4.- Tôi dạy bổ túc
Đúng nguyên tắc “một hội đồng hai nhiệm vụ, ngoài giờ giảng dạy trên lớp ban đêm chúng tôi còn phải đi dạy bổ túc văn hoá. Thế là cơm nước xong khoảng 7 giờ là thầy cô cứ từng cặp hai người đến một điểm dạy bổ túc. Địa điểm học thường là đình làng . Ban đêm ở thôn quê mà, trời tối, thầy cô phải xách theo cái đèn dầu, ngoài có chụp một chai thuỷ tinh để tránh gió, lội đến trường. Các cặp thường được phân chia một thầy một cô, vì các cô thường sợ ma. Thế là trên đường tôi tranh thủ kể chuyện ma. Đến chổ nào có vẻ um tùm tôi bỗng thắng lại cái kít, thì thào hỏi :”Cái gì trăng trắng đằng kia thế nhỉ”. Bảo đảm mười lần như chục, các cô cứ ôm chầm lấy tôi, gỡ ra mệt muốn chết. Đấy! Ngay trong lúc vất vả tôi cũng có thể tranh thủ kiếm được xí đỉnh niềm vui. Dĩ nhiên hôm nào đi với các đàn chị thì chả dại giở trò đó ra.
Học viên bổ túc thì đủ loại, từ thằng nhóc thò lò mũi đến bà cố nội của nó. Thì cứ chưa biết chữ là phải đi học thôi. Chẳng phải hiếu học mẹ gì. Ban ngày lăn lộn ngoài ruộng mệt muốn chết tối còn phải đi học nữa ai mà muốn. Nhưng nếu không đi hả? A lê , trừ công điểm.Thế là cứ răm rắp. Phàm làm cái việc gì mà thấy nó chẳng ích lợi gì là tôi không muốn làm, nên cứ giao cho các cô. Tôi thì cứ lớn tớn ngắm trăng hút thuốc, chờ tới giờ thì đưa nàng về dinh. Trên đường về nếu thấy buồn thì lại nhát ma thêm phát nữa.
Bổ túc đi bổ túc lại thế nào mà bây giờ tỉ lệ người mù chữ ở Hà nội nghe nói vào loại cao nhất nước. Mèo lại hoàn mèo. Đến một năm nọ, tôi được cử đi coi thi phổ cập cấp một ở xã X. ( xin không nêu tên vì những lý do đặc biệt ). Không nêu tên nhưng nếu ai quan tâm đến tình hình bổ túc có thể biết. Đây là một trong 2 xã đầu tiên của miền Nam xoá mù thành công năm 76, được thư khen của ông Đồng. Thế là thừa thắng xông lên, bây giờ ta lại là xã đâu tiên phổ cập cấp 1. Làm thủ tục xong tôi lên phòng thi, và tôi choáng. Thí sinh ngồi dưới toàn là học sinh cấp 2,3. Lác đác có vài em học trò của tôi. Thấy tôi các em cười cười, ra cái điều “ Vui thầy nhỉ? Thầy trò ta cùng nhau lừa gạt đảng nhà nước một phát chơi.” Tôi thì không cười nổi. Tôi đã nói tôi có tật hay xấu hổ. Thế là tôi lên văn phòng , đề nghi chủ tịch hội đồng thi xuống lập biên bản. Anh chàng này không dám giải quyết, chạy lên xã mời bí thư xã xuống. Bố già phân trần rằng thì là xã đã lỡ là lá cờ đầu xoá mù rồi, thành ra nay cũng phải poc tem một cái lá cờ đầu phổ cập, vả lại đây là chủ trương ở trên. Tôi hỏi chủ trương ở trên thì văn bản đâu cho tôi xem. Bố già ấp úng chỉ đâu trên trời, nói rằng hiểu ngầm thế thôi chứ làm chó gì có văn bản. Nhì nhằng hơn nữa tiếng mà chưa thi được, lại thấy làm căng cũng chẳng tới đâu, bọn xã này cũng là bọn đầu sai thôi, tôi quyết định đàm phán. “ Thôi được, các vị cứ tiến hành thi với 2 điều kiện. Một là tôi không coi thi nữa. Hai là nhắn với ông nào trên đó rằng từ giờ trở đi ai muốn một hội đồng hai nhiệm vụ xin mời tự nhiên. Còn với tui thì làm ơn quên đi dùm. Không thì tôi quậy lên tới Bộ à”. Đàm phán thành công. Tôi bảo anh chủ tịch cho tôi mượn cái võng treo dưới gốc mít ngủ, cũng dặn nhỏ : “Trưa ăn uống tử tế nhen mầy”. Mà tử tế thiệt. Trưa đó gà vịt ê hề. Phổ cập thành công. Tỉ lệ đậu trăm phần trăm.
Thật ra tính tôi không thích gây gỗ chi cho rắc rối. Nó ghét nó đì cho tới số ấy chứ. Nhưng cứ tưởng tượng thử xem : Tôi đàng hoàng vào lớp, điểm danh. Một ông học trò của tôi tên A. bây giờ hoá ra tên B., tuổi thì bằng tuổi bố tôi. Tôi mời “bố” ấy lên đưa cho một bài đọc lớp năm mời bố đọc. Bố đọc ro ro ( mẹ khỉ, học trò phổ thông mà không đọc ro ro thì đem về câu sấu cho xong). Tôi khen giỏi, cho 10 điểm, mời “bố” về, mời tiếp “mẹ” khác. Kịch bản đó kể ra tôi cũng đóng được chứ có khó gì, nếu không tính đến chuyện là ngày mai các bố các mẹ ấy lại hiện nguyên hình là các em học trò của tôi, và tôi tiếp tục dạy các em “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Bà mẹ nó chứ! Ai dạy được chứ tôi thì không. Nhất định là không.Thế là từ ấy chẳng có văn bản qui định gì nhưng hể bàn đến bổ túc là các vị chừa tôi ra. Khoẻ!
Sau đận ấy cácngài ở trên ghét tôi rõ, nhưng không dám ra mặt. Tôi mà không dạy ngoại ngữ là đời tôi khốn nạn rồi. Cứ vài hôm lên dự giờ rồi phê rồi phán là chết thằng nhỏ. Khổ cái ngoại ngữ mặc dù được ghép chung với tổ xã hội nhưng vẫn cứ một mình một cõi, chẳng ai kiểm soát. Đến một lúc thấy cứ để thằng này tự do thế không biết nó giảng dạy cái gì, các ngài bèn tổ chức một đoàn, trong đó mời một giáo viên ngoại ngữ, chắc để làm cố vấn. Thế là đoàn kiểm tra sáu người, ngồi hết hai bàn cuối lớp, dự giờ tôi. Mới dạy khoảng 10 phút tôi đã thấy nóng mặt. Các vị cứ chụm đầu rì rầm cái gì đó. Mãi đến lúc một vị bàn dưới chồm hẳn người lên bàn trên để hỏi gì cái ông cố vấn thì cơn giận tôi bùng lên. Tôi tuyên bố :” Hết giờ. Mấy em đứng dậy vỗ tay tiễn đoàn thanh tra ra về”. Các em chẳng hiểu gì nhưng thầy bảo thế thì biết thế. Các vị càng chẳng hiểu gì hơn, nhưng chúng tôi vỗ tay hăng quá thành ra các vị đành lục tục đi ra. Những ánh mắt nhìn tôi xem ra chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp cả. Các vị vừa ra, tôi bảo học sinh ngồi xuống, học tiếp.
Hết giờ, biết ngay là các vị đang mai phục chờ tập kích , tôi chơi bài tiên hạ thủ vi cường. Tôi đập bàn ( nhẹ thôi, nhưng cũng là đập ) hỏi ngay: “Các anh có dự giờ thì cũng phải trật tự cho tôi dạy chứ. Tôi có sai chổ nào xuống đây các anh phê bình mấy tôi cũng nghe hết, nhưng trên lớp phải để tôi dạy chứ”. Bị đòn phủ đầu choáng váng, anh trưởng đoàn lúng búng: “Chúng tôi có ồn ào gì lắm đâu, chỉ là trao đổi chút đỉnh mà”. À, xuống nước rồi hả. Thế thì tôi lấn tới luôn “ Lớp tôi mà xì xào một tiếng , chồm tới chồm lui là tôi bắt ra cửa đứng ngay. Nếu mấy anh thích, mời dự tiết sau, có điều trật tự dùm tôi”. Có cho vàng các vị cũng chẳng thèm dự nữa. Thế là yên giặc. Phải nói thêm là lúc đó tôi đã manh nha muốn nghỉ việc rồi, thành ra mới hào hùng thế. Hì hì. Mà nói thế cho oai thôi chứ lớp tôi mà một tiết học thầy trò không phá ra cười như cái chợ vài ba lần là tôi coi như thất bại. Phải vui mới học được chứ.
Bao nhiêu năm sau nhìn lại, thấy những bệnh cũ vẫn còn nguyên, chỉ biến tướng thôi. Buồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét