Đã nhủ thầm rằng thì là không bàn chuyện quốc sự nữa, vừa tức mà chẳng được cái quái gì, có khi lại mang vạ vào thân, Thế nhưng đọc bài báo của nhà báo Võ đức Danh lại thấy ức không chịu được. Chính phủ ở đâu ? Hay nước ta đã trở lại thời kỳ thập nhị sứ quân rồi ?
THƯ SÀI GÒN
Võ Đắc Danh
THƯ SÀI GÒN
Võ Đắc Danh
Kính gởi anh Nguyễn Trí Huân !
Trước hết, xin cảm ơn anh, cảm ơn báo Văn Nghệ đã đăng bút ký "Canh bạc" của tôi trong số báo tuần qua. Tại sao tôi phải cảm ơn ? Là bởi sau chuyến đi thực tế ở Đức Hòa, bức xúc trước thảm trạng bà con nông dân mình bị cướp đất, tôi tìm gặp một số bạn bè bè đồng nghiệp, đang là những cây bút có uy tín của những tờ báo lớn ở Sài Gòn với hy vọng cùng nhau góp một tiếng nói để giúp dân.
Nhưng các bạn tôi đều thở dài, họ nói ban biên tập của họ không cho can thiệp về chuyện đất đai nữa, dù họ đã đề xuất nhiều lần, họ nói có một "ông" nào đó đã ra lệnh miệng cho các tổng biên tập không được can thiệp vào chuyện đất đai, sợ nông dân vịn vào những bài báo ấy để biểu tình (bây giờ gọi là "khiếu kiện đông người").
Chính vì vậy mà tôi rất cảm ơn anh vì anh đã cho đăng "Ván Bài Quy Họach". Khi được tin bài đã lên trang, tôi nhờ anh Huyến gởi cho tôi hai trăm số báo để tôi chuyển xuống cho bà con ở Đức Hòa. Bà con mừng lắm, họ chuyền cho nhau đọc, họ gởi cho cán bộ xã, cán bộ huyện, cán bộ tỉnh và cả những công ty đang chiếm đất của họ. Chiều nay tôi nhận được thông tin: Thanh tra Chính phủ sắp xuống Đức Hòa. Nếu thông tin nầy chính xác thì quả là . . . " ông trời có mắt".
Thật ra, Đức Hòa chỉ là một trong hàng chục, hàng trăm câu chuyện nhức nhối của nông dân ở các tỉnh phía Nam hiện nay. Ở đâu có quy họach khu công nghiệp, khu đô thị thì ở đó có hàng trăm nông dân bị cướp đất. Cướp đất được núp dưới chiêu bài quy họach, được gọi là thu hồi đất, được gọi là giải tỏa, đền bù. Tôi vừa nhận được lá thư kêu cứu của một nông dân ở Nhơn Trạch, xin trích một đọan cho anh xem: " Xin hãy đến quê tôi: huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, không cần "sờ", chỉ đứng nhìn một vòng, quý vị sẽ thấy hàng hà bảng "Quy họach khu dân cư" dựng lên của hàng chục công ty nhảy vào xí đất, " đón gió" cầu Nhơn Trạch và đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây. Và lổn nhổn quảng cáo hàng ngày trên báo chí:
"Bùng nổ giao dịch, sinh lợi đột phá, đầu tư ít, sinh lợi nhiều".
Sinh lợi đột phá từ đâu vậy? Xin thưa: Từ việc chính quyền chạy theo yêu cầu của các nhà đầu tư, ép giá bồi thường rẻ mạt: Một mét vuông đất bằng bốn tô phở, rồi rao bán trên báo: Một mét vuông bằng 2,6 triệu đồng.
Tất cả bộ máy công quyền: Tỉnh ra quyết định thu hồi, huyện triển khai ép giá, xã ra quyết định và tiến hành cưỡng chế (tôi xin kèm bản sao các quyết định để làm bằng cớ). Người dân đi kiện từ năm 2006 đến nay chỉ nhận được kết quả: Trung ương trả về tỉnh, tỉnh trả về huyện, huyện im lặng để xã ra quyết định cưỡng chế.
Dân chúng tôi đã và đang đứng trước con đường: Mất ruộng, mất nhà, mất đường làm ăn, con cái thất học. Cầu mong quý báo mở chuyên đề trên báo cho chúng tôi góp ý với Bộ Tài nguyên môi trường và Chính phủ: Hãy cứu lấy dân !
HÙYNH VĂN SƠN - ấp Bình Phú, xã Long Tân, Nhơn Trạch, Đồng Nai
Lần theo những lá đơn kêu cứu của nông dân, tôi cùng với hai nhà văn kiêm nhà báo đi về Nhơn Trạch. Quả đúng như vậy, dọc theo những con đường quê xuyên qua đồng lúa, vườn cây vốn bao đời yên tĩnh, giờ nhan nhãn những bảng phối cảnh to đùng "Quy họach khu dân cư" của hàng chục doanh nghiệp từ Hà Nội đến Sài Gòn. Trên con đường rộng giữa trung tâm huyện lỵ Nhơn Trạch là tấm bảng quy họch khu thương mại - dịch vụ - nhà ở của công ty Thái Dương với diện tích 8,5 hecta đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Nhà văn Nguyễn Một nói: " Nếu chỉ có 8,5 hecta mà được làm dự án theo kiểu "lấy mỡ chuột chiên chuột", nghĩa là phân lô bán nền trên bảng vẽ rồi lấy tiền ấy để đầu tư cơ sở hạ tầng thì người nông dân ở đây cũng dư sức để làm, vậy thì tại sao phải cướp đất của nông dân để giao cho doanh nghiệp ?".
Hai từ cướp đất, anh Huân ạ, cách nay hai tháng, khi trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh quốc tế, họ hỏi tôi: "Theo anh thì có phải hiện nay các doanh nghiệp đang dựa vào chủ trương quy họach các khu đô thị của nhà nước để cướp đất của nông dân? Tôi không hình dung nổi người nông dân sẽ đau đớn đến mức độ nào khi phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn của họ để ra đi trong cảnh trắng tay". Lúc ấy, vì phải bảo vệ uy tín của nhà nước mình trước dư luận thế giới, tôi đã tìm cách quanh co khi trả lời câu hỏi ấy. Nhưng bây giờ, với anh thì tôi phải kể một sự thật đau lòng: Phía sau bảng quy họach của công ty Thái Dương là năm bảy người đàn bà đang ngồi co cụm trước một quán cóc ven đường, mặt mày đau đáu, những gương mặt khổ ải mà trong thời bao ấp người ta hay ví như “cái mặt bị mất sổ gạo". Nhưng họ không phải bị mất sổ gạo mà mất cả đất đai. Mười một hộ dân, những người chủ của 8,5 hecta đất nầy, họ đến đây khai khẩn đất đai từ hơn ba mươi năm về trước, đã làm nên nhà cửa, vườn tược. Thế rồi tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án cho công ty Thái Dương xây dựng khu nhà ở và khách sạn, nhà hàng, ký quyết định thu hồi đất và đền bù cho họ mỗi mét vuông 41 ngàn đồng, tương đương với bốn tô phở bình dân. Khi huyện Nhơn Trạch mời họ đến để trao quyết định thu hồi đất, người ta uất ức hỏi ông chủ tịch huyện rằng: "Nếu gia đình ông bị thu hồi đất và nhà đầu tư trả cho ông mỗi mét vuông bằng bốn tô phở, ông có chịu không ? Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện số hộ dân bị cưỡng chế, giải tỏa sẽ sống bằng gì sau khi ăn hết bốn tô phở ?". Ông chủ tịch huyện im lặng. Người ta tưởng rằng, trong cái im lặng ấy, ông biết đau với nỗi đau của người nông dân mất đất, bởi dù sao, ông cũng từ nông dân mà ra, từng được nông dân trên mãnh đất nầy chở che, nuôi dưỡng. Nhưng tưởng vậy mà không phải vậy, chỉ mấy ngày sau, hội đồng cưỡng chế của huyện Nhơn Trạch gồm công an, bộ đội, viện kiểm sát, thanh tra . . . cùng với xe cứu thương, cứu hỏa kéo ra áng ngữ dọc theo mặt tiền khu đất để bảo vệ cho nhân viên công ty Thái Dương lái xe ủi và cầm cưa tràn vô, ủi sạch những rẩy khoai mì và cưa sạch vườn cây cổ thụ trước sự chứng kiến đầy phẩn nộ của hàng trăm người dân địa phương.
Kính thưa anh Trí Huân! Hành vi ấy nếu gọi đúng tên thì nó là gì? Có phải là cướp đất? Hai tuần sau, trả lời phỏng vấn báo Lao Động, chủ tịch huyện Từ Ngọc Chiếu nói rằng, dự án đã kéo dài nhiều năm nên việc để "treo" mãi sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư ( ! ).
Lại kính thưa anh Trí Huân ! Ông chủ tịch huyện vô cảm trước nỗi đau mất đất của nông dân nhưng lại đau vì quyền lợi của nhà đầu tư thì theo anh, nếu gọi đúng tên thì đó là gì?
Trước mắt chúng tôi, 8,5 hecta đất vẫn còn nằm im dưới những gốc điều cổ thụ vừa gục ngã, vẫn còn nằm im trong nỗi uất hận, nghẹn ngào của người nông dân đang từng ngày kêu cứu thì công ty Thái Dương giao cho cò lái rau bán với giá sáu triệu đồng trên một mét vuông. Lại kính thưa anh Huân! Anh lý giải giùm tôi cuộc đánh đổi giữa bốn tô phở bình dân với sáu triệu đồng!
Trước mắt chúng tôi, một trong sáu người đàn bà mất đất ấy là chị Lệ, Phạm Thị Ngọc Lệ. Cách đây ba mươi năm, lúc đang thì con gái, chị yêu anh Trần Văn Lê, người con trai cùng xóm ở Long Tân. Hai người nghèo đến nỗi không có tiền làm đám cưới nên dắt nhau về đây khai hoang với khát vọng đổi đời. Biến đất rừng thành tám công ruộng, một tài sản không lớn nhưng nó mang ý nghĩa của một tình yêu, một tình yêu không đầu hàng số phận. Họ trồng điều, trồng tầm vông, trồng xòai, trồng mãn cầu, trồng mít, trồng ổi, mỗi năm thu họch vài chục triệu đồng. Thế rồi đến năm 2000, trung tâm hành chánh của huyện mở ra, đường giao thông và phòng giáo dục cắt mất của chị bốn ngàn mét vuông, ngân hàng nông nghiệp huyện sau đó lấy của chị một ngàn mét vuông nữa, mất năm ngàn mét vuông, lòng đau như cắt, nhưng chị tự an ủi mình rằng, ba ngàn mét vuông còn lại giáp với mặt tiền, biết đâu ngày nào đó trời sẽ cho mình bạc tỷ. Chị mở quán cà phê buôn bán để chời đợi thời cơ. Nhưng thời cơ vừa gỏ cửa, chưa kịp mừng vui thì bị cướp giữa ban ngày, kẻ cướp được bảo kê bằng quyền lực, vợ chồng chị, cũng như những người đàn bà đang ngồi quanh chị, hàng ngày cứ co cụm vào nhau, trông ra mãnh đất để nuốt vào lòng nỗi đau mất đất. Những lá đơn khiếu kiện được viết nguyệch ngọac, ngoằn nghòeo, cứ gởi ra trung ương, rồi lại bị trả về tỉnh với lý do khiếu kiện vượt cấp, tỉnh chuyển về cho huyện, huyện lại là nơi gieo tai họa cho mình. Cứ thế, thân phận người nông dân như con kiến.
"Con kiến mà leo cành đa,
Leo phải cành cụt leo ra leo vào.
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt leo vào leo ra"
Gíap ranh với cái gọi là dự án của công ty Thái Dương, lại một dự án khác, dự án của tổng công ty cơ khí ô tô Sài Gòn. Một doanh nghiệp chuyên sản xuất xe búyt, giờ nhảy qua kinh doanh bất động sản. Dĩ nhiên, đó là quyền của họ được pháp luật cho phép. Nhưng phải nói rằng đây là cái thời của đất, ai nắm được đất người đó thắng. Bởi thế mà hàng chục doanh nghiệp nhảy vào đây, xâu xé xí phần đất đai Nhơn Trạch để đón đầu một thành phố tương lai, trong khi đó, các quan chức địa phương tự nguyện làm công cụ cho họ, đứng ra bảo kê cho họ cướp đất nông dân . Phía sau cái bảng phối cảnh quy họach chi tiết dự án khu dân cư Phú Hội của công ty cơ khí ô ô Sài Gòn được quảng cáo bằng mô hình những tòa biệt thự nguy nga kèm theo những lời rao bán hấp dẫn là ngôi nhà lá tồi tàn của mấy chị em anh Hùynh Đức Trí, một kỹ sư công nghệ thông tin, giờ phải bỏ việc làm để thay cha đi khiếu kiện. Cha anh, ông Hùynh Văn Hạch, một trong hàng trăm nông dân về đây khẩn hoang từ năm 1976. Ông Hạch khai phá được 2,9hecta, làm rẩy trồng điều và trồng mì. Về già, ông định chia cho bốn người con thì đùng một cái, đất lọt vào quy họach. Năm 2001, đường giao thông cắt của ông một mẩu, họ đền bù cho ông mỗi mét vuông mười chín ngàn đồng.
Năm 2003, công ty du lịch Đồng Nai lấy của ông nửa mẫu, đền bù mỗi mét vuông năm ngàn đồng. Năm nay, một mẫu rưỡi còn lại lọt trọn vào quy họach của công ty Thái Dương và công ty cơ khí ô tô Sài Gòn, giá đền bù năm mươi hai ngàn đồng trên một mét vuông. Ông không chịu giao, huyện đứng ra cưỡng chế, mì bị ủi, điều bị cưa tận gốc, còn lại ngôi nhà lá nằm trơ trọi giữa đống cây đổ nát, hoang tàn. Đó là mồ hôi, nước mắt của cha con ông gầy dựng hơn ba chục năm qua. Đất của ông, người ta ngang nhiên ký hợp đồng bán cho người khác với giá hai triệu sáu trăm ngàn đồng một mét. Anh Trí giả vờ đi làm cò đất để phô-tô được những bảng hợp đồng bằng giấy trắng mực đen như vậy. Cắn răng mà chịu, nhưng vẫn không yên với trong căn nhà lá, cái lõm đất cuối cùng còn lại của gia đình. Ngày 2/11/2007, một đòan cán bộ xã đến lập "Biên bản vi phạm hành chánh" với lý do ông Hạch không chịu dỡ nhà để giao đất cho công ty Thái Dương và công ty cơ khí ô tô Sài Gòn. Mười ngày sau, chủ tịch xã ký quyết định xử phạt hành chánh, buộc ông phải tháo nhà, giao đất cho các công ty thực hiện triển khai dự án. "Sau mười ngày, nếu ông Hạch không chấp hành sẽ bị áp dụng biệp pháp cưỡng chế".
Anh Trí Huân ạ, anh là một nhà văn giàu trí tưởng tượng, tôi xin anh hãy dành chừng năm mười phút để thử đặt mình vào hòan cảnh của cha con ông Hạch, hoặc của chị Ngọc Lệ, liệu anh có chịu đựng nỗi không? Chúng ta đang sống gần hết một thập niên đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt, câu chuyện "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc tưởng đã lùi xa. Nhưng không phải, nó như chứng bệnh ung thư, mỗ xong, nó lại di căn và biến tướng. Cái thời vàng son của hạt lúa thì nông dân bị cướp lúa, cái thời vàng son của đất đai thì nông dân bị cướp đất. Xin anh đừng cắt bỏ những chữ cướp đất của tôi. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật và hãy gọi đúng tên từng sự việc. Cũng như nhà thơ Lê Chí đã từng viết:
"Ôi ! Điều phải biết thì lại là bất biết.
Mồ hôi nào rỏ xuống đồng sâu
Đôi mắt nào thức suốt canh thâu
Bàn tay nào nhọc nhằn, cai cứng
Giữa đau đớn, ai là nhân chứng?
Giữa nhân dân, ai biết nhận ra mình?
Giữa cuộc đời, ai thắp sáng niềm tin?
Giữa hư thực, ai nói điều chân lý?"
Và:
"Nếu sự thật là điều không nghe nổi
Sẽ còn gì ta đến với nhân dân
Sẽ làm sao ta biết xa hay gần
Mỗi bước đường lên hạnh phúc
Phải đến với sự thật nhân dân không cách nào khác được
Bởi đất nước nầy là đất nước của nhân dân".
Đó là chân lý, đất nước nầy là đất nước của nhân dân chớ phải đâu là của bọn sâu dân mọt nước. Người dân Nhơn Trạch- Đồng Nai, cũng như dân Đức Hòa- Long An ( và cả nhân dân miền Nam nữa ), từng được Đảng khắc bia cho họ với những dòng chữ "Trung Dũng-Kiên Cường-Một Tấc Không Đi-Một Ly Không Rời" trong những năm đánh Mỹ. Họ đã từng sống chết trước họng súng lưỡi lê của quân thù để bám đất giữ làng, để nuôi dưỡng, chở che cho cán bộ, chở che cho cả vùng căn cứ. Thế mà bây giờ, chính cán bộ - những người từng được nông dân nuôi chứa dưới hần bí mật ngay trong những khu vườn ấy, những căn nhà ấy - lại mang súng mang còng, mang dùi cui, xe cứu thương, cứu hỏa, xe đặc chủng . . . đến để bảo kê cho xe ben, xe ủi của những đại gia sang bằng ruộng vườn, nhà cửa của họ dưới chiêu bài gọi là "thực hiện chính sách thu hút đầu tư". Tôi nghĩ, chúng ta phải lý giải tận cùng rằng đầu tư cho ai? Tôi được biết, các nước trên thế giới người ta cũng phát triển đô thị, xây dựng các khu công nghiệp từ ruộng đất của nông dân, thậm chí họ làm gấp trăm, gấp vạn lần ta, nhưng họ quy hoạch đến đâu thì nông dân ở đó giàu lên đến đó chớ không phải bị cướp bóc đất đai, ta thán nhân tình như kiểu làm bất lương của chúng ta.
Tôi nghĩ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nghe được ít nhiều về chuyện bọn sâu dân mọt nước lộng hành ở các địa phương, cho nên, trên diễn đàn quốc hội hôm đầu năm nay, ông đã nói: "Chính đất đai là một trong những vấn đề cán bộ lãnh đạo còn nhiều vướng mắc. Đất đai phải có giá, đó chính là hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt vì biết bao hy sinh xương máu mới giành được, một tấc non sông, một dòng máu đỏ. Người dân là người sử dụng nên cũng có quyền định giá, cũng có quyền bán, quyền chuyển nhượng".
Xin lạy trời ! Nếu ông trời có linh thiêng, xin hãy trao cho nông dân những cái quyền như Thủ tướng nói!
Sài Gòn, ngày 12 tháng 12 năm 2007
(Nguồn: http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4037)
4 nhận xét:
Tôi đã đọc bài nầy cách đây đã lâu, trong một dịp tình cờ search trên google ,rất chân thực ,Tuy nhiên đên nay vẫn chưa có một nhận xét nào theo Tôi Vì nông dân,người đau sót nhất thì không phải ai cũng được tiếp cận thông tin trên internet
Tôi là người nông dân thật sự ,sống tại ấp 3a xã Hựu Thạnh huyện Đức Hòa,Long An.Đã bị ảnh hưởng thu hồi đất của chính quyền 4 lần,Công ty Tân Đô,Hải Sơn, Tân Đức( của tập đòan )Tân Tạo giá đền bù từ 40.000đ năm 2007,60.000đ năm 2008, và còn lại 33h nằm trong dự án khu cảng của cônty Tân Đức treo từ năm 2007 đến nay, đã có áp giá đền bù,nhưng công ty Tân Đức chê không lấy Vì nhà quá nhiều!Lổ.Tôi mong anh Hoàng đến nơi Tôi sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ về dự án nầy ,để nếu được kêu cứu dùm chúng tôi
Tôi benvnguyen tuổi thìn 59 tuỏi nông dân ,Rất phấn khởi khi được đọc về những bài viết của Anh Hoàng,mặc dù,mọi nguy hiểm có thể sảy ra ,nhưng Anh đã can đảm, để viết những bài ,mà người Ta cho là nhạy cảm.Tôi xin chân thành cám ơn anh ,người nói lên trung thực nguyện vọng, và đau khổ của nông dân ,hiện tại
Người nông dân sẽ rơi vào khó khăn không tưởng được. Sự chênh lệch nhanh giữa nông thôn và thành thị, giữa cả những người nông dân với nhau. Ở nông thôn, người có vốn và quan hệ sẽ chênh lệch dữ dội với người không vốn và không quan hệ, mà từ đây sẽ nảy sinh mâu thuẫn khủng khiếp. Tôi không hề thấy những chính sách nhà nước nào nhằm giải quyết sự chênh lệch này. Một trong những điều Nhà nước có thể làm được (trong khi không ngăn được sự chênh lệch kinh tế) là phải làm cho lòng khoan dung, độ lượng rộng hơn trong xã hội. Bằng cách nào? Phải bắt tay ngay vào việc cải tổ hệ thống giáo dục.
Chỉ có giáo dục mới làm cho người ta hiểu biết và khoan dung hơn đối với sự đổi thay, chênh lệch trong xã hội. Hãy tạo cho mỗi người một sự công bằng về cơ hội bước vào đời bằng giáo dục. Đồng tiền kiếm được là bằng khả năng thật sự của mỗi người được giáo dục tốt chứ không phải kiếm bằng những lý do khuất tất. Đó là con đường mà những nền văn minh đã đi…”.(Vương trí Nhàn)
Người nông dân sẽ rơi vào khó khăn không tưởng được. Sự chênh lệch nhanh giữa nông thôn và thành thị, giữa cả những người nông dân với nhau. Ở nông thôn, người có vốn và quan hệ sẽ chênh lệch dữ dội với người không vốn và không quan hệ, mà từ đây sẽ nảy sinh mâu thuẫn khủng khiếp. Tôi không hề thấy những chính sách nhà nước nào nhằm giải quyết sự chênh lệch này. Một trong những điều Nhà nước có thể làm được (trong khi không ngăn được sự chênh lệch kinh tế) là phải làm cho lòng khoan dung, độ lượng rộng hơn trong xã hội. Bằng cách nào? Phải bắt tay ngay vào việc cải tổ hệ thống giáo dục.
Chỉ có giáo dục mới làm cho người ta hiểu biết và khoan dung hơn đối với sự đổi thay, chênh lệch trong xã hội. Hãy tạo cho mỗi người một sự công bằng về cơ hội bước vào đời bằng giáo dục. Đồng tiền kiếm được là bằng khả năng thật sự của mỗi người được giáo dục tốt chứ không phải kiếm bằng những lý do khuất tất. Đó là con đường mà những nền văn minh đã đi…”.(Vương trí Nhàn)
Đăng nhận xét