Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê(những chương bị cắt bỏ): Chương XXXI






  



Kết Quả Sau 5 Năm





“Thất-Bại Trong Hòa Bình”

Mấy tháng đầu sau ngày 30-4-75, các bạn kháng chiến, già cũng như trẻ, nhất là trẻ, đều có tâm lí chung là hăm hở hưởng thụ sau mấy chục năm gian khổ sống chui, sống nhủi trong rừng, trong bụi, dưới hố dưới hầm. Đành rằng phải bắt tay ngay vào việc kiến thiết, nhưng đã có đường lối sẵn rồi, có kinh nghiệm hai chục năm ở Bắc thì không có gì khó; vả lại đã thắng được Mĩ, thành cường quốc thứ ba trên thế giới, sau Nga và Trung hoa thì có việc gì mà làm không được, chỉ trong 5 năm sẽ tiến bộ, hai chục năm sẽ đuổi kịp Nhật bản về kinh tế.

Muốn kiến thiết thì trước hết phải san phẳng chế độ cũ đã không để lại một dấu vết nào cả. Phải đuổi hết các nhân viên cũ, để anh em cách mạng chia nhau tất cả các chức vụ lớn nhỏ. Phải diệt bọn tư bản, chiếm nhà cửa, tài sản như núi của họ, chia nhau mỗi người một chút. “Đó là quyền của mình mà!”

Tóm lại, ai cũng “hồ hởi”, tin tưởng. Chỉ có thủ tướng Phạm văn Đồng là tỏ vẻ ưu tư một chút. Trong một cuộc hội họp ở Sài gòn, ông bảo các bạn đồng chí: “Nous avons gagné la guerre, il ne faut pas perdre la paix” (Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, đừng để thất bại trong hòa bình). Ông thấy rằng thắng được địch rồi mới là khởi sự bắt tay vào việc, chưa thể nghỉ ngơi, hưởng thụ được; mà công việc kiến thiết trong thời bình còn khó khăn gấp bội công việc diệt địch. Thời chiến hễ nung được lòng yêu nước của quốc dân rồi, giữ cho lòng đó đừng giảm, quốc dân kiên trì chịu đựng được tớỉ phút chót thì không còn vấn đề gì nữa: thiếu cái gì đã có Nga, Trung hoa cung cấp cho; trái lại trong thời bình mới phải đương đầu với nhiều vấn đề nội bộ, ngoại giao, kinh tế, nhất là kinh tế. Nước ta nghèo, thiếu vốn đầu tư thiếu kĩ thuật gia, khó phát triển kinh tế mau được. Thất bại về kinh tế thì sự nghiệp của cách mạng sụp đổ.

Bây giờ 5 năm sau ngày 30-4-75, hết kế hoạch ngũ niên đầu tiên rồi, chúng ta mới thấy cơ hồ chẳng tiến bộ về một phương diện nào hết mà còn thụt lùi nữa, và ai lạc quan tới mấy cũng phải nhận chúng ta đã bỏ phí 5 năm, và không biết phải mấy năm nữa mới bắt lại được thời gian đã mất đó. Trong khi ấy thì thế giới cứ vùn vụt tiến tới.

1) Không đoàn kết

Thất bại lớn nhất, theo tôi, là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hòa bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài gòn, bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Đào Duy Anh (đã có hồi sống ở Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam) khi được mời phát biểu ý kiến, chỉ nói mỗi một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ; quan trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.

Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc, Nam đã không muốn thống nhất với Bắc rồi. Từ đó, tinh thần chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi tăng, năm nay (1980) có thể nói 90% người miền Nam hay hơn nữa, muốn tách khỏi miền Bắc.

Có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “ngụy” hết, trụy lạc, bị nhiễm độc nặng của Mĩ. Ngay hạng trí thức miền Bắc như ông Đào Duy Anh cũng có thành kiến rằng dân Sài gòn hư hỏng quá rồi Họ chỉ nhìn bề ngoài, chỉ thấy một số thanh niên híp pi, lêu bêu ở ngoài đường; tôi phải giảng cho họ hiểu rằng đó chỉ là thiểu số, chứ đại đa số người trong này ghét Mĩ, ghét văn minh Mĩ, có thể nói gia đình nào cũng có người có cảm tình với kháng chỉến, giúp kháng chiến cách này hay cách khác, nếu không vậy thì làm sao kháng chiến thành công được. Chỉ nội một việc biết người nào đó là kháng chiến mà không tố cáo cũng đủ có công với kháng chiến, chớ đừng nói là còn che chở, giúp tlên bạc, tiếp tay cho nữa. Chỉ trừ một số phản quốc, theo Mĩ, Thiệu triệt để vì quyền lợi, còn thì không có gia đình nào trong Nam là ngụy cả. Một số người yêu nước, có tư cách, mới đầu gia nhập kháng chiến, sau vì lập trường chính trị, phải rời hàng ngũ, về thành, mà không ưa Pháp, Mĩ, hạng đó không nên coi người ta là ngụy. Bọn thanh niên hư hỏng chỉ ở Sài gòn mới có nhiều, mà tỉ số không cao so với những thanh niên đứng đắn.

Người Bắc coi người Nam là ngụy, đối xử với người Nam như thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là ngụy thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”.

Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật - điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học - thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau... Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú...

Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng... “

Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết: địa phương nào chỉ làm lợi cho địa phương đó, không nghĩ tới quốc gia; cơ quan nào cũng chỉ làm lợi cho cơ quan mình mà không giúp đỡ cho cơ quan bạn; ai nấy chỉ lo cho bản thân mình thôi mà không nghĩ tới đoàn thể. Một ông bạn tôi ở Hà nội vào Sài gòn để đòi số tiền vài cơ quan khác thiếu của cơ quan ông. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đâu phải là xí nghiệp tư mà giữ tiền lại để làm lợi cho mình. Đều là của công hết mà. hễ thu được tiền thì tự nhiên họ trả lại cho cơ quan anh, sao phải vào tận đây để đòi?” Anh bạn ấy đáp: “Nếu họ nghĩ như anh thì còn nói gì?”.

Trong mỗi cơ quan ở Sài gòn cũng có sự chia rẽ. Cùng là công nhân viên cả, mà bọn ở Bắc vô không ưa bọn Liên khu 5; hai hạng đó đều khinh bọn ở bưng trong Nam về; bọn này lại không chơi với bọn trước kia tập kết ra Bắc, nay trở vô Nam; bọn “nằm vùng” cũng không ưa bọn tập kết về đó; bị khinh nhất là bọn ngụy được tạm dùng lại, mà bọn này thạo việc hơn hết. Chỉnh vì thiếu đoàn kết cho nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; đo đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và ở Bắc có câu này: Nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.

Hễ thân với nhau thì giúp đỡ nhau, công việc gì cũng dễ dàng, chứ cứ áp dụng đúng qui chế thì khó khăn nhất, chậm trễ nhất; người ta lè phè, tà tà, không làm cho mình đâu, nhắc nhở hoài chỉ làm cho người ta thêm ghét. Cờn đâu là tinh thần tập thể nữa?



2) Bất công

Điểm thứ nhì làm cho chúng ta thất vọng là xã hội còn bất công hơn thời trước nhiều.

Marx và Lénine muốn tạo một xã hội không có giai cấp, công bằng, bình đẳng. Nhưng Staline cho sự bình đẳng là “không xứng” (indique) với một xã hội theo chủ nghĩa xã hội (1), và ở Nga, theo nhà bác học Sakharov (trong một bài báo đã dẫn) thì năm 1972 xã hội đã bất bình đẳng mà còn bất công. Không còn tình trạng tư bản bóc lột thợ thuyền, nhưng giai cấp lãnh đạo được hưởng rất nhiều quyền lợi còn giai cấp công nhân thì sống thiếu thốn. Cây quạt lương bổng (eventail des salairs) vẫn mở rộng, có phần còn hơn ở các nước tư bản; nói cách khác, lương giữa một viên giám đốc với một thợ không chuyên môn còn cách biệt nhau rất xa, hơn ở phương Tây. Kravchenko trong cuốn đã dẫn cũng phàn nàn rằng các đồng chí “bự” (grosses légumes) sống như ông hoàng, có phòng ăn nêng, thức ăn riêng, tiệm mua dược phẩm riêng, thợ hớt tóc riêng, nhà thương riêng, cầu tiêu riêng... cái gì cũng riêng, và ông ta chua xót thấy cách bóc lột thời ông bất lương hơn cách thời Nga hoàng (trang 525, 105).

Ở nước mình cũng như Nga, không còn cái tệ tư bản bóc lột thợ thuyền; chế độ lương của mình còn hơn Nga là không có sự cách biệt rất xa giữa cấp cao và cấp thấp: công nhân viên mới vô được khoảng 40 đồng một tháng, kĩ sư mới ra trường được khoảng 55 đồng, giám đốc khoảng 150 đồng, bộ trưởng 200 đồng; nhưng các cán bộ cao cấp cũng được hưởng rất nhiều quyền lợi, tha hồ mua thức ăn, đồ dùng đủ thứ với giá chính thức; nghe nói có trường hợp vợ họ mua về bán chợ đen; và một người Nga hay Đức đã phải bảo lương những cán bộ tuy chỉ có 200 đồng mà sự thực họ được hưởng ít nhất là 2.000 đồng. Thủ tướng Phạm văn Đồng có lần đề nghị sửa đổi chế độ lương bổng: tăng lương cho những cấp trên, nhưng sự phân phối nhu yếu phẩm thì đồng đều; đề nghị đó bị đảng bác bỏ.

Có người nói một số “ông lớn” đi đâu cũng có người hầu xách bình nước sâm Cao li để ông lớn uống thay trà; một ông nọ luôn luôn có một bác sĩ ở bên và một thiếu nữ quạt hầu vì ông không chịu được quạt máy. Tôi không biết những tin đó đúng hay không, chỉ biết những tin đó do “anh em cách mạng” đưa ra cả.

Một ông bạn tôi bảo có vô nhà thương mới thấy có cả chục (sic) giai cấp bệnh nhân, tùy giai cấp mà được ở phòng nào, khám bệnh ra sao, trị bệnh ra sao, cấp thứ thuốc nào v.v…

Người chết cũng phân biệt giai cấp khi đăng cáo phó: cán bộ thường thì được mấy phân trên cột báo, cán bộ bự thì được mười mấy phân; lời cáo phó cũng theo những tiêu chuẩn riêng. Đúng là đường lối Staline.

Sài gòn được giải phóng vài năm thì ta thấy xuất hiện ngay một hạng giàu sang mới nổi, thay thế bọn giàu sang thời Thiệu, và cũng thích những xa xí phẩm (áo hàng thêu, hột xoàn, máy điều hòa không khí v.v...) của thời Thiệu. Tiền đâu mà họ mua những thứ đó nhỉ?

Sự bất công chướng nhất, tàn nhẫn nhất là lương công nhân viên từ 1975 cứ đứng yên trong khi sự phân phối nhu yếu phẩm giảm đi gần hết, chỉ còn gạo, bo bo là tạm đủ, nhất là trong khi mãi lực của đồng bạc năm 1980 chỉ còn bằng 1/10 năm 1975; thành thử lương một công nhân viên chỉ đủ để mua củi chụm, lương một bác sĩ mới ra trường chỉ đủ để mua rau muống ăn. Khắp thế giới không đâu có chế độ lương bổng kì cục như vậy (2). Người nào cũng phải bán đồ đi mà xài, nhờ cha mẹ giúp đỡ, nếu không thì phải xoay xở mọi cách, làm sao sống được thì làm, chính phủ không biết tới. Một cán bộ ở Hà nội đã phàn nàn: “Người ta có rất nhiều quyền hành mà không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả. Thật lạ lùng!” Kravchenko (trang 185) nói chính phủ Nga bắt dân đói để dân biết phép chính phủ mà phải răm rắp tuân lệnh. Ở nước ta không đến nỗi như vậy, có áp dụng chính sách đó thì chỉ áp dụng cho những kẻ thù của chế độ thôi, tức bọn ngụy quân ngụy quyền còn ở trong một số trại cải tạo.



3) Thiếu kỉ luật

Không ai có trách nhiệm mà tinh thần bè phái quá nặng, nên không có kỉ luật, dưới không tuân trên, loạn.

Chương trên tôi đã nói tới cái tệ mỗi tỉnh là một tiểu quốc, địa phương tự do tới mức không tuân lệnh trung ương (ngay xã cũng không tuân lệnh tỉnh, huyện), lấy lẽ rằng chỉ địa phương mới hiểu tình trạng của địa phương, cấp trên không nên xen vào; cái tệ nhân viên được lệnh đi công tác mà không đi, nằm ỳ ở nhà, một tuần sau trở lại sở, trả sự vụ lệnh mà không bị khiển trách; cái tệ nhân viên muốn bỏ sở về giờ nào thì về, lấy cớ là phải kiếm gạo, chủ nhiệm đành làm thinh, chứ không biết đáp sao.

Tôi kể thêm một trường hợp nữa. Ông giám đốc một cơ quan nọ đến tuổi về hưu, bảo người giúp việc: “Tôi sẽ không về, về thì mất hết quyền lợi: xe hơi, “bìa” (sổ đặc biệt đề mua nhu yếu phầm), nhà ở v.v..., mà còn bị xã ấp nó ăn hiếp, hoạnh họe cái này, cái khác; không, tôi không về,” Một ông giám đốc mà sợ công an ấp vì công an có quyền bắt ai thì bắt, giam ai thì giam. Một viên công an bảo: “Tôi làm việc bốn năm năm rồi, mà bây giờ mới biết quyền hạn của tôi, từ trước tôi muốn làm gì thì làm”.

Vì mất kỉ luật, cho nên thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự: ở miền Nam trốn tới 90%, có nơi cả 100% mà vẫn sống yên ổn. Bắt được họ, đưa họ ra mặt trận, họ lại trốn nữa. Không thể giam hoài họ được, gạo đâu mà nuôi? Họ sống yên ổn ngay ở làng vì chỉ cần đút lót cho công an là êm. Còn nạn đào ngũ thì toàn quốc tới 25%. Trước kia người ta hi sinh để giành độc lập; bây giờ độc lập rồi lại đánh nhau với nước anh em, người ta không hăng hái nữa.

Nghe nói ở một tỉnh nọ, viên giám đốc sở tài chánh kiêm giám đốc ngân hàng (?) ôm 60 lượng vàng cùng với 30 viên công an xuống một chiếc tàu của chính phủ, mang theo đầy đủ khí giới (và không biết bao nhiêu lượng vàng nữa) dể vượt biên. Tin đó chưa lấy gì làm chắc nhưng chuyện công an - cây cột chống đỡ chế độ - ôm vàng vượt biên thì mấy năm nay nghe thường quá rồi.

Tinh thần vô kỉ luật đó, không biết một phần có phải do chính sách giáo dục trẻ em không. Người ta cấm đánh trẻ - điều đó có thể hiểu được - cấm nghiêm khắc với trẻ, chúng nghỉ học thì lại nhà mời chúng đi học; chúng làm biếng thì không bị phạt mà cô giáo bị trách là dạy dở. Kì tựu trường có nơi còn tổ chức múa lân, đốt pháo để dụ trẻ em đi học nữa. Cô giáo nào mời được ít trẻ thì bị rầy. Riết rồi cô giáo ngán dạy quá, cứ tự ý nghỉ bừa, hiệu trưởng phải tới nhà năn nỉ, nếu không thì lỗi ở hiệu trưởng chứ không phải ở cô giáo. Và người ta ngán luôn cả nghề sư phạm: dốt hoặc muốn tránh nghĩa vụ quân sự mới phải thi vô sư phạm.

Kỉ luật như vậy, trẻ em càng được thể làm biếng, sức học rất kém, mà tính ngỗ nghịch (bóp vú cô giáo như trên đã nói) thì quá sức tưởng tượng. Một số cán bộ già ớ Bắc vô nhận rằng trẻ em trong này ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng tôi sợ rằng ít năm nữa, chúng đuổi kịp bạn chúng ở Bắc mất.

4) Kinh tế suy sụp

Sự thất bại hiển nhiên nhất của chế độ là sự suy sụp của kinh tế mà tôi đã trình bày sơ lược ở trên. Hậu quả là Việt nam trước thế chiến tự hào là “tiền rừng bạc bể”, có những đồng lúa, đồn điền cao su mênh mông ớ miền Nam, những mỏ than, mỏ phốt phát phong phú ớ miền Bắc mà bây giờ thành một trong vài nước nghèo nhất thế giới.

Từ ngày 30-4-75, do những đồng bào ớ Bắc vào, chúng ta ở Nam mới lần lần biết cảnh điêu đứng của dân tình ngoài đó sau hai chục năm sống dưới chế độ mới. Từ trên xuống dưới ai cũng phải ăn độn có khi 60-70% (3); có hồi gạo quí tới nổi người ta cất vào trong những cái thố, cái liễn, trân trọng như nhân sâm, chỉ khi nào đau ốm mới lấy ra một nhúm để nấu cháo; ngày tết mà có đủ gạo nấu cơm cúng ông bà là mừng lắm; khi nào được ăn một bữa cơm không độn với nước mắm thôi thì coi như được dự một bữa tiệc. Nước mắm rất hiếm, có người ở Nghệ an hay Hà tĩnh mấy năm không có nước mắm ăn, gặp người trong Nam ra đem theo nước mắm, xin một vài muỗng rồi cầm nuốt ực ngay hết, không đợi đem về nhà.

Bát ăn mỗi người mỗi năm chỉ được một cái, hễ vỡ thì phải ăn bằng sọ dừa. Vải mỗi năm chỉ được phát một hai thước đủ để vá áo. (Ở miền Nam năm 1980, có nơi mỗi người chỉ được 6 tấc.)

Nhiều người vào Sài gòn thăm bà con, khi ra vơ vét đủ thứ, từ cây đinh, khúc dây chì, lon sữa bò, ve chai... đem ra, vì ở ngoài đó thường cần dùng tới mà không kiếm đâu ra. Họ cho miền Nam này là thiên đường. Nhưng một người Ba lan trong ủy ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bảo chỉ trong 5 năm, miền Nam sẽ “đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phấm, quần áo... về giúp bà con ở đây thì chúng ta hiện nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi.

Dân miền Nam từ xưa chưa bao giờ biết đói, phải ăn độn thì năm 1979 đã phải ăn độn 70-80%, có những gia đình phải ăn bữa cơm bữa cháo, có cô giáo và học sinh đói quá, tới lớp té xỉu

Nhà nào cũng bán đồ cũ đi để ăn; nhiều giáo viên nhà đã trống rỗng, không còn bàn ghế nữa, ăn ngủ trên sàn. Ai cũng chỉ lo sao có cái gì nuốt cho đầy bao tử, chứ không dám nghĩ tới miếng ngon. Tết Canh Thân vừa rồi, ở Long xuyên, nhà một giáo viên hồi hưu, trên bàn thờ ông bà chỉ bày một đĩa có mấy chiếc bánh phồng và bánh gai, không có một đòn bánh tét, một quả dưa hấu.

Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ... để bán cho “ve chai”. Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá.

Ở Bắc tình hình hiện nay điêu đứng hơn những năm kháng Mĩ. Nghe nói ngoài đó đã xuất hiện câu ca dao (4):

Anh Đồng, anh Duẩn, anh Trinh,
Ba anh có biết dân tình cho không?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân.

Ở Nam có nơi hai tháng nhân viên chưa được lãnh lương, chắc nhiều gia đình không đủ tiền mua rau muống cho con nữa. Một bạn tôi đã phải ăn nước mắm kho khô.

Không có tiền mua rau thì làm gì có tiền mua thịt. Muốn lâu lâu có thịt thì phải nuôi heo, gà, cho nên nhiều cơ quan ngay khi mới thành lập đã nghĩ ngay đến việc hùn tiền (hay lấy trong quĩ?) mua heo con, phân công nhau nuôi tại khu ở tập thể, như vậy đến lễ, tết mới có thịt liên hoan. Người ta thèm thịt quá, cho nên liên hoan lu bù, bất kì một dịp gì cũng liên hoan được: một bạn đồng nghiệp được ban khen, ngày tựu trường, bãi trường, họp bạn để học tập, ban hành hiến pháp mới, làm xong một công tác, mỗi ngày lễ, tết... mỗi năm liên hoan cả chục lần là ít.

Cơ quan nào cũng có đủ nhà bếp, chén đĩa, xoong chảo, người làm bếp (lựa trong nhân viên) để nấu ăn làm tiệc Và khi ngồi vào bàn tiệc thì chẳng ai mời ai, đợi ai, mạnh ai nấy gắp, ăn cho thật mau (tới nỗi có người bảo cứ nuốt trước rồi sẽ nhai sau!), tệ gấp 10 thói ăn uống ở đình làng mà Ngô Tất Tố đã mạt sát trong cuốn Việc làng.

Nghèo thì sinh ra ở bẩn. Ngay trong khu tập thể một trường Đại học Hà nội, phòng một giáo sư ở Pháp về cũng dơ dáy, từ sàn gạch đến tường đều đầy vết bẩn. Hỏi như vậy làm sao chịu được, ông ta nhún vai đáp: “Lâu rồi quen đi” Không nên trách ông ta. Dù muốn sống sạch cũng không thể được: đâu có vôi để quét tường? đâu có xà bông để rửa sàn? đâu có giẻ để lau? Nước thì có nhưng phải xuống dưới sân để hứng rồi xách lên 5-6 chục bực thang, ai mà không ngại?

Phải, lâu rồi thì quen đi. Nếu tình trạng không thay đổi thì chỉ mươi năm nữa, toàn dân sẽ quen đi, không thấy gì là bẩn nữa. Hiện nay ở trong Nam đã nhiều nhà để bụi đóng đầy bàn ghế - mà trước kia họ sống rất sạch - mạng nhện giăng đầy trần, còn dân thị xã thì đã quen với cảnh bốn năm người cùi nằm trên đường đưa tới chợ, lăn ở giữa chợ để xin ăn.

Câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” của ông cha, chúng ta không giữ được vì chúng ta nghèo tới mức không thể ở sạch được.



Xã Hội Sa Đọa

Điều đáng ngại nhất là sa đọa về tinh thần, tới mất nhân phẩm.


1) Tham nhũng

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu... Cái tệ đó còn lớn hơn tất cả các thời trước.

Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dể kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bênh vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đọa thêm chứ để chúng mau sụp đổ”.

Có những ông trưởng ti uống mỗi ngày một ve Whisky (tôi không biết giá mấy trăm đồng), hút hai ba gói thuốc thơm 555 (30 đồng một gói). Bọn đàn em của họ cũng hút thuốc thơm, điểm tâm một tô phở 6 đồng, một li cà phê sữa 4 đồng, sáng nào như sáng nấy mà lương chỉ có 60-70 đồng một tháng.

2) Ăn cắp

Như vậy thì tất phải có những vụ ăn cắp của công (Kho một trung tâm điện lực nọ cứ bốn năm tháng lại mất trộm một lần mà không tra ra thủ phạm; rất nhiều bồn xăng bị rút cả ngàn lít xăng rồi thay bằng nước...), thụt két, ôm vàng trong ngân hàng đề vượt biên, có khi lại tạo ra những vụ kho bị cướp, bị cháy v.v... Y tá ăn bớt thuốc của bệnh nhân rồi tố cáo lẫn nhau, giám đốc biết mà không làm gì được. Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi. Vì vậy chúng càng hoành hành, ăn cắp, ăn cướp giữa chợ, cảnh sát làm lơ, còn dân chúng thì không dám la, sợ bọn chúng hành hung. Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

3) Buôn lậu

Nạn “phe phẩy” (buôn lậu, làm chợ đen) còn bành trướng hơn nữa. Có thể nói một phần ba dân miền Nam (ở Bắc chắc ít hơn) làm nghề đó. Họ móc nối với những nhân viên kiểm soát, với giới xe đò; và cứ năm chuyến bị tịch thu một chuyến thì họ vẫn còn sống được. Chỉ có nghề đó là đủ ăn, đôi khi phè phỡn nữa, còn làm nghề gì khác cũng sạt nghiệp. Bọn “lơ xe” bán vé cho bọn buôn lậu đó, giấu hàng cho họ, kiếm mỗi ngày được 200 đồng, bằng lương tháng một bộ trưởng. Dĩ nhiên họ cũng phải chia một phần cho công an, kiểm soát viên. Họ hút toàn thuốc thơm, uống toàn cà phê fin (filtre: lọc), ăn một tô phở 6 dồng (giá 1980), bận toàn đồ Mĩ. Người ta gọi họ là các “ông lơ”. Một đứa cháu của tôi học lớp 9, vào hạng tiên tiến, thấy họ sống sung sướng như vậy, muốn bỏ học để học làm lơ xe, cũng bắt đầu hút thuốc lá, uống cà phê rồi.

Ngoài Bắc không có gạo ăn mà miền Tây trong Nam làng nào cũng có cả chục lò - nghe nói có làng cả 100 lò - nấu rượu lậu để đưa lên Cao miên và tiêu thụ ngay trong miền. Người ta pha vào trong rượu một chất hóa học gì đó - thuốc trừ sâu - cho nồng độ của rượu cao; uống rất có hại.

Người ta nói đã có những vụ buôn lậu thuốc phiện; nếu có thì cũng nhỏ thôi, kém xa thời Mĩ, Thiệu. Nhưng đồ lậu như vải, thuốc thơm, thuốc tây... thì khoảng một năm nay lan tràn thị trường: tàu Thái lan đậu ngoài khơi, ghe tàu của mình từ bờ băng ra, đưa vàng ra đổi các thứ đó, cả đồng hồ điện tử từ Singapore hay Nhật bản nữa.

Lại thêm dọc biên giới Việt - Miên, Miên - Thái có nhiều đường buôn lậu từ Thái qua Miên rồi qua Việt. Không biết vàng Việt nam mỗi năm chạy ra nước ngoài bao nhiêu.

Có đồ lậu thì luôn luôn có đồ giả. Bọn tàu Chợ lớn cái gì cũng làm giả được, từ rượu tới thuốc hút, dầu thơm... nhiều nhất là dược phẩm Tây phương, vì thứ này vừa hiếm vừa đắt. Một bác sĩ khuyên tôi đừng mua Ampicilline, B12, Vitamine C (chích), Syncortyl ở chợ trời. Chị hốt rác trong khu tôi ở một buổi sáng thấy trong một thùng rác một bọc lớn đầy ống Vitamine C để chích. Có tới 200 ống, mỗi ống 2cc, mà chỉ bán cho người ta có 6 đồng. Chỉ khổ dân quê. Thế nào cũng có y sĩ, y tá chích cho họ thứ đó và chém 5 hay 3 đồng một mũi.

Nạn cờ bạc không công khai như trước, nhưng nạn “xổ số đuôi” thì công khai rồi; người ta bàn nhau nên đánh số nào, số nào ở ngay giữa chợ. Xưa mỗi tuần chỉ xổ số một lần, nay mỗi tuần bảy tám lần vì tỉnh nào cũng xổ số, tự trị mà! Người dân chỉ ngong ngóng chờ giờ xổ số để dò số mà bỏ bê công việc. Nhiều người sạt nghiệp, nhưng cũng có nhiều người nhờ đó kiếm được miếng ăn; thầy giáo hồi hưu, đại úy đi cải tạo về, ngồi bán giấy số ở chợ, kiếm được mươi đồng một ngày.

Nạn cho vay nặng lãi cũng kinh khủng. Một cán bộ giáo dục, đảng viên, cho bạn trong sở vay 100 đồng, mỗi tuần trả lời 20 đồng, tính ra mỗi năm 1.000 đồng, vốn được nhân lên gấp 10. Bạn hàng ở chợ không chơi hụi tháng như xưa nữa, mà chơi hụi tuần, hụi ngày!

Nạn đĩ điếm đã hết đâu. Ngay cuối năm 1975, một cán bộ cách mạng đã bảo các bạn kháng chiến ở bưng về mắc bệnh hoa liễu hết rồi; một số cán bộ rất nghiêm trang đạo mạo - có kẻ ngoài 70 tuồi - từ Hà nội vào, năn nỉ các bạn trong Nam chỉ chỗ cho họ hưởng thú mê li đó một lần cho biết mùi. Chỉ khác là bây giờ người ta làm nghề đó một cách không lộ liễu quá như trước. Họ rất thích sách khiêu dâm, và loại sách này với loại truyện chưởng lan ra Bắc từ mấy năm nay rồi.

Tóm lại bao nhiêu cái xấu xa thời trước vẫn còn đủ mà có phần còn tởm hơn nữa.



Con Người Mất Nhân Phẩm

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hóa ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa.

Gởi họ mang ra giùm một cuốn sách tặng một người ở Hà nội, họ giữ lại 5-6 tháng, vợ chồng con cái, bạn bè coi cho hết lượt, sách nhàu rồi, họ mới đem lại cho người nhận sách; có khi họ lấy luôn, nhắc họ, họ bảo thất lạc, để kiếm. Mà ba người nhận được sách thì chỉ có một người cảm ơn tôi.

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Thời Pháp thuộc, không bao giờ nhân viên bưu chính ăn cắp đồ trong các bưu kiện. Thời Nguyễn văn Thiệu thỉnh thoảng có một vụ ăn cắp nhưng nhỏ thôi. Từ bốn năm nay ở khắp miền Nam, cứ 10 bưu kiện ở ngoại quốc gởi về thì có 6-7 bưu kiện bị ăn cắp hoặc đánh tráo vài ba món, thường là dược liệu và vải. Kêu nài thì nhân viên bưu chính bảo: “Không nhận thì thôi; có muốn khiếu nại thì cứ làm đơn đi”. Không ai buồn khiếu nại cả vì cả năm chưa có kết quả, mà nếu có thì số bồi thường không bõ. Cho nên chúng tha hồ ăn cắp, ăn cướp một cách trắng trợn. Trắng trợn nhất là chúng lấy trộm tất cả bưu kiện trong một kho, như ở Long xuyên năm 1981; nếu là kho lớn thì chúng đốt kho như ở Tân sơn nhất hai năm trước.

Nhơ nhớp nhất là vụ một cán bộ nọ vào hàng phó giám đốc, mưu mô với vợ, làm bộ tổ chức vượt biên cho vợ chồng con cái một đứa cháu ruột, bác sĩ ở Sài gòn, nhận mấy chục lượng vàng của cháu (và sáu chục lượng vàng của gia đình bên vợ đứa cháu đó nữa vì họ cũng muốn vượt biên), rồi lừa gạt người ta, tố cáo với công an bắt hết cả nhóm trên mười người khi họ ra Vũng tàu chờ ghe đưa ra khơi. Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hóa rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.

Sống dưới chế độ cộng sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm vỉệc điểm chỉ đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó.

Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng. Để cho bác sĩ ngụy đủ sống mà khỏi vượt biên, chính phủ năm 1980 cho phép họ ngoài giờ làm việc được khám thêm bệnh ở nhà và định cho họ số tiền thù lao là 1 đồng ở Sài gòn, 0,8 đồng ở tỉnh (5). Nhưng ở Long xuyên bác sĩ nào cũng thu của bệnh nhân 10 đồng. Có kẻ ra một cái toa cần 9 thứ thuốc toàn thứ đắt tiền, trị đủ các bệnh: tim, phổi, gan, thận, bao tử... cho một bà lão suy nhược, rồi bảo lại mua của một tên buôn lậu đồng lõa với họ. Tính ra toa đó mua cho đủ thì mất cả triệu đồng cũ (2.000 đồng mới). Một số bác sĩ không làm tiền cách đó, không ra toa mà bắt bệnh nhân mỗi ngày lại để các ông ấy cho thuốc và chích cho, và phải trả các ông ấy từ 60 đồng đến 100 đồng mỗi lần. Năm 1981, tiền thù lao từ 10 đồng đã hạ xuống còn 5 đồng, có lẽ vì bác sĩ làm riêng khá đông, cạnh tranh nhau. Và tháng 7-1981 có lệnh không cho bác sĩ công làm tư tại nhà nữa, mà muốn làm tư thì lại dưỡng đường làm ngoài giờ làm việc. Chưa thấy ai theo.

Bệnh nhân lỡ mà chết thì bị hàng xăng tống tiền: quốc doanh định 45 đồng kể cả một bịch thuốc lá và 4 thước vải thô, nhưng tang gia phải trả 400 đồng thì xăng mới được ghép lại kĩ, khỏi trống hổng trống hoảng với 8 cây đinh đóng hờ. Rồi tới nhà đòn cũng đầu cơ: hạ huyệt xong, phủ qua một lớp đất cho bằng mặt, muốn có cái mồ cho ra mồ thì phải đưa thêm vài trăm đồng nữa. Nếu đem thiêu mà cứ nộp đúng lệ thì xương ống, xương hông bị ném riêng vào một chỗ, chứ không thiêu hết. Ai nỡ để cha mẹ mình què!

Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lí như vậy. Vì biết mình phi lí nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép cả giáo viên ngụy dạy thêm tại nhà.

Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp, có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đọa của con người, sự suy sụp của kinh tế. Ông Hồ Chí Minh có lần nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hóa mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi ông thốt ra lời trên chăng?

Phong Trào Vượt Biên

Tôi không biết trước giờ giải phóng, từ Bến hải trở vào trong số trên 20 triệu dân có bao nhiêu người vội vã di cư để trốn cộng sản. Dăm bảy ngàn hay vài chục ngàn? Người nào cũng có tâm trạng não nề: bỏ quê cha đất tổ, bỏ thân thích bạn bè, bỏ cả sản nghiệp (có người mới mua được ngôi nhà vài ba chục triệu - hồi đó khoảng 100.000 đồng cũ một lượng vàng - chưa ở được 5-6 tháng đã phải bỏ lại) để qua nước người ăn nhờ ở đậu, làm thứ công dân “da màu”, một thứ công dân hạng hai, và bắt đầu xây dựng lại từ đầu; như vậy ai mà vui cho được? Những người đi đó hoặc là quân nhân, công chức trong các chính phủ trước, hoặc đã có thời sống với cộng sản ở Bắc, sợ chế độ ngoài đó, đã di cư một lần nay lại di cư lần thứ hai. Những người ở lại xét chung, đều sẵn sàng chấp nhận chế độ mới, dù chưa biết rõ nó ra sao; một số đông còn hăng hái tiếp tay với chính quyền mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho tương lai nữa.

Nhưng chẳng bao lâu nhiều người thất vọng, qua năm 1976, đã có lác đác một số thanh niên vượt biên. Họ không có tổ chức, không chuẩn bị kĩ, lên miền cao nguyên ở Trung rồi kiếm đường qua Lào, từ Lào sẽ qua Thái lan. Họ bị bắt hoặc thấy nguy phải quay về.

Từ năm 1977 người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức một bà già nông dân miền Tây phải nói: “Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian lao cực khổ tới mức nào, hễ ra khỏi được nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn ở lại trong nước mà chết lần chết mòn, người ta nghĩ vậy. Cha mẹ già chỉ có mỗi một người con mà cũng khuyên nó vượt biên; chồng đi “cải tạo” - nghĩa là bị giam trong những trại tập thể chưa biết bao giờ mới được về vì là “ngụy hạng nặng”, phải cải tạo tư tưởng, đời sống - cũng nhắn vợ con vượt biên được thì cứ vượt, dắt con theo. Một thanh niên vượt biên thoát mới tới Thái lan đánh điện về cho cha mẹ: “Ba má nhớ hôm nay là ngày sinh nhật của con không?” và cha mẹ mỉm cười, hiểu.

Có ba cách vượt biên.

Cách chính thức, sướng nhất là có người thân, cha mẹ, vợ chồng hay con cái ở ngoại quốc xin cho được đoàn tụ gia đình. Trường hợp đó được chính phủ cho phép, được ủy hội quốc tế tị nạn (Haut commissariat des réfugiés: H.C.R.) giúp đỡ. Đơn gởi rồi, sáu tháng hay một hai năm sau được đi. Sớm muộn là tùy mình biết “phải trái” hay không. Đi thì gia sản để lại hết, chỉ được mang theo ít tư trang với ít tiền ăn đường.

Cách bán chính thức, theo nguyên tắc, cho người Việt gốc Hoa, nhưng người gốc Việt mà muốn thành gốc Hoa thì cũng không khó. Có tiền là được hết.

Một người đứng ra tổ chức, nộp đơn xin cho cả nhóm người - khoảng vài trăm - vượt biên kèm theo hồ sơ của từng người, và nộp cho chính phủ 4 lượng vàng. Chính phủ cho phép rồi, bọn người đó tập trung lại một nơi, hùn nhau đóng thuyền, đóng xong, chính phủ sẽ cho công an xuống xét thuyền, xét lí lịch, hành lí từng người (mỗi người cũng chỉ được mang theo ít tiền thôi), rồi cho phép nhổ neo ra khơi, chính phủ bảo đảm an ninh cho tới khi ra hết hải phận quốc gia, rồi từ đó thuyền muốn đi đâu thì đi, chính phủ không biết tới. Rất ít nước chịu tiếp thu bọn đó, và xét kĩ từng người rồi mới cho lên bờ.

Có thuyền chở khẳm quá, thuyền đóng cho 200 người thì chở tới 300, lại thêm chính quyền địa phương “gởi” một hai trăm người nữa, ngồi chen chúc nhau như cá hộp, không nhúc nhích được, như vậy ba bốn ngày, ăn uống, đi tiểu rất bất tiện mà cũng rán chịu. Có chiếc vừa ra khơi được vài chục hải lí, gặp cơn dông, chìm, xác chết tấp vào bờ, ngồn ngang trên bãi cát.

Có trường hợp chính phủ đã nhận đủ vàng, thuyền đóng chưa xong thì có lệnh trên hoãn các cuộc vượt biên chính thức lại; hoãn cả năm rồi và hiện nay (1980) còn rất nhiều người phải ở chỗ đóng thuyền, vì họ làm khai sinh giả, nhà đã bị tịch thu, chỗ đâu mà về. Họ xin chính phủ trả lại số vàng, chính phủ chỉ trả một phần ba, hoặc trả tất cả theo giá vàng chính phủ định, không bằng 1/5 giá vàng trên thị trường. Họ lêu bêu, thành một bọn vô gia cư, vô nghề nghiệp, sống cực điêu đứng.

Cách thứ ba là đi chui, nghĩa là đi lậu. Một người đứng ra tổ chức, một nhớm từ 20 đến 4-5 chục người, hùn nhau từ 4 đến 7-8 lượng vàng đóng thuyền, kiểu thuyền đánh cá, mua một bãi biển, nghĩa là đút lót cho công an, chính quyền ở làng có bãi biển, đút lót cả cho công an vài nơi chung quanh để người vượt biên khỏi bị xét hỏi, thuyền yên ổn được rời bến ban đêm. Công an những nơi có bãi biển đó nhờ vậy làm giàu rất mau, có kẻ chỉ một hai năm được vài chục lượng vàng và ôm vàng vượt biên. Do đó mà trong dân gian xuất hiện truyện tiếu lâm dưới đây.

“Một hôm nọ, người canh lăng bác Hồ bỗng thấy xác ướp của bác biến đâu mất, hoảng hốt đi tìm khắp nơi, tìm ở nhà sàn của bác không thấy, về quê hương bác ở Nghệ an cũng không thấy, nghi rằng bác vào chơi thành phố của bác, liền vào Sài gòn kiếm, sau cùng một đêm, thấy bác ngồi một mình, rầu rĩ ở bến Sáu kho, thành phố Hồ Chí Minh, hỏi bác, sao lại ra ngồi đấy, bác đáp: “Bác không muốn ở nước này nữa, muốn qua phương Tây đây, mà tụi công an đòi bác sáu cây, bác có cây đâu mà nộp cho chúng”

“Cây” là “cây hai lá rưỡi” nói tắt, tức một lượng vàng vì mỗi lượng có hai lá rưỡi vàng”.

Thường là thoát được, ít khi gặp tàu tuần; nhưng nhiều khi gặp bão, thuyền chìm, làm mồi cho cá mập, hoặc gặp bọn cướp biển Thái lan. Chúng vơ vét hết, chỉ chừa cho mỗi người một cái quần cụt, và có thiếu phụ bị chúng hiếp dâm tới 19 lần (6). Sau cùng may phước tới được bờ biển Thái lan hay là một đảo Mã lai - sướng nhất là được một tàu Tây phương vớt - lúc đó mới kể là còn sống.

Có một trường hợp xui lạ lùng. Một đoàn người lên được một đảo Mã lai, ở được ít lâu rồi một hôm chính quyền trong đảo lùa họ xuống hết thuyền của họ, bảo đề đưa đến một đảo khác; nhưng ra khơi, chúng cắt đỏi cho thuyền trôi đâu thì trôi (máy móc bị chúng gỡ rồi) và ít ngày sau, thuyền giạt vào bờ biển Cà mau, bị bắt giam hết, người thì 5-6 tháng, người thì 3 năm.

Mặc dầu nguy hiểm như vậy, người ta vẫn không sợ, thua keo này bày keo khác. Có người tới lần thứ tư mới thoát, lại có người lần thứ 10 vẫn chưa thoát, mà sản nghiệp tiêu tan hết, không biết sống bằng gì.

Có người mạo hiểm dám băng ra khơi bằng một chiếc tắc ráng (ho-bo): loại xuồng nhỏ, chở được độ mươi người, chạy bằng xăng, lướt trên nước rất mau. Vậy mà thoát được

Từ cuối 1979 thêm một cách vượt biên nữa bằng đường bộ, ngã Cao miên. Hoặc theo xe nhà binh, hoặc theo người Miên đi buôn lậu, lên tới Nam vang rồi tới Battambang, Sisophon. Phải mang theo vàng để đóng thuế mãi lộ. Tới biên giới Thái lan, nếu biết tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ được Ủy hội quốc tế tị nạn giúp đỡ. Nghe nói cách đó chỉ tốn 2-3 lượng, mỗi chuyến đi chỉ được vài ba người ăn bận như bọn buôn lậu. Cũng nguy hiểm như vượt biển. Một đứa cháu nhà tôi trong túi chỉ có 100 đồng, không biết tiếng Miên, không quen ai ở Miên mà cũng vượt biên cách đó

Người nào vượt biên được một nước nào tiếp thu rồi, được trợ cấp hay kiếm được việc làm rồi, cũng gởi ngay về cho thân nhân một gói thực phẩm, thuốc uống, qưần áo... bán được một hai ngàn đồng. Họ làm lụng cực khổ, (rửa chén trong quán ăn...) nhịn hút thuốc đề giúp gia đình vì biết rằng người ở lại thiếu thốn gấp mười họ. Chính nhờ họ mà nhiều gia đình miền Nam mới sống nổi, nhờ họ một phần mà dân miền Nam có thuốc tây để uống, có vải may quần áo, không đến nỗi rách rưới quá. Trong hoạn nạn tình cha mẹ, con cái, vợ chồng lúc này lại đằm thắm hơn xưa. Cái rủi thành cái may.

Về vật chất họ được đầy đủ, nhưng về tinh thần họ rất đau khổ. Nhớ bà con họ hàng, nhớ quê hương xứ sở, nhớ day dứt, gia giết. Họ khóc thương thân phận anh hay em ở trong các trại cải tạo mỗi bữa chỉ được một nắm bo bo; thân phận cha mẹ chú bác phải đẩy chiếc xe bán củi, bán chuối dưới mưa, dưới nắng, đau ốm không có thuốc uống; thân phận con cháu quanh năm không được một li sữa, một cục đường. Ở một xứ gần như trời luôn luôn u ám, họ ước ao được nhìn thấy một tia nắng, một nền trời xanh, và khi trời xanh, ánh nắng hiện lên thì họ càng nhớ quê hơn nữa; họ muốn được vuốt ve thân cây chuối nhẵn bóng và mát rượi; được nhìn ánh vàng nhảy múa trên những tàu dừa phe phẩy dưới gió nồm; nhìn hoài những con đường thênh thang trải nhựa, họ chán ngấy, mơ tưởng được đi chân không trên những con đường đất ở giữa hai bờ cỏ, dưới bóng lưa thưa của hàng so đũa, ven một cánh đồng lúa xanh: mặt đất ấm hơn mặt đường nhựa biết bao mà có gì thơm mát bằng mùi lúa xanh, sau mấy năm ngửi mùi xăng nhớt.

Có những thiếu phụ thay đổi hẳn tính tình: ở nước nhà thì thích trang điểm, đi dạo phố, họp bạn; qua nước người thì suốt ngày ở trong phòng lau chùi, quét tước, nấu ăn cho chồng con, không chịu ra đường, chồng con lôi kéo cũng không đi; một ngày kia họ sẽ loạn tinh thần mất. Khổ nhất là những bà 50-60 tuổi, không biết ngoại ngữ, không sao thích ứng được với đời sống Tây phương, mới xa quê được một năm đã đòi về, ngày nào cũng ngóng tin nhà, và được thư thì đọc đi đọc lại tới thuộc lòng. Ngày đêm họ cho quay băng “Sài gòn ơi, li biệt” của Thanh Thúy, băng “Ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong” của Phạm Duy mà khóc mướt. Giọng ảo não không kém bài hát của dân tộc Do thái khi bị đày ở Babylon hồi xưa.

Trong số những người ở lại, đáng thương nhất là những cặp vợ chồng già không có con cái, bị chính phủ chặn lương hưu trí, rán sống lây lất vài năm, bán hết đồ đạc để ăn rồi tự tử.

Rồi tới những người sản nghiệp tiêu tan vì đi kinh tế mới hoặc vì vượt biên mấy lần mà thất bại, sống cầu bơ cầu bất ở vỉa hè các thành phố lớn nhỏ như bọn ăn mày.

Rồi những cô giáo, cô kí chồng đi cải tạo 5 năm đằng đẵng, ở nhà xoay xở đủ cách, làm việc đêm ngày, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bốn năm đứa con, vài tháng lại tiếp tế cho chồng một lần. Họ vì hoàn cảnh mà hóa đảm đang, tư cách lại cao lên, không chịu nhận sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè.

Rồi những thiếu nữ học hết Đại học sư phạm hay Luật mà không muốn làm công nhân viên vì lương thấp quá, kiếm một cái sạp nhỏ nửa thước vuông bán thuốc rời hay quần áo cũ, thuốc tây ở lề đường, vất vả nhưng kiếm được 10- 15 đồng mỗi ngày, đủ cơm cháo cho cha mẹ và em. Họ lễ phép, chăm chỉ, dễ thương.

Tất cả những người đó và còn nhiều hạng người khác nữa đáng tự hào là ngụy. Ngụy mà như vậy còn đáng quí gấp trăm bọn tự xưng là “cách mạng” mà tư cách đê tiện.

Có ai chép Ba đào kí cho thời đại này không nhỉ? Trong tập kí đó dày ít gì cũng vài ngàn trang, truyện buồn rất nhiều mà truyện vui cũng không thiếu, truyện nào cũng cảm động, đánh dấu một thời và làm bài học cho đời sau được


Người Ta Đã Nhận Định Sai

Vậy dù có lạc quan tới mấy cũng phải nhận rằng công việc xã hội hóa miền Nam này tới nay đã thất bại. Chỉ mới dựng được cái sườn thôi mà đã có nhiều dấu hiệu tỏ rằng sườn đó đã nghiêng ngả: rất nhiều cán bộ đã hủ hóa, hùng hục làm giàu bằng mọi cách, thành một bọn tư sản rồi, tinh thần quân đội đã sa sút, hợp tác xã nông nghiệp đã thất bại, chính sách kinh tế mới phải bãi hỏ; một vài địa phương đã rụt rè lập lại chế độ tư bản: cho dân mặc sức kiếm lợi, cho chợ trời tha hồ phát triển, cho tăng giá xe đò, cho mua xăng và dầu lửa tự do, giá gấp mấy chục lần giá chính thức. Xí nghiệp đánh cá Côn sơn được dùng chính sách chia lời; hễ nộp đủ số cá cho chính phủ rồi thì làm thêm được bao nhiêu, được chia nhau hưởng. Chỉ trong một hai năm, xí nghiệp phát triển rất mạnh, mua thêm được mấy chục chiếc tàu mới, thuyền trưởng được chia 2.000 đồng một tháng, thủy thủ 1.500 đồng (lương bộ trưởng chỉ khoảng 200 đồng); chính phủ thấy vậy buộc họ chỉ được tiêu một phần ba số đó còn thì phải gởi ngân hàng, nhưng không biết họ có tuân không.

Ngành nào cũng kẹt, kẹt cứng, chính quyền không biết xoay xở ra sao, vá chỗ này thì toạc chỗ khác, càng dùng những biện pháp nhất thời thì càng lúng túng. Ngay các cán bộ trung kiên cũng phải nhận rằng tình hình mấy năm sắp tới còn nguy kịch hơn, chỉ còn trông cậy vào việc tìm mỏ dầu ở ngoài khơi Vũng tàu. Nếu trong ba năm nữa không tìm được mỏ nào có thề khai thác mà có lợi, không sản xuất được dầu thô thì tương lai dân tộc sẽ ra sao? Mà nếu tìm được thì lại phải chịu cái nguy khác: rất có thể Việt nam thành nơi tranh chấp về dầu giữa các cường quốc. Thật bi đát.

Chỉ tại người ta đã tính lầm. Thắng được Mĩ rồi, người ta tin rằng sẽ làm bá chủ bán đảo Đông dương, không nhận định được đúng tình hình thế giới.

Người ta nhận định sai tài năng, đạo đức, tinh thần hi sinh của cán bộ, tưởng rằng cao lắm và có thề dể dàng kiến thiết miền Nam thành một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ngờ cán bộ tuy rất đông mà rất kém cỏi về mọi mặt, mà tối đại đa số không ưa xã hội chủ nghĩa, thích đời sống miền Nam hơn.

Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-75, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kĩ thuật, nghệ thuật, văn hóa; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc...; cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm (7) chứ đừng nói là người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!

Như vậy mà đưa cán bộ Bắc vào cai trị họ, dạy chính trị họ thì làm sao không thất bại? Bọn đó quê mùa, ngu dốt, nghèo khổ, vụng về, tự cao tự đại, bị người Nam khinh ra mặt, mỉa mai; lớp dạy chính trị cho dân chúng mỗi ngày một vắng, hiện nay cả năm không họp một lần.

Một thất bại nặng nề của cách giáo hóa đó là báo Nhân dân không ai đọc, người ta mua về để bán “ve chai”, ngay cả bộ Lénine toàn tập cũng vậy.

Sau 5 năm, cả triệu cán bộ và thường dân Bắc vào Nam mà Bắc Nam miễn cưỡng sống với nhau, lơ là với nhau, Nam coi Bắc là bọn thực dân, tự coi mình là bị trị. Làm gì có sự hợp tác?

Ông Hồ Chí Minh rất sáng suốt, từ 1962 đã thấy sự thống nhất Việt nam không có lợi mà gây rất nhiều vấn đề khó khăn, chỉ tạo gánh nặng cho Bắc (coi lại cuối chương XXI). Nếu 1975 ông còn sống thì chắc ông để cho miền Nam trung lập (đúng như lời tuyên bố của Mặt trận giải phóng khi mới vô Sài gòn), làm một cửa sổ ngó ra thế giới bên ngoài, mà sẽ mau thịnh vượng, lợi chẳng những cho Nam mà cả cho Bắc nữa. Những người nối nghiệp ông tự cho là khôn hơn ông.





Chú thích


(1) Kravchenko. J' ai choisi la liberté. Trang 114 (Seft-1948).

(2) Tháng 7 năm 1981, lương đã được tăng gấp hai, nhưng chính phủ cho tay này thì lấy lại bằng tay khác: giá nhu yếu phẩm, vé xe đò, tem gởi thư.. . cũng tăng lên như vậy, có thứ tăng gấp 10 nữa.

(3) Tháng 8 - 1980. một cán bộ giáo dục ở Hà nội vào báo tôi bây họ phái ăn độn 90%, cực khổ hơn những năm 1973 – 1974 nhiều lắm, mà tình trạng đó còn kéo dài lâu. Thân phận không bằng con heo ở trong Nam.

(4) Thời này nước mình xuất hiện nhiều ca dao và truyện tiếu lâm hơn thời cuối Lê nữa; trong một đoạn ở sau về Phong trào vượt biên, tôi sẽ chép một truyện tiếu lâm. Nghe nói đã có người thu thập những ca dao và truyện tiếu lâm đó để lưu lại.

(5) Do đó mà có câu mỉa mai này: vá ruột xe máy thì được 3 đồng mà vá ruột ngườỉ chỉ được 8 hào.

(6) Coi phụ lục “Kinh hoàng trên đảo Kokra” ở cuối bộ.

(7) Một thím làm tổ phó lo về đời sống được công an phường gọi đi học tập. Mới hết buổi đầu, thấy công an chỉ dạy cách dò xét, tố cáo đồng bào (ăn uống ra sao, chỉ trích chính phủ không, khách khứa là hạng người nào...), thím ta xin thôi liền, về nói với bạn: “Tôi không làm công việc thất đức đó được”. Lớp học đó bỏ luôn.



























CHƯƠNG XXXI

Kết Quả Sau 5 Năm





“Thất-Bại Trong Hòa Bình”

Mấy tháng đầu sau ngày 30-4-75, các bạn kháng chiến, già cũng như trẻ, nhất là trẻ, đều có tâm lí chung là hăm hở hưởng thụ sau mấy chục năm gian khổ sống chui, sống nhủi trong rừng, trong bụi, dưới hố dưới hầm. Đành rằng phải bắt tay ngay vào việc kiến thiết, nhưng đã có đường lối sẵn rồi, có kinh nghiệm hai chục năm ở Bắc thì không có gì khó; vả lại đã thắng được Mĩ, thành cường quốc thứ ba trên thế giới, sau Nga và Trung hoa thì có việc gì mà làm không được, chỉ trong 5 năm sẽ tiến bộ, hai chục năm sẽ đuổi kịp Nhật bản về kinh tế.

Muốn kiến thiết thì trước hết phải san phẳng chế độ cũ đã không để lại một dấu vết nào cả. Phải đuổi hết các nhân viên cũ, để anh em cách mạng chia nhau tất cả các chức vụ lớn nhỏ. Phải diệt bọn tư bản, chiếm nhà cửa, tài sản như núi của họ, chia nhau mỗi người một chút. “Đó là quyền của mình mà!”

Tóm lại, ai cũng “hồ hởi”, tin tưởng. Chỉ có thủ tướng Phạm văn Đồng là tỏ vẻ ưu tư một chút. Trong một cuộc hội họp ở Sài gòn, ông bảo các bạn đồng chí: “Nous avons gagné la guerre, il ne faut pas perdre la paix” (Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, đừng để thất bại trong hòa bình). Ông thấy rằng thắng được địch rồi mới là khởi sự bắt tay vào việc, chưa thể nghỉ ngơi, hưởng thụ được; mà công việc kiến thiết trong thời bình còn khó khăn gấp bội công việc diệt địch. Thời chiến hễ nung được lòng yêu nước của quốc dân rồi, giữ cho lòng đó đừng giảm, quốc dân kiên trì chịu đựng được tớỉ phút chót thì không còn vấn đề gì nữa: thiếu cái gì đã có Nga, Trung hoa cung cấp cho; trái lại trong thời bình mới phải đương đầu với nhiều vấn đề nội bộ, ngoại giao, kinh tế, nhất là kinh tế. Nước ta nghèo, thiếu vốn đầu tư thiếu kĩ thuật gia, khó phát triển kinh tế mau được. Thất bại về kinh tế thì sự nghiệp của cách mạng sụp đổ.

Bây giờ 5 năm sau ngày 30-4-75, hết kế hoạch ngũ niên đầu tiên rồi, chúng ta mới thấy cơ hồ chẳng tiến bộ về một phương diện nào hết mà còn thụt lùi nữa, và ai lạc quan tới mấy cũng phải nhận chúng ta đã bỏ phí 5 năm, và không biết phải mấy năm nữa mới bắt lại được thời gian đã mất đó. Trong khi ấy thì thế giới cứ vùn vụt tiến tới.

1) Không đoàn kết

Thất bại lớn nhất, theo tôi, là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hòa bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài gòn, bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Đào Duy Anh (đã có hồi sống ở Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam) khi được mời phát biểu ý kiến, chỉ nói mỗi một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ; quan trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.

Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc, Nam đã không muốn thống nhất với Bắc rồi. Từ đó, tinh thần chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi tăng, năm nay (1980) có thể nói 90% người miền Nam hay hơn nữa, muốn tách khỏi miền Bắc.

Có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “ngụy” hết, trụy lạc, bị nhiễm độc nặng của Mĩ. Ngay hạng trí thức miền Bắc như ông Đào Duy Anh cũng có thành kiến rằng dân Sài gòn hư hỏng quá rồi Họ chỉ nhìn bề ngoài, chỉ thấy một số thanh niên híp pi, lêu bêu ở ngoài đường; tôi phải giảng cho họ hiểu rằng đó chỉ là thiểu số, chứ đại đa số người trong này ghét Mĩ, ghét văn minh Mĩ, có thể nói gia đình nào cũng có người có cảm tình với kháng chỉến, giúp kháng chiến cách này hay cách khác, nếu không vậy thì làm sao kháng chiến thành công được. Chỉ nội một việc biết người nào đó là kháng chiến mà không tố cáo cũng đủ có công với kháng chiến, chớ đừng nói là còn che chở, giúp tlên bạc, tiếp tay cho nữa. Chỉ trừ một số phản quốc, theo Mĩ, Thiệu triệt để vì quyền lợi, còn thì không có gia đình nào trong Nam là ngụy cả. Một số người yêu nước, có tư cách, mới đầu gia nhập kháng chiến, sau vì lập trường chính trị, phải rời hàng ngũ, về thành, mà không ưa Pháp, Mĩ, hạng đó không nên coi người ta là ngụy. Bọn thanh niên hư hỏng chỉ ở Sài gòn mới có nhiều, mà tỉ số không cao so với những thanh niên đứng đắn.

Người Bắc coi người Nam là ngụy, đối xử với người Nam như thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là ngụy thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”.

Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật - điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học - thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau... Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú...

Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng... “

Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết: địa phương nào chỉ làm lợi cho địa phương đó, không nghĩ tới quốc gia; cơ quan nào cũng chỉ làm lợi cho cơ quan mình mà không giúp đỡ cho cơ quan bạn; ai nấy chỉ lo cho bản thân mình thôi mà không nghĩ tới đoàn thể. Một ông bạn tôi ở Hà nội vào Sài gòn để đòi số tiền vài cơ quan khác thiếu của cơ quan ông. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đâu phải là xí nghiệp tư mà giữ tiền lại để làm lợi cho mình. Đều là của công hết mà. hễ thu được tiền thì tự nhiên họ trả lại cho cơ quan anh, sao phải vào tận đây để đòi?” Anh bạn ấy đáp: “Nếu họ nghĩ như anh thì còn nói gì?”.

Trong mỗi cơ quan ở Sài gòn cũng có sự chia rẽ. Cùng là công nhân viên cả, mà bọn ở Bắc vô không ưa bọn Liên khu 5; hai hạng đó đều khinh bọn ở bưng trong Nam về; bọn này lại không chơi với bọn trước kia tập kết ra Bắc, nay trở vô Nam; bọn “nằm vùng” cũng không ưa bọn tập kết về đó; bị khinh nhất là bọn ngụy được tạm dùng lại, mà bọn này thạo việc hơn hết. Chỉnh vì thiếu đoàn kết cho nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; đo đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và ở Bắc có câu này: Nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.

Hễ thân với nhau thì giúp đỡ nhau, công việc gì cũng dễ dàng, chứ cứ áp dụng đúng qui chế thì khó khăn nhất, chậm trễ nhất; người ta lè phè, tà tà, không làm cho mình đâu, nhắc nhở hoài chỉ làm cho người ta thêm ghét. Cờn đâu là tinh thần tập thể nữa?



2) Bất công

Điểm thứ nhì làm cho chúng ta thất vọng là xã hội còn bất công hơn thời trước nhiều.

Marx và Lénine muốn tạo một xã hội không có giai cấp, công bằng, bình đẳng. Nhưng Staline cho sự bình đẳng là “không xứng” (indique) với một xã hội theo chủ nghĩa xã hội (1), và ở Nga, theo nhà bác học Sakharov (trong một bài báo đã dẫn) thì năm 1972 xã hội đã bất bình đẳng mà còn bất công. Không còn tình trạng tư bản bóc lột thợ thuyền, nhưng giai cấp lãnh đạo được hưởng rất nhiều quyền lợi còn giai cấp công nhân thì sống thiếu thốn. Cây quạt lương bổng (eventail des salairs) vẫn mở rộng, có phần còn hơn ở các nước tư bản; nói cách khác, lương giữa một viên giám đốc với một thợ không chuyên môn còn cách biệt nhau rất xa, hơn ở phương Tây. Kravchenko trong cuốn đã dẫn cũng phàn nàn rằng các đồng chí “bự” (grosses légumes) sống như ông hoàng, có phòng ăn nêng, thức ăn riêng, tiệm mua dược phẩm riêng, thợ hớt tóc riêng, nhà thương riêng, cầu tiêu riêng... cái gì cũng riêng, và ông ta chua xót thấy cách bóc lột thời ông bất lương hơn cách thời Nga hoàng (trang 525, 105).

Ở nước mình cũng như Nga, không còn cái tệ tư bản bóc lột thợ thuyền; chế độ lương của mình còn hơn Nga là không có sự cách biệt rất xa giữa cấp cao và cấp thấp: công nhân viên mới vô được khoảng 40 đồng một tháng, kĩ sư mới ra trường được khoảng 55 đồng, giám đốc khoảng 150 đồng, bộ trưởng 200 đồng; nhưng các cán bộ cao cấp cũng được hưởng rất nhiều quyền lợi, tha hồ mua thức ăn, đồ dùng đủ thứ với giá chính thức; nghe nói có trường hợp vợ họ mua về bán chợ đen; và một người Nga hay Đức đã phải bảo lương những cán bộ tuy chỉ có 200 đồng mà sự thực họ được hưởng ít nhất là 2.000 đồng. Thủ tướng Phạm văn Đồng có lần đề nghị sửa đổi chế độ lương bổng: tăng lương cho những cấp trên, nhưng sự phân phối nhu yếu phẩm thì đồng đều; đề nghị đó bị đảng bác bỏ.

Có người nói một số “ông lớn” đi đâu cũng có người hầu xách bình nước sâm Cao li để ông lớn uống thay trà; một ông nọ luôn luôn có một bác sĩ ở bên và một thiếu nữ quạt hầu vì ông không chịu được quạt máy. Tôi không biết những tin đó đúng hay không, chỉ biết những tin đó do “anh em cách mạng” đưa ra cả.

Một ông bạn tôi bảo có vô nhà thương mới thấy có cả chục (sic) giai cấp bệnh nhân, tùy giai cấp mà được ở phòng nào, khám bệnh ra sao, trị bệnh ra sao, cấp thứ thuốc nào v.v…

Người chết cũng phân biệt giai cấp khi đăng cáo phó: cán bộ thường thì được mấy phân trên cột báo, cán bộ bự thì được mười mấy phân; lời cáo phó cũng theo những tiêu chuẩn riêng. Đúng là đường lối Staline.

Sài gòn được giải phóng vài năm thì ta thấy xuất hiện ngay một hạng giàu sang mới nổi, thay thế bọn giàu sang thời Thiệu, và cũng thích những xa xí phẩm (áo hàng thêu, hột xoàn, máy điều hòa không khí v.v...) của thời Thiệu. Tiền đâu mà họ mua những thứ đó nhỉ?

Sự bất công chướng nhất, tàn nhẫn nhất là lương công nhân viên từ 1975 cứ đứng yên trong khi sự phân phối nhu yếu phẩm giảm đi gần hết, chỉ còn gạo, bo bo là tạm đủ, nhất là trong khi mãi lực của đồng bạc năm 1980 chỉ còn bằng 1/10 năm 1975; thành thử lương một công nhân viên chỉ đủ để mua củi chụm, lương một bác sĩ mới ra trường chỉ đủ để mua rau muống ăn. Khắp thế giới không đâu có chế độ lương bổng kì cục như vậy (2). Người nào cũng phải bán đồ đi mà xài, nhờ cha mẹ giúp đỡ, nếu không thì phải xoay xở mọi cách, làm sao sống được thì làm, chính phủ không biết tới. Một cán bộ ở Hà nội đã phàn nàn: “Người ta có rất nhiều quyền hành mà không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả. Thật lạ lùng!” Kravchenko (trang 185) nói chính phủ Nga bắt dân đói để dân biết phép chính phủ mà phải răm rắp tuân lệnh. Ở nước ta không đến nỗi như vậy, có áp dụng chính sách đó thì chỉ áp dụng cho những kẻ thù của chế độ thôi, tức bọn ngụy quân ngụy quyền còn ở trong một số trại cải tạo.



3) Thiếu kỉ luật

Không ai có trách nhiệm mà tinh thần bè phái quá nặng, nên không có kỉ luật, dưới không tuân trên, loạn.

Chương trên tôi đã nói tới cái tệ mỗi tỉnh là một tiểu quốc, địa phương tự do tới mức không tuân lệnh trung ương (ngay xã cũng không tuân lệnh tỉnh, huyện), lấy lẽ rằng chỉ địa phương mới hiểu tình trạng của địa phương, cấp trên không nên xen vào; cái tệ nhân viên được lệnh đi công tác mà không đi, nằm ỳ ở nhà, một tuần sau trở lại sở, trả sự vụ lệnh mà không bị khiển trách; cái tệ nhân viên muốn bỏ sở về giờ nào thì về, lấy cớ là phải kiếm gạo, chủ nhiệm đành làm thinh, chứ không biết đáp sao.

Tôi kể thêm một trường hợp nữa. Ông giám đốc một cơ quan nọ đến tuổi về hưu, bảo người giúp việc: “Tôi sẽ không về, về thì mất hết quyền lợi: xe hơi, “bìa” (sổ đặc biệt đề mua nhu yếu phầm), nhà ở v.v..., mà còn bị xã ấp nó ăn hiếp, hoạnh họe cái này, cái khác; không, tôi không về,” Một ông giám đốc mà sợ công an ấp vì công an có quyền bắt ai thì bắt, giam ai thì giam. Một viên công an bảo: “Tôi làm việc bốn năm năm rồi, mà bây giờ mới biết quyền hạn của tôi, từ trước tôi muốn làm gì thì làm”.

Vì mất kỉ luật, cho nên thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự: ở miền Nam trốn tới 90%, có nơi cả 100% mà vẫn sống yên ổn. Bắt được họ, đưa họ ra mặt trận, họ lại trốn nữa. Không thể giam hoài họ được, gạo đâu mà nuôi? Họ sống yên ổn ngay ở làng vì chỉ cần đút lót cho công an là êm. Còn nạn đào ngũ thì toàn quốc tới 25%. Trước kia người ta hi sinh để giành độc lập; bây giờ độc lập rồi lại đánh nhau với nước anh em, người ta không hăng hái nữa.

Nghe nói ở một tỉnh nọ, viên giám đốc sở tài chánh kiêm giám đốc ngân hàng (?) ôm 60 lượng vàng cùng với 30 viên công an xuống một chiếc tàu của chính phủ, mang theo đầy đủ khí giới (và không biết bao nhiêu lượng vàng nữa) dể vượt biên. Tin đó chưa lấy gì làm chắc nhưng chuyện công an - cây cột chống đỡ chế độ - ôm vàng vượt biên thì mấy năm nay nghe thường quá rồi.

Tinh thần vô kỉ luật đó, không biết một phần có phải do chính sách giáo dục trẻ em không. Người ta cấm đánh trẻ - điều đó có thể hiểu được - cấm nghiêm khắc với trẻ, chúng nghỉ học thì lại nhà mời chúng đi học; chúng làm biếng thì không bị phạt mà cô giáo bị trách là dạy dở. Kì tựu trường có nơi còn tổ chức múa lân, đốt pháo để dụ trẻ em đi học nữa. Cô giáo nào mời được ít trẻ thì bị rầy. Riết rồi cô giáo ngán dạy quá, cứ tự ý nghỉ bừa, hiệu trưởng phải tới nhà năn nỉ, nếu không thì lỗi ở hiệu trưởng chứ không phải ở cô giáo. Và người ta ngán luôn cả nghề sư phạm: dốt hoặc muốn tránh nghĩa vụ quân sự mới phải thi vô sư phạm.

Kỉ luật như vậy, trẻ em càng được thể làm biếng, sức học rất kém, mà tính ngỗ nghịch (bóp vú cô giáo như trên đã nói) thì quá sức tưởng tượng. Một số cán bộ già ớ Bắc vô nhận rằng trẻ em trong này ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng tôi sợ rằng ít năm nữa, chúng đuổi kịp bạn chúng ở Bắc mất.

4) Kinh tế suy sụp

Sự thất bại hiển nhiên nhất của chế độ là sự suy sụp của kinh tế mà tôi đã trình bày sơ lược ở trên. Hậu quả là Việt nam trước thế chiến tự hào là “tiền rừng bạc bể”, có những đồng lúa, đồn điền cao su mênh mông ớ miền Nam, những mỏ than, mỏ phốt phát phong phú ớ miền Bắc mà bây giờ thành một trong vài nước nghèo nhất thế giới.

Từ ngày 30-4-75, do những đồng bào ớ Bắc vào, chúng ta ở Nam mới lần lần biết cảnh điêu đứng của dân tình ngoài đó sau hai chục năm sống dưới chế độ mới. Từ trên xuống dưới ai cũng phải ăn độn có khi 60-70% (3); có hồi gạo quí tới nổi người ta cất vào trong những cái thố, cái liễn, trân trọng như nhân sâm, chỉ khi nào đau ốm mới lấy ra một nhúm để nấu cháo; ngày tết mà có đủ gạo nấu cơm cúng ông bà là mừng lắm; khi nào được ăn một bữa cơm không độn với nước mắm thôi thì coi như được dự một bữa tiệc. Nước mắm rất hiếm, có người ở Nghệ an hay Hà tĩnh mấy năm không có nước mắm ăn, gặp người trong Nam ra đem theo nước mắm, xin một vài muỗng rồi cầm nuốt ực ngay hết, không đợi đem về nhà.

Bát ăn mỗi người mỗi năm chỉ được một cái, hễ vỡ thì phải ăn bằng sọ dừa. Vải mỗi năm chỉ được phát một hai thước đủ để vá áo. (Ở miền Nam năm 1980, có nơi mỗi người chỉ được 6 tấc.)

Nhiều người vào Sài gòn thăm bà con, khi ra vơ vét đủ thứ, từ cây đinh, khúc dây chì, lon sữa bò, ve chai... đem ra, vì ở ngoài đó thường cần dùng tới mà không kiếm đâu ra. Họ cho miền Nam này là thiên đường. Nhưng một người Ba lan trong ủy ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bảo chỉ trong 5 năm, miền Nam sẽ “đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phấm, quần áo... về giúp bà con ở đây thì chúng ta hiện nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi.

Dân miền Nam từ xưa chưa bao giờ biết đói, phải ăn độn thì năm 1979 đã phải ăn độn 70-80%, có những gia đình phải ăn bữa cơm bữa cháo, có cô giáo và học sinh đói quá, tới lớp té xỉu

Nhà nào cũng bán đồ cũ đi để ăn; nhiều giáo viên nhà đã trống rỗng, không còn bàn ghế nữa, ăn ngủ trên sàn. Ai cũng chỉ lo sao có cái gì nuốt cho đầy bao tử, chứ không dám nghĩ tới miếng ngon. Tết Canh Thân vừa rồi, ở Long xuyên, nhà một giáo viên hồi hưu, trên bàn thờ ông bà chỉ bày một đĩa có mấy chiếc bánh phồng và bánh gai, không có một đòn bánh tét, một quả dưa hấu.

Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắt rỉ, một quai dép mủ... để bán cho “ve chai”. Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá.

Ở Bắc tình hình hiện nay điêu đứng hơn những năm kháng Mĩ. Nghe nói ngoài đó đã xuất hiện câu ca dao (4):

Anh Đồng, anh Duẩn, anh Trinh,
Ba anh có biết dân tình cho không?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân.

Ở Nam có nơi hai tháng nhân viên chưa được lãnh lương, chắc nhiều gia đình không đủ tiền mua rau muống cho con nữa. Một bạn tôi đã phải ăn nước mắm kho khô.

Không có tiền mua rau thì làm gì có tiền mua thịt. Muốn lâu lâu có thịt thì phải nuôi heo, gà, cho nên nhiều cơ quan ngay khi mới thành lập đã nghĩ ngay đến việc hùn tiền (hay lấy trong quĩ?) mua heo con, phân công nhau nuôi tại khu ở tập thể, như vậy đến lễ, tết mới có thịt liên hoan. Người ta thèm thịt quá, cho nên liên hoan lu bù, bất kì một dịp gì cũng liên hoan được: một bạn đồng nghiệp được ban khen, ngày tựu trường, bãi trường, họp bạn để học tập, ban hành hiến pháp mới, làm xong một công tác, mỗi ngày lễ, tết... mỗi năm liên hoan cả chục lần là ít.

Cơ quan nào cũng có đủ nhà bếp, chén đĩa, xoong chảo, người làm bếp (lựa trong nhân viên) để nấu ăn làm tiệc Và khi ngồi vào bàn tiệc thì chẳng ai mời ai, đợi ai, mạnh ai nấy gắp, ăn cho thật mau (tới nỗi có người bảo cứ nuốt trước rồi sẽ nhai sau!), tệ gấp 10 thói ăn uống ở đình làng mà Ngô Tất Tố đã mạt sát trong cuốn Việc làng.

Nghèo thì sinh ra ở bẩn. Ngay trong khu tập thể một trường Đại học Hà nội, phòng một giáo sư ở Pháp về cũng dơ dáy, từ sàn gạch đến tường đều đầy vết bẩn. Hỏi như vậy làm sao chịu được, ông ta nhún vai đáp: “Lâu rồi quen đi” Không nên trách ông ta. Dù muốn sống sạch cũng không thể được: đâu có vôi để quét tường? đâu có xà bông để rửa sàn? đâu có giẻ để lau? Nước thì có nhưng phải xuống dưới sân để hứng rồi xách lên 5-6 chục bực thang, ai mà không ngại?

Phải, lâu rồi thì quen đi. Nếu tình trạng không thay đổi thì chỉ mươi năm nữa, toàn dân sẽ quen đi, không thấy gì là bẩn nữa. Hiện nay ở trong Nam đã nhiều nhà để bụi đóng đầy bàn ghế - mà trước kia họ sống rất sạch - mạng nhện giăng đầy trần, còn dân thị xã thì đã quen với cảnh bốn năm người cùi nằm trên đường đưa tới chợ, lăn ở giữa chợ để xin ăn.

Câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” của ông cha, chúng ta không giữ được vì chúng ta nghèo tới mức không thể ở sạch được.



Xã Hội Sa Đọa

Điều đáng ngại nhất là sa đọa về tinh thần, tới mất nhân phẩm.


1) Tham nhũng

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu... Cái tệ đó còn lớn hơn tất cả các thời trước.

Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dể kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bênh vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đọa thêm chứ để chúng mau sụp đổ”.

Có những ông trưởng ti uống mỗi ngày một ve Whisky (tôi không biết giá mấy trăm đồng), hút hai ba gói thuốc thơm 555 (30 đồng một gói). Bọn đàn em của họ cũng hút thuốc thơm, điểm tâm một tô phở 6 đồng, một li cà phê sữa 4 đồng, sáng nào như sáng nấy mà lương chỉ có 60-70 đồng một tháng.

2) Ăn cắp

Như vậy thì tất phải có những vụ ăn cắp của công (Kho một trung tâm điện lực nọ cứ bốn năm tháng lại mất trộm một lần mà không tra ra thủ phạm; rất nhiều bồn xăng bị rút cả ngàn lít xăng rồi thay bằng nước...), thụt két, ôm vàng trong ngân hàng đề vượt biên, có khi lại tạo ra những vụ kho bị cướp, bị cháy v.v... Y tá ăn bớt thuốc của bệnh nhân rồi tố cáo lẫn nhau, giám đốc biết mà không làm gì được. Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi. Vì vậy chúng càng hoành hành, ăn cắp, ăn cướp giữa chợ, cảnh sát làm lơ, còn dân chúng thì không dám la, sợ bọn chúng hành hung. Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

3) Buôn lậu

Nạn “phe phẩy” (buôn lậu, làm chợ đen) còn bành trướng hơn nữa. Có thể nói một phần ba dân miền Nam (ở Bắc chắc ít hơn) làm nghề đó. Họ móc nối với những nhân viên kiểm soát, với giới xe đò; và cứ năm chuyến bị tịch thu một chuyến thì họ vẫn còn sống được. Chỉ có nghề đó là đủ ăn, đôi khi phè phỡn nữa, còn làm nghề gì khác cũng sạt nghiệp. Bọn “lơ xe” bán vé cho bọn buôn lậu đó, giấu hàng cho họ, kiếm mỗi ngày được 200 đồng, bằng lương tháng một bộ trưởng. Dĩ nhiên họ cũng phải chia một phần cho công an, kiểm soát viên. Họ hút toàn thuốc thơm, uống toàn cà phê fin (filtre: lọc), ăn một tô phở 6 dồng (giá 1980), bận toàn đồ Mĩ. Người ta gọi họ là các “ông lơ”. Một đứa cháu của tôi học lớp 9, vào hạng tiên tiến, thấy họ sống sung sướng như vậy, muốn bỏ học để học làm lơ xe, cũng bắt đầu hút thuốc lá, uống cà phê rồi.

Ngoài Bắc không có gạo ăn mà miền Tây trong Nam làng nào cũng có cả chục lò - nghe nói có làng cả 100 lò - nấu rượu lậu để đưa lên Cao miên và tiêu thụ ngay trong miền. Người ta pha vào trong rượu một chất hóa học gì đó - thuốc trừ sâu - cho nồng độ của rượu cao; uống rất có hại.

Người ta nói đã có những vụ buôn lậu thuốc phiện; nếu có thì cũng nhỏ thôi, kém xa thời Mĩ, Thiệu. Nhưng đồ lậu như vải, thuốc thơm, thuốc tây... thì khoảng một năm nay lan tràn thị trường: tàu Thái lan đậu ngoài khơi, ghe tàu của mình từ bờ băng ra, đưa vàng ra đổi các thứ đó, cả đồng hồ điện tử từ Singapore hay Nhật bản nữa.

Lại thêm dọc biên giới Việt - Miên, Miên - Thái có nhiều đường buôn lậu từ Thái qua Miên rồi qua Việt. Không biết vàng Việt nam mỗi năm chạy ra nước ngoài bao nhiêu.

Có đồ lậu thì luôn luôn có đồ giả. Bọn tàu Chợ lớn cái gì cũng làm giả được, từ rượu tới thuốc hút, dầu thơm... nhiều nhất là dược phẩm Tây phương, vì thứ này vừa hiếm vừa đắt. Một bác sĩ khuyên tôi đừng mua Ampicilline, B12, Vitamine C (chích), Syncortyl ở chợ trời. Chị hốt rác trong khu tôi ở một buổi sáng thấy trong một thùng rác một bọc lớn đầy ống Vitamine C để chích. Có tới 200 ống, mỗi ống 2cc, mà chỉ bán cho người ta có 6 đồng. Chỉ khổ dân quê. Thế nào cũng có y sĩ, y tá chích cho họ thứ đó và chém 5 hay 3 đồng một mũi.

Nạn cờ bạc không công khai như trước, nhưng nạn “xổ số đuôi” thì công khai rồi; người ta bàn nhau nên đánh số nào, số nào ở ngay giữa chợ. Xưa mỗi tuần chỉ xổ số một lần, nay mỗi tuần bảy tám lần vì tỉnh nào cũng xổ số, tự trị mà! Người dân chỉ ngong ngóng chờ giờ xổ số để dò số mà bỏ bê công việc. Nhiều người sạt nghiệp, nhưng cũng có nhiều người nhờ đó kiếm được miếng ăn; thầy giáo hồi hưu, đại úy đi cải tạo về, ngồi bán giấy số ở chợ, kiếm được mươi đồng một ngày.

Nạn cho vay nặng lãi cũng kinh khủng. Một cán bộ giáo dục, đảng viên, cho bạn trong sở vay 100 đồng, mỗi tuần trả lời 20 đồng, tính ra mỗi năm 1.000 đồng, vốn được nhân lên gấp 10. Bạn hàng ở chợ không chơi hụi tháng như xưa nữa, mà chơi hụi tuần, hụi ngày!

Nạn đĩ điếm đã hết đâu. Ngay cuối năm 1975, một cán bộ cách mạng đã bảo các bạn kháng chiến ở bưng về mắc bệnh hoa liễu hết rồi; một số cán bộ rất nghiêm trang đạo mạo - có kẻ ngoài 70 tuồi - từ Hà nội vào, năn nỉ các bạn trong Nam chỉ chỗ cho họ hưởng thú mê li đó một lần cho biết mùi. Chỉ khác là bây giờ người ta làm nghề đó một cách không lộ liễu quá như trước. Họ rất thích sách khiêu dâm, và loại sách này với loại truyện chưởng lan ra Bắc từ mấy năm nay rồi.

Tóm lại bao nhiêu cái xấu xa thời trước vẫn còn đủ mà có phần còn tởm hơn nữa.



Con Người Mất Nhân Phẩm

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hóa ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa.

Gởi họ mang ra giùm một cuốn sách tặng một người ở Hà nội, họ giữ lại 5-6 tháng, vợ chồng con cái, bạn bè coi cho hết lượt, sách nhàu rồi, họ mới đem lại cho người nhận sách; có khi họ lấy luôn, nhắc họ, họ bảo thất lạc, để kiếm. Mà ba người nhận được sách thì chỉ có một người cảm ơn tôi.

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Thời Pháp thuộc, không bao giờ nhân viên bưu chính ăn cắp đồ trong các bưu kiện. Thời Nguyễn văn Thiệu thỉnh thoảng có một vụ ăn cắp nhưng nhỏ thôi. Từ bốn năm nay ở khắp miền Nam, cứ 10 bưu kiện ở ngoại quốc gởi về thì có 6-7 bưu kiện bị ăn cắp hoặc đánh tráo vài ba món, thường là dược liệu và vải. Kêu nài thì nhân viên bưu chính bảo: “Không nhận thì thôi; có muốn khiếu nại thì cứ làm đơn đi”. Không ai buồn khiếu nại cả vì cả năm chưa có kết quả, mà nếu có thì số bồi thường không bõ. Cho nên chúng tha hồ ăn cắp, ăn cướp một cách trắng trợn. Trắng trợn nhất là chúng lấy trộm tất cả bưu kiện trong một kho, như ở Long xuyên năm 1981; nếu là kho lớn thì chúng đốt kho như ở Tân sơn nhất hai năm trước.

Nhơ nhớp nhất là vụ một cán bộ nọ vào hàng phó giám đốc, mưu mô với vợ, làm bộ tổ chức vượt biên cho vợ chồng con cái một đứa cháu ruột, bác sĩ ở Sài gòn, nhận mấy chục lượng vàng của cháu (và sáu chục lượng vàng của gia đình bên vợ đứa cháu đó nữa vì họ cũng muốn vượt biên), rồi lừa gạt người ta, tố cáo với công an bắt hết cả nhóm trên mười người khi họ ra Vũng tàu chờ ghe đưa ra khơi. Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hóa rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.

Sống dưới chế độ cộng sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm vỉệc điểm chỉ đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó.

Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng. Để cho bác sĩ ngụy đủ sống mà khỏi vượt biên, chính phủ năm 1980 cho phép họ ngoài giờ làm việc được khám thêm bệnh ở nhà và định cho họ số tiền thù lao là 1 đồng ở Sài gòn, 0,8 đồng ở tỉnh (5). Nhưng ở Long xuyên bác sĩ nào cũng thu của bệnh nhân 10 đồng. Có kẻ ra một cái toa cần 9 thứ thuốc toàn thứ đắt tiền, trị đủ các bệnh: tim, phổi, gan, thận, bao tử... cho một bà lão suy nhược, rồi bảo lại mua của một tên buôn lậu đồng lõa với họ. Tính ra toa đó mua cho đủ thì mất cả triệu đồng cũ (2.000 đồng mới). Một số bác sĩ không làm tiền cách đó, không ra toa mà bắt bệnh nhân mỗi ngày lại để các ông ấy cho thuốc và chích cho, và phải trả các ông ấy từ 60 đồng đến 100 đồng mỗi lần. Năm 1981, tiền thù lao từ 10 đồng đã hạ xuống còn 5 đồng, có lẽ vì bác sĩ làm riêng khá đông, cạnh tranh nhau. Và tháng 7-1981 có lệnh không cho bác sĩ công làm tư tại nhà nữa, mà muốn làm tư thì lại dưỡng đường làm ngoài giờ làm việc. Chưa thấy ai theo.

Bệnh nhân lỡ mà chết thì bị hàng xăng tống tiền: quốc doanh định 45 đồng kể cả một bịch thuốc lá và 4 thước vải thô, nhưng tang gia phải trả 400 đồng thì xăng mới được ghép lại kĩ, khỏi trống hổng trống hoảng với 8 cây đinh đóng hờ. Rồi tới nhà đòn cũng đầu cơ: hạ huyệt xong, phủ qua một lớp đất cho bằng mặt, muốn có cái mồ cho ra mồ thì phải đưa thêm vài trăm đồng nữa. Nếu đem thiêu mà cứ nộp đúng lệ thì xương ống, xương hông bị ném riêng vào một chỗ, chứ không thiêu hết. Ai nỡ để cha mẹ mình què!

Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lí như vậy. Vì biết mình phi lí nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép cả giáo viên ngụy dạy thêm tại nhà.

Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp, có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đọa của con người, sự suy sụp của kinh tế. Ông Hồ Chí Minh có lần nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hóa mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi ông thốt ra lời trên chăng?

Phong Trào Vượt Biên

Tôi không biết trước giờ giải phóng, từ Bến hải trở vào trong số trên 20 triệu dân có bao nhiêu người vội vã di cư để trốn cộng sản. Dăm bảy ngàn hay vài chục ngàn? Người nào cũng có tâm trạng não nề: bỏ quê cha đất tổ, bỏ thân thích bạn bè, bỏ cả sản nghiệp (có người mới mua được ngôi nhà vài ba chục triệu - hồi đó khoảng 100.000 đồng cũ một lượng vàng - chưa ở được 5-6 tháng đã phải bỏ lại) để qua nước người ăn nhờ ở đậu, làm thứ công dân “da màu”, một thứ công dân hạng hai, và bắt đầu xây dựng lại từ đầu; như vậy ai mà vui cho được? Những người đi đó hoặc là quân nhân, công chức trong các chính phủ trước, hoặc đã có thời sống với cộng sản ở Bắc, sợ chế độ ngoài đó, đã di cư một lần nay lại di cư lần thứ hai. Những người ở lại xét chung, đều sẵn sàng chấp nhận chế độ mới, dù chưa biết rõ nó ra sao; một số đông còn hăng hái tiếp tay với chính quyền mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho tương lai nữa.

Nhưng chẳng bao lâu nhiều người thất vọng, qua năm 1976, đã có lác đác một số thanh niên vượt biên. Họ không có tổ chức, không chuẩn bị kĩ, lên miền cao nguyên ở Trung rồi kiếm đường qua Lào, từ Lào sẽ qua Thái lan. Họ bị bắt hoặc thấy nguy phải quay về.

Từ năm 1977 người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức một bà già nông dân miền Tây phải nói: “Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian lao cực khổ tới mức nào, hễ ra khỏi được nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn ở lại trong nước mà chết lần chết mòn, người ta nghĩ vậy. Cha mẹ già chỉ có mỗi một người con mà cũng khuyên nó vượt biên; chồng đi “cải tạo” - nghĩa là bị giam trong những trại tập thể chưa biết bao giờ mới được về vì là “ngụy hạng nặng”, phải cải tạo tư tưởng, đời sống - cũng nhắn vợ con vượt biên được thì cứ vượt, dắt con theo. Một thanh niên vượt biên thoát mới tới Thái lan đánh điện về cho cha mẹ: “Ba má nhớ hôm nay là ngày sinh nhật của con không?” và cha mẹ mỉm cười, hiểu.

Có ba cách vượt biên.

Cách chính thức, sướng nhất là có người thân, cha mẹ, vợ chồng hay con cái ở ngoại quốc xin cho được đoàn tụ gia đình. Trường hợp đó được chính phủ cho phép, được ủy hội quốc tế tị nạn (Haut commissariat des réfugiés: H.C.R.) giúp đỡ. Đơn gởi rồi, sáu tháng hay một hai năm sau được đi. Sớm muộn là tùy mình biết “phải trái” hay không. Đi thì gia sản để lại hết, chỉ được mang theo ít tư trang với ít tiền ăn đường.

Cách bán chính thức, theo nguyên tắc, cho người Việt gốc Hoa, nhưng người gốc Việt mà muốn thành gốc Hoa thì cũng không khó. Có tiền là được hết.

Một người đứng ra tổ chức, nộp đơn xin cho cả nhóm người - khoảng vài trăm - vượt biên kèm theo hồ sơ của từng người, và nộp cho chính phủ 4 lượng vàng. Chính phủ cho phép rồi, bọn người đó tập trung lại một nơi, hùn nhau đóng thuyền, đóng xong, chính phủ sẽ cho công an xuống xét thuyền, xét lí lịch, hành lí từng người (mỗi người cũng chỉ được mang theo ít tiền thôi), rồi cho phép nhổ neo ra khơi, chính phủ bảo đảm an ninh cho tới khi ra hết hải phận quốc gia, rồi từ đó thuyền muốn đi đâu thì đi, chính phủ không biết tới. Rất ít nước chịu tiếp thu bọn đó, và xét kĩ từng người rồi mới cho lên bờ.

Có thuyền chở khẳm quá, thuyền đóng cho 200 người thì chở tới 300, lại thêm chính quyền địa phương “gởi” một hai trăm người nữa, ngồi chen chúc nhau như cá hộp, không nhúc nhích được, như vậy ba bốn ngày, ăn uống, đi tiểu rất bất tiện mà cũng rán chịu. Có chiếc vừa ra khơi được vài chục hải lí, gặp cơn dông, chìm, xác chết tấp vào bờ, ngồn ngang trên bãi cát.

Có trường hợp chính phủ đã nhận đủ vàng, thuyền đóng chưa xong thì có lệnh trên hoãn các cuộc vượt biên chính thức lại; hoãn cả năm rồi và hiện nay (1980) còn rất nhiều người phải ở chỗ đóng thuyền, vì họ làm khai sinh giả, nhà đã bị tịch thu, chỗ đâu mà về. Họ xin chính phủ trả lại số vàng, chính phủ chỉ trả một phần ba, hoặc trả tất cả theo giá vàng chính phủ định, không bằng 1/5 giá vàng trên thị trường. Họ lêu bêu, thành một bọn vô gia cư, vô nghề nghiệp, sống cực điêu đứng.

Cách thứ ba là đi chui, nghĩa là đi lậu. Một người đứng ra tổ chức, một nhớm từ 20 đến 4-5 chục người, hùn nhau từ 4 đến 7-8 lượng vàng đóng thuyền, kiểu thuyền đánh cá, mua một bãi biển, nghĩa là đút lót cho công an, chính quyền ở làng có bãi biển, đút lót cả cho công an vài nơi chung quanh để người vượt biên khỏi bị xét hỏi, thuyền yên ổn được rời bến ban đêm. Công an những nơi có bãi biển đó nhờ vậy làm giàu rất mau, có kẻ chỉ một hai năm được vài chục lượng vàng và ôm vàng vượt biên. Do đó mà trong dân gian xuất hiện truyện tiếu lâm dưới đây.

“Một hôm nọ, người canh lăng bác Hồ bỗng thấy xác ướp của bác biến đâu mất, hoảng hốt đi tìm khắp nơi, tìm ở nhà sàn của bác không thấy, về quê hương bác ở Nghệ an cũng không thấy, nghi rằng bác vào chơi thành phố của bác, liền vào Sài gòn kiếm, sau cùng một đêm, thấy bác ngồi một mình, rầu rĩ ở bến Sáu kho, thành phố Hồ Chí Minh, hỏi bác, sao lại ra ngồi đấy, bác đáp: “Bác không muốn ở nước này nữa, muốn qua phương Tây đây, mà tụi công an đòi bác sáu cây, bác có cây đâu mà nộp cho chúng”

“Cây” là “cây hai lá rưỡi” nói tắt, tức một lượng vàng vì mỗi lượng có hai lá rưỡi vàng”.

Thường là thoát được, ít khi gặp tàu tuần; nhưng nhiều khi gặp bão, thuyền chìm, làm mồi cho cá mập, hoặc gặp bọn cướp biển Thái lan. Chúng vơ vét hết, chỉ chừa cho mỗi người một cái quần cụt, và có thiếu phụ bị chúng hiếp dâm tới 19 lần (6). Sau cùng may phước tới được bờ biển Thái lan hay là một đảo Mã lai - sướng nhất là được một tàu Tây phương vớt - lúc đó mới kể là còn sống.

Có một trường hợp xui lạ lùng. Một đoàn người lên được một đảo Mã lai, ở được ít lâu rồi một hôm chính quyền trong đảo lùa họ xuống hết thuyền của họ, bảo đề đưa đến một đảo khác; nhưng ra khơi, chúng cắt đỏi cho thuyền trôi đâu thì trôi (máy móc bị chúng gỡ rồi) và ít ngày sau, thuyền giạt vào bờ biển Cà mau, bị bắt giam hết, người thì 5-6 tháng, người thì 3 năm.

Mặc dầu nguy hiểm như vậy, người ta vẫn không sợ, thua keo này bày keo khác. Có người tới lần thứ tư mới thoát, lại có người lần thứ 10 vẫn chưa thoát, mà sản nghiệp tiêu tan hết, không biết sống bằng gì.

Có người mạo hiểm dám băng ra khơi bằng một chiếc tắc ráng (ho-bo): loại xuồng nhỏ, chở được độ mươi người, chạy bằng xăng, lướt trên nước rất mau. Vậy mà thoát được

Từ cuối 1979 thêm một cách vượt biên nữa bằng đường bộ, ngã Cao miên. Hoặc theo xe nhà binh, hoặc theo người Miên đi buôn lậu, lên tới Nam vang rồi tới Battambang, Sisophon. Phải mang theo vàng để đóng thuế mãi lộ. Tới biên giới Thái lan, nếu biết tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ được Ủy hội quốc tế tị nạn giúp đỡ. Nghe nói cách đó chỉ tốn 2-3 lượng, mỗi chuyến đi chỉ được vài ba người ăn bận như bọn buôn lậu. Cũng nguy hiểm như vượt biển. Một đứa cháu nhà tôi trong túi chỉ có 100 đồng, không biết tiếng Miên, không quen ai ở Miên mà cũng vượt biên cách đó

Người nào vượt biên được một nước nào tiếp thu rồi, được trợ cấp hay kiếm được việc làm rồi, cũng gởi ngay về cho thân nhân một gói thực phẩm, thuốc uống, qưần áo... bán được một hai ngàn đồng. Họ làm lụng cực khổ, (rửa chén trong quán ăn...) nhịn hút thuốc đề giúp gia đình vì biết rằng người ở lại thiếu thốn gấp mười họ. Chính nhờ họ mà nhiều gia đình miền Nam mới sống nổi, nhờ họ một phần mà dân miền Nam có thuốc tây để uống, có vải may quần áo, không đến nỗi rách rưới quá. Trong hoạn nạn tình cha mẹ, con cái, vợ chồng lúc này lại đằm thắm hơn xưa. Cái rủi thành cái may.

Về vật chất họ được đầy đủ, nhưng về tinh thần họ rất đau khổ. Nhớ bà con họ hàng, nhớ quê hương xứ sở, nhớ day dứt, gia giết. Họ khóc thương thân phận anh hay em ở trong các trại cải tạo mỗi bữa chỉ được một nắm bo bo; thân phận cha mẹ chú bác phải đẩy chiếc xe bán củi, bán chuối dưới mưa, dưới nắng, đau ốm không có thuốc uống; thân phận con cháu quanh năm không được một li sữa, một cục đường. Ở một xứ gần như trời luôn luôn u ám, họ ước ao được nhìn thấy một tia nắng, một nền trời xanh, và khi trời xanh, ánh nắng hiện lên thì họ càng nhớ quê hơn nữa; họ muốn được vuốt ve thân cây chuối nhẵn bóng và mát rượi; được nhìn ánh vàng nhảy múa trên những tàu dừa phe phẩy dưới gió nồm; nhìn hoài những con đường thênh thang trải nhựa, họ chán ngấy, mơ tưởng được đi chân không trên những con đường đất ở giữa hai bờ cỏ, dưới bóng lưa thưa của hàng so đũa, ven một cánh đồng lúa xanh: mặt đất ấm hơn mặt đường nhựa biết bao mà có gì thơm mát bằng mùi lúa xanh, sau mấy năm ngửi mùi xăng nhớt.

Có những thiếu phụ thay đổi hẳn tính tình: ở nước nhà thì thích trang điểm, đi dạo phố, họp bạn; qua nước người thì suốt ngày ở trong phòng lau chùi, quét tước, nấu ăn cho chồng con, không chịu ra đường, chồng con lôi kéo cũng không đi; một ngày kia họ sẽ loạn tinh thần mất. Khổ nhất là những bà 50-60 tuổi, không biết ngoại ngữ, không sao thích ứng được với đời sống Tây phương, mới xa quê được một năm đã đòi về, ngày nào cũng ngóng tin nhà, và được thư thì đọc đi đọc lại tới thuộc lòng. Ngày đêm họ cho quay băng “Sài gòn ơi, li biệt” của Thanh Thúy, băng “Ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong” của Phạm Duy mà khóc mướt. Giọng ảo não không kém bài hát của dân tộc Do thái khi bị đày ở Babylon hồi xưa.

Trong số những người ở lại, đáng thương nhất là những cặp vợ chồng già không có con cái, bị chính phủ chặn lương hưu trí, rán sống lây lất vài năm, bán hết đồ đạc để ăn rồi tự tử.

Rồi tới những người sản nghiệp tiêu tan vì đi kinh tế mới hoặc vì vượt biên mấy lần mà thất bại, sống cầu bơ cầu bất ở vỉa hè các thành phố lớn nhỏ như bọn ăn mày.

Rồi những cô giáo, cô kí chồng đi cải tạo 5 năm đằng đẵng, ở nhà xoay xở đủ cách, làm việc đêm ngày, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bốn năm đứa con, vài tháng lại tiếp tế cho chồng một lần. Họ vì hoàn cảnh mà hóa đảm đang, tư cách lại cao lên, không chịu nhận sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè.

Rồi những thiếu nữ học hết Đại học sư phạm hay Luật mà không muốn làm công nhân viên vì lương thấp quá, kiếm một cái sạp nhỏ nửa thước vuông bán thuốc rời hay quần áo cũ, thuốc tây ở lề đường, vất vả nhưng kiếm được 10- 15 đồng mỗi ngày, đủ cơm cháo cho cha mẹ và em. Họ lễ phép, chăm chỉ, dễ thương.

Tất cả những người đó và còn nhiều hạng người khác nữa đáng tự hào là ngụy. Ngụy mà như vậy còn đáng quí gấp trăm bọn tự xưng là “cách mạng” mà tư cách đê tiện.

Có ai chép Ba đào kí cho thời đại này không nhỉ? Trong tập kí đó dày ít gì cũng vài ngàn trang, truyện buồn rất nhiều mà truyện vui cũng không thiếu, truyện nào cũng cảm động, đánh dấu một thời và làm bài học cho đời sau được


Người Ta Đã Nhận Định Sai

Vậy dù có lạc quan tới mấy cũng phải nhận rằng công việc xã hội hóa miền Nam này tới nay đã thất bại. Chỉ mới dựng được cái sườn thôi mà đã có nhiều dấu hiệu tỏ rằng sườn đó đã nghiêng ngả: rất nhiều cán bộ đã hủ hóa, hùng hục làm giàu bằng mọi cách, thành một bọn tư sản rồi, tinh thần quân đội đã sa sút, hợp tác xã nông nghiệp đã thất bại, chính sách kinh tế mới phải bãi hỏ; một vài địa phương đã rụt rè lập lại chế độ tư bản: cho dân mặc sức kiếm lợi, cho chợ trời tha hồ phát triển, cho tăng giá xe đò, cho mua xăng và dầu lửa tự do, giá gấp mấy chục lần giá chính thức. Xí nghiệp đánh cá Côn sơn được dùng chính sách chia lời; hễ nộp đủ số cá cho chính phủ rồi thì làm thêm được bao nhiêu, được chia nhau hưởng. Chỉ trong một hai năm, xí nghiệp phát triển rất mạnh, mua thêm được mấy chục chiếc tàu mới, thuyền trưởng được chia 2.000 đồng một tháng, thủy thủ 1.500 đồng (lương bộ trưởng chỉ khoảng 200 đồng); chính phủ thấy vậy buộc họ chỉ được tiêu một phần ba số đó còn thì phải gởi ngân hàng, nhưng không biết họ có tuân không.

Ngành nào cũng kẹt, kẹt cứng, chính quyền không biết xoay xở ra sao, vá chỗ này thì toạc chỗ khác, càng dùng những biện pháp nhất thời thì càng lúng túng. Ngay các cán bộ trung kiên cũng phải nhận rằng tình hình mấy năm sắp tới còn nguy kịch hơn, chỉ còn trông cậy vào việc tìm mỏ dầu ở ngoài khơi Vũng tàu. Nếu trong ba năm nữa không tìm được mỏ nào có thề khai thác mà có lợi, không sản xuất được dầu thô thì tương lai dân tộc sẽ ra sao? Mà nếu tìm được thì lại phải chịu cái nguy khác: rất có thể Việt nam thành nơi tranh chấp về dầu giữa các cường quốc. Thật bi đát.

Chỉ tại người ta đã tính lầm. Thắng được Mĩ rồi, người ta tin rằng sẽ làm bá chủ bán đảo Đông dương, không nhận định được đúng tình hình thế giới.

Người ta nhận định sai tài năng, đạo đức, tinh thần hi sinh của cán bộ, tưởng rằng cao lắm và có thề dể dàng kiến thiết miền Nam thành một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ngờ cán bộ tuy rất đông mà rất kém cỏi về mọi mặt, mà tối đại đa số không ưa xã hội chủ nghĩa, thích đời sống miền Nam hơn.

Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-75, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kĩ thuật, nghệ thuật, văn hóa; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc...; cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm (7) chứ đừng nói là người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!

Như vậy mà đưa cán bộ Bắc vào cai trị họ, dạy chính trị họ thì làm sao không thất bại? Bọn đó quê mùa, ngu dốt, nghèo khổ, vụng về, tự cao tự đại, bị người Nam khinh ra mặt, mỉa mai; lớp dạy chính trị cho dân chúng mỗi ngày một vắng, hiện nay cả năm không họp một lần.

Một thất bại nặng nề của cách giáo hóa đó là báo Nhân dân không ai đọc, người ta mua về để bán “ve chai”, ngay cả bộ Lénine toàn tập cũng vậy.

Sau 5 năm, cả triệu cán bộ và thường dân Bắc vào Nam mà Bắc Nam miễn cưỡng sống với nhau, lơ là với nhau, Nam coi Bắc là bọn thực dân, tự coi mình là bị trị. Làm gì có sự hợp tác?

Ông Hồ Chí Minh rất sáng suốt, từ 1962 đã thấy sự thống nhất Việt nam không có lợi mà gây rất nhiều vấn đề khó khăn, chỉ tạo gánh nặng cho Bắc (coi lại cuối chương XXI). Nếu 1975 ông còn sống thì chắc ông để cho miền Nam trung lập (đúng như lời tuyên bố của Mặt trận giải phóng khi mới vô Sài gòn), làm một cửa sổ ngó ra thế giới bên ngoài, mà sẽ mau thịnh vượng, lợi chẳng những cho Nam mà cả cho Bắc nữa. Những người nối nghiệp ông tự cho là khôn hơn ông.





Chú thích


(1) Kravchenko. J' ai choisi la liberté. Trang 114 (Seft-1948).

(2) Tháng 7 năm 1981, lương đã được tăng gấp hai, nhưng chính phủ cho tay này thì lấy lại bằng tay khác: giá nhu yếu phẩm, vé xe đò, tem gởi thư.. . cũng tăng lên như vậy, có thứ tăng gấp 10 nữa.

(3) Tháng 8 - 1980. một cán bộ giáo dục ở Hà nội vào báo tôi bây họ phái ăn độn 90%, cực khổ hơn những năm 1973 – 1974 nhiều lắm, mà tình trạng đó còn kéo dài lâu. Thân phận không bằng con heo ở trong Nam.

(4) Thời này nước mình xuất hiện nhiều ca dao và truyện tiếu lâm hơn thời cuối Lê nữa; trong một đoạn ở sau về Phong trào vượt biên, tôi sẽ chép một truyện tiếu lâm. Nghe nói đã có người thu thập những ca dao và truyện tiếu lâm đó để lưu lại.

(5) Do đó mà có câu mỉa mai này: vá ruột xe máy thì được 3 đồng mà vá ruột ngườỉ chỉ được 8 hào.

(6) Coi phụ lục “Kinh hoàng trên đảo Kokra” ở cuối bộ.

(7) Một thím làm tổ phó lo về đời sống được công an phường gọi đi học tập. Mới hết buổi đầu, thấy công an chỉ dạy cách dò xét, tố cáo đồng bào (ăn uống ra sao, chỉ trích chính phủ không, khách khứa là hạng người nào...), thím ta xin thôi liền, về nói với bạn: “Tôi không làm công việc thất đức đó được”. Lớp học đó bỏ luôn.



























1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin chân thành cảm ơn!