Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009
Những cuộc chia ly không màu (ph ần 2 )
Đăng ngày: 19:25 19-03-2009
Xin được tiếp tục nói về những cuộc chia ly. Trước khi kể tiếp xin trân trọng giới thiệu với bà con rằng tôi là cái thằng rất nhạy cảm nhưng lại khó khóc, nhất là khóc trước mắt nguời khác. Ý tôi ở đây là khóc tồ tồ, khóc nức nở ấy, chứ rươm rướm thì xoàng, không kể. Khóc thế mới là khóc. Phần tôi thì thế, nhưng xem phim mà thấy khóc la bài hãi là tôi không ưa. Tôi chỉ thích xem hai đứa lặng lẽ nhìn nhau, buồn vời vợi, và từ từ, từ từ một, hai cũng được, giọt nước mắt lăn, chầm chậm. Thế mới làm tôi xúc động. Chứ cứ nghe tồ tồ mà lại kèm theo vật vã là tôi lại cười.
Trí nhớ tệ thật. Hôm trước tôi đã kể là lần đầu tiên tôi khóc vì chia tay là khi con chó cưng của tôi … tạ thế. Không phải. Hôm nay mới nhớ, trước đó có một lần nữa. Lần ấy, ba tôi dẫn cả nhà đi xem cải lương. Đêm đó đoàn Thanh Minh Thanh Nga diễn tuồng “Bếp lửa chiều ly biệt”. Nghe cái tên là muốn khóc rồi. Mà đúng là quá thảm. Thế là tôi khóc. Khóc như cha chết mẹ chết, khóc nức nở, khóc, nói một cách thời thượng , như chưa bao giờ được khóc. Ba tôi quê quá bèn lôi cổ tôi về. Đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi xem cải lương. Xin lỗi các bạn hâm mộ cải lương nhen. Mà đặc trưng của cải lương là vậy, phải chia tay thê thảm sướt mướt và con tim bé bỏng của tôi chịu không nổi. Kể ra không tính lần khóc này cũng được , nhưng lịch sử cần phải trung thực.
Lần khác, lúc ấy tôi đang học ở Đàlạt, ba tôi nhắn về gấp vì ông em quí hoá của tôi đã bỏ nhà đi bụi đời, mang theo chiếc 67 của tôi. Chỉ một hôm sau khi đi, vì mặt mũi non choẹt, ông tướng bị cảnh sát ốp, xe bị giữ còn ông em thì lỉnh mất. Loanh quanh vài hôm tìm không ra tôi phải trở lên Đà lạt học. Ánh mắt ba tôi nhìn tôi lúc tôi ra đi cứ ám ảnh tôi, và bỗng dưng tôi bật khóc nức nở trên xe. Bây giờ kể lại chắc các bạn trẻ cười vào mũi. Nha trang Đà lạt thì có xa xôi gì mà khóc lóc. Đi học chứ có phải đi chết đâu mà buồn. Ừ! Biết thế, nhưng cái khóc nó cứ trào lên thì làm thế nào. Kềm mãi không được, tôi chơi luôn, khóc một trận ra trò. Đến Phan rang, tôi quyết định bỏ học, về nhà. Về làm gì thì tôi chưa biết nhưng thế nào cũng có một trận đòn ra trò đây. Rồi thế nào cũng bị tống lên Đà lạt lại. Để khỏi bị trả về đơn vị cũ, tôi không về Nha trang mà đi thẳng ra Qui nhơn: tôi có bà dì ngoài đó. Ăn chơi vung vít ngoài QN được một tháng tôi mò về. Y kinh, tôi được tặng một trận đòn ra trò. Có khóc lóc , nhưng như tôi nói, khóc vì ăn đòn không tính.
Lần chia tay tiếp theo là hậu quả của lần chia tay trước. Hồi ấy chúng tôi đi học đại học nhưng luôn có một trường đại học khác luôn chờ đợi để giang tay chào đón chúng tôi nếu lỡ chúng tôi thi rớt. Sướng thế đấy. Trường đại học tử tế này có tên là : Trường Võ Bị Thủ Đức. Hồi ấy chúng tôi tự giác lắm. Là sinh viên, chúng tôi được cấp một giấy hoãn dịch có hạn là 31/12. Cứ đến ngày đó mà chưa có giấy khác thì cứ tự động vác ba lô đi trình diện. Thế là tôi trình diện. Thời nào cũng vậy, con ông cháu cha cũng có chút tiện lợi. Thay vì ở luôn trong Trung tâm tuyển mộ nhập ngũ để chờ có khoá học thì tôi chỉ ở vài ngày, rồi sau đó sáng lên, lạng qua lạng lại rồi về, đi cà phê cà pháo, bi da bi diếc.
Một hôm tôi lên thì có lệnh lãnh quân trang quân dụng để lên đường. Tôi nhờ chỉ huy trung tâm gọi về cho ba tôi. Ổng tức tốc chạy lên, nhưng không đi xe mà thấy thằng cha lạ hoắc nào lái. Anh ta nói “Bác ổng bủn rủn tay chân không lái xe được nên nhờ tôi chở lên dùm”. Tôi cũng chỉ hơi hơi cảm động thôi. “Thế mà ngày thường đánh người ta đau ra phết. Bây giờ bủn rủn cho biết thân”. Ổng đứng bên ngoài hàng rào đua tôi một mớ tiền rồi dặn “Nhớ giữ gìn sức khỏe. Năng cầu nguyện nghe con”. hết. Ổng về, tôi hoà vào với đám bạn, lãnh đồ và lên đường. Trên đường chở ra phi trường, trong khi đám bạn mừng vui hò reo như một lũ rồ; lần đầu tiên mặc bộ đồ lính mà; tôi bật khóc. Cũng như lần trước, khóc nức nở. Cảnh tượng lần này còn bi tráng hơn khi một thằng khóc trong khi cả một đám reo hò hớn hở xung quanh. Từ lúc ấy tôi lơ mơ thấy tôi hơi khác người. Đêm ấy, khi mọi người đã yên giấc sau một ngày mỏi mệt, tôi lại khóc. Chẳng đứa nào trách móc tôi đã làm chúng mất ngủ. Tôi đã khóc vì những cuộc chia tay như thế đấy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét