Dạo một vòng qua các blog thấy thơ ơi là thơ. Các bài thơ post lên cũng là nơi tập trung nhiều comment nhất. Tôi cũng chẳng là ngoại lệ. Thỉnh thoảng cũng có người khen bài này hay, câu kia đắt, tứ nọ tuyệt hay…Thế là tôi tự coi mình là một nhà thơ, tệ nhất cũng được là một … lều thơ hay chòi thơ. Hôm nay bèn tạm quên đi quá khứ, xếp lại những hồi ức buồn, nhìn về tương lai, và viết về những chuyện bếp núc của một nhà thơ.
Xin nói trước là tôi hoàn toàn không dám chỉ ai cách làm thơ, tôi chỉ kể cho các bạn nghe tôi làm thơ như thế nào thôi. Nếu nó giúp gì được cho các bạn thì hay quá, còn không thì cũng giúp bạn tham quan căn bếp của một nhà thơ, xem anh ta xào nấu như thế nào mà đẻ ra được những bài thơ “hay” đến như vậy.
Tôi làm những câu thơ đầu tiên năm lên lớp 6 cơ. Cũng chả phải thần đồng như anh Trần đăng Khoa đâu. Chẳng qua hồi ấy chương trình quốc văn có bài về luật thơ lục bát và thất ngôn bát cú. Đầu tiên chúng tôi phải học luật cái đã. Thế là trước giờ vào lớp môn văn hôm sau, chúng tôi đứa nào cũng lầm bầm : “Bằng bằng trắc trắc bằng bằng, bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng”. Nghe cứ như bắn nhau í. Sau khi dò thử vài chú xem chừng thấy chúng tôi đã thuộc luật rồi, thầy mới bổ sung thêm một số kiến thức về cước vận và yêu vận, kèm thêm câu thần chú “nhất tam ngũ bất luận nhị tứ lục phân minh”. Hôm đó thầy ra bài tập là mỗi chú phải làm cho hai câu thơ hôm sau đọc cho cả lớp nghe.
Hai câu thì nhằm nhò gì, tôi làm hẵn luôn hai ba chục câu. Mà làm thơ đọc lên nghe nó hay hay làm sao í. Một chuyện rất bình thường mà mô tả bằng thơ nghe lãng mạn hẳn ra. Ví dụ nhé
“Nhà em có một con heo”
“Hôm qua nó đói nó trèo ra sân”
Rõ ràng hai câu đó mà nói bằng văn xuôi thì nghe chẳng là gì cả, nhưng cứ nhét vào thơ là tự dưng hình ảnh chú heo lãng mạn hẳn ra. Thành ra tôi bắt đầu khoái làm thơ từ dạo ấy.
Hôm trước, khi giảng thầy có đưa một câu ca dao làm ví dụ
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình”
“Em xinh em đứng một mình cũng xinh”
Thế là nhiều bố chẳng có óc sáng tạo gì, cứ y kinh mà làm, cho trúc đứng lung tung cả. Xin đưa vài ví dụ “mọc bờ rào…chổ nào cũng xinh” , “ mọc ngoài hè…lè phè cũng xinh” … Mà cũng phải thôi, em đã xinh thì đứng đâu, đứng kiểu gì lại chả xinh. Vậy đó, tôi đã rón rén đi vào thơ như thế.
Thuở nhỏ chúng tôi hầu như đứa nào cũng thuộc dăm ba câu thơ lãng mạn, còn tôi thì không bỏ sót tập thơ nào của các nhà thơ nổi tiếng. Mà hồi đó chúng tôi mê thơ ai? Thì Xuân Diệu, Huy Cận, Chế lan Viên, Hàn mặc Tử, Nguyễn Bính…Tôi có hẳn cả một tủ thơ, Nào “Gởi hương cho gió”, “Thơ thơ” , “Điêu tàn”… đủ cả.Viết lưu bút cho bạn bè cuối cùng thế nào cũng ráng nặn ra vài câu thơ. Đầu tập lưu bút là vài câu thơ củachủ nhân hoặc của ai đó, cũng giống như ta treo một cái “blast” bây giờ ấy.
Nếu bạn hỏi điều gì cần nhất để làm thơ hay thì tôi cũng chịu. Có người nói là cảm xúc. Cũng cần đó, nhưng không nhất thiết phải có. Xin được minh hoạ. Khi T.H. viết : “Vui biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Stalin” mà ai bảo rằng đó là cảm xúc thật thì tôi đến chịu. Nhưng phải công nhận thơ ông hay. Ông không có cảm xúc nhưng ông truyền được những cảm xúc tự tạo đến được người đọc thơ. Tôi thì vẫn chỉ coi ông là một thợ thơ có tay nghề cao, những bài thơ của ông là những bài vè công nghệ cao. Thế thôi. Đọc những bài thơ cuối đời của ông mới thấy con người thật của ông, băn khoăn, lạc lõng…không còn thấy thép đâu cả.
Vậy thì cảm xúc cần đấy, nhưng không phải là cái cốt tử. Một yếu tố khác là nhà thơ phải có những giác quan khác người và óc liên tưởng mạnh mẽ. Họ phải thấy những điều không ai thấy, và từ những cái thấy họ liên tưởng, hoặc suy tưởng ra những điều khác với thực tế. Hãy đọc Trần đăng Khoa mới thấy sự liên tưởng của một nhà thơ nó mạnh mẽ cỡ nào. Chỉ với một góc sân và khoảng trời nhỏ bé anh nhìn những cái bình thường dưới con mắt một nhà thơ. TĐK đúng là một nhà thơ ( hồi nhỏ cơ, sau này người ta làm thơ anh hư rồi ). Chỉ cần hai câu thế này đã làm tôi ngưỡng mộ anh : “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Không còn gì để bàn. Lần đầu đọc câu này tôi đã phải… nghiêng đầu để mường tượng ra chiếc lá của TĐK rơi đấy.
Hồi nhỏ đọc Xuân Diệu chúng tôi cũng mường tượng nhà thơ là cái gì cao siêu lắm. Hãy nghe: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/Để tâm hồn treo ngược với cỏ cây…”. Thế là vài ông thơ thẩn thì chưa ra sao nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ như đang ru với gió và mơ theo trăng ấy. Thấy chỉ muốn đưa vào Biên Hoà nhốt. Xin nói ngay với các bạn rằng chẳng cần phải như thế, cho dù anh là nhà thơ chuyên nghiệp. Với đa số chúng ta, đặc biệt là với tôi, thơ là nơi ta trang trãi được những xúc cảm mà văn không chuyển tải được. Cấu trúc của văn đòi hỏi sự liền lạc, logic, trong khi cảm xúc thì mơ hồ, mông lung, như sương như khói, hư hư thực thực. Thế thì thơ là tiện nhất. Với thơ ta có thể đang dưới trần gian bay lên cung Hàn , ghé thăm Tây thiên rồi sau đó đàm đạo cùng …Obama.
Muốn làm thơ hay, theo tôi, phải biết thưởng thức thơ hay. Gần đèn thì sáng mà. Cái này thì không ép uổng được. Hồi mới học lớp 9 tôi đã khoái bài Tràng giang của Huy cận, trong khi đa số các bạn tôi lại không. Tôi cũng chẳng hiểu sao, chỉ biết đọc nó lên thấy nó …hay. Thơ đừng đọc thầm. Thơ Việt ăn thơ nước ngoài ở cái âm điệu trầm bổng, nó nâng cái lời thơ trên một cái nền âm thanh rất… thơ. Tôi cũng đã đọc Byron, Verlaine, Akhmatova, Êxênhin…Hay đấy, hay ở cái ý tứ, nhưng ngâm lên thì thua đứt thơ ta.
Bây giờ mới nhìn lại cái tít bài. Vẫn chưa nói với các bạn tôi làm thơ thế nào hả. À, tôi làm thơ … như thế đấy. Đầu tiên phải có tí ti cảm xúc, cảm xúc tự thân hay do đọc được một cái gì đó. Đã nói là người làm thơ cần có sự liên tưởng mạnh. Thế cái ta đọc đó nó vận vào ta và biến thành cảm xúc của riêng ta. Thứ đến là số vốn từ ngữ phải cho phong phú, để đối phó những khi ý hay nhưng để vào thì lại không đúng với luật thơ. Muốn vậy phải đọc sách nhiều. Lớp trẻ bây giờ xin nói thẳng ít chịu đọc sách lắm, cũng có khi phải bị bắt đọc nhiều thứ quá nên thấy sách là ngán
Cái nữa là đừng có bịa đặt, khiên cưỡng quá. Đừng để như CLV đến cuối đời thơ đã phải viết :”Sau này ai đọc thơ tôi nên nhớ/Có phải tôi viết đâu…/Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi…” Ôi , thương thay cho cả một đời thơ.Mà nhắc đến ông mới nhớ. Sau 75 nhà thơ LTL vào Nha trang nói chuyện cùng giáo viên trong tỉnh. Chúng tôi chen nhau đi, dành nhau ngồi ở hàng đầu để nhìn được thần tượng thời thơ ấu của mình. Khi nghe yêu cầu đọc bài “Tiếng thu”, ông tránh né, đọc “tiếng thu2”. Nhớ loáng thoáng có câu.”Con nai vàng không còn ngơ ngác nữa em ơi…”. Đến lúc đó chúng tôi bắt đầu … ngơ ngác, bỏ về. Thất vọng tràn trề!
Rồi! Cảm xúc có rồi, ngôn từ có rồi. Xào nấu thành một bài thơ hay là chuyện của mỗi nhà thơ. Chúc các bạn thành công … như tôi. Hè hè
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét