Một hôm, vua Hoàn Công nước Tề đi săn. Mãi đuổi theo một con hươu, vua lạc vào rừng rậm, tới một cái hang. Thấy một ông lão đứng trước hang, nhà vua hỏi:
- Đây là hang gì?
Ông lão thưa:
- Đây là hang Ngu Công.
- Tại sao lại có tên như thế?
- Tại vì hạ thần, nên mới có cái tên đó.
- Ta trông nhà ngươi không đến nỗi ngu dại, sao lại tự nhận là ngu? Sao lại đặt tên hang của mình là hang người ngu dại?
Ông lão xin kể:
- Hạ thần có một con bò cái, con bò cái đẻ ra một con bò con. Con bò con lớn lên, hạ thần đem ra chợ bán, mua một con ngựa con đem về, nuôi với con bò mẹ. Một hôm, một tên thiếu niên nọ viện lý rằng “bò cái không đẻ ra ngựa được”, bắt hạ thần phải cho hắn con ngựa con. Hạ thần phải chịu, không cãi được. Thế là mất con ngựa. Ai thấy thế cũng bảo hạ thần là ngu. Bèn đặt hang này là “hang Ngu Công”.
Hoàn Công nghe chuyện, kết luận:
- Thế thì lão cũng ngu thật!
* * *
Về triều, vua Hoàn Công đem chuyện thuật lại cho các quan nghe, và hỏi ý kiến. Quản Trọng là quan đại phu của Hoàn Công, đứng lên:
- Như vậy, chính là kẻ hạ thần ngu.
Mọi người hỏi tại sao, Quản Trọng bèn tiếp:
- Phàm một nước có vua giỏi như vua Nghiêu, bề tôi tài như Cao Dao thì đời nào lại có kẻ ức hiếp người khác mà lấy ngựa như vậy. Ngu Công đành để mất ngựa, không cãi, chính là một người khôn, vì biết hình pháp nước ta không ra gì, sinh sự chỉ chết mà thôi. Lời nói của Ngu Công là một lời cảnh cáo, bệ hạ nên kịp thời sửa đổi lại việc nước, không thế sẽ hối hận.
LỜI BÀN:
Người thực giỏi, học bao nhiêu cũng thấy mình còn ngu dốt. Quản Di Ngô vốn là một người tài đức ít ai sánh kịp, nghe thấy lời của Ngu Công do Tề Hoàn Công nhắc lại, mà nhận mình là người ngu, nói với Hoàn Công sửa sang lại triều chính, thì quả là một người thông minh tài giỏi.
Tề Hoàn Công biết nghe lời người hiền, sửa đổi ngay chính sự lại, cũng không phải là người ngu. Mà ông Ngu Công, nhận mình là ngu, gọi hang của mình là “hang Ngu Công”, lại càng không ngu nữa.
Thấy tên thiếu niên ngỗ ngược, viện lý sự bất công ra để chiếm đoạt ngựa, Ngu Công chịu nhịn đi, chính là người biết suy xét và nhẫn nại. Bởi vì dưới một chính thể bất công, pháp luật không được tôn trọng, nhà chức trách hiếp đáp dân lành, cãi cho ra lẽ với kẻ cường quyền chỉ thiệt thân. Nếu đem ra pháp đình để tìm cho ra lẽ phải thì lẽ phải chửa thấy đâu đã thấy mất thêm tiền, mất thì giờ, có khi lại mất nốt cả bò và nhà nữa.
Những nỗi uất ức như uất ức của Ngu Công, góp lại nhiều, gây ra một mầm hờn oán trong dân gian mỗi ngày một lớn lên, có thể đưa tới chỗ đánh đổ chính quyền. Quản Di Ngô là một nhà chánh trị tài, tiên đoán được như vậy, khuyên Tề Hoàn Công sửa đổi lại nền cai trị, chính là một người tài giỏi. Vậy mà chính ông lại nhận là mình ngu.
Thì ra ở đời này, chỉ những người tài giỏi mới thực hiểu mình và luôn luôn muốn tự tu sửa để tiến hơn lên. Những kẻ chưa có một nhúm kiến thức ở trong đầu mà tự cao tự đại, lúc nào cũng cho mình là khôn ngoan toàn mỹ, đỉnh này trí nọ, đọc câu chuyện trên, há có tự vấn lương tâm?
--------------------------------------------------------------------
(Theo “Vũ Bằng – Đông Tây Cổ Học Tinh Hoa”)
caonguyenbui wrote on Jun 28 Hay. Ý nghĩa. Hôm nay anh sưu tầm thiệt trùng ý CNB. Thôi thì CNB không mất công post entry giống như vầy. Hee. Hee. |
zipposgvn wrote on Jun 29 "Thấy tên thiếu niên ngỗ ngược, viện lý sự bất công ra để chiếm đoạt ngựa, Ngu Công chịu nhịn đi, chính là người biết suy xét và nhẫn nại. Bởi vì dưới một chính thể bất công, pháp luật không được tôn trọng, nhà chức trách hiếp đáp dân lành, cãi cho ra lẽ với kẻ cường quyền chỉ thiệt thân. Nếu đem ra pháp đình để tìm cho ra lẽ phải thì lẽ phải chửa thấy đâu đã thấy mất thêm tiền, mất thì giờ, có khi lại mất nốt cả bò và nhà nữa". Đọc mà... xót, và ê chề ngán ngẫm làm sao anh Hoàng ạ! |
zipposgvn wrote on Jun 29, edited on Jun 29 Con bò cái không thể đẻ ra ngựa, với lý do hàm hồ như thế mà tên thiếu niên bắt ngay con bò của Ngu Công trong khi rõ ràng con ngựa con là do Ngu Công bỏ tiền ra mua... Bây giờ, chúng ta đọc lại với đầy đủ lý lẽ, "chứng cứ" thì chúng ta thấy nực cười, cũng có thể có người cười bò lăn bò càng. Nhưng ông Ngu Công ở trong tình cảnh ấy mới chính là người xứng đáng nhất để cười: Cười bằng những giọt nước mắt! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét