Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Lại đến 20/11 rồi


Lại gần đến ngày 20/11. Thật ra thì cũng là một ngày như mọi ngày thôi, nhưng người ta qui định dành riêng ngày này để nhớ ơn các thầy cô giáo. Vậy là thi nhau nhớ ơn thôi. Thú thật cái gì được dàn dựng, cái gì thuộc loại phong trào đều làm tôi dị ứng. Kinh nghiệm sống cho thấy rằng chúng chả trúng trật gì, chả thể hiện được điều gì. Rầm rộ một hôm rồi đâu lại vào đó thôi. Thế thì việc gì phải loăng quăng tíu tít cho nó mệt.

Mà nước ta có nhiều NGÀY quá : ngày thầy giáo, thầy thuốc, an toàn giao thông, phòng cháy, môi trường, dân số, sida, ho lao, đái đường , bại liệt, ung thư…Ngày nào cũng được tổ chức rầm rộ, rồi xuất quân rồi thi đua lập thành tích, rồi sơ kết tổng kết, rồi …mèo lại vẫn là mèo. Tổ chức như thế tốn nhiều tiền lắm đấy, nhưng cái kết quả thu được liệu có xứng với những đồng tiền bỏ ra không thì tôi nghi lắm.

Thôi. Chỉ nói về ngày nhà giáo thôi, cái lãnh vực mình biết rõ. Cái lãnh vực mà mình vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, vừa là chánh phạm vừa là đồng lõa, là bị cáo mà cũng là người bị hại.

Tôi đến với nghề giáo như một cô gái bị cha mẹ ép phải lấy một anh chàng, chả yêu thương gì, nhưng sống lâu, có vài mặt con tự dưng nảy sinh tình yêu. Sau khi quân đội trả tôi về với những vết thương trên thể xác và cả trong tâm hồn, tôi đang ngơ ngác chưa biết phải làm gì để sống thì tình cờ thấy có trường tuyển sư phạm. Mấy năm đi lính chữ nghĩa quăng mẹ nó ngoài chiến trường rồi, chỉ còn lại chút vốn liếng tiếng Anh , nhờ thường đọc ké mấy cuốn Playboy của đám cố vấn Mỹ. Vậy là thi vào khoa Anh văn, rồi học, thế mà ra trường lại đậu cao. Chắc là nhờ tôi thông minh. Hà hà.

Vậy là tôi thành nhà giáo, và đâm yêu nghề này từ lúc nào không biết. Đầu tiên là vì nhờ nó mà tháng tháng tôi có tiền xài, không phải đủ xài mà là xài thoải con gà mái luôn. Lương công chức chánh ngạch hạng A5, hạng thấp nhất trong ngạch công chức tốt nghiệp đại học nhưng lương tôi mỗi tháng là 25.800 đồng. Nên nhớ một chiếc Honda lúc đó đâu khoảng 23.000. Chưa kể lương trường tư cũng cỡ đó nữa. Thế là lý do đầu tiên khiến tôi yêu “nàng Giáo” là vì nàng chu cấp cho tôi một cuộc sống sung túc.

“Nàng” còn cho tôi rất nhiều con, có đứa cũng ba trợn nhưng nhìn chung rất ư là dễ thương. Học sinh bây giờ cũng có chào thầy cô, nhưng sao tôi chưa thấy được hình ảnh những nữ sinh đứng lại, dỡ nón ra cúi đầu chào thầy, mấy chiếc nón lá va vào nhau, những tà áo dài vướng lấy nhau. Ôi! Những đứa con của tôi. Học sinh bây giờ, có lẽ nhịp sống hiện đại quá nên chào thầy cũng nhanh như chớp, gật một cái là xong, có em còn hất cái đầu lên, như chào bạn.

Năm đầu tiên tôi biết đến ngày nhà giáo cũng là năm tôi đặt câu hỏi về giá trị thật của ngày này. Hồi đó tôi dạy ở trường huyện, học sinh đa số là con nhà nghèo, sau tiết chủ nhiệm các em ở lại bàn nhau mua gì cho các thầy cô. Xảy ra tình huống là có một số em khảo ba ngày cũng không ra một cắc, sáng phải thường xuyên nhịn đói đến trường. Lớp trưởng báo cáo tôi. Tôi bảo thôi, khỏi mua quà cáp gì hết. Đến ngày đó đi dự lễ hái mấy bó hoa tặng mỗi thầy cô một bó được rồi. Thứ này thì nhà quê sẵn mà. Kết quả : Tôi bị kiểm điểm. Nói thật lúc đó tôi còn non nớt, chứ mấy năm sau này mà kiểm điểm như thế là chết với tôi ngay.

Từ năm sau trở đi, ai làm gì thì làm, riêng tôi cấm tiệt học sinh tặng quà. Lý do rất rõ ràng : Quà làng nhàng chả bỏ công thầy nhận. Đứa nào ngon tặng một cây vàng thầy nhận ngay. Thầy trò cười hỉ hả, hiểu ý nhau mà. Hồi đó thôi, chứ bây giờ , nhất là ở thành phố, dám có em chơi cho thầy vài cây vàng cho hết tật nổ ngay.

Chả phải tôi giàu có hay trong sạch gì. Chỉ là thấy ngượng. Mình đẻ ra một ngày để người ta biết ơn mình, để người ta quà cáp biếu xén mình. Cái món ấy nó nghịch với cái tạng người của tôi.

Mà nếu có bạn nào là giáo viên cho tôi hỏi. Một học sinh vừa tặng bạn một món quà xịn nhân ngày nhà giáo, hôm sau bạn có mạnh dạn phát cho em nó con số không nều nó không thuộc bài không ? Bạn liệu có chút ưu ái với em nó hơn những em khác không ? Thế đấy! Tôi đã từng biết nhiều thầy cô thẳng tay đì học sinh tới bến chỉ vì “quên” tặng quà. Tôi đã từng nghe những em khóc lóc vì cha mẹ không cho nhiều tiền mua quà: “Không có quà ngon là con chết với bả liền”. Tôi chán ngày 20/11 vì những chuyện như thế. Và tôi cũng biết có những đồng nghiệp ghi lại danh sách những em học sinh tặng quà, kèm giá trị món quà, chỉ để…phân biệt đối xử, để cho nó biết thế nào là lễ độ. Thậm chí có lúc tôi xấu hổ không muốn người ta biết mình là thầy giáo.

Những món quà ngày nay đã đi xa cái ý nghĩa thật sự của nó : tấm lòng đối với nhau. Mà tấm lòng thì vô giá.

Hàng năm đến ngày này nhà tôi vẫn ngập quà, và tôi nhận chúng không hổ thẹn. Chúng từ những em học sinh cũ của tôi, và tôi trân trọng tất cả. Chúng cũng đến từ những em đang học tôi. Nhưng tôi chả có quyền gì để đì chúng cả. Chúng đì tôi thì có, bằng cách không học nữa. Vậy thì tội gì không nhận.

Một ngày đặc biệt để biết ơn thầy cô. Hay lắm chứ. Nếu đó đúng là lòng biết ơn. Một số bạn bè trên blog chúng ta đang tổ chức một lễ họp mặt học sinh và thầy cô từ gần 40 năm trước. Ý nghĩa quá đi chứ. Mọi món quà đều đáng trân trọng nếu như, tôi nhắc lại, nó thật sự xuất phát từ một tấm lòng.




Nhà văn Tạ Duy Anh: “Phụ huynh đóng vai lái buôn”

“Trọng thầy là truyền thống đạo đức cao quý, cần được giữ gìn như giữ báu vật. Nhưng hành vi biếu xén quà cáp, tặng phong bì... cho thầy cô của phụ huynh không xuất phát từ tình cảm tôn sư trọng đạo truyền thống, tôi dám chắc như vậy.

Và khi những tình cảm yêu thương nó bị vật chất hoá, bị thô tục hoá, bị mục đích hoá thì thầy dưới mắt cha mẹ học sinh không khác gì một quan lại, còn cha mẹ học sinh thì đóng vai trò của những lái buôn.

Có bao giờ lái buôn bước vào cửa quan lại bằng tình cảm thiêng liêng, cho dù miệng luôn nói như vậy. Những món quà khi đó trở thành những vật đổi chác lạnh lùng.

Vậy mà những chuyện đó diễn ra năm này sang năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác, suốt một đời học trò từ lớp 1 cho đến khi học đại học, và không biết sẽ kết thúc cho đến khi nào. Những đứa trẻ như vậy mà không tàn nhẫn, lạnh lùng thì mới là chuyện lạ.

Khi xã hội trở nên vụ lợi, trở nên thực dụng, trở nên tàn nhẫn, tình cảm con người không còn thiêng liêng, những giá trị thiêng liêng không còn được đề cao nữa thì mọi thứ đều rẻ rúng chứ đâu chỉ tình thầy trò.

Thực ra khi mà quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo trở thành quan hệ mua bán, tức là tôi có cái bán và anh thì phải mua thì cái việc bắt chúng nó phải coi người đó như là những bậc thầy, như những bậc cha mẹ tinh thần, thật khó mà công bằng. Làm thầy khó lắm. Nếu mà hiểu đúng chữ thầy thì làm thầy còn khó hơn là làm cha.


kimhoan55

Không có nhận xét nào: