Trịnh Công Sơn
'Đêm đã đen như áo dạ bên ngoài. Ánh đang làm gì. Trời đã mưa ở đó rồi phải không. Anh nhớ có lần đưa Ánh về buổi tối đội áo mưa trên đầu. Con đường đen, điện vàng và những nhánh phượng có mùi hăng hắc...'.
Blao, ngày 2/9/1964
Dao Ánh thân mến,
Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.
Bây giờ đồi núi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.
Ánh ơi,
Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây.
Đáng lẽ kỳ này anh vào dạy nhạc ở Sư phạm Quy Nhơn (1) nhưng Cường và Cung (2) bảo anh nên thử liều lên nằm ở miền Cao nguyên một lần xem sao. Ở đây mà chờ ngày vào Thủ Đức (3). Thế cũng xong Ánh ạ. Có điều anh không ngờ là vùng đất này buồn đến thế. Những ngày đầu anh lên đây anh ngỡ là mình vừa mang một bản án treo đày về một hoang đảo. Anh chưa bao giờ đối diện với một dáng buồn lạ lùng và bi thảm như thế này. Không thể kể xiết sự hoang vắng bủa vây quanh mình những chiều những đêm có mưa hạt nhỏ qua đây. Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa và những người Thượng đi lấy củi sớm ở những đồi chè xung quanh không còn nhìn thấy nữa. Buổi chiều, có những chiều khô, hay mưa cũng thế, ngồi ở căn phòng, anh nghe rõ cả tiếng kèn đồng thổi về từ một đồn lính ở trên đồi cao rất buồn rất buồn. Như tiếng kèn trong phim Tant qu’il y aura des hommes (4).
Anh có cảm giác mình là một hóa - thân - phiền - muộn treo lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng.
Căn nhà anh ở nằm chênh vênh ở một triền dốc. Buổi chiều ở đây chỉ còn tiếng gió hú thật não nuột về ru anh ngủ mà thôi. Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn.
|
Thủ bút một lá thư nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh. Ảnh tư liệu |
Bây giờ đã xa tất cả. Anh em. Người thân. Bạn bè. Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục.
Suốt ngày im câm như một số phần không tên, không tuổi, không còn dĩ vãng - tương lai. Ngôn ngữ nào của đô thị, của thành phố ở dưới kia mà anh ao ước được nghe lại, được nói lại vô cùng Ánh ạ.
Hôm nay anh lên Đà Lạt (trước khi về đây), gặp Kim Vui (ca sĩ) lấy xe đưa anh đi chơi quanh thành phố đến khuya. Buổi chiều sắp tối anh có thấy thoáng ai giống như Vũ - anh gọi mà không nghe.
Ở đây đi Đà Lạt và Sài Gòn rất gần. Nhưng anh vẫn thấy có gì cách biệt xa xôi như không liên hệ gì đến nhau.
Đêm ở đây anh thường vào ngủ sớm (9 giờ) bởi vì thành phố không có một sinh hoạt vui chơi nào.
Thành phố cũng chưa có số nhà - ban đêm thì tối mù vì chưa có đèn đường. Trông bi đát lắm. Chán lắm Ánh ạ. Suốt ngày, ngoài những giờ làm việc buổi sáng, anh ngồi nhìn chiều và đêm về trên những con đường dốc đất đỏ, mây thì xuống thật gần thật thấp. Chao ôi là buồn. Có lẽ anh cũng phải tìm cách nào để thoát khỏi nơi đây dù phải làm bất cứ gì để sống. Đời chúng anh phiêu bạt quá nên càng ngày càng tự du mình ra xa những yên lành cũ. Có lẽ một ngày nào đó Ánh cũng gặp lại anh như gặp lại một sự - xa - lạ, một inconnu, một étranger (5) của một thời nào chưa hề có tên để gọi. Đất đai của chúng anh ở dưới kia, vực thẳm bi đát vừa tráng lệ. Anh mong rằng một ngày nào đó con người sẽ căng nọc mình ra trước một tòa án công minh của trời đất để thú tội để trả lời với sự sáng suốt trước mặt... - Sau đó - sau đó sẽ không còn gì hay nếu còn con người thì những con người đó yêu thương nhau, yêu chân lý, yêu sự thật, không dối lừa, không gạt gẫm mình, không sống bằng phù phép ảo tưởng. - Mọi người bây giờ đang đánh lừa mình bằng ảo tượng. Không ai biết sống thực. Chưa ai biết sống cả Ánh ạ. Trên sân khấu rộng lớn vĩ đại của cuộc đời này anh đã bắt gặp được đủ loại người: già, trẻ, giàu, sang, hèn, ngu, giỏi. Tất cả đều chạy tìm ảo tượng. Từ đó đâm ra phỉnh phờ bởi vì phỉnh phờ là yếu tố chính của những cuộc bán buôn. Nhưng rồi anh nghĩ rằng mọi người đều đáng thương, đều là những tội nhân đáng được ân huệ, tha bổng.
***
Bây giờ là đêm lại. Tiếng hát Thái Thanh và Người ra đi (6) của Phạm Duy thật buồn. Thật buồn. Anh nhớ tất cả những người thân, nhớ vô cùng và thấy ấm ức vô cùng. Đêm đã mù sương ngoài kia. Anh không đủ can đảm để nói mãi chuyện buồn của mình. Ánh đã đi học lại chưa. - Mùa thu lá có rụng nhiều ở Huế không.
Làm sao không nhớ những vết tích đã qua. Ôi những gì êm ả đâu còn đâu còn. Anh mong nhận được thư của Ánh về vùng Blao này những mùa lạnh ở đây sẽ ấm cúng hơn. Anh còn cả bao nhiêu tháng ngày rộng mênh mông trải dài cuốn hút đằng trước mặt. Thật ghê rợn như một ám ảnh đen điu.
Bây giờ tháng 9. Anh gởi về cho Ánh sương mù và mây tháng 9 ở đây. Không có quà gì đẹp và buồn hơn nữa cho Ánh.
Anh cầu mong Ánh còn vui hoài và bình an vô cùng ở đó.
Anh không biết phải gửi về cho Ánh ở đâu nên gửi nhờ Thúy đem qua hộ. Đừng phiền. Mong tin Ánh và J’irai pleurer sous la pluie (7).
Trịnh Công Sơn
***
Ngày 3/9/1964
Ánh ơi,
Anh vừa thức dậy. Ngoài cửa sổ mây buổi chiều đã đen từ chân đỉnh đồi. Cơn mưa đã xuống đó. Thật to. Và gió cũng hú dài như một con thú hoang.
Buổi chiều nào cũng buồn như nhau. Cũng chừng ấy hoang vắng. Khung cảnh cũng là mây đen xám, con đường dốc đất đỏ và những bãi cỏ xanh. Anh đã sắp thuộc lòng vẻ buồn ở đây. Mỗi ngày anh tự nhìn rồi tự nhắc lại lầm nhầm như một câu kinh nhật tụng.
Đường dốc bây giờ đã ướt và trắng xóa vì mưa. Chốc nữa anh đi bỏ thư cho Ánh đường sẽ trơn vô cùng. Mưa to lắm Ánh ạ.
Huế chắc cũng sắp gần với những cơn mưa như thế này. Mùa Đông chắc buốt lạnh vô cùng. Anh không hiểu rồi những con đường Ánh sẽ đi học ngang lá có còn xanh như bây giờ không. Suốt hơn một tháng ở Sài Gòn trước khi lên đây anh vẫn hằng đêm vào ngồi ở dancing (8) đến sáng. Đêm nào cũng nghe LinhĐa hát Et j’entends siffler le train... (9) và tiếng hát cũng làm anh đã bao nhiêu lần nhớ lại tiếng hát của Ánh. Đôi lần trở về khuya, còn mang tiếng hát đó trên tóc, anh định viết thư về cho Ánh nhưng lại thôi. - Như hiện tại anh cũng dụ dự lắm vì không hiểu Ánh sẽ như thế nào. Nhưng anh nghĩ là dù thế nào thì điều đó cũng không quan trọng. Từ lâu anh đã quen xem thường những điều bất nhã và không hay đã xảy đến cho mình. Nên anh vẫn gửi thư đi vì lúc này, trong thâm tâm anh thấy là nhớ đến Ánh và cần viết vài hàng về thăm. Như thế là đủ.
Mưa cũng bắt đầu tạnh rồi đó. Trời hơi sáng hơn. Sự yên tĩnh ở đây làm mọi người có cảm tưởng là đang được nằm yên trong một nhà mồ. Yên đến ghê người. Và nỗi buồn thì căng như một sợi dây thòng lọng dài đen buộc lấy cổ. Siết dần. Siết dần. Đến ngột ngạt. Bi đát.
Auras tu jamais le temps de revenir (10). Anh đang hỏi thầm anh. Đang hỏi thầm về đời mình. Thành phố còn người - người thân ở đó. Anh ngại rồi mọi người thân thuộc đang đánh mất dần mình hay ngược lại. Nếu có dịp anh sẽ kể cho Ánh nghe nhiều chuyện vui suốt mùa Hè này. Đã qua. Đã qua, mà anh rất ít gặp Ánh. Chuyện vui của anh - thật lý thú vô cùng.
Thôi anh sắp đi bỏ thư cho Ánh đây. Nếu có thì giờ hãy gửi thư về đây cho vui. Rất mong đó Ánh.
Anh chúc Ánh đời đời quay về đó. Về đó.
Và xin mặt trời ngủ yên. Để Ánh là tournesol (11) mãi mãi. Anh tưởng tượng một khuôn mặt profil (12) mà một đường sáng hồng của mặt trời chạy dài từ chân tóc đến trán - mũi - cằm. Thật huyền thoại như tượng.
Trịnh Công Sơn
Địa chỉ: Bà Trần Thị Phi
Ty Công chánh Lâm Đồng, Blao
(Nhờ đưa lại cho ông Trịnh Công Sơn)
Click vào đây đọc tiếp
Chú thích:
(1) Trường Sư phạm Quy Nhơn, đến năm 1977 là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, hiện là Trường Đại học Quy Nhơn. Trịnh Công Sơn học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn hai năm (1962 – 1964)
(2) Hai họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung
(3) Trường bộ binh Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ bị của quân đội Sài Gòn
(4) Phim Mỹ (tên nguyên bản là From here to eternity), trắng đen, sản xuất năm 1953, đoạt tám giải Oscar, đạo diễn: Fred Zinnemann, các diễn viên chính: Burt Lancaster, Montgomery Clift, Deborah Kerr, Frank Sinatra, Donna Reed… Phim được chiếu ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960
(5) Kẻ vô danh, người xa lạ
(6) Bài Tiễn người ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy
(7) Ca khúc Mỹ, nguyên tác Crying in the rain (Khóc trong mưa) do Howard Greenfiled và Carole King hát, lời Pháp J’irai pleurer sous la pluie do Richard Anthony hát.
8) Vũ trường
(9) Ca khúc Pháp Et j’entends siffler le train (Nghe tiếng còi tàu) do Richard Anthony sáng tác năm 1962
(10) Lời trong bài hát Et J’entends siffler le train, tạm dịch “Thời gian có bao giờ trở lại”
(11) Hoa hướng dương.
(12) Nhìn nghiêng
[1] (1) Trường Sư phạm Quy Nhơn, đến năm 1977 là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, hiện là Trường Đại học Quy Nhơn. Trịnh Công Sơn học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn hai năm (1962 – 1964),
[2] Hai họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung
[3] Trường bộ binh Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ bị của quân đội Sài Gòn,
[4] Phim Mỹ (tên nguyên bản là From here to eternity), trắng đen, sản xuất năm 1953, đoạt tám giải Oscar, đạo diễn: Fred Zinnemann, các diễn viên chính: Burt Lancaster, Montgomery Clift, Deborah Kerr, Frank Sinatra, Donna Reed… Phim được chiếu ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960 ,
[5] Kẻ vô danh, người xa lạ,
[6] Bài Tiễn người ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy ,
[7] Ca khúc Mỹ, nguyên tác Crying in the rain (Khóc trong mưa) do Howard Greenfiled và Carole King hát, lời Pháp J’irai pleurer sous la pluie do Richard Anthony hát.
[8] Vũ trường,
[9] Ca khúc Pháp Et j’entends siffler le train (Nghe tiếng còi tàu) do Richard Anthony sáng tác năm 1962,
[10] Lời trong bài hát Et J’entends siffler le train, tạm dịch “Thời gian có bao giờ trở lại”,
[11] Hoa hướng dương.
[12] Nhìn nghiêng
[13] Trần gian lưu đày
[14] Phin cà phê
[15] Dấu hiệu tốt
[16] Lời đồn
[17] Tiếng vọng
[18] Sinh nhật
[19] Mờ ảo,
[20] Tên một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn nữ người Pháp Francoise Sagan, được tác giả viết năm 18 tuổi (1954). Bản dịch tiếng Việt Buồn ơi, chào mi xuất bản ở Sài Gòn trước 1975. Tiểu thuyết được chuyển thể điện ảnh - bộ phim cùng tên với các diễn viên Geoffrey Horne, Deborah Kerr, Jean Seberg, David Niven,