Lâu nay chuyển nhà sangMultiply. Quả là một mảnh đất tuyệt vời cho những người thích nghe nhạc. Vốn cũng hay quậy, tôi lang thang qua các blog khac xem có gì hay không, thấy lạ thì hỏi. Đúng là tha hương ngộ cố tri, cùng tâm trạng là những người bỏ nước ra đi nay gặp nhau nơi đất khách, ai cũng sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ. Làm mình cũng đỡ cực thân hơn trong những ngày đầu tha phương cầu thực. Đến nay thi cũng tạm ổn rồi, nhưng vẫn còn thường trú bên Yahoo. Thì bạn bè đa số vẫn còn bên này mà.
M. hầu như cho phép copy nhạc vào bất kỳ chổ nào. Mấy ngày đầu cũng lạ. Bây giờ cũng quen dần với việc tìm ra code của bản nhạc để copy rồi. Ngồi nhìn blog mình nhấp nháy, rung rinh ( bên này có rất nhiều hình động, chữ di chuyển) và rung đùi nghe nhạc. Quả thật là thống khoái. Thế là mình nổi máu khoe khoang ( không phải ai cũng làm được đâu nhen) mang nhạc đi tặng tùm lum. Được vài hôm bỗng giật mình. Ừ, bản nhạc đó mình thích nhung biết người khác có thích không. Blogger đa số là các bạn trẻ, gu nhạc chắc phải khác mình chứ. Thế là khi tặng nhạc mình lại phải chua thêm là cứ việc delete nếu không thích, sợ có người cả nể, không muốn nghe nhưng lại sợ mình buồn nên cứ ráng chịu trận.
Lại tiếp tục mò mẫm, và mới phát hiện một chiêu mới: Tặng nhạc có kèm theo 1 cái… chẳng biết gọi là gì, nhưng nó có thể gọi là cái công tắc. Không muốn nghe chỉ việc bấm stop là yên giặc. Khoẻ. Nghe nhạc, tặng nhạc và được tặng nhạc cũng nhiều nên hôm nay mình tự dưng muốn bàn về chuyện nghe nhạc, xưa và nay. Lấy từ những chuyện của bản thân ra thôi, chứ không hề có ý định hướng gì cho ai đâu. Nghệ thuật mà! Thích hay không mà thôi, còn chuyện tại sao nói cho cùng là cái râu ria nói thêm để biện bạch thôi.
Tôi được nghe nhạc nhiều từ nhỏ. Bố tôi là dân tu xuất nên khá rành về nhạc nhưng chưa bao giờ thấy ông nghe một loại nhạc nào khác hơn thánh ca. Ông lại là tay chơi đàn cho dàn đồng ca của nhà thờ mỗi chúa nhật. Cây đàn của nhà thờ núi Nha trang nằm ở tít trên cao, gần gác chuông cơ, thế là ông dắt tôi lên ngồi dự lễ cùng ông, sợ bỏ thằng nhỏ ở dưới một mình nó quậy.Nghe nhạc thường xuyên thế nên tự nhiên tôi có một cái lổ tai thẩm âm khá tốt mặc dù lúc ấy chưa biết gì về nhạc lý. Nhà có cây đàn organ, cái loại đạp chân chứ không phải là loại điện tử như bây giờ đâu. Bố tôi lại cấm tôi sờ đến cây đờn ấy. Cứ khoảng thứ bảy là ông lại ngồi vào vài tiếng tập dợt để chuẩn bị cho thánh lễ ngày chúa nhật.
Nhà cũng có cái máy hát AKAI, để ở phòng khách cho vui chứ chẳng mấy khi tôi nghe. Vậy là tuổi thơ ấu của tôi trôi lênh đênh giữa những bản thánh ca, nhiều bản hay lắm nhen. Khi tôi học khoảng đệ Tứ hay sao ấy ba tôi mới mua về một cái casette, loại thường thôi nhưng nhờ nó mà tôi đã bắt đầu chủ động hơn trong việc nghe nhạc. Những năm ấy có hai loại băng phổ biến: Anna và Sélection. Tôi sắm gần như không sót băng nào. Tôi lại thích nghe selection hơn, chả là lúc ấy tôi đang học sinh ngữ chính là Pháp. Vả lại ngay cả bây giờ tôi cũng vẫn nghĩ rằng nhạc Pháp nghe nó sang hơn. Nghe chưa đã, tôi tìm cho ra bản nhạc để tập hát theo.
Vậy là cái nhu cầu chơi một thứ nhạc cụ gì đó nó đến một cách tự nhiên thôi. Chẳng nhớ nổi tại sao lúc đầu cái tôi chọn lại là sáo. Phì phò thổi mấy tuần mà sao nghe chẳng nghe ra tiếng sáo, tôi đổ thừa cho cây sáo …hư, và mua cây khác. Tình trạng cũng chẳng cải thiện hơn, vậy là tôi nản chí, bỏ cuộc. Tôi chuyển sang harmonica. Chà cái món này thật là dễ, kê miệng vào thổi là ra nhạc ngay thôi. Tôi say sưa thổi, nước miếng tràn ngập cây kèn, chảy ròng ròng ra tay, tui chùi tay vô quần, thổi tiếp. Chỉ trong một ngày tôi đã thổi xong bài “Ò e cây me đánh đu tặc giăng nhảy dù ….”. Vậy là từ đó chương trình văn nghệ nào của lớp tôi cũng có tiết mục độc tấu khẩu cầm của Hoàng …harmonica.
Trong một buổi văn nghệ bỗng có tiết mục độc tấu ghi ta. Chà chà, cái dáng người nghệ sĩ ôm cây đàn trông sao mà lãng mạn thế, chả bù với tiết mục của tôi, trông cứ như thằng đang gặm bánh mì ấy. Tôi đâm ra lạnh nhạt với cây kèn từ ấy dù lâu lâu cũng mang ra thổi, trong lòng cứ mơ đến cây đàn ghita. Các bạn chắc sẽ bảo “thích thì mua đàn về mà chơi chứ lăn tăn cái gì”. Đừng đùa. Bố tôi thương con nhưng đòi hỏi quá đáng là ngài lắc ngay. Mới sáo đó, rồi lại kèn, bây giờ lại đờn nữa hả? Còn khuya. Phải chi có tháng nào đó bà nhập tự nhiên tôi đứng nhất lớp một phát thì bảo mua cho một cây piano ổng cũng duyệt chứ đừng nói gì đến ghita. Nhưng hỡi ơi, đó đúng là điều không tưởng. Những năm đó tôi chưa bao giờ vươn lên được giữa bảng xếp hạng. Nói theo ngôn ngữ bóng đá là lúc nào tôi cũng phải vật lộn để trụ hạng. Cũng may năm nào tôi cũng trụ hạng thành công.
Thế rồi thời cơ tới: Tôi đậu Tú tài một. Bố tôi hỏi : “ Sao muốn gì? Đi chơi Sài gòn hay Qui nhơn?”. Tôi liền phát biểu ngay là tôi chỉ muốn một cây đàn ghita. Ông già tôi duyệt ngay: Đi chơi Qui nhơn nữa tháng rồi về mua đờn. Tôi tự tập theo sách thôi, chẳng có thầy nào chỉ vẻ cả, thành ra sau này đờn có hơi lung tung. Nhưng có hề gì. Ghi ta là một nhạc cụ rất phổ biến. Hồi ấy chúng tôi đi Hướng đạo, tôi lại tham gia Thanh sinh công thành ra gần như tuần nào cũng cắm trại, văn nghệ. Mà những cái món đó thì cây đàn ghita là hữu dụng nhất. Cái biệt danh Hoàng ghita là tôi nghĩ ra rồi bắt bạn bè gọi đấy. Không gọi là tôi dỗi, đếch đàn , xem thử mày hát với ai nào. Gọi riết thành danh làm ai cũng tưởng tôi chơi ghi ta ghê gớm lắm.
Sau đó anh Châu đình Quang thành lập đoàn du ca Thuỳ dương, tôi tham gia ngay. Lại có dịp ôm đàn hát rong. Và lẽ tất nhiên loại nhạc thường được chúng tôi trình diễn hồi đó là của Trịnh công Sơn, Tôn thất Lập, Miên đức Thắng, Nguyễn phú Yên….Lên đại học chúng tôi lại tham gia biểu tình phản chiến, những “Đêm không ngủ”, “Hát cho dân tôi nghe”…Tuổi trẻ chúng tôi hăng hái, nhiệt tình, ngây thơ và nông nỗi như thế đó.
Lan man gớm. Định bàn về chuyện nghe nhạc mà lại đi những đâu thế. Rồi. Trở lại ngay đây. Hồi đó gu nghe nhạc của tôi cũng linh tinh lắm. Đàu tiên tôi khoái cái anh chàng quái kiệt Trần văn Trạch với những bài tấu hài dí dỏm và điệu nghệ. Sau đó là ban nhạc AVT. Có lẽ bây giờ tính tôi hay khôi hài là do từ những bản nhạc đó ra chăng, hay là vì có máu hài hước nên tôi thích những bản nhạc đó. Chả biết. Mà bản nào tôi thích là nhất định tôi phải học cho thuộc. Đến bây giờ mà còn nhớ được vài bài của AVT đấy. Sau đó đến cặp Hùng Cường – Mai lệ Huyền, nữ hoàng kích động nhạc. Nó có âm điệu nhộn nhip, tươi trẻ. Nghe cứ phải nhịp chân hay lúc lắc cái đầu mới được. Sau đó đến Duy Khánh, Chế Linh, loại nhạc mà bây giờ người ta gọi là nhạc sến đấy. Sến đâu không biết, cứ thấy người nó rung động là nghe tất. Rồi những Khánh Ly,Thái Thanh,Lệ Thu, Thanh Thuý, Sĩ Phú. Nói chung là gu nhạc tôi hồi đó cứ xoay như chong chóng ấy.
Lên đại học, cái không khí lãng mạn của Đà lạt làm gu nhạc của tôi dần định hình. Những cái sên sến nhộn nhộn cũng bớt dần đi. Những quán cà phê của sinh viên hồi đó cũng chỉ chơi nhạc Trịnh công Sơn, Ngô thuỳ Miên, Vũ thành An, Đoàn Chuẩn Từ Linh. Đó là thể loại nhạc, còn ca sĩ thì tôi chưa có sự chọn lựa. Mà muốn chọn có được đâu. Ca sĩ hồi đó ít, nên mỗi người có loại nhạc riêng của mình, không ai lấn sân của người khác. Hồi đó ca sĩ trình diễn cũng nhàn, đứng một chổ hát, đưa tay đưa chân chút, đi qua đi lại chút. Thế là xong. Khánh Ly thì có màn đi chân trần hát trong hội quán.Cũng thế thôi, chẳng mệt mỏi gì. Hoạt động trên sân khấu nhiều nhất có lẽ là cặp Hùng Cường – Mai Lệ Huyền. Thì kích động nhạc mà. Thế nhưng so với các ca sĩ bây giờ thì chẳng là gì. Hát xong một bài còn mệt hơn là múa một bài quyền.
Sau 75, loại nhạc chúng tôi thường nghe bị xếp vào loại nhạc vàng. Mà lúc đó có chó gì để giải trí đâu. Thế là chỉ có nước về nhà mở casette nghe lén, mà nghe nhỏ thôi. Hàng xóm nghe được là bỏ mẹ. Kể ra cũng chưa thấy ai tố cáo ai tội gì nhưng cứ thủ sẵn thế cho chắc ăn. Cái chế độ mới này có cái cực hay làm cho những người trước nay là hàng xóm , bằng hữu bây giờ trở nên nghi ngờ nhau. Có lẽ nhờ thế mà xã hội tiến bộ hơn chăng? Tôi cũng thấy là lạ. Xã hội mới hay nhỉ. Âm nhạc văn thơ chỉ ca ngợi lao động chiến đấu thôi. Yêu đương cấm. Tôi cũng ráng hoà mình theo mấy giòng thác cách mạng để tập nghe nhạc đỏ. Rồi cũng ổn cả. Cũng như con mèo của chúa ấy mà. Trạng Quỳnh bắt ăn toàn cơm thừa canh cặn, toàn những thứ vất đi, đến hồi bày cao lương mỹ vị nhà chúa ra mèo ta đâu có ăn. Nói chính xác hơn là mèo không dám ăn. Quỳnh thử biến đi xem, nó mà không xơi sạch thì cứ chặt đầu tôi.
Thế là tạm quên văn nghệ để lao động. Đùng một cái khoảng năm 87,88 gì đó, đang đi trên đường tôi chợt nghe nhũng bài ca lạ, những bài ca gợi nhớ đến một thời của âm nhạc : Tiếng hát Bảo Yến. “ Em hát đi ru mây hạ về hạ trắng lang thang mênh mông tình buồn…”. Chà chà, quá đã. Cuối cùng cũng có cái để nghe rồi. Và sau đó dần dà những bài hát cũ lần lượt quay về, ban đầu chỉ nghe chùng nghe lén trong các quán cà phê, sau đó đàng hoàng bước lên sân khấu. Âm nhạc hải ngoại cũng tràn về.
Đến lúc này thì lại có tình trạng nhiều ca sĩ hát cùng một bài, người nghe có thêm nhiều lựa chọn.Tôi là thằng thủ cựu nhất trong cái khoản đổi mới này. Trịnh công Sơn thì phải là Khánh Ly, Cô láng giềng thì phải là Sĩ Phú, Bà mẹ Gio Linh phải là Thái Thanh…Mãi đến bây giờ, dù phải thừa nhận rằng Tuấn Ngọc hát có nghề hơn, trong khi Sĩ Phú chỉ là một anh chàng amateur, nhưng tôi vẫn cứ thích nghe Sĩ Phú. Dần dà tôi cũng dễ chịu hơn, không nhăn mặt nhíu mày nữa khi nghe các ca sĩ hát “lấn sân”, nhưng tôi cư nghĩ ?”Giá như bài này mà…”. Thế đấy
Nói riêng chút về hai ca sĩ mà tôi thích. Người thứ nhất là Khánh Ly. Nhiều bạn sẽ bảo “Dào! KL thì ai chả thích, cứ gì cái nhà ông”. Vâng, đúng thế. Nhưng hỏi tại sao thì nhiều người trả lời nghe không chịu nổi. Nào là giọng ca Liêu Trai, ma quái. Ma mị gì ở đây chứ. Nhạc Trịnh công Sơn là những lới tự sự về nhân thế. Nhạc này mà trình diễn là hỏng. Khánh Ly chỉ đơn giản là đang tự sự, đang hoà mình , trải lòng mình ra bằng tiếng hát. Sau này nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh , có một số cũng thành công như Hồng Nhung. Tôi cũng bớt bảo thủ rồi nên cũng gật gù, nghe tạm. Nhưng cứ Thanh Lam hát là tôi tắt. Cô này hát nhạc nhẹ thì hay, có thể nói là cực hay, nhưng cô ta đem nhạc Trịnh ra diễn là tôi vẫn không chịu được. Này nói trước để đừng có ai nhào vô tranh cãi đấy nhé. Ai thích cứ thích. Tôi không thích là chịu.
Giọng thứ hai là Thái Thanh. Một giọng ca làm bạn mềm người. Nghe Thái Thanh thường chỉ nên nghe vài bài. Nghe nhiều qúa chịu không nổi. Cái giọng ca có thể làm ruột gan người ta lộn lên như thế không nên dùng quá liều. Rất tiếc hiện nay chưa có ai có khả năng “nhái” Thái Thanh. Ý Lan cũng ráng nhưng không qua mặt được mẹ cô. Tiếc.
Bây giờ thì loạn ca sĩ, nhạc sĩ. Nghe chẳng biết ai với ai. Hay có lẽ tại mình không nghe thường xuyên chăng. Cách nghe nhạc bây giờ là cũng phải giơ hai tay lên đầu, lắc qua lắc lại. Dân ta đúng là cái gì cũng bắt chước được. Xem các chương trình thấy các em học sinh đến tội, phải giơ tay lên lắc qua lắc lại…để thu hình. Thưởng thức âm nhạc cũng phải …ngay hàng thẳng lối. Thế thì ra chợ nghe mấy bà bán cá cãi nhau còn hào hứng hơn. Xem cái chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” thấy các anh bộ đội vỗ tay là đều nhất nhé, nhìn cảnh quay đến là hoành tráng, cứ là trăm người như một. Có lẽ đề nghị đổi tên chương trình là “Chúng tôi là rôbốt” thôi. Mình thì hết thời để bắt chước những cái mới ấy rồi. Thôi ngồi nhà vào blog nghe nhạc. Tự tạo cho mình một album những bài mình thích. Rồi đàng hoàng nghe, chẳng phải múa tay múa chân gì sất. Sướng !
Bây giờ gịong ca vàng một thời của tôi cũng hụt hơi rồi. Nhưng cứ thử quăng cho tôi một cây ghi ta xem. Sẽ biết ngay í mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét