Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Giáo nghệ bi hài ký (2)

 2. Tôi làm live show
  Cái tít nghe hấp dẫn ghê. Live show nữa cơ đấy. Thật ra nghe ghê thế chứ cứ ra đứng ông ổng hát cho người ta nghe là live show chứ còn gì nữa. Thế thì đời tôi hơi bị nhiều live show đấy nhé. Vốn cũng có tí tài vặt, nên đi đâu tôi cũng là trưởng ban văn nghệ. Thế cái chuyện văn nghệ của tôi thì dính gì đến cái nghề giáo này. Dính quá đi chứ. Hồi ấy, mà cả bây giờ cũng thế, tiếng là nghỉ hè chứ chúng tôi có được nghỉ hè đâu. Hai năm đầu chúng tôi phải bị tra tấn 2 tháng với cái món gọi là “Bồi dưỡng hè”. Bồi dưỡng gì mà béo đâu không thấy, chỉ gầy rạc đi, cả đầu óc lẫn tinh thần. Chúng tôi được chia làm nhiều tổ, mỗi tổ khoảng 30 giáo viên. Cứ lên hội trường nghe báo cáo vài buổi, rồi lại về tổ thảo luận, thực chất là lập lại nhũng gì đã nghe. Mấy ngày đầu còn thấy là lạ, được vài buổi là nản. Có cái mớ giẻ rách đó cứ nhai đi nhai lại hoài bố thằng nào chẳng nản. Về đến tổ thì tôi thường là thằng xung phong phát biểu đầu tiên, coi như trả nợ quỉ thần cho xong, còn làm chuyện khác. Chúng tôi bắt đầu tập nói láo từ đấy, nói công khai, nói sùi bọt mép, hùng hồn những điều mình đếch tin dù chỉ một tí ti. Lúc đầu còn thấy ngượng mồm, riết rồi thành quen, cứ thế mà sủa, đếch cần biết đúng sai, đếch phải nghĩ ngợi gì. Chúng tôi đã bị “thú hoá” như thế đấy.
  Học hai tháng chúng tôi phải ra hai tờ báo tường. Thế là những ai có tí ti tài văn nghệ được mời ra làm việc. Chưa đến lượt tôi. Lúc đó tôi đang nằm im thở khẻ, cho nó đỡ rách việc. Mà chủ yếu là các giáo viên văn thôi. Tổ tôi may có cô hoạ sĩ Thanh Trí , thế là mọi công việc vẽ vời cho tờ báo tường khỏi lo rồi. Bàn bạc cho cái tên tờ báo cũng ồn ào như mổ bò, cuối cùng nhất trí chọn cái tên Ngày Mới ( thì chả mới quá là gì) . Chúng tôi ngắm tờ báo , thấy cũng hay hay. Phần trang trí thì khỏi nói rồi, cực đẹp. Đến hôm nạp báo cho lãnh đạo chấm chúng tôi mới choáng thêm phát nữa: Cô Thanh Trí bị kiểm điểm vì vẽ hình Hồ chí Minh quay ra ngoài , không quay vào bên trong, thế nghĩa là cho bác nhà ta quay lưng lại với nhân dân. Lớp trẻ bây giờ nghe thế chắc chúng sặc. Vâng, hồi ấy chúng tôi cũng sặc. Một tổ khác có cái tội còn buồn cười hơn: Tờ báo kẻ cái tên Nhất Trí màu trắng trên nền đen. Trắng với đen sao lại gọi là nhất trí? Thế là đối lập, là chia rẻ hiểu chưa. Ôi! Quả là tận cùng của siêu tưởng nghệ thuật. Chúng tôi vừa bực vừa buồn cười. Buồn cười nhiều hơn. Azit Nexin cũng không nghĩ ra nỗi những trò khôi hài đen hơn thế này.
  Kỳ làm báo tường đợt hai, không có chuyện gì làm, tôi lạng qua lạng lại đóng vai phản biện. Gì chứ món này là nghề của tôi. Viết vẽ cỡ gì tôi cũng kiếm ra cái để hù. Cuối cùng anh chàng tổ trưởng phải xua tôi đi chổ khác cho người ta làm báo. Vậy mà cũng có thầy chạy ra hỏi ý kiến tôi rằng viết như thế như thế có sao không. Kỳ này tôi duyệt tất. Phản biện hoài tụi nó không dám viết rồi lôi tôi ra bắt tôi viết chắc chết.
  Các năm sau cũng thế, nhưng có học ít hơn, để dành thì giờ đi phá rừng Sông Cầu, rồi đi xoá mù mãi trên Khánh Vĩnh, rồi đi lao động trên Củ Chi. Nói chung là người ta nghĩ ra đủ mọi cái để chúng tôi không có thì giờ mà suy nghĩ vẩn vơ nữa. A! Mà quên. Bây giờ đọc lại mới thấy cái tít là live show, vậy mà lại đi những đâu thế này. Rồi, có ngay, có live show ngay đây.
  Giữa một buổi học bồi dưỡng , chúng tôi có khoảng 15 phút giải lao, các tổ phải đăng ký vài tiết mục văn nghệ để giúp vui.Lúc ấy tôi đã có tiếng tăm về cái món ca hát rồi, thế nên vài ba ngày là bị dính. Tôi bực lắm nhưng không biết làm sao. Chữ tài liền với chữ tai một vần mà. Giáo viên hát thì nghe cũng tàm tạm thôi, nhưng cũng có vài giọng ca vàng. Như cái chú em gì sau này chuyển ngành về làm trưởng đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Chú em hát xong là thiên hạ vỗ tay ầm ầm. Thì hát hay thật mà. Còn tôi thì mới nghe giới thiệu “ Mời đ/c Phan tiên Hoàng tổ … lên giúp vui “” là thiên hạ đã vỗ tay rần trời. Tôi cũng không đến nỗi ảo tưởng để nghĩ rằng mình hát hay hơn cái chú em kia đâu, nhưng tôi đánh trúng cái tâm lý của anh chị em là đang buồn chán, muốn có một cái gì đó vui vui cho nó thư giãn. Tôi chế ra một thể loại mới là “hát nói”. Không phải cái món hát nói mà các cụ xưa thưởng thức đâu, cũng không phải cái lối càm ràm như “rap” bây giờ, đơn giản chỉ là hát vài câu rồi ngừng lại thuyết minh…rồi hát tiếp.
  Đỉnh cao của nghệ thuật này là bài” Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ”. Hồi ấy chưa ai hát bài này. Tình cờ vớ được bản nhạc, tôi cầm đờn hát thử, thấy nó hay hay, và cái chính là nó, nói theo ngôn ngữ kịch, có đất diễn. Tôi soạn sẵn kịch bản và chờ dịp thuận tiện tung ra cái video clip này. Dịp may đã đến. Hôm đó khi giờ giải lao gần hết thì tôi được kêu lên hát. Tiết mục tôi coi như chấm dứt giờ giải lao luôn. Thế là tôi diễn, vâng, tôi diễn chứ không phải hát bài này. Đầu tiên là khoảng 3 phút trình bày lê thê về cái sự thiếu nước khổ đến chừng nào, thương ghê lắm. Và thế thì “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn, mà đời không ngại đào mấy con kênh….” Sau đó tôi bắt đầu thuyết minh về cái sự ích lợi và cực khổ của công việc đào kênh, vì thế cho nên em phải bỏ ruộng , anh phải bỏ học lên đường:” À ơi, tay anh phá đá, tay em đào sỏi……”. Và cứ thế , cứ gặp một ca từ nào là lạ là tôi ngừng lại thuyết minh. Mà bài đó thì khối: “da em nâu”, “màu suy nghĩ”. Tôi còn đưa ra câu đố là tại sao da em lại nâu màu suy nghĩ mà lại không nâu màu … cà phê, rồi tôi lại nhì nhằng giải thích. Báo cáo viên sợ cháy giáo án , giơ đồng hồ lên ra hiệu nhưng tôi hát bài tình lờ. Và khi tôi đã xây xong cái Hồ này thì báo cáo viên bị hụt mất 20 phút giáo án. Từ ấy anh tổ trưởng cạch luôn, chẳng đưa tôi lên sân khấu nữa. Thoát nạn. Còn anh chị em giáo viên thì tiếc hùi hụi.

1 nhận xét:

kẻ hoài nghi nói...

Bẩm thầy giáo,

"chia rẽ" không phải "chia rẻ"
"chỗ" không phải "chổ"

:=)))))