Ngày 20-10, TAND tỉnh Tiền Giang đã đưa vụ án Đinh Xuân Tùng, nguyên thẩm phán TAND huyện Cai Lậy, ra xét xử về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.
Tại phiên tòa, Tùng khai nhận: Ngày 26-6-2001, TAND huyện Cai Lậy thụ lý vụ án ly hôn giữa ông N.T.L, 50 tuổi và vợ là bà N.T.M.L, 44 tuổi, cũng ngụ tại thị trấn Cai Lậy. Vụ án được giao cho thẩm phán Tùng thụ lý giải quyết.
Trong quá trình giải quyết vụ án, tuy chưa xét xử nhưng do ông L. muốn “cưới vợ hai gấp” nên thẩm phán Tùng đã trực tiếp viết tay giấy xác nhận sẽ ra quyết định ly hôn để ông này đăng ký kết hôn với vợ mới. Tuy nhiên, do cẩn thận nên bên vợ mới ông L. không đồng ý.
Ngày 20-8-2003, ông Tùng tự soạn thảo, ký khống quyết định công nhận thuận tình ly hôn và đóng dấu của TAND huyện Cai Lậy, giao cho ông L. để ông dùng quyết định này tiến hành các thủ tục đăng ký kết hôn với bà N.T.H.T tại UBND thị trấn Cai Lậy. Ngày 11-9-2003, UBND thị trấn Cai Lậy cấp giấy đăng ký kết hôn cho ông L. và bà T.
Bị cáo Đinh Xuân Tùng thường đút tay vào túi quần khi trả lời HĐXX
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, quyết định khống này đã gây hậu quả kéo dài một vụ án ly hôn đến 8 năm; gây thiệt hại của cải vật chất của Nhà nước và một bên đương sự; khiến người dân mất lòng tin...
Ngay khi phiên tòa vừa mở, nhiều người dự khán đã không hài lòng với cách làm việc của HĐXX lẫn bị cáo. Trong suốt buổi xét xử, thẩm phán Phan Thị Huệ, chủ tọa phiên tòa, toàn gọi bị cáo bằng “anh” và xưng “tôi”. Trả lời thẩm vấn, bị cáo Tùng cũng tỏ ra không xem trọng HĐXX khi liên tục xưng hô “tôi” và thản nhiên đút hai tay vào túi quần, thậm chí còn... chống nạnh!
Trong khi xét xử, chuông điện thoại di động của thẩm phán Huệ reo vang làm cả hội trường ồ lên ngỡ ngàng. Tuy nhiên, vị chủ tọa phiên tòa này đã không ngần ngại cúi xuống nghe điện thoại trong lúc một vị hội thẩm đang thẩm vấn bị cáo Tùng.
Sau khi luận tội, kiểm sát viên giữ quyền công tố theo ủy quyền của VKSND Tối cao đề nghị xử phạt bị cáo Tùng từ 6 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo và cấm hành nghề 5 năm. Tuy nhiên, HĐXX chỉ tuyên miễn hình phạt và cấm đảm nhiệm chức vụ 1 năm đối với Đinh Xuân Tùng.
Trong khi đó, điều 296 Bộ Luật Hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” nêu rõ: Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm.
Phóng viên Báo NLĐ bị “hành”
Khi kết thúc phần thẩm vấn, thẩm phán Phan Thị Huệ phát hiện phóng viên Báo NLĐ đang tác nghiệp và đã cho dừng phiên tòa để kiểm tra.
Phóng viên xuất trình giấy giới thiệu và nói rõ đang tác nghiệp nhưng thẩm phán Huệ vẫn bảo thư ký tòa “mời” ra ngoài với lý do “tác nghiệp phải có ý kiến của lãnh đạo”.
Ngay sau đó, thư ký tòa cầm giấy giới thiệu dẫn phóng viên đi nhiều nơi để “xin ý kiến lãnh đạo”.
Khi được thư ký tòa trả lại giấy giới thiệu, phóng viên vừa trở lại dự phiên tòa thì thẩm phán Huệ lại một lần nữa cho dừng phiên xử, tiếp tục yêu cầu thư ký kiểm tra giấy tờ rồi đưa đi gặp lãnh đạo. Sau khi đưa phóng viên lên tầng thứ ba của tòa, thư ký vào phòng gặp ai đó rồi mới quay ra trả lại giấy tờ ...
| |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét