Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

Thư gởi người học trò cũ

Đọc đi đọc lại thư em, thầy vô cùng thông cảm với những lo âu trăn trở của em, và bỗng dưng thầy lại đâm ra lo, không chỉ cho em, mà cho con cháu thầy, cho những lớp học sinh của thầy sắp bước vào cái vòng quay khốc liệt của cuộc đời. Em sắp ra trường và sẽ công tác trong một ngành có nhiều điều tiếng; và em sợ không giữ mình trong một môi trường như vậy.


Chà! Nếu cách đây 30 năm thầy đã cho em một lời khuyên chắc nịch : “Hãy cứ là mình. Chính con người làm vinh quang cho nghề nghiệp” hoặc “Không có nghề nào xấu. Chỉ có người tốt hay xấu thôi”. Và còn nhiều câu châm ngôn đại loại như thế .


Nhưng khuyên em thế nào được khi chính thầy cũng đang phân vân; thầy cũng không biết liệu có giữ mình được trong một môi trường như thế không. Phải thừa nhận là trong xã hội ta hiện nay có một số công việc được xếp vào loại có “nguy cơ cao” dễ bị tha hóa. Những nghề mà quyền hạn được trao quá lớn so với cái tầm văn hoá của họ.


Nói thế thầy bỗng chợt ngượng khi nhìn lại nghề của mình. Một nghề cực kỳ sang trọng và nguy cơ lây nhiễm ít nhất. Vậy mà… em thấy đấy. Chuyện gì đang xảy ra cho cái nghề cao quí này đây? Cái câu ca dao “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nghe mới thật thơ mộng, lãng mạn và phi thực tế làm sao. Chắc em còn nhớ câu chuyện thầy kể về một người mang đôi giày mới. Lúc đầu anh ta đi đứng cẩn thận, ngó trước ngó sau, cốt giữ cho đôi giày được sạch. Nhưng rồi một vết bùn, rồi lại một vết nữa…và chẳng bao lâu sau anh ta ào ào lội bùn.


Lâu lắm rồi, khi thầy bỗng dưng bỏ dạy , các em đã ngạc nhiên. Các em hỏi, thầy cười bảo thầy không quen soạn giáo án. Rồi các em còn ngạc nhiên hơn khi thấy thầy chạy xích lô. Có đứa còn rơm rớm nước mắt. Thầy cười xòa bảo “Ôi dào, bây giờ thầy chạy xe năm ngày là bằng cả tháng lương đi dạy, mà chẳng cần họp hành giáo án giáo iếc gì. Sướng quá chết”. Thật thế ư? Thầy sẵn sàng trở lại bục giảng cho dù đạp xe một ngày bằng một tháng lương. Nhưng !!!... Thế đấy. Bây giờ thì chắc các em hiểu rồi. Để mình là mình nhiều khi phải trả một cái giá nào đó. 
Bây giờ , khi mọi chuyện đã ở sau lưng, thầy mới có thể nói lên những lý do khiến thầy nghiến răng từ bỏ cái nghề mình yêu quí, cái nghề duy nhất thầy được đào tạo để làm tốt. Lý do đó là : THẦY BỎ NGHỀ VÌ THẦY YÊU NGHỀ”. Này! Đừng đứa nào sau này bắt chước nhái thầy “ Em bỏ vợ vì em yêu vợ”. Hai cái thuộc hai phạm trù khác nhau đấy.


Mấy em còn nhớ Lữ thành Xuân chứ. Một đứa học trò nghèo, ngày ngày lội bộ 10 cây số đến trường, áo quần lôi thôi, nhưng học hành cực giỏi. Em thi tốt nghiệp đạt gần điểm tối đa nhưng vẫn không được nhận vào đại học. Lý do, lý lịch gia đình em vào hàng E, F gì đó. Ba em là đại tá đang cải tạo. Khi biết tin thầy muốn khóc ghê nhưng cố nén. Xuân nó phải an ủi ngược lại thầy: “Thôi không đi học thì em về làm rẫy. Không khéo mai mốt còn thành ông địa chủ ấy chứ”. Lần đâu thầy thấy mình bất lực. Hoàn toàn bất lực. Cũng may mà sau này Long vượt biên, bây giờ là tiến sĩ công nghệ thông tin.


Một lần khác trường làm lễ kết nạp đoàn cho học sinh. Cô giáo phụ trách phát biểu : “ Kể từ giờ phút này chúng ta là đồng chí…”. Lễ xong một em muốn thử xem cô Hoa nói thế có đúng không, bèn gọi thầy “đồng chí Hoàng”. Thầy sững lại như bị ong đốt, kêu em đó ra, tát em một cái. “ Mấy em muốn đồng chí với ai thì mặc. Nhưng với tôi thì phải là thầy, luôn luôn là thầy. Nghe rõ chưa”. Lần duy nhất trong đời thầy đánh học trò. Cũng chẵng nhớ đã đánh ai. Thầy đã phẫn nộ khi thấy chữ THẦY bị ai đó xúc phạm.


Một lần khác, khi đang giờ học, cô giáo phụ trách công đoàn mua hàng về. Toàn bộ giáo viên ( trừ thầy và một cô nữa) bỏ lớp chạy xuống văn phòng để dành hàng. Dễ hiểu thôi. Ai nhận trễ có khi lãnh một hộp sữa méo, một bao thuốc bị móp hay một gói bột ngọt không đủ trọng lượng. Và thế là bán lại không được giá. Hồi ấy ít ai giữ lại để dùng. Thầy cũng muốn mình nhận được những món hàng tinh tươm lắm chứ. Nhưng sự hổ thẹn níu thầy lại. Học sinh sẽ nghĩ gì khi thấy thầy làm thế nhỉ ? Thầy làm sao có thể cao giọng giảng những điều cao đẹp khi mình vừa làm một việc bẩn thỉu như thế. Vâng , đối với thầy như thế là bẩn thỉu, và thầy thấy rất xấu hổ khi làm như mọi người


Và vô vàn chuyện như thế. Kể làm sao xiết. Thế là thầy bỏ việc. Thanh thản như quẳng đi một cục nợ.


Trở lại với em. Biết khuyên em gì nhỉ?. Thế này nhé. Em nên phát huy tốt đức tính XẤU HỔ. Vâng, với thầy nó là một đức tính đấy. Nếu em còn biết xấu hổ, sẽ khó, khó chứ không phải là không thể, bị tha hóa.Bây giờ nhiều, rất nhiều người không còn biết xấu hổ nữa. Họ làm những điều xấu một các nhẹ nhàng như không.


Thế nhé. Hãy luôn biết xấu hổ. Này, chỉ những khi sắp làm bậy thôi nhé. Còn gặp em nó thì cứ bạo lên, lì lợm, mặt dầy đi. Chẳng sao cả. Thầy chỉ biết khuyên em thế thôi. 


  Chúc em vui


P.S. Thầy vẫn còn đi xe đạp. Mà cái này thì thầy không hề xấu hổ. Hè hè

Không có nhận xét nào: