Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Hãy học cách cư xử của các em học sinh


 
Mẫu tin về thầy giáo phạt học sinh thụt dầu phải vào viện rồi sau đó đã bị Hội đồng kỷ luật ra quyết định thôi việc không hiểu sao lại làm tôi phân vân mấy ngày nay. Câu chuyện có thể tóm tắt như sau : Vài học sinh quậy trong giờ học. thầy hăm ghi sổ đầu bài, các em bèn năn nỉ thầy đừng ghi và tình nguyện chịu hình phạt thụt dầu . Kết quả có một em một ngày sau phải vào viện chữa trị. Một tuần sau hội đồng kỷ luật tán thành buộc thôi việc thầy giáo này với đa số tuyệt đối 5/5.

Những mấu tin về thầy cô giáo hành xử trái sư phạm lâu nay không hiếm, thậm chí nhiều trường hợp còn nghiêm trọng hơn. Điều làm tôi phân vân ở đây là trong khi xã hội, báo chí, đồng nghiệp thi nhau “ném đá” thầy B. thì lại có một số ý kiến học sinh của thầy có ý kiến ngược lại. Thậm chí ngay cả phụ huynh và bản thân nạn nhân cũng có những lời trần tình, tỏ ý thông cảm cho thầy. Xin trích đăng một vài ý kiến tiêu biểu :

Một học sinh cũ

Tôi không phải nhận định vấn đề theo chủ quan, mà là do tôi từng học thầy nên tôi hiểu rõ. Thầy dạy môn thuộc khoa học tự nhiên và thầy cũng tận tình và kiên nhẫn với học sinh.

Sự việc trên tôi nghĩ cần phải xem xét lại mọi khía cạnh của nó. Quả thật học sinh bây giờ nhiều bạn quá kém về mặt nhận thức lẫn đạo đức. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của bạn nguyentuong21@...

Chúng ta phải nhìn nhận là có những học sinh quá vô kỷ luật và không ai có thể chịu đựng nổi những hành vi bất trị thái quá và ở cương vị một người thầy thì sẽ vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với những cậu học trò quá ngỗ nghịch.

HS Bùi quang hạnh Quyên 11D4 Trường Lê Quý Đôn

“Thầy B. đã giúp em vượt qua cảm giác buồn chán khi học môn toán. Thầy luôn tạo cho lớp cảm giác thoải mái và vui vẻ. Điều em quý nhất ở thầy là sự kiên nhẫn giảng giải những thắc mắc của chúng em đến khi hiểu mới thôi. Thầy còn dạy chúng em cách đối xử với bạn bè, thầy cô. Em thật lòng mong thầy sẽ có một cơ hội để rút kinh nghiệm, để tiếp tục dạy dỗ chúng em”.

HS Mai ngọc Diễm Hương

“Thầy đã rất tốt với chúng em, tận tình dạy dỗ chúng em. Những ngày học thêm ngoài giờ, dù mưa to gió lớn nhưng thầy không hề ngần ngại, vẫn đến dạy chúng em. Sau những buổi kiểm tra một tiết hay thi học kỳ, thầy đã lo lắng, gọi điện hỏi thăm chúng em có làm bài được không. Trong lớp em có một bạn phải sống với dì do ba mẹ ly dị. Một lần lỡ tay, bạn ấy đã làm hỏng mắt kính mà không dám nói với dì. Thầy đã đưa tiền cho bạn ấy mua cái mới.Chỉ riêng những việc nhỏ ấy cũng đã làm em rất tôn trọng thầy và xem thầy như người cha thứ hai.
...Em xin các thầy cô hãy nhìn vào những ưu điểm của thầy. Ở đời không ai là không có những lỗi lầm, những sai sót. Em tin thầy B. sẽ sửa đổi”.

Bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu phó Trường THPT Lê quý Đôn - TPHCM:

Bài học cho các giáo viên
Chuyện xảy ra là một điều đáng tiếc vì ảnh hưởng đến uy tín và nhân phẩm của người thầy giáo. Dư luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ở trường, thầy giáo V.H.B. là người có tư cách tốt và rất thương yêu học trò. Sự việc xảy ra xuất phát từ chỗ học sinh sợ bị thầy ghi vào sổ đầu bài.
Các em luôn nghĩ rằng bị ghi vào sổ đầu bài là bị điểm đen mà không hiểu rằng đó là cách để các thầy cô giáo tập trung quan tâm, nhắc nhở học sinh.
Chỉ vì thương học trò nên thầy mới phạt các em và không nghĩ rằng “thụt dầu” thì học sinh phải nhập viện.

Bà Nguyễn Thị Thu, mẹ của học sinh Lê Anh Tuấn:

Đó là tai nạn của gia đình tôi và thầy giáo!
Rất xót xa khi con phải nhập viện do trước đó bị thầy giáo bắt “thụt dầu” quá sức, nhưng gia đình tôi không oán trách, cũng không muốn gây khó khăn cho thầy giáo bởi chuyện xảy ra không phải vì thầy giáo ghét bỏ học sinh mà có lẽ do thiếu hiểu biết về vận động nên nghĩ học sinh khác làm được thì học sinh này cũng làm được.

Nếu là giáo viên thể dục thì có thể sẽ không xảy ra chuyện vận động quá sức. Việc chọn lựa của cháu - hoặc bị ghi vào sổ đầu bài hoặc “thụt dầu” 100 lần - tôi nghĩ các cháu đều chọn làm “thụt dầu” bởi sợ bị cha mẹ biết.

Đây là tai nạn của gia đình tôi cũng như của thầy giáo. Tôi mong muốn sau chuyện buồn này, thầy giáo cần rút kinh nghiệm để có phương pháp giáo dục tốt hơn.

Học sinh Lê Anh Tuấn:

Em không giận thầy!

Mấy hôm nay ngày nào thầy V.H.B. cũng đến bệnh viện thăm và động viên em sớm bình phục. Phải nhập viện, em thấy mình có lỗi vì chưa ngoan, đã đùa giỡn trong giờ học.

Năm lớp 11, lớp em mới được thầy dạy môn toán nhưng mối quan hệ giữa học trò và thầy rất tốt, thầy luôn vui vẻ, giúp đỡ học sinh. Sự việc xảy ra với em đó là tai nạn, em không giận thầy.


Báo Dân trí

Trước khi Hội đồng kỷ luật quyết định, những học sinh lớp 11A8 đã viết bản kiến nghị gửi Ban giám hiệu nhà trường đừng kiểm điểm thầy V.H.B. Các em học sinh cho biết việc cho học sinh thụt dầu khác xa với tính cách thường ngày yêu thương học trò của thầy. Học sinh Lê Anh Tuấn, người bị thụt dầu 100 cái phải nhập viện cũng không giận thầy giáo. Còn mẹ của em Tuấn thì xem đây là tai nạn của gia đình và của thầy giáo, mong thầy giáo rút kinh nghiệm để có phương pháp giáo dục tốt hơn.

Và ý kiến của hiệu trưởng

Hơn 20 năm công tác tại Trường Lê Quý Đôn, thầy B. chưa bao giờ được công nhận là giáo viên giỏi, chưa bao giờ đứng lớp thao giảng (những giáo viên dạy tiết thao giảng phải là người có tay nghề cao và có bản lĩnh sư phạm). Số học sinh do thầy B. phụ trách bị điểm thấp nhiều hơn cả học sinh của những giáo viên mới ra trường. ( Sao thấy giống tui ghê dậy ta )

Nhảm nhất là ý kiến của hiệu trưởng, nhưng trong tình hình chung của nước ta, hể có xảy ra chuyện gì bê bối thì phản ứng đầu tiên của các quan chức là chối, là phủi, là đổ tội cho người khác, thành ra tôi cũng chẳng thèm bàn. Cái văn hóa lãnh đạo trong cái cơ chế trách nhiệm tập thể là thế. Khi nào không còn có ai để đổ thừa thì ta còn có hai thủ phạm đổ thừa lúc nào cũng đúng : thằng cơ chế và thằng lịch sử.

Điều làm tôi suy nghĩ là sự chỏi nhau giữa ý kiến các nạn nhân ( em Tuấn, các bạn cùng lớp, phụ huynh) và ý kiến của lãnh đạo nhà trường và ngành giáo dục. Xem ra các em cư xử có văn hóa hơn các cha chú nhiều. Các em còn đủ tỉnh táo để hiểu rằng đây chỉ là một tai nạn, các em còn có đủ lòng độ lượng để không trách thầy của mình. Các em cũng hiểu rằng với cái cơ chế hiện nay thì ông thầy bị dồn đến mức lâu lâu cư xử thiếu tỉnh táo cũng là chuyện không lạ. Các em còn biết rằng nên tạo cho thầy điều kiện để rút kinh nghiệm cho quãng đời dạy học còn dài phía trước.

Sự việc này còn làm tôi liên tưởng đến vụ án chi Ba Sương. Không phải lúc nào nguyên tắc, luật lệ cũng làm cho người ta tâm phục khẩu phục, nếu nó không xuất phát từ ý nguyện chính đáng là làm cho xã hội ngày càng tươi đẹp hơn

Trong vụ này , tôi thấy các em học sinh đã dạy cho các lãnh đạo ngành giáo dục và cả xã hội một bài học : Bài học về cách cư xử sao cho ra cái giống NGƯỜI

anhoai76 wrote on Dec 6
Họ nói cũng phải ..thời buổi này học sinh oải quá ..nhưng cái gốc vẫn là dzo cách giáo dục của nhà trường và gia đình khg ổn .
uyenvan wrote on Dec 6
Bài học kinh nghiệm: Chỉ nên phạt thụt dầu 10 cái thôi, anh Hoàng hén !;)
gioheomay wrote on Dec 6
Lại một chuyện không vui . Lại một chuyện đau lòng .
Chỉ ai đã từng đi dạy trong thời gian gần đây nhất mới thấy tình hình đạo đức HS dạo này xuống cấp một cách đáng lo .... nhất là ở những trường PTCS và PTTH . Người thầy chịu áp lực từ muôn phía ...và những chuyện đau lòng liên tiếp xảy ra .

Gió không bàn nữa về ý anh H đặt ra ..về cách ứng xử của những người làm công tác quản lý GD và chính HS của thầy B ... Cái Gió đặt ra là ... tiếp tục những ngày sau đó thầy B sẽ là ai ? sẽ làm gì với chính nơi thầy đã gắn bó ? ( nếu trường hợp tốt xảy ra : thầy được tiếp tục công việc của mình ) Ta cần một sự xét đoán có tình có lý trước khi làm ầm ỹ lên , trước khi cái tội được phơi bày ... đó mới là cách ứng xử văn hóa và công bằng nhất .
Người thầy bây giờ không cần sự tha thứ họ cần sự công bằng , họ cần ngẩng cao đầu để tiếp tục đứng trên bục giảng ... Còn thấy không được , có đau lòng cũng xin giã từ mảnh đất không có lòng bao dung là hay nhât ...

Khi nào thì người thầy mới thực sự được làm thầy ???
nguoiphobien09 wrote on Dec 6
HS mà không phạt cũng không được . Nhưng phạt đến nỗi nhập viện thì hơi nặng
kimhoan55 wrote on Dec 6
Tai họa ! Đó là tai họa giáng xuống cho ông Thầy. Nhưng một khi đã kết tội rồi thì quả khó để lại đứng vững vàng trên bục giảng. Thật đáng buồn cho cuộc đời ...
ngocyen054 wrote on Dec 6
Đợi xem ban giám hiệu nhà trường và sở giáo dục nói gì. Có lẽ họ sẽ nói những điều không phải họ nghĩ.
Riêng mình thì thấy thương thầy giáo và cả những đứa học trò dại dột ấy quá.
caonguyenbui wrote on Dec 6, edited on Dec 6
Hơn 20 năm công tác tại Trường Lê Quý Đôn, thầy B. chưa bao giờ được công nhận là giáo viên giỏi, chưa bao giờ đứng lớp thao giảng (những giáo viên dạy tiết thao giảng phải là người có tay nghề cao và có bản lĩnh sư phạm). Số học sinh do thầy B. phụ trách bị điểm thấp nhiều hơn cả học sinh của những giáo viên mới ra trường.
Câu này kì cục nhen.
1. Điểm trong tay mình, cho bao nhiêu cũng không hết mà.
2. Còn nói giáo viên dạy thao giảng mới giỏi thì ...
Hee. Hee....
giaogia wrote on Dec 6
Hơn 20 năm công tác tại Trường Lê Quý Đôn, thầy B. chưa bao giờ được công nhận là giáo viên giỏi, chưa bao giờ đứng lớp thao giảng (những giáo viên dạy tiết thao giảng phải là người có tay nghề cao và có bản lĩnh sư phạm). Số học sinh do thầy B. phụ trách bị điểm thấp nhiều hơn cả học sinh của những giáo viên mới ra trường.
Hồi GG đi dạy, GG luôn phản đối vụ dự giờ và bình bầu GV giỏi, vì đây chỉ là ....đối phó và phe cánh. Còn điểm thấp là thày B cho đúng trình độ của học trò , cái này mà phê bình thì hiệu trưởng này đúng là ...đảng viên..
uyenvan wrote on Dec 6
Bác giáo ơi, GV Giỏi k bình bầu mà là thi cơ đấy, nhưng người chấm thi là ai thì chưa biết, có khi cơm chấm cơm, có khi cháo chấm cơm không chừng !
haphan52 wrote today at 12:34 AM
HS của thầy đã lên tiếng rồi kìa. Cũng như hằng trăm lá thư lên tiếng cho chị BS, nhưng cuối cùng thì.. .

Thấy tội nghiệp cho thầy hơn, "xui" nên mất dạy rồi!

Không có nhận xét nào: