Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Mong tháng tư qua mau






Những ngày tháng tư, khi nhiều người nao nức chuẩn bị đi chơi, mừng lễ thì tôi luôn có cái cảm giác bâng khuâng. Lại cứ nhớ về quá khứ. Mà nhớ cũng phải. Kỷ niệm quá khứ thì nhiều nhưng đâu phải cái nào cũng làm thay đổi cả một đời người, và hơn nữa, vận mạng của cả một dân tộc.

Những ngày này năm ấy, tiếng súng vẫn còn nổ ở Long Khánh, Xuân lộc nhưng mọi chuyện dường như đã hạ màn. Ông Thiệu sao khi lên truyền hình khóc lóc, mắng mỏ người Mỹ phản bội đồng minh cũng đã bay sang Đài loan . Phó Kỳ sau khi hô hào tử thủ cũng đã tếch lên hàng không mẫu hạm Mỹ. Chức Tổng thống giờ đây như một cục than nóng được quăng qua quăng lại để cuối tuần rơi vào tay Dương văn Minh, một ông tướng sau trận Rừng Sát tiêu diệt Bảy Viễn thì chẳng có gì để nói thêm cả, dù đã có lúc làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng sau khi lật đổ tổng thống Ngô đình Diệm.

Gia đình tôi những ngày ấy cũng ổn định theo kiểu của nó. Ông già bị tay Cháu, trưởng công an phường báo bộ đội tới bắt nhốt dằn mặt vì lúc trước dám nhốt cán bộ nằm vùng của ta một đêm, chỉ vì cán bộ ta nữa đêm lôi ông anh ra ngoài đường đánh nhau rần trời đất. Vậy là bố tạm ổn định trong tù. Mẹ tôi thì vẫn những công việc nhà hàng ngày, nói năng thì thào, bớt đi tám với hàng xóm hơn. Chẳng ai bảo ai mà mọi người tự dưng thu mình lại. Cuộc sống bắt đầu nhuốm màu giả dối, thớ lợ kể từ ấy. Tôi cũng đã tạm yên phận với thân phận một giáo viên , khi thì gọi là lưu dung, lúc thì lưu dụng.

Tôi cũng bớt đùa đi. Hình như cứ nhìn mặt những con người mới này tự dưng cái máu đùa tôi nó tắt mất. Bớt thôi, chứ tôi mà không đùa thì có mà chết. Có điều đùa lặng lẽ hơn, trí tuệ hơn. Đến đây chợt nhớ một đoạn trong hồi ký của nhà văn Nguyễn Khải : “Tính hài hước là cái thứ mà người cộng sản ghét nhất vì nó có thể biến mọi chuyện thiêng liêng thành trò cười. Một học thuyết không thể chứng minh sự đúng đắn của nó trong thực tiễn thì trước sau sẽ biến thành tôn giáo.”



Thế! Không nên đùa với tôn giáo. Ngay từ lúc ấy tôi đã biết rồi chứ chẳng cần sau này thấy gương của Azit Nexin , chỉ vì viết truyện trào phúng mà vào tù ra tội, hay gương của nhà văn Rhusdie, vì dám đùa với đấng Ala mà bị các ngài Hồi giáo truy sát phải trốn chui trốn nhủi. Vả lại cũng chẳng có giờ để đùa. Người ta sợ chúng tôi tụ họp lại để đùa nên ấn cho chúng tôi đủ thứ chuyện. Những ngày này chúng tôi còn phải ngày ngày lên trường học tập, phát biểu, viết thu hoạch. Tôi còn nhớ cứ mỗi khi bắt đầu cho phát biểu là tôi xung phong đầu tiên. Nhiều thằng bạn còn tưởng tôi là dân 30/4 nữa cơ. Có mẹ gì đâu, cũng như đái ra cho nó nhẹ bụng vậy mà. Phát biểu xong là tôi có quyền ngồi chơi, vẽ linh tinh, thơ lăng nhăng. Chưa phát biểu thì lâu lâu bị tổ trưởng nhắc “Đ/c … chưa phát biểu nhé.”. Thế có phải khổ không

Học được 2 tuần thì chúng tôi được phát lương : Mỗi người 18 ký gạo và 3 ngàn. Chỉ bở ông bảo vệ. Trừ các giáo viên A vào còn thì tụi tôi thằng nào cũng quăng cái túi gạo cho ổng. Đạp xe đạp đã mệt rồi mà còn chở theo túi gạo lôm côm bỏ mẹ. Phải mãi sau này mới biết quí từng cân gạo. Nhưng đó là chuyện sau này, chứ lúc ấy thì gạo còn khối.

Còn nhớ lúc ấy chúng tôi tập làm quen với những tỉ lệ phần trăm cao chất ngất. Quốc hội đầu tien chúng tôi đi bầu hình như đạt đến 100&. Tỉ lệ đắc cử hình như cũng thế. Người cs có cái thú tự sướng đến là bịnh hoạn. Sau kỳ bầu cử đầu tiên chúng tôi được tập trung đến rạp hát Hưng đạo để nghe ông Nguyễn công Hoan, một dân biểu Quốc hội cũ nay đắc cử đại biểu quốc hội mới. Đại thể ông ta nói là tôi đã làm dân biểu chế độ trước, và bây giờ làm đại biểu quốc hội chế độ mới tôi mới thấy bầu cử như của ta bây giờ mới là dân chủ thứ thiệt ( 5 người ứng cử, bầu …5 người). Công nhận người cs mới đúng là những con người hài hước nhất thế giới. Nói những điều buồn cười đến chết như thế một cách nghiêm trang. Diễu thế mới là diễu chứ. Có điều khoảng nữa năm sau ông Hoan lại vượt biên tuốt. Chắc không thích đùa nữa. Và chúng tôi cũng bắt đầu nói những điều mà mình không nghĩ. Để mà tồn tại chứ.

Cái khả năng thích nghi để tồn tại của con người phải nói là vô hạn. Giống như bây giờ người ta nói :” Hòa nhập chứ không hòa tan”. Bạn bè tôi cũng có vài thằng hòa tan, có thằng vô thức, có thằng có ý thức, nhưng những khi họp mặt hội ái hữu cuối năm không thằng nào dám vỗ ngực xưng hô. Nghe bạn bè mắng đảng ra rả mà chẳng thằng nào đứng ra bênh vực, có thằng còn lúng búng thanh minh tại bị lung tung, thậm chí có thằng còn hùa theo chửi. Mà anh em cũng hiểu cả thôi. Đối với chúng, cũng như với rất nhiều người, đảng chỉ là cái bàn đạp kiếm tiền thôi mà, lý tưởng mẹ gì. Thằng nào có chút lương tri mà lúc này còn tin ba cái chủ thuyết dớ dẩn đó thì đúng là đầu óc có vấn đề.

Đảng lúc này cũng hô hào phản biện. Ừ thì phản biện. Nhưng coi chừng lại thành phản động mấy hồi. Có ranh giới nào giữa hai cái đó đâu. Mới mấy mươi năm mà nhiều trò vui ra phết. Vui nhất là kể từ hồi mở cửa tới giờ. Như một con chim trong lồng lâu nay chẳng bay đi đâu, bây giờ mở cửa lồng cho bay đi bèn bay lung tung xòe, va chổ này, tông chổ nọ. Lại đào lên những thứ đã chôn lấp. Nhớ hồi nào “”trí, phú” là hai hạng cần phải tiêu diệt tận gốc tận rễ. Bây giờ thì liên tục được tôn vinh, cúp vàng cúp bạc , doanh nhân tiêu biểu, tiên tiến cứ nhặng xị cả lên. Mới đây thôi còn là con buôn, là bóc lột. Vui đáo để. Cứ như một gánh hát chèo

Văn chương nữa. Những người bị đày đọa cả một đời chỉ vì vài bài thơ, bài báo lại được phục hồi, kết nạp, tôn vinh nhăng nhít. Những Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm…được ca ngợi, thậm chí được dựng tượng. Mà thật ra họ có cần phục hồi đâu. Hồi chưa được phục hồi, cái đận Phùng Quán vào Nha trang, bao nhiêu nhà thơ, nhà văn lẽo đẽo đi theo cung phụng, cơm bưng rượu rót, trong đó có tôi. Trong họ ông đã bao giờ bị vùi lấp đâu mà cần phải phục hồi. Ở đây không phải ăn theo người nổi tiếng, nhưng nhớ hồi đó tôi cũng là một thằng đi theo nhậu nhẹt với một nhà thơ mình thích. Và đang cơn say tôi cũng cả gan phát biểu với bác Quán :” Bác nói bác chỉ viết trên giấy có kẻ dòng , bởi vì khi ấy bác mới viết được ngay thẳng. Em nghe thì khẩu khí lắm. Nhưng em nghĩ nếu bác sửa lại là “ Dù giấy có kẻ giòng hay không kẻ, tôi vẫn muôn đời viết thẳng”, nghe còn hoành tráng hơn đấy”. Đúng là ngựa non háu đá. Bác Quán cũng chả thèm chấp.

Cái gì quá đáng cũng làm tôi ghét, dù tả hay hữu. Vùi lấp quá rồi lại tung hô quá cũng đều thể hiện sự thiếu tỉnh táo, một sự lên đồng tập thể. Mà ở ta thì cái chuyện đó xảy ra ngày một. Bây giờ hơi he hé cửa, cho nói năng một chút thì lại xảy ra tình trạng hùa nhau khen, bu vào chửi bới. Không giống người gì cả. Chẳng lẽ tập thể hoá lâu nay người ta đánh mất mình tới mức ấy sao. Chỉ cần suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, dù có sai đi nữa, với nhiều người lại khó khăn đến thế sao. Bao nhiêu năm hô khẩu hiệu đã làm con người ta vong thân đến mức ấy sao ?

Tôi đang nói với các bạn trẻ đấy ạ. Còn với tư cách là một người thầy, tôi đang nói với các em đấy, các em học sinh thân yêu của tôi ạ. Tương lai của chúng tôi không còn dài, nhưng tương lai của đất nước nếu chỉ trông chờ vào những người nghĩ bằng cái đầu của người khác, nói những điều người khác mớm cho…thì quả là bi đát.

Ba mươi sáu năm đã qua. Chúng tôi ngồi hồi tưởng lại quá khứ. Còn các bạn, hãy nhìn vào quá khứ như một tấm gương mà nghĩ đến tương lai.

Mong tháng tư qua mau để tôi lại bắt đầu đùa. Mà cũng lạ ghê. Cứ tới tháng tư là tôi lại làm ăn ế ẩm. Hình như tôi kỵ cái tháng này hay sao ấy.

Không có nhận xét nào: