Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Lan man mùa Phục sinh



Tôi cực kỳ khoái cái thể loại “ lan man “ này. Có lẽ nó hợp với tạng người của tôi nhất, nói cho oai một chút là nó hợp với cái nghệ sĩ tính của tôi . Nhưng cứ thấy vui đâu chầu đó như thế này thì cho đến già tôi cũng không thành một ngừời nghiêm chỉnh được. Mà việc gì phải thành một người nghiêm chỉnh nhỉ? Sống là thơ mộng mà chơi. Thế thôi. Ai muốn chết để lại sự nghiệp, tiếng tăm, tài sản gì gì đó thì kệ. Tôi xin để lại tiếng cười. Và tôi tự phong mình là “People’s Comedian”. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Trên mạng này không thiếu những blogmates của tôi là người Công giáo, do đó phải xin nói trước là tôi chẳng cao đàm khoát luận gì ở đây cả. Tôi chỉ xin trình bày những trãi nghiệm của bản thân tôi về tôn giáo. Có thể nó chẳng hay ho gì, có thể nó đầy dẫy những lỗi lầm. Nhưng chẳng phải là người ta có thể học được rất nhiều điều từ những sai lầm của người khác đó sao? Tôi xin nguyện làm con chiên tế lễ để quí đồng đạo qua tôi mà thêm tin yêu Chúa hơn. Người ta có thể yêu cái đẹp vì chính bản thân cái đẹp. Nhưng người ta cũng có thể yêu cái đẹp khi đem đặt nó bên cạnh cái xấu xí. Hy vọng những kinh nghiệm của một con chiên … thường xuyên đi lạc như tôi có thể giúp quí đồng đạo sống tốt đời đẹp đạo hơn. Chà! Cụm từ này nghe quen thế nhỉ.
Xin trân trọng giới thiệu : Tôi là con nhà nòi, đạo dòng ô ri gin trăm phần trăm. Tôi là kết quả của một mối tình – không biết có đẹp hay không vì lúc đó đã có tôi đâu - giữa một thầy tu xuất và một bà sơ, dĩ nhiên cũng xuất rồi. Chứ đang mặc áo dòng mà yêu nhau rồi sinh ra tôi thì có mà loạn. Thế là vài ngày sau khi sinh, tôi được bố mẹ ẵm đến nhà thờ để rửa tội.Tôi thì đã làm gì nên tội đâu, tội này là do hai vị Adam và Eva truyền lại. Thế là đời xa lắc làm mà đời tôi phải chịu. Thôi cũng được, rửa cho chắc ăn. Vậy là khi được ẳm ra khỏi nhà thờ tôi hoàn toàn trong trắng. Nói dại lúc đó có thằng Taliban nào chơi một quả đùng là tôi bay cái vèo lên Thiên đàng ngay tức khắc. Hai ông bà già tôi thì còn phải kiểm điểm xem thử có đủ tư cách pháp nhân không rồi mới được vào. Mà chắc là chưa được đâu nhé. Sống lâu thế thì chắc là khối tội. Thường thì các vị sẽ không bị xuống hoả ngục đời đời mà sẽ bị giam có thời hạn ở Luyện ngục, cũng khổ không kém hỏa ngục, nhưng còn có thời hạn phóng thích, sau đó mới được lên Thiên đàng đoàn tụ với tôi.
Thời thơ ấu của tôi trôi qua rât thánh thiện . Sáng thức dậy việc đầu tiên phải làm là làm dấu, cảm ơn Chúa đã cho mình sống thêm một ngày nữa. ( Kiểu giống như “Cảm ơn Người mỗi sớm mai thức dậy / Đã cho ta một ngày nữa để ăn chơi” đó mà ). Sau đó là đi lễ. Trước mỗi bửa ăn phải làm dấu , đọc kinh cảm ơn Chúa đã ban cho bữa ăn. Ngon dở gì không biết, cứ có cái ăn là cảm ơn cái đã ( dĩ nhiên phải trừ những món khó tiêu hóa như...ăn đòn hay ăn đạn...). Trước khi đi ngủ phải họp lại đọc kinh, tạ ơn Chúa đã cho một ngày trôi qua, xin Chúa phù hộ cho ngủ yên giấc.
Nói tóm lại thì nếp sống của tôi cũng như mọi người Công giáo khác, có điều tôi đi nhà thờ nhiều hơn tí. Luật đạo chỉ buộc phải đi lể ngày chúa nhật và các ngày lễ trọng thôi, còn tôi là đi suốt. Mọi chuyện cứ thế trôi qua êm ả. Thế rồi lớn lên một chút tôi bắt đầu có những thắc mắc. Tôi bèn đem hỏi bố tôi, chẳng hạn đọc A. Dumas tôi thấy có những triều đại Giáo Hoàng rất bê bết, cũng vợ này con kia, cũng tranh dành quyền lực, cũng âm mưu chém giết. Bố tôi nạt ngay, bảo đó là chuyện phản đạo, do bọn thù địch tung ra để phá đạo. Cũng như bây giờ ai bảo bác nhà ta đã có vợ có con thì đúng là bịa đặt,hay bảo chuyện anh Lê văn Tám không hề đốt kho xăng thì là phản động, mặc dù bây giờ hầu như ai cũng biết Who’s Who rồi. Lúc đó tôi tin bố tôi. Thế nhưng sau này đọc thêm nhiều nữa tôi mới biết cái ông Dumas đó không phản động chút nào, những điều ông viết là những sự thật lịch sử được ông tiểu thuyết hoá một cách khéo léo. Vậy thì tín điều về sự “bất khả ngộ” của Giáo Hoàng phải giải thích thế nào? Bố tôi phải lùi một bước, giải thích rằng GH chỉ bất khả ngộ ( không thể sai lầm ) khi tuyên bố về những tín điều trong đạo thôi, còn với tư cách là một con người thì Ngài vẫn “ngộ”, vẫn có thể sai lầm nhưng mọi người. Tôi vẫn cứ nghĩ : Chúa lựa trong hàng tỉ người để có một người đại diện cho mình sao không lựa một người cho tử tế nhỉ? Hay Chúa cố tình làm ra thế để cho thiên hạ thấy ai cũng “khả ngộ” cả? Tôi chả hiểu được. Càng nghĩ càng …thấy ngộ. hehe
Ngẫm ra tôi thấy để thành một tín đồ tốt là phải chịu khó bớt suy nghĩ lan man dùm, cũng như để thành một công dân tốt thì đừng có mà tơ tưởng đến dân chủ , nhân quyền…Càng nghĩ càng rối thêm. Tôi càng lớn lên thì tôn giáo càng có những đổi mới. Đây đúng là những đổi mới để phát triển. Cũng như ta mà không đổi mới thì bây giờ toàn dân có nước tay bị tay gậy đi ăn mày ráo. Nói dến đổi mới tôi chợt thấy buồn cười. Có chuyện một thằng ngốc kia làm mãi một công việc không xong. Đã bảo là ngốc mà. Trong khi các bạn nó làm xong đi chơi cả. Cuối cùng nó quyết định thôi thì cứ làm theo mấy thằng bạn, và công việc bắt đầu tiến triển. Thế là sau đó gặp ai nó cũng khoe : “ Mày thấy tao khôn chưa? Tao mà không đổi mới cách làm thì bây giờ còn lâu mới được thế này nhé”. Và nó tự sướng, gặp ai cũng khoe um về cái sự “ưu việt” của mình, quên béng mất cái thời ngu si mò mẫm cái cách làm tầm bậy. Đến là chán mấy thằng bờm.
Đổi mới của tôn giáo không phải là cái đổi mới để tồn tại như đổi mới của nhà nước. Đây là một sự đổi mới để hoà nhập cùng thế giới hơn. Những luật lệ cũng bớt khe khắt hơn. Hôn nhân khác đạo bấy giờ cũng trở nên phổ biến, người công giáo được phép thắp nhang, thờ cúng ông bà cha mẹ…Những cái đó chưa ảnh hưởng đến tôi mấy, chỉ có một cái là trong nhà thờ khi dự lễ không còn những câu đối đáp bằng tiếng La tinh vô nghĩa nữa. Bà già tôi một tiếng ngoại ngữ không biết nhưng vô nhà thờ nghe cha phán “Đô mi num vô bít cum” là cứ việc đáp lại như máy “Ê cum sì pi ri tu tu ô” mà chẳng hiểu quái gì. Bây giờ thì nó thành ra là” Chúa ở cùng anh chị em – Và ở cùng Cha”. Thế nghe có phải tình cảm hơn không nào.
Lớn lên tôi lại có những suy nghĩ “phạm thượng” hơn –Có Chúa không nhỉ? Có Thiên đàng hỏa ngục không nhỉ? Hỏi vậy thôi chứ bố ai mà trả lời được. Thế nhưng khi bị công kích thì tôi sẵn sàng liều mình để bảo vệ cho đạo của mình. Nhớ lại lúc nhỏ chơi với mấy nhỏ bạn trong xóm. Lúc thanh bình thì không sao nhưng khi xảy ra chiến sự thì tụi nó chọc tôi “Đức Chúa Giêsu đánh đu gãy cẳng” . Tôi cũng phang lại “Nam mô a di đà Phật cọp vật thầy chùa”, rồi còn ư ử hát " Đầu thầy chùa, nấu canh chua, vài ba tháng còn chua...". Đấu khẩu đã rồi nhào vô đánh nhau. Thì cũng như các hiệp sĩ thánh chiến hồi xưa lên đường chinh chiến để bảo vệ cho Giáo Hoàng đó mà. Sau 75, vị hiệu trưởng trường tôi trong một đêm ngồi tâm sự có giáo huấn cho tôi thế này “ Hồi xưa con người còn dốt nát, thấy các hiện tượng thiên nhiên không giải thích được bèn đổ cho thánh thần thượng đế. Bây giờ chúng ta có học, có kiến thức rồi sao anh vẫn tin Chúa?”. Ôi giời ạ. Cái bài tôn giáo vận sơ đẳng này mà đem hù tôi hả. Tôi bèn nhẹ nhàng hỏi” Thưa anh, kiến thức phải đạt đến mức nào mới khỏi tin ở thượng đế ạ. Anh biết Newton chớ, khi người ta hỏi ông ta một câu tương tự như anh vừa hỏi tôi, ông ta bèn chỉ lên trời và nói” Cứ nhìn đi rồi khắc tin”. Thế thì kiến thức chắc phải hơn Newton nữa kia à. Khó nhỉ!” Anh ta im ngay. Và tôi bèn hù anh ta “ Ngay Engels cũng đã từng nói : Kiến thức lơ mơ làm người ta xa thượng đế nhưng kiến thức sâu sắc đem người ta lại gần Ngài”. Gì chứ trích Engels là thằng em nín khe. Đúng ra câu này của Newton nói, nhưng tôi gán nó cho Engels cho nó…chất lượng cao. Nghệ thuật hùng biện đấy!
Mà phải nói tôi dám chắc tôi đọc nhiều hơn các vị ấy về Marx, Engels, Lenin, mà tôi còn được đọc cả Heidegger, Sartre, Alexis Zorba, Solzhenitsin, Remarque… nữa kia, những thứ mà lúc ấy các vị chắc chưa bao giờ được nghe nói đến. Cho nên tôi nhìn rộng hơn cái giếng kiến thức bé tí mà các vị mới chui lên. Bày đặt tuyên truyền hả. Bỏ đi tám. Sau 75 nghe nói các văn nghệ sĩ ngoài Bắc vào lùng kiếm những tác phẩm mà chúng tôi đã đọc đến nát cả ra. Lúc đó các vị mới thấy ngoài cái miệng giếng đó còn có một khung trời rất rộng với muôn ngàn kỳ hoa dị thảo mà lâu nay họ không được phép thưởng thức. Thế hệ bây giờ thì được đọc nhiều rồi nhưng lại không dám phát biểu những gì mình nhận thức được. Làm con vẹt bao nhiêu năm quen rồi, muốn thành đại bàng cũng khó. Khổ thế đấy.
Ờ ! Mà nói đên đây tôi chợt nhớ đến một câu chuyện cười ra nước mắt. Một hôm tôi cùng với vị hiệu phó ở “A vào” đi thăm phụ huynh học sinh. Vào nhà thấy hình Quan Âm anh ta bèn hỏi tôi: “Thế cái con kia là Thị Mầu hay Thị Kính thế nhỉ?”. Kiến thức về tôn giáo đến thế thì thôi. Chỉ học vẹt dăm ba câu như tôn giáo là thuốc phiện…là tưởng có thể đánh sập tôn giáo tới nơi rồi vậy. Cái anh này lại có lần giảng cho tôi biết rằng thì là tôn giáo nó dựa trên sự ngu dốt của con người. Khi con người ta có đầy đủ kiến thức rồi thì chẳng cần phải ai chống tôn giáo cũng sẽ tự tiêu vong, vì cái nền tảng của nó - sự ngu dốt - không còn nữa. Lần này thì tôi chẳng thèm rỗi hơi để giáo hóa nữa. Cho ngu luôn cho biết. Làm thầy mấy thằng dại ngán lắm. Đấy, bây giờ thì trắng mắt ra đấy. Ai sập đổ rầm rầm thế nhỉ?

Ơ! Tôi lại lan man đi đâu thế này? Trở lại chủ đề tôn giáo thôi. Voltaire, một triết gia vô thần nổi tiếng đã nói ( Voltaire thiệt à nhen ) : “Nếu không có tôn giáo, con người cũng phải tạo ra tôn giáo”. Tôi hiểu câu nói này theo cái nghĩa tôn giáo là một cái thành phần đối trọng giữ cho con người ta khỏi sa đọa quá mức, giúp con người ta không chạy theo vật chất quá đáng. Và như thế chỉ có hay thôi. Chuyện kiếp sau thế nào xin không bàn tới, nhưng rõ ràng là tôn giáo chỉ giúp cho con người sống tốt lên . Tôi thấy những người ở ngoài chợ hung hăng ra phết nhưng vào nhà thờ thì vòng tay đi đứng rón rén thấy thương. Thế thì mặt tích cực của tôn giáo là khỏi phải nói rồi.
Một khía cạnh tiêu cực của tôn giáo cũng như của các chủ thuyết là sự cuồng tín. Nó áp đặt những tín điều mà người đi theo chỉ có tin chứ không bàn cãi. Tôn giáo gọi là những tín điều, những mặc khải ( cũng giống như máy tính cài chế độ mặc định ấy mà, cứ thế mà chạy, chạy kiểu khác là lỗi). Đúng là có những điều không thể giải thích cho mọi người đều hiểu cả, nhưng cứ thế dần dà người ta quen với sự sự tin tưởng máy móc đó, và thế là người ta sẵn sàng làm những việc tàn ác, miễn là những điều đó được chúc phúc. Những vụ đánh bom liều chết là một minh chứng rõ rệt cho sự cuồng tín ấy. Con người Việt nam ta vốn thờ cha kính mẹ, thế nhưng trong một cơn say cuồng tín người ta sẵn sàng sỉ vả đấu tố cha mẹ mình, gọi họ bằng thằng này con nọ cũng là một ví dụ khác gần gũi hơn của cái sự tin tưởng một cách cuồng tín này.
Phải thừa nhận rằng tôn giáo đưa ra những lối sống đẹp quá, đẹp hơn mơ nữa. Chúa dạy : Ai tát con vào má phải, hãy chìa má trái cho họ”. Dĩ nhiên không nên hiểu câu này theo nghĩa đen, có mà điên, nhưng tha thứ đến cỡ ấy thì xin lỗi Chúa, nó tát con mà con không lột da nó là may cho nó lắm rồi. Thế nhưng cũng nên hiểu lý thuyết là một chuyện, áp dụng vào thực tế lại là chuyện khác. Chủ thuyết tôn giáo nào cũng thế. Tuy nhiên đời tôi không dưới một lần, trong những lúc cùng khốn, tôi đã vào nhà thờ quì một mình tâm sự với Chúa, xin Người chỉ cách thoát ra. Dù Người chẳng chỉ vẽ gì nhung khi bước ra khỏi nhà thờ tôi vẫn thấy tâm hồn mình nhẹ hẵn ra. Gánh nặng đã được trút bớt.
Một triết gia khác quên tên đã nói : Người giàu tin ở Chúa vì họ có tất cả, còn người nghèo thì vì họ không có gì”. Vậy là đề huề. Ai cũng có chổ trông cậy ở Chúa cả. Tôi đã nói rồi, tin ở những ước mơ đẹp, tin vào những câu chuyện thần thoại, tin vào cổ tích chỉ có làm con người tốt ra thôi. Vì thế tôi vẫn là người có đạo dù đã lâu tôi không đi nhà thờ. Cứ xưng tội rồi bước ra khỏi nhà thờ lại tiếp tục phạm tội là điều tôi không thích làm. Lúc trước lâu lâu tôi vẫn đi lễ dù chưa kịp xưng tội. Đến khi rước lễ tôi đọc câu kinh mà người có đạo nào cũng thuộc: “Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào lòng con nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”. Đố các bạn biết Chúa có phán không? Tôi thì tin là có, và thế là tôi hùng dũng lên rước lễ, dù với nhiều người đây là một việc làm phạm thánh. Xí! Chúa đâu có nhỏ mọn như mấy người nghĩ. Chúa mà cũng như mấy người thì làm sao gánh tội cho cả trần gian. Đấy, cứ xem cái thằng ăn cướp bị treo cùng Chúa trên đồi Golgotha đó. Chỉ cần một câu “Tôi tin Ngài là con Thiên chúa” vậy là Chúa cho lên Thiên đàng ngồi bên cạnh Đức chúa cha ngay. Oai phết. Chúa phải như thế chứ.

Nhân ngày Phục sinh , xin chúc các đồng đạo và cả những ...bất đồng đạo ( không bất đồng chính kiến đâu nha ) một mùa Phục sinh an lành, tràn đầy hồng ân Thiên chúa. Có dư xin chia cho tôi một chút. Tôi vẫn là một con chiên lạc đàn. Nhưng một ngày kia tôi sẽ quay về. Các vị có nhớ dụ ngôn về đứa con hoang đàng chứ. Thành ra khi thấy tôi quay về mà Chúa mừng rỡ mổ dê mổ bò tổ chức tiệc linh đình thì đừng có mà ghen tị nhé. Máu của Chúa đổ ra chính là vì những kẻ tội lỗi như tôi đấy. Một lần nữa Happy Easter. May God bless all of you!. Amen

1 nhận xét:

PhamZung nói...

Hihi, mùa Phục Sinh, bác Hoàng có vẻ áy náy! Em chia bác chút hồng ân đây!