lại với nhân dân. Lớp trẻ bây giờ nghe thế chắc chúng sặc. Vâng, hồi ấy chúng tôi cũng sặc. Một tổ khác có cái tội còn buồn cười hơn: Tờ báo kẻ cái tên Nhất Trí màu trắng trên nền đen. Trắng với đen sao lại gọi là nhất trí? Thế là đối lập, là chia rẻ hiểu chưa. Ôi! Quả là tận cùng của siêu tưởng nghệ thuật. Chúng tôi vừa bực vừa buồn cười. Buồn cười nhiều hơn. Azit Nexin cũng không nghĩ ra nỗi những trò khôi hài đen hơn thế này.
  Kỳ làm báo tường đợt hai, không có chuyện gì làm, tôi lạng qua lạng lại đóng vai phản biện. Gì chứ món này là nghề của tôi. Viết vẽ cỡ gì tôi cũng kiếm ra cái để hù. Cuối cùng anh chàng tổ trưởng phải xua tôi đi chổ khác cho người ta làm báo. Vậy mà cũng có thầy chạy ra hỏi ý kiến tôi rằng viết như thế như thế có sao không. Kỳ này tôi duyệt tất. Phản biện hoài tụi nó không dám viết rồi lôi tôi ra bắt tôi viết chắc chết.
  Các năm sau cũng thế, nhưng có học ít hơn, để dành thì giờ đi phá rừng Sông Cầu, rồi đi xoá mù mãi trên Khánh Vĩnh, rồi đi lao động trên Củ Chi. Nói chung là người ta nghĩ ra đủ mọi cái để chúng tôi không có thì giờ mà suy nghĩ vẩn vơ nữa. A! Mà quên. Bây giờ đọc lại mới thấy cái tít là live show, vậy mà lại đi những đâu thế này. Rồi, có ngay, có live show ngay đây.
  Giữa một buổi học bồi dưỡng , chúng tôi có khoảng 15 phút giải lao, các tổ phải đăng ký vài tiết mục văn nghệ để giúp vui.Lúc ấy tôi đã có tiếng tăm về cái món ca hát rồi, thế nên vài ba ngày là bị dính. Tôi bực lắm nhưng không biết làm sao. Chữ tài liền với chữ tai một vần mà. Giáo viên hát thì nghe cũng tàm tạm thôi, nhưng cũng có vài giọng ca vàng. Như cái chú em gì sau này chuyển ngành về làm trưởng đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Chú em hát xong là thiên hạ vỗ tay ầm ầm. Thì hát hay thật mà. Còn tôi thì mới nghe giới thiệu “ Mời đ/c Phan tiên Hoàng tổ … lên giúp vui “” là thiên hạ đã vỗ tay rần trời. Tôi cũng không đến nỗi ảo tưởng để nghĩ rằng mình hát hay hơn cái chú em kia đâu, nhưng tôi đánh trúng cái tâm lý của anh chị em là đang buồn chán, muốn có một cái gì đó vui vui cho nó thư giãn. Tôi chế ra một thể loại mới là “hát nói”. Không phải cái món hát nói mà các cụ xưa thưởng thức đâu, cũng không phải cái lối càm ràm như “rap” bây giờ, đơn giản chỉ là hát vài câu rồi ngừng lại thuyết minh…rồi hát tiếp.
  Đỉnh cao của nghệ thuật này là bài” Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ”. Hồi ấy chưa ai hát bài này. Tình cờ vớ được bản nhạc, tôi cầm đờn hát thử, thấy nó hay hay, và cái chính là nó, nói theo ngôn ngữ kịch, có đất diễn. Tôi soạn sẵn kịch bản và chờ dịp thuận tiện tung ra cái video clip này. Dịp may đã đến. Hôm đó khi giờ giải lao gần hết thì tôi được kêu lên hát. Tiết mục tôi coi như chấm dứt giờ giải lao luôn. Thế là tôi diễn, vâng, tôi diễn chứ không phải hát bài này. Đầu tiên là khoảng 3 phút trình bày lê thê về cái sự thiếu nước khổ đến chừng nào, thương ghê lắm. Và thế thì “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh….” Sau đó tôi bắt đầu thuyết minh về cái sự ích lợi và cực khổ của công việc đào kênh, vì thế cho nên em phải bỏ ruộng , anh phải bỏ học lên đường:” À ơi, tay anh phá đá, tay em đào sỏi……”. Và cứ thế , cứ gặp một ca từ nào là lạ là tôi ngừng lại thuyết minh. Mà bài đó thì khối: “da em nâu”, “màu suy nghĩ”. Tôi còn đưa ra câu đố là tại sao da em lại nâu màu suy nghĩ mà lại không nâu màu … cà phê, rồi tôi lại nhì nhằng giải thích. Báo cáo viên sợ cháy giáo án , giơ đồng hồ lên ra hiệu nhưng tôi hát bài tình lờ. Và khi tôi đã xây xong cái Hồ này thì báo cáo viên bị hụt mất 20 phút giáo án. Từ ấy anh tổ trưởng cạch luôn, chẳng đưa tôi lên sân khấu nữa. Thoát nạn. Còn anh chị em giáo viên thì tiếc hùi hụi.