Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Tôi tập viết hồi ký

  Cuộc vận động “Sống và làm việc…” kéo dài được cũng mấy năm rồi ấy nhỉ. Thế mà các bác cán bộ ta vẫn cứ chưa thuộc bài, vẫn cứ vào nhà đá nằm đếm lịch với muỗi. Xem ra bài ấy khó học quá. Trong không khí hồ hởi của toàn dân, tôi cũng muốn tham gia một tay nhưng điểm qua cuộc đời của bác thấy khó có điểm nào bắt chước được, chỉ trừ mỗi điểm hút thuốc phì phèo. Mà cái này vào quán cà phê thấy đầy. Phải bắt chước cái gì độc đáo cơ. Khó nhẩy!
  Hôm nay tình cờ vớ được cuốn “ Những tác phẩm văn…” của giáo sư Hà minh Đức do nxb Khoa Học Xã Hội Hà nội in năm 1985. Tôi đọc một mạch và chợt kêu lên “Eureka!”. Đây, có chuyện này mình làm được đây :
  Trang 182 sách đã dẫn ghi : “"Đáp lại tình cảm của đồng bào và bè bạn trên thế giới, Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ chí Minh".
  Nào để xem bác ta viết thế nào nhé. Ở trang 113:
  "Khi Chủ tịch bắt đầu đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập giọng sang sảng của Chủ tịch còn nhắc lại rừng núi xa xăm, chiến tranh du kích. Đọc một đoạn ở giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt. Chủ tịch nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Câu hỏi đơn giản này làm tiêu tan tất cả những gì còn xa cách giữa Chủ tịch và nhân dân, và làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng. Với câu hỏi lạ lùng này, không ai ngờ Chủ tịch Hồ chí Minh đã trừ bỏ tất cả lễ tiết, tất cả hình thức, Chủ tịch trở thành _CHA GIÀ_ của dân tộc Việt Nam".
  Quả là một khuôn mẫu tuyệt vời của thể loại “eulogy”
  Cũng trong sách này, bác viết: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không, tất cả quần chúng cảm thấy sâu sắc lòng thương yêu của một người_CHA_, của chủ tịch Hồ chí Minh đối với quần chúng, với nhân dân".
  Bây giờ đến trang 138, bác lại viết như thế này: "Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị _CHA GIÀ_ Hồ chí Minh".
  Cũng trang 138, bác viết, "Đối với nhi đồng, tên Bác Hồ là như một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn".
  Bác đảm đang tè. Vừa làm cha vừa làm mẹ. Đúng la 2 trong 1
  Trong tác phẩm có đoạn viết như sau:
  “...Nhiều nhà văn, nhà báo Việt nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình. Ngày 2-9-45, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.”
  Văn mẫu đã có rồi nhé. Thế thi tôi bắt tay vào việc đây . Tác phẩm sẽ có tựa đề : “ Những mẫu chuyện về đời họat động của Hoàng guitar” Tác giả là Hoàng Guitar, à quên đâu được, tác giả phải là, là ai nhỉ ? Thôi thì sẽ là Trần dân Điên ( cháu gọi Trần dân Tiên bằng chú ). Tôi vốn kém sáng tạo, chỉ mong bám sát văn bản và đi đúng lề là an toàn.
  Bắt đầu. Xin trỗi nhạc lên cho nó hoành tráng.
 
  Đêm nay thầy không ngủ được dù đã khá mỏi mệt. Ngày mai là buổi đầu tiên thầy lên lớp. Cái gì đầu tiên cũng là cái thiêng liêng nhất ( hèn gì tụi nhỏ hay dành nhau póc tem dữ ). Thầy nhẩm đi nhẩm lại bài giảng đến thuộc lòng. Thầy bỗng tự nhủ : Mình có chọn đúng nghề không nhỉ ? Cứ suy nghĩ vẩn vơ rồi thầy thiếp đi lúc nào không biết. 
  Chuông đồng hồ reo. Thầy đã cẩn thận để chuông báo lúc 4g rưỡi. Thầy đứng dậy, bước ra khỏi căn nhà sàn vươn vai, đi bài Thái cực quyền. Khi tinh thần đã minh mẫn thầy vào nhà. Con bé ôsin đã pha sẵn cà phê. Thầy châm một điếu thuốc, nhâm nhi cà phê và lướt net. Những tin tức về đoàn học sinh Việt nam đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế tổ chức tại Somalie , những thông tin về tỉ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 115%, những hình ảnh hoành tráng về buổi lễ phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân cho các lãnh đạo ngành giáo dục…làm thầy phấn chấn hẳn ra. Mình chính là một bộ phận trong cái guồng máy khổng lồ tạo ra những thành tích đó. Thầy gật gù tự thưởng cho mình một điếu 3 con 5 nữa.
  Với tinh thần sảng khoái đó thầy chén bay đĩa ốp la 3 hột gà và một ly cối sữa tươi. Sau đó thầy thay đồ đến trường. Chuông báo vào lớp vang lên, thầy xách cặp tiến về phía lớp học hùng dũng như một viên tướng ra trận. Mà chẳng phải thầy là một chiến sĩ đang trên đường ra mặt trận tiêu diệt giặc dốt sao. Đứng trên bục giảng nhìn xuống hàng trăm cặp mắt ngây thơ của học sinh thầy chợt thấy lòng trào lên một nỗi xúc động khôn tả. Ôi! Những mầm non, những cột trụ của tương lai của đất nước đây rồi. Thầy giảng bài với một giọng truyền cảm, đầm ấm như của một người cha đang giáo huấn những đứa con thân yêu của mình. Thỉnh thoảng thầy ngưng lại hổi “ Thầy giảng các em nghe rõ không ?”. Khi nghe giọng các em đồng thanh “Rõ ạ!” thầy như choáng ngợp trước hình ảnh một đàn rô bốt sản xuất cùng một đợt đang hùng dũng tiến vào cõi mênh mông của tri thức.
  Tôi biết thầy rất ngại nói về mình nên chỉ tranh thủ xin thầy phát biểu một câu tóm tắt những gì thầy muốn làm cho thế hệ học sinh hiện nay. Vẫn với giọng trầm ấm và nụ cười dịu hiền thầy nói : “Tôi chỉ có một ước ao là mọi trẻ em đều được học hành miễn phí cho hết bậc trung học. Còn tôi chỉ mong được chết trên bục giảng hay trên trang giáo án, như một người lính là phải chết ngoài mặt trận” . Tôi nhìn theo dáng thầy đi mà thấy lòng trào lên một niềm ngưỡng mộ vô bờ.
  Đêm đó ngồi trước cuốn giáo án thầy cứ thấy lởn vởn trước mắt hình ảnh những nhà bác học đoạt giải Nobel quốc tịch Việt nam, những hàng hành khách bước xuống máy bay mà hải quan sân bay khi nhìn thấy tấm hộ chiếu Việt nam là kính cẩn cúi đầu mời đi qua không dám khám xét….Với những giấc mơ đẹp đó thầy thiếp đi trên trang giáo án…
  Xong một đoạn rồi. Đọc lại xem sao. Ủa! Tui đó hả ? Ôi ngượng chết đi được. Xấu hổ quá đi à. Chịu thôi. Thôi đi. Ai muốn viết về tôi thế nào thì kệ, bảo tôi nâng bi tôi thế thì thà giết tôi đi còn hơn. Xem ra học cái bác này khó thật nhỉ. Thôi, chỉ xin học cái món hút thuốc thôi, các món khác ai ngon thì học đi. Hèn gì học hoài mà chả ai thuộc cũng phải.
 

Không có nhận xét nào: