Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

Bố tôi (1)


Hôm trước cộng đồng mạng xôn xao chúc nhau nhân Ngày Của Mẹ. Linh đình lắm, nhộn nhịp lắm, tình cảm cũng lắm. Hôm nay đến Ngày Của Bố. Không khí vắng lặng đến nao lòng. Ôi! Đàn ông đã đến thời kỳ thoái trào rồi sao ? Dân ta sắp quay về thời kỳ mẫu hệ rồi chăng ? Thậm chí nguy !

Trong một nổ lực nhằm gỡ lại chút thể diện cho cánh đàn ông, tôi đăng tiếp hai bài viết cũ về bố tôi. Hỡi các blogger! Quí vị làm ơn công bằng dùm đi. Mẹ là rất quan trọng trong một đời người. Nhưng còn bố nữa chứ. Bố cực kỳ quan trọng đấy.

==============================================================
Bố tôi ( 1 )


Đùa giỡn riết nó hư người. Lại phải chuyển tông nghiêm trang thôi. Cái thằng tôi mà nghiêm trang được quá 5 phút thì cũng là tài. Tìm một cái đề tài gì cho nó nghiêm trang khó kinh. À! Viết về bố đi. Hy vọng là cặp mắt nghiêm trang của ông luôn dõi theo xem thử thằng này nó viết gì về mình sẽ làm tôi nghiêm chỉnh hơn.Vâng , hy vọng thế, dù mong manh lắm.
Chẳng hiểu sao một người nghiêm trang như bố tôi lại có thể sinh ra một thằng sạc lô như tôi, tạo hoá nhiều khi cũng trêu ngươi quá thể. Đúng thế đấy ạ. Tìm được một nụ cười trên mặt bố tôi quả là hiếm hoi. Ông như được sinh ra để răn dạy người khác. Mà quả thật, ông có khiếu giảng dạy . Tôi cũng chả biết là do bẩm sinh hay do đào tạo nữa. Từ lúc ông 9 hay 10 tuổi gì đó là ông nội tôi dã gởi ông vào tiểu chủng viện, học để sau này làm cha nhà thờ đấy. Hồi ấy để thành một linh mục khó giàn trời luôn, học có khi đến hai ba chục năm chưa biết chừng. Hết tiểu chủng viện ông vào đại chủng viện học thần học rồi triết học, rồi ra giúp xứ vài năm, giống như sinh viên bây giờ đi thực tập ấy. Sau đó về học tiếp, rồi mới được làm cha. Khó thế chứ không như bây giờ mấy ông nhóc mới quậy quậy xí đã làm cha. Quên, tôi lại nhầm, không phải cái loại cha ấy.
Cả đời trai trẻ của ông trôi qua trong các chủng viện. Nghe ông kể lại thì kỷ luật chủng viên còn hơn cả kỷ luật nhà binh. Cái khoản không được cười nói lớn tiếng , đùa cợt linh tinh thì cho tôi vàng cũng xin làm con thôi. Mà cũng phải thôi, sau này ra dẫn dắt cái phần linh hồn người ta mà đùa thì còn ra cái thể thống gì. Có gia đình không muốn con mình làm cha cũng gởi con vào chủng viện. Chả là giáo dục trong đó thuộc loại cực tốt, ai có con đi học chẳng muốn nó học ở một nơi có kỷ luật tốt.Với lại anh nào ở đây ra ngoài kiến thức tốt còn phải giỏi 2 môn : Pháp văn và âm nhạc. Xong trung học là ta xin về. Còn muốn bị đuổi hả, dễ ợt : Ra giữa sân cười ha hả rồi tương một câu chửi thề là hôm sau có mặt ở nguyên quán đoàn tụ cùng cha mẹ liền.
Nói lòng vòng thế để thấy tại sao bố tôi nghiêm. Ông thật lòng muốn tu lắm và xém chút nữa thành công ( hú hồn cho tôi ). Còn độ hơn năm nữa thụ phong chức cuối cùng (ông đã được phong 6 chức, gọi là phó tế rồi ) , còn mỗi chức cuối cùng là lên bàn thờ, ( tức là làm linh mục ấy, chứ không phải lên đó ngồi ăn hoa quả nhang đèn đâu ) thì một hôm tranh cãi thế nào ông chơi cho một anh khác một quả thụi. Thế là xong giấc mộng làm linh mục. Cho tôi dựa hơi tí, cái anh bị cha tôi thụi sau này là Giám mục địa phận Xuân Lộc : Đức cha Ấn . Gớm , dám thụi cả Đức cha cơ đấy.
Thế là năm 39 tuổi ngài giã từ đường tu, bước ra đường đời, làm cha mỗi cái thằng tôi. Từ lúc tôi biết đùa, thời thơ ấu chẳng khi nào tôi dám đùa trước mặt bố tôi. Ông đi làm cả ngày, tối về nhà thì ăn cơm xong đọc báo, đọc kinh rồi đi ngủ. Những năm 60 làm quái gì có TV. Mẹ tôi cũng sợ bố tôi một phép. Hồi ấy chẳng có ngày 8/3 nên chẳng khi nào bà vùng lên được cả. Bây giờ cứ tưởng tượng hồi ấy mà tôi thấy bố tôi cười hớn hở cầm một cành hoa tặng mẹ tôi, bảo đảm bà xỉu ngay tức khắc, vì choáng.
Ông xin vào làm công chức. Hồi đó mà có cái bằng “bắc đơ” (Tú tài Pháp) xin việc dễ như không. Bằng ấy hồi đó còn hiếm hơn bằng tiến sĩ bây giờ. Ông khởi đầu sự nghiệp trong ngành cảnh sát, lên tới trưởng ty, hồi ấy gọi là bang tá. Sau đó chuyển sang ngạch công chức, làm quận trưởng. Đường hoạn lộ cứ gọi là thênh thang. Có một điểm ông giống tôi, xin lỗi, phải nói là tôi giống ông chứ : hay ý kiến, mà gốc gác có phải là dân Quảng nam đâu kia chứ. Cứ vì cãi cấp trên mà Khánh hoà có 6 quận thì ông đi cả 6. Thuyên chuyển cho bỏ ghét mà. Sau cùng hết chổ thuyên chuyển phải đưa ông về Nha trang ( hồi đó thành phố NT chia làm hai quận).
Về hưu năm 64, ông xông xáo hoạt động kinh doanh, làm bảo hiểm, mở trường học…, cũng xôm trò ra phết. Ông lăng xăng tổ chức hội này hội kia, ứng cử chức này chức nọ. Bây giờ tôi chẳng hiểu là ông ham mê quyền lực hay chỉ vì không hoạt động gì đó ông chịu không nổi. Cha con chẳng mấy khi tâm sự thành ra cứ đoán là chắc ông chẳng ham hố địa vị đâu, chỉ là ở không chịu không được thôi. Ấy là tôi lấy tôi mà suy ra ổng đấy.
Sau 75, ông bị bắt ngay, bắt chứ không phải trình diện cải tạo. Bắt hồi Sài gòn còn chưa mất cơ. Mấy ngày đó mà thấy còm măng ca dừng trước nhà, rồi bộ đội xộc vào nhà là kinh lắm. Ông cũng kinh, cứ ngỡ là bắt để thi hành cái án đâu từ hồi xa lắc, hồi ông còn làm cảnh sát cơ. Hoá ra không phải. Thì ra cái anh trưởng công an phường là dân nằm vùng trước kia có đánh nhau, bị cảnh sát bắt nhốt một đêm. Thế là hắn thù ba tôi, bây giờ có dịp trả thù chơi. Lúc đó nhiễu nhương mà, bắt ai chả được. Mãi 3 tháng sau, khi được phóng thích, cầm tờ giấy phóng thích lên phường trình diện hắn ba tôi mới vỡ ra. Hắn bảo : “ Hồi trước mấy ông làm việc , bây giờ chống mắt lên mà coi tôi làm nhé” . Không rảnh để coi mấy ông làm trò khỉ, ba tôi bán một căn nhà, tót ngay vào Đồng nai, mua rẫy. Vậy là phải bắt đầu một cuộc lao động, kỳ này là bằng tay chân . Khi ấy ông đã trên 60. Tôi được cắm lại NT để coi mấy cái nhà.
Cũng có một điểm nữa tôi giống ông : Thương mà không nói. Ấy là thương con , chứ còn thương ... con gái thì nói quá đi chứ. Thấy vợ ôm con nựng “ xương…xương quá đi “ là tôi không ưa. Mãi cái hồi tôi đi lính, thấy ông đứng ngoài hàng rào, nghiêm nghị dặn tôi vài câu rồi lên xe đi, anh tài xế nói ông bủn rủn tay chân lái xe không được, tôi mới lờ mờ cảm thấy ông thuộc cái tạng người dấu kín tình thương ở trong lòng, nói ra miệng thấy ngượng. Cũng chẳng biết thế là hay là dở, là đúng là sai nữa. Sau này tôi cũng thế.
Bố tôi nghiêm thế nên dạy con khỏi chê. Thế mà những năm tiểu học rồi trung học, đến mãi lớp Đệ Tam tôi vẫn cứ luôn là thằng top ten đứng từ dưới lên, mặc dầu có hẳn hai gia sư kèn cặp. Mỗi tháng trình cho bố cái thông tín bạ (như sổ liên lạc bi giờ í) là cả một màn tra tấn. Tôi cố giữ nó hết mức có thể, đến chừng nào ở trường giục quá thì đành phải thòi ra. Đòn roi với tôi là chuyện nhỏ, nhưng bố tôi không đánh tôi lúc đang nóng. Ông ghi sổ, hôm nào rảnh ông mới lôi ra, làm một màn tổng kết. Những hôm ấy lại thường rơi đúng vào chủ nhật. Ôi, Beautiful Sunday! Trận đòn của tôi thường kéo dài khoảng một buổi. Nghe ghê thế chứ chẳng có mấy roi. Roi của ông là loại chuyên dùng nhé, roi mây đàng hoàng. Ông bắt tôi nằm sấp xuống, không cho nhìn lên, rồi cứ vừa nhịp nhịp cái roi trên mông tôi vừa hài tội, lâu lâu đét một cái. Roi đánh đau đã đành, nhưng cái giây phút chờ đợi, chẳng biết khi nào cái roi sẽ nhấc lên đét xuống mới thật là kinh hoàng. Đau tim bỏ xừ. Làm xong một roi, ông gác roi lên mông tôi đi uống trà, đọc báo, tưới cây, hình như dành thì giờ cho tôi thấm thía cái tội của mình. Có lần ổng đi lâu quá, tôi ngủ mất.

Lần đầu tiên ông đánh tôi không bằng roi, và cũng là lần cuối cùng tôi ăn đòn là hôm trước ngày tôi lấy vợ. Chiều hôm ấy, tôi đang cùng anh em trang hoàng nhà cửa chuẩn bị mai rước dâu thì một thằng bạn lấp ló nháy tôi đi nhậu. Tôi nghĩ : Ừ, mệt đi làm vài ly rồi về làm tiếp. Trân nhậu kéo dài đến hơn 10g đêm. Ông chờ tôi ngay dưới chữ Song Hỉ, xáng cho một bợp tai ra trò. Đánh cũng phải thôi.. Tôi biết tội, không né, cũng không giơ tay đỡ. Vả lại lúc đó ổng yếu hung rồi, đánh chẳng xi nhê gì. Giờ giá mà được ổng đánh đòn nhỉ ? Vui hết biết.


Bố tôi ( 2 ) Mar 29, '09 9:35 AM
for everyone



Lại nói tiếp về bố đây bố ơi. Xem ra tôi nói đúng cả nên tối qua chẳng thấy bố về mắng mỏ gì cả. Thế thì phát huy thôi. Chủ đề hôm nay tôi sẽ cố gắng tập trung vào là: “ Bố tôi và Chúa”. Cố gắng thôi chứ chưa chắc tôi đã bám sát được cái chủ đề ấy đâu. Các bạn thử hình dung thế này : Một cậu bé đi picnic, trên đường đi tình cờ cậu thấy một bông hoa đẹp, thế là cậu ta ngừng lại ngắm , hít vài cái , vuốt ve vài cái nữa rồi đi. Lát sau lại gặp một …sòng bầu cua, thích quá cậu ghé vào thử thời vận tí rồi đi. Lại gặp một em bé xinh xinh, cậu ngừng lại đưa đẩy vài câu tình tứ. Đi nữa gặp một thằng đầu gấu đang bắt nạt một em bé. Nhớ câu “ kiến nghĩa bất vi vô dũng giả”, cậu bèn ngừng lại “ nói chuyện phải quấy” với thằng khốn ấy…Và cứ thế, khi cậu đến được chổ để hưởng cái thú picnic thì nắng đã xế. Nhưng có hề gì hở các bạn thân mến? Đã bao lần tôi tâm niệm rằng điều quan trọng trong đời chúng ta là cái sự đi, chứ không phải là cái sự đến.
Thì đây, tôi lại gặp một “đóa hoa đẹp” rồi. Ngưng lại để ngắm thôi. Hồi nãy tình cờ dùng cái thuật ngữ “nói chuyện phải quấy” tôi chợt nhớ đến một người quen : Bố già Vito Corleone. Ngữ như tôi thì còn khuya mới được đến gần bố già. Ấy là tôi đọc trong cuốn “ Godfather” của Mario Puzo do dịch giả Ngọc thứ Lang dịch. Đến là tài cái ông này. Từ godfather mà dịch là bố già thì thật xuất sắc, thế là nó nghiễm nhiên đi vào văn học và cuộc sống, chứ cứ nguyên nghĩa mà dịch là bố đỡ đầu thì chẳng lột được cái chất ... bố già đâu. Bây giờ nhiều người cứ nói bố già mafia chứ chắc không biết người đã đẻ ra cái thuật ngữ đó đâu. Bố già mafia thì phải ác chắc rồi, nhưng với mọi người thì bố lại là một ông già hiền lành, nhỏ nhẹ dịu dàng, kính già yêu trẻ, thương đồng bào…. Mỗi khi đàn em đến báo cáo rằng có một thằng bố láo nào đó dám cả gan xâm phạm lãnh địa của mình, bố chỉ bảo “ Thế chú lại nói chuyện phải quấy với nó đi”. Thế! Cực kỳ lịch sự, cực kỳ đúng hiến pháp và pháp luật. Vậy là đàn em của bố liền đi mời thằng không biết phải quấy kia về … đoàn tụ với tổ tiên nó. Nói phải quấy là thế đấy. Kinh!
Thôi, quên bố già đi, quay lại với … bố mình và Chúa. Sau khi bị đại chủng viện trả về, bố tôi buồn và ân hận lắm, nhưng luật nhà Chúa là không có kháng cáo, phúc thẩm gì cả. Nhưng ông vẫn cứ ân hận nhà mình không có người nào được phụng sự Chúa. Thế là lúc tôi khoảng 10 tuổi, ổng tính gởi tôi vào chủng viện để thực hiện cái ước mơ dở dang của ổng. Đúng là ác mộng với cái thằng thích bay nhảy như tôi. Nhưng muốn thế phải triệu tập hội nghị gia tộc. Bác Hai tôi là tộc trưởng phán thế này : “ Nhà mình không có cái số phụng sự Chúa. Đấy chú xem, tôi rồi chú, rồi Cô Năm Cô Sáu nó đều đi tu, rồi cũng về cả. Nhà mình ăn lường cơm của chủng viện nhiều rồi. Với lại anh trông cái tướng thằng Hoàng cứ lấc cấc thế nào ấy, cho nó đi tu rồi mình lại mang tiếng. Thôi đi!” Chưa bao giờ nghe người ta chê mình mà tôi lại sung sướng đến như thế. Thế đấy! Ai chê ta mới là bạn ta, còn mấy người khen ta vung vít là kẻ thù của ta. Cổ nhân nói cấm có sai
Vậy là tôi thoát cái nạn đi tu. Nếu không giờ này gặp tôi các bạn phải “ Chào cha ạ!” chứ đâu có anh Hoàng ơi, chú Hoàng à…Tuy nhiên cái nỗi ưu tư phải có ngừơi phụng sự Chúa vẫn cứ canh cánh trong lòng các vị, cuối cùng thằng con cô Sáu tôi lảnh đủ. Thằng nhỏ hiền lành, hơi khờ là đằng khác, hồi nhỏ chơi bị tôi oánh hoài. Nghe nói nó đi tu tôi cũng dửng dưng. Thế rồi một hôm cả họ tộc rủ nhau may áo lễ mừng “cha Ấn” thụ phong linh mục. Cha Ấn là cái thằng khờ ấy đấy ạ. Thôi thì vinh dự vô cùng, họ tộc đã có người phụng sự Chúa. Tôi thì cứ nghĩ rằng các cụ chẳng qua muốn có người trong số “cán bộ Thiên đàng” để sau này có chuyện gì còn nhờ vả thôi.Thì Cha nói Chúa dễ nghe hơn là giáo dân trơn.
Thế nhưng khi thằng này, à quên, cha này vinh qui bái tổ tôi mới thấy hoảng. Bác tôi, bố tôi, tức là cậu nó đều một điều cha hai điều cha xưng con ngọt xớt. Thế có bỏ mẹ tôi không kia chứ? Vậy hoá ra tôi phải kêu nó là …ông nội à? Chết thì thôi chứ nhất định là không . Tôi nhớ có cái câu gì mà “ Kẻ sĩ khả sát bất khả nhục”. Hôm nó đến nhà tôi để thăm cậu nó – là ông già tôi -, tôi lật đật xỏ quần áo dọt. Đi ngang phòng khách thấy thằng con đang đứng lơ ngơ , mắt trước mắt sau không thấy ai tôi thúc nhẹ nó một chỏ “ Bày đặt làm cha nữa , ngon mậy” . Thằng con cũng chỉ lỏn lẻn cười cười, đố dám nói gì. Cũng có khi nó đạt đạo rồi, chả thèm chấp với cái loại bắng nhắng như tôi. Cũng may là nó chỉ ở thăm vài ngày rồi đi nhận nhiệm sở trong Cam Ranh. Sau này nó vượt biên, qua Mỹ cởi áo dòng lấy một con đầm. Thế là phèo cái ước mơ cả họ.
Các bạn thấy đấy. Bố tôi sùng đạo lắm, và tất yếu là ông bắt tôi cũng phải sùng đạo như ổng. Giáo dân bình thường chỉ chủ nhật mới đi lễ, tôi thì sáng nào cũng bị ổng dựng đầu dậy đi . Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà, thế là vào nhà thờ tôi ngủ gà ngủ gật. Đang lơ mơ thì cốc một cái, tỉnh như sáo. Ổng ngồi đằng sau mà thấy tôi gật gù là uốn nắn ngay tại chổ liền, đố có mà chạy đàng trời. Ngày chúa nhật mới thật là tai hoạ. Trước khi đi ổng bắt tôi đứng cho ổng “make-up”. Khổ! Cứ cái fashion của ông thế nào là ổng make up tôi y như thế. Này nhé : Tóc các bạn bây giờ xịt keo chứ gì ? Hồi ấy có một thứ gọi là Bi-ăng-tin ( brilliantine ), một loại mỡ bóng, bôi vào tóc vừa giữ nếp vừa bóng loáng, con ruồi nào lớ ngớ đậu xuống là trượt chân ngã dập mặt. Mốt hồi … đệ nhất thế chiến đấy. Thế là ổng trét lên đầu tôi một đống mỡ ấy, chải tới chải lui cho nó thấm đều. Sau đó ổng nhắm đúng ¼ mái đầu phía trái, dùng lượt xẻ cái đầu, à không, mái tóc tôi ra để đánh đấu, sau đó bắt đầu chải, phía trước hơi uốn lên một chút. Các bạn đã xem ảnh của Elvis Presley chưa. Đấy, đại loại như thế, dĩ nhiên không đẹp trai bằng.
Cái tôi khoái nhất khi đi lễ chúa nhật là sau lễ được dẫn đi ăn bún bò. Hồi ấy sao mà tôi khoái ăn bún bò thế. Ngày thường cũng ăn uống đâu thiếu gì, nhưng tôi lại cứ thích bún bò. Thôi bỏ chuyện ăn uống đi. Đi lễ chúa nhật thì có mục rước lễ. Ai có tội thì không được rước lễ. Mấy ông thầy dạy giáo lý còn hù “ Em nào có tội mà dám lên rước lể sẽ bị Chúa phạt” Ôi! hồi ấy chúng tôi sợ Chúa phạt lắm. Thì trẻ con đứa nào chẳng sợ hoả ngục, chổ mà Chúa phạt mấy thằng có tội. Thế là tôi tự kiểm điểm thấy mình có tội. Này nhé : mới chửi thằng này thằng nọ, mới ngủ gục trong khi xem lễ, mới chôm mấy đồng trong túi bà già mua cà rem…., thứ nào cũng là tội cả. Tôi bèn không lên rước lễ. Ra khỏi nhà thờ bố tôi hỏi ngay “ Tội gì mà không lên rước lễ ?”, vậy là phải khai ra. Từ đó về sau dù có tội bằng trời tôi cũng liều mình như chẳng có, lên rước đại. Kể ra lần đầu cũng hơi hãi, sợ mới vừa ngậm Mình Thánh Chúa vào là nổ cái đùng , răng đi hàm ở lại thì tiêu. Chờ mãi chẳng thấy gì thế là khoẻ. Thì ra Chúa không phạt liền, Ngài để dành đến sau khi chết cơ. Mà đến lúc ấy còn khối gì lúc để ăn năn, xưng tội. Bố tôi thấy thằng con từ đó về sau không phạm tội nữa, cứ lên rước lễ đều thì hài lòng lắm lắm. Thế đấy! Độc tài chỉ tổ làm con người sinh ra dối trá thôi.
Mỗi tối trước khi đi ngủ là cả nhà ba người phải tập trung lại đọc kinh. Tháng nào bình thường thì khoảng 15 phút, còn những tháng Đức Mẹ, tháng thánh Giuse, tháng Các Thánh…thì lại thêm kinh cầu, lần hạt…Thế là hơn nữa tiếng đồng hồ. Không hiểu sao đang tỉnh như sáo thế mà hể bắt đầu đọc kinh là tôi ngáp. Ông già thì một mắt ngó lên bàn thờ còn một mắt trông chừng tôi, vừa gục một cái là nghe cái cốc liền. Ổng giải thích là bên cạnh chúng ta luôn có một thiên thần bổn mạng và một thằng quỉ. Thằng quỉ thì chẳng bao giờ muốn chúng ta đọc kinh cầu nguyện, nên nó leo lên kéo mí mắt ta xuống làm ta buồn ngủ. Nghe thế lâu lâu tôi lại đưa tay lên xua cái thằng quỉ đó đi, cáu sườn lắm thì tôi đập một cái bốp vào mắt nơi thằng quỉ đang đậu, nó đau quá biến mất. Thế là tôi lại tỉnh táo để tiếp tục đọc kinh. Bố nói thế mà đúng phết. Hồi ấy tôi tin thế.
Về già gia cảnh sa sút. Bố tôi vẫn nghĩ rằng đó là thử thách mà Chúa gởi đến để ông lập công. Càng chịu khổ nhiều thì sau này lên Thiên đàng càng được thưởng to. Tôi cứ mong ông thật sự tin những điều đó, có vậy tuổi già của ổng khỏi phải dằn vặt khi cả đời lao động lương thiện mà cuối đời lại vất vả, gian truân. Viết đến đây tự dưng thấy cay cay sống mũi. Thôi, ngừng được rồi đấy.

1 nhận xét:

Dã Quỳ nói...

Chú ơi, đọc những gì chú viết về ông, làm DQ lại nhớ đến ông Nội của DQ ngày xưa.