Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Tôi đạp xích lô

Năm 1982, sau 7 năm gồng mình làm giáo viên “nhăn răng”, tôi bức xô, bỏ nghề. Suy đi nghĩ lại mấy đêm , tôi viết “Đơn thông báo nghỉ việc”. Sở gọi lên đập bàn : “ Anh có biết viết đơn không? Đơn thông báo là cái quái gì hả ?” . Tôi phải giải thích rằng thì là tôi không xin gì cả, thành ra không thể viết đơn xin, nhưng viết “ Giấy thông báo nghỉ việc” thì không ổn lắm vì dầu gì tôi cũng là cấp dưới, thành ra mới có cái thể loại đơn thông báo đó. Quát tháo để chứng tỏ quyền hành thế thôi chứ làm gì nhau. Khi ấy tôi đã coi mình không còn là giáo viên nữa thành ra có ngán cái đếch gì. Lẽ ra tôi cũng chẳng cần lên Sở làm gì, cứ gởi đơn rồi tếch thẳng thôi; thế nhưng tôi cũng muốn lấy lại cái bằng đại học. À có cái để hoạnh họe rồi đây. Mà cái tính thằng tôi là tối kỵ năn nỉ. Thấy anh chàng cán bộ Sở bắt đầu giở giọng làm khó là tôi biến sau khi phang một câu : “ Cho mấy anh cái bằng đó luôn, nó cũng chẳng làm cho mấy anh thông minh ra tí nào đâu”. 
  Ở đây phải ngừng lại để khoe khoang một chút. Đời tôi tối kỵ hai điều : năn nỉ và chen lấn. Thời buổi này mà không có hai kỹ năng đó là khốn nạn ngay. Nhớ lần bố tôi bệnh gần chết, bác sĩ đã chê cho về nhà nằm chờ chết. Tôi lên phường hỏi thủ tục để làm giấy khai tử. Thằng cha ở phường cho biết là không được vì bố tôi không có hộ khẩu ở phường. Nghe thế tôi quay ra liền. Thế là thằng cha gọi giật tôi lại hỏi : “Vậy anh tính làm thế nào?”. Tôi bảo : “Thì tôi kiếm chổ nào sau nhà đào lổ chôn đại chớ sao bây giờ”. Thằng cha cự nự rồi kể một lô một lốc những qui định gì về vệ sinh này nọ. Tôi cũng nóng mũi cự lại “ Vậy bây giờ mấy ông muốn gì? Xin giấy khai tử để xin một lổ ở nghĩa địa mấy ông không cho, chôn trong nhà cũng không được . Hay là tôi quăng ổng ra ngoài đường nhen?”. Thấy cái thằng…chết cha này hung quá, thằng con mới xuống giọng :” Thôi đưa giấy tờ đây tôi chứng cho”. Lúc đó tôi mới bảo : “ Cảm ơn, tôi hỏi trước phòng hờ thôi, chứ ổng chưa chết” , làm thằng con chưng hửng. Có lẻ vì sợ chết không có đất chôn nên bố tôi ráng sống thêm…9 năm nữa. Tạ ơn Chúa! Cũng nhờ cái đức tính này mà bây giờ trong người tôi chẳng có thứ giấy tờ gì cả, vì đã đi làm giấy là phải năn nỉ, mà hể động tới năn nỉ là tôi biến. À! Cũng có đấy : Thẻ cử tri. Cứ mỗi mùa bầu cử là bà tổ trưởng dân phố lại đến … năn nỉ tôi làm thẻ cử tri. Ừ! Làm thì làm, người ta năn nỉ mình cơ mà. Mà cũng phải nói thêm, khi yêu tôi bỗng trở nên nhu mì, khi cần năn nỉ tôi cũng năn nỉ ra trò. Có lần tôi lén đi nhậu, nàng biết được bèn cấm cửa tôi. Lúc này nàng không còn ở nhà nhỏ bạn tôi nữa mà mướn một căn nhà riêng để ở, cho tiện việc học hành và … yêu đương. Tôi năn nỉ nàng không mở, thế là tôi ngồi ngủ ngay trước cửa. Sau này thấy phim Hàn quốc nó cũng làm giống y chang, có điều những lúc ấy thường trời mưa. Kiểu đó thì nàng có quả tim bằng đá cũng mũi lòng. Mà thường sau cơn mưa trời lại sáng, còn sáng hơn lúc chưa mưa nữa cơ. Ôi đã quá. Chẹp ..chẹp…Đâm ra sau này lâu lâu tôi lại kiếm chuyện chọc cho nàng giận, để được … năn nỉ.
  Còn chen lấn hả. Năm ấy, sau khi rớt chứng chỉ SPCN vì chỉ mãi lo làm thơ tặng em và “dắt em lên đồi cỏ hoang ngập lối” ,tôi sẽ phải đi lính nếu không chịu ghi danh học tiếp đại học. Tôi vào SG để ghi danh ở cái trường gì mà “con đường DT….cây dài bóng mát” đấy. Đố quí bạn biết trường gì nào? Thấy đông quá tôi bỏ về uống cà phê. Hôm sau nữa tôi lại đến. Vẫn thế. Giá chịu khó chen lấn thì cũng được, nhưng đã bảo là tôi không ưa cái món này mà. Thế là tôi bỏ về Nha trang, đi lính. Thời buổi ấy mà đi lính đúng là “10 phần chết 7 còn 3”. Nhưng tôi thì thà chết không chịu chen lấn. Thế đấy. Và tôi ung dung ra chiến trường. Kinh Kha gặp tôi thì chỉ có gọi bằng anh.
  Lại đi lang thang nữa rồi. Mà chắc các bạn cũng quen với cái thằng lang thang như tôi rồi đấy nhỉ? Trở lại chủ đề chính nào. Xích lô chưa thấy đâu cả chứ gì ? Từ từ nào. Thấy tôi gom sách vở quần áo về nhà, bố tôi cũng chẳng nói gì, có lẽ ổng cũng hiểu cái tạng tôi không trụ nổi trong một môi trường như thế. Mãi vài tuần sau thấy tôi chẳng làm gì cứ đi chơi suốt, ông bảo: “Kiếm chuyện gì làm chứ ở không hoài hả con?”. Tôi ừ ào vậy thôi chứ cũng chẳng biết mình sẽ làm cái món gì. Thì chỉ biết có mỗi nghề dạy học, ngoài ra có cái nghề ngỗng gì đâu. Chờ hoài ổng mới gợi ý:” Hay ba bán bớt một căn nhà, con cầm ra ngoài chợ trời coi người ta buôn bán gì đó rồi mình bắt chước”. Nghe nói tới buôn bán tôi hơi ớn, nhưng cũng chiều ổng xuống chợ thăm dò thử ra sao, tôi cũng có mấy thằng bạn buôn bán xe đạp dưới ấy. Một ngày ngồi xem chúng nó buôn bán tôi biết ngay cái món này không hợp với cái tạng mình chút nào. Xe dỏm rành rành đấy nhưng cứ nói vung lên là xích líp Nhật, bu tăng Pháp, pêđan Ý, đùm Tây ban nha….lung tung xòe cả. Món nói dóc thì mấy thằng này cứ phải tôn tôi làm sư phụ, nhưng nói láo để bán được hàng thì tôi phải gọi chúng là cụ. Thôi chịu!
  Nhưng một ngày ngồi chợ tôi gặp vài bạn cũ, đang làm một cái nghề rất thời thượng lúc bấy giờ : xô xích le. Nghề này chẳng đòi hỏi gì tay nghề, chỉ cần có chút sức khoẻ, và cái làm tôi khoái nhất là : thích thì làm, không thích thì nghỉ khoẻ. Tốt! Ông già cũng hơi chưng hửng khi thấy thằng con đề nghị được đạp xích lô, nhung cũng đành chịu, chứ không sáng nào nó cũng ngửa tay xin tiền uống cà phê thì đến chết mất. Hai cha con dắt nhau đi lùng kiếm một chiếc thuộc loại xịn, giá hồi ấy gần một cây vàng. Sau đó đi sắm một số phụ tùng như đôi dép râu ( thứ này dùng chạy xích lô là bá chấy nhen), vài bộ đồ lính cũ ( mấy bộ của tôi ông già sợ quá đốt mất, hoài của!) , một cái mũ. Tôi vốn là thằng ghét đội mũ. Hồi đi lính thì phải đội, không đội quân cảnh nó phạt cho hộc gạch. Còn về dân sự thì xin miễn. Tôi cứ thích “đầu đội trời chân đạp dép” thôi. Xem ra bẩm sinh tôi đã là đại trượng phu rồi. Nhưng đạp xích lô phơi đầu ngoài trời cả ngày mà không đội mũ thì đến … khô não mất, mà tôi thì rất yêu quí bộ não của mình.
  Ngày trọng đại đã đến, bố tôi rưng rưng tiễn tôi lên đường kiếm tiền. Tôi biết ông buồn lắm. Có mỗi thằng con, mong nó làm vinh danh cho họ tộc , đầu tư tiền của cho nó ăn học, chạy chọt lôi nó thoát ra cái cỗ máy bắn giết, về đi học rồi ra trường làm giáo sư ( hồi ấy dạy trung học gọi là giáo sư đấy ạ ). Thế mà bây giờ lại đành để nó đi làm … dân biểu. Này! Không phải dân biểu là dân biểu hạ nghị viện như hồi trước gọi đâu. Đó là nghề … dân biểu chở đi đâu thì đi đó đấy ạ. Tiễn tôi ra đi chưa đầy 5 phút thì thấy tôi lóc cóc đạp xe về, đầu gối trầy xướt hết. Đấy! Đừng tưởng đạp xích lô mà dễ ăn, cái gì cũng phải học cả đấy. Hoá ra cái xe xích lô nó không có bọc sên, thế là khi gió thổi cái ống quần tôi vướng vào sợi sên nó liền cuốn vào cái đĩa và lôi tôi xuống đất. May mà sáng sớm chưa ai thấy không thôi đúng là làm trò cười cho thiên ha. Đạp xích lô mà cũng không nên thân.
  Trừ sự cố đó ra thì ngày đầu trôi qua khá may mắn. Người ta thường nói đất cũ đãi người mới đúng thật. Ngày hôm đó tôi kiếm được hơn một tháng lương giáo viên. Lương tôi hồi đó là 50 đồng , được mua 13 ký gạo (độn hết 8 ký cao lương hay bột mì đen). Tôi bỗng lẩn thẩn nghĩ:”Biết thế này ông nghỉ lâu rồi”. Quả thật nếu chỉ lấy đồng lương ra mà so sánh thì nhà giáo thời buổi ấy khổ quá chó. Dạy một buổi còn buổi chiều thì họp, hết chuyên môn đến công đoàn, đoàn thanh niên, đã vậy lại còn lao động sản xuất, phê phê phán phán. Đến chết thôi. Tối còn soạn bài, chấm bài…Vậy nhưng ghé bạn bè chơi thấy bạn bè ngồi soạn soạn chấm chấm lại thấy thèm. Đúng là con người ta chẳng bao giờ thỏa mãn với cái hoàn cảnh hiện tại của mình. Được cái rủ mấy thằng bạn nhà giáo đi dạy tôi toàn dành trả tiền. Sau đó tôi cũng dụ dỗ được hai thằng khác bỏ nghề về đạp xích lô cho có bầu có bạn.
  Hỏi thử các bạn nếu đang lảnh lương một triệu một tháng, nay bỗng đùng cái lãnh ba chục triệu một tháng các bạn sẽ làm gì? Mấy đấng nam nhi sẽ trả lời ngay là: Nhậu!. Đúng quá! Chiều chiều là chúng tôi lần lượt ghé điểm hẹn. Chúng tôi cũng phân chia giai cấp lắm, nhậu những chổ dành cho dân lao động thiệt nhưng mà là lao động quí tộc. Toàn dân trí thức, sĩ quan học tập về. Thì thế mới có cái chung để mà nói chứ. Vậy là chiều nào cũng nhậu, có khi chạy một ngày nhậu ba ngày. Sướng ra phết. 
  Dân chạy xích lô thường kiêng cữ, không chở mấy bà đẻ. Tôi thì lượm ráo. Việc gì phải kiêng nhỉ? Cả xác chết tôi cũng …chơi luôn. Có lần tôi chở một cái xác từ nhà xác bệnh viện về nhà cách 10 cây số. Thân nhân của họ chắc cũng tin tưởng tôi nên không đi kèm, họ chạy trước về nhà chuẩn bị, bỏ tôi một mình với cái xác. Chưa có kinh nghiệm nên tôi không buộc lại, chạy một hồi xe nó xóc, tuột cái xác xuống sàn xe, tôi phải xuống cột lại. Đã từng ôm xác đồng đội nhưng tôi cũng thấy ghê. Thêm cái đêm hôm đường vắng nữa. Cũng ghê ghê. Tôi phải vừa đạp xe vừa hát cho đỡ sợ. May sao cũng êm xuôi.
  Hồi đó còn độc thân chẳng nuôi ai nên ôm chiếc xích lô là tôi sống thoải mái, vương giả nữa là khác. Ngôn ngữ của tôi cũng rất là … xích lô. Tiếng Anh tạm thời quên đi, dùng tiếng … Đan mạch cho mau hiểu. Thì giữa chợ búa tranh dành như điên, mình hiền lành chỉ tổ thiệt. Áo mặc thì chỉ gài một hột nút dưới cùng thôi, còn thì phanh ngực cho nó mát, râu ria thì cứ mọc vô tư, chẳng công đâu mà cạo. Vả lại có râu ria vào trông mặt nó cô hồn hơn, thằng nào muốn gây cũng ngán.
  Chạy xe cũng như buổi chợ, lúc đắt lúc ế. Một hôm tôi đang ế chổng vó ra, chạy nữa buổi mà chẳng ma nào kêu, bỗng có một bà kêu lại. Mừng quá, vận đen hết rồi. Bà khách hỏi: “Đi đến …Ủa …thầy!”. Mẹ kiếp! Sao xui thế này? Tôi chưa hề lường được cái tình huống này, định làm lơ đạp đi, nhưng trong tích tắc tôi chợt nghĩ: “ Việc chó gì phải tránh học trò nhỉ? Mình lao động lương thiện cơ mà” Thế là tôi bảo em lên xe tôi chở đi. Thầy trò hàn huyên chuyện xưa, tôi thì đạp xe kểu du lịch, nằm dài trên ghi đông nói chuyện với nhỏ học trò. Vừa nói chuyện vừa suy tính : “Lát nữa có lấy tiền không ta ?” Và tôi quyết định cứ lấy. Phải trân trọng sức lao động của mình chứ. Khi đưa tiền cho tôi em học trò có vẻ rụt rè. Cũng phải, đã bao giờ em cầm tiền đưa cho thầy cái kiểu này đâu. Tôi phải giục em : “ Cứ đưa tiền đi, ngại gì chứ”. Tôi thấy mắt em có ngấn lệ. Mẹ khỉ, đừng làm ta mủi lòng chứ.
  Xong cuốc xe đó tôi về nhà, đứng ngắm mình trong gương. Và tôi thật kinh hoàng. Tôi không thấy tôi đâu cả, không thấy chút gì của giáo sư Hoàng đâu cả. Trước mắt tôi rõ ràng là một “tay xích lô”. Xin lỗi các bác xích lô. Ý tôi là nom tôi rất nhếch nhác, rất quặm trợn, rất đểu cáng… nói chung là rất đáng khinh. Đến tôi mà còn thấy khinh tôi cơ mà. Nhớ lại em học sinh hồi chiều. Bây giờ tôi mới đỏ mặt dù chỉ có tôi với tấm gương. Tôi lao động lương thiện. Đúng rồi. Nhưng làm sao tôi lại có thể trình diễn trước mắt một em học sinh cũ của mình một hình ảnh nhếch nhác, tởm lợm thế này chứ? Tôi không phải đang làm ô uế bản thân tôi, mà chính tôi đang làm ô uế cái nghề giáo. Lúc đó tôi chỉ cầu mong em học sinh của tôi quên đi cái hình ảnh tôi đi.
  Thao thức một đêm, hôm sau tôi kêu người bán xe. Tính đến lúc đó, tôi hành nghề dân biểu được gần 3 năm. Còn làm gì để sống thì tôi chưa biết. Xin xem hồi sau sẽ rõ.

Không có nhận xét nào: