Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Tôi và Sách

Định viết bài này hôm 23/6, ngày Quốc tế đọc sách, nhưng bận ăn chơi quá nên hôm nay mới gõ được.
Hồi nhỏ tôi đã mê đọc, không cứ gì sách, cứ cái gì có chữ là đọc. Nói hơi thô một chút chứ hồi đó trong toilet không xài giấy “kiss me” như bây giờ đâu, tòan lấy báo cũ rọc ra rồi gắn vào một cây đinh. Thế là mỗi sáng sớm trong khi giải quyết cái bầu tâm sự tôi tranh thủ trau dồi thêm kiến thức. Đôi khi mê đọc quá quên béng mất là mình dô toilet để làm cái gì, bà già chờ lâu ra kêu inh lên mới miễn cưỡng rời khỏi cái thư viện mini.

Nhà tôi hồi ấy đọc báo tháng. Tôi cứ canh me ông đưa báo tới để tranh thủ đọc qua trước khi ông già về. Mục đầu tiên là truyện kiếm hiệp. Hồi đó các nhà văn viết truyện theo kiểu “feuilleton”, viết đến đâu đăng đến đấy. Truyện kiếm hiệp đầu tiên tôi được đọc là Quỹ Bảo, đến bây giờ vẫn còn nhớ nhân vật chính là chú Hàn thượng Chí. Sau đó là tới chuyện của nhà văn Lê Xuyên, lúc đó đang đăng chuyện Vợ thầy Hương. Ông này có lối kể chuyện rề rà câu giờ phát sợ luôn. Đại khái hôm nay tới đọan ông Cả đang sàm sở vợ thầy Hương, đang để tay lên vai vợ thầy vuốt vuốt, vợ thầy thấy tê lê phê. Ngày mai nhào dô coi thử tới đâu. Lại tiếp tục vuốt, nói chuyện trên trời dưới biển, tay có hạ xuống chút đỉnh. Dậy chớ một tuần sau nữa vẫn cứ vuốt tiếp, những tay đã hạ …xuống mông. Rồi thầy Hương về, ông Cả dọt. Tức ói máu luôn. Sau đó lật ra trang nhất xem tình hình chiến sự. Đại lọai như đêm qua Sài gòn ăn mười mấy quả 122 ly, sập mấy chục căn nhà, chết bị thương một mớ, rồi tin tức thắng trận, thuatrận, nhiêu chết nhiêu bị thương. Mấy cái này đọc qua cho biết chứ không hào hứng mấy, cứ như chuyện xảy ra đâu bên ...Phi châu lận. Thì còn nhỏ mà.

Lớn lên xí đỉnh, có chút tiền bắt đầu mua sách. Những tập sách đầu tiên tôi mua lại là những tập thơ. Nào là Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Điêu tàn...Còn nhớ Nha trang có tiệm sách Bình dân, chả biết bán có rẻ hơn chổ khác không nhưng đó là địa chỉ mà những thằng học sinh mê sách như tôi hay ghé. Rồi tôi bắt đầu đọc qua truyện. Chùm truyện của Duyên Anh tôi có không thiếu một tập. Từ những truyện về thiếu nhi như Bồn lừa, Chương còm. Thằng Vũ cho đến những chuyện về giới giang hồ Sài gòn như Điệu ru nước mắt, Châu Kool. Tuổi trẻ không thể thiếu truyện tranh rồi. Thế là tôi có Tin tin, Lucky ( hồi đó chỉ có bản tiếng Pháp) Asterik...Lớn chút nữa tôi "nghiên cứu" Lệ Hằng, Nguyễn thuy Long. Bà Tùng Long tôi cũng có vài cuốn nhưng sau không đọc nữa vì ...thảm quá. Lớn thêm nữa mảng truyện dịch và phóng tác bắt đầu hấp dẫn tôi. Hòang hải Thủy mà phóng tác thì siêu rồi. Dịch Mario Puzo thì Ngọc thứ Lang là trùm sò, không ai qua nổi. Cả những bộ sử thi nặng ký như Chiến tranh và Hòa Bình tôi cũng nhai luôn. Tủ sách của tôi hồi đó có nguyên một ngăn cho lọai sách Học Làm Người của Nguyễn hiến Lê. Còn nhớ trong nhóm này có cuốn "30 ngày thành lực sĩ". Đọc xong là tôi sắm nay cặp ta; đục một cái tạ nặng, mua dây kéo ngực..., ngày ngày hùynh hụych luyện tập. Không thành lực sĩ nhưng cũng đỡ còm cõi. Những tháng hè tôi chuyên tâm luyện chưởng. Sách kiếm hiệp thì không bao giờ tôi mua, chỉ thuê thôi. Thế nên có bộ tôi đọc đi đọc lại đến 5 lần. Rôi Z.28, một pho truyện trinh thám rất độc đáo và phong phú tư liệu mà tác giả, Người Thư Tám, nghe nói là một nhân viên tình báo cỡ bự.

Lên đại học tôi bắt đầu bớt lãng mạn hơn, nghiêm túc hơn, đọc những tác phẩm của các tác giả nước ngòai. Tôi đặc biệt mê Erich Maria Ramarque. Cuốn cuối cùng tôi mua những ngày tháng tư 75 là "Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh" và "Bản du ca cuối cùng của lòai người không còn đất sống". Đang canh me chờ đọc cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông "Bóng tối thiên đường" thì ...phèo.Những tác giả khó nuốt như Nietzsche hay Nikos Kazantzakis tôi cũng sắm một cuốn cho biết khó nuốt cỡ nào. Ôi! Biết kể sao cho hết những tác giả nước ngòai đã đi qua đời tôi. Ở đây nhắc lại tên các vị như một lời tri ân : Arthur Conan Doyle, Boris Pasternak, Dostoievxki, Mark Twain, Charles Dickens, A. Dumas, Herman Hesse, Henry Miller, Hitchkok, E.A. Poe, Ian Flemming, Jack London, Jules Verne, Margarette Mitchell, Saint Exupery, Victor Hugo, Watanabe, Solzhenitsyn, Hector Mallot, Hemingway, Edmondo de Amicis...và còn nhiều nữa.

Tháng 4 năm 75, một đòan người súng ống đến nhà bắt tôi giao nộp các "văn hóa phẩm đồi trụy". Tôi gạt nước mắt nhìn những cuốn sách mình nâng niu bị tống lên xe ba gác, chở về phường. Trong lòng cứ lăn tăn. Cái lọai cách mạng gì mà lại thù ghét sách đến thế nhỉ ? Và chợt nhớ đến Tần thủy Hòang..

Thôi. Nói đến đây lại thấy nghẹn lòng. Không viết nữa. Đố chơi chút nè. Hai tác giả có tác động rất lớn đến không chỉ tôi mà đa số các bạn tôi là Edmondo de Amicis và Hector Mallot. Họ viết cuốn gì thế nhỉ ?

Bây giờ thì trên mạng có đầy. Tôi cũng tạo được một tủ sách trong máy tính. Nhưng vẫn cứ ngàn năm thương nhớ cái "tủ sách đồi trụy" hồi xưa.
Bây giờ thư viện thường treo mấy câu, nghe nói là của Lenin "Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản". Nhiều người nói trích như thế là chưa đủ, còn thiếu hai câu nữa. Ai biết chỉ dùm cái đi. Thanks


Thư viện của tui nè


PhotobucketPhotobucket

Không có nhận xét nào: