Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Giáo Hoàng phiêu lưu ký (hồi 3)

3. Tôi lao động … phi sản xuất 
  
  Xin có đôi lời phân trần cho cái sự đổi tên của tập bút ký này. Ban đầu tính chỉ nói chuyện nghề giáo, nhưng ngồi hồi tưởng lại thì đủ thứ chuyện tranh nhau phát biểu, cả những chuyện chẳng dính gì đến nghề giáo. Mà các bạn biết rồi đấy, tính tôi lại ưa lan man, động đâu nói đấy, nhớ gì nói nấy, thành ra đặt cái tít như thế nó không chính danh. Mà danh không chính thì tất là ngôn không thuận. Thứ đến là thiên bút ký này chẳng có tí tẹo nào động chạm đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ Nhị kính yêu cả. Anh chị em giáo dân yên chí. Hay đùa thật nhưng tôi biết cái gì không nên đùa. Chắc anh chị em biết cả rồi, nhưng cũng phải trân trọng giới thiệu: Giáo Hoàng là chính tôi đấy ạ. Thì cũng như Giáo Thứ của Nam Cao. Thế thôi. Nhưng tôi vốn thích cái gì gây ấn tượng mạnh. 
  Sau 75, chúng tôi, và toàn dân đều phải lao động, hoặc phải … giả vờ lao động. Cứ làm như lâu nay chúng tôi ở không vậy. Xã hội không còn sự phân chia công việc, anh nào cũng phải cày, phải cuốc. Có là giáo sư tiến sĩ gì gì đi nữa mà không biết cầm cái cày cái cuốc thì cũng vất. Thì Mao xếnh xáng đã chẳng dạy rằng : “Trí thức là cục phân” sao? Cũng may cho chúng ta là bắt chước chưa được triệt để lắm, nên còn tay viết tay cuốc. Chứ cứ như Trung quốc, tống hết bọn trí thức về thôn quê cho lao động hết thỉ bỏ mẹ cả lũ rồi. Hay như bọn Pôn Pốt , lùa hết về quê rồi phát cho mỗi cô chú trí thức một quả cuốc vào ót thì tha hồ mà tư duy. Sao những điều ngu xuẩn cực kỳ thế mà có thời triệu triệu người răm rắp nghe theo nhỉ? Đến bây giờ tôi nghĩ cũng chưa thông. 
  Thế là mọi người bắt tay vào lao động. Khẩu hiệu “ Lao động là vinh quang” được cải biên thành “Lao động là quính quáng”. Lúc ấy chỉ bở cho mấy anh lò rèn. Thì số cầu bỗng tăng đột biến mà lị. Làm nhiều thì sinh ra làm ẩu, tra vội tra vàng cho có mà bán. Thành ra có khi vung cuốc lên, bổ xuống một phát chỉ thấy còn mỗi cái cán cuốc , còn cái thằng lưỡi cuốc thì choang vào đầu một thằng nào ở đó xa lắc. Nhà tôi cũng đi sắm một cái cuốc. Bố tôi hì hục đào phần đường trước nhà lên trồng rau lang. Mà nhà nào cũng thế, để ra cái điều :” Này, tôi cũng có lao động đấy nhé.” Có nhà còn làm ăn qui mô hơn, chơi cả một giàn bầu, bí, khổ qua…Đường xá hồi ấy rợp bóng cây xanh trông thật lãng mạn. Không gian hồi ấy đúng là không gian xanh. Singapore bây giờ chắc cũng học tập chúng ta cái dạo ấy đấy.  
  Thôi cũng được , vừa rèn luyện thể lực lại vừa có thêm rau củ tươi bồi dưỡng. Trông bố già lao động tôi buồn cười chết được. Cuốc quấy quá cho có thôi, còn thì đứng chống cuốc cho hàng xóm thấy mình đang lao động. Phần tôi đi dạy cũng không chạy dâu cho khỏi cái phong trào lao động đang trổi lên như một cơn điên của toàn dân. Tai hại hơn , tôi còn phải hướng dẫn học sinh lao động. Tôi còn nhớ lần đầu dẫn các em đi, sau khi nghe cán bộ hợp tác xã phổ biến , tôi về hướng dẫn lại cho học sinh. Công việc hôm ấy là làm cỏ lúa. Dễ thôi! (ấy là tôi nghĩ thế). Nào! Xếp hàng ngang tiến tới. Làm được một lúc, em học sinh làm bên tôi la lên : “Ơ! Sao thầy nhổ toàn là lúa không dậy?” Bỏ mẹ! Thế là phải tổ chức ngay một cái mà các bác nông dân ngày nay gọi là “hội thảo đầu bờ” để học sinh…phổ biến cho thầy cách phân biệt lúa và cỏ. Dần dà rồi tôi cũng học được một số kỹ năng của nhà nông. Cũng hay. 
  Lâu lâu ngành giáo dục lại tổ chức một đợt tập trung lao động. Có lần toàn thể giáo viên đi trồng mì sau khi học xong khoá bồi dưỡng. Cơm đùm cơm nắm đi lên thấu Diên thọ, cách Nha trang gần 20 cây số để trồng vài quả mì. Đất mùa hè khô cứng như đá. Tội nghiệp cho những đôi tay chỉ quen cầm phấn, cuốc mẻ cả cuốc, rộp cả tay. Tôi kiếm một chổ gần một bóng cây, ngồi moi một lổ, mỗi bề 4 tấc, moi chậm thôi. Chứ moi xong thì biết làm gì nữa. Khi moi đã hơi kha khá, tôi chợt khám phá ra moi đất cũng có cái thú vị của nó. Tôi đã luôn nói rằng nếu biết cách, bạn luôn có thể nhìn ra mặt tích cực của một vấn đề. Thế là tôi bắt đầu moi làm sao cho cái lỗ vuông bây giờ thật tròn. Làm sao mà biết tròn nếu không có compa? Đấy, cái thử thách là chổ ấy. Kết thúc buổi sáng, tôi đã hoàn thành cái lổ có vẻ tròn, sâu độ nữa thước, kêu một thằng bạn dạy toán lại nghiệm thu. Nó bảo: “Tròn đấy!” Thế là trưa đấy tôi ăn cơm rất ngon. 
  Buổi chiều tôi đổi chổ, qua phiá bên kia của cái cây. Nắng đổi hướng rồi mà lị. Và tôi lại đào. Đố các bạn tôi đào gì nào. Đa số sẽ bảo: Dào ơi! Lại một lỗ tròn nữa chứ gì”. Nếu thế thì bạn chưa hiểu được Hoàng Guitar này rồi. Óc thẩm mỹ của các bạn có vấn đề. Và cái chính là bạn không biết làm mới mình, bạn đã trở nên một công chức chính hiệu. Buổi chiều tôi lại đào, một cái lổ, tất nhiên rồi, nhưng là hình một… quả đầu lâu, cái hình ta thấy trên mấy cột điện, ở dưới có chữ DANGER ấy. Đào bằng tay đấy ạ. Được cái phía dưới đất cũng mềm. Đào xong tôi dựa gốc cây thiu thỉu ngủ. Chiều, đánh kẻng thu quân. Một số chị em báo cáo còn một số hom mì chưa trồng hết. Tôi chỉ hai cái lổ cho họ bỏ vào. Vừa khít nhé. Thế là tôi đã qua một ngày lao động có ích. 
  Chắc có bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lè phè như thế mà lại không bị ai kiểm điểm trách mắng gì cả. Có nguyên nhân cả đấy. Và nguyên nhân đó nó nằm ở một hồi khác, có lẽ là hồi tiếp theo. 
  Từ lúc đứng lên thành người, con người ta đã phải lao động, lúc đầu là bằng tay chân, sau rồi chế ra máy móc để khỏi phải động đến chân tay. Xã hội càng phát triển con người ta càng sử dụng đến cái đầu nhiều hơn, cũng chỉ để giải phóng cho đôi tay. Đôi tay được giải phóng sẽ vẽ, viết nhạc, chơi ghita, vuốt ve nhau hay … viết blog. Bắt người ta bỏ công việc đòi hỏi tri thức để cầm lấy cái cày cái cuốc là một việc làm ngu xuẩn, là một bước thụt lùi, nếu cứ tiếp tục đến lúc nào đó con người ta sẽ lại bò bằng bốn chân, và đuôi lại mọc ra. Mà ở thấp thoáng sau đít quần của một vài người khi họ bước lên bục giảng dạy chúng tôi trong những đợt bồi dưỡng hè tôi thấy hình như đang lủng lẳng một cái đuôi, chắc không phải mới mọc đâu. Nó chưa rụng đấy. Họ vẫn còn là người vượn, hay là vượn người nhỉ ? Tôi đếch biết, mà cũng đếch cần biết.

Không có nhận xét nào: