Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Giáo nghệ bi hài ký (1)

 Óc tưởng tượng dạo này cùn rồi, không nghĩ ra cái gì cho bay bổng lãng mạn được. Thể loại ký có lẽ thích hợp với tôi hơn cả. Chuyện vui buồn trong đời thì khối gì. Dựng nó dậy, lau chùi sơn phết cho dễ coi rồi cho nó “nhảy múa cùng bầy sói”. Nói trước à nha. Tiếng là thế nhưng nếu tôi có nhảy sang đá bóng hay boxing hay gì gì nữa thì cũng là chuyện thường ngày … ở blog. Tính tôi thích ham vui mà. Gặp đâu xâu đó. Thế nên mới có thơ rằng : 

  Ta rong chơi giữa cuộc đời 
  Gặp đâu vui thú ta ngồi tham gia 
  Vui rồi ta lại bước ra 
  Lại rong chơi tiếp, mới là … dân chơi.
  Tôi bẩm sinh đã là dân chơi mà. Tôi đóng mặt nghiêm trông mắc cười lắm, trông cứ như thằng nào khác í, nhìn đếch giống Hoàng Guitar chút nào cả. Vậy mà đời lại run rủi đưa tôi vào cái nghề đòi hỏi sự trang nghiêm , đúng là làm khó nhau quá thể. Đầu tiên phải kể cái cơn gió quỉ quái nào đã thổi tôi vào cái nghề gian lao này. Đừng buồn nghe Gió, không móc méo gì em đâu. Được em thổi cho thì cứ gọi là “sướng rên mé đìu hiu” ấy chứ. Tới đây bổng lại nổi máu đỏ đen. Đố các bạn nhà văn nào đã sáng tác ra cái thuật ngữ trên? “rên mé đìu hiu”, nghe chẳng có nghĩa mẹ gì cả, nhưng đọc lên nghe là biết cực sướng rồi. 
  Quên nữa. Chổ này xin mở ngoặc chút để các bạn nào Hán hẹp, Nho chùm hiểu . Cái “tít” nghe có vẻ na ná như Tây du ký, không khẻo lại tưởng cha này chuẩn bị đi thỉnh cái của nợ gì đây. Diễn Nôm ra chỉ là “ Những ghi chép về buồn vui của nghề giáo”. Nhưng rõ ràng là nói thế nghe không sang. Các bạn cứ đọc lại đi: Giáo nghệ bi hài ký. Chà nghe cứ gọi là giật đùng đùng nhỉ?  
  Mà nói nhỏ nghe thôi nhen, khéo mấy lão tàu khựa nghe được lại lên mặt. Tiếng Hán nghe nó hoành tráng thật đấy. Hồi xưa ai hỏi tôi học ở đâu tôi cứ thưa : Dạ cháu học ở Khoa học Đại học đường ạ. Thì Thẻ sinh viên của tôi chẳng ghi thế là gì. Có cụ nghễnh ngãng hỏi: “Thế cháu học ở …ngoài đường à. “Đến khổ các cụ . Hán hẹp đến thế là cùng. Nói thế chứ tôi cũng thắc mắc. Sao thầy trưởng khoa lại không gọi là đường chủ nhỉ. Cứ tưởng tượng thầy đưa ra một cái danh thiếp ghi : Nguyễn văn X…., Đường chủ Khoa học đại học đường. Đọc xong chắc phải chắp hai tay vái: “Nghe tiếng tiền bối đã lâu, nay mới được diện kiến lão anh hùng. Thật là đại hạnh cho vãn sinh vô cùng”. Nghe sặc mùi Kim Dung nhỉ. Thế. Sắp sửa nhảy sang kiếm hiệp đây. Để hôm khác đi, không nên tranh dành khách với anh Vũ đức Sao Biển. 
  Trở lại với cái cơn cớ đã đưa tôi vào nghề giáo. Vào lính một thời gian, bắn được vài băng đạn, giết được vài con chồn, mễnh, gà rừng….(giờ rảnh tôi hay vác súng đi săn), địch thì cũng bắn vài ba chú, nhưng toàn bắn hụt. Tôi không có mạng sát nhân. Cũng tốt thôi, chỉ toàn giết những …bông hoa nhỏ không hà. Một hôm đi săn, đạp trúng quả mìn cóc, may có nghề, nhảy né kịp. Bị thương nhẹ.May chứ nếu trúng cái Claymore thì kiếm một miếng thịt về cúng cũng không có nữa. Về bệnh viện nằm, thấy chiến hữu đổ về la liệt, thằng chết, thằng què cụt…tôi đâm hãi. Bố già vào thăm hỏi” Sợ chưa con”. Tôi lỏn lẻn thú nhận rằng mình sợ. Thế là bố chạy cho tôi giải ngũ. Tốn khối tiền đấy. Tỉ lệ thương tật từ 15 nhảy lên 60. Thế là giải ngũ. Khi giải ngũ, tôi trả đồ đạc súng ống lại cho quân đội, xin lại bộ đồ lính để bận đỡ trên đường về nhà. Về đến Nha trang, đang vác ba lô xẹp lơn tơn thì bị quân cảnh chận lại vì trông tướng tôi rất là lè phè: Lính gì mà mang dép, không lon lá, mũ mão, huy hiệu cũng tháo ra , chẳng biết thuộc cái binh chủng quái quỉ nào.Tôi trình giấy giải ngũ, tay quân cảnh nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Sao thằng cha này tay chân mắt mũi nguyên vẹn mà tỉ lệ thương tật lại cao thế.Anh ta hỏi “Ông bị thương chổ nào mà giải ngủ?”. Tính đùa tay quân cảnh, trả lời rằng “ Bị ở …Tây ninh”, nhưng lại thôi, mới rời khỏi lính nên cũng còn hơi ngán quân cảnh. Tôi không nói gì, chỉ gỏ gỏ vào cái đầu. Tay quân cảnh xem chừng hiểu. Hóa ra gặp thằng …thần kinh. Anh ta trả lẹ giấy tờ lên xe dọt, có lẽ sợ bị tôi … cắn. 
  Thời gian còn nằm bệnh viện tôi đã nhảy ra thi vào sư phạm khoa Anh văn. Thì chỉ còn nhớ mỗi cái môn đó thôi, nhờ mấy cuốn Playboy của các bạn cố vấn Mỹ. Đang rong chơi thì được tin đậu, mà lại đậu thứ 10 cơ, từ trên xuống đàng hoàng nhé. Tốt. Có chuyện chơi rồi. Lại quay trở lại giảng đường. Sau này tôi cứ lấy kinh nghiệm bản thân ra rồi kết hợp với quá trình dạy học thì mới thấy mỗi người có mỗi cái thời kỳ thăng hoa khác nhau. Có người sinh ra là thần đồng, thế nhưng càng lớn càng ngu đi. Có người lúc bé đần không chịu được, nhưng càng lớn càng thông minh. Như … tôi chẳng hạn . Hì! Tranh thủ tự sướng một phát xem. 
  Chuyện học cũng có nhiều cái vui, nhưng ở đây nói về chuyện nghề giáo cơ mà, nên thôi. Thế là tôi ra trường, lại tiếp tục đậu cao: Thứ ba. Cứ như thang bậc hồi xưa trạng nguyên bảng nhãn thám hoa thì tôi là thám hoa đây. Ôi nhớ Tiểu Lý Phi dao Lý tầm Hoan hay còn gọi là Lý thám hoa không chịu được. Lại sắp nhảy sang kiếm hiệp nữa. Về! Đậu cao nên khi chọn nhiệm sở tôi ung dung chọn Nha trang. Này, thời chúng tôi không chạy chức như bây giờ đâu nhé, cứ học cho giỏi vào rồi muốn về đâu thì về, còn học kém thì còn chổ nào về chổ ấy, chẳng phàn nàn gì được. Về Nha trang chọn trường cũng theo nguyên tắc ấy. Vậy là tôi về Trung học Diên khánh, bây giờ là PTTH Hoàng hoa Thám đấy. Đời nhà giáo tôi trước 75 khá ngắn ngủi, nhưng cũng đủ cho tôi có cái để so sánh với những gì tôi làm sau năm 75. Hồi ấy một năm chúng tôi họp Hội đồng … có 2 lần hà, mỗi lần khoảng 15 phút. Có gì cần thông báo thì ghi lên bảng. Cuối tháng thư ký mời từng người lên lãnh lương, không mời có khi không thèm lãnh cơ đấy. Cầm cái phong bì ghi tên mình, ký cái rẹt rồi hiên ngang bước ra , chẳng cần phải đếm. Chẳng phải vì chúng tôi giàu có gì, có người cũng nặng gánh vợ con chứ, nhưng ông thầy là phải thế, phải “khinh thế ngạo vật” như thế. “ Bần tiện bất năng di” mà. 
  Đầu niên khóa, thầy giám học hỏi tôi muốn dạy những giờ nào để xếp thời khoá biểu. Xếp thời khoá biểu thời ấy là cả một nghệ thuật đó nhen. Mỗi thầy cô giao cho thầy giám học một cái thời khoá biểu trường tư để thầy …né ra dùm. Chả là trường tư khai giảng trước trường công mà. Tôi xin dạy hai ngày đầu tuần thôi, thành ra đối với tôi chiều thứ ba đã là weekend rồi, cho đến tối chủ nhật. Sướng thế chứ lị. Những năm ấy sao tự nhiên tôi chẳng yêu đương gì. Có em học sinh xinh như múi mít ghi ở cuối bài làm “I love you” bị tôi mắng cho một trận. Có gì thì … nói riêng với thầy chứ. Rảnh thì tôi luyện chưởng, đọc sách. Truyện chưởng thì mướn thôi, còn sách hay là phải mua. Tôi cũng sắm được một tủ sách nho nhỏ, sau 75 bị tịch thu mất. Đúng là cái đồ…vô văn hoá. 
  Nhớ lại cái đận bị thu sách. Phường đã thông báo ai có tàng trữ văn hoá phẩm đồi truỵ thì đem lên phường nộp. Tôi thì chả nghĩ sách của mình là đồi truỵ hay phản động gì nên cứ lờ tịt. Thế là du kích đến nhà kiểm tra, đem cả xe ba gác đến. Hốt tất. Tôi ráng xin lại cuốn tự điển Oxford. Đồ nghề mà. Anh chàng phường đội trưởng lật lật vài trang chẳng hiểu gì phán:”Chữ đế quốc Mỹ. Thu!”. Ứa nước mắt nhìn gia tài của mình bị đem đi, không phải tiếc tiền, tiếc cái tri thức, cái văn hoá trong đó. Đấy! đệ tử của cái anh chàng đã phán ;”Không có sách thì không có tri thức” mà sau này tôi thấy treo trong thư viện trường đấy. Thu sách xong tôi lại bị hoạnh hoẹ chuyện khác. Một chú nhìn lên tấm ảnh tôi chụp ngày tốt nghiệp rồi hỏi: “Ông là cha cố sao không ở nhà thờ mà lại ở nhà?” Tôi còn đang ngớ người chưa hiểu cái con tườu gì thì một ông du kích khác, xem chừng có học hơn, sửa lại: “Khong phải đâu. Luật sư đấy”. Thằng này chắc trước đây có trộm chó bắt gà gì đó phải ra tòa nên mới nhầm tôi với luật sư. Là con mẹ gì cũng được, nhưng chắc không phải là đồng chí với tụi mày rồi, tôi cũng chả thèm thanh minh thanh nga. Đang còn mãi tiếc ngẩn tiếc ngơ cái tủ sách đây này. Cuốn cuối cùng tôi mua là : “Đài tưởng niệm đen của bầu diều hâu gãy cánh” của Eric Maria Remarque vẫn còn đang đọc dang dở. 
  Từ đây trở đi, câu chuyện chia thành từng tiểu truyện, vì chúng không liên tục, nhưng vẫn có cái chung là nghề giáo, hoặc xảy ra khi tôi còn là nhà giáo. 

  1. Những ấn tượng đầu tiên 
  Sau 75, chúng tôi được kêu gọi lên trình diện nhiệm sở cũ. Chưa biết lắm về cộng sản nhưng chúng tôi cũng biết là không nên trình diễn một hình thức sáng láng trước những người chiến thắng. Tôi chạy khắp xóm kiếm mượn một chiếc xe đạp. Cả một buổi mới được, mà lại là chiếc xe treo giàn bếp. Hì hục vá víu một buổi rồi chiếc xe cũng đạp được. Thế là đúng ngày trình diện, tôi làm một màn Tours de Nhatrang. Quả thật là khi đi tôi cũng không biết liệu mình có lên được đến nơi không. Cuối cùng thì cũng tới. Bã cả người. Gặp một số giáo viên “A vào”, tụi tôi mới thấy ngớ ra. Cố gắng tinh giản biên chế đến mức tối đa thì chúng tôi cũng phải mặc quần tây áo sơ mi bỏ thùng cộng thêm đôi giày. Chúng tôi không thể nghĩ ra một ông thầy có thể tinh giản hơn thế. Vậy là chúng tôi tha hồ mà choáng khi gặp các vị “A vào” này: Nam thì quần bộ đội áo sơ mi bỏ ra ngoài, mang dép râu. Nữ thì trông cứ như vừa từ trong bếp bước ra: quần sa tanh đen áo sơ mi , dĩ nhiên là bỏ ra ngoài rồi, áo sơ mi mà lại còn nhét vào trong quần sa tanh nữa thì cách tân như Minh Hạnh cũng bò ra mà cười. Người “được giải phóng” nhìn “người giải phóng” choáng! Và ngược lại. Tôi nghĩ thế. Vậy có thể tóm lại. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là: Choáng! Chiều hôm đó về đến nhà tôi phải bóp dầu cặp giò rã rời. Nghĩ đến tương lai tôi bỗng ngán. 
  Sau khi trình diện, khai báo, chúng tôi vào hội trường chờ lãnh đạo đến huấn thị. Lát sau một ông bộ đội bước vào, súng ống chỉnh tề, chẳng chào hỏi ai bước lên bục mở dây nịt đeo khâu súng K54 để lên bàn cái cộp. Chà, phong độ ghê nhỉ. Bài huấn thị hôm đó nội dung là cho chúng tôi biết rằng không phải thầy giáo là vô tội. Chúng tôi có tội hết: tội truyền bá văn hóa kiến thức lạc hậu phản động của Mỹ nguỵ. Choáng thêm một phát nữa. Hoá ra là chúng tôi cũng có tội chứ chẳng cứ gì phải là lính cầm súng bắn lại cách mạng. Thôi được. Chân lý thuộc về kẻ mạnh mà. Sau đó chúng tôi học tập. Chủ yếu là vạch tội của mình, sau đến là học chủ trương đường lối của cách mạng.Cái phần này ngán lắm, mà chẳng có gì vui, thôi bỏ qua 
  Ngay ngày hôm sau đi học, chúng tôi đã lột xác, nhiều ông còn trông giống “A vào” hơn cả thứ thiệt. Tôi cũng không ngoại lệ: Kiếm cái bộ đồ nào tả nhất, vò cho nhàu đi, cộng thêm đôi dép râu. Thế là đúng bộ người giáo viên nhân dân. Chúng tôi nhìn nhau trong bộ thời trang giáo viên nhân dân, tranh nhau xem thằng nào giống “A vào” hơn. Mà công nhận mặc thế thoải mái hẳn ra, bò lết thế nào cũng xong. Vài thằng cũng phân vân không biết mai mốt đi dạy liệu có phải diện bộ thời trang này không. Chưa gì chúng tôi đã thấy được cái “ưu việt” của nền giáo dục mới, cái ưu việt mà người ta loay hoay chỉnh đi sửa lại hơn 30 năm mà vẫn cứ tậm tịt ở đâu đâu ấy. Đổ biết bao xương máu đuổi Mỹ đi, bây giờ rước Mỹ trở lại, nhờ nó chỉ dạy cách làm ăn. Các vị tai to mặt lớn thì tranh thủ đưa con sang Mỹ du học. Thế thì đánh nhau chí chát từng ấy năm để làm cái chó gì nhỉ? Để thử nghiệm cho một chủ nghĩa không tưởng ư. Ôi! Tội thay cho bao máu xương của cả hai miền. 
  Chợt nhớ lại câu chuyện gần đây. Khi một lãnh đạo ta khoe với thủ tướng Thái rằng đã đánh biết bao nhiêu thằng này thằng kia để có được như ngày hôm nay. Thủ tướng Thái cũng vui vẻ trả lời là họ may mắn chẳng phải đánh ai cả cũng có ngày hôm nay. Ôi cay đắng làm sao. Một đằng ung dung khôn khéo lựa chọn con đường đúng đắn dẫn dân tộc về đích. Một đằng gây gỗ lung tung , đánh nhau sứt đầu mẻ trán rồi về …sau người ta vài chục năm. 
  Ồ! Tôi lại lan man rồi. Cái tật tôi nó thế. Xin tóm lại chương này vậy. Ấn tượng đầu tiên là CHOÁNG và NGÁN

Không có nhận xét nào: