Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009
Những cuộc chia ly không màu
Đời người , ai chẳng từng chia tay một cái gì đó. Từ những cái rất nhỏ như cái áo , đôi giày cũ, con chó, con mèo cưng… cho đến những cái lớn lao hơn như một người thân, một mối tình… Chia tay thường là buồn. Càng buồn hơn nếu đó là lần vĩnh biệt.
Cái máu sở hữu của con người thật mạnh mẽ, nên chẳng ai muốn rời bỏ những gì mình có. Nên khi chia tay, thôi thì khóc lóc, kể lể đủ trò.Văn học, điện ảnh, thi ca, âm nhạc… mô tả đến phát chán những cảnh chia tay, nên quả thật là thừa nếu tôi muốn cạnh tranh, mong tả được một cái gì đó lâm ly hơn, bi thảm hơn.
Dù vậy vẫn cứ kể, góp thêm vào một rừng những cuộc chia tay màu đỏ, màu xanh, màu vàng đó những cuộc chia tay không màu của tôi. Một lý do khác nữa là cả mấy tuần nay tôi đùa nhiều rồi, đóng vai một anh hề trên mạng, thuật ngữ khoa học gọi là netclown. Tôi đùa thì tôi vui, vài người khác cũng vui, nhưng tôi bắt đầu thấy mình bắt đầu thiếu nghiêm chỉnh. Gặp bác Nguyễn văn Vĩnh thế nào cũng bị mắng “ …gì cũng cười. Nhe răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”. Đấy, hồi nhỏ tôi đã học như thế.
Thế thì hôm nay tôi nghiêm chỉnh, tôi tâm tư… chẳng qua cũng chỉ là một liệu pháp để cân bằng sinh thái, không , cân bằng …sinh lý thì đúng hơn. Cái cười của tôi làm thế quái nào lại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái được.Nhưng đang cười cợt bỗng dưng đổ nghiêm chỉnh thế nào chẳng có người cho là tôi bệnh, thành ra phải mào đầu dài dòng thế để những ai yêu thương tôi, số này không nhiều, được an tâm. Và cũng để những ai đang rủa thầm mong tôi chết đừng có mà hí hửng. Dĩ nhiên từ cười chuyển qua khóc thế nào cũng vẫn còn thấp thoáng nụ cười. Phải thế thôi, không thể ngay một lúc mà đóng mặt nghiêm ngay được. Thôi, vào cuộc chia tay thôi.
Tôi vốn tính chung thuỷ. Cái ấy là do bẩm sinh chứ không phải nhờ rèn luyện. Vất cái áo, đôi giày cũ để dùng cái mới là cả một vấn đề với tôi. Cứ xài cái gì mới là tôi lóng ngóng, đi đứng cứ như con rô bốt. Nhưng buộc phải dùng thì tôi dùng chứ không chịu vất đi hẳn, thành ra kho đồ cũ của tôi có lúc như một cửa hàng second-hand nho nhỏ. Do đó đồ đạc tôi dùng thường là đi sau thế hệ đến hàng chục năm. Nói cho khoa học là tôi ít chịu update đồ dùng cá nhân, ngay cả những khi có nhiều tiền.Có ai tin là bây giờ tôi vẫn còn mang đồng hồ Timex sản xuất thời Tự Đức không? Ai mà cũng như tôi là công nghệ thời trang phá sản ngay tắp lự. Tóm lại, bẩm sinh tôi đã là thằng ghét sự chia tay, cho dù với những món vặt vãnh nhất.
Cái đầu tiên làm tôi khóc khi chia tay là một … con chó. Dĩ nhiên phải loại ra những lần khóc vì bị đòn. Cái đó thì liên quan gì đến chia tay đâu? Khi nó qua đời tôi ôm nó khóc, nhất định không cho ba tôi chôn nó. Bây giờ mà nhớ lại đôi mắt nó nhìn tôi khi sắp chết mà tôi vẫn còn muốn khóc. Nó cũng biết là nó sắp ra đi , và nó cũng buồn khi phải xa tôi. Tôi biết thế. Lần tôi đóng kịch nhân lễ tốt nghiệp, tôi đóng một vai có màn khóc lóc thê thảm. Đạo diễn, anh Bửu Ý, bảo”mi cứ ráng nhớ lại kỷ niệm nào thật buồn, có không”. Và tôi đã thành công khi nhớ đến đôi mắt con chó khi nó nhìn tôi trứớc lúc chết. Ngay cả khi đã chết rồi mà nó vẫn còn giúp tôi đấy.
Gần như ngay sau khi con Ki từ bỏ tôi, tôi lại phải khóc vì một lần chia tay nữa. Lần này thì ly kỳ hơn. Số là tôi vốn là con một trong nhà, bỗng một đêm ba tôi rụt rè bảo tôi lên nhà bác Hai tôi có việc. Thái độ của ổng như của một người có lỗi, khác với phong thái phát xít thường ngày. Lên nhà bác, tôi được giới thiệu với một người đàn bà, mà đó mới chính là … mẹ ruột của tôi. Cứ như sét nổ ngang tai. Hóa ra cái người mà mà lâu nay tôi vẫn coi là mẹ lại không phải là mẹ ruột. Mẹ tôi vào để giao lại cho ba tôi thằng em ruột của tôi mà lâu nay mẹ nuôi. Tôi ngạc nhiên hơn là cảm động, vả lại cái ông nhóc em tôi trông có vẻ lấc khấc làm tôi cũng bực. Chẳng thấy cảm xúc gì cả. Các đạo diễn mà cứ dựng phim như cảnh của tôi thế nào cũng bị chửi. Tôi về, cảm giác cũng lơ mơ. Ngay chiều hôm sau phải ra phi trường đưa mẹ tôi về nguyên quán ở Quảng nam. Đang ở phòng chờ, khi nghe thông báo hành khách chuẩn bị lên máy bay , tôi chợt có cái cảm giác như bị đứt một cái gì đó trong người và tôi bỏ chạy, từ phi trường Nha trang ra mãi tới đường Duy tân, bây giờ là Trần Phú, vừa chạy vừa khóc. Ông em mới nhận của tôi thấy ông anh chạy cũng chạy theo. Sao hồi đó chúng tôi chạy khỏe thế! Đã bảo tôi không chịu được cái cảnh chia ly mà. Về đến nhà, anh em mới ôm nhau khóc. Có lẽ nó khóc nhiều hơn tôi, vì nó sống với mẹ nhiều hơn. Tôi thì chỉ có gặp vài tiếng, đã xi nhê gì. Thế mới biết cái tình máu mủ nó có cái gì đó thiêng liêng vô cùng.
Mà thôi. Hôm nay cứ tạm thế đã. Cái tạng người tôi không hạp với việc buồn lâu. Nó cứ nẫu cả người. Thế là tạm cân bằng sinh lý rồi đấy. Chuyện gì sẽ xảy ra. Xin xem hồi sau sẽ rõ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét