Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Bố tôi (2)

Lại nói tiếp về bố đây bố ơi. Xem ra tôi nói đúng cả nên tối qua chẳng thấy bố về mắng mỏ gì cả. Thế thì phát huy thôi. Chủ đề hôm nay tôi sẽ cố gắng tập trung vào là: “ Bố tôi và Chúa”. Cố gắng thôi chứ chưa chắc tôi đã bám sát được cái chủ đề ấy đâu. Các bạn thử hình dung thế này : Một cậu bé đi picnic, trên đường đi tình cờ cậu thấy một bông hoa đẹp, thế là cậu ta ngừng lại ngắm , hít vài cái , vuốt ve vài cái nữa rồi đi. Lát sau lại gặp một …sòng bầu cua, thích quá cậu ghé vào thử thời vận tí rồi đi. Lại gặp một em bé xinh xinh, cậu ngừng lại đưa đẩy vài câu tình tứ. Đi nữa gặp một thằng đầu gấu đang bắt nạt một em bé. Nhớ câu “ kiến nghĩa bất vi vô dũng giả”, cậu bèn ngừng lại “ nói chuyện phải quấy” với thằng khốn ấy…Và cứ thế, khi cậu đến được chổ để hưởng cái thú picnic thì nắng đã xế. Nhưng có hề gì hở các bạn thân mến? Đã bao lần tôi tâm niệm rằng điều quan trọng trong đời chúng ta là cái sự đi, chứ không phải là cái sự đến.
  Thì đây, tôi lại gặp một “đóa hoa đẹp” rồi. Ngưng lại để ngắm thôi. Hồi nãy tình cờ dùng cái thuật ngữ “nói chuyện phải quấy” tôi chợt nhớ đến một người quen : Bố già Vito Corleone. Ngữ như tôi thì còn khuya mới được đến gần bố già. Ấy là tôi đọc trong cuốn “ Godfather” của Mario Puzo do dịch giả Ngọc thứ Lang dịch. Đến là tài cái ông này. Từ godfather mà dịch là bố già thì thật xuất sắc, thế là nó nghiễm nhiên đi vào văn học và cuộc sống. Bây giờ nhiều người cứ nói bố già mafia chứ chắc không biết người đã đẻ ra cái thuật ngữ đó đâu. Bố già mafia thì phải ác chắc rồi, nhưng với mọi người thì bố lại là một ông già hiền lành, nhỏ nhẹ dịu dàng, kính già yêu trẻ, thương đồng bào…. Mỗi khi đàn em đến báo cáo rằng có một thằng bố láo nào đó dám cả gan xâm phạm lãnh địa của mình, bố chỉ bảo “ Thế chú lại nói chuyện phải quấy với nó đi”. Thế! Cực kỳ lịch sự, cực kỳ đúng hiến pháp và pháp luật. Vậy là đàn em của bố liền đi mời thằng không biết phải quấy kia về … đoàn tụ với tổ tiên nó. Nói phải quấy là thế đấy. Kinh!
 Thôi, quên bố già đi, quay lại với … bố mình và Chúa. Sau khi bị đại chủng viện trả về, bố tôi buồn và ân hận lắm, nhưng luật nhà Chúa là không có kháng cáo, phúc thẩm gì cả. Nhưng ông vẫn cứ ân hận nhà mình không có người nào được phụng sự Chúa. Thế là lúc tôi khoảng 10 tuổi, ổng tính gởi tôi vào chủng viện để thực hiện cái ước mơ dở dang của ổng. Đúng là ác mộng với cái thằng thích bay nhảy như tôi. Nhưng muốn thế phải triệu tập hội nghị gia tộc. Bác Hai tôi là tộc trưởng phán thế này : “ Nhà mình không có cái số phụng sự Chúa. Đấy chú xem, tôi rồi chú, rồi Cô Năm Cô Sáu nó đều đi tu, rồi cũng về cả. Nhà mình ăn lường cơm của chủng viện nhiều rồi. Với lại anh trông cái tướng thằng Hoàng cứ lấc cấc thế nào ấy, cho nó đi tu rồi mình lại mang tiếng. Thôi đi!” Chưa bao giờ nghe người ta chê mình mà tôi lại sung sướng đến như thế. Thế đấy! Ai chê ta mới là bạn ta, còn mấy người khen ta vung vít là kẻ thù của ta. Cổ nhân nói cấm có sai 
  Vậy là tôi thoát cái nạn đi tu. Nếu không giờ này gặp tôi các bạn phải “ Chào cha ạ!” chứ đâu có anh Hoàng ơi, chú Hoàng à…Tuy nhiên cái nỗi ưu tư phải có ngừơi phụng sự Chúa vẫn cứ canh cánh trong lòng các vị, cuối cùng thằng con cô Sáu tôi lảnh đủ. Thằng nhỏ hiền lành, hơi khờ là đằng khác, hồi nhỏ chơi bị tôi oánh hoài. Nghe nói nó đi tu tôi cũng dửng dưng. Thế rồi một hôm cả họ tộc rủ nhau may áo lễ mừng “cha Ấn” thụ phong linh mục. Cha Ấn là cái thằng khờ ấy đấy ạ. Thôi thì vinh dự vô cùng, họ tộc đã có người phụng sự Chúa. Tôi thì cứ nghĩ rằng các cụ chẳng qua muốn có người trong số “cán bộ Thiên đàng” để sau này có chuyện gì còn nhờ vả thôi.Thì Cha nói Chúa dễ nghe hơn là giáo dân trơn.
  Thế nhưng khi thằng này, à quên, cha này vinh qui bái tổ tôi mới thấy hoảng. Bác tôi, bố tôi, tức là cậu nó đều một điều cha hai điều cha xưng con ngọt xớt. Thế có bỏ mẹ tôi không kia chứ? Vậy hoá ra tôi phải kêu nó là …ông nội à? Chết thì thôi chứ nhất định là không . Tôi nhớ có cái câu gì mà “ Kẻ sĩ khả sát bất khả nhục”. Hôm nó đến nhà tôi để thăm cậu nó – là ông già tôi -, tôi lật đật xỏ quần áo dọt. Đi ngang phòng khách thấy thằng con đang đứng lơ ngơ , mắt trước mắt sau không thấy ai tôi thúc nhẹ nó một chỏ “ Bày đặt làm cha nữa , ngon mậy” . Thằng con cũng chỉ lỏn lẻn cười cười, đố dám nói gì. Cũng có khi nó đạt đạo rồi, chả thèm chấp với cái loại như tôi. Cũng may là nó chỉ ở thăm vài ngày rồi đi nhận nhiệm sở trong Cam Ranh. Sau này nó vượt biên, qua Mỹ cởi áo dòng lấy một con đầm. Thế là phèo cái ước mơ cả họ.
  Các bạn thấy đấy. Bố tôi sùng đạo lắm, và tất yếu là ông bắt tôi cũng phải sùng đạo như ổng. Giáo dân bình thường chỉ chủ nhật mới đi lễ, tôi thì sáng nào cũng bị ổng dựng đầu dậy đi . Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà, thế là vào nhà thờ tôi ngủ gà ngủ gật. Đang lơ mơ thì cốc một cái, tỉnh như sáo. Ổng ngồi đằng sau mà thấy tôi gật gù là uốn nắn ngay tại chổ liền, đố có mà chạy đàng trời. Ngày chúa nhật mới thật là tai hoạ. Trước khi đi ổng bắt tôi đứng cho ổng “make-up”. Khổ! Cứ cái fashion của ông thế nào là ổng make up tôi y như thế. Này nhé : Tóc các bạn bây giờ xịt keo chứ gì ? Hồi ấy có một thứ gọi là Bi-ăng-tin ( brilliantine ), một loại mỡ bóng, bôi vào tóc vừa giữ nếp vừa bóng loáng, con ruồi nào lớ ngớ đậu xuống là trượt chân ngã dập mặt. Mốt hồi … đệ nhất thế chiến đấy. Thế là ổng trét lên đầu tôi một đống mỡ ấy, chải tới chải lui cho nó thấm đều. Sau đó ổng nhắm đúng ¼ mái đầu phía trái, dùng lượt xẻ cái đầu, à không, mái tóc tôi ra để đánh đấu, sau đó bắt đầu chải, phía trước hơi uốn lên một chút. Các bạn đã xem ảnh của Elvis Presley chưa. Đấy, đại loại như thế, dĩ nhiên không đẹp trai bằng.
  Cái tôi khoái nhất khi đi lễ chúa nhật là sau lễ được dẫn đi ăn bún bò. Hồi ấy sao mà tôi khoái ăn bún bò thế. Ngày thường cũng ăn uống đâu thiếu gì, nhưng tôi lại cứ thích bún bò. Thôi bỏ chuyện ăn uống đi. Đi lễ chúa nhật thì có mục rước lễ. Ai có tội thì không được rước lễ. Mấy ông thầy dạy giáo lý còn hù “ Em nào có tội mà dám lên rước lể sẽ bị Chúa phạt” Ôi! hồi ấy chúng tôi sợ Chúa phạt lắm. Thì trẻ con đứa nào chẳng sợ hoả ngục, chổ mà Chúa phạt mấy thằng có tội. Thế là tôi tự kiểm điểm thấy mình có tội. Này nhé : mới chửi thằng này thằng nọ, mới ngủ gục trong khi xem lễ, mới chôm mấy đồng trong túi bà già mua cà rem…., thứ nào cũng là tội cả. Tôi bèn không lên rước lễ. Ra khỏi nhà thờ bố tôi hỏi ngay “ Tội gì mà không lên rước lễ ?”, vậy là phải khai ra. Từ đó về sau dù có tội bằng trời tôi cũng liều mình như chẳng có, lên rước đại. Kể ra lần đầu cũng hơi hãi, sợ mới vừa ngậm Mình Thánh Chúa vào là nổ cái đùng , răng đi hàm ở lại thì tiêu. Chờ mãi chẳng thấy gì thế là khoẻ. Thì ra Chúa không phạt liền, Ngài để dành đến sau khi chết cơ. Mà đến lúc ấy còn khối gì lúc để ăn năn, xưng tội. Bố tôi thấy thằng con từ đó về sau không phạm tội nữa, cứ lên rước lễ đều thì hài lòng lắm lắm. Thế đấy! Độc tài chỉ tổ làm con người sinh ra dối trá thôi.
  Mỗi tối trước khi đi ngủ là cả nhà ba người phải tập trung lại đọc kinh. Tháng nào bình thường thì khoảng 15 phút, còn những tháng Đức Mẹ, tháng thánh Giuse, tháng Các Thánh…thì lại thêm kinh cầu, lần hạt…Thế là hơn nữa tiếng đồng hồ. Không hiểu sao đang tỉnh như sáo thế mà hể bắt đầu đọc kinh là tôi ngáp. Ông già thì một mắt ngó lên bàn thờ còn một mắt trông chừng tôi, vừa gục một cái là nghe cái cốc liền. Ổng giải thích là bên cạnh chúng ta luôn có một thiên thần bổn mạng và một thằng quỉ. Thằng quỉ thì chẳng bao giờ muốn chúng ta đọc kinh cầu nguyện, nên nó leo lên kéo mí mắt ta xuống làm ta buồn ngủ. Nghe thế lâu lâu tôi lại đưa tay lên xua cái thằng quỉ đó đi, cáu sườn lắm thì tôi đập một cái bốp vào mắt nơi thằng quỉ đang đậu, nó đau quá biến mất. Thế là tôi lại tỉnh táo để tiếp tục đọc kinh. Bố nói thế mà đúng phết. Hồi ấy tôi tin thế.
  Về già gia cảnh sa sút. Bố tôi vẫn nghĩ rằng đó là thử thách mà Chúa gởi đến để ông lập công. Càng chịu khổ nhiều thì sau này lên Thiên đàng càng được thưởng to. Tôi cứ mong ông thật sự tin những điều đó, có vậy tuổi già của ổng khỏi phải dằn vặt khi cả đời lao động lương thiện mà cuối đời lại vất vả, gian truân. Viết đến đây tự dưng thấy cay cay sống mũi. Thôi, ngừng được rồi đấy.

Không có nhận xét nào: