Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Thằng bạn trời đánh của tôi (1)

  Thú thật chơi với hắn kể cũng khá lâu nhưng tôi cũng chưa thật hiểu rõ con người hắn. Thường thì hắn tạo ra cho người mới gặp hắn một ấn tượng rằng hắn là con người thành thật, thẳng thắn. Nhưng coi chừng, đám bạn hắn có thằng nào chưa bị hắn chơi cho một cú choáng váng đâu, mặc dầu hôm ấy chẳng phải là ngày 1/4. Với hắn hình như ngày nào cũng có thể là ngày Cá Tháng Tư cả. Hắn có một niềm vui gần như bệnh hoạn trong việc lừa được ai một vố. Nhìn hắn tít mắt cười hả hê khi lừa được ai vào tròng tôi chỉ muốn đấm cho hắn một quả. Hồi còn đi học hắn rất khoái cái trò dấu cái chụp bugi của bạn bè. Hắn có cả một bộ sưu tập cái thứ này. Khi ấy tôi đi học bằng chiếc xe hơi con cóc. Không tháo được chụp bugi của tôi, hắn rủ vài thằng đẩy xe tôi, hắn ngồi cầm lái ra dấu tít đằng sau viện làm tôi xém tí nữa đi báo cảnh sát. Tuổi tác xem ra chỉ càng làm tay nghề của hắn cao siêu hơn thôi chứ chẳng làm hắn đứng đắn ra chút mào.
  Có lúc hắn rất thương người. Đang nhậu hắn chợt móc túi chạy ra cho một người ăn xin ngoài đường. Cũng có lúc hắn đóng mặt lạnh thản nhiên cười nói khi một chị cái bang rách tả tơi ẳm một em nhỏ khóc ằng ặc đứng kế bên van xin, có khi hắn còn nạt người ta. Hỏi thì hắn bảo “Tao không thích bị ép làm từ thiện”. Bình thường hắn ăn nói cũng ra người đàng hoàng, hắn là thầy giáo mà. Cũng có lúc hắn thô tục phát khiếp, cứ như một thằng đầu gấu thực sự, nhất là cái đận hắn chạy xích lô. Hắn bảo “Đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giáp mà mầy”. Mà cái đám xích lô thấy hắn cũng thô tục tào lao như mình lại càng khoái hắn.
  Sáng nay tôi nhận được tin nhắn của hắn. Mẫu tin chỉ vỏn vẹn có mỗi cái dấu hỏi. Biết rồi. Hắn hỏi tôi sáng nay có rảnh không lại dẫn hắn đi uống cà phê đấy mà. Mẫu tin này mà đến vào buổi chiều thì cũng có ý nghĩa tương tự, chỉ thay cà phê bằng rượu thôi. Cứ như là bố tôi vậy. Không biết kiếp trước tôi mắc nợ hắn cái gì. Có điều cũng đỡ là hắn không thích vào những nơi sang trọng, cứ ngồi vỉa hè. Càphê hay nhậu nhẹt cũng thế. Hắn bảo thằng nào mời đi nhậu là thằng ấy trả tiền. Đừng thấy hắn gửi tin nhắn “Nhậu?” mà tưởng hắn mời là sai lầm chết đó. Theo ngôn ngữ của hắn thì như thế có nghĩa là “ Rảnh không lại mời tao đi nhậu” đấy. Bóc lột bạn bè được vài đồng là hắn vui ra mặt
  Hắn chỉ có mỗi cái xe đạp thành ra ai muốn mời hắn đi nhậu làm ơn lại rước hắn. Từ lúc có qui định đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm lại phải mang cho hắn cái mũ, không thì hắn không chịu đi. Hắn vốn tôn trọng pháp luật mà. Riết rồi tôi phải sắm cho hắn một cái. Hôm nhận mũ hắn săm soi, gõ gõ vài cái xem mũ có chắc không rồi phán “Được đấy!”, rồi bảo tôi dẫn hắn đi nhậu “rửa mũ”, tiền nhậu tôi trả. Hắn lý sự rằng thì là thằng cho bao giờ cũng vui hơn thằng nhận. Đã vậy gần đây hắn còn bảo tôi “ Mày coi có cái nào nhẹ hơn, thời trang hơn đổi cho tao đi. Cái này nặng bỏ mẹ, tao có đi đâu xa đâu, mang cho có thôi mà”. Mẹ! Bố tôi cũng không được như nó.
  Hắn lại chỉ toàn thích uống rượu. “ Bia uống chỉ tổ no bụng với đi đái liên tục. Lích kích lắm!”. Hắn nói thế. Một hôm có thằng chạy đi mua rượu cho hắn, một chai ông già chống gậy đàng hoàng. Hắn bảo “ Phí thế. Rượu đế được rồi.” . Nhưng hắn cũng hăm hở khui chai rượu. Mình hắn làm sao uống hết, thế là hắn xách về. Cả năm sau thấy chai rượu vẫn còn nguyên, ai đến cũng mang ra mời.
  Hắn đối xử với bạn bè tàn bạo như thế nhưng nhiều thằng cứ khoái rủ hắn đi chơi. Chả là hắn có giọng cười khá là ồn ào. Bàn nhậu đang trầm lắng nhưng có mặt hắn là có chuyện để nói, để cãi. Hắn lấy ở đâu ra nhiều đề tài thế không biết. Người chưa quen biết bảo hắn có giọng cười khả ố. Thỉnh thoảng tôi phải nhìn quanh xem thử có ai bất bình vì giọng cười của hắn không , sợ bọn say nó nóng mặt qua gây sự thì khốn. Cũng may tụi tôi thuộc loại cây cao bóng cả nên lũ choai choai cũng chả thèm chấp.
  Hắn được cái trọng lễ nghĩa, bạn bè có hỉ sự gì là hắn nhắn tin chúc mừng ngay : tân gia, thôi nôi, đám cưới, sinh nhật…nhưng điệu hắn tới được mấy chổ đó e rằng hơi khó. Hắn bảo: “Cái mặt tao không hạp với những dịp ấy. Tới những nơi ấy mà tao cười hô hố thì còn ra cái thể thống gì nữa” . Học trò đến mời hắn đi ăn cưới hắn xua tay bảo: “Thôi, liệu về mà sống với nhau cho nó êm đẹp đi. Khoảng nữa năm mà vẫn còn êm thì hai đứa lại dẫn thầy đi nhậu một bữa là được”. Hôm rồi hắn có một thằng bạn thân lấy vợ. Thằng này già rồi, vợ mất đã lâu, nuôi hai đứa con lớn hết rồi nên bây giờ tính rước một chị về để hú hí lúc tuổi già. Lại rủ hắn đi đám cưới và làm phụ rể hắn bảo:” Già mà còn rửng mỡ hả con. Ít hôm nó hành mày tả tơi đừng có chạy xuống tao mà khóc lóc đấy nhé. Còn cái vụ đi đám cưới mày tha dùm tao đi”. Thằng bạn năn nỉ sùi bọt mép hắn mới lừng khừng bảo: “Thế thì về kiếm tao đôi giày. Giày tao lâu nay không mang để dưới gầm giường bọn chuột nó cắn tan nát hết rồi. Tao chỉ đi ăn cưới thôi. Phụ rể dứt khoát là không” . Vậy mà thằng kia hí hửng chạy về đánh bóng đôi giày đem xuống cho hắn. Hắn còn bảo: “ Tao đi không thôi đấy, tiền bạc quên đi nhé”. Thằng bạn tội nghiệp kia còn hỏi hắn có ai đưa đi không, và giao nhiệm vụ cho thằng con trai hôm đó phải canh me đón cho được ông chú quí hoá. Phải công nhận kiếp trước hắn tu thế nào mà kiếp này hắn có nhiều bạn tốt thật, chứ không thì hắn ra ma từ cái đời nào rồi.
Nhớ cái hồi hắn cuốn gói biến khỏi nhà vợ không một đồng trong túi, thuê cái xe xích lô của thằng Đức để vừa làm cần câu cơm, vừa làm nhà,tôi chọc hắn: “Cốt mày sinh ra là để đạp xích lô mà. Tưởng bỏ xích lô đi làm vương làm tướng gì hoá ra bây giờ lại quay lại xô xích le”. Hắn cười dụ tôi dẫn đi nhậu. Qua những câu tâm sự đứt quãng bởi những chuyện tầm phào tôi lờ mờ đoán được hắn không chịu nổi màu đỏ của gia đình vợ, lại không muốn đóng vai ông nội trợ , ở nhà giữ con cho một bà vợ quan chức nên đành đoạn bỏ lại một đứa đang đi chập chững, một đứa đang tượng hình mà ra đi. Lại tự ái với gia đình vì đã không nghe lời can gián của ông già mà nhào vô ổ kiến lửa nên cũng không về nhà. Rồi thằng Trung thấy hắn tội cho ở trọ. Từ đó hắn bắt đầu kiếp ở trọ. Hắn hát bài “ Con chim ở trọ cành tre, con suối ở trọ trong khe nước nguồn…” tâm tư gớm lắm là vì thế đấy.
  Cái thằng Đức cũng như tôi, không biết kiếp trước mắc nợ gì hắn mà kiếp này cứ phải gắn bó với hắn. Đợt trước, thấy nghề xích lô kiếm ăn cũng khá, hắn rủ thằng Đức bỏ dạy về sắm xe đạp với hắn cho vui. Hai thằng chiều nào cũng hẹn nhau ở quán thịt cầy, say ngất ngưỡng mới về. Rồi hắn bỏ xe, lấy vợ, lên ở nhà vợ làm nội trợ. Quay trở lại hắn dụ thằng Đức đi học nghề sửa đồng hồ cho nó nhàn, chạy xe nắng nôi khổ lắm, đưa xe hắn chạy cho. Vậy là thằng kia giao xe cho hắn, không lấy tiền thuê xe, chỉ ngày hai buổi về chở đi ăn cơm thôi. Thì cũng thế cả mà. Hắn thực hiện hợp đồng được nghiêm chỉnh vài hôm là bắt đầu dở chứng. Đang chạy xe gặp thằng nào kêu nhậu là hắn tấp vào, quên thằng bạn đang đói meo râu ở nhà. Có lần hắn bỏ thằng Đức nhịn đói suốt một ngày.Sau trận đó thằng Đức phải bắt hắn đóng tiền thuê xe. Cho chắc ăn.
  Căn nhà hắn ở trọ lâu nhất là nhà thằng Khánh. Hắn cũng tài. Một đại gia đình của hai cô con gái, hai chàng rể vài ba ngày lại cãi nhau, mỗi cặp có một lũ con như quỷ sứ. Vậy mà hắn ở được gần ba năm không hề hấn gì. Đôi khi còn phải đóng vai phụ huynh can gián hai ông rể quí khỏi choảng nhau nữa. Lúc này hắn lại thất nghiệp. Một thằng bạn khác thấy tội kêu hắn về dạy kèm cho con . Tiền học cũng khoảng hai trăm ngàn bây giờ. Với tổng thu nhập nhiêu đó hắn đói là cái chắc. Cũng đỡ là nhà thằng Khánh, nơi hắn trọ lại là quán nhậu. Thế là ngày nào hắn cũng được bạn bè mời nhậu. Say rồi thì khỏi ăn cơm, đỡ tốn gạo. Thành ra nhờ thế mà cũng tạm đủ.
  Một hôm có cô bạn cũ đi ngang thấy hắn tội quá bèn bảo xuống trung tâm cô đang dạy xin một lớp. Gì chứ xin là hắn không quen, thế là hắn ừ ào cho qua chuyện rồi lơ luôn mặc dầu thèm đứng lại trên bục giảng muốn chết luôn. Ông giám đốc trung tâm hóa ra lại là thầy cũ hồi hắn học đại học chờ hoài không thấy hắn đến bèn cho người kêu hắn lại hỏi sao không đến dạy. Hắn lại vờ như đang bận rộn ghê lắm, hẹn thầy để hắn “sắp xếp công việc” xong rồi sẽ đến. Oai gớm chưa ! Mà kể ra hắn cũng có khối thứ để sắp xếp thiệt. Lâu nay hắn có bộ đồ nào cho lành lặn đâu mà bảo lên lớp ngay được. Thế là hắn mở một cuộc lạc quyên và bạn bè hăng hái đóng góp. Thế! Tôi đã nói hắn mà không có bạn thì chỉ có chết. Vậy là thằng này cái quần, đứa kia đôi giày, cái áo…đưa hắn quay lại bục giảng. Nhà thờ tin lành không biết ăn phải cái bả gì cũng qua tặng hắn chiếc xe đạp
  Hắn dạy kể cũng được. Gì chứ dạy thoải mái, chẳng lệ thuộc giáo án, muốn dạy gì thì dạy thì hắn là trùm. Với lại đi học ở trung tâm ban đêm học viên cần được tạo cái tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng. Gì chứ làm cho thiên hạ cười là nghề của hắn mà. Thế là chỉ sau một tháng dạy thử một lớp, hắn được giao ngay bốn lớp.Tháng đầu lãnh lương gần triệu bạc hắn không về ngay nhà. Hắn ghé một quán sinh tố, cái món đã lâu hắn chưa được thưởng thức, ngồi nhậu …ba ly sinh tố, lâu lâu lại thò tay vào túi nắn nắn cái phong bì đựng lương, trầm ngâm. Kể ra thì hắn chẳng thèm sinh tố đến mức ấy đâu, nhưng hắn cần một chổ ngồi để suy tư thôi.
  Đố biết sáng hôm sau hắn đi đâu ? Chẳng ai đoán nổi đâu. Hắn đi cân. Xem thử những tháng năm lăn lộn ấy lấy mất của hắn bao nhiêu ký rồi. Hắn còn 38 ký. Vậy là mất đứt gần 20 ký. Kinh ! Vậy là hắn lên kế hoạch lấy lại những kí lô đã mất. Buổi sáng hắn xuống trường Tàu làm một tô bún bò giò heo, lội một vòng biển. Buổi trưa hắn làm vài lạng thịt bò nhúng tái. Tối dạy về làm một chai bia. Chỉ một tháng mà hắn lên gần chục ký.
  Hắn dễ tính, hay chọc ghẹo thiên hạ và sẵn sàng nghe thiên hạ ghẹo lại. Hắn lấy sự lật tẩy thiên hạ và bị thiên hạ lật tẩy làm vui. Hắn dễ nổi nóng nhưng mau quên. Nhưng hắn mà ghét ai thì cũng khiếp lắm. Đang nhậu ngon lành mà có 1 tên hắn ghét ngồi vào bàn là hắn đứng lên liền. Hắn mà đã ghét ai là hắn không mắng chửi thằng đó nữa, chỉ không ngồi chung bàn. Thế thôi. Cũng may số này không nhiều, nói chính xác thì chỉ có hai thằng. Nghệ sĩ cả đấy. Có lần tôi hỏi hắn sao nhậu với đám xích lô thô tục thì được mà một nhà thơ như thế lại không được. Hắn bảo: “ Tự nhiên không chịu nổi cái bản mặt nó. Tởm lắm!”. Thế thì chịu
  Trừ vài trường hợp cá biệt không giải thích được như thế thôi còn thì hắn hòa hợp rất nhanh với môi trường mà hắn buộc phải tiếp xúc. Có lần hắn thuê nhà của một tay thiếu tá bộ đội không quân trên đường Lê hồng Phong , chung quanh nhà hắn toàn là sĩ quan phòng không không quân cả. Một lần đến chơi tôi thấy hắn ngồi nhậu với một đám tá, uý không quân đang say sưa nghe hắn kể chuyện đánh nhau với việt cộng. Hắn nổ cả đấy. Có vẻ mấy tay bộ đội này thích hắn lắm. Lát sau có một chú năn nỉ: “ Bác hát tụi em nghe bài Câu hò bên bờ Hiền lương đi bác”. Thế là hắn ôm đàn hát say sưa, xúc động. Đám kia nghe hắn hát xong một chú bảo:” Bác hát còn hay hơn cả nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền”. Hắn cười khà khà :”Chuyện! Còn phải nói”. Cái thằng khoác lác đến thế là cùng.
Đám bộ đội khi nhậu hay có màn ”Một hai ba …dô”. Hắn cấm tiệt. Hắn bảo: “ Dân Bắc mấy chú uống tục bỏ mẹ. Uống ừng ực như thằng Chí Phèo. Cái sự uống là cái sự sướng. Thằng nào sướng cái miệng thằng ấy chứ. Uống mà cũng hô khẩu hiệu. Mấy chú làm hỏng cả buổi rượu”. Thế là mấy chú kia không hô la nữa. Giỗ chạp gì mấy chú bộ đội cũng nằng nặc đòi hắn phải đến dự cho được, có lần còn đòi dẫn hắn vào doanh trại nhậu. Hắn bèn lên lớp cho mấy chú một bài về kỷ luật quân đội. 
  Vậy mà có lần tôi thấy hắn khóc đấy. Ấy là cái hồi hắn còn thất nghiệp cơ.Hắn đang ngồi nhậu thì thằng Đức lại báo tin ông già hắn mất gần một tháng rồi. Bà già thì không biết hắn ở đâu mà tìm. Hắn sững người vài giây rồi lại bưng ly uống. Một thằng bảo hắn về nhà liền bị hắn nạt lại : “Ổng chết cả tháng nay rồi, bây giờ lật đật chạy về làm gì mày”. Thiệt tình ! Đang nhậu chợt hắn bỏ đi đâu đó, quay về thấy hắn mua một miếng vải, cây bút lông và một bình mực. Hắn nhờ thằng Vĩnh Hiền viết cho hắn hai câu thơ lên tấm vải theo kiểu thư pháp : “ Thuở bố sinh tiền không đủ áo cơm phụng dưỡng – Lúc cha qui tiên chưa tròn hiếu nghĩa cư tang “. Hắn cầm tấm vải ngắm nghía rồi đột nhiên oà khóc. Hắn khóc như mưa như gió, khóc như bao nhiêu nước mắt hắn dồn lại lâu nay để khóc một lần cho đã. Bọn tôi chẳng thằng nào biết nói gì. 
  Hắn ngưng khóc cũng đột ngột như khi hắn khóc. Đang hu hu như thế bỗng hắn thắng lại cái kít, quẹt nước mắt bưng ly rượu lên làm một hơi cạn sạch :”Uống đi. Già thì phải chết. Có tao ổng cũng chết. Thôi uống đi”. Và hắn lại nhậu, lại nói đùa, lại mắng mỏ như không có chuyện gì xảy ra. Đến chịu cái thằng. Tôi nghĩ có lẽ khi bạn bè về hết, còn một mình hắn sẽ lại khóc. Hắn chỉ không muốn làm bữa nhậu của anh em mất vui thôi mà.
  ( còn tiếp…)

Không có nhận xét nào: